Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
817
116.620.384
 
Cử nhân Phan Văn Trị Nhà văn hóa, nhà thơ bút chiến
Đặng Trần Tụy

Lịch sử văn học Việt Nam đã ghi lại nhiều cuộc bút chiến. Trong thời kỳ cận đại nổi bật nhất là cuộc bút chiến giữa nhà thơ - chiến sĩ Phan Văn Trị với tên tay sai đầu hàng giặc Pháp Tôn Thọ Tường.

 

Phan Văn Trị sinh năm 1830 tại làng Hưng Thạnh huyện Bảo An tỉnh Vĩnh Long, nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre.

 

Thủa nhỏ ông đã nổi tiếng học giỏi và làm thơ hay. Ông đã đỗ cử nhân khoa thi Kỷ Dậu niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1849): vì chẳng có chức tước gì của triều đình nên người ta thường gọi ông là ông Cử Trị.

 

Vốn khinh ghét quan trường, lại thêm nỗi bất bình về triều đình nhà Nguyễn đã đối xử thậm tệ với dòng họ ông nên vừa thi đỗ xong, Phan Văn trị liền tiềm nơi ẩn thân với nghề dạy học, ông dạy học ở làng Bình Cách (tỉnh Tân An) sau rời về làng Phong Điền (tỉnh Cần Thơ).

 

Sống trong xã hội phong kiến được đào luyện trong nhà trường phong kiến nhưng do nhìn thấy những bất công và thối nát thời đó. Phan Văn Trị đã tỏ chán ghét cả cái chế độ phong kiến mà ông đang sống.

 

Tương truyền, khi còn trẻ có thời gian Phan Văn Trị sống ở kinh đô Huế. Một hôm, ông đứng chơi trên bờ sông Hương, chợt nhìn thấy mấy người lặn dưới sông mò ốc, khi nổi lên bị rong quấn vào cổ. Tức cảnh ông liền đọc hai câu thơ:

 

"Phú quý Trường An rong quấn cổ

Phong lưu kinh địa, chấy đầy đầu"

 

Hai câu thơ vừa tả cảnh thực vừa nói lên thái độ của Phan Văn Trị: Ông coi kiểu sống giàu sang, đài các của bọn phong kiến chỉ là dơ bẩn, bám vào đầu vào cổ dân nghèo. Dưới con mắt ông, bọn vua quan nhà Nguyễn sống ở mảnh đất từng được xưng tụng là "Thần kinh" chỉ là một phường sâu mọt, chỉ là một lũ chấy rận.

 

Cụ thân sinh Phan Văn Trị vốn quen thân với cụ Phan Thanh Giản (Phan Thanh Giản cũng quê Bến Tre) nên sau khi ông thi đỗ cử nhân, cụ bèn dẫn con đến gặp họ Phan, với mục đích tiến cử, nhờ họ Phan giúp đỡ con mình. Phan Văn Trị có lần đưa cho Phan Thanh Giản xem bài thơ "Con mèo" mở đầu bằng hai câu thơ:

 

"Mấy tầng đài các sải chân leo

Nhảy nhẹ chi cho bằng giống mèo"

 

Phan Văn Trị cũng đưa Phan Thanh Giản xem bài thơ "Hột lúa". Ở bài thơ này ông mượn hình ảnh "hột lúa" để gửi gắm tâm sự đồng thời cũng chê trách triều đình nhà Nguyễn đã đối xử tệ bạc với dòng họ ông, một dòng họ đã trải qua nhiều đời có công giúp nước.

Tương truyền, có lần cùng bạn thân là Đốc học Trưng đi bộ từ Cần Thơ đến Bình Thủy, dọc đường Phan Văn Trị vừa đi, vừa đái, vừa ngâm:

 

"Đứng lại làm chi cho mất công

Vừa đi vừa đái vẽ nên rồng"

 

Qua những sự việc rất tiêu biểu trên chúng ta thấy cả triều đình, cả bọn vua quan, cả cân đai áo mão đối với Phan Văn Trị chẳng đáng giá một xu. Ông cũng chứa đựng trong lòng sự oán ghét triều đình nhà Nguyễn rất sâu sắc.

 

Thực dân Pháp xâm lược ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (từ năm 1859 - 1862), rồi chúng lại xâm chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ (năm 1867).

 

Ngay từ đầu, Phan Văn Trị đã là một trong những người kiên trì chủ trương kháng chiến chống Pháp và hăng hái đứng về phía nhân dân chống giặc. Ông đã cùng với bầu bạn đồng tâm, đồng chí chí của mình như các ông: Nguyễn Thông, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Đốc học Trưng... luôn luôn bàn bạc việc đánh đuổi giặc ngoại xâm. Phan Văn Trị thường đi đây đi đó để cổ động nhân dân đứng lên đánh giặc và tích cực giúp đỡ phong trào kháng chiến.

 

Phan Văn Trị là một trong những người đầu tiên đề xướng phong trào "Tỵ địa" (tìm đất lánh nạn) và được đông đảo sĩ phu Nam Kỳ hưởng ứng. Phong trào "Tỵ địa" đã làm cho thực dân Pháp gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định nền thống trị ở những nơi chúng đã chiếm đóng được. Bạn ông cử nhân, nhà thơ Nguyễn Thông (1827 - 1894) là người chủ xướng việc thành lập "Đồng Châu xã", một tổ chức của người đồng hương Nam Kỳ "Tỵ địa" ra tỉnh Bình Thuận.

Phan Văn Trị đã cùng với nhiều ngòi bút của các nhà thơ yêu nước khác như: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Hồ Huấn Nghiệp, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt...) hợp thành một mặt trận chiến đấu bên cạnh cuộc chiến đấu bằng quân sự do Trương Công Định, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực cầm đầu nhằm mục đích tiêu diệt kẻ thù chung, bọn cướp nước và quân bán nước.

 

Phan Văn Trị đã sử dụng thơ của mình như một vũ khí vô cùng sắc bén và lợi hại. Ông thực sự là một nhà thơ - chiến sĩ.

 

Thơ Phan Văn Trị phần nhiều qua hình thức ngụ ý, qua hình ảnh ẩn dụ để nói lên chí hướng và tâm sự của mình. Từ những con vật, những hình ảnh gần gũi, những vật dụng thường ngày (con trâu, con mèo, con cào cào, con muỗi, ông Táo, hột lúa, cái cối xay...) ông đã nâng lên thành hình tượng, thành vấn đề để nói về Tổ quốc về nhân dân, đồng thời cũng là để vạch mặt bọn bán nước hại dân, quân cướp nước.

 

Phan Văn Trị đã dùng ngòi bút của mình đi tiên phong trong cuộc bút chiến giữa những người sĩ phu yêu nước với tên Việt gian bán nước Tôn Thọ Tường.

 

Tôn Thọ Tường là một trong những tên võ sĩ bỏ Tổ quốc chạy theo làm tay sai cho giặc. Hắn làm hai bài thơ: "Từ Thứ qui Tào", "Tôn phu nhân qui Thục" và 10 bài thơ "Tự thuật", cố lấy lớp phấn mốc để che bộ mặt bán nước của hắn.

 

Để lột mặt nạ giả dối của Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị đã làm bài thơ "Hát bội" (đáp lại bài thơ "Từ Thứ qui Tào"), bài thơ họa bài "Tôn Phu nhân qui Thục" và 10 bài thơ họa lại 10 bài "Tự thuật" của Tôn Thọ Tường.

 

Trong cuộc bút chiến chống lại những tên tay sai bán nước lúc nào ông cũng giữ được tinh thần và bầu nhiệt huyết tràn đầy khí thế và tinh thần cách mạng.

 

Những năm cuối đời, trong bối cảnh nhân dân đang phải chịu cuộc sống khổ cực lầm than, ông rất đau buồn.

 

Ông tỏ ra hết sức khinh bỉ bọn bán nước. Một hôm nhân buổi Phan Văn Trị đến tìm thăm và ngồi ăn cơm mắm với nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, khi nhắc đến Tôn Thọ Tường theo giặc, ông cười to nói với cụ Đồ Chiểu:

 

"Thằng Tường làm quan lớn, vì vậy có người bảo nó khôn, còn tôi vầy, họ nói tôi khùng. Mà anh nghĩ coi, khùng thì khùng chớ!".

 

Những năm cuối của cuộc đời ông, Tổ quốc ta đang lâm vào cuộc sống đen tối dưới gót sắt của giặc ngoại xâm, Phan Văn Trị rất đau buồn. Qua mười bài thơ liên hoàn "Cảm hoài" ta thấy nỗi buồn đau của Phan Văn Trị toát ra trên từng câu thơ của ông.

 

Phan Văn Trị mất ngày 16 tháng 5 năm Canh Tuất (22-6-1910) tại Phong Điền - Cần Thơ, nay là xã Nhơn Ái - huyện Châu Thành - tỉnh Cần Thơ, thọ 80 tuổi.

 

Để tưởng nhớ đến công đức của danh nhân văn hóa Phan văn Trị, khi quê hương vừa giải phóng, Huyện ủy, chính quyền và nhân dân huyện Châu Thành tỉnh Cần Thơ đã tiến hành trùng tu ngôi mộ Phan Văn Trị ở Phong Điền. Hàng năm chính quyền và nhân dân huyện Châu Thành (Cần Thơ) đều tổ chức trọng thể ngày mất của ông.

 

Tại quê hương Phan Văn Trị, đầu năm 1998, Huyện ủy, UBND huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) đã lập dự án và chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện công trình xây dựng nhà tưởng niệm Phan Văn Trị tại quê nhà của ông ở xã Thạnh Phú Đông. Nhà tưởng niệm hoàn thành vào dịp kỷ niệm 89 năm ngày mất của ông (22-6-1999). Huyện ủy, UBND huyện Giồng Trôm thống nhất làm lễ khánh thành nhà tưởng niệm và lễ giỗ đầu tiên của danh nhân văn hóa Phan Văn Trị trên đất Thạnh Phú Đông vào ngày 22-6-1999.

 

Việc xây dựng nhà tưởng niệm Phan Văn Trị trên đất Thạnh Phú Đông bị chậm là do trước kia những dữ liệu về quê hương, nguồn gốc ông chưa có tính thuyết phục và nhất quán.

 

Mãi đến năm 1985, nhân cuộc hội thảo về danh nhân Phan Văn Trị tổ chức ở Cần Thơ, các nhà khoa học ở Viện khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện ra bộ sách "Quốc triều hương khoa lục" của Cao Xuân Dục trong đó nói rõ tên tuổi, quê quán đích thực của Phan Văn Trị khi ông đi thi và đỗ cử nhân.

 

Hiện nay, trường phổ thông trung học huyện, thư viện huyện và câu lạc bộ thơ văn huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) đều vinh dự được mang tên Phan Văn Trị.

 

Đặng Trần Tụy
Số lần đọc: 6229
Ngày đăng: 19.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ook – Om –Bok Hay Sampeah Preah Khe của đồng bào Khmer ở Trà Vinh - Hồng Băng
Đi tìm - Võ Tấn Cường
Văn xuôi ĐBSCL qua cái nhìn của những người trong cuộc - Trương Trọng Nghĩa
Có một loài rau dân dã - Nhật Linh
Hành trình cây khóm - Nhật Linh
Sóng Trắng - Lê Ái Siêm
Cà Mau và hạt ngọc phù sa - Lê Tương Ứng
Chùa cổ Tiên Châu - Trần Thành Trung
Đặt trúm ở rừng U Minh - Phan Trung Nghĩa
Đọc “Diện mạo văn học dân gian Nam bộ” của Nguyễn Văn Hầu - Nguyễn Viết Chung