Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
632
116.493.038
 
Đóng góp của John K. Whitmore cho các nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á
Lê Hải*

Victor Lieberman 2011, Lê Hải dịch[1]

 

Tôi vinh hạnh được nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á cùng John Whitmore trên 40 năm, đầu tiên là trợ giảng cho ông ở Đại học Yale và trong 26 năm vừa qua là đồng nghiệp tại Đại học Michigan. Tôi được là người đầu tiên thưởng thức vô số các mối quan tâm nghiên cứu của ông, cả về đề tài lẫn tiến triển, độ nhạy về tư duy, mức quan tâm đến chi tiết minh xác, cách nhìn riêng về khu vực, chưa nói đến khả năng làm việc - một luận đề, ba bộ sách đồng tác giả, thêm ba bộ sách là chủ biên hoặc đồng chủ biên, thêm chừng 50 bài viết các loại. Trong điều kiện hàng chục năm nghiên cứu có thể tóm gọn vào một bài viết ngắn, tiểu luận này sẽ chỉ ra những ảnh hưởng của John vào các nghiên cứu[2] Việt Nam và Đông Nam Á.

 

Dù rằng, rất nhiều điểm thiếu chuẩn xác trong kiến thức của chúng tôi về nhiều vấn đề cơ bản của lịch sử Việt Nam chắc chắn vẫn còn đó và dù rằng các nhà khoa học tương lai có thể coi nghiên cứu của thế hệ chúng tôi là áp đặt, người ta dễ quên rằng hiểu biết khoa học về Việt Nam trước thời thuộc địa giới hạn đến mức nào khi John bắt đầu nghiên cứu của ông vào giữa thập niên 1960. Trong quyển lịch sử được coi là chuẩn mực xuất bản hồi năm 1964 – tác phẩm 807 trang [Lịch sử Đông Nam Á] A History of South-East Asia[3], vỏn vẹn chỉ có 7 trang dành cho Annam và Tonkin từ sớm nhất là 1620 và chừng 21 trang cho giai đoạn 1620-1820. Cơ bản ở đó có chuyện vua chúa, dòng tộc, các cuộc chiến, bổ sung bằng vài báo cáo về các hoạt động của người phương Tây sau 1620. Chúng tôi đã vượt qua được điểm tiếp cận này để nhìn vào các vấn đề rộng hơn của bản địa hóa và tiếp biến văn hóa, thay đổi xã hội và kinh tế, phân chia trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam, tư tưởng vùng miền ở miền bắc và miền trung Việt Nam, và phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các khu vực khác ở Đông Nam Á, đặc biệt là trong giai đoạn 1200 đến 1600, rất nhiều là nhờ công của John Whitmore.

 

Đề án nghiên cứu đầu tiên của ông, nằm trong luận văn tiến sĩ và tiếp tục bằng nhiều bài viết quan trọng, tập trung vào sự phát triển của nhà Lê thời thế kỷ 15, bao gồm các thay đổi về ý thức hệ mà người ta gọi là cuộc cách mạng Tân Khổng giáo. Trong lúc các nhà khoa học trước đó chỉ ngó sơ qua cơ cấu xã hội và phân chia phe phái của thời Lê (1427-1527) và không chú ý gì đến sự đặc biệt về tổ chức hay tư tưởng chính trị của nhà Lê, thì John cảm nhận được rằng chính quyền nhà Lê chính là nơi pha trộn giữa tư tưởng Tiền Khổng giáo, giai đoạn đại Đông Nam Á cùng với Tân Khổng giáo, và quá trình ảnh hưởng Trung Hoa hẹp trong lịch sử Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa chống quân Minh (1407-1427) tạo ra nhà Lê được John coi không chỉ đơn giản là một cuộc khởi nghĩa yêu nước như diễn giải của các sử gia Mác-xít hay theo tư tưởng dân tộc, mà như là một phong trào của nông dân, phần nào có biết chữ, chủ yếu là người Việt, tầng lớp lãnh đạo địa phương ở Thanh Hóa trong vùng miền núi phía nam chống lại sự thống trị của một tầng lớp lãnh đạo, nho sinh được giáo dục theo hệ thống Trung Hoa ở đồng bằng sông Hồng, xây dựng sự nghiệp cùng với quân chiếm đóng nhà Minh. Sau khi đánh đuổi nhà Minh thì câu hỏi đặt ra tất nhiên là ai sẽ ảnh hưởng nhiều trong chính quyền, và trong hơn 3 thập niên, phe quân sự Thanh Hóa cùng hậu duệ đã thắng. John chứng minh rằng chỉ sau thay đổi của Lê Thánh Tông vào năm 1460 thì chính sách mới bắt đầu cân bằng hơn. Trong khi tiếp tục dành cho các gia đình quân nhân Thanh Hóa những vị trí cao, đặc biệt trong quân đội, người lãnh đạo mới với cả ý thức về luật nhà Minh lẫn ứng xử tế nhị với giới khoa bảng, đã tạo ra nhiều thay đổi trong tổ chức và chính sách không ngại hướng về các tiêu chuẩn nhà nước của Trung Quốc.

 

Về mặt hành chính, cuộc cách mạng Tân Khổng giáo bắt đầu thời Lê Thánh Tông đã chuyển lối lãnh đạo cá nhân và địa phương về hướng các kỳ thi làm quan chức định kỳ, hệ thống hành chính thực sự ở trung ương, các tổ chức theo kiểu nhà Minh được chỉnh sửa, và hệ thống sổ thuế ở các tỉnh, cũng như gia tăng đáng kể thông tin bằng văn bản giữa thủ đô và vùng quê, và cuộc cải tổ quân sự kiểu nhà Minh. Về văn hóa, Lê Thánh Tông cũng tăng tốc chuyển đổi từ hệ thống tôn giáo trộn lẫn tục thờ thần, thờ Khổng và thờ Phật tương tự như ở các chế độ khác ở Đông Nam Á - nơi mà nhân vật nam làm lãnh đạo, tức là cơ chế “vua” sẽ phong thần cho các thành hoàng để có lợi cho chính quyền, nhưng không quan tâm gì đến các định chế xã hội – sang thành hệ chính thống Tân Khổng giáo với cơ chế “hoàng đế” cư xử như biểu tượng của đạo đức và chuyển đổi xã hội qua quan hệ gia đình và ảnh hưởng luân lý. Về đối ngoại, nhiều thế kỷ chấp nhận văn hóa láng giềng Ấn Độ nhường chỗ cho quá trình “mọi rợ” phải tiếp nhận các tiêu chuẩn “văn minh”. Trên thực tế thì đó là cuộc tấn công và tách ly láng giềng phía nam của Việt Nam là Chămpa, và việc tăng tốc đầy kịch tính quá trình thuộc địa hóa miền nam. Cũng với cùng tinh thần này chế độ mới mở rộng quyền lực nhanh chóng về phía vùng núi của người Thái ở phía tây. Mặc dù mỗi nơi có khác và duy trì ảnh hưởng mạnh yếu khác nhau, các qui định chính trị và văn hóa, chưa nói đến tham vọng lãnh thổ, dưới triều Lê Thánh Tông đặt ra một mô hình cho các lãnh đạo Việt Nam đem vào thế kỷ 19. Chỉ từ cuối thập niên 1400s chúng ta mới có thể nhắc một cách chắc chắn và rõ ràng về một vùng ảnh hưởng[4] của Khổng giáo Trung Hoa trên phần lục địa Đông Nam Á, phân biệt rõ với khu vực ảnh hưởng của Ấn Độ và Phật giáo tiểu thừa ở phía tây và nam Việt Nam. Cho nên, nói về tầm quan trọng bản lề của triều Lê mới, thì John là người đầu tiên phát hiện ra.

 

Nhưng vậy thì Việt Nam bước vào khúc ngoặt ở thế kỷ 15 như thế nào? Quan trọng là trong một giai đoạn ngắn, John khẳng định rằng không phải các phe phái chính trị trong triều hồi thập niên 1460s lẫn vai trò của Lê Thánh Tông có thể giúp giải thích sự chuyển đổi mạnh và chắc chắn như vậy - sự thay đổi mạnh đến nỗi làm suy yếu cơ sở ban đầu của nhà Lê dựa trên lực lượng Thanh Hóa. Sau khi mô tả những chuyển đổi trước đó của nhà Lê, John quyết định nghiên cứu nhà hậu Lý (1009-1225) và nhà Trần (1225-1440) để bóc tách những gì ông đã suy diễn, chính xác như là đã dự đoán, rằng những chuyển đổi nhẹ nhàng nhưng đáng kể trong kinh tế, tri thức và chính trị qua vài thế hệ đã mở đường cho sự thay đổi ban đầu của triều Lê.

 

Để chuẩn bị cho nghiên cứu này, trong tiểu luận quan trọng vào năm 1986 [Voi thực sự có thể bơi] Elephants Can Actually Swim[5], ông đã dùng các tài liệu Trung Hoa để minh chứng qua một số chi tiết về độ gần của Việt Nam trong thập niên 1200s với thể chế Ấn Độ như các nơi khác trong vùng Đông Nam Á. Về cơ bản ông tạo ra một đường cơ sở để đo độ dịch chuyển của Việt Nam vào năm 1500. Giai đoạn 900-1220 các mối quan hệ gia đình ngay cả trong triều thường là lỏng lẻo và cả hai giới, hơn là phụ hệ. Giáo phái Indra phối hợp giữa Ân giáo và Phật giáo, tương tự như ở Pagan và Angkor, được dùng để kết hợp thần thánh địa phương. Tôn giáo thủ đô thì pha trộn, lẫn lộn, và không có chủ thuyết rõ ràng, còn uống máu ăn thề là nghi lễ man rợ để kết nối. Hệ thống hành chính cỡ như hệ thống chính trị trung ương phân quyền của Pagan và Angkor, thuế má lúc có lúc không; bộ máy hành chính và quá trình đào tạo nói chung là giới hạn; trong khi các thể chế tôn giáo tự trị của Phật giáo được hưởng quyền tự trị cũng giống như các nơi khác trên lục địa trước 1250. Nói một cách khác, dưới thời Lý, bất kể ảnh hưởng đặc biệt của Trung Quốc, Việt Nam là một phần của khu vực văn hóa lỏng lẻo pha trộn Phật giáo, Ấn giáo và đạo thờ thần cũng như các quốc gia ở cả vùng lục địa lẫn trên các đảo của Đông Nam Á. Những phát hiện của John cũng được xác nhận trong công trình của Keith Taylor và O.W. Wolters[6].

 

John cũng phát hiện thấy sự xâm nhập chủ yếu của văn hóa Trung Hoa vào giới tri thức Việt Nam bắt nguồn từ sự gia tăng ngoại thương từ thế kỷ 12 đến 15. Mặc dù nhá Lý, không giống triều đại Pagan và Angkor lúc bấy giờ, dựa vào khu vực cao hơn, trung lưu con sông trong lãnh thổ hơn là phần đất bờ biển, sự gia tăng số thương gia Trung Quốc[7] dưới thời Nam Tống (1127-1276) đã khuyến khích các mối liên kết bờ biển trong khu vực hạ lưu sông Hồng, nơi tuyến đường biển tập trung vào cảng mới ở khu vực Vân Đồn[8]. Tăng ngoại thương đường biển cũng giúp tăng làn sóng thương gia Trung Quốc và tăng ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc liên kết với sự phát triển của chính Trung Hoa ở vùng biển đông nam. Trong vai trò hưởng lợi từ ảnh hưởng của văn hóa nho sinh và tài sản biển, nhà Trần (1225-1400) vốn là hậu duệ của những người Trung Quốc nên đã ủng hộ sự ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong triều và ở thủ đô. Đặc biệt, nhà Trần lần đầu tiên cấp chức vụ cao hơn cho các khoa sinh tốt nghiệp, dùng hệ thống đăng ký nhân khẩu theo kiểu Trung Quốc để tiếp cận nguồn nhân lực làng xã, và áp đặt mô hình Trung Quốc trong truyền ngôi, mà sau này trở thành qui tắc vĩnh viễn. Tuy nhiên nhà Trần cũng tiếp tục chấp nhận các hình thức văn hóa trước đó và giữ nguyên hệ thống chính quyền tướng lãnh hơn là quan lại, nơi những mối quan hệ cá nhân, gia cảnh và phe nhóm vẫn còn mang tính quyết định và các hoàng tử nhà Trần hơn là các quan nho văn vẫn còn kiểm soát hệ thống quyền lực. Nói cách khác, nhà Trần thể hiện một giai đoạn chuyển đổi giữa mô hình chính quyền bản địa hơn là hoàn toàn theo mô hình Trung Hoa.

 

Cũng như John đã diễn giải, đối trọng về tri thức với những thay đổi xã hội và chính trị đó là sự gia tăng ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo Trung Hoa thời bấy giờ, bắt đầu từ thập niên 1330s, rời bỏ tư tưởng Phật giáo sang Khổng giáo cổ điển, ví dụ như thể hiện qua học giả Việt Nam Chu Văn An. Sang thế kỷ 14 ảnh hưởng của Khổng giáo càng thêm áp đảo. Lập luận của John cho rằng đây là kết quả trưc tiếp của cuộc khủng hoảng lớn và nhiều mặt trong kinh tế và chính trị khiến đất nước bị Chế Bồng Nga (mà John gọi là “vị vua vĩ đại cuối cùng” của Đông Nam Á thời cổ điển) chiếm đóng từ phía nam, mà cuối cùng đã chuyển hướng nhà Trần, và khiến cho giới nho sinh Việt Nam phải tuyệt vọng tìm phương pháp tái lập ổn định. Từ khủng hoảng này, đầu tiên hiện ra triều đại ngắn ngủi của Hồ Quý Ly, cũng là một hậu duệ Trung Hoa ở bờ biển, muốn ủng hộ một hệ phái đặc biệt của tư tưởng Trung Hoa cổ điển, và sau đó là cuộc chiếm đóng của nhà Minh (1407-1427) nhằm tái lập “chính danh” và đưa “văn minh” vào vùng đất Việt Nam đầy bất ổn. Thông qua hệ thống trường lớp và ủng hộ giáo dục, nhà Minh đã cắm sâu đáng kể ảnh hưởng nho giáo vào Tonkin (Bắc Bộ) và nuôi dưỡng cho hệ thống Tân Khổng giáo hiện đại mà Lê Thánh Tông sau này sẽ đưa vào cuộc cách mạng trong tổ chức chính phủ và văn hóa chính thống. Các diễn biến nhiều mặt này diễn ra trong khoảng từ 1300 đến 1427, hoàn toàn then chốt để hiểu hệ thống Tân Khổng giáo của Lê Thánh Tông, đã được John trình bày trong tập sách quan trọng về Việt Nam [Hồ Quý Ly và triều Minh] Ho Quy Ly, and the Ming (1371-1421) và nhiều bài viết tham dự hội thảo sau này.

 

Nếu đây là tất cả những gì mà John đã nghiên cứu, thì chúng ta đã vô cùng biết ơn rồi, nhưng trên thực tế ông còn không ngại kể tiếp câu chuyện xã hội và văn hóa sang thế kỷ 16. Quan trọng hơn cả là ông nhìn thế kỷ 16 như cuộc đấu tranh tiếp diễn giữa một bên là tầng lớp nho sĩ ở đồng bằng thể hiện qua nhà Mạc đã thay thế nhà Lê và chiếm Đông Kinh từ 1527-1592, còn bên kia là các lãnh tụ quân sự ít ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc và trấn giữ từ Thanh Hóa đến Nghệ An trên các vùng cao. Trong vai trò kế thừa văn hóa từ nhà Lê, nhà Mạc tiếp tục củng cố bộ luật Tân Khổng giáo, trường học, và các kỳ thi ba năm một. Việc họ thất thế năm 1592 giúp xu hướng chuyên chính võ biền có phần thắng thế, nhưng thế mạnh và uy tín của giới nho sinh giúp luật lệ Tân Khổng giáo tiếp tục được duy trì và ảnh hưởng đáng kể vào cuối thế kỷ 17, cuối thế kỷ 18 và đa phần thế kỷ 19. Ảnh hưởng này tiếp tục gia tăng cả ở phía nam lẫn phía bắc.

 

Nói ngắn gọn, John đã đặt cuộc cách mạng Tân Khổng giáo trong bối cảnh 4 thế kỷ phát triển chính trị, văn hóa và xã hội. Chắc chắn ông không phải là chuyên gia duy nhất nghiên cứu nhà Trần, gian đoạn đầu của nhà Lê, hay nhà Mạc. Có người nhắc đến ví dụ như là công trình của O.W. Wolters về lịch sử tri thức, hay nghiên cứu của Keith Taylor về nguồn gốc ở thế kỷ 16 của tiến trình Nam tiến của Việt Nam, hoặc các nghiên cứu về kinh tế, chính trị và pháp lý của Li Tana, Esta Ungar và Insun Yu. Nhưng không có gì là nói quá nếu cho rằng những hiểu biết hiện nay của chúng ta về bốn thế kỷ then chốt trong lịch sử Việt Nam, từ 1200 đến 1600, phần nhiều là từ các công trình nghiên cứu không mệt mỏi và đầy thuyết phục của một người: John Whitmore.

 

Và chừng ấy vẫn chưa hết những công lao của John như đã không mệt mỏi đưa ra cái nhìn toàn phần[9] về lịch sử lâu dài (longue dureé) của Việt Nam trước thời thuộc địa và mối quan hệ với các mô hình trong khu vực. Đặc biệt giá trị với những sinh viên quan tâm đến “bức tranh lớn”, những nghiên cứu này kết nối những sự kiện và qui luật trong giai đoạn 1200-1600 với những gì xảy ra trong giai đoạn Nam Bắc phân tranh (1620-1802) và chính quyền thống nhất của nhà Nguyễn trong thế kỷ 19. Trong nhiều trường hợp các nghiên cứu đó cũng đưa ra những so sánh điểm giữa Việt Nam và khu vực Đông Nam Á ảnh hưởng Ân Độ, thậm chí cả Triều Tiên. Thể hiện một dải rộng các mối quan tâm khoa học và khả năng trong phương pháp, những góc nhìn toàn phần đó bao gồm cả một nghiên cứu tuyệt vời - chắc chắn là lịch sử tiền tệ hay nhất trong số các tác phẩm đề cập đến Đông Nam Á - về nguồn chảy quốc tế của tiền xu vào và quanh Việt Nam từ thế kỷ 13 đến 18 cùng ảnh hưởng vào xã hội và kinh tế địa phương, hay một công trình khảo sát sự thay đổi của vai trò phụ nữ ở Việt Nam trong thiên niên kỷ thứ hai, rồi là một phân tích thật khéo léo về bản đồ Việt nam từ giữa thập niên 1400s đến cuối 1800s, và cả một nghiên cứu về vai trò của các thủ đô thứ hai trong lịch sử Việt Nam, cái nhìn toàn phần về thương mại đường biển của Việt Nam và Đông Nam Á trong giai đoạn 1000 đến 1600, ba khảo sát về ảnh hưởng của giới nho sinh và xu hướng lâu dài về hệ thống hành chính Trung Hoa, và so sánh giữa tổ chức xã hội – bao gồm di sản, giai cấp và di cư - của Việt Nam thời tiền thuộc địa với các phần khác ở Đông Nam Á. Nghiên cứu vừa kể cho thấy độ lỏng và tính nước đôi của Đông Nam Á dần bị khắc chế và chuyển kênh sang hệ thống phụ hệ và gia đình Khổng giáo.

 

Cuối cùng, mặc dù là sử gia về thời tiền thuộc địa của Việt Nam, John cũng là tác giả hoặc đồng tác giả của một vài nghiên cứu về di dân người Việt ở Hoa Kỳ, cuộc đấu tranh vươn lên tầng trên của xã hội, các thành công về kinh tế, và viễn kiến trong ngành đại học. Như vậy ông đã đưa Việt Nam học đến thời đương đại.

 

Nói ngắn gọn, qua nỗ lực không ngừng và tiếp cận sáng giá, John Whitmore đã đặt dấu ấn riêng cho toàn bộ một khu vực sử học. Hơn vậy, ở giữa con đường nghiên cứu đã ở thập niên thứ năm của ông, tôi hạnh phúc nói rằng năng suất lao động của John có vẻ như chỉ có tăng.



[1] GS Victor Lieberman dạy ở khoa sử Đại học Michigan, lấy bằng tiến sĩ năm 1976 ở Đại học London sau thời gian nghiên cứu ở Đại học Yale. Bài gốc có tựa đề John K. Whitmore’s contribution to Vietnamese and Southeast Asian studies, trang 15-19 trong tập sách do Michael Arthur Aung-Thwin và Kenneth R. Hall biên tập, New Perspectives on the History and Historiography of Southeast Asia – continuing explorations do hai thế hệ học trò của Whitmore viết để vinh danh ông, Routledge vừa xuất bản năm 2011. Các chú thích trong bản gốc được lược bỏ vì chủ yếu là dẫn đến các tác phẩm thao khảo, cũng như 4 trang mục lục các tác phẩm mà Whitmore đã viết. Độc giả có thể tìm đọc một số bài viết của ông đã được Ngô Bắc đã dịch sang tiếng Việt ở trang http://www.gio-o.com/NgoBac.html. Chú thích trong bài này là của người dịch.

[2] Chữ trong bản gốc là Vietnam studies hay Southeast Asian studies là một ngành học tổng hợp, gọi là Việt Nam Học và Đông Nam Á Học. Tuy nhiên đó là một ngành học liên ngành và lấy hệ thống lý thuyết từ khu vực học – area studies, ngành học khởi nguồn từ Hoa Kỳ mà hiện ở Việt Nam cũng đang bắt đầu phổ biến với ảnh hưởng mạnh từ hệ phái Nhật Bản, như một số sách giáo khoa và bài giảng tiếng Việt trên mạng

http://publisher.vnu.edu.vn/home/node/65, http://ocw.tdt.edu.vn/course/view.php?id=271, http://www.bbc.co.uk/vietnamese/specials/

170_viet_studies/page19.shtml. Bài này dịch ở đây cũng như ở tựa đề là “các nghiên cứu” vì muốn làm hiện rõ nghĩa về ảnh hưởng của quan điểm sử học của Whitmore vào các công trình khác sau này.

[3] Theo chú thích của tác giả Victor Lieberman thì D.G.E. Hall dựa chủ yếu vào quyển lịch sử bằng tiếng Pháp của Lê Thành Khôi, Le Viet-Nam: Historie et Civilisation trong Editions de Minuit xuất bản ở Paris năm 1955.

[4] Độc giả muốn hiểu rõ hơn về hình thái Khổng giáo tại Việt Nam có thể đọc bản dịch tiếng Việt do Ngô Bắc thực hiện từ bài luận của John Whitmore trong tạp chí nghiên cứu The Vietnam Forum do ĐH Yale xuất bản năm 1987 (số 9, Winter-Spring, trang 49-65): From Classical Scholarship to Confucian Belief in Vietnam [Từ giáo dục cổ điển thành đạo Khổng tại Việt Nam], bản trên mạng tại địa chỉ:

http://www.gio-o.com/NgoBac/

NgoBacJohnKWhitmoreKhongHoc.htm. Gần đây John Whitmore tiếp tục có bài viết về tôn giáo và lễ nghi ở triều chính Đại Việt (Religion and Ritual in the Royal Court of Đại Việt), toàn văn tiếng Anh có thể đọc tại trang nhà của Đại học quốc gia Singapore ở địa chỉ

 http://www.ari.nus.edu.sg/docs/wps/wps09_128.pdf,

trung tâm nghiên cứu châu Á ARI xuất bản năm 2009.

[5] Độc giả quan tâm có thể đọc bản dịch tiếng Việt

của Ngô Bắc ở địa chỉ

http://www.gio-o.com/NgoBac/NgoBacJWhitmore2Elephants.htm

[6] Độc giả quan tâm hơn đến quan điểm này có thể đọc bài viết của Keith Taylor trong hội thảo vinh danh GS Wolters về giai đoạn Lý Phật Mã (1028-1054) và Lý Nhật Tôn (1054-1072)

http://www.gio-o.com/NgoBacKWTaylorSuKyToanThu.htm.

Ngô Bắc cũng dịch khá nhiều bài của Wolters trên trang này.

[7] Bài phân tích kỹ hơn về mối quan hệ giữa thương gia Trung Quốc và nho sĩ Việt Nam được đăng trên tạp chí Hoa kiều năm 2010

http://csds.anu.edu.au/volume_4_2010/05-3_Whitmore_2010.pdf

[8] Bài viết quan trọng về đề tài này của John K. Whitmore cũng đã được Ngô Bắc dịch sang tiếng Việt, lưu trữ trên mạng ở địa chỉ

 http://www.gio-o.com/NgoBacJohnWhitmoreBien1.htm

[9] Sinh viên ngành sử thường tham khảo niên biểu do Whitmore biên soạn ở địa chỉ mạng

 http://afe.easia.columbia.edu/main_pop/kpct/ct_vietnam.htm, hay bài khái quát trên tạp chí đặc biệt The Vietnam Forum

 http://www.yale.edu/seas/VF8.pdf. Độc giả quan tâm muốn tìm các bài viết hay sách tiếng Anh trên mạng về lịch sử Việt Nam chỉ cần đánh tên John K. Whitmore hoặc cụm từ John Whitmore Vietnam là sẽ google ra vô số công trình nghiên cứu mớI nhất vì hầu hết đều trích dẫn hoặc đi theo con đường của John K. Whitmore.

Lê Hải*
Số lần đọc: 2200
Ngày đăng: 16.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Do Đâu Qui Ninh Thành Qui Nhơn Và Diên Ninh Thành Diên Khánh? - Nguyễn Lục Gia
Vịnh Xuân Đài: Duyên Cách Và Sự Kiện - Nguyễn Lục Gia
Họ Tộc Lê Văn, Cuộc Chia Ly Gần Hai Thế Kỷ - Diệp Hồng Phương
Công Nghiệp Tiên Chúa Nguyễn Hoàng - Nguyễn Lục Gia
Từ một cuộc hành quân phối hợp dưới thời nhà Thanh, thử so sánh khả năng hàng hải giữa hai nước Trung Việt thời bấy giờ. - Hồ Bạch Thảo
Một Cuộc Phiêu Lưu Quân Sự Của Nhà Thanh Và Sự Vụ Đòi Người Từ Phía Thanh Triều - Nguyễn Lục Gia
Việt Nam - Philippines: 0-2 trên sân bóng biển Đông - Đinh Kim Phúc
Chính Phủ Pháp Ở Đông Dương Có Liên Tục Thực Thi Chủ Quyền Của Việt Nam Trên Hai Quần Đảo Hoàng Sa-Trương Sa Trong Giai Đoạn 1909-1945 Hay Không? 1 - Đinh Kim Phúc
Chính Phủ Pháp Ở Đông Dương Có Liên Tục Thực Thi Chủ Quyền Của Việt Nam Trên Hai Quần Đảo Hoàng Sa-Trương Sa Trong Giai Đoạn 1909-1945 Hay Không? 2 và hết. - Đinh Kim Phúc
Phản biện lập luận của nhà nghiên cứu Hàn Chấn Hoa về lãnh vực sử địa cổ có liên quan đến Biển Ðông….1 - Hồ Bạch Thảo
Cùng một tác giả
Quê Mẹ (truyện ngắn)
Hiện tượng học (tiểu luận)
Bàn về mỹ nghệ (nghệ thuật)
Việt Nam là gì? (nghệ thuật)