Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
770
116.621.524
 
Lễ hội tôn vinh thơ hay lễ hội diệt thơ?
Hoàng Xuân Hoạ

Nghe tin, ngày 3 tháng 9 năm 2011, tai số 2, phố Hoa Lư, Hà Nội diễn ra Lễ hội thơ lục bát, “sự kiện văn hoá đặc sắc, độc đáo và nhân văn!”. Tôi vội xếp mọi việc nhà lại để đi… xem.

 

Khi thấy tôi hỏi mượn thằng cháu nội cái xe máy, bố mẹ cháu can: - “Trời sắp mưa, ông đi tắc xi cho an toàn”. - Các con nói thế nhưng nghĩ một mình “cưỡi” cả một cái tắc xi, tiếc tiền, nên cứ xe máy mượn tôi đi. Đến nơi, thấy Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đông vui chật kín dưới sân, chật kín trên các thềm hè nhà triển lãm.

 

 

Một sân khấu rộng có mái che, cả sân khán giả ngồi xem cũng có chiếc dù lớn che cho khán giả khỏi ướt mưa. Cái dù, dù có đôi ba chỗ “sứt chỉ đường tà” nhưng vẫn không hề dột, hắt mưa là mấy, cứ che thêm tờ báo lên đầu, hay mảnh bìa các tông vẫn đứng xem ngon lành, thấy kệ ông trời gieo mưa!

 

Ới giờ ơi là giời ơi, các cụ tổ nền thơ lục bát ở đâu về đây mà chứng kiến việc con cháu mở lễ hội để tôn vinh… mình. Chỗ này một quán thơ, góc kia một quán thơ trông như quán hàng nước, quán hoa quả, lại có cả quán bày trầu cau. Sách thơ bày trên những cái bàn hàng đống lớn nhỏ. Cuốn in có nhà xuất bản nọ kia hẳn hoi, có cuốn in vi tính, copy, bìa được chế bản trên máy vi tinh in màu loè loẹt, nhem nhuốc rất phản cảm. Nội dung bên trong thì đúng là thứ thơ… lục bát hò vè… đọc qua thấy họ kính chả bõ phiền, thêm lo cho thơ lục bát đang bị dân đầu lậu lợi dụng để “buôn thơ” từ những người cao tuổi thích danh, thích nổi tiếng, đổ xô nhau tham gia một CLB thơ trên diện rộng đến trên 6000 người!

 

 Thực tình, không dám bỉ báng cái lễ hội này nhưng xem ra có gì đó hơi bị ai ái, đồng cô, đồng cậu một cục! Nhiều “đội văn công  thơ” từ các tỉnh cơm đùm cơm nắm thuê ô tô kéo nhàu về. “Phục chế” mấy bộ quần áo xanh, đỏ, tím, vàng trông như cánh cào cào, khắn vấn, khăn đóng vàng, xanh, đỏ cả vài cô bé áo quần mớ ba mớ bảy được người lớn đẩy đít lên sân khấu quay múa cho thêm hoành tráng… và họ thưởng thế là nghệ thuật, là lục bát thơ ?! Một “ông đồ” quốc ngữ “dị nhân” kè kè bên cạnh một chú tiểu đồng đầu trọc còn lại ba chòm tóc ngủ gật chờ ông nội bán những tập thơ in vi tính và viết thư pháp quốc ngữ bán “lộc” cho các “thi huynh thi hữu” dự hội(!).  

 

Thôi thì đình đám, hội hè một buổi cho hứng phấn tinh thần các cụ ông, cụ bà để các cụ sống vui sống khoẻ lấy một ngày giữa thủ đô ngàn năm văn hiến cũng chả sao!    

 

Điều đáng bàn ở đây là giải thưởng cuộc thi thơ  “Lục bát ngàn năm hồn Việt, Tân Mão – 2011”. Ban tổ chức phát động cuộc thi để hưởng ứng cuộc lễ hội. Hạn nộp bài từ ngày 10 - 5 - 2011, đến 31 - 7 – 2011. Trong vòng hơn hai tháng - bằng 82 ngày cho một cuộc thi thì làm sao có được thơ hay để mà trao giải nhất 10 triều; hai giải nhì, mỗi giải 5 triệu; 5 giải ba, mỗi giải 2,5 triệu và sáu giải tư, mỗi giải 1 triệu?

 

Thi cử không có gì là sai, hay và đáng động viên phong trào quá đi dù giải được trao cho những bài chưa thật sự là thơ, kể cả giải nhất và giải nhì. Điều đáng bàn ở đây là bài thơ được trao giải ba. Bài “Mảnh đời”. Một bài thơ sai luật, sai cả ngữ nghĩa mà ban giám khảo cũng chấm giải ba thì kể cũng hơi là lạ lo lo cho thể thơ lục bát sắp trở thành quốc thơ!

Bài thơ đó như sau:

 

Mảnh đời

               

(Bài được giả ba)

 

Ông lão già, ghi – ta xưa

Đánh rơi tiếng nắng tiếng mưa trên đường

Chờ xin một ít tình thương

Bẽ bàng cho nhận nhún nhường người qua

Trần gian gần, thiên đường xa?

Ăn mày lạc giữa phố nhà cao sang

Ngày qua nhón gót khẽ khàng

Về đâu mảnh lá lang thang không mùa

Ước gì hoá kiếp còng cua

Chiều quê nghe tiếng chuông chùa vẫn vui

Ở nơi phố xá dập vùi

Lão đi thế thái ngậm ngùi đi theo

Ghi – ta khổ, ông lão nghèo

Ho lên mấy tiếng tẳng teo không cùng

Tôi nghe phím lạc dây chùng

Giữa trưa phố bỗng trập trùng đổ mưa.

(Theo báo Người cao tuổi, số 953 – 954, ra ngày 2- 9- 2011)

 

Trong thể thơ lục bát, tiếng thứ tư, cả câu sáu và câu tám bao giờ người làm thơ cũng phải gieo vần trắc, nếu gieo vần bằng là phạm, phá luật. Thì ngay câu sáu đầu tiên bài “Mảnh đời”, chữ thứ tư tác giả lại gieo vần bằng: “Ông lão già, ghi - ta xưa”. Các câu sáu  thứ 5, thứ 9, thứ 13 đều gieo vần bằng như vậy? (Chúng tôi gách đít các câu phạm luật ở bài thơ dẫn bên trên).

 

Thử bàn về ngữ nghĩa của cặp lục bát thứ hai:

 

- “Chờ xin một ít tình thương

Bẽ bàng cho nhận nhún nhường người qua”

 

Sao rứa? Ông lão đánh đàn ghi ta, hát xẩm để “Chờ xin một ít tình thương” thì rõ rồi. Còn người cho, người nhận thì ai là người “nhún nhường” trong việc này? Người cho nhún nhường, hay người nhận nhún nhường? Tôi nhún nhường cho anh, hay anh nhún nhường xin tôi bố thí? Nghĩa của hai tiếng nhún nhường “chỉ sự hạ mình một chút để tỏ ra khiêm tốn trong giao tiếp”, tác giả đem đặt hai tiếng nhún nhường vào cắp lục bát này nghe không ổn cả về ngữ nghĩa lẫn ý tứ của câu thơ.

       

Về cặp lục bát thứ năm:

 

- Ước gì hoá kiếp còng cua

Chiều quê nghe tiếng chuông chùa vẫn vui

 

Đồng ý rằng thơ là phi thực, là ảo, là vừa như có vừa như không. Một nhà lý luận văn học từng luận rằng:  “Trong tiếng Anh, thơ được xếp vào loại phi hư cấu (non-fiction). Trong tiếng Việt, thơ thường gắn liền với mộng, với mơ, nghĩa là với thế giới của tưởng tượng và hư cấu.

 

Vậy, thơ ở đâu?

 

Thơ, theo tôi, không thuộc về hiện thực cũng không thuộc về hư cấu. Thơ chỉ là một cách ảo hoá hiện thực. Nhận định này bao gồm ba khía cạnh: thứ nhất, thơ là một thế giới ảo; thứ hai, thế giới ảo ấy bắt nguồn từ hiện thực; thứ ba, dù bắt nguồn từ hiện thực, thế giới ảo ấy sẽ không tự động quy chiếu (refer) trở lại hiện thực…”(NHQ).

       

Cặp lục bát thứ năm, tác giả viết  “Ước gì hoá kiếp còng cua”. Còng cua, tức là cái càng của con cua. Càng con cua chỉ để cho con cua cắp mồi đưa vào miệng, và cắp để tự vệ khi bị kẻ khác tấn công. Còn việc nghe tiếng chuông chùa phải là nhiệm vụ của cái tai con cua mới đúng về sự “ảo hoá hiện thực”...

Về cặp lục bát thứ sáu:

 

- Ở nơi phố xá dập vùi

Lão đi thế thái ngậm ngùi đi theo

 

Hai tiếng thế thái (nhân tình thế thái), nguyên nghĩa là: “lòng người và thói đời, hoặc nỗi đời…”. Xét cả nội dung bài thơ thì có gì, có ai khinh miệt, kỳ thị ông lão hát xẩm này đâu mà gieo chữ “thế thái” vào? Rất khiên cưỡng! Trách gì, nhà thơ hậu Bút Tre Nguyễn Bảo Sinh đã… Bút Tre hai câu:

 

- Muốn đuổi khách ra khỏi nhà

Đọc thơ được giải khách ra khỏi liền.

 

Định tôn vinh thơ, định mở hội hàng năm để mong Unesco công nhận là di sản văn hoá phi vật thể mà đi trao giải cho một bài thơ sai sót về cách thể hiện như vậy thì... chỉ bịt mắt được mấy ông Unesco người Tây mù chữ Việt mà thôi. Nếu họ ký quyết định cộng nhận./.

Hoàng Xuân Hoạ
Số lần đọc: 1933
Ngày đăng: 06.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tuyển tập Còn Chút Nắng Sài Gòn. - Nhiều Tác Giả
Nỗi Đau Nho Nhỏ Của Người Yêu Sách - Vũ Anh Tuấn
Có một miền nhớ đòi lên tiếng - Trần Quang Quý
Nên Dẫn Đủ 35 Chữ Trong Chúc Thư Của Victor Hugo - Vũ Anh Tuấn
Trăn Trở Trước Thềm Năm Học Mới - Bùi Công Thuấn
Trả lại sự công bằng cho một nhà nghiên cứu thời tiền chiến - Vũ Anh Tuấn
Thế Hệ Kế Thừa - Trần Kiêm Ðoàn
Đọc Vùng đồi * của Phạm văn Nhàn - Trần Hoài Thư
Trả Lại Giá Trị Chân Chính Cho Truyền Thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy! - Hà văn Thùy
Ra mắt tập truyện ngắn và tạp văn Hiếu Tân- Từ Hải và Ẩn sĩ. - Nhiều Tác Giả