Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
599
116.607.111
 
Bàn về thứ hạng trong nghệ thuật
Lê Hải*

Trong tiếng Việt, có lẽ nghệ thuật (art) vẫn còn nguyên nghĩa như từ thời Leonardo da Vinci, được coi là một thứ gì đó cao siêu không phải điều thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng, có lẽ đã đến lúc cần phải bổ sung thêm nhiều khái niệm mới của thời đương đại và xây dựng thêm hệ thống vốn từ phù hợp, khi nghệ thuật còn bao gồm cả những hàng hóa tiêu dùng thường ngày, vật dụng đời thường trong trang trí nhà cửa, và các chương trình giải trí trên truyền hình hàng đêm. Bài viết này dựa vào hệ thống khái niệm được trình bày trong nội dung bài phân tích của GS Triết học nghệ thuật John Andrew Fisher: High Art versus Low Art, chương 41 (trang 527-540) trong tập sách do B. Gaut và D. Lopes biên tập, Routledge Companion to Aesthetics, Routledge xuất bản năm 2005, bản gốc tiếng Anh có thể đọc trực tuyến trên mạng ở địa chỉ http://www.colorado.edu/philosophy/paper_fisher_high_low_art.pdf,

cũng như các bài viết khác trên trang nhà của GS Fisher:

http://www.colorado.edu/philosophy/fac_fisher.shtml

 

 

Trước hết, người ta hay phân biệt giữa nghệ thuật cao và nghệ thuật thấp, cũng giống như giữa tác phẩm Hamlet và chú thỏ hoạt hình nổi tiếng Bugs Bunny, giữa dàn dây tứ tấu và ban nhạc rap, giữa sân khấu opera và phim giải trí. Sự phân biệt giữa sự cao thấp trong nghệ thuật có lúc còn được hiểu là tốt hay xấu, nhưng không hẳn là như vậy. Có khi sự phân biệt đó còn không rõ ràng là giữa các loại hình nghệ thuật khác nhau, hay là các thể loại khác nhau trong cùng một loại hình nghệ thuật, hay thậm chí giữa các chất liệu khác nhau để thể hiện cùng một biểu tượng nghệ thuật nữa. Nhạc thính phòng có thể được chuyển thành nhạc dễ nghe thuộc thể loại pop, vở nhạc kịch opera có thể được chuyển thành phim, hay tranh của Cézanne có thể được biến tấu thành vật trang trí đồ họa trong nhà, hay in trên áo phông v.v. Khi tất cả các dạng thức và biến thể khác nhau cùng được du nhập vào các nước (hậu) thuộc địa như Việt Nam thì ranh giới giữa nghệ thuật được coi là cao hay bị coi là thấp ở phương Tây hầu như bị xóa nhòa. Tất cả đều là nghệ thuật, chưa kể sự biến dạng giá trị do giá cả thị trường, thước đo đạo đức và nhân sinh quan chính trị nữa. Vậy mà sự khác biệt giữa nghệ thuật cao và thấp (high art – low art) chỉ là một góc hẹp của sự khác biệt giữa văn hóa cao và văn hóa thấp (high culture – low culture) mà thôi, tất nhiên, cũng bị biến dạng như cách hiểu trong tiếng Việt về tốt và xấu, tức là quan hệ giá trị đạo đức. Một số định nghĩa coi nghệ thuật (cao) là loại hình nghệ thuật duy nhất được chấp nhận, và không được mang chức năng chính trị, tức là tránh các ảnh hưởng về chính trị, kinh tế và đạo đức.

 

Khái niệm văn hóa ở tầng thấp tức là hạ tầng cơ sở thường gắn liền với cách hiểu văn hóa phổ thông (popular art hay rút gọn là pop art). Khi đó người ta coi công chúng là các nhóm có sở thích hay gu thẩm định văn hóa khác nhau, có thể chia không đơn giản thành 2 nhóm là cao và thấp mà phân loại thành 5 nhóm khác nhau, từ cao, trung bình cao, trung bình thấp, thấp và thấp ở mức tương tự như dân gian. Theo Herbert Gans thì mỗi nhóm công chúng đó ưa thích và tiêu thụ một loại hình văn hóa khác nhau. Nghệ thuật ở đây phản ánh tầng lớp và giai cấp trong xã hội. Nghệ thuật cao của thượng tầng kiến trúc tất nhiên không được chứa các nguy cơ đe dọa quyền lợi của tầng lớp cầm quyền. Thế nhưng tác phẩm nghệ thuật tự thân không cao cũng không thấp, mà chỉ được phân chia như vậy do cách mà các nhóm trong xã hội nhìn nhận và đánh giá. Do đó có thể coi khái niệm nghệ thuật đại chúng (mass art) là các loại hình nghệ thuật được sản xuất hàng loạt và phân phối đến số đông dân chúng trong xã hội. Nói cách khác đây là loại hình nghệ thuật thuộc loại phổ thông, là nghệ thuật dành cho công chúng bình thường hoặc là nghệ thuật được nhiều người ưa thích. Tác phẩm tranh của Cézanne là duy nhất nhưng công nghệ in tranh và chép tranh cho phép nhân bản để phục vụ công chúng bình thường với túi tiền bình dân. Nhạc kịch opera của Shakespeare có thể được quay phát trên truyền hình hay chuyển thể thành phim để công chúng đông đảo có thể thưởng thức với giá rẻ. Khi đó người ta có thể nói đến sự chuyển đổi từ nghệ thuật truyền thống sang nghệ thuật của xã hội công nghiệp.

 

Thế nhưng vẫn còn một loại hình văn hóa mà có lúc bị coi là nằm ngoài nghệ thuật, đó là giải trí, nhưng cũng có vị trí nhất định bên trong nghệ thuật, nhất là khi ngành công nghệ giải trí thường có thiên hướng đem nghệ thuật vào sản phẩm giải trí, hoặc xây dựng sản phẩm giải trí đến mức đạt giá trị nghệ thuật. Thường thấy nhất là trong phim ảnh, khi những cảnh quay và màu sắc được bố trí giống các bức tranh cổ điển, nhạc đệm lấy từ các tác phẩm cổ điển, hay theo chiều ngược lại, các nhà làm phim thoát khỏi thông lệ giải trí thị trường và đặt tiêu chí nghệ thuật, đánh giá nhau qua các liên hoan phim như ở Cannes hay một số nước châu Âu. Nghệ thuật nghiêm túc (serious art) dành cho một nhóm nhỏ người thưởng thức có trình độ giáo dục và văn hóa cao được đặt đối lập với sản phẩm giải trí (entertainment product) dành cho thường dân không có nhiều đòi hỏi trong cảm nhận.

 

Nhìn chung, “bất kể sự phân biệt có đúng lý hay không, giải trí và văn hóa đại chúng đang được giới làm nghệ thuật và các nhà lý thuyết nghệ thuật quan tâm hơn và nghiêm chỉnh hơn. Điều đó sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến thẩm mỹ. […] Các thử nghiệm cung cấp những hình thức nghệ thuật đại chúng có thể sẽ trở thành mối bận tâm chính tiếp theo cho môn lý thuyết nghệ thuật” (Fisher 2005:539).

 

Tham khảo:

Fisher, John Andrew 2005: High Art versus Low Art, chương 41 (trang 527-540) trong tập sách B. Gaut & D. Lopes ed., Companion to Aesthetics, Routledge.

Lê Hải*
Số lần đọc: 2904
Ngày đăng: 16.08.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đặc trưng xiếc - Tuấn Giang
Nghệ Thuật Múa Trên Đà Hội Nhập - Tuấn Giang
Sân khấu âm nhạc Việt Nam có gì lạ? - Bùi Đức Hào
Nổi Chìm Sân Khấu 2010 - Tuấn Giang
Đặc Trưng Nghệ Thuật Múa - Tuấn Giang
Những Thuyết Nguồn Gốc Nghệ Thuật - Tuấn Giang
Bài Lorca: - Hoàng Hưng
Văn Chương Cần Trình Diễn Hay Trí Thức ? - Trần Vũ
Đổi Mới Nghệ Thuật Xiếc - Tuấn Giang
Xem tranh Lê Ký Thương - Khổng Ðức
Cùng một tác giả
Quê Mẹ (truyện ngắn)
Hiện tượng học (tiểu luận)
Bàn về mỹ nghệ (nghệ thuật)
Việt Nam là gì? (nghệ thuật)