Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
769
116.528.529
 
Mờ Ảo Thời Thơ Dại
Lê Văn Thiện

Mới đây, trong đám tang ở nhà một người quen tôi gặp lại anh Huy. Tuy biết anh đi tu đã lâu, non bốn mươi năm, nhưng tôi vẫn sửng sốt. Ông sư già, hom hem, mặc chiếc áo vàng lụng thụng bạc màu, mang kính cận, không còn giống chút nào với anh Công Huy năm xưa từng học chung hai năm với tôi ở Nha Trang. Thời gian biến đổi mọi thứ trên đời, biết vậy, nhưng sự đổi thay này to lớn, khốc liệt, trên mức tưởng tượng hình dung của tôi quá xa.

 

Hè năm 1960 tôi từ biệt trường tiểu học tư thục ở huyện Vạn Ninh vào thành phố Nha Trang học trường Võ Tánh, trường trung học lớn nhất tỉnh, sau một cuộc thi tuyển. Được học tại Võ Tánh (nay gọi Lý Tự Trọng) là niềm hãnh diện của lớp trẻ thời đó.

 

Tôi với Huy mướn chung một phòng trọ nhỏ của một người đạp xích lô nằm trong con hẻm đường Núi Một. Đường này ở giữa phố nhưng nhiều người không biết, bởi nó hẹp và ngắn. Nó là một trong sáu ngã, tạo ra ngã sáu, kế đường Phước Hải (nay gọi Nguyễn Trãi), gần nhà thờ lớn. Thật thú vị khi khám phá ra cái “hang động” này. Từ đây tới trường rất gần, đến chợ Xóm Mới còn gần hơn nữa!… Anh Huy là thổ công, hướng dẫn chỉ vẽ cho tôi mọi việc. Hồi ấy chúng tôi đi học muộn, mới vào đệ thất tôi đã mười ba tuổi. Anh Huy đệ ngũ, trên tôi hai lớp, lớn hơn tôi ba tuổi, cao to như anh chàng lớp mười một bây giờ… Tôi nể phục Huy, anh giỏi, năng nổ, khéo tay, cái gì cũng biết. Anh phân công mỗi đứa đi chợ một ngày nấu ăn một ngày, kiểu tréo trả, nghĩa là nếu anh đi chợ thì tôi nấu cơm, và ngược lại. Huy có cuốn sổ tay “lịch sinh hoạt” của hai đứa, ghi rõ tiền nhà, tiền ăn, cùng các khoản lặt vặt. Trong mọi chuyện tôi đều phải chiều theo ý muốn của Huy. Anh nói: “Ta vô đây học là chính, mọi thứ khác đều phụ; ăn để sống, chớ coi trọng nó” Cho nên trong số tiền góp vào mua cá, tuần nào anh cũng trích bớt ra một phần ba để hai đứa đi xinê và ăn phở ăn chè! Huy ghiền không khí trong các rạp chiếu bóng, thích ăn quà vặt. Do tiền chợ ít ỏi nên bữa ăn của chúng tôi nghèo nàn, thảm hại, quanh quẩn các món canh bầu cá cơm, rau muống luộc chấm mắm nêm, cá hố dải kho mặn, mới thấy đã sợ chưa ăn đã ớn!

 

*

Được gia nhập vào tập thể mình thèm muốn, mơ ước, tôi vui sướng không kể xiết, thấy trong người lúc nào cũng lâng lâng, phiêu phiêu. Nghĩ lại, tôi thương ngôi trường tiểu học cũ nhà cửa thấp bé, rêu mốc, với đám học trò ăn mặc luộm thuộm, đủ màu sắc, hơn phân nửa đi chân đất. Trường Võ Tánh nhà lầu, đồ sộ, phòng học bóng loáng, khang trang, sân chơi rộng; học sinh đông, mặc đồng phục, “tém thùng” chững chạc…

 

Hơn bốn trăm người mới đậu vào được phiên chế thành chín lớp, tôi ở lớp đệ thất 9, lớp duy nhất chọn ngoại ngữ tiếng Anh, các lớp kia đều học tiếng Pháp. Dưới mắt tôi mọi thứ của Võ Tánh đều rực rỡ, hiện đại. Chuông điện báo giờ chiếm chỗ cái trống chầu. Những chiếc loa trong các phòng học thay ông văn thư vẫn thường đứng trước cửa lớp xướng oang oang mệnh lệnh của Ban giám hiệu. Đội ngũ thầy cô giáo đông đảo, phần lớn còn trẻ, dáng vẻ sang trọng, lịch lãm. Nhiều người đi dạy bằng xe hơi. Nhiều vị nổi tiếng, là tác giả sách giáo khoa. Tất cả được gọi là giáo sư. Mỗi người một vẻ, ai cũng có những điểm độc đáo, những thói quen tật lạ đáng yêu. Thầy Nhơn dạy văn giảng bài lôi cuốn, đằng hắng luôn miệng. Thầy Đào dạy tiếng Anh đi Vespa, dáng người bệ vệ. Thầy Điểm dạy vẽ vui tính, xuề xòa. Cô Anh hoa khôi, viết đẹp nói chậm, ăn mặc đỏm dáng. Thầy Thầm dạy nhạc hiền lành bác ái, không bao giờ cho ai dưới mười điểm. Thầy Bá dạy toán mặt thường đăm chiêu, chẳng mấy khi cười. Cô Tuất cười lớn đi mau, vạm vỡ, hệt như đô vật… Học lâu năm ở trường huyện, quen với những thứ nho nhỏ, cũ xưa, nay chú bé quê mở to mắt chiêm ngưỡng hình ảnh văn minh đô thị sáng trưng; đón mừng, cảm phục thầy cô mới, những người sẽ hướng dẫn mình bước vào những con đường rộng.

 

Khi tôi “an cư” với trường, lớp mới được chừng ba tháng, một bữa anh Huy hỏi:

- So với trường Tiểu học, mày thấy ở đây có gì khác?

Tôi đáp:

- Có nhiều.

Huy cười:

- Phải, rất nhiều… Điểm rõ nhất là tình thân, sự giao tiếp. Phố phường giàu đẹp, xe cộ xênh xang, người đông, nhưng cái gì cũng lợt, rời, loãng; bạn cùng lớp ít mặn mà, tình thầy trò phơn phớt! Nhiều thầy quá… Hóa ra, chẳng phải bao giờ nhiều cũng tốt!

 

Thấy tôi tắm tắc khen Nha Trang, Huy nói:

- Nên nhìn kỹ sự vật để phân biệt cao thấp, sáng tối. Theo mày, dân thành thị đặc biệt điểm nào?

Tôi lắc đầu. Anh bực:

- Thứ quái gì mày cũng không biết! Hãy nhìn thì sẽ thấy, Chúa nói thế! Đường hẹp, lầu cao nên khó dòm thấy xa. Nhà nhỏ, người đông, chật chội, sống chen chúc nên người ta quen với cái phạm vi vừa và nhỏ, dễ trở nên tầm thường, an phận, ít dám nghĩ tới những điều to tát… Phần đông là thế. Nói mày nghe chơi, chớ rao lung tung thiên hạ chửi!

 

Nhưng cũng có lúc Huy khen tôi:

- Mày có một điểm tốt, chưa chắc mày biết.

- Nói nghe.

- Học tiếng Anh. Thứ tiếng đó tương lai sẽ thông dụng.

- Sao anh không học?

- Cha tao cấm. Ông cụ ghét loại người đón gió… Cụ quá khích, độc đoán. Cụ nói: chẳng thấy bản hiến pháp nào ghi phải bỏ tù bọn hèn hạ, nịnh bợ, đón gió, cơ hội. Bất cứ thời điểm nào, ở đâu, bọn đó cũng làm hại, bôi bẩn xã hội… Nghe khá hung hăng, phải không?

 

Dạo đó Nha Trang có hai quán phở nổi tiếng: Hợp Lợi và Hai Chùa. Hợp Lợi giá đắt, sang hơn. Chúng tôi thường ăn quán không tên ở đường Hai Chùa (nay là Lê Thành Phương). Nơi này đông khách, phở rẻ mà ngon. Có lần Huy hỏi tôi:

- Ăn đây mày thấy có gì nổi bật?

Tôi không biết. Anh bảo:

- Có ba điểm: Một, quán ăn ngon mà chủ không phải người Tàu. Hai, khách phụ nữ ít, đàn ông chiếm hơn chín mươi phần trăm. Ba, sàn nhà đầy giấy bẩn và nhiều bãi đờm!

Anh nói đúng. Và anh thêm:

- Nên chịu khó quan sát, mọi nơi mọi vật, rồi tập nhận xét phán đoán phân tích, sẽ có lợi, trước tiên là ta thu được nhiều “nguyên liệu” để làm văn… Nhiều người bảo giỏi toán không giỏi văn, nhưng mày thấy đấy, toán tao mười bảy mười tám thì văn cũng mười ba mười bốn điểm.

Điều này anh lại đúng, anh là học sinh giỏi.

 

Trong hai năm sống chung Huy truyền cho tôi “hai món ghiền”: phim ảnh và sách. Dù tiền bạc lúc nào cũng túng thiếu nhưng chúng tôi thu vén để mỗi tuần ít ra cũng vào rạp được một lần. Thời kỳ đó điện ảnh thế giới sản xuất nhiều phim hay. Cho tới nay tôi vẫn nhớ như in phim “Ben Hur” chiếu ở rạp Tân Quang, “Ngày dài nhất” tại rạp Minh Châu, “Cầu trên sông Kwai” ở rạp Tân Tân; là các phim thuộc hàng tuyệt tác, đoạt nhiều giải Oscar. Nhưng cũng có mấy rạp chúng tôi chưa hề bước vào, là rạp Tân Tiến chuyên chiếu phim Ấn Độ, và rạp Thạnh Xương trụ sở của các đoàn hát bội… Sau phim đến sách, “tật đậm” thứ nhì của Huy. Trong một ngôi nhà đầu hẻm 22 đường Núi Một có phòng cho thuê sách. Huy đọc hết số sách nơi đó, chẳng chừa cuốn nào. Anh đọc đủ mọi thể loại, nhưng mê nhất là tiểu thuyết. Trong cặp của anh lúc nào cũng có một cuốn truyện. Ban đêm, học bài xong, anh đọc. Ngày đi học, gặp buổi có giờ nghỉ đột xuất, anh xuống biển, chui vào gốc dương ngồi đọc. Anh “thanh toán” toàn bộ tác phẩm của Lê Văn Trương, Hồ Biểu Chánh, Vũ Trọng Phụng, Tự Lực Văn Đoàn, cùng nhiều nhà văn khác, và hàng trăm cuốn truyện dịch của các tác giả nước ngoài. Anh thường nói:

- Nếu gặp ông thần đèn, tao sẽ ước một điều, xin ban cho tao nhiều tiền, đủ để lập một thư viện lớn. Tao sẽ mua về vài triệu cuốn sách, mở cửa cho mọi người vào đọc tự do, chẳng cần thẻ thiếc gì ráo. Riêng sinh viên học sinh nếu đọc nhiều còn được phát tiền bồi dưỡng, và tặng giấy khen!

 

Nha Trang gắn liền với biển. Nói đến Nha Trang không thể không nhắc tới biển… Chúng tôi có cách thưởng thức vẻ đẹp biển theo kiểu riêng. Vào những đêm trăng tỏ chúng tôi xuống biển hóng mát. Thường thì hai đứa đi xe đạp, mang theo chai nước lọc và chiếc chiếu nhỏ. Biển đêm thưa khách. Trên bãi cát, quanh chúng tôi, có khoảng vài chục người. Họ ngồi thành nhóm, cách xa nhau, nhiều nhóm hai người, chắc là những đôi nhân tình. Yên tĩnh. Không nghe ai nói lớn, ngay trẻ con cũng cười đùa vừa phải. Gió dịu. Tiếng sóng rì rào êm êm. Huy chỉ ra khơi, hỏi:

- Mày thấy gì ngoài kia?

- Biển, núi mờ mờ.

- Gì nữa?

- Đèn thuyền đánh cá.

- Đúng, mấy thứ đó… Trước kia ông cha ta cũng đã thấy chúng.

Rồi anh chỉ lên trời:

- Nhìn kia, thấy gì?

- Trăng, mây.

- Gì nữa?

- Sao.

- Ờ, các món đó, quen cả!… Mai này, trăm năm, ngàn năm nữa, khi tới nằm đây nhìn lên trời người sau cũng sẽ thấy những “ông bạn” đó.

 

Chúng tôi nằm, ngủ lơ mơ, hoặc nói lan man những chuyện vớ vẩn không đầu không cuối. Những người bán hàng rong qua lại, rao nhỏ. Hột vịt lộn. Đậu phộng luộc. Thuốc lá. Mía. Đậu hũ. Kẹo kéo. Chè đậu váng. Nghề sinh nhai âm thầm… Huy kể tôi nghe chuyện “bí mật” về các cô gái bán hàng dạo. Hai đồng một quả hột vịt lộn. Nhưng cũng có lúc giá đó tăng đến hai chục, ba chục đồng! Tùy lúc, tùy nơi. Người ta hiểu ngầm với nhau. Một khi có ý nọ kia, người mua hỏi: “Ngoài trứng hai đồng, còn trứng nào khác không, em gái?” Người bán sẽ cười, sẽ hứ háy, hoặc im lặng. “Có trứng hai chục đồng không?” Nếu cảm thấy thuận lợi, khách sẽ hỏi thẳng như vậy. Khi đã thỏa thuận, cô vịt lộn và người bạn mới sẽ lên đường nhựa, hay men theo mé biển đi về hướng đám dương tối om đằng xa (quãng đường Minh Khai, Biệt Thự hiện nay). Một đêm, thấy một nàng hột vịt lộn dẫn “bạn trai” vào vườn dương, Huy hỏi tôi:

- Nhìn cặp kia, mày nghĩ sao?

Suy nghĩ vài phút, tôi đáp:

- Kỳ cục… Có một chút gì lãng đãng, một chút bùi ngùi.

- Còn tao, lúc đầu tao thấy nó vừa buồn cười, vừa xót xa. Về sau tao lại nghĩ, đó là hình ảnh minh họa cho những điều người ta viết trong sách, một minh họa sậm màu… Nó cũng là sự hỗn mang của trần thế, sự phi lý của kiếp người…

 

Ngủ tới một, hai giờ sáng, lúc sương xuống lành lạnh, chúng tôi thức dậy, đi về.

 

*

Mấy năm sau, do gia cảnh bẩn chật, tôi nghỉ học sớm. Anh Huy học tiếp, thi đậu Tú tài, rồi vào trường Sư phạm. Kế đến, trong lúc tôi đinh ninh chắc anh đã tốt nghiệp, đi dạy, thì anh lại khoác áo thầy tu trong một ngôi chùa ở Vũng Tàu…

 

Quay về hiện tại, hôm tôi gặp lại Huy. Suốt buổi tôi dõi theo anh ở giữa tốp tu sĩ đông đúc, đi đứng chậm rãi, nét mặt nghiêm trang kín bưng. Tôi tự hỏi, anh thông minh, có mắt quan sát tinh bén, hiểu đời thấu đáo, vậy anh nhìn thấy gì ở cuộc sống mà anh đi tu? Có phải anh nghĩ rằng tu có thể làm cho con người thoát khỏi lớp vỏ hèn mọn nhỏ nhoi, là một trong các điều to tát, như ngày xưa anh nói?… Cuối buổi lễ tang tôi tới ngồi uống trà cùng bàn với Huy. Anh không nhận ra tôi. Cũng phải, đã quá lâu. Ngày ấy tôi còn là chú nhóc, nay đã ngoài năm mươi. Có lúc tôi định chào Huy, nhắc lại chuyện cũ. Nhưng rồi nghĩ, giữa một nơi huyên náo, quay mòng như thế này chẳng thể nào chuyện trò, tâm sự gì được, nên thôi. Và, làm theo mọi người, tôi nói với Huy vài câu xã giao phải phép, cung kính gọi anh bằng “thầy” ./.

 

Lê Văn Thiện
Số lần đọc: 1769
Ngày đăng: 02.08.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phiên Tòa - Kinh Dương Vương
Đánh Bóng Bản Ngã (*) - Văn Chấn Ngọc
Tao Khang - Lưu Thuỷ Hương
Mưa Chết - Lê Văn Thiện
Bất hiếu - Huỳnh Văn Úc
Chén Trà Biệt Ly - Xuân Tuynh
Gã Nhà Quê Đi Sài Gòn - Mang Viên Long
Ám Ảnh Đất - Vương Hà
Kẻ đồng hành - Lưu Thuỷ Hương
Nhét - Vũ Lập Nhật
Cùng một tác giả
Biển cũ (truyện ngắn)
Nó nằm trong túi áo (truyện ngắn)
Ngày đó (truyện ngắn)
Cực lạc (truyện ngắn)
Ao buồn (truyện ngắn)
Mây Khói Lên Trời (truyện ngắn)
Chết đường (truyện ngắn)
Như Nguyệt (truyện ngắn)
Cho Kẻ Khuất Mặt (truyện ngắn)
Nói Trong Đêm (truyện ngắn)
Mộng (truyện ngắn)
Ngoại Lệ (truyện ngắn)
Chợ Tối (truyện ngắn)
Quá đã (truyện ngắn)
Âm Thầm (truyện ngắn)
Chiếc phao (truyện ngắn)
Ánh Sáng Trước Mặt (truyện ngắn)
Chuyện Tình (truyện ngắn)
Có Miền Sông Nước (truyện ngắn)
Như Là Vô Định (truyện ngắn)
Chuyện Vườn Đào (truyện ngắn)
Róc Rách Suối Ngầm (truyện ngắn)
Cổ tích mới (truyện ngắn)
Người đi (truyện ngắn)
Lơ mơ Ngọ (truyện ngắn)
Kỷ Niệm (truyện ngắn)
Một lối tiện lợi (truyện ngắn)
Chờ Mong Mòn Mỏi (truyện ngắn)
Nắng Quái (truyện ngắn)
Kêu ai (truyện ngắn)
Quán vắng (truyện ngắn)
Mưa Chết (truyện ngắn)
Mưa Lạ (truyện ngắn)
Bàn Tay Ấm Áp (truyện ngắn)
Diễn Viên (truyện ngắn)
Gió đưa (truyện ngắn)
Buồn Một Mình (truyện ngắn)
Chia Tay (truyện ngắn)
Quế (truyện ngắn)
Ôm Đĩ Mất Tiền (truyện ngắn)
Đẹp Và Ảo (truyện ngắn)
Tình Quê Xa Khuất (truyện ngắn)
Thư Giãn (tạp văn)
Mần Ăn (truyện ngắn)
Quả Bóng (truyện ngắn)
Giàu Nghèo Ngổn Ngang (truyện ngắn)