Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
868
116.623.224
 
Bàn Thêm Về Cách Hiểu Chữ "Ngưu" Trong Một Câu Thơ Cổ
Trầm Thanh Tuấn

(Bài "Thuật hoài"của Phạm Ngũ Lão )

 

Phạm Ngũ Lão [范五老] (1255 – 1320) quê ở làng Phù Ủng, huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Ân Thi), tỉnh Hưng Yên, thuộc tầng lớp bình dân. Năm ông ngoài hai mươi tuổi, Hưng Đạo Vương thấy ông là người có tài, tin dùng trong nhà và đem con gái nuôi gả cho. Sau Phạm Ngũ Lão làm đến chức Điện suý thượng tướng quân, được phong tước Quan nội hầu. ông có nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông. Bên cạnh tư cách một vị tướng tài ba "Không chỉ chuyên về võ mà dụng binh thì khéo léo thần diệu, đánh là thắng, người xưa không hơn được" ([1]), Phạm Ngũ Lão còn là một thi nhân mặc dù thơ ông hiện nay chỉ còn lưu lại vẻn vẹn hai bài: Vãn Hưng Đạo đại vươngThuật hoài. Thế nhưng với số lượng hai bài ít ỏi ấy, Thuật hoài [述懷] lại là tuyệt phẩm của dòng thi ca yêu nước được nhiều người truyền tụng.

 

Nguyên tác chữ Hán

橫槊江山恰幾秋

三軍貔虎氣吞牛

男兒未了功名債

羞聽人間說武侯

 

Phiên âm

 

Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,

Tam quân tỳ hồ khí thôn ngưu.

Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

 

Dịch nghĩa

 

Cầm ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,

Ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng nuốt trôi trâu.

Thân nam nhi mà chưa trả xong nợ công danh,

Thì luống thẹn thùng khi nghe chuyện Vũ Hầu.

(Bản dịch nghĩa trong Ngữ văn 10, NXB GD, 2006)

 

Đây là bài thơ đã được đưa vào chương trình Văn phổ thông từ rất sớm. Tuy nhiên theo từng thời điểm thì cách hiểu về câu thơ: Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu [三軍貔虎氣吞牛] lại không phải lúc nào cũng đồng nhất bởi từ  ngưu trong câu thơ ấy có hai nghĩa: con trâu và sao Ngưu (Một vì sao trong Nhị thập bát tú [二十八秀]).

 

Cách hiểu thứ nhất: Ba quân mạnh như hổ báo hào khí xung thiên làm mờ cả sao Ngưu. Cách hiểu này được nhiều nhà nghiên cứu như: Trần Trọng Kim, Trần Đình Sử, Phan Hữu Nghệ…tán thành. Cách hiểu này có căn cứ của nó, bởi trong Hán Ngữ có thành ngữ Khí thôn Ngưu Đẩu 氣吞牛斗 - hùng khí có thể át cả sao Khiên Ngưu và sao Bắc Đẩu. Sau này trong bài thơ chữ Hán của Hồ Chủ Tịch, bài Đăng Sơn 登山cũng đã viết:

 

義兵壯氣吞牛斗

誓滅侵凌豺狼軍

Nghĩa binh tráng khí thôn Ngưu Đẩu

Thệ diệt xâm lăng sài lang quân

 

(Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu

Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy) ([2])

 

Và cách hiểu này cũng đã từng được thể hiện trong bản dịch sách Văn học 10 (NXB Giáo dục, 1998):

 

Vung giáo non sông trải mấy thu

Ba quân khí mạnh át sao Ngưu

Công danh trai trẻ còn vương nợ

Luống thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu

 

Sau này khi chỉnh lí hợp nhất thì ở sách Văn học 10 (NXB Giáo dục, 2000) các soạn giả vẫn giữ lại cách hiểu trên .

 

Từ trước đó rất lâu thì trong bộ Việt Nam sử lược nổi tiếng, học giả Trần Trọng Kim cũng đã dịch:

 

Múa giáo non sông trải mấy thâu

Ba quân hùng khí át sao Ngưu

Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu

 

Cách hiểu thứ hai: Ba quân mạnh như hổ báo khí thế nuốt trôi trâu. Với cách hiểu này, các dịch giả đã dựa vào các điển phạm được ghi trong các sách như Từ nguyên,Thi Tử, thơ Đỗ Phủ. Từ nguyên giải thích: Thôn ngưu, nguyên khí chi thịnh dã 吞牛元氣之盛也.Ý nói rằng khí thế rất hào hùng thể thể hiện ở động tác nuốt trâu. Sách Thi Tử có câu: Hổ báo chi tử, nhi vị thành văn, hữu thực ngưu chi khí 虎豹之子而未成文有食牛之氣. Nghĩa là: Con nhỏ của hổ báo tuy bộ lông chưa thành vằn rõ rệt nhưng cũng đã được cái khí thế nuốt trôi trâu. Rõ ràng ở đây, không thể hiểu mấy con hổ báo nhỏ này nuốt sao Ngưu được rồi. Bên cạnh đó, trong thơ Đỗ Phủ có câu: Tiểu nhi ngũ tuế khí thôn Ngưu 小而五歲氣吞牛(Đứa trẻ mới năm tuổi đã có khí thế nuốt trâu). Nhà thơ Nguyễn Trung Ngạn đã dùng điển cố này nhằm tự hào về bản thân trong câu thơ sau:

 
Giới Hiên tiên sinh lang miêu khí

Diệu linh dĩ hữu thôn ngưu chí

(Giới Hiên tiên sinh tài lang miếu

Có chí nuốt trôi trâu từ niên thiếu) ([3])

 

Trong bài Thập giới cô hồn quốc ngữ văn [十界孤魂國語文] của Lê Thánh Tông [黎聖宗] (phần nói về tướng sĩ ) có câu:

 

"Lảu hay ba kế, gồm lọn năm tài

Miệng  thèm lèm giương dạ nuốt trâu ([4]) "

 

Trong một bài phú Nôm thời Tự Đức cũng có câu:

"Xếp bút Á kẹp gương Âu

Dạ cần cù gối giáo, chí hăng hái nuốt trâu "

 

Hiện tại thì sách Ngữ văn 10 (NXB Giáo dục, 2006) hiểu theo nghĩa này, thế nên các soạn giả đã chọn bản dịch của Bùi Văn Nguyên:

 

Múa giáo non sông trải mấy thu,

Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.

Công danh nam tử còn vương nợ,

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.

(Theo Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập II – Văn học thế kỉ X - Thế kỉ XVII, NXB Văn học, Hà Nội, 1976)

 

Mặc dầu nhận thấy mức độ "tầm nguyên" khá thuyết phục của cách hiểu thứ hai nhưng chúng tôi vẫn thiên về cách hiểu thứ nhất vì xét về đặc trưng nghệ thuật văn học trung đại: tính trang nhã ([5]) thì hình ảnh ba quân khí thế át cả sao Ngưu có vẽ "nhã" hơn và giàu chất thơ hơn. Nó tương hợp với hình ảnh kì vĩ của người võ tướng ở câu thơ trên. Người võ tướng với tư thế cầm ngang ngọn giáo, mà ngọn giáo ấy đựơc đo bằng chiều kích của giang sơn thì ắt hẳn khí thế của ba quân phải xung thiên làm mờ cả sao Ngưu chứ không nên hiểu một cách quá cụ thể: ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu sẽ làm giảm đi vẻ đẹp của câu thơ. Đây cũng chính là điều khiến cho văn thơ thời trung đại cho đến bây giờ vẫn còn sức thu hút bởi sự đa nghĩa ngay trong chính từng con chữ được chắc lọc bằng cả một quá trình "thôi xao" hết sức kì công.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Nguyễn Tài Cẩn, Ảnh hưởng Hán văn Lí Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, NXB Giáo dục, 1998

2. Thiều Chửu , Hán Việt tự điển, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2002.

3. Mai Xuân Hải (chủ biên biên dịch), Thơ văn Lê Thánh Tông (NXB khoa học xã hội, 1986).

4. Trần Văn Khoái, Hán văn Lí Trần, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2001

5. Phan Trọng Luận (chủ biên), Ngữ văn 10, NXB Giáo dục, 2006

6. Hoàng Như Mai (Tổng chủ biên), Văn học 10, NXB Giáo dục, 1998

7. Phan Hữu Nghệ, Phân tích văn bản một số tác phẩm Hán Nôm tiêu biểu, NXB Đại học sư phạm, 2002

8. Trần Đình Sử, Đọc Văn , Học Văn, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2003.


([1]) Đại Việt sử kí toàn thư [大越史記全書], Ngô sĩ Liên

([2]) Xuân Diệu dịch

([3])  Nguyễn Tài Cẩn dịch, Ảnh hưởng Hán văn Lí Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, NXB Giáo dục, 1998

([4]) Cũng một điều đáng lưu ý khi chú câu này thì người biên soạn lại hiểu: Nuốt trâu: nuốt cả sao Ngưu (Xem trong Thơ văn Lê Thánh Tông - NXB khoa học xã hội, 1986).

([5]) Giáo sư Lê Trí Viễn dùng chữ "cao nhã" để định danh đặc điểm nghệ thuật này

Trầm Thanh Tuấn
Số lần đọc: 7077
Ngày đăng: 12.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Có Một Bà Tên Huyen (Huyện) Họ Quan Lót Chữ Thanh - Thiếu Khanh
Tiếng ta - Đỗ Hồng Ngọc
Tiếng Việt Gốc Khmer Trong Ngôn Ngữ Bình Dân Ở Miền Tây Nam Bộ - Nhìn Từ Góc Độ Ca Dao - Trần Minh Thương
Trao Đổi Lại Với Nhà Nghiên Cứu Nguyễn Cung Thông - Hà văn Thùy
Các từ Hán-Nhật-Hán-Việt so với Hán-Nhật-Nhật-Việt (phần 1) - Nguyễn Cung Thông
Tản mạn về danh từ ‘cá sấu’: Vết tích phương Nam trong tiếng Hán (phần 1) - Nguyễn Cung Thông
Bụt hay Phật? (phần 2A) - Nguyễn Cung Thông
Bụt hay Phật? (phần 3) Tản mạn về vết tích ngôn ngữ phương Nam trong tiếng Hán - Nguyễn Cung Thông
Lương Châu Từ - Một Cách Nhìn Mới - Đăng Lan
Kẻ Tha Phương Và Tiếng Mẹ Đẻ - Đỗ thị Đông Xuân