Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
670
116.517.878
 
Đọc: Sông Chảy Về Núi của Nguyễn Lệ Uyên
Phạm Văn Nhàn

Đọc: Sông Chảy Về Núi của Nguyễn Lệ Uyên

một thời với người bạn cũ

 

 

Những dòng chữ, những con chữ đọc được, dù chỉ là đoạn văn ngắn được trích ra trong một truyện ngắn  của anh in trong tập: Sông Chảy Về Núi, cũng đủ làm cho tôi nhớ đến một quá khứ. Mà khi ấy, tuổi trẻ của chúng tôi quả thật:

 

“Chiến tranh ào tới, mạnh hơn cơn lốc xoáy, cuốn hút tất cả. Hối hả học. Hối hả sống. Hối hả vùng vẫy ra ngoài rìa tâm xoáy...Tan tác mỗi đứa một phương. ( trang 11. Từ Mái Trường Xưa).

 

“ Chiến tranh ào tới cuốn hút như một cơn lốc xoáy” có cường điệu lắm không khi NLU viết trong truyện: Từ Mái Trường Xưa? Tôi nghĩ là  không. Bởi trong mỗi con chữ, mỗi câu văn mà anh viết là thật. Như chúng ta biết, vào thập niên 60, rõ ràng chiến tranh đã cuốn hút chúng tôi: xếp bút nghiên, vào quân trường rồi ra chiến trường ( đa số tuổi trẻ chúng tôi lúc bấy giờ là như  thế...)

 

Khi ấy: “hối hả vùng vẫy ra ngoài rìa tâm xoáy...” của sự sống và chết. Có lẽ chỉ có những người lính học trò ( chữ của anh Đặng Tiến ) như chúng tôi thuở ấy “phải chấp nhận” từ một cõi riêng tư trong cuộc sống: chiến trường. Mà mỗi khi nói dến chiến trường thì sự sống và chết chỉ xảy ra trong một sát na mà thôi. Còn chiến tranh trên quê hương ...thì sao. Ta đọc vài dòng thơ của  Nàng Lai ( Lữ Kiều Thân Trọng Minh) để biết thêm- dù đã biết rồi.

 

“...Nàng về dạy vùng địa đầu

Nơi ngày đêm bom đạn

Những chuyến B. 52 bay qua

Những giờ đại bác pháo kích

Những trận đánh kinh hồn

Vây đời nàng tứ phía...”

 

( Người bạn gái vùng giới tuyến- trang 370- Thơ miền nam trong thời chiến- Thư Ấn Quán, Hoa Kỳ – tháng 11/2006).

 

Nhưng, phải thật tình mà nói chiến tranh có lẽ cũng chỉ còn xa vời đối với dân thành thị. Khi mà mỗi đêm ở Sài Gòn hay các tỉnh có lính đồng minh trú đóng vẫn ánh đèn màu, vẫn những điệu nhạc “xập xình, dâm dật” phát ra từ những quán bar đủ màu sắc ánh đèn, và những cô gái bán bar đú đởn trong chiếc váy ngắn ngủn đang mời mọc khách làng chơi. Và, có cường điệu lắm không? Khi các ông lớn ở Sài Gòn hay các tỉnh mỗi đêm vẫn phải có “ xì gà, whisky, và gái đẹp” để giải trí. Có cường điệu lắm không? Khi cảnh thanh bình của miền Nam vẫn hát những bài ca “ ngợi ca” quê hương trong thanh bình. Và, chiến tranh mà bạn tôi nói đến, có lẽ, cũng chỉ gói ghém trong cuộc sống ở những quận lỵ nhỏ bé chẳng ai biết đến ( như các quận ở Phú Yên hay các quận ở các tỉnh miền Trung) .

 

Vâng! Tôi nghĩ chiến tranh ào tới, có lẽ vào thập niên 60. Hối hả học để lên đại học, may ra còn được miễn dịch vài ba năm. Hối hả sống khi đã thực sự sống ngoài mặt trận. Đại học hay không đại học rồi cũng “lọt” chung vào một cái lưới khổng lồ: chiến tranh. Nhưng chiến tranh thì bao quát quá, chỉ có chiến trường mới thật sự đốt cháy tuổi trẻ của chúng tôi.

 

Câu văn trên dù rất ngắn. Nhưng đã nói lên được tất cả những gì tuổi trẻ của chúng tôi vào thập niên ấy. Hối hả! Vâng. Hối hả thật đấy! Nếu không: “rớt tú tài anh đi trung sĩ”. Mà nói cho cùng, có đậu tú tài thì cũng... quân trường trực chỉ mà thôi.

 

Nơi trang 13, cũng trong truyện ngắn ấy, NLU viết:

“Chiến tranh ào tới ngày càng dữ dội hơn, khốc liệt hơn. Lớp đệ nhị, đệ nhất mỗi năm rơi vãi rồi tứ tán dần, đầu óc luôn nghĩ tới chuyện sống chết bất ngờ nên chẳng ai còn tâm trí mà nhớ tới bạn cũ, trường xưa nữa. Tình cờ có gặp nhau trên đường phố, vội vã chào nhau một câu, hối hả bắt tay, tranh nhau hỏi thăm ba điều bảy chuyện rồi mạnh đường ai náy đi...”

 

Vội vã đến như thế là cùng. Bởi vì, tôi biết, quê anh không phải ở Sài Gòn, bạn bè gặp nhau có thể nhâm nhi tách cà phê nơi vĩa hè góc phố để còn nhìn “ông đi qua, bà đi lại” bình phẩm vu vơ cái vẻ đẹp của một cô gái nào đó vừa thoáng qua...Còn với anh, quê ở miền Trung, cái thành phố Tuy Hòa quá nhỏ bé đi dễ đụng mặt nhau. Và, đêm đêm...thì “ đại bác vẫn dội về ”. Hối hả là phải! Quê anh, đã là bối cảnh để cho nhà văn Y Uyên viết nên những  truyện ngắn tuyệt vời về thân phận con người trong cuộc chiến ấy là gì.

 

Cái tỉnh nhỏ bé như thế, lại lọt vào cái địa danh chung của một thời chống Pháp: Nam, Ngãi, Bình, Phú. Thì rõ ràng:

“...Hết tuần học thứ hai, không thấy bóng dáng thằng Ấm, thằng Long, thằng Ái. Mấy tháng sau mới có tin thằng trước đi nghĩa quân, hai đứa sau bỏ lên núi theo cha mẹ chúng. Ba thằng này mà gặp nhau giữa đồng trống, không rõ chúng sẽ xử sự ra sau đây?Ba năm học chung, chúng chơi rất thân với nhau, đến nỗi đá banh chúng cũng không đời nào chịu ở khác phe. Vậy mà giờ này mỗi đứa có một kiểu cầm súng khác nhau...” ( trang 10)

 

Không biết có một quốc gia nào khác hơn ở đất nước của chúng tôi không. Triền miên chiến tranh, kề từ năm 1885 khi tiếng súng của những chiếc tàu Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẵng? Năm 1954 chiến tranh Việt Pháp chấm dứt thì một cuộc chiến tranh mới lại đến . Chiến tranh sau đi kèm theo “ý thức hệ”, lại càng khó khăn và khốc liệt hơn. Tôi nghĩ ba người bạn thân với nhau: Ấm, Long, Ái cho dù có gặp nhau thì vẫn...xoay lưng mà giết nhau. Nhất là ở những tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú này. Cái ý thức hệ ngoại lai ( từ hai phía) thật sự  đã xô đẩy con người vào vòng chơi “chém giết”.

 

Tôi biết chắc như vậy; vì trên địa danh Nam, Ngãi, Bình, Phú ấy tôi đã từng sống: một trong bốn tỉnh  vừa kể. Sống ở chiến trường. Ở trong những ngôi làng mà tôi đã đi qua, đã thấy. Cái lối “ sợ hãi” của người dân nơi thôn ổ khi gặp chúng tôi. Lối sợ hãi của thời “phong kiến” còn để lại, hay cái thời Tây thuộc địa đã gieo rắc gần trăm năm, hay...họ đã có  sự “tuyên truyền, học tập” nào đó trước, mà khi gặp người lính miền Nam lại cứ là “bẩm với thưa” theo lối sợ hãi không cần thiết và xa lạ ấy?. Thế mà ... hãy xem chừng khi quay lưng đi.

 

Với câu văn, anh viết khi nghĩ về lời nói của một người thầy: “...Nhớ lời thầy Nguyễn Xuân Thu năm nào còn dặn:sau này lớn lên, mỗi người một hoàn cảnh: sang hèn, thù hận đều gát lại một bên để giữ được cái tình chung thủy từ một lớp, một mái trường mà ra...” ( trang 13)

 

Câu nói của người thầy cũ căn dặn “ học trò” của mình như một lời nhắn nhủ về sau. Nhưng, với tôi ( đã thấy) khi mà ý thức hệ đã gieo mầm vào trong tư tưởng của mỗi con người rồi thì...khó mà “ gát lại một bên” nếu không cùng một chí hướng: “ bên này hay bên kia”.

 

Với NLU ( lúc chưa vào quân trường TĐ) anh khác. Tôi khác. Tôi lính. Anh là thầy giáo. Hai môi trường khác nhau. Nhưng, có lẽ cùng một “ thế hệ” như nhau, cho nên dễ đồng thuận hơn. Bởi vì, tôi đi trước chơi trò chơi súng đạn ngoài chiến trường trước. Và anh, trước hay sau gì thì cũng thế thôi.( vào lính - cùng một mẫu số ). Biết thế mà cảm thông với nhau từ những năm mà” cuộc chiến” càng ngày càng khốc liệt của những năm 1968.

 

Phải rồi, trước và sau vài ba tháng của năm 1968, trước và sau anh Trần Hoài Thư bị thương trong trận Mậu Thân ở Qui Nhơn. Hai đứa chúng tôi vượt “ Cù Mông” về Tuy Hoà thăm anh, và thăm những bạn khác nữa. MVL, PNL, THÂ và cả PCH, HĐHQ nữa. Thế mà hôm nay, dù đã trải qua bao “ đổi thay” trong cuộc sống. Chúng ta vẫn còn có nhau tất cả, chỉ trừ HĐHQ. Vì sao, chắc anh và những bạn bè cũng đã hiểu vì sao? Thế cho nên, bao năm qua: tôi, THT, PCH ngoài nước vẫn giữ được cái tình ( tôi không nói cầm bút, hay văn nghệ, văn gừng gì cả) . Cái tình bạn ấy vẫn còn như dạo nào khi mà tuổi trẻ của chúng ta vẫn “ tự hào” đứng ngoài ý thức hệ. Cái tình bạn ấy vui biết bao mỗi lần tôi với anh THT rủ nhau  về Tuy Hòa thăm các bạn. Về Tuy Hòa để chúng ta “nghêu ngao” trên phố Tuy Hoà. Ngắm trăng lên trên núi Nhạn. Mà, trong số những bạn bè ấy, anh là người to con nhất trong bọn, chỉ có THT ốm như con cá lẹp. Một kỷ niệm đẹp vẫn còn giữ mãi đến hôm nay.

 

*

Sông Chảy Về Núi gồm 15 truyện ngắn. Thư Ấn Quán  Hoa kỳ in ( trong nước chỉ in 13 truyện ) Bìa do Lê Ký Thương vẽ. Sự khác biệt giữa hai tập truyện ( cùng tên ) 15 truyện hay 13 truyện cũng là chuyện dễ hiểu. Trong nước bỏ mất hai ( 2) truyện: Bầy Chim Trước Hiên Nhà và Chiếc Ly Vỡ.

 

Để in tập truyện này, trước hết, tác giả là người bạn cũ của chúng tôi. Nên trong “ lời mở” THT và tôi viết: “Tập truyện này vừa mới được xuất bản và phát hành ở Việt Nam với cùng một tựa nhưng khác tên tác giả. Chúng tôi, những người bạn cũ của NLU, hiểu được nỗi lòng của anh.

 

Vì vậy chúng tôi in lại tập truyện này, dùng lại bút hiệu Nguyễn Lệ Uyên. Ngoài ra, chúng tôi giữ lại toàn bộ những phần hay truyện đã bị cắt xén hay loại bỏ như là niềm tôn trọng giá trị suy nghĩ và sự thật của tác phẩm ...”

 

Trong tập: Sông Chảy Về Núi in ở Hoa kỳ, chỉ có truyện: Chiếc Ly Vỡ  đi lại trên tờ Chính Văn số 1, tháng 2- 1972. Còn lại 14 truyện là mới. Trong 15 truyện ngắn này, hầu hết đã đi trên TQBT từ lúc tôi với anh THT bắt liên lạc được với những bạn bè cầm bút trước 1975 còn ở lại trong nước, trong đó có anh.

 

Bao quát nhìn chung trong tập truyện, anh lấy bối cảnh hai miền Trung và Nam. Miền Trung, nơi anh lớn lên. Một miền đất mà “chiến tranh xảy ra như cơm bữa”. Còn miền Nam, nơi anh làm việc. Sống và làm việc trên phần đất miền Nam đầy sông rạch và tình người ấm áp...nơi mà biết bao năm anh dạy học trong đó, sau khi tốt nghiệp ĐHSP/Cần Thơ.

 

*

 

Nhớ lại những năm tháng chúng tôi còn “rất trẻ” ngày nào, thế mà thấm thoát đã mấy mươi năm qua. Cuối năm 1982, ra khỏi trại A.30, về Tuy Hòa hy vọng gặp anh, nhưng rồi cũng chẳng gặp. Mấy tiếng đồng hồ ngồi trong chợ Tuy Hòa uống ly cà phê đen  với anh bạn thơ HĐHQ, phố xá Tuy Hòa vẫn như ngày nào tôi với anh THT “ bỏ đơn vị” về chơi với các bạn văn thơ nơi cái xứ “ núi Nhạn sông Đà” ấy. Ngày ấy vui lắm phải không NLU, PNL, PCH, THT? Nhưng, hôm ấy, ngồi với HĐHQ nhìn con phố chính Trần Hưng Đạo buồn hơn lúc nào hết. Tôi cảm thấy lạnh khi ngọn gió biển thổi tốc lên. Lạnh cũng phải: lạnh bên ngoài và lạnh cả bên trong. Vì ai cũng nhìn tôi lạ quá. Không giống ai trong khu chợ giữa lòng thành  phố  Tuy Hòa. Ly cà phê chia tay HĐHQ, ra quốc lộ đón xe tìm về chốn cũ.

 

Tuy Hòa ơi! Bạn bè ơi! Thế mà từ cuối năm 1982 trở về sau, tôi cũng chẳng có dịp nào “ dám” đi đâu để gặp bạn bè ngồi nói chuyện “ văn gừng văn nghệ”; vì còn phải lo việc mưu  sinh cơm áo hằng ngày. Và, cũng vì sợ nên  co rúm con người lại, gặp bạn cũng bè chỉ bắt tay một cái ...rồi đi ngay.

 

Thế mà, từ lúc có TQBT anh em lại gặp nhau như ngày nào. Như hôm nay, tập truyện Sông Chảy Về Núi của anh đang ở trước mặt tôi với hai cái hình ( minh hoạ) do Lê Kí Thương và Lưu Nhữ Thụy vẽ. Minh họa hay không có thành vấn đề gì đâu, vẫn là Nguyễn Lệ Uyên như thời còn trẻ khi tôi nhìn lại tấm hình của bốn người chụp chung  (PVN, THT, NLU, PNL) . Ngày ấy, bọn mình có vẻ “ngông”và “ bất cần đời” quá phải không? Và, bạn vẫn thường nói với hai chúng tôi: lính gì mà ốm quá, thua là phải?

 

*

Lấy hai tập truyện ( ngoài nước in và trong nước in) để trước mặt. Truyện anh viết vẫn là cuộc sống của những con người bình thường, tình yêu trong truyện cũng chỉ là tình yêu “ chân chất”, chẳng phải thứ tình yêu của “ con nhà giàu” nơi thành phố. Cuộc sống đời thường, thường xảy ra hằng ngày trong cuộc sống mà chúng ta vẫn thấy. Như trong truyện: Sông Chảy Về Núi mà anh chọn làm tựa cho tập truyện ngắn của anh. Nhưng trước hết tôi muốn nói đến hai cái truyện xem như bị “phạm húy trên sân chơi chữ nghĩa” khi đưa in trong nước. “Bầy Chim Trước Hiên Nhà” và” Chiếc Ly Vỡ”

 

Về Bầy Chim Trước Hiên Nhà. NLU viết về một “doanh nhân thành đạt”, chữ của những người trong nước thường dùng. Nhân vật tên Hậu. Sau một cơn bịnh “thập tử nhất sinh” người doanh nhân này lui vào sống ẩn dật nơi vùng quê để nhường lại “sự kinh doanh” cho con cháu. Hậu không màng đến thương trường nữa. Trong cuộc sống nơi miền “thôn dã” thật yên ổn, Hậu chỉ nghiên cứu những cây thuốc nam sẳn có chung quanh nhà:

 

“...Tôi mới tìm thấy được cây quế ngọc. Quí lắm. Nó mọc tràn lan đầy rào đầy giậu mà nào có biết. Tình cờ nằm đọc tài liệu cổ mới phát hiện. Té ra là nó. Bứng được năm gốc còn sống hai.

- Anh nói quá. Cây cỏ gì mà quí đến vậy?

Anh cười cười:

- Như ăn sống thì trị được bịnh hôi nách, hôi miệng, vã mồ hôi trộm. Nấu chín thì trị dược bịnh đái đường, đái tháo, ỉa chảy phân đen tức bộ phận tiêu hoá có vấn đề trục trặc. Còn như nấu chung với nha đam thì trị chứng lãnh cảm, làm mịn da ở phụ nữ. Thêm chút quế chi cùng bông gòn đốt thành tro sẽ trị được bệnh huyết trắng...

Tôi đùa:

- bây giờ chứng hôi nách, hôi miệng khá là phổ biến, mà toàn là đám nhà giàu có bị dính. Hay là anh kiếm mảnh đất rồng rộng trồng kinh doanh?...”( trang42)

 

Và, ngoài những cây thuốc nam ra, anh Hậu  còn nuôi chim nữa. Đủ loại chim được anh Hậu treo trước hiên nhà trong những cái lồng to, lồng nhỏ. Nào: cu cườm, chìa vôi, chào mào, sáo đà và nhiều loại chim khác nữa. Nhưng:

“....Sao không nghe chúng hót hay gáy gì hết trơn vậy anh?-Tôi hỏi anh.

Anh hậu đang mò nhổ những sợi râu ngứa trên cằm một cách châm chú như lũ chim đang ăn, không nghe. Tôi lặp lại. Anh giật mạnh sợi râu ngắn đưa ra soi trước mắt. Không có sợi râu nào. Chỉ có hai ngón tay bóp lại. Anh cười:

- Không thấy hót?

- Ờ.

.....
- Có hót hay không cũng kệ. Tôi đã thả chúng ra nhưng bay quanh quẩn đâu đó rồi chiều tối tụ tập về, cắn mổ, la hét với nhau om sòm riết cũng thấy ngồ ngộ. Trong số này có con tôi mang về, có con tự dưng không bay chui vào chung sống, hòa đồng với đám chim mà các cháu tôi gọi là câm. Và rồi cả đám cũng hóa câm luôn...”
( trang 43)

 

Ngoài ra, còn có những đoạn văn như sau trong Bầy Chim Trước Hiên Nhà:

“...

- Phàm hễ phú quí rồi thì sinh ra lễ nghĩa. Mới hôm qua còn đi chân đất, phèn bám dày ngón chân, mặc quần chó táp bảy ngày không tới. Được đồng ra đồng vào  theo kiểu hoạnh tài thì bày đặt quần soóc trắng, áo thun trắng chạy xe máy lên xuống khoe cặp giò đen thui bùn đất...”

 

Hay:

“...

- Thì thủng thẳng rồi tới chuyện chim cu. Lại có người bữa trước đi đong từng lon gạo, nay ăn uống thì chê thịt, chê cá, bắt phải luộc đọt rau lang non, bông giờ, mắm ngò, muối ớt xiêm. Tổ cha chúng chứ cái giếng nhà chúng toàn phèn và bùn, uống từ nhỏ tới lớn, nay bày đặt uống nước khoáng. Đi đâu cũng kè kè chai nước khoáng, sợ uống thứ khác sẽ bị thổ tả, vi trùng?- Anh uống ngụm trà như để lấy hơi, tiếp- Trở lại chuyện chim cu của chú thì này này. Chú có biết không? Một con họa mi cũng vài triệu bạc, hồng yến cũng tới bảy tám trăm đem về nhốt trong lồng để nghe, không bắt nó hót mà nghe thì hỏi chú có phải bọn đó là bật trí giả thanh tao không?Lại nữa, chim hót hay hay nghe được giọng chim hót hay đâu phải ngồi trên ghế nệm, nền lót gạch bông có máy điều hòa nhiệt độ. Trật lất. Phải vào rừng kìa...” (trang 44)

 

Như vây, Bầy Chim Trước Hiên Nhà, đọc xong truyện, rõ ràng...là bầy chim câm. Chim không hót là chim câm. Mà muốn nghe chim hót phải vào tận rừng sâu, leo lên núi, gối đầu trên rễ cây mà lắng nghe chim hót giữa mênh mông đại ngàn của rừng, của lá, của suối theo như tác giả viết.

Người đời thường nói “viết phải lách”. Nhưng, với anh, tôi biết. Cái tính “khí khái của người cầm bút” nơi con người anh vẫn không chịu “ bẻ cong ngòi bút” khi thấy những cảnh “ dị hợm” của những người mà: ngày hôm qua đi chân đất, phèn bám dày ngón chân, nay thì uống nước khoáng...Rõ ràng, người bạn của tôi đã phạm “luật chơi” trong việc in ấn ở quê nhà rồi. Phải chi: Bầy Chim Trước Hiên Nhà của anh Hậu đều hót thì có lẽ khác rồi.

 

Cũng như trong  truyện Chiếc Ly Vỡ. Ta đọc nơi trang 157:

“...Mẹ kiếp, ăn với chả uống! Toa thấy thời đại này có chó đẻ không? Trâu ngựa nhảy lên làm người. Tụi trẻ con đeo râu làm người lớn. Chúng ra cái vẻ kẻ cả, anh chị bắt một điều phải thưa ông, hai điều phải bẩm ông. Luân lý. Đạo đức. Trật tự xã hội. Quyền bình đẳng và quyền loạn luân. Quyền nói phét và quyền nhét đầy túi. Bợ đỡ và ca cẩm  những điều không hề có trong văn hóa, lịch sử dân tộc. Một lũ ngu xuẩn, thương vay khóc mướn lập thuyết mạc vận để nhấn chìm đất nước  vào vũng bùn. Thật buồn nôn. Bọn thổ tả đáng nguyền rủa...Hừ, uống đi các toa, uống để quên đi cái khốn nạn tận cùng khốn nạn của thời mạc vận...”

 

Chiếc Ly vỡ anh viết trước 1975. Nhưng đọc lại ngày hôm nay nghe cũng thấm, do đó mà bị phạm luật chơi?? Ai hiểu sao cũng được.

 

Truyện như một vở kịch có phân đoạn rạch ròi. Có đám đông người đang huơ tay múa chân và tiếng ly tách đụng nhau từ một ngôi quán. Có tiếng khô khốc của cái hộp quẹt vứt trên bàn, và có tiếng chửi thề của đám trẻ: tiên sư bố chúng nó. Các cậu có thấy tụi già bây giờ bắt đầu giở chứng, hư đốn không nào? Chúng hắn là tụi đĩ bợm, lừa phỉnh vậy mà mở miệng ra nào là đạo đức, là tôn ti trật tự. (trang 158)

 

Hình như đời nào cũng vậy, cái đám có chức có quyền, có tiền có của mới nói phét là: ta yêu nước thương dân. Ngoài lớp người đó ra không có ai được quyền nói phét như họ. Bên cạnh những tiếng  ly cốc chạm vào nhau thì cũng có những tiếng khóc của người đàn bà âm thầm khóc con của mình vừa chết trận: người đàn bà chợt òa khóc. Tiếng khóc nghẹn ngào bị giữ lại trong cổ họng như có bàn tay vô hình bóp chẹt, ấn xuống rồi thả ra, một động tác duy nhất liên tục. Nước mắt lăn xuống má, xuống cằm, rớt tròn xuống đôi vú lép kẹp. Người đàn bà chợt bật dậy, bước loanh quanh như kẻ bị mộng du..(trang 155). Xem ra thời nào cũng thế. Con ông cháu cha thì chẳng bao giờ chết ngoài chiến trường.

 

Rồi trên sân khấu ánh đèn đã chuyển qua màu xanh mát trong căn phòng có người đàn bà tình nhân với chiếc váy bằng voan trắng rất gợi dục với gã đàn ông trong truyện. Tôi nghĩ hắn là một người lính: Hơi thở của ngưòi đàn bà thoảng qua mũi hắn, ngây ngây mùi cỏ dại và mùi của những  cánh hoa tím muốt mọc trên sườn đồi, nơi hắn từng dẫn toán quân qua lại nhiều lần. Không kềm được lòng, một sự rung động theo bản năng, hắn cúi xuống hôn nguời đàn bà, như sự say đắm, nhưng kỳ thực hắn cảm thấy toàn thân mình lạnh buốt nỗi cô đơn, lạnh buốt vật vờ và cay đắng...”( trang 160)

 

Để rồi, truyện kết thúc bằng môt tiếng súng nổ đang khô, chát chúa và một đường máu chảy dài trên mặt nệm trắng tinh. Chuyện viết về chiến tranh trước năm 1975, với một tâm trạng của từng nhân vật trong truyện như bị “ đè nén” giữa những con người không lối thoát trong cuộc chiến. Thế mà báo chí miền nam lại cho đi. Còn hôm nay, thì bị cắt bỏ hai truyện ngắn của anh ở vào hai thời điểm khác nhau.

 

*

Truyện ngắn: Sông Chảy Về Núi, làm tôi thích thú khi thấy anh  miêu tả cảnh đưa và rước dâu trên sông nước miền Nam: Cái phấp phỏng, vui cười của những người đưa dâu và đón dâu có hòa cùng nhịp với trái tim được giấu thật kỹ của chị Hạnh, hay đó chỉ là cái khẩy lỗi nhịp trên sợi dây đờn vọng cổ trong ban nhạc đờn ca tài tử? ( trang 116).

 

Đọc hết truyện mới biết tại sao sông- không- chảy- ra- biển- mà- chảy- ngược- về- núi. Dòng sông, cuộc đời của chị Hạnh- nhân vật trong truyện- mà NLU đã viết: “Nghe đâu, người mà chị sắp chung sống là một quan chức tầm cỡ trước đây bị một dấu chấm lửng nào đó không rõ ràng, phải lui về ở sâu trong đồng nước hẻo lánh, cách thị xã tới nửa ngày đường sông ...” ( trang 117).

Và, cũng để rồi: “Nghe nói, mười bảy năm về trước, có ít nhất hai lần chị toan mượn khúc sông Tiền, gieo mình xuống dòng nước lạnh ngắt để quên đi mối tình đầu ngang trái...”(trang 116). Để ta nghe thêm, NLU viết nơi trang 118: “-Để cái bản cô Thắm về làng chớ sao lại tắt đi?- Ờ đúng đó. Bản Dạ cổ hoài lang nghe hoài rầu thúi ruột. Ngày cưới mà khoai lang, hột mít gì mà ùm trời!...” (trang 118).

 

Với: Sông Chảy Về Núi, NLU dựng lên một câu chuyện buồn, nhưng phần kết của cốt chuyện lại  “có hậu”:

“...Út Hiền biết không, bữa đám cưới cái mặt chị dàu dàu như mặt người đưa đám ma, đến nỗi em phải băng khoăn, chột dạ cũng tại anh Đằng. Chị biểu ổng, mình lớn tuổi rồi, lại nữa: có sự trục trặc trước đây, không nên bày vẽ rình rang. Nhưng ảnh đâu nghe, nói tui với em đợi nhau chừng ấy năm giờ mới thành chồng vợ thì sao đơn sơ lặng lẽ được...”

 

Và cuối cùng, “cái đám cưới tàu ghe chạy ùng ục trên mặt sông, khua sóng dậy hai bờ ấy”, cũng: Chớ không thì làm sao sông chảy về núi được.

 

Vâng, những năm tháng dài anh dạy học dưới miền nam, những dòng sông, những kênh rạch như đã ăn sâu vào cuộc sống đời thường của anh nơi cái xứ  “đờn ca tài tử” này. Với sự kết hợp hài hòa giữa hai cuộc sống của hai miền khác nhau mà anh đã sống. Từ đó đã cho anh một cái nhìn toàn vẹn khi anh viết truyện. Một miền trung khô cằn, nắng gắt. Lớn lên từ một miền quê oằn nặng vì chiến tranh, bom đạn trên mỗi con người chịu khổ chịu khó trong cuộc sống. Rồi về miền nam êm ả, sông rạch và con người làm tưới mát thêm trên những truyện ngắn một thời anh viết trước 1975- dù có bao nghịch cảnh xảy ra trong từng cốt truyện- như trong Buổi Sáng Mát Mẻ, hay truyện Bão Xa, hay truyện Bên Dòng Sông Đăng thì những ngịch cảnh xảy ra “rất hằng ngày” mà ta bắt gặp trong đời sống, dù tính chất có khác nhau. Buổi Sáng Mát Mẻ: tình bạn khi còn học dưới mái trường đại học: Thời gian và khoảng cách bấy lâu nay không làm tôi xa, mất cô bạn bé nhỏ. Trong tâm trí, Hà luôn trong veo như giọt nước long lanh nơi đuôi lá mỗi sáng sớm. Vậy mà giờ đây tôi cảm thấy như Hà đứng rất xa, tận cuối đường chân trời, như một cái bóng chập chờn trôi nổi trên lớp bọt sóng”.

 

Nhưng trong truyện Bên Dòng Sông Đăng, NLU đưa lên một nghịch cảnh khác “ thương người để rồi bị người lừa gạt”:

“...Để cho mọi cảm xúc run rẩy tan đi, hai Nghĩa đi vòng vòng coi cô ta còn cuỗm những thứ gì nữa ngoài số voón số lãi mấy tháng nay chưa kịp tính sổ, kể cả những khoảng tiền không nhỏ của năm Ơn dành dụm chuẩn bị làm đám cưới thằng con út. Lúc ông bước lại tủ thuốc lá, những gói thuốc cũng không cánh má bay, chỉ còn mẫu giấy nhỏ viết ngoằn ngoèo: “Cháu xin lỗi chú Hai và chú Năm việc không phải. Cháu chĩ mượng tạm số tiền của hai chú để về quê tìm lại thằng chồng cũ. Chắc nó còn thương cháu. Cháu hứa sẽ trả dần số tiền cháu lấy, chưa biết bao nhiêu. Cảm ơn hai chú đã có lòng thương cháu”. Hai Nghĩa ném tờ giấy, chửi đổng:

- Cục cứt. Thương cái ngu của mầy thì có. Đồ gian manh...”(trang 138)

 

Chuyện đời thường. Nhưng dưới ngòi bút của NLU, anh diễn tả rất...hay. Tạo cho người đọc càng thích thú .

 

15 truyện ngắn trong tác phẩm: Sông Chảy Về Núi. Đọc xong, thấy anh như ngày nào của thập niên 60 mà tôi, THT đã vượt đèo Cù Mông để vào Tuy Hòa thăm bạn bè một thuở. Mới đó mà đã mấy mươi năm qua. Mấy mươi năm cho dù có quá nhiều thay đổi trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Thì, hôm nay, văn phong của anh vẫn còn gây nhiều cảm xúc cho người đọc, cho bạn bè mãi đến hôm nay vẫn còn hấp dẫn./.

 

 

Phạm Văn Nhàn
Số lần đọc: 1651
Ngày đăng: 08.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cảm nhận khi đọc Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa Của Trần văn Sơn - Phạm Văn Nhàn
Đôi Điều Cảm Nhận Về: Hạt Bụi & Hoa Quỳnh - Mang Viên Long
Hòa Âm âm âm âm...của Nguyễn Lương Vỵ - Phạm Văn Nhàn
Giêng Xanh: Nỗi Buồn Như Hơi Thở… - Tô Hoàng
Lâm Hảo Dũng, Quê Nhà Khuất Cuối Chân Mây. - Nguyễn Lệ Uyên
Đọc Thơ Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê) - Trần Vấn Lệ
Nắng Qua Lăng Kính - Võ Thị Như Mai
Thế Giới Nghệ Thuật Đoàn Hữu Nam Trong Tiểu Thuyết Thổ Phỉ. - Sương Nguyệt Minh
Trần Hoài Thư: Cuộc Đời và Thơ Văn như chất keo dính chặt qua Ô Cửa - Phạm Văn Nhàn
Mùa biển động của Nguyễn Mộng Giác - Thụy Khuê