Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
493
115.989.167
 
Ghen tị với Ai Cập: Đối lập Nga mường tượng thay đổi
Phạm Nguyên Trường

Simon Shuster - Time, 02.01.2011, Phạm Nguyên Trường dịch

Nguồn: http://www.time.com/time/world/article/0,8599,2045621,00.html

 

Moscow – Các nhà lãnh đạo phe đối lập Nga đã tìm kiếm khẩu hiệu mới trong một thời gian dài, vì câu “Nước Nga không có Putin” đã trở thành nhàm chán – và ngày thứ hai vừa qua, trong cuộc mít tinh phản đối tại trung tâm thành phố, có vẻ như họ đã tìm được khẩu hiệu như thế. Có vẻ như khẩu hiệu đó xuất hiện một cách bất thần, trong cơn ghen tị với Ai Cập, như một con vi khuẩn cách mạng mà nhiều người bất đồng chính kiến trên thế giới đã bị nhiễm kể từ khi có cuộc nổi dậy ở Tunisia cách đây vài tuần và đang lan tràn trên khắp Ai Cập. Những sự kiện trong thế giới Arab đã làm cho giới bất đồng chính kiến Nga rối trí: Các nhà lãnh đạo của chúng ta khác vị Tổng thống Ai Cập đang lảo đảo kia ở chỗ nào? Tại sao cách mạng không xuất hiện ở nước ta?

Ở mức độ nào đó, có vẻ như chế độ của Tổng thống Hosni Mubarak ở Ai Cập và chế độ của Thủ tướng Vladimir Putin ở Nga cũng chẳng khác nhau là bao. Nước Nga cũng có nhiều tệ nạn xã hội chẳng khác gì những tệ nạn đã thúc đẩy người Ai Cập nổi dậy – trong một số trường hợp còn tệ hơn.

 

Trong số những nước tham nhũng nhất được tổ chức minh bạch quốc tế (Transparency International) công bố vào năm ngoái thì Ai Cập đứng thứ 98, bên cạnh Mexico, trong khi Nga giữ vị trí 154. Những khó khăn về kinh tế như giá lương thực gia tăng, nạn thất nghiệp, nghèo đói và khoảng cách giàu nghèo thì hai nước tương đương nhau. Số liệu mới nhất do Chương trình lương thực Liên hiệp quốc công bố cho thấy trong năm 2005 ở Ai Cập có 16.7% người dân sống dưới mức nghèo khổ, còn trong năm 2007 ở Nga có 19.6% người dân sống dưới mức này. Hai nước có tỉ lệ thất nghiệp ngang nhau. Cuối năm 2009 ở Ai Cập tỉ lệ thất nghiệp là 9.4%, trong khi đầu năm 2010 tỉ lệ thất nghiệp ở Nga là 9.2% , đấy là theo số liệu mới nhất của World Factbook co CIA ấn hành..

 

Tối thứ hai vừa qua, những số liệu so sánh như thế đã bất ngờ xuất hiện trong đầu các nhà lãnh đạo đối lập Nga, những người bị cấm hoạt động chính trị và thường bị bắt giam vì thái độ tích cực của họ. Trên quảng trường Chiến thắng, Boris Nemtsov - lãnh tụ trên thực tế của phong trào đối lập - nhảy xuống từ những chiếc xe tải, tay cầm microphone, gào lên: “Chính quyền đã nằm trong tay một kẻ tham nhũng và ăn cắp là Hosni Mubarak. Nhưng ông ta có khác gì những nhà lãnh đạo của chúng ta?” Hàng chục người họa theo: “Họ cùng một giuộc cả!”. Khẩu mới có vẻ đã xuất hiện trong khi cuộc mít tinh vẫn tiếp tục: “Chúng ta không chờ ba mươi năm!”.

 

Trước đó, cánh tự do trong Điện Cẩm Linh của Tống thống Dmitri Medvedev có vẻ như cũng đã bị nhiễm con vi trùng cách mạng khi cố vấn kinh tế của Medvedev là Igor Yurgens cảnh báo rằng Nga có thế trở thành Tunisia nếu Putin quyết định trở lại chức Tổng thống vào năm 2012. “Ai cũng phát chán khi phải nhìn mãi một bộ mặt đó”, Yurgens đã nói với hãng tin Bloomberg như thế vào hôm 18 tháng 1. Một quan chức cỡ như Yurgens mà nói như thế thì đấy quả thật là sự coi thường quá đáng đối với Thủ tướng.

 

Nhưng mặc cho những ấn tượng to lớn như thế, việc so sánh giữa Nga và Ai Cập không thể đứng vững được, trong cuộc tuần hành hôm thứ hai vừa qua hai nhà lãnh đạo phe đối lập đã nói với TIME như thế. Thứ nhất, trong mấy năm vừa qua trong thế giới Arab đã có một cuộc bùng nổ dân số, cho nên dân số của họ trẻ và sôi động. Châm lửa vào chiến lũy và ném đá vào cảnh sát Ai Cập phần lớn là những người chưa đến 15 tuồi, mà thành phần này lại chiếm đến 40% dân số. Nga thì ngược lại, ông Vladimir Ryzhkov, một cựu nghị sĩ quốc hội, nay trở thành người bất đồng chính kiến, nói như thế. “Dân tộc chúng tôi đang già đi và suy giảm dần”, vừa nói ông ta vừa nhìn những người về hưu, thành phần chính của đám đông có mặt trên quảng trường trong những buổi mít tinh chống Putin diễn ra vào ngày 31 hàng tháng. “Ngoài ra, giá dầu cao giúp chế độ giữ cho nền kinh tế ổn định ở mức độ nào đó”, ông nói thêm.

 

Bên cạnh đó, còn có thái độ e dè trong nền văn hóa chính trị thừa hưởng từ thời Liên Xô, một nền văn hóa đã tiêu diệt hết những người bất đồng chính kiến trong suốt bốn thế hệ, Sergei Kovalyov, một người bất đồng nổi tiếng và hiện đang là một trong những lãnh tụ của phong trào bảo vệ quyền con người, nói như thế. “Josef Stalin là một món quà tuyệt vời trong lĩnh vực chọn lọc tự nhiên”, Kovalyov khẳng định. Ngay sau khi giành được chính quyền vào năm 1922, Stalin đã nhận thức được rằng nếu dân chúng còn mang lí tưởng của cuộc cách mạng năm 1917 thì họ sẽ chẳng chịu để ông ta cai trị trong một thời gian dài. Vì vậy mà ông ta đã thanh lọc, loại bỏ những người có xu hướng tự do tư tưởng. Phần lớn các số liệu đều cho rằng quá trình này đã giết chết 20 triệu người và gần như đã tiêu diệt sạch tầng lớp trí thức. “Cuối cùng, nó đã tạo ra một dân tộc có phản ứng miễn dịch đối với bất đồng chính kiến. Đấy là món quá cực kì quí giá đối với những nhà lãnh đạo hiện nay của chúng tôi”, Kovalyov nói.

 

Tuy phe đối lập vẫn còn yếu nhưng ban lãnh đạo Nga vẫn không dám liều khi họ chuẩn bị cho cuộc mít tinh vào hôm thức hai. Cảnh sát tiến hành lục soát văn phòng phe đối lập vào hôm chủ nhật, binh lính chống bạo động với quân số đông gấp ba lực lượng biểu tình bao vây xung quanh quảng trường. Một số người tổ chức biểu tình đã bị bắt trước khi họ đến được quảng trường, trong đó có Sergei Udaltsov, bị nghi là sử dụng vé tàu điện ngầm giả và bị giữ cho đến khi cuộc mít tinh kết thúc.

 

Cuộc mít tinh chấm dứt sau gần một tiếng đồng hồ, những ông lão bà lão tham gia mít tinh mỗi người đi một ngả, để mặc cho các nhà lãnh đạo tiếp tục thảo luận về những dự kiện nóng bỏng trong thế giới Arab. Mấy bông tuyết rơi trên đầu họ, quảng trường lại im ắng như cũ. Chẳng có gì giống với Cairo hết./.

 

Nguồn: http://www.time.com/time/world/article/0,8599,2045621,00.html

Phạm Nguyên Trường
Số lần đọc: 1378
Ngày đăng: 05.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
WikiLeaks: vai trò của the Guardian trong sự rò rỉ thông tin lớn nhất trong lịch sử thế giới - Hiếu Tân
Cuộc khủng hoảng Ai cập trong một Bối cảnh Toàn cầu: Một báo cáo đặc biệt. - Hiếu Tân
Ở Nga chắc chắn cũng sẽ xảy ra những sự kiện tương tự như ở Ai Cập và Tunisia - Phạm Nguyên Trường
Thế giới có thể học được gì từ Ai Cập? - Phạm Nguyên Trường
Bạo loạn ở Bắc Phi và Trung Đông có thể lan tới Syria - Hiếu Tân
Những vết rạn nứt trong chính quyền Nga - Phạm Nguyên Trường
Một cái nhìn từ bên trong vào những cuộc thương lượng gay go với Julian Assange (tiếp theo) - Hiếu Tân
Những “hăc cơ” mơ áp đặt nền dân chủ - Hiếu Tân
Bị lên án về vi phạm nhân quyền, lãnh đạo Uzbekistan vẫn được tiếp đón ở Brussels - Hiếu Tân
Bật mí WikiLeaks- tiếp - Hiếu Tân
Cùng một tác giả
Một vụ ám sát hụt (truyện ngắn)
Thiên tài (truyện ngắn)
Người (truyện ngắn)
Chết treo (truyện ngắn)
Bắc Phi, tiếp sau là gì? (nhìn ra thế giới)
Vì sao Gaddafi phải ra đi? (nhìn ra thế giới)
Bàn về chủ quyền quốc gia (nhìn ra thế giới)
Tầng lớp trí thức là gì? (nhìn ra thế giới)
Giờ hoàng đạo của NATO (nhìn ra thế giới)
Mùa xuân Miến Điện (nhìn ra thế giới)