Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
774
116.508.876
 
Thương người không thể cầm trong tay
Nguyễn Lệ Uyên

Một chút kỷ niệm…

 

Từ Láng Me, Lê Văn Trung gọi điện, e-mail báo tin Từ Thế Mộng qua đời. Dù đã biết trước, nhưng vẫn cứ đột ngột, vẫn chút sững sờ, thảng thốt. Một người bạn văn nữa lại từ biệt chúng ta để bay vào miền vĩnh hằng, vào cõi vô hình tướng, có và không.

 

Và một chút kỷ niệm nhỏ ùa đến: biết và quen anh khi tôi, Nguyễn Phương Loan và HĐHQ làm tờ Sóng ở Tuy Hoà. Anh đến với chúng tôi không phải chỉ bằng những bài thơ góp sức (mà đều đều gặp nhau mỗi khi có phép, lúc đó anh là sĩ quan Trung đoàn 47 BB đóng tại Phú Yên) cùng với Y Uyên, Đỗ Tiến Đức, Lôi Tam, Phương Tấn, Luân Hoán, Cung Tích Biền… Cuối năm 1970, từ Cần Thơ ghé Phan Rí thăm anh em trước khi về quê ăn Tết. Gặp đủ cả: Tư Đình, Phạm Cao Hoàng, Huỳnh Hữu Võ, Nguyễn L Tuân. Lại rủ nhau xuống tận Liên Hương tìm Tô Duy Thạch. Tư Đình đèo tôi bằng chiếc 67 màu đỏ, chỉ cho tôi cầu sông Luỹ trong thơ NBS, chỉ cho tôi chân núi Tà Dôn, nơi Y Uyên ngã xuống, chỉ ngả ba Duồn với công nương Bạch trong thơ Phạm Cao Hoàng Những đêm thức trắng với rượu khan khoa ngôn vá trời lấp biển bằng chữ nghĩa. Rồi chia tay. Sau đó chiến tranh ngày càng khốc liệt. Thư từ thưa thớt. Đến ngày chia lìa tan tác, ăn bo bo, củ mì, cầm tem phiếu chen lấn để mua kỳ được lạng thịt bầy nhầy về cho con đã hết hơi sức, bảo sao còn nhớ đến ai?

 

Lần gặp thứ ba là khi tôi và Mang Viên Long vào SG nhờ người đắp lại 2 lỗ tai trên tượng đồng Y Uyên (theo yêu cầu của thân hữu TQBT). Xe đến Phan Thiết đúng 12 giờ khuya. Hai anh em nằm dài dưới chân tượng Trần Hưng Đạo bên sông Cà Ty chờ sáng. 3 rưỡi lội bộ qua đã thấy anh ngồi viết sau ô cửa sổ mở toang. Nghe tiếng tôi gọi cổng, bộ ria cá trê của anh vểnh ngược mừng rỡ, vội vã gọi NBS. Kéo nhau ra biển uống cà phê nhìn mặt trời đỏ ối nhô lên đầu chân biển xanh. Nguyễn Như Mây đọc thơ, anh nói chuyện tếu, đọc thơ tếu. Lại kéo nhau ra bờ sông Cà Ty ăn ốc, uống rượu bông phèng chuyện văn chương và chia tay.

 

Và lần cuối cùng là sau tết Đinh Hợi này, từ SG ra. Mờ sáng sớm tôi gõ cửa. Anh đón tôi nơi phòng khách. Tôi dìu anh ra ngồi nơi hiên thềm để anh có thể dõi nhìn về hướng biển, để: “Anh xí được/ màu áo đỏ và con mắt em liếc/ em chưa tắm/ anh trăm năm đã đầy”. Da anh ngã sang vàng chứ không còn màu đồng sáng trước kia. Tôi lo sợ vu vơ, thì anh lại trấn an: moi có đứa học trò là vợ docteur Trần Đông A. Toi không lo. Y nói không sao. Đấy là anh trấn an tôi, rồi quay sang nói chuyện tiếu lâm, làm như thân thể anh không bị hề hấn gì. Nửa tháng trước khi anh mất, tôi gọi điện nhiều lần, nhưng không ai bắt máy. Tôi biết tình hình chắc xấu lắm rồi… cho đến khi nghe Lê Văn Trung báo tin.

 

Một đời thơ

 

Tôi đánh stencil bài thơ anh cho tạp chí Sóng số 2. Hơn nửa thế kỷ. Chỉ còn nhớ lõm bõm câu thơ rất ngộ (thời đó): Ước chi là  chiếc cặp da/ để em ôm siết nõn nà tay nương. Cái cách anh dắt nõn nà tay nương vào thơ cứ ám ảnh tôi mãi cho đến lúc đọc Ngà Cánh Tay Nương của anh sau này. Không được gần anh nhiều lắm để hiểu về niềm hạnh phúc gia đình tròn đầy của anh, về tuổi thơ khốn khó của anh, về mối tình đẹp như mơ  sau này là nghĩa tào khang tấm mẳn, khi anh dạy học ở B’Lao, trông ngóng đến cuối tuần để về Phan Thiết đứng bên này đường nhìn sang nhà nàng thơ lòng. Cuộc đời và tấm lòng chân thật dường như anh mang cả vào những trang viết của mình. Tập văn Dáng Mẹ Trăm Chiều (nxb Thanh Niên, 6.2003) là những lời thầm thì hiếu nghĩa với người mẹ nghèo khó luôn chăm sóc con cái, mong chúng nên người. Đọc các truyện Tiếng Roi, Dáng Mẹ Trăm Chiều, Tiếng Guốc Đêm… có lẽ anh không dụng công làm văn chương mà, mượn văn chương như một cái cớ để tuôn hết nỗi lòng của mình về người Mẹ anh hằng luôn kính trọng, biết ơn; cùng tuổi thơ cơ cực của mình. Lúc nhận được sách tặng, tôi đọc vèo trong buổi sáng, gọi anh : “Tôi nghĩ, tập văn này có thể xếp vào loại sách quốc văn giáo khoa thư, rất bổ ích cho thế hệ trẻ hôm nay”. Anh cười sảng khoái trong máy “toi cho moi lên mây rồi đó. Moi viết trước hết là để tạ lỗi với mẹ, sau là cho các con moi”. Và suốt cả trang văn, hình bóng người mẹ của anh luôn thấp thoáng trên bóng chữ bời bời cảm xúc; “Má lầm lũi nuôi con, cánh xoè khói súng. Không phải một lần, mà biết bao nhiêu lần như vậy, má lao vào cõi tơi bời đó, không chần chừ, e ngại. Má kiệt sức!... Má như trườn, như lết, chịu tủi, chịu nhục… chỉ để ra Nha Trang thăm em” (sđd, trg 8) .

 

Dường như sự dàn trải nỗi lòng trên trang văn chưa đủ, anh viết tiếp Trường Ca Má Thương Yêu (Hội VN Bình Thuận xb 2005) để tạ ơn tấm lòng người mẹ cao cả, một đời hy sinh cho đàn con: “Má đi củi rừng dương/ Mỗi ngày hai buổi/ Rừng dương xa, lòng má thêm xa” (sđd, trg 44), và: “ Má trên đầu con dập dồn hơi thở rối/ Vuốt tóc con gầy một Má xanh xao/ Má run rẩy trong tay con/ tóc Má đã thưa nhiều/ Ô Má, sao con cầm nước mắt!” (sđd trg 109). Khép lại tập trường ca, anh đặt chỉ một câu, nhưng trang trọng, trên bệ thờ tâm khảm: “Má thương yêu, dẫu mất cũng như còn!”, cũng chỉ vì: “Mẹ xưa vốn ở trên trời/ Thương con mẹ xuống làm người trần gian”.

Trên một trăm trang là một cõi lòng riêng, chân thành nghiêng trọn về người má thương yêu, suốt đời hy sinh vì con. Má của anh luôn sáng rực rỡ  trong mắt anh, từ thuở ấu thơ kéo tận mãi bây giờ! Cả ngàn câu thơ ấy là những thầm thì tự vấn, phơi bày cuộc đời đầy nước mắt và niềm hạnh phúc nhỏ bé mà rực rỡ đến vô cùng, như khối mặt trời nhô lên khỏi biển xanh mỗi sáng anh nhìn ngắm.

 

Và những khổ  luỵ

 

Rất nhiều người giả danh chân tánh nhà tu để lừa phỉnh cõi nhân gian làm điều không đẹp. Riêng Tư Đình, không hề giả danh thánh hiền, Phật Chúa… không vẽ vời, hí ngôn, lộng ngữ trong thơ ca. Ngoài đời thường anh vẫn nói: “Tính moi rất mê gái. Hễ thấy gái đẹp là mắt sáng rỡ lên!”. Điều này anh không hề giấu giếm, mà còn tương ngay trên bìa 4 tập Lẽo Đẽo Một Phương Quỳ (Thư Ấn Quán xb tại Hoa Kỳ 2002). Có điều, chớ có tin vào những gì Tư Đình tuyên bố. Bỡi anh luôn là người chồng, người cha, người anh em rất mẫu mực. Anh không hề có tánh mê gái loại nhân vật truyện tàu Tây Môn Khánh. Thuộc tính mê gái của anh = chiêm ngưỡng vẻ đẹp => sử dụng ngôn ngữ chấm phá những bức tranh “thuỷ mặc”. Ở đó có biển xanh, áo đỏ, gót chân hồng, mắt biếc, môi thơm cùng những vệt cát hằn lõm dấu chân em…

 

Vẻ đẹp ấy, trong thơ anh cứ như ca dao, như một bông hoa dại rung rinh bên ao nước ruộng mùa khô. Rất mộc mạc và đơn sơ. Không hoa mỹ, trau chuốt, dụng công. Chẳng hạn:

 

Nhiều râu cho mặt bớt đù

tóc thưa từ độ mê thu võ vàng

mắt to to đến mơ màng

ai xui em tắm để quàng xiên tôi? (Và tôi, LĐMPQ, trg 41)

 

Và biển được anh ngắm nhìn rồi đồng hoá thành Em:

 

Biển trắng muốt em

hây hây màu gái

tháng giêng đã kề

em bất chợt cong mùa xuân mềm mại (Bất chợt em. Sđd, trg 42)

 

Đó mới chỉ là cái nhìn của chàng thi sĩ mê gái, nhìn biển cũng thành em, nhìn tàu lá dừa phơ phất cũng thành suối tóc em “…Quấn một đời anh muộn màng” ?

 

Anh nhìn đồi cao, biển rộng thảy đều nhấp nhô hình hài thiếu nữ, chỉ thiếu chút nữa là đụng tới Nguyễn Đức Sơn Em chưa đái mà hồn anh đã ướt. Tư Đình không thế. Anh không đẩy ngôn ngữ tới chỗ đỉnh điểm tận cùng cảm xúc; chỉ lưng lửng dẫn đường, cảm nhận lưng lửng, dường như để “khiêu khích” người đọc:

 

Tà Dôn/ có gái ngủ ngày/ ngực non tơ/ nhú/ xanh đầy áo hoa/ Bồi hồi/ Thương Chánh bay mưa/ mưa không ướt/ ướt nơi vừa/ ướt em! (Quê nhà lẩn thẩn, Sđd, trg 65).

 

Làm thơmê gái là hai mệnh đề song hành trong suốt cuộc nhàn du của Tư Đình: thấy gái là mắt chớp, râu rung để sau đó bật ra ngôn ngữ thơ đến vô cùng hồn nhiên, vô cùng dễ thương, được anh dàn kín khắp tập Thơ Từ Thế Mộng (nxb Văn Nghệ, 2007). Bắt đầu là: Mê làm thơ còn hơn mê gái/ Nên gái hành đeo mãi mấy mươi năm. Và, với cách nói như vậy, với anh Thơ <=> Gái, cả hai cứ hiển hiện lung linh, giang đôi cánh bay tận tít trời cao mây trắng:

 

Biển đang xanh

bổng dưng vàng rực đến

em bổng dưng vàng

áo mỏng manh

(…)Gót chân son

em qua triền cát lún

sao dấu chân

in tận trái tim mình!

(Biển màu hoa vàng, sđd, trg 37)

 

Vẻ đẹp thuần khiết non tơ xuân nữ đã đẩy anh lao trượt vào cõi mông huyền giữa hai bờ hư thực, có không. Lao đi mà không hề ngoái lại. Lao hết vào em để giắt vào lưng chiếc gương em:

 

Bao nhiêu vẻ sáng đều nghiêng hết về phương em

khi anh quay lại bắt gặp mắt em nhìn

anh lận vào lưng

làm chiếc gương soi…

(Chiếc gương soi, sđd, trg 39)

 

Có lẽ, nói không ngoa rằng: trong Từ thế Mộng có một cõi mộng mị Tư Đình (cũng có thể là ngược lại). Mộng mị đến trong suốt vô lường, vô lượng:

 

Biết mình trên năm mươi

mới  hay già chút ít

(…)Sáng ngửa người trong xanh

bơi một vòng thoả thích

có em và có anh

bơi hoài không biết mệt

(Khúc ca người yêu đời, sđd, trg 80)

 

Hay là:

 

Ban mai

Cõng áo hoa cà

ngó em anh ngó sa đà ngó em

(Cõng em ban mai, sđd, trg 125)

 

Cả đời Tư Đình là cuộc dạo chơi trong vắt em. Mê miết em. Hồn nhiên em. Anh nghiêng cả vì cái đẹp thánh thiện. Đến cả khi anh khóc người bạn trẻ vừa nằm xuống cũng trong veo như thế.

 

Còn bây giờ, chúng tôi, những người bạn nhỏ còn lại của anh đang khóc anh bằng chímh những câu thơ xưa cua anh ngày nào:

 

Mấy trùng sâu cách ngươi nằm xuống

Nora còn chùng bông cỏ may

Nora chùng lòng dăm đứa bạn

thương ngươi khôngthể cầm trong tay

 

Thương ngươi lũ bạn quây quần lại

Đánh  phé vui ràn suốt cả đêm

vui quá nên vui tràn nước mắt

hồn buồn không thấy mộng Y Uyên!

(Thương người không thể cầm trong tay, sđd, trg 16)

 

Sài Gòn mùa Vu Lan, 2007

 

Nguồn TQBT

Nguyễn Lệ Uyên
Số lần đọc: 1839
Ngày đăng: 26.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Còn thương rau đắng… - Huỳnh Thúy Kiều
Mai Châu – Bản Lác xuân này . - Lý Viễn Giao
Duy Thanh, người họa sĩ cuối đời chỉ …nguệch ngoạc! - Du Tử Lê
Bạn Xa Xứ - Nguyễn Thị Hậu
Mẹ ngồi vá áo thềm xưa - Huỳnh Thúy Kiều
Ghi Chép Buổi Sáng - Hamvas Béla
Hớt tóc ngày tất niên - Huỳnh Như Phương
Những ngày ở Vĩnh Điện - Trần Trung Đạo
Nắng vàng trong rừng khô - Trương Vũ
Trên Mạng Người Ta Có Cô Đơn…? - Nguyễn Thị Hậu
Cùng một tác giả
Nhớ…. (truyện ngắn)
Chiếc ly vỡ (truyện ngắn)
Cha con và chị và em (truyện ngắn)
A lô... Tôi xin lỗi (truyện ngắn)
Nhan sắc (truyện ngắn)
Bão xa (truyện ngắn)
Vợ chồng già (truyện ngắn)
Thở dài (truyện ngắn)
Từ mái trường xưa (truyện ngắn)
Sông xa (truyện ngắn)
Buổi sáng mát mẻ (truyện ngắn)
Sông chảy về núi (truyện ngắn)
Cưới vợ ăn tết (truyện ngắn)
Đồng làng (truyện ngắn)
Mưa trên sông ĐăkBla (truyện ngắn)
Lá thư bỏ quên (truyện ngắn)
Vòng trắng (truyện ngắn)
Về Tuy Hòa (truyện ngắn)
Bóng Nắng (truyện ngắn)
Cả làng hát karaoke (truyện ngắn)
Hương Cau (truyện ngắn)
Về Làng (truyện ngắn)
Mùa Tết (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Chân dung tự họa (truyện ngắn)
Nhân dân ơi, xin chào (truyện ngắn)
Lên Non Hái Trái (truyện ngắn)
Những Kẻ Căm Lặng (truyện ngắn)
Buổi Sáng Trong Làng (truyện ngắn)
Còn cọng rau dền (truyện ngắn)
Chìm Sâu Xuống Đáy (truyện ngắn)
Văn Hoá Đọc, (tạp văn)
Đĩ Xược (truyện ngắn)
Vàng Bông Vạn Thọ (truyện ngắn)
Tàu Khuya (truyện ngắn)