Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
736
115.995.265
 
Nỗi Buồn Cuộc Chiến, Dấn Thân, Và Cảm Thức Hư Không Của Thảo Trường
Trần Văn Nam

Ta thường hiểu khuynh hướng nỗi buồn cuộc chiến thuộc ý thức phản chiến, chống đối toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam từ 1954 đến 1975, ở về phía tả-phái, ở về phía thành-phần-thứ-ba, nghiêng về hướng ủng hộ Cộng sản Việt Nam. Nhưng cũng có loại phản-chiến nhân bản chống đối mọi cuộc chiến tranh gây tổn hại cho con người, thuộc những tổ chức nhân đạo, không pha trộn chính trị, không để bị chính trị lôi kéo. Vậy nỗi buồn cuộc chiến hiểu theo nghĩa thời thượng phản chiến thì không thể song song với khuynh hướng dấn thân. Dấn thân hiểu theo nghĩa có ý thức tham dự cuộc chiến, dấn thân cho phe bên này hoặc dấn thân cho phe bên kia. Nhà văn Thảo Trường dấn thân cho phía Việt Nam Cộng Hòa, nhưng ông cũng có nỗi buồn cuộc chiến nhưng mang màu sắc chính trị ngược hướng phản chiến của tả-phái; đó là nỗi buồn cuộc chiến đối với “người dân bị liên lụy vào chiến tranh” do sống trong vùng trước đây là chiến khu, có những người đi tập kết như anh Tư, rồi “Anh Tư chưa bao giờ trở lại, nhưng những đồng chí của anh trở lại. Lúc đầu họ còn ẩn hiện trong xóm, dần dần họ đi lại công khai… Đến một đêm súng nổ ran và lửa cháy thiêu rụi đồn…”. Vậy có thể nói phản chiến trong truyện của Thảo Trường ngược hướng với tả-phái kết án chiến tranh là do Mỹ, như ta thấy ở tác phẩm xuất bản năm 1966; và ba muơi ba năm sau (2009) thì ông ý thức nỗi buồn cuộc chiến ấy do “chiến tranh thì không thể làm vui vẻ cả làng được”.

 

Tác phẩm xuất bản năm 1966 của nhà văn Thảo Trường là tập truyện “Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp” (gồm nhiều truyện, truyện ngắn đầu được lấy làm nhan đề cho cả tập). Thời chiến tranh ở Miền Nam, không ít truyện thuộc khuynh hướng nỗi buồn cuộc chiến có tính cách nhân bản, buồn thực sự không trộn lẫn vào đó chính trị. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đang nỗ lực cho chiến tranh mà viết phản đối chiến tranh thì làm sao không bị nhìn như làm lợi cho phía cộng sản. Cho nên các nhà văn thường tránh các nhan đề có vẻ lộ liễu dễ bị để ý, vì vậy đôi khi ít người biết tới tác phẩm của họ, chẳng hạn toàn thể mười ba truyện trong tập truyện với nhan đề đơn giản (để không làm nhạy cảm) “Cát Vàng” của Lữ Quỳnh xuất bản năm 1971 đều thuộc khuynh hướng nỗi buồn cuộc chiến. Thật ra cũng khó biết đâu là phản chiến trung-tính, đâu là phản chiến tả khuynh, đâu là phản chiến hữu khuynh. Những truyện ngắn gồm nhiều màu sắc này, nay vẫn còn nằm rải rác đâu đó trong các tạp chí văn chương Miền Nam, chắc dồi dào hơn hết từ 1965 đến 1973 (thời gian năm trăm ngàn quân Mỹ tham chiến). Ở hải ngoại bây giờ, có lẽ ta có thể tìm gặp rải rác trong bốn cuốn sách dầy sưu tập truyện ngắn thời Văn Học Miền Nam, do nhà xuất bản Thư Ấn Quán ấn hành năm 2008-2009. Với các nhan đề dễ gây lưu ý như “Chiến Tranh Việt Nam và Tôi” (tập thơ của Nguyễn Bắc Sơn); “Đại bác ru đêm” (bản nhạc của Trịnh Công Sơn); “Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp”, các tác phẩm trên ngay tức khắc làm ta tò mò tìm đọc tìm nghe… Ngay từ năm 1967, người viết bài này đã có ít dòng về tác phẩm “Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp” trong bài viết “Văn Chương Tìm Về Viễn Mơ hay Hiện thực” (đăng trong Tạp chí Vấn-Đề số 7). Đó là truyện người đàn bà có chồng đi tập kết ra ngoài Bắc sau hiệp định Genève năm 1954, chị Tư, đang sống trong vùng sâu vùng xa của các con kinh trong Đồng Tháp Mười, và vùng đó đang ở trong vòng kiểm soát lỏng lẻo của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Chỉ mới cưới nhau độ nửa năm thì anh Tư đi tập kết. Từ năm 1959, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bắt đầu hoạt động, như tấn công dẹp đồn bót và tuyên truyền. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa gia tăng kiểm soát bằng chính sách ấp chiến lược, ấp chiến đấu. Hai bên cứ quần thảo nhau như vậy, cứ phe này đi vì tưởng đâu đã yên thì phe kia trở lại, vì vậy chị Tư cũng như dân quê trong vùng biết rất nhiều từ ngữ chính trị như Độc Lập, Tự do, Đả đảo… kể cả những điều khó hiểu như Chủ nghĩa Xã hội, Chủ nghĩa Nhân vị… Rồi chị tham gia vào công tác địch vận chống chính quyền do một cán bộ giả dạng làm em trai chị Tư (có thư anh Tư yêu cầu, nhưng anh Tư thì không thấy về lần nào). Chị Tư và em trai giả dạng lên mở một cái quán bán cháo ở chợ quận, và người cán bộ chỉ đạo ấy trở thành anh dân vệ trong quận. Từ cái quán bán cháo đó, chị Tư lân la làm quen với một binh sĩ ngành truyền tin, chắc chị nhắm vào công tác lấy tin tức mật, nhưng chị lại ngã vào luyến ái với anh binh sĩ này, cũng như đã chăn gối với người cán bộ giả làm em trai. Kết quả là chị đã có thai, nhưng không biết rõ trong hai người đàn ông kia ai là cha đứa bé, nhưng chắc chắn không phải là con của anh Tư. Điều này làm cho chị buồn, chắc hối hận, nên chị bỏ công tác, trở về trong vùng xa vùng sâu của Đồng Tháp Mười. Người cán bộ theo chị về ở trong kinh, có lần giao cho chị công tác gài lựu đạn sau tấm bảng gỗ kẻ hàng chữ “Đả đảo Đế quốc Mỹ”, để làm bẫy cho ai đến gỡ tấm bảng xuống, và treo ở một cành cây trước cửa nhà. Tác giả không nói tại sao chị phải treo cái bẫy ở trước nhà có thể làm cho chị bị bắt để điều tra. Chắc là nhà văn muốn cho ta hiểu đó là cách anh cán bộ trừng phạt do chị bỏ dở công tác ở quận. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa đến, bắt chị phải tự mình gỡ cái bảng. Chị cầm cái sào tre dài, đập mạnh tấm bảng rớt xuống, may là trái lựu đạn không nổ. Chị mất đà, té chúi nhủi, bị động thai và chuyển bụng sinh nở. Chính người sĩ quan chỉ huy đỡ đẻ cho chị. Đứa bé ra đời không biết cha nó là ai, người sĩ quan đỡ đẻ cho nó lấy họ của mình khi ra làm chứng hộ tịch ở hôị-đồng-xã. Người sĩ quan cầu mong khi đứa bé lớn lên sẽ hiểu trường hợp người dân lành như mẹ của cậu liên hệ vào chiến tranh do những đưa đẩy hoàn cảnh.

 

Nỗi buồn cuộc chiến của nhà văn Thảo Trường như vậy không thuộc về khuynh hướng phản chiến tả-phái hay thuộc thành-phần-thứ-ba (theo như phân biệt thời chiến tranh Việt Nam). Nó cũng không thuộc phản chiến của phong trào thế giới chống chiến tranh Việt Nam, họ không phải là cộng sản nhưng là chống Hoa Kỳ, vì lúc ấy chính sách của Mỹ không làm hài lòng các nước Tây phương. Nhà văn thấy có những sai trái trong chiến tranh, phát biểu trong vài truyện ngắn, nhưng toàn bộ sự nghiệp văn chương của ông là Dấn-thân, như nhận xét của nhà biên khảo Nguyễn Vy Khanh: “ Chiến tranh bao trùm tác phẩm của Thảo Trường. Từ kháng chiến theo di cư vô Nam. Chiến tranh và giao động ý-thức-hệ diễn ra đều đều trên chữ nghĩa của Thảo Trường”. (trích Tạp chí Họp Lưu , số 88 năm 2006)… Thảo Trường cho người đọc ở thời hậu chiến tranh 1954-1975 biết đến những tư duy và kinh nghiệm của những con người từng nhập cuộc dấn thân, qua Đá Mục, xb.1998 (trích trong Văn Học Việt Nam Thế Kỷ 20, trang 146). Nhà văn thấy có những sai trái trong chiến tranh ở phía chiến tuyến ông thuộc về, nhưng ông chấp nhận dấn thân trong cuộc chiến. Nhà văn có lẽ đồng ý với phát biểu của một viên chức chính quyền Việt Nam Cộng Hòa: “Tôi làm quận tôi biết. Nó cứ rúc vào trong xóm dân mà bám thì làm sao mình tách nó ra mà đánh. Không bắn pháo trước, cứ lù lù đi vào nó tỉa mình rụng dần không còn một mống. Đánh nhau thì khó mà vui vẻ cả làng được, các vị ạ”. Những đoạn trích ở trên nằm trong truyện ngắn có thể liệt vào một trong các truyện viết sau cùng trong đời tác giả, viết ba mươi ba năm sau truyện “Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp”, đó là truyện ngắn “Rừng Tràm” viết năm 2008, trong tập truyện xuất bản năm 2009 tại California (cũng lấy nhan đề là Rừng Tràm). Rừng tràm ở vùng đầm lầy ven biển Nam California. Là dịp nhắc lại cuộc chiến tranh Việt Nam xưa, do rừng tràm gợi nhớ đến rừng tràm chiến địa ở Đức Hòa tỉnh Long An. Như đã nói, ông xác định có những sai trái thời chiến phía Việt Nam Cộng Hòa như phí phạm hỏa lực, có lúc bắn đến tám trăm quả đại bác mà kết quả chỉ là làm tan tành một chốn không người (có lẽ do nghi binh của địch). Trong lối tả tỉ mỉ vũ khí giết người, hàm chứa kết án chiến tranh, kết án nhưng pháo binh vẫn thi hành nhiệm vụ, như đã nói chiến tranh thì không thể làm vui vẻ cả làng. Nhà văn tả tỉ mỉ cách giết người tinh vi của các loại đạn đại bác như sau: “Loại đạn nổ cao hai mươi mét trên đầu người được bắn trước, vì lúc đó mục tiêu còn ở trên mặt đất (chưa chui xuống hầm)... Những loạt đạn sau bắn đầu nổ chậm để quả đạn có thời giờ chui sâu xuống hầm trú ẩn để phát nổ… nổ cao, nhanh, chậm, xuyên phá, đều đã được tính sẵn từ những xưởng sản xuất ở bên Mỹ… có thứ đạn thời-nổ (muốn nó đến mục tiêu cách bao nhiêu mét thì nổ, chỉ cần vặn một cái khóa tính thơì gian trên viên đạn)… và loại đầu nổ vô tuyến: khi quả đạn bay tới mục tiêu cách hai mươi yards, gặp sóng cản mặt đất gây nên sức dội, kíp nổ và ngòi nổ ở đầu đạn xô vào nhau (chưa chạm mục tiêu thì đã nổ). Riêng trong truyện Rừng Tràm, ông nhớ lại những phức tạp trong cuộc chiến, có khi người này đổ lỗi cho người kia để tránh trách nhiệm, nói chỉ thừa hành cấp trên để trút bỏ ray rứt lương tâm khi pháo binh bắn vào làng chỉ có dân. Rừng tràm nơi ông cư ngụ hiện nay ở Nam California cũng là một bãi chiến trường trong lịch sử thành lập nước Mỹ, đến nay vẫn còn rải rác những cổ mộ của những chiến binh ngã gục thuở xa xưa. Nguồn khởi của truyện ngắn do cảm thức có những lìa xa con cái trong thời gian ở tù cải tạo quá lâu, và có những nghịch cảnh trong gia đình (hay đây chỉ là hư cấu trong truyện Rừng Tràm). Lại thêm tuổi già, mắc bệnh nan y (điều này là thật)… Tất cả những điều trên gộp lại làm cho ông cảm thức nỗi hư không, cái đánh mất cũng là hư không, cái tìm thấy lại cũng hư không, như những dòng ông cho in trang trọng sau bìa cuốn truyện Rừng Tràm: “ngồi nhìn tuyết rơi ngoài cửa sổ, tác giả nghiệm ra rằng cái mà mình đánh mất là hư không, và thứ mà mình tìm thấy cũng là hư không”. Đánh mất và tìm thấy ẩn chứa trong truyện Rừng Tràm, không rõ đây hoàn toàn là hư cấu hay truyện gia đình tác giả. Chuyện tình nghịch cảnh, nhưng ông vẫn muốn chứa trong truyện cuộc chiến tranh Việt Nam, nhờ hình ảnh rừng tràm gợi nhớ cuộc oanh kích của pháo binh ở Long An, rồi liên hệ đến toàn thể cuộc chiến, rồi tù cải tạo, rồi cuộc sống định cư tại Hoa Kỳ. Mở đầu truyện là lời nhắn người vợ thứ hai nếu có đến thăm rừng tràm ở Huntington Beach thì cần nhớ phải băng qua một khu đầm lầy, một vùng hoang vắng, sau khi đi ngang qua hai toà cao ốc hãng Boeing và hãng chế tạo hỏa tiễn Apollo. Bà thứ hai này là em của bà thứ nhất, hai bà đều phải lận đận nuôi con (bà chị bảy đứa con; bà em hai đứa) khi không có chồng bên cạnh. Nhất là bà em lúc đầu phải đi bỏ báo kiếm sống, nay vững vàng với chức vụ trong dòng chính của Mỹ. Tại sao có nghịch cảnh như vậy, ta chỉ đoán hiểu lờ mờ qua câu nói của hai ông bà về bà em: “Dù không cố ý, nhưng có lỗi thì phải đền…. Cô ấy có người rồi, đã mấy lần đem anh ta tới thăm…”  Chuyện tình có vẻ oái oăm nhưng mọi sự nay đều êm đẹp, nên chuyện tình này hình như mờ nhạt trước hình ảnh khu rừng tràm, một biểu tượng nhắc nhở tàn phá của chiến tranh; và mờ nhạt trước hình ảnh người con gái từ khi sinh ra đến khi trưởng thành không có cha nuôi nấng, dù vậy cô vẫn là liên hệ gia tộc có nguồn gốc sinh sống tại bờ sông Vị Hoàng xa xăm bên kia Trái Đất. Cô là đứa con tìm thấy lại sau 17 năm. Mất mát, gặp gỡ, nhưng cũng ở thời điểm mọi sự đều hư không đến với tác giả:

 

Bên kia núi là sông

một nửa trái đất rộng

sao cứ chạy vòng vòng

về nơi nào hư không.

 

Một người đem giấc mơ

vào hội ngộ bất ngờ

tưởng gần mà xa lắm

còn lại sông bơ vơ.

(Trích baì thơ BỐ ƠI, nhà văn Thảo Trường nói là của con gái ông)

 

Walnut, California, tháng 9 năm 2010

(Trích từ Tạp chí Thư Quán Bản Thảo, New Jersey Hoa Kỳ, số 44, tháng 10 năm 2010. Bản gửi từ tác giả)

 

 

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 2265
Ngày đăng: 15.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về Những Ca Khúc Phản Chiến Của TCS - Bửu Chỉ
Bửu Chỉ, tự bản chất là một con người phản kháng - Trinh Công Sơn
Tranh Bửu Chỉ và Ván cờ Huề - Đặng Tiến
Ngự Sử Văn Đàn Phan Khôi - Đỗ Ngọc Thạch
Tinh thần thơ hiện đại - Khổng Ðức
Lục Bát Pha Lẫn Mỹ Cảm Và Phàm Tục Trong Thơ Nguyên Sa - Trần Văn Nam
Dương Nghiễm Mậu, con người nội soi trong bạo lực chiến tranh và thân phận nhược tiểu ― 1 - Thụy Khuê
Giáo Dục Việt Nam: Những Vấn Đề Căn Bản - Trương Vũ
Dương Nghiễm Mậu, con người nội soi trong bạo lực chiến tranh và thân phận nhược tiểu ― 2 - Thụy Khuê
Đọc “Tiểu Luận” Của Nguyễn Huy Thiệp - Đỗ Ngọc Thạch
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)