Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
762
116.522.753
 
Sóng Trắng
Lê Ái Siêm

Tôi không biết chiếc áo dài trắng của nữ sinh có định mệnh gì mà tôi phải nhớ nhung, chiêm cảm, đa mang đến thế. Những chiều bầu trời nhiều mây trắng, mây như những cụm bông ai vung lên bầu trời, để tôi tưởng tượng có tà áo dài của em, tà áo dài đẹp nhất trên đời,vừa mới bay từ bầu trời Sài Gòn đến bầu trời Mỹ Tho, và chỉ mình tôi thấy. Em đang bay lượn kia, đang nói với tôi về một thuở hồn nhiên vụng dại.

 

Bây giờ trời đang chuyển mùa. Những đám mây đen trôi đi đâu mất. Mây trắng thống lĩnh bầu trời. Có ngày mây như úp chén. Có ngày mây như đàn cừu lăng xăng trên thảo nguyên. Có ngày mây như những đỉnh núi tuyết. Nắng cứ loe hoe và thành phố dường như dịu lại. Cho dù mây trên bầu trời hình gì, thì tôi cũng nhận ra có một tà áo trắng của em, như thể người ta nhìn vào bức tranh thấy có một chút của mình. Tôi nhờ hồi còn là sinh viên, thỉnh thoảng tôi trở về cái xóm phố phía bên kia cầu Thị Nghè, thỉnh thoảng gặp cô bé có đôi mắt tròn to như búp bê. Nhưng có lần tôi phải sững sờ khi đột nhiên bắt gặp tà áo dài của bé. Ôi nàng tiên bé nhỏ. Em đi vào những giấc mơ của tôi. Ngày ấy còn bao cấp, vải vóc quá khan hiếm, học trò muốn mặc gì thì mặc, miễn sao dễ nhìn. Nhưng với em thì khác, cha từng là giáo viên Việt văn, mẹ giỏi Pháp văn từ thời chế độ cũ, nếp sống xưa vẫn còn. Không ngờ em phả vào hồn tôi một màu tinh khiết. Nhờ thế, với tôi em cứ xinh tươi, trong trẻo đến bây giờ.

 

Thành phố Mỹ Tho - thành phố bên bờ sông Tiền và đôi bờ sông Bảo Định - thành phố ba bờ sông. Tôi chỉ là người phiêu dạt. Số mệnh đã đẩy tôi tấp lên một bờ Bảo Định, nơi xã ven của một đô thị nhỏ nhắn. Một đô thị mà mỗi buổi sáng chạy thể dục, tôi chạy theo đường Hùng Vương đến vườn hoa Thủ Khoa Huân, hít hà vài hơi rồi lại chạy về cũng chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ. Một vòng xuyên nội ô chỉ thế. Vậy mà phố hơn 300 năm. Nếu tính từ khi Dương Ngạn Địch, tổng binh tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đưa nhóm người Hoa muốn “bài Thanh phục Minh” đến Việt Nam tị nạn chính trị, được chúa Nguyễn Phúc Tần cho định cư tại Mỹ Tho vào năm 1679, nơi đã có người Việt sinh sống, để làm nên một Mỹ Tho Đại Phố thì cũng đã hơn 320 năm rồi. Mảnh đất xinh đẹp có tên Mỹ Tho, cái tên mà cho đến bây giờ vẫn có nhiều người tranh cãi về xuất xứ của nó. Có phải từ tiếng Khmer hay từ tiếng Việt? Thôi cứ để đấy cho các nhà sử học. Chỉ biết rằng thành phố đã đi qua những chặng đường đầy nước mắt và máu xương. Bốn cuộc chiến tranh: quân Xiêm xâm lược ở thế kỷ XVIII; quân Pháp xâm lược ở thế kỷ XIX; quân Pháp trở lại xâm lược ở thế kỉ XX; quân Mỹ xâm lược nữa sau thế kỉ XX. Bể dâu đến thế. Dấu xưa tích cũ mất dần, chỉ còn bầu trời mây trắng bay.

 

Tôi nhớ giáo sự ngợi ca bởi sự mê hoặc của màu trắng Chăm (Chăm pa). Ai đã từng sống ở Trung bộ, hẳn có lần bất chợt gặp những phụ nữ Chăm với áo dài trắng, quần trắng, đội lễ vật lên tháp gạch uy nghi, rồi những người đàn ông cũng áo trắng, quần trắng trong những nghi thức lễ giáo. Trên đồi cao, gió lồng lộng, những tà áo tung bay, họ từng bước đi lên với trời, với mây gió miền Trung, khô và trong trẻo.

 

Ở thành phố ba bờ sông này, tôi cố hình dung về một thời đã xa, từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỉ XX, khi mà thực dân Pháp đã dựng lên trường Collège de Mytho, cái trường trung học của thực dân đầu tiên ở Việt Nam, dạy tiếng Pháp cho người bản địa. Cái hình ảnh chàng thư sinh đội mũ rộng vành màu trắng, bộ pi-ja-ma trắng, đi đôi giày da, dắt chiếc xe đạp đòn dông đã trở nên quen thuộc với người  Mỹ Tho thời ấy. Nhưng cái màu trắng ấy vẫn còn xa lạ với nông dân, với thị dân nghèo vùng sông nước Cửu Long. Cho dù trong số khoác bộ đồ trắng ấy, có những người sau đó trở thành nhà khoa học rất nổi tiếng, có người giữ những trọng trách của quốc gia. Cái màu trắng đượm mùi thực dân ấây tồn tại không lâu. Người ta đòi phải được học chữ Quốc ngữ, cái chữ của xứ sở mình, tiếng nói của ông cha mình. Thế là trường đã phải dạy chữ quốc ngữ. Tôi nhớ Mạnh Tử có câu rất hay: “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” (Thuận với trời thì còn, trái với trời thì mất). Có một dòng chảy văn hoá, dòng chảy tâm linh từ cội nguồn về hiện tại và tương lai, để qua tiếng trống đình, tiếng đờn ca tài tử, câu lý, câu ru, thấy thấp thoáng bóng dáng tổ tiên. Dù thành Mỹ Tho không còn, Đàn Xã Tắc, Đàn Tiên Nông, Đàn Sơn Xuyên chẳng còn mấy ai nhắc đến, nhưng trong tâm thức của người Mỹ Tho vẫn có chỗ trang trọng, thiêng liêng cho những người đi trước. Đòn bánh Tét của cha ông vẫn được đặt lên bàn thờ, khói nhang vẫn bay trên bàn thiên cho người xiêu mồ lạc mả, tiếng gọi anh Hai để tôn kính anh Cả ở quê nhà, người Mỹ Tho lưu giữ cả nền văn hoá của địa phương để trọng việc học hành, “Nhân bất học bất tri đạo” (Người không biết học không biết đạo), bởi thế mà có câu “…Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu - Anh về học lấy chữ nhu - Chín trăng em đợi mười thu em chờ”. Nếu ai đó nói Mỹ Tho là đất học thì chẳng có gì phải lấy làm ngạc nhiên.

 

Hẳn không ai ghi lại một sự kiện quan trọng ở trường Nguyễn Đình Chiểu (mà xưa là trường Colèege de Mytho) rằng nữ sinh nào là cô bé đầu tiên mặc áo dài trắng, chiếc áo dài đã làm sáng rực sân trường, để được nhân bản, để giờ tan học, con đường Hùng Vương thành một dòng sóng trắng. Một dòng sông đẹp hơn mọi dòng sông.

 

Ai đó giải thích rằng: Mé-so, tiếng Khmer có nghĩa là nàng tiên hay người con gái đẹp. Còn chữ Mỹ Tho, từ Hán Việt, có nghĩa cây cỏ đẹp. Với nghĩa nào thì Mỹ Tho cũøng đẹp. Phải chăng cái đẹp ấy cũng là di sản. Và tôi nhận ra trên bầu trời mây trắng, có bóng dáng nàng tiên bé nhỏ của tôi. Em không có trên dòng sông sóng trắng này. Em đã thuộc về ngày xưa, thuộc về mối tình câm, thuộc về kỷ niệm.

 

Và đã là kỷ niệm thì có thể tìm thấy trong tâm tưởng của mình. Cũng như thành phố của ba bờ sông này, có thể tìm trong kí ức những sóng trắng kia - những sóng trắng trên dòng sông trí tuệ.

 

Mỹ Tho - chiều đông

Quý Mùi- 20/12/03

 

Lê Ái Siêm
Số lần đọc: 2763
Ngày đăng: 14.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cà Mau và hạt ngọc phù sa - Lê Tương Ứng
Chùa cổ Tiên Châu - Trần Thành Trung
Đặt trúm ở rừng U Minh - Phan Trung Nghĩa
Đọc “Diện mạo văn học dân gian Nam bộ” của Nguyễn Văn Hầu - Nguyễn Viết Chung
Người Chăm An Giang – bản sắc văn hóa độc đáo một vùng biên - Phương Kiều
Phú Quốc không xa - Anh Động
Tính thuần phác trong thơ đồng bằng sông Cửu Long - Kim Ba
Vẫy vùng đàn sáo Hậu Giang - Vũ Thống Nhất
Rộn ràng hoa trái miền Nam - Vi Ái Dân
Cà Mau, với cái nhìn 300 năm trước - Hồng Hạnh
Cùng một tác giả
Nhớ La (thơ)
Sóng Trắng (văn hóa)
Một khán giả (truyện ngắn)
Valentine (truyện ngắn)