Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
504
115.989.941
 
Những Ngày Sương Nhạt
Nguyễn Hàng Tình

Dòng suối Lạch nguyên khởi lại hiện ra kể ngày người ta xả hết nước hồ Xuân Hương, dù cộng đồng Lạch(Lat) bản địa đã lùi sâu hơn từ lâu, vào tận chân núi Langbian, cách đây vài chục cây số.

 

VỌNG

 

Ai nhớ con suối nguồn cội xứ sở kể từ khi chiếc áo sơn nguyên, những làng sơn cước của thứ xã hội bán khai bé bỏng tháo cởi hơn 100 năm trước để mang vào kiếp "phố", đô thị, muốn xem hình hài của nó, thì hẳn đây là dịp. Đã qua 265 ngày vắng nước, đủ để cỏ dại mọc xanh dưới đáy hồ, liếm ra dòng suối cổ xưa vùi sâu như vừa"sống lại", êm ái và thản nhiên chảy, với nước từ thượng nguồn Hòn Bồ rong ruổi về lúc đục lúc trong theo từng ngày mưa nắng. Nhưng ở phố núi này ai cũng biết số người nhớ con suối Lạch kia hẳn sẽ ít hơn nhiều so với số người nhớ hồ nước Xuân Hương, bởi làng Lạch trú vào chân núi xa xa kia sau nhiều chục thế kỷ nay  vẫn lơ thơ dân số đôi ngàn.

 

 

Dòng suối Lạch cổ xưa ngầm ẩn hiện nỗi lòng hồ Xuân hương khô cạn, Ảnh Nguyễn Hàng Tình

 

Ba ngày sau khi xả nước hồ, những người Lạch từ trong xã Lát_thuộc huyện Lạc Dương_ mới hay, cá lớn thiên hạ đã bắt hết. Vòng quanh hồ Xuân Hương thành "Lễ hội cá" ở xứ du lịch suốt mấy ngày. Vậy mà hôm sau đó nữa bỗng thấy họ xuất hiện, kéo nhau ra Đà Lạt, nhảy xuống dòng suối Lạch chỗ còn nước mà quần thảo, mót lấy những con cá cuối cùng. Đứng trên bờ nhìn xuống, nhận ra đồng bào Lạch ngay, bởi kiểu bắt cá tập trung cao, ánh mắt ngơ ngác, hồn hậu, và dụng cụ thô sơ của cư dân miền Thượng. Đây đó ở nơi cầu Sắt phía thượng lưu những nhóm người Lạch già trẻ túm tụm nướng cá bằng củi ngo ăn thoả thú ngay bên lề cỏ, dĩ nhiên mấy vị đàn ông thì đệm thêm chút rượu đế(nên nhớ chứ không phải rượu cần!) đựng trong những vỏ chai nhựa Lavie. Vấn đề là cá và và thú bắt cá thôi, chứ thực ra nhiều người Lạch không còn quan tâm hay nhớ về con suối Lạch(Lat) này nữa, bởi thời cuộc đã xa lắc còn nhịp sống thì giờ đã là  trồng lơghim, và đánh cồng chiêng cho du khách xả xì - trét  mỗi khi đêm về, dù cái tên " Đà Lạt"( Da là nước, là suối; và Lat hay Lach là người Lat, người Lạch) đã thành tên của cả xứ sở, của một Đô thị du lịch lừng danh, nơi khách sạn cùng thị dân, xe cộ soi bóng. Những tháng ngày hồ khô cạn này thỉnh thoảng thấy những tốp đàn bà mang gùi kéo mấy đứa trẻ con lững thững đi theo dọc vỉa hè đường Yersin ven hồ để ra trung tâm phố xá trong lặng lẽ và xưa cũ, họ chẳng buồn nhìn xuống lòng hồ, khiến cảm giác nơi mình mọi thứ cứ bạc phơ ra. Ai chẳng nhớ, sau cái tên Grand Lac do người Pháp từ Âu Châu xa lạ bỗng xuất hiện ở cao nguyên Langbian đặt thì người Việt vốn ưa mỹ ngữ mà gọi  bóng bẩy  hơn cho dòng suối này là " Xuân Hương", thì cái tên "Lat" cho dù là suối hay hồ, nước hay nguồn, vẫn gợi thương vời vợi một cội rễ  núi ngàn ngun ngút. Cùng với Hà Nội_với hồ Gươm, phố núi cao nguyên Đà Lạt là một trong hai đô thị duy nhất của Việt Nam có hồ nước thiêng liêng, chứa linh hồn, là thắng cảnh Quốc gia, thực thể ngọc ngà nằm giữa lòng đô thị. Có người Đà Lạt nào ra đi  không nhớ về hồ Xuân Hương ?

 

NGÓNG

 

Người Đà Lạt có từ "ra phố". "Ra phố" ấy là khi ngang qua hồ Xuân Hương. Thiên hạ bảo hồ Xuân Hương là "trái tim Đà Lạt", là "con ngươi ", "chiếc gương soi" của phố núi là vì vậy. Phố núi bé như một bàn tay, trăm thứ dồn về chỗ trũng nhất là đây, từ sạch đến dơ, hay đến dở, tốt đến xấu, thanh lịch hay thô kệch, tự tin hay mặc cảm, vững mạnh hay non yếu, năng lực hay kém cỏi... Cái "Trái tim" đô thị bé bỏng này làm người ta cọ sát nhau, chạm mặt nhau, giáp mặt nhau, lạ hoá quen, quen hoá thân, và nói quá một chút rằng cứ như thiên hạ ở đây quen biết nhau cả.

Vì vậy, những ngày hồ Xuân Hương không còn là hồ như thế này, mọi người hình như hẫng đi, một cảm giác về sự thiêu thiếu, trống vắng, chơi vơi, như xa "lực hút", mất  điểm tựa,  đến độ có người bảo:" sao không gian cứ từa tựa như một nơi chốn của khoảnh khắc ngày đầu sau chiến tranh", bởi xứ sở bỗng thanh bình, thứ thanh bình lạ đến buồn tênh, lành lạnh, hoang vắng, vơi cạn sức sống. Gặp các chủ khách sạn, họ tự tình: "Nguồn khách cũng cạn, hẻo theo sự biến mất của hồ Xuân Hương". Còn ông bạn già đánh xe ngựa ở đồi Tây Đức mấy tháng nay gác chiếc xà ích vào xó vườn, khái quát gọn trơn: " Hết nước là hết ...lãng mạn!". Người xà ích tự an ủi: Chỉ có du khách "khùng" mới cố mà ngồi lên đấy vòng quanh để ngắm nhìn đáy hồ trơ trơ!". Tình huống éo le này  làm ta sáng mắt rằng vì sao mấy nàng Sài Gòn muốn lên Đà Lạt du chơi hay gọi điện: "hồ Xuân Hương có nước lại chưa anh?"(như thế họ vì Đà Lạt chứ vì chi ta !).

 

*

 

Dưới lòng hồ một ngày tháo nước, Ảnh Nguyễn Hàng Tình

 

Hình như không chỉ tổn thương du khách, cạn nước hồ Xuân Hương, Đà Lạt còn mất cả... thơ. Ông Hàn Mặc Tử lần đầu tiên (và cũng là lần cuối cùng) đến Đà Lạt vào mùa đông năm 1933 của thế kỷ  trước từng làm bài thơ duy nhất của ông về xứ sở này chẳng nhắm ngay vào cái hồ này mà trút  hồn thi sĩ:"...Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều/ Để nghe dưới đáy nước hồ reo/ Để nghe tơ liễu run trong gió/ Và để xem trời giải nghĩa yêu "(trong "Đà Lạt trăng mờ"). Thiên nhiên trong vắt Đà Lạt luôn cao hơn lòng người, thách đố tất cả, nên đấy hình như vẫn là đệ nhất thi phẩm viết về Đà Lạt cho đến ngày nay. Lại có anh nhạc sĩ chất phát từ B'lao lên buông xả cảm xúc viết ra thứ ca từ thật lòng: " hồ Xuân Hương là nhuỵ, là sương khói quê nhà ". Nhưng cứ theo anh chàng nhạc sĩ hàng huyện khó ghét này thì hồ Xuân Hương mà khô cạn cũng làm ảnh hưởng đến nền nhiếp ảnh nghệ thuật.

 

Nhưng có lẽ chỉ những kẻ nhạy cảm thái quá(như đám Văn nghệ), hoặc thực dụng trần trụi (như các Chủ khách sạn) cứ buồn rầu vì hồ Xuân Hương trơ đáy kéo dài, chứ còn các những đôi lứa yêu nhau thì chả sao, cũng phơi phới, khối cặp say sưa theo sự đẩy đưa nơi con suối Lạch: dẫn nhau xuống nơi đáy hồ nứt nẻ kia để chụp lấy bộ ảnh cưới cho đặc sắc, lần cưới vợ tiếp theo chắc gì gặp lại. Những bộ veston Tây sang trọng  lướt đi trong chiếc váy trắng nõn nã dài đến thê thiết như thế giữa nền cảnh nứt nẻ của mặt đất đỏ dẫu có là kẻ chụp ảnh tồi cỡ mấy cũng không thể làm bức ảnh xấu đi, không cảm xúc. Các đôi gái trai yêu nhau không được đạp vịt sắt, Pelado trên mặt hồ thì cũng xoay sở bằng  thú mới là hồn  thênh thang theo cỏ hoang trên mặt đất sình nứt nở kỳ ảo vậy. Lạ thật với xứ Đà Lạt, khi cỏ dại mọc đầy ở đâu thì các loài  hoa tử tế cũng bon chen, từ đâu dưới đáy hồ trỗi dậy trổ bông quá trời.

 

MÒN

 

Nhưng cũng lắm người hàng ngày qua lại cứ ném vào những tiếng "trách" móc cho ai không lo tập trung những chuyện cần kíp sống còn khác cho xứ sở du lịch mà nổi hứng cho tháo cạn hồ, và phá cầu ông Đạo (cây cầy ngăn dòng suối Lạch mà hình thành nên hồ nước Xuân Hương) để làm cho được một đường cầu - cống đời mới, dù đường cầu cũ người Pháp làm quá chuẩn mực, bền chắc, chưa cần thiết phải mất thời gian và tiền bạc cho việc đập bỏ, bởi theo nhận định cũng xài được hai chục năm nữa. Còn hồ thì mới vét lần thứ hai cách nay chỉ hơn mười năm trong lịch sử gần trăm năm của nó. Lòng hồ là lai láng, trải dài, nhưng vét đến chỗ hết hứng thì chặt ngang, không vét nữa, cứ như thiên nhiên hoạt động bồi lắng  theo "kịch bản". Khi phá cầu ra, người ta té ngửa vì người Pháp thiết kế đặc biệt quá, khác xa đoán định của "chuyên gia Thuỷ lợi" tỉnh nhà, nên loay hoay mãi không tìm ra giải pháp xử lý, cách thức thi công phù hợp trên con suối Lat. Chẳng lẽ quay lại đi cầu cứu đám Thực dân, lục lại hồ sơ thiết kế về chiếc cầu ông Đạo ở bên Pháp ? Từ đó, công trình cà dựt, đủng đỉnh, bỏ bê, công nhân lèo tèo như sương khói, dầm dề suốt từ mùa khô sang mùa mưa vẫn không xong (và cũng không biết đến bao giờ kết thúc), gặp lại mùa khô, như thể thách thức bá tánh vậy. Có thời điểm cô bác phố núi "tắm" trong bụi, thay vì mù sương dấu yêu, bởi xe cộ chở bùn đất tung hoành. Nhiều cửa hàng, cửa hiệu ở đường Phạm Hồng Thái, Yersin, Mimoza.. đóng cửa để... tránh bụi. Tốn kém hơn 100 tỉ đồng của dân là một chuyện, nhưng  đẩy cả cộng đồng tới cảm giác mỏi mòn, ngóng trông là  tổn thất khó bù đắp, không thể thanh minh.

 

 

Hồ Xuân Hương là một tác phẩm đô thị khi đầy nước có những buổi sớm long lanh thế này, Ảnh Nguyễn Hàng Tình

 

Dòng thời sự chủ lưu của người Đà Lạt những tháng qua vẫn chỉ là " Câu chuyện hồ Xuân Hương". Ngày nào người ta cũng hỏi nhau: " Bao giờ xong ?". Chuyện đại sự mà như giỡn; thân thể ngọc ngà của trinh nữ mà đụng vào nặng tay. Cái hay là ngắm bụi đất thay sương, cảm xúc bị chấn thương, khách sạn ế ẩm, nhưng không một người dân, hàng quán, cơ sở lưu trú nào kiện nhà chức trách. Chả ai nghĩ đến chuyện giảm thuế cho dân năm này. Ai đó từ Sài Gòn vì quá nhớ Đà Lạt lại có tuần nhảy lên, thì chao ôi  kêu trời với tình cảnh cái hồ mang tên con gái. Nhưng lữ khách bỗng khen: "Thế mới biết người Đà Lạt luôn hiền lành, rộng lượng, bao dung với chính quyền !".

 

Khó như chuyện ở kỳ  hội nghị của các nước Asean vừa diễn ra ở Đà Lạt, ai đó bày  trò lấy đất chặn qua loa lại cho lòng hồ có ít nước tụ, mặt nước lưa thưa  nham nhở  lềnh bềnh bụi rác giữa một công trường bốn bề bề bộn thế_rồi  ngay sau khi khách rời Đà Lạt thì cho xả ngay_mà người ta vẫn làm được. Dân phố núi thứ thiệt thấy xứ sở vốn được xem dù hoàn cảnh nào cũng tử tế- trung thực - văn minh- thanh lịch Đà Lạt mà nay cũng sống đối phó, diễn kịch nên ngạc nhiên.

 

Rồi cũng có ngày hồ Xuân Hương sẽ "trở về", người Đà Lạt sẽ không "nhớ" nó nữa, nước sẽ phủ tràn từ thượng lưu cầu Sắt đến hạ lưu đập cầu ông Đạo, khói sương sẽ tha thướt lan toả, dáng cây Liễu Rũ bên hồ cùng nhà Thuỷ Tạ kia sẽ có mặt nước để soi bóng, và tiếng vó ngựa người bạn già tôi sẽ khua vang ven bờ.

 

*

 

Ông Kiến trúc sư người Pháp Enesrt Hébrard_người đưa ra ý tưởng ngăn con suối Lạch ngõ hầu tạo hồ nước cho Đà Lạt thành đô thị thanh cảnh, và ông Kỹ sư công chánh Labbé_người đứng ra ngăn đập trên suối_ quả làm "khổ" trái tim người Đà Lạt đến tận ngày nay. Hai vị đã thành người thiên cổ từ nửa thế kỷ trước, nhưng hồ Xuân Hương đã thành thân thể, ruột gan Đà Lạt, như một thứ di sản đô thị sống động vĩnh cửu, hồn vía một xứ sở./.

Nguyễn Hàng Tình
Số lần đọc: 2735
Ngày đăng: 25.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xin Đừng Trách Đa Đa - Mây Ngàn Phương
Ghi chép ở Bến Dược, hiểu thêm nguồn gốc một địa danh. - Diệp Hồng Phương
Bác Ba Phi, sự thật và huyền thoại - Đặng Huỳnh Lộc
Tiếng Ghita Bên Rừng Thông - Nguyễn Hàng Tình
Nhật Ký Hai Ngày “Đại Lễ Nghìn Năm” - Hoàng Hưng
Mưa Thu Và Mưa Hạt Sồi - Mây Ngàn Phương
Ý Thức Và Tôi - Trần Duy Phiên
Tưởng Trong “Giây Phút” Mà Thành…“Thiên Thu” - Lê Ký Thương
Đồ Sơn trăn trở - Khải Nguyên
Hội Thảo Thân Thế Sự Nghiệp Linh Mục Léopold-Michel Cadière: Tại sao tôi không là một vị thánh? - Nguyễn Hữu An
Cùng một tác giả