Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
555
116.537.262
 
Kẻ Phá Cầu
Lữ Kiều

KỊCH MỘT MÀN MỘT CẢNH

 

Các Nhân Vật:

 

VĂN : Người chồng

KIM : Người vợ

MIÊN : Em người vợ, thương binh mù

TRUNG : Tổ trưởng đặc công

NGƯỜI CHỈ HUY: Đặc công

ÚT : Du kích

DU KÍCH QUÂN : (3-5 người)

BÀ MẸ : Câm, bất thường

 

 

 

CẢNH

Bên trong một căn nhà dưới mức trung lưu, trong thời chiến. Cái hầm nổi xây bằng bao cát và gỗ ván chiếm phần bên mặt.  Trên cái hầm là khuôn cửa sổ lớn, khép lại, chỉ mở ra để hé thấy hình ảnh chiếc cầu phía sau. Một cánh cửa ở bên trái là cửa chính. Cánh cửa nhỏ hơn, bên cánh gà sân khấu, để ăn thông với nhà sau.

Sự bày biện sơ sài. nghèo nàn.

Kịch xảy ra vào cuối năm 1968.

 

MÀN ĐỘC NHẤT

 

Mọi người trong gia đình vừa xong buốt cơm tối. Ngọn đèn dầu leo lét trên bàn. Người Mẹ ngồi khuất trong một xó, nhìn về phía khán giả. Văn đọc báo. Kim dọn dẹp. Miên ngồi tựa lưng vào những bao cát, mãi đeo kính đen, hút thuốc. Tiếng chó sủa xa xa.

 

 

 

VĂN

Em đóng cửa chưa?

KIM

Rồi, anh ạ.

VĂN

Miên, vào hầm trước đi. Vào với mẹ.

MIÊN

Tôi ngồi một lát cho thoáng.

KIM: (Đến bên Miên, dịu dàng)

Hình như mấy hôm nay Miên không được khỏe.

MIÊN

Không sao đâu chị.

KIM: (Ngồi xuống cạnh Miên, mệt mỏi)

Đêm nào cũng phải chui vào hầm. Thật khó chịu. Mẹ và anh Văn hay lo nên tôi đành chìu lòng. Chứ tình thật tôi chỉ thích ngủ thoải mái. Ở ngoài hiên kia!

MIÊN:

(Gượng cười)

Tôi cũng thích như vậy (một lát) Dù sao, chị cũng cần nhiều cố gắng và can đảm nhất trong nhà.

VĂN

Em đã cài then hết cửa rồi chứ?

KIM

Hết cả rồi, thưa anh.

VĂN

Dạo này, em cũng gầy đi nhiều đó.

KIM: (Gượng cười)

Có gì đâu anh. Em vẫn mạnh khỏe! (nói với Miên) Phải không Miên?

MIÊN

Tôi chẳng thấy gì.

KIM: (Chạnh lòng)

Chị quên… (nắm tay Miên bối rối trong lúc Miên cười lặng lẽ)

 

VĂN

Kim, em đưa mẹ vào hầm trước đi. Anh chưa muốn ngủ.

KIM

Em cũng muốn ngồi một lát nữa.

Tiếng phản lực. Tiếng bom dội về. Người Mẹ nãy giờ ngồi ngó ra khán giả, bỗng đứng dậy. Bà cử động như cái bóng lẩn lút, âm thầm. Bà vào trong hầm.

MIÊN

Hồi nãy, tôi nghe chị hát. Chị hát bài gì vậy, chị Kim?

KIM

Bài ca Hòa Bình. (Ngượng nghịu, một lát) Miên còn thích bài Chiều Vàng chứ?

MIÊN (gượng cười)

Còn, chị ạ. Chị nhắc làm tôi nhớ Trung. Chúng tôi đã sống với nhau những ngày ruột thịt. Cả hai đều hát bài Chiều Vàng ầm ỉ và hăng hái, để cùng tương tư một cô gái không có gì đặc sắc hơn các cô gái khác.

KIM

Ừ nhỉ. Vậy mà Trung bỏ đi. Lên núi.

MIÊN

Đáng buồn. Cả tôi lẫn Trung đều sống quá vội. (Một lát) Chị Kim ạ, bây giờ, trước mắt tôi thỉnh thoảng cũng hiện ra những chiều vàng rực rỡ trên thảm mạ xanh rợn người. Bác sĩ bảo giây thần kinh thị giác của tôi chưa chết hẳn.

 

Văn bị câu chuyện giữa hai chị em làm chú ý. Chàng cảm động nhưng chẳng thể biểu lộ. Sân khấu tối dần lại chỉ chừa hình ảnh Văn loay hoay bứt rứt giữa ghế ngồi, tờ báo; hình ảnh gây ấn tượng một người bị trói buộc bởi nhiều sợi dây căng ra từ những tĩnh vật và tiếng động chung quanh - tiếng phản lực, tiếng chó sủa, tiếng mèo, tiếng đại bác. Trong lúc ấy, câu chuyện giữa hai chị em vẫn trầm trầm, đều đặn.

 

KIM

Miên ạ, một mai, khi hòa bình, đời sống sẽ khác.

Chúng ta sẽ gặp lại những người thân, sẽ trở về làng cũ, chị sẽ đưa Miên đi.

MIÊN (cười)

Chị vẫn bền lòng hy vọng ư ? Dù sao, chúng ta cũng không được già cỗi để chờ ngày hòa bình trở lại.

KIM

Miên làm chị cảm động. Chị hát Chiều Vàng cho Miên nghe nhé. (Khẽ hát)

MIÊN

(Làm bộ vô tình không nghe, ngắt ngang.)

Anh Văn, hôm nay có tin gì về hòa đàm Ba Lê?

VĂN

Vẫn luận điệu cũ. Chưa tiến triển. Người ta đề nghị rút quân về cả hai phía…

Không khí trong nhà rời rã. Mỗi người như theo dõi tư tưởng của chính mình. Có tiếng còi tàu thật xa. thật rền.

KIM

Chín giờ rồi.

MIÊN

Vẫn tiếng còi tàu ấy.

 

KIM

Nghe thật buồn, phải không?

MIÊN

Buồn lắm!

Im lặng, một lát. Rồi tiếng chó sủa ở xa gần lại. Tiếng mèo. Tiếng chó rộn rã hơn. Tiếng chân người rào rào. dừng lại. Văn thất sắc đứng dậy.

VĂN (nói nhỏ)

Có người đến. Tất cả mọi người vào hầm. Để mặc tôi.

KIM

Không được. Anh hãy tránh đi. Giờ này đã giới nghiêm rồi. Có lẽ soát gia đình. Để em liệu.

MIÊN

Anh Văn hãy tránh đi một lát. Để tôi và chị Kim.

VĂN (lo sợ)

Họ đông người. Có lẽ họ vào đây. Kim hãy vào hầm với mẹ. Anh và Miền ở đây.

Những tiếng động chợt im. Một lát. Rồi có tiếng gõ cửa.

MIÊN

Hãy nghe lời tôi. Anh Văn tránh vào nhà sau đi. Lát nữa anh ra vẫn chưa muộn. Anh nên nhớ là nhà này ở vùng xôi đậu giữa hai chính quyền.

KIM (năn nỉ)

Anh Văn, hãy nghe em, hãy vào nhà sau tránh đi. Sau tủ áo. Nghe anh. (nắm lấy áo Văn đẩy đi) Cố gắng lên anh. Nghe em.

Văn khuất vào nhà sau. Tiếng gõ cửa rụt rè. Rồi dồn dập. Rồi tiếng một người.

NGƯỜI LẠ

Có ai ở nhà, xin mở cửa.

KIM: (lớn tiếng)

Ai đó?

NGƯỜI LẠ

Xin mở cửa.

KIM

Xin cho biết các ông là ai? Chúng tôi ở đây chỉ có đàn bà.

NGƯỜI LẠ: (Vẫn nhỏ tiếng)

Xin mở cửa. Chúng tôi đây.

Kim tần ngần một lát rồi mở cửa. Những người lạ ùa vào nhà rất nhanh, súng cầm tay. Họ bao vây cái hầm, chắn trước những cánh cửa. Một người mở hé cánh cửa sổ cho nhìn thấy hình ảnh cây cầu phía sau rồi khép lại.

NGƯỜI CHỈ HUY

Xin mọi người đứng yên, (lớn giọng) yêu cầu những người trong hầm hãy ra ngay.

MỘT DU KÍCH

Theo báo cáo nhà có bốn người.

KIM

Thưa ông, chỉ còn má tôi trong hầm. Má tôi lãng tai.

NGƯỜI CHỈ HUY

Tôi hiểu. (Nói với những người du kích quân) Các đồng chí hãy bố trí canh gác vị trí này. Đầy là hậu cứ cho mục tiêu hoạt động đêm này.

NGƯỜI DU KÍCH

Rõ.

NGƯỜI CHỈ HUY

Đồng chí Út!

ÚT

Có mặt.

NGƯỜI CHỈ HUY

Báo cáo với tổ trưởng giai đoạn một đã hoàn tất.

MỘT DU KÍCH

(ngập ngừng)

Còn những người trong hầm?

 

NGƯỜI CHỈ HUY

Đây là những người quen. Tôi biết. (nói với những người du kích) Các đồng chí hãy y lệnh. Bây giờ, tôi ở đây một mình. Các đồng chí nhớ mật hiệu vào nhà chứ.

NGƯỜI DU KÍCH

Dạ nhớ, thưa đồng chí (rút lui dần).

NGƯỜI CHỈ HUY (cứng rắn)

Thưa bà tôi cho bà một phút để gọi người trong hầm ra. Còn ông kia (gọi Miên) ông hãy ngồi đó, yên lặng. Tôi biết ông mù.

KIM (lo âu gọi lớn)

Má, Má.(Người chỉ huy tiến thêm một bước, chĩa súng vào hầm. Kim gọi thêm) Má! Má!. (Trong lúc này bà mẹ từ từ ra khỏi hầm, nhìn người lạ, không nói năng).

KIM (nhìn mẹ rồi ngập ngừng)

Má ra ngoài này cho người ta xét nhà.

NGƯỜI CHỈ HUY

Còn một người nữa!

KIM

Chồng tôi vắng nhà!

NGƯỜI CHỈ HUY (nạt)

Hừ, vắng nhà, bà nói dối! (một lát, dịu dàng hơn) Thôi được. Trong trường hợp này, tôi được lệnh xử sự đặc biệt (mỉa mai) Dù sao, dù chồng bà có lánh mặt thì cũng chẳng thể làm gì hơn. Bà biết chứ, bà biết chúng tôi là ai. Chúng tôi đã bố trí quanh nhà này, để không ai vào ra được (dịu dàng) Nhưng xin bà đừng sợ, chúng tôi chỉ mượn tạm căn nhà này trong một thời gian ngắn.

Đến ngồi giữa ghế, nhìn mọi người lơ đãng.

KIM

Các ông định làm gì?

NGƯỜI CHỈ HUY

Một công tác mà bà có biết cũng chẳng ích lợi. Nhưng chúng tôi hứa sẽ không làm hại gia đình bà.

Sân khấu tối đần. Kim đứng gần lại Miên đang gục mặt. Người mẹ tiến về xó tối, ngồi xuống, bó gối nhìn khán giả.

KIM (Giọng mất bình tĩnh)

Chúng tôi chỉ có bà mẹ già. Và một người tàn tật.

NGƯỜI CHỈ HUY

Tôi đã hứa không làm hại gia đình bà. Chúng ta là người quen cũ.

KIM

Người quen?

NGƯỜI CHỈ HUY

Vâng. Người quen. Bà không nhận ra tôi đâu, bà Văn ạ. Nhưng tôi thì không thể quên bà. (cười khan) Không hề quên bà.

KIM  (Lúng túng)

Xin ông cho biết tên.

NGƯỜI CHỈ HUY

Sá gì một cái tên, thưa bà. Chúng tôi đến, rồi đi. (một lát) Nhưng chốc nữa đây sẽ có một người đến, và bà sẽ nhận ra.

Nhìn về Miên. Ánh sáng hướng về Miên: Miên đang nhíu mặt, đau đớn, bất lực, nghe ngóng. Lúc bấy giờ, tiếng chó sủa. Tiếng chân người. Người chỉ huy đứng bật dậy, rút súng ngắn, lên đạn, đứng nép một bên cửa chính.

NGƯỜI CHỈ HUY

Không ai được lên tiếng!

Tiếng chân dừng lại. Tiếng chó sủa. Rồi tiếng gõ cửa. Hai tiếng ngắn, ngừng lại, ba tiếng rời. Cánh cửa từ từ mở. Một bóng người len vào. Người chỉ huy hạ súng xuống.

TRUNG (khuất vào bóng tối)

Chào đồng chí.

NGƯỜI CHỈ HUY

Chào đồng chí.

Trung di động trong phần tối của sân khấu. Chỉ thấy cái bóng sinh hoạt

TRUNG

Giai đoạn đầu đã hoàn tất?

NGƯỜI CHỈ HUY

Vâng.

TRUNG

Còn những người trong nhà?

NGƯỜI CHỈ HUY

Ông Văn lánh mặt.

TRUNG

Thôi, được rồi. (Trung đến cánh cửa sổ, mở rộng ra, y đứng quay lưng về phía khán giả, bóng người nổi bật trong đêm) Đồng chí còn thắc mắc gì về công tác đêm nay?

NGƯỜI CHỈ HUY

Xin trình bày lại kế hoạch. (Nhìn những người trong nhà,  ngập ngừng)

TRUNG: (trầm ngâm)

Đồng chí cứ nói. Những người này không làm hại chúng ta.

NGƯỜI CHỈ HUY

Vâng, mục tiêu đã được nghiên cứu kỹ. Đồng chí Tư và Hào mở đường. Đồng chí Vui giữ đường liên lạc. Tôi và đồng chí là những kẻ mang chất nổ và thực hiện công tác. Căn nhà này là hậu cứ của chúng ta. Đồng chí Út sẽ ở lại đây.

TRUNG

Vâng.

NGƯỜI CHỈ HUY

Vậy, tôi xin rút lui.

TRUNG

Lệnh cuối: Chúng ta không nổ súng. Hẹn đồng chí giờ N.

NGƯỜI CHỈ HUY (ngập ngừng)

Còn điều này, những kẻ ở trong nhà...

TRUNG

Tôi sẽ liệu.

NGƯỜI CHỈ HUY

Còn người đang trốn?

TRUNG (lạnh lùng)

Được rồi. Chúng ta đã hoàn tất giai đoạn một êm đẹp.

NGƯỜI CHỈ HUY

Chào đồng chí (rút lui)

Trung giơ tay phát một cử chỉ mệt mỏi. Ánh sáng chiếu lên cái lưng của Trung đang đứng yên lặng nhìn cây cầu.

Trong lúc đó, Miên, trong một dáng điệu cực kỳ đau đớn, sờ soạng đứng dậy.

MIÊN (run giọng)

Trung đó hả?

TRUNG (quay lại từ từ)

Phải, Trung đây!

KIM (thốt kêu lên, đứng bật dậy).

Trời! Trung!

Mọi người im lặng sững sờ một giây.

TRUNG

Vâng. Tôi từ núi về. (Một lát) Tôi mừng thấy Miên còn sống sót.

MIÊN (Tiến tới, đưa tay ra với Trung.)

Trung thật đó hả? (cảm động) Chúng ta đều còn sống...

TRUNG: (Nén xúc động, thẳng thắn.)

Tôi chỉ còn rất ít thời giờ. Chị Kim, chị hãy gọi anh Văn ra đây. Tôi hứa với chị không để ai làm hại anh ấy.

KIM (yếu đi)

Anh ấy không có nhà.

TRUNG

Chị không còn tin tôi nữa. Thôi được. (ngừng một lát)  Tôi chỉ muốn thăm anh ấy.

MIÊN

Trung, cậu về đây làm gì?

TRUNG

Miên biết rồi. (ngồi xuống ghế) Miên hãy ngồi. Chị Kim cho tôi ly nước. Chúng ta còn rất ít thời giờ nói chuyện với nhau. (nhìn người mẹ) Thưa bác, bác vẫn mạnh?

Người mẹ nhìn Trung, khoát tay ra dấu từ chối.

KIM

Chị ra sau lấy nước cho Trung.

TRUNG

Hãy nói với anh Văn: đừng trốn khỏi nhà. Chúng tôi chỉ chọn tạm nơi này làm hậu cứ. Mọi người chỉ cần giữ thái độ không nghe, không biết, không thấy.

KIM

Tôi nghe lời Trung (khuất về sau).

MIÊN

Trung! Bây giờ cậu ra sao?

TRUNG (khinh bạc)

Thế đó!

MIÊN

Tôi không còn nhìn thấy cậu.

TRUNG

Chúng ta đều thay đổi.

MIÊN

Hãy lại gần đây (giơ tay quờ quạng trong lúc Trung bước lại gần)

TRUNG

Ở trên núi, tôi nghe tin cậu đã chết.

MIÊN (nắm lấy tay Trung)

Tôi không thể tưởng tượng ra cậu. Có lúc, tôi cũng nghĩ là cậu đã chết.

TRUNG

Chúng ta đều còn sống. Nhưng không thể còn như xưa.

MIÊN

Tôi không tin. Người như cậu không thể gột bỏ quá khứ.

TRUNG

Tôi học được điều này: chúng ta đã có một tuổi trẻ lãng mạn. Quá khứ ấy phải biết quên đi. Tôi nghĩ đến hiện tại. Cái quá khứ khốn nạn đã đày đọa đời sống chúng ta, đã bắt tôi rời gia đình, xa bạn bè. Cái hiện tại đã dạy cho tôi lao tù tủi nhục, đã cho tôi hiểu thấm thía một thứ tình cảm mạnh hơn tình yêu.

MIÊN

Là gì?

TRUNG

Hận thù.

MIÊN

Thật thế ư?

TRUNG (hăng hái)

Chính hận thù đã đẩy tôi lên núi.

MIÊN

Đó cũng là sức mạnh xui cậu phá cầu?

Im lặng sững sờ. Một lát.

TRUNG (ngập ngừng)

Miên, cậu không hiểu đâu. (thẳng thắn) Phải, tôi sẽ phá cầu. Tôi về đây để phá cầu.

MIÊN

(Kêu lên, lùi xa.)

Trung, cậu không được làm vậy.

TRUNG

Quyết định không phải của tôi. Tôi không đi ngược lại với nghị quyết. Tôi chấp nhận. Vì vậy, tôi tình nguyện về đây, phá cầu.

(Im lặng, nặng nề.)

MIÊN (Cố nén xúc cảm)

Trung, tôi đồng ý chúng ta đã đứng ở hai phía. Nhưng chiếc cầu trung lập. Nó không phải là mục tiêu quân sự của bên này, hay bên kia.

TRUNG

Trong cuộc chiến này, không có nơi nào trung lập.  Bên này. Hay bên kia.

MIÊN

Không, chiếc cầu không phải của bên nào cả. Nó là của thành phố chúng ta. Nó là của lịch sử. Chiếc cầu đã có từ khi chúng ta chưa sinh ra. Nó có lịch sử của nó, gắn liền với lịch sử đất nước. Phá cầu là một hành động phá hoại thuần túy.

TRUNG

Phá hoại nào cũng thuần túy cả. Miên ạ, tôi cũng yêu quý cây cầu (mơ màng) Đâu phải dễ dàng quên hết những liên hệ giữa mình và cây cầu kia. Nhưng nó phải bị hủy diệt.

MIÊN

Sự phá hoại kia mang ý nghĩa gì?

TRUNG

Tôi không muốn cắt nghĩa. Nhưng cậu thử nghiệm xem. Giờ là chiến tranh. Sáng mai, thức dậy, cả thành phố này kinh hoàng: chiếc cầu đã gãy. Chiếc cầu huyết mạch của đô thị đã bị phá bởi những người trên núi trở về. Chỉ sự kiện ấy thôi, đủ mang cái ý nghĩa có mặt của chúng tôi.

MIÊN (hằn học)

Sự có mặt của phá hoại.

TRUNG

(chán nản)

Cậu không thể nào hiểu nổi. Con đường tôi Đi dạy cho tôi nhiều điều, trong đó, có sự mù quáng của tình cảm.  Phải biết hy sinh tình cảm. Cây cầu có sá gì, so với những bất công, đau khổ, chết chóc kia?  Tại sao cậu mù lòa? Sao tôi lên núi? Tại sao hàng vạn thanh niên như cậu như tôi không được sống bình an?

MIÊN

Cậu muốn thuyết phục tôi đó ư?

TRUNG

Tôi không còn thì giờ. Dù sao, chúng ta cũng đã chọn lựa.

MIÊN

Cậu sẽ không hối hận? Sáng mai, khi cầu gãy, những người dân mà cậu muốn giải phóng sẽ oán trách các cậu.

TRUNG

Những người nặng tình với chiếc cầu chỉ là thiểu số. Trong đó có cậu và tôi. Còn bao nhiêu người trên đất nước này chẳng biết chiếc cầu kia ra làm sao. Nhưng sáng mai, hàng triệu người ở đây, ở khắp nước, ở khắp thế giới sẽ biết đến chiếc cầu, chiếc cầu gãy, chiếc cầu bị phá bởi chúng tôi.

MIÊN

Cậu tin ở áp lực phá hoại?

TRUNG

Đó là chiến tranh.

MIÊN

Phá hoại là sức mạnh của kẻ yếu.

TRUNG (riễu cợt)

Cậu lý luận như tên tiểu tư sản lãng mạn.

MIÊN

(bất mãn)

Cậu đã lột xác đến thế ư?

TRUNG

Cậu phải hiểu rằng suy nghĩ bằng hận thù khác hơn suy nghĩ bằng tình ái (cười khan) Nhưng, dù sao tôi cũng chưa thể quên hết. (buồn bã) Tôi không thể bất hòa với đời mình. (thân ái) Miên, cậu không thay đổi. Ở xa, nghĩ tới cậu tôi không tưởng tượng ra được một hình ảnh về cậu mà khác đi. Nhưng còn tôi...

MIÊN (cảm động)

Chúng ta đã khác.

Im lặng bịn rịn. Hai người bạn đứng gần nhau. Miên sờ lên người Trung, rồi dứt khoát.

Trung, tôi phản đối cậu phá cầu. Ngày mai, khi nghe

tin cầu gãy, nếu tôi còn sống, tôi xem như cậu đã chết.

TRUNG

(Bình tĩnh)

Miên ạ, (ngập ngừng) Miên hãy nhớ điều này: Chiếc cầu kia còn thân yêu với tôi hơn với cầu. (dịu giọng) Nhà tôi ở đầu cầu tôi đã lớn lên bên bến sông ấy, xuống tắm dưới chân cầu kia. Nhưng tôi tình nguyện phá. Vì không thể làm khác.

(Rời Miên, đứng quay lưng, nhìn về phía cầu, ngậm ngùi)

Tôi phải đi. Chúng ta là những kẻ bất hạnh. Cậu đã mù nên chẳng trông thấy hòa bình. Còn tôi thì không sống đến ngày ấy.

MIÊN

Trung, tại sao?

TRUNG (xúc động)

Phá cầu, tôi đau đớn lắm. Tôi vẫn là bạn cậu, Miên hãy nhớ thế. (Khinh bạc) Dù là hận thù, dù là tình ái, thì cũng chỉ là tình cảm.

Trung gục mặt trên những song cửa sổ. Miên mò mẫm đứng gần bạn. Hai người quay lưng lại phía khán giả, ánh sáng trên hai phần lưng và chiếc cầu rực rỡ đằng xa. Im lặng, Kim bước vào, mang theo ly nước..

KIM (nhìn hai người một lát)

Trung uống nước.

TRUNG

(Quay lại, gượng cười, vỗ vai Miên, lấy lại bình tĩnh)       Cám ơn chị (Cầm ly nước uống một hơi) Chị Kim!

KIM (sợ sệt)

Dạ.

TRUNG

Tôi mừng còn gặp lại chị. Tôi không còn người thân nào. Tôi mãn nguyện lắm, (cứng rắn) chị hãy nhớ đây: giữ thái độ không nghe, không biết, không thấy!

KIM

Tôi nghe lời Trung.

(Tiếng chó sủa rõ dần. Tiếng gõ cửa theo mật hiệu.)

TRUNG

Cứ vào.

NGƯỜI CHỈ HUY

(bước vào)

Đồng chí, đã đến giờ (quay lui) Đồng chí Út!

ÚT

Dạ.

NGƯỜI CHỈ HUY

Đồng chí ở lại đây, canh giữ những người trong nhà, cho đến khi có lệnh.

ÚT

Rõ. Tuân lệnh!

TRUNG

Chúng ta đi.

Trung khép cánh cửa sổ lại, bước đi, lạnh lùng, dứt khoát, không nhìn Miên và Kim. Bổng Trung dừng lại, tiến đến trước mặt người mẹ, đưa tay ra, nhưng bà mẹ lùi lại, ra dấu từ chối.

KIM (gọi)

Trung!

NGƯỜI CHỈ HUY

(bước sau Trung)

Bà Kim, xin bà ngồi yên. Mọi người tạm dưới sự canh gác của người này (chỉ tên Út)

Trung khuất sau cửa. Người cjỉ huy trước khi khép cửa, còn nhìn lui.

KIM (gọi theo)

Trung!

NGƯỜI CHỈ HUY (bình thản, buồn bã)

Bà Kim. Bà vẫn không nhận ra tôi. Xin từ biệt Bà.

Miên đến sau lưng chị, nét mặt đau khổ. Mọi người yên lặng. Út nãy giờ đứng bất động đang dời bước nhìn khắp mọi người. Người mẹ lại tìm xó tối, ngồi xuống, bó gối, nhìn ra khán giả.

ÚT (súng nơi tay, đi lại bứt rứt)

Các người hãy ngồi!

Miên và Kim ngồi xuống hai chiếc ghế đặt gần cửa sổ. Cả hai như chưa thoát ra khỏi những xúc động dồn dập vừa xảy đến. Những tiếng động ở xa vọng về. Không khí trống trải.

ÚT

Này, anh kia?

MIÊN

Ông gọi tôi?

ÚT

Anh tên gì?

MIÊN

Miên.

ÚT

Còn bà kia.

KIM

Tôi tên Kim

ÚT (hằn học)

Hai người ngồi xa nhau ra.

Kim đỡ Miên đến ngồi xuống trước hầm, gần bà mẹ, rồi trở về chỗ cũ. Mọi người im lặng. Một lát.

ÚT (đi lại, khó chịu)

Hừ, rồi các người cũng không tránh được ngày đền tội trước nhân dân!

KIM

Ô hay! Chúng tôi có làm gì?

MIÊN

Chị Kim, xin chị đừng cãi lời ông ta.

ÚT

(Giận dữ, bước tới trước mặt Miên, thẳng tay tát vào má Miên.) Khốn nạn. Bộ tao không đáng nói chuyện với con đàn bà kia hả. Hừ, nếu mày không mù lòa thì tao đã thí cho mày viên đạn.

KIM

(đứng dậy)

Ông không hổ thẹn đánh một người mù?

ÚT

Hắn khiêu khích tôi.

KIM (cố gắng)

Nào chúng tôi có làm gì đâu...

ÚT

Câm miệng. Lải nhải. Khi đứng trên núi cao nhìn   xuống thành phố ban đêm, tôi thấy một vùng ánh sáng.   Tôi hiểu ra rằng tôi không được sống trong vùng sáng đó   vì các người đưa tôi đi. Các người là những đống rác mà   chúng tôi phải dọn.

KIM

Ông bất công.

MIÊN

(can ngăn)

Chị Kim. Tôi van chị. Lời nói chẳng đi đến đâu. (nhẫn nhục) Xin ông đừng nóng. Chúng ta là những kẻ thù địch không hiểu nhau được.

KIM

(vẫn bực tức)

Hừ, các ông ghen tỵ. Các ông ganh ghét chúng tôi, các ông ganh ghét luôn với cây cầu. Vì bởi nó còn nguyên lành nên các ông phải phá gãy nó.

 

ÚT

(đắc chí)

Hà. Hà. Bà rắc rối quá. Về chuyện cây cầu, đó là lệnh. Bà nghe chưa. Là lệnh. (xem đồng hồ) Hà hà, các người ráng chờ. Ráng chờ. Chỉ còn ít phút nữa thôi. Còn ít phút thôi - ừ, đúng vậy - cầu sẽ nổ tung. Hà hà...

KIM

Trời! (bưng mặt khóc)

ÚT

Lại khóc rồi. Sao mà dễ khóc lắm vậy. Nín đi. Bà nghe chưa. Nín!

KIM

Ác độc!

ÚT

Hà! Hà! Giữ nhiệm vụ canh gác các người thật khó chịu. Lải nhải. Khóc lóc. Giữ trâu còn sướng hơn! (một lát) Anh kia!

MIÊN

Ông gọi tôi.

ÚT

Chứ ai nữa. Ở đây chỉ có tôi và anh là đàn ông!

MIÊN

Tôi tên Miên.

ÚT

Biết rồi, các người ưa được gọi tên lắm. Này, sao anh mù vậy?

MIÊN

(bình tĩnh trong lúc Kim uất ức)

Tôi bị thương.

ÚT

À, lính phế thải! Thật ra, cho dù anh có lành lặn, có sáng mắt, thì nhân dân cũng đã phế thải anh rồi. Hiểu chưa?

MIÊN

(bình thản)

Vâng. Tôi hiểu.

Cánh cửa mé bên hé mở. Văn xuất hiện, tay cầm dao, định tiến ra nhưng thụt vào khi thấy Út tiến về phía Kim.

ÚT

Bà kia! Tôi đã nói bà im đi. Sao cứ sụt sùi hoài. Khó chịu lắng (Út lại xem đồng hồ. Tiếng chó sủa) Việc gì mà khóc chứ! Có ai chết đâu!

MIÊN (bình thản)

Có nhiều người chết lắm ông ạ.

ÚT (nhìn quanh)

Đâu ? Đâu ?

MIÊN

Nhìn bằng mắt thì chẳng thấy đâu. Nhưng ông thử nhớ lại xem. Bao nhiêu người bạn của tôi, của ông đã chết!

ÚT

(gật gù)

Ừ. Bao nhiêu người chết. Nhưng ăn chung gì đến bà mà khóc.

Bà mẹ trong xó tối bỗng phát những cử chỉ khích động và òa khóc lớn tiếng - tiếng khóc như của trẻ con.

ÚT: (xao động)

Ô hay! Bà già kia! Các người điên hả, Im! (hét lên) Im!

Sân khấu đột ngột yên lặng. Út cũng sững sờ. Y đi lại, bối rối, mỗi lần y bước gần cánh cửa, Văn lại thụt lùi tránh né. Cuối cùng khi y đến gần, Văn nhảy ra và giơ cao tay đâm vào lưng. Út hét lên. Văn bồi thêm một nhát. Súng nổ. Văn đẩy Út gục xuống.

VĂN (hổn hển)

Kim! Miên! Anh hạ nó rồi. (Nhặt súng cầm tay) Em hãy thoát ra cửa sau, chạy đến vọng gác báo tin. Không thể để họ phá cầu.

KIM

Em sẽ ráng. Anh hãy cẩn thận. (quay lui) Ô kìa, Miên!

MIÊN

(Dựa lưng vào bao cát, tay ôm ngực mặt tái xanh thất sắc nhưng không lộ vẽ đau đớn.)

Tôi bị trúng đạn!

BÀ MẸ

(Đứng bật dậy, kêu lên những tiếng quái dị.)

A! A ! A! A!

(Miên từ từ ngã xuống, kịp lúc Kim và Văn chạy đến đỡ.)

VĂN

Xé áo buộc vết thương cho Miên. (Kim xé ngay áo của mình.)

MIÊN (cố gắng)

Thôi khỏi. Tôi không sống nổi đâu. (Bà Mẹ chạy lại gần, Miên ngã người vào Bà) Con không sống nổi đâu mẹ ạ. (Kim đỡ Miên) Đừng cố gắng làm gì. Rất tiếc. Tôi không còn sống đến ngày hòa bình, chị Kim ạ. (thở dốc)

Tiếng ầm lớn vang dội sân khấu, đẩy cánh cửa sổ mở rộng, cho thấy chiếc cầu đang chìm trong biển lửa từ từ gãy.

KIM

Miên! Miên! (thất thanh) Miên! Tỉnh dậy em. Tỉnh         dậy (khóc) Miên!

VĂN

Muộn rồi. (Miên gục đầu qua một bên) Chiếc cầu cũng đã gãy

Kim ôm chầm lấy xác Miên khóc. Bà mẹ qua cơn xúc động ngồi dậy, bắt đầu sờ mó xác Miên - từ hai bàn chân lần mò lên người. Văn đứng sững nhìn chiếc cầu đang cháy. Lúc bấy giờ, những tràng súng lớn, súng nhỏ dội về. Tiếng chó sủa rân. Rồi tiếng trực thăng bay tới. Tiếng trực thăng xạ kích !

VĂN

Hãy tắt đèn. Chúng ta phải trốn.

Tiếng trực thăng bay sát mái nhà. Tiếng oanh kích ầm ầm. Một mảnh trần sập xuống, bụi cát bay tứ tung. Mọi người nằm bẹp xuống!

KIM

Chết rồi, máy bay oanh kích nhà ta. Chạy đâu bây giờ?

VĂN

(Bò đến, kéo bà mẹ và Kim vào hầm.)

Ra ngoài là chết. Vào hầm. Vào hầm đí!

Mọi người chui vào hầm. Đèn phụt tắt. Tiếng xạ kích. Thêm một mảnh trần sụp đổ. Bụi cát. Sân khấu tối đen. Chỉ còn hai cái xác mờ mờ. Tiếng trực thăng bay xa. Bay trở lui, ánh đèn từ trực thăng rọi xuống, qua lỗ thủng trên trần cho thấy hai cái xác. Rồi bay luôn. Lúc bấy giờ tiếng chó sủa vang dội. Một khoảng im lặng. Sân khấu chết. Rồi có tiếng bước chân. Tiếng gõ cửa theo mật hiệu. Văn từ trong hầm bò ra, nhặt lại khẩu súng của Út, đứng nép bên cánh cửa lớn. Tiếng gõ lần thứ hai.

NGƯỜI CHỈ HUY

Còn ai trong nhà không? (Im lặng một lát) Bà Kim. Bà Kim. Bà còn sống không? Tôi bị thương…

Cánh cửa bật mở nhẹ nhàng như thể đã mở                  từ trước.  Người chỉ huy ôm bụng, lảo đảo bước vào.

VĂN (hét lên)

Đứng lại. Giơ tay lên.

NGƯỜI CHỈ HUY

(Cố gắng đưa một tay tên, té tựa vào những bao cát, phều phào.)

Tôi bị thương nặng.

VĂN

(Bước khỏi chỗ núp)

Còn ai rút về nữa không?

NGƯỜI CHỈ HUY (phều phào)

Không. Họ chết rồi. Làm ơn cho tôi nước.

KIM

(Từ trong hầm chui ra đến gần người chỉ huy.)

Ông bị thương ở bụng. Máu ra nhiều. Ông không nên uống nước.

NGƯỜI CHỈ HUY

Bà Kim. Bà còn sống ư? Tên út đâu.

VĂN

Nó không còn nữa.

KIM

Ông cố gắng. Trời sáng sẽ có người đưa ông đến bệnh viện.

NGƯỜI CHỈ HUY

(Gục xuống, tựa lưng vào những bao cát, bên cạnh xác Miên.)

Tôi không chịu nổi... (đụng vào xác Miên) Ông Miên cũng nằm đây sao. . .

KIM

Ông cũng biết Miên nữa sao? Còn Trung đâu?

NGƯỜI CHỈ HUY

Chết rồi.

KIM (Xúc động)

Trung chết rồi? Bị bắn khi rút về?

NGƯỜI CHỈ HUY

Không.

VĂN

Em để cho ông ta nghỉ. Chúng ta chờ sáng.

NGƯỜI CHỈ HUY

Bà Kim, tôi là kẻ bị hạ khi rút lui. Còn Trung thì không vậy. Chúng tôi đã đặt chất nổ phá cầu... (thở khó khăn)

KIM

Rồi sao? Sao Trung chết?

NGƯỜI CHỈ HUY

Chúng tôi cùng bơi tới chân cầu và leo lên gầm. Chúng tôi dùng ngòi nổ chậm để có thì giờ thoát thân. Chính tôi kéo ngòi cho giây cháy. Nhưng khi tôi rút lui thì Trung ở lại.

KIM

(xúc động rõ rệt.)

Trời. Trung ở lại?

NGƯỜI CHỈ HUY

Tôi... không...hiểu... nổi... Trung ở lại để tan xác với cây cầu.

KIM

Trung tan xác với chiếc cầu! Sao vậy. Sao Trung không rút lui. Sao Trung ở lại? Anh Văn, sao vậy?

VĂN (ngậm ngùi)

Trung tự sát.

KIM

Tự sát! Miên chết! Trung chết! Cầu gãy!

VĂN

Bọn họ cùng chết với cây cầu.

KIM (khóc)

Họ chưa đầy ba mươi tuổi.

NGƯỜI CHỈ HUY (rên)

Tôi kiệt sức. Tôi không còn thở nổi. Xin ông thí cho tôi một viên đạn vào đầu.

VĂN (đau khổ)

Ông hãy ráng. Có quá nhiều người chết trong đêm nay rồi.

NGƯỜI CHỈ HUY (rên rỉ)

Bà Kim. Bà Kim. Tôi chẳng thể nào quên bà. (ói máu ra miệng) Bà có nhận ra tôi không?

KIM (khóc lớn tiếng)

Không!

Bà mẹ lúc bấy giờ cũng từ từ ra khỏi hầm, bà nhìn những xác chết rồi kêu lên những tiếng quái dị.

BÀ MẸ:

A! A! A! A!

Văn vứt súng, đến ôm lấy bà mẹ trong lúc bà mẹ càng lúc càng lớn tiếng và càng khích động.

 

Màn hạ

1969

 

Trích Tạp chí Ý Thức số 1 ngày 1 tháng 10 năm 1970

 

 

Lữ Kiều
Số lần đọc: 2624
Ngày đăng: 10.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cái Bóng Hình - Khải Nguyên
Đất Thánh - Nguyễn Viện
Mẹ và con - Khải Nguyên
Thằng đổ vỏ - Trần Huy Thuận
Nỏ Thần -1 - Khải Nguyên
Nỏ Thần -2 - Khải Nguyên
Nỏ Thần -3 - Khải Nguyên
Iram, Thành đô cột cao ngất -1 - Kahlil Gibran
Iram, Thành đô cột cao ngất -2 - Kahlil Gibran
Con đường máu -1 - Sâm Thương