Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
565
115.992.071
 
Hoàng hôn pha lê
Khải Nguyên

Giữa ban ngày, sầm tối như đêm không trăng. Sao hiện ra đầy trời. Chim xao xác về tổ. Sau mấy phút, bình minh ló dạng. Ngày nối tiếp ngày trong một ngày”. Anh hào hứng tả như chính anh đã từng chứng kiến nhật-thực-toàn-phần, như không phải anh chỉ đọc và nghe. "Có cả một đoạn văn xưa trên một trang sách nước ngoài", anh dùng ngôn phong quảng cáo, nói thêm. Tôi ngồi trên đồi Lầu-Ông-Hoàng, tựa lưng vào tường ngoài cái tháp Chàm còn gần nguyên vẹn nhất trong số ba cái trên đồi. Tôi giữ vẻ mặt kín và lạnh. Như mặt tượng người vũ nữ đắp nổi trong tháp. Tượng vũ nữ hay tượng một vị thần? Tượng thờ. Người ta thờ cái linh thiêng hay cái đẹp? Hay sự linh thiêng nằm trong điệu múa? Cách nay gần bốn trăm năm từng có nhật-thực-toàn-phần đúng nơi đây. Ngày ấy, hẳn là người vũ nữ kia đã đứng đây rồi với y điệu múa ấy, song chưa nhuốm màu thời gian. Người ta chắc phải hãi lắm: Mặt trời bị ăn mất! Kêu la, cuống cuồng. Chen nhau vào tháp cầu khấn thần hay tìm nơi trú ẩn? Cũng có thể người ta làm lễ mừng cuộc hội ngộ vĩ đại Mặt Trời-Mặt Trăng thì sao? Người vũ nữ của thời quá vãng phức tạp trong điệu múa nhưng chắc chắn không hề biết đến những loại tình cảm rắc rối, nhiêu khê của lũ con gái chúng tôi thời nay, ngay lúc đang hóng nhật-thực-toàn-phần này. Anh cố nèo tôi đến đây. Anh muốn xoa dịu niềm cay đắng trong tôi. Tôi là kẻ đến sau. "Hãy tin anh! Tình anh vẫn vẹn nguyên như lần yêu đầu". Mỗi đời người có mấy lần yêu đầu? Người ta nói tình yêu đầu đẹp như buổi bình minh. Lẽ nào một ngày lại có quá một bình minh?

 

Mặt trời đã bị che khuất quá nửa. Không khí oi nồng dịu đi. Đám đông rỗi rãi trong chờ đợi. Anh cũng vậy. Anh nén cái háo hức ở đâu?

- Người ta bảo lần này chàng mặt trời và nàng mặt trăng mới được ấp nhau, những lần khác chỉ được hôn nhau thôi - Anh muốn đánh thức cái hồn nhiên vốn có của tôi.

- Đó chỉ là những lời mơ của bọn làm thơ các anh. Cách nhau hàng trăm triệu ki-lô-mét mà ấp với ôm! - Tôi nghiêm nghị nhiếc.

- Nói như em thì hết cả mộng mơ.

- Nên mộng mơ in ít thôi. Nếu không, phỉnh người chưa đã, còn tự dối mình - Tôi muốn tỏ ra cay độc. Hẳn anh chàng ngạc nhiên sao tôi trở nên khó tính cách lạ.

- Thôi mà! Chúng ta sắp thấy điều kì diệu. Một bình minh thứ hai trong ngày - Anh muốn tháo ngòi nổ. Tranh luận, anh chàng thiệt là cầm chắc.

Tối qua, tối 23-10-1995, anh cùng các bạn thơ làm một đêm thơ "chào đón nhật-thực-toàn-phần, một cuộc hẹn hò vũ trụ". Những tứ thơ lạ đua nhau nở rộ nâng sự kiện đang được đón đợi lên mức diệu kì pha màu lãng mạn siêu phàm. Anh ứng tác hay làm sẵn chẳng biết, bài thơ “Đêm giao thừa trong hai  phút” với tâm niệm của một con chiên ngóng phép lạ sắp rọi tới nguyện ước của mình: ... Đêm / dài / hai phút / đủ giao thừa / một bình minh kì diệu / như /lời yêu / ngỏ /  sau hai phút / lặng thinh...

 

Ngồi dựa tường tháp cổ, tôi tự hỏi sao mình đến đây. Mình muốn thấy "bình minh thứ hai" hay không muốn? Như là bói nghiệm? Như là một góc tâm linh muốn níu một chỗ dựa huyền bí? Có hay không có? Nếu có, chẳng qua là một sự tình cờ, đúng hơn, chỉ là qui luật vũ trụ. Nhưng mà, may lắm một đời người mới thấy một lần. Còn tình yêu thì một đời người có thể gặp nhiều lần, phải vậy không?

Đám con trai gồm mấy nhóm táp nham tự nhiên tụ lại theo qui luật của sự rỗi hơi, có anh trong đó, đứng phơi dưới nắng đang bốc lời. Một chàng cao giọng đọc thơ - lại thơ! - Đại ý nói rằng: lão Mặt Trời quyền uy và kiêu hãnh sắp bị nàng Mặt Trăng bé nhỏ và khiêm nhường lấp mặt. Như mọi quyền uy đều có thể bị hạ bệ. Nhưng ngày nay, quyền uy đồng hành với tiền tài, phải rành mua và bán theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhan sắc cũng là quyền uy hay chỉ là con mồi sộp của quyền uy? Chàng khác, một họa sĩ-thi sĩ, hăng hái đáp lại, cũng bằng thơ. Tôi chỉ nhớ theo cách diễn xuôi: Thế giới sắc màu có ra chi nếu thiếu ánh mặt trời. Ôi! Vầng dương rạng rỡ sắp thôi tỏa sáng ư? Không! Đêm đen trong mấy phút mà huy hoàng là vĩnh viễn. Chẳng gì che nổi mặt trời. Như chân lí vẫn cứ là chân lí. Tôi lúc này tỉnh táo quá, "lí sự" quá để có thể nghe thơ. Những ý và tình thơ kia, tôi thấy cũng buồn cười tựa như chuyện lo Mặt Trăng bị gấu ăn của người xưa, cả những người chưa xưa. Có lẽ vì tôi "khoa học" quá không đúng lúc. Mà tôi đã biết gì khoa học! Chỉ có tâm hồn bỗng dưng lí trí quá.

Mặt Trăng sắp "nuốt" hết Mặt Trời. Dưới các tàng cây rải những hình trăng lưỡi liềm. "Giao thừa ngay bây giờ!". Anh chàng của tôi phấn chấn kêu lên.

 

Đã bàng bạc màu hoàng hôn. Chỉ ít nữa... nếu sẽ là đêm tối, rồi bình minh xuất hiện? Tôi nhìn những tảng mây trắng lởn vởn khắp trời, tự nhiên thấp thỏm. Lúc nãy "vô tư" và "bất cần" là thế, lúc này tôi ghét những mớ mây kia.

 

255

Chưa bao giờ ở nước ta lại có hàng vạn người nườm nượp tuôn đến tụ tập chỉ để xem và chỉ xem một mục tiêu duy nhất như thế này. Cả những du khách "ba lô" người nước ngoài đang chen chúc giữa các bụi cây dại kia. Thiên hạ nô nức như trẩy hội nhưng không mang tâm trạng tín đồ. Hiếm người đến các lễ hội chỉ để xem, chỉ để chiêm ngưỡng và  tưởng niệm càng ít hơn. Tôi đã từng theo lũ bạn đi lễ hội  vài phen. Đi để lễ.  Rồi thôi. Tôi vẫn có lúc đi hội nhưng không lễ nữa. Cha tôi kể hồi ông còn trai trẻ đi hội chùa Hương, thấy một cô rất xinh, ăn mặc rất "diện", ông bám theo, nhưng khi thấy cô ta xì xụp khấn vái thì ông ngán ngẩm quá, rút êm. Chuyện của cha tôi là chuyện "đời xưa". Đời xưa ấy - chỉ mới hơn ba mươi năm - rất ít thanh niên đi lễ tại các đền, chùa. Đời nay thì… có khi lại là "nom em lễ càng đáng yêu". Nhưng quả thật lễ như người ta vẫn lễ bây giờ thì khó mà có sự thông linh, khó mà giao hòa với các đấng siêu hình. Khó mà Chân, Thiện, mà cũng khó gọi là Mĩ. Các vị Phật, Thần, Thánh cứ phải nghe những lời khấn, những lời kêu cầu cũng đã đủ mệt, nói chi ban phát những ân sủng mà họ van xin. Khói đốt vàng mã có thể làm ô nhiễm nơi các ngài ngự. Và chắc hẳn các ngài chẳng dám động đến các mâm lễ đầy bụi và ruồi nhặng. Tin nhảm cũng dễ lây như sợ bóng. Cái nhảm thường "ăn theo" cái nghiêm túc, lắm khi nhân danh cái thiêng liêng. Nhật-thực-toàn-phần cũng bị "ăn theo" đấy: Cái thị xã này được chỉ đạo tăng giá một số mặt hàng và dịch vụ, nhất là phòng trọ. Còn các kính đen rất được giá nữa, hàng vạn chiếc, có khi nhân danh hội khoa học này nọ. Tôi cũng theo mọi người mua một chiếc, sực nhớ hồi nào, khi tôi còn bé lắm, có nhật-thực-một-phần, anh tôi đem một miếng kính vỡ hơ muội đèn cho đen kịt đi, giơ lên ngắm mặt trời rất đàng hoàng, xem sướng hơn cái kính tôi mua dùng lúc này. Tôi ngán những trò "dịch vụ", như cái mạng nhện đụng đâu cũng dính, mà lại hay mượn tiếng "phục vụ". Có lẽ tôi, đúng như mẹ tôi thường mắng, là đứa con gái có tâm hồn hoang vu khó gieo gì vào đấy. Hoang vu! Núi đồi quanh tôi hiện đang đông đặc những người mà như đang chìm dần vào hoang vu. Tiếng người lắng đi trong sự ngóng đợi không sốt ruột, một sự ngóng đợi bình thản và không vụ lợi, thật hiếm hoi! Và một sự tin tuyệt đối, dẫu vừa nãy có người lên tiếng lo "ngộ nhỡ không xảy ra thì sao nhỉ?". Kim đồng hồ nhích tới "giờ hẹn", mọi khuôn mặt đều ngửa lên dán cái nhìn vào mặt trời qua cặp kính đen.

 

256

Trên nền trời chỉ còn một "lưỡi trai" chói lói mỏng dính ngoảnh về phía đông. Nó co dần… rồi một điểm sáng lóe lên và phụt tắt. Hiện ra một đĩa đen viền một vành sáng hẹp lờ mờ với những cái tai to nhỏ, cao thấp không đều. Gần đó, một ngôi sao như một cái chấm lạc, lẻ loi… Mây trời vẫn trắng trên nền thiên thanh nhạt. Mặt đất chẳng tối thui. Mọi vật vẫn tỏ. Không có bóng sáng. Một thứ hoàng hôn trong trẻo lạ kì. Biển dưới kia nhạt đi, không sầm tối như tôi đã tưởng. Mấy con thuyền ngoài xa nhìn vẫn rõ, nom đơn côi và phiêu diêu hơn. Phía chân trời, biển hình như sáng lên, hay chỉ là vì tôi ngỡ thế, muốn thế? Tôi cảm thấy mình nhẹ đi, thân thể nhẹ đi mà đầu óc cũng nhẹ đi. Anh ngơ ngác nhìn trời, nhìn biển, nhìn mặt đất, nhìn tôi. Mặt tôi đắm trong trường không-sáng-không-tối, chẳng phải mờ ảo, như qua một lớp pha lê màu hoàng hôn, anh chẳng đọc được gì đâu! Nếu cõi nhân gian cứ mãi như vầy thì đáng mừng hay đáng lo? Hạnh phúc hay bất hạnh? Tôi cẩn thận nhìn lại anh. Cái dáng vẻ ngơ ngác nổi rõ. Chỉ có nỗi thất vọng mới có dáng vẻ ngơ ngác ấy. Những mảng mây trắng tản mạn trên trời là thủ phạm của sự thất vọng của anh chăng? Thất vọng và bẻ bai. Khi bước lên đồi, anh nhắc tôi cẩn thận cái túi xách và đôi hoa tai; lúc đất trời tối đen, kẻ gian dễ hoành hành. Chẳng lẽ có những kẻ lên bãi ngóng nhật-thực-toàn-phần này để rình "hành sự"? Đến đây với những ý tưởng khá lãng mạn trong đầu mà còn nhớ đến chuyện ấy, nhà thơ của tôi chẳng phải bao giờ cũng "ru với gió, mơ theo trăng…". Ý nghĩ ấy cũng chẳng kì khôi lắm. Phố xá những nơi kia đã được lệnh bật mọi loại đèn bảo vệ, đèn đường đề phòng xộn rộn. Cảnh giác cũng phải. Tiếc là vào lúc như thế này! Cái tật liên tưởng lan man của mình chẳng ra làm sao. Mình cũng thất vọng chứ? Đúng là những đám mây trắng lang thang đầy trời kia ngoài tầm che của Nàng Trăng và từ đó ánh sáng tán xạ… Làm hỏng cả một nguồn thơ và những gì gì nữa. Thôi! Chẳng can gì đến mình. Anh chàng họa sĩ trẻ bỗng nói: "Cảnh sắc này chưa từng có trong hội họa".

 

Gần hai phút trôi qua. Một điểm rìa phía tây đĩa đen bật lóa lên như pháo sáng, chói gắt. Một vành cong sáng mảnh như sợi tóc hé ra, lớn lên rất nhanh theo hình lưỡi liềm. Lại bắt đầu có bóng nắng, đậm dần lên. Tôi thở một hơi dài nhè nhẹ. Có thể là tôi luyến tiếc những giây phút mà vạn vật dường như nín thở. Chờ thì lâu mà qua thì chóng vậy! Có tiếng ai đó, giọng của kẻ sung mãn: "Chẳng có gì!". Sao lại chẳng có gì? Cái "gì" của quí vị là cái gì vậy? Nhưng đúng ra, có lẽ mọi người đều ít nhiều hẫng hụt. Như lần đầu tôi đến chùa Hương. Tôi đã tìm đọc rất nhiều thơ và văn cổ kim viết về chùa Hương. Đã tưởng tượng bao nhiêu thứ về cảnh và tình chùa Hương. Lại thấy một chùa Hương khác! Khi ta kì vọng quá nhiều thì dễ bất như ý, ai cũng nói vậy mà. Tôi bỗng cảm thấy mình thật là ngố. Trong thâm tâm, mình cũng đã đinh ninh sẽ được thấy bình minh giữa trưa. Nhưng chẳng có bình minh, dù là bình minh gượng. Còn hoàng hôn? Ngày có tắt đâu! Song, đã có hai phút tuyệt vời khó gọi tên. À, mình đã thoáng nghĩ đến. Đúng rồi! Hoàng hôn pha lê. Hình như tôi đã thốt thành lời. Chàng họa sĩ quay nhìn tôi: "Ồ!"./.

 

1995 - 1996

Khải Nguyên
Số lần đọc: 1942
Ngày đăng: 16.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tam Động Kiếm Tiên -1 - Văn Việt Tử
Tam Động Kiếm Tiên -2 - Văn Việt Tử
Tam Động Kiếm Tiên -3 - Văn Việt Tử
Sự Thật Trần Trụi - Lê Minh Phong
Yêu Nữ - Nguyễn Thạch Giang
Làn Da Kim Khánh - Trần Vũ
Nhân dân ơi, xin chào - Nguyễn Lệ Uyên
“ Anh thì hiểu thế nào là Tình Yêu !” - Đổ Quỳnh Anh
Trưa Nắng Hàm Ninh - Trần Vũ
Những áng mây trôi đi - Nguyễn Hồng Nhung
Cùng một tác giả
Tĩnh vật (truyện ngắn)
Sông Phố (truyện ngắn)
Vào Hang Bắt Cọp (truyện ngắn)
Mây Núi Sapa (truyện ngắn)
Không đề (truyện ngắn)
Phận (truyện ngắn)
Nợ trần (truyện ngắn)
Li hương (truyện ngắn)
Dây Mơ (truyện ngắn)
Thiên Truyện Bỏ Dở (truyện ngắn)
Giấc Mơ Bọ Ngựa (truyện ngắn)
Cái hạt (truyện ngắn)
Hoàng hôn pha lê (truyện ngắn)
Nụ Hôn Muộn (truyện ngắn)
Ông Nọi (truyện ngắn)
Truyện Khó Đặt Tên (truyện ngắn)
Lần Vết Giai Thoại (truyện ngắn)
Chim Gõ Kiến (truyện ngắn)
Tìm Dâu Thảo (truyện ngắn)