Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
627
115.981.866
 
Tam Động Kiếm Tiên -1
Văn Việt Tử

MỘT TRUYỆN CHƯỞNG CƯỜI CỢT LÀNG VĂN

  

LẠI NGUYÊN ÂN giới thiệu

 

Còn nhớ, vài ba năm trước đây, có một truyện võ hiệp kể về giới mình được làng văn ta truyền nhau đọc. Phải nói, khi nhà văn dùng truyện võ hiệp để nói về làng văn thì câu chuyện thường được dẫn dắt theo hướng truyện vui, truyện cười diễu; diễu nhau một cách thân ái thôi, mặc dù vậy, đây cũng thường là dịp để “điểm mặt hảo hán” trong giới mình. Chúng ta nên biết, lối dụng bút võ hiệp này cũng đã được các lớp đàn anh sử dụng. Tôi không định bàn chung về truyện võ hiệp của tác giả Việt Nam, tôi chỉ giới hạn trong đề tài về làng văn của các truyện võ hiệp. Và về mặt này, xin nhắc lại một sáng tác như vậy, xuất hiện trên báo chí Hà Nội hồi giữa những năm 1930. Đó là thiên kiếm hiệp nhan đề Tam động kiếm tiên của tác giả Văn Việt Tử.

        

Tác giả lấy bút danh Văn Việt Tử (chưa rõ là nhà văn nào, có thể người này còn có một bút danh khác là Việt Thi) có vị trí khá đặc biệt đối với tuần báo Bắc Hà thời kỳ do Trần Đình Kim (tức nhà thơ Trần Huyền Trân) quản lý toà soạn. Đó là vì hầu như suốt thời gian này báo liên tục đăng Tam động kiếm tiên của tác giả này, từ số 1 (10/8/1936) đến số 17 (3/12/1936), chỉ ngừng lại cách 2 số trước khi toà soạn này chấm dứt công việc. Tên truyện Tam động kiếm tiên được kèm với một phụ đề là “chuyện kiếm tiên không tiền khoáng hậu”. Chữ “kiếm tiên” hầu như lộ ngay ngụ ý “kiếm tiền”, kiếm sống! Giới viết văn làm báo được trình bày như những hiệp khách “kiếm tiên” (= kiếm tiền, kiếm sống).

 

Toàn bộ thiên kiếm hiệp này là một liên hoàn đùa cợt cuộc tranh đua giữa 3 nhóm văn chương báo chí có thanh thế ở Hà thành đương thời những năm 1930: nhóm Hà Nội báo, nhóm Tự Lực, nhóm Tân Dân. Tác giả đem võ thuật hoá và tiểu thuyết hoá các cuộc giao tranh trong giới này, mô tả cuộc đụng độ giữa các tay “kiếm tiên” của “động Hồng Kê” với  “động Phong Hoả”, và về sau, giữa “động Phong Hoả” với “động Tản Dân”; cạnh đó có “động Bình Dân”, − ý chỉ chính nhóm đang quần tụ quanh tờ Bắc Hà này, tất nhiên chỉ như những kiếm khách ở bên lề cuộc tranh hùng giữa ba nhóm kia.

 

Động Hồng Kê (ý nói phe Hà Nội báo của ông chủ hiệu Hồng Khê) với Lề Cang chân nhân, Đoản Kiều nguyên suý, tướng tiên phong là Giang hồ hảo hớn Võ Trúng Phong, rồi quân sư Lưu Trọn Lừa, cùng các tướng Tái Can tiên, Vi Lang tiên, Bất Thông tiên …(ý ám chỉ ông Lê Cường, chủ hiệu thuốc Hồng Khê và nhà in Lê Cường; chủ bút Lê Tràng Kiều, các nhà văn Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, Thái Can, Huy Thông).

 

Động Phong Hoả (ý nói phe Tự Lực văn đoàn với tuần báo Phong hoá) với chủ tướng Nguyễn Tề Tam, quân sư Tứ Tử Ly, và các tướng như Khái Huyết tiên, Lê La tiên, Thạch Lâm tiên, Tù Mờ tiên (ý nói Nhất Linh tức Nguyễn Tường Tam, các nhà văn Tứ Ly tức Hoàng Đạo, Lê Ta tức Thế Lữ, Khái Hưng, Thạch Lam, Tú Mỡ).

 

Động Tản Dân (ý nói nhà sách Tân Dân) với động chủ Võ Đình Luông, các tướng Nghiêm Hà Lạm quỷ tiên, Nguyễn Đỗ Nát quái hiệp (ý nói chủ nhân Vũ Đình Long, nhà văn Nguyễn Đỗ Mục, chủ nhà in Nghiêm Hàm…).

 

Vào truyện, phái động Hồng Kê khởi đánh động Phong Hoả, nhưng rồi cục diện thay đổi, phe Hồng Kê bị thua to, tướng Võ Trúng Phong phải đến nương nhờ động Tản Dân. Câu chuyện tiếp diễn với những tình tiết thêu dệt lý thú, ví dụ cuộc tuyển chọn nhân tài của động Phong Hoả với sự xuất hiện và trổ tài của những kiếm tiên như Nguyên Vý Y,”người ở động Khâm Thiên, trước có 12 chân sau bị Khái Huyết tiên cưa mất 10 còn 2”, hoặc Hoãng Huỳ tiên, nguyên “bán thịt chó chết ở xứ Đông Pháp”, rồi Trương Tỷu tiên, “cháu 70 đời Trương Phi, anh em kết nghĩa của Nguyên Vý Y”, v.v…

 

Một hệ nhân vật nữa, được thêu dệt từ thế giới nhân vật của các nhà văn, chẳng hạn Thị Mịch tiên cô, vợ giang hồ hảo hớn Võ Trúng Phong, có bảo bối là chiếc xiêm “đã luyện hàng trăm lần với các tiên ông”, trở thành vũ khí đáng sợ, có thể chụp lên đầu để khuất phục đối thủ; khi Võ Trúng Phong đưa bảo bối ấy ra, Thạch Lâm tiên co cẳng chạy biến, mặc dù trước đó Thạch Lâm tiên từng có lần ném hòn đá xanh trúng mặt Võ Trúng Phong khiến tay hảo hớn này ngã ngất (chi tiết này phải chăng ghi việc bài “Dâm hay không dâm” công kích Vũ Trọng Phụng đăng báo Ngày nay ký Nhất Chi Mai là do Thạch Lam viết?). Bên động Phong Hoả có Ba Vành nương nương, con gái Lý Toét lão tổ, sắc đẹp làm mê hồn động chủ Nguyễn Tề Tam; Lê La tiên có lần ngắm trộm Ba Vành nương nương, bị Tù Mờ tiên bắt gặp, Lê La tiên bèn đưa kẹo tạc đạn ra hối lộ, Tù Mờ tiên vội nhai liền bị kẹo đạn nổ gãy răng!

 

Ngoài việc gián tiếp xác nhận sự đụng chạm cả về văn chương lẫn kinh tế giữa mấy trung tâm văn chương báo chí ở Hà Nội đương thời, người ta thấy khá nhiều tình tiết tập trung vào tác phẩm Giông tố của Vũ Trọng Phụng, lúc ấy đang được đăng tải lần đầu trên Hà Nội báo (‘Giông tố’ được đăng từ 01/01/1936 đến 30/9/1936; truyện cười này bắt đầu đăng từ 10/8/1936, khi ‘Giông tố’ chưa đăng hết). Những chuyện mà thiên kiếm hiệp này thể hiện, ví dụ biến từ “nghị Hách” thành động từ (để chỉ sự hiếp dâm!), hoặc chiếc xiêm bảo bối của nữ hiệp Thị Mịch, và nhiều tình tiết khác nữa, chứng tỏ ngay lúc ấy Giông tố đã có tiếng vang rất lớn trong dư luận công chúng và ngay trong giới nhà văn; hình dung hiệp sĩ Võ Trúng Phong ở đây có vẻ quá “ngầu”, cũng chỉ tỏ rõ rằng văn chương phóng sự và tiểu thuyết của tác gia này khi ấy đang gây ảnh hưởng mạnh trong công chúng, kể cả tác giả thiên kiếm hiệp này.

 

Thiên kiếm hiệp Tam động kiếm tiên dừng lại vì Văn Việt Tử ngừng cộng tác với Bắc Hà, tác giả Quang Mai viết nốt kỳ chót cho truyện này, và sau đó Bắc Hà của ê-kíp Trần Đình Kim chỉ ra thêm được 1 số nữa rồi ngừng hẳn; tờ Bắc Hà lại được chuyển cho một nhóm khác.

 

Sau đó, vào đầu năm 1938, tác giả Văn Việt Tử lại trở lại cộng tác với toà soạn Bắc Hà, lại cho đăng tải thiên kiếm hiệp Ngũ ba hoa hiệp khách, có phụ đề Chuyện võ hiệp để diễu, bắt đầu bằng việc giới thiệu động Tản Dân, bên cạnh Võ Đình Luông thấy xuất hiện thêm Lê Văn Phì, em vợ chủ động Tản Dân, được giao chủ trì một động mới: “Vô ích hữu”; cuộc hội ngộ giữa Trương Tuý Tửu với Nguyên Vý Y và Lê Văn Phì (ngụ ý 3 nhà văn: Trương Tửu, Nguyễn Vỹ, Lê Văn Trương) là những sự việc khởi đầu thiên võ hiệp mới này, tức là tác giả vẫn kể tiếp từ đoạn bỏ dở của Tam động kiếm tiên. Tiếc rằng tuần báo Bắc Hà khi đó chỉ ra được 3 kỳ rồi ngừng hẳn; thiên Ngũ ba hoa hiệp khách kể chuyện đấu võ giữa các nhà văn đương thời cũng ngừng lại mãi mãi từ đấy.

 

Giới thiệu lại thiên kiếm hiệp nói riêng về giới viết văn làm báo này, tôi không nghĩ vì nó xuất sắc, song chỉ vì nó có nhiều điều thú vị, và cũng vì nó đã bị quên lãng hẳn đến nỗi những bậc đàn anh mà chúng ta quen biết hình như chưa bao giờ kể với chúng ta loại sự việc này trong làng văn thời trước, − loại sự việc thú vị, và cũng nên đưa lại cho bạn đọc yêu văn chương thưởng lãm, để họ biết thêm một phương diện nữa của làng báo làng văn người Việt xưa nay. Trong làng văn với nhau cần có sự trọng thị đối với tài năng đức độ trong thực chất, song cũng cần sự giễu nhại cười cợt, không phải chỉ là để phê bình nhẹ nhàng nếu cần, mà cái cần hơn là đừng để không khí chung lâm vào kiểu suy tôn công kênh nhau một chiều, sự kính trọng kiểu cách giả dối tẻ nhạt.

Tôi giới thiệu lại thiên kiếm hiệp làng văn này là vì mấy lẽ ấy.

                                                                                                    LẠI NGUYÊN ÂN

 

 

 

 

 

Văn Việt Tử

TAM ĐỘNG KIẾM TIÊN

chuyện kiếm tiên không tiền khoáng hậu

 

Hồi thứ I

Lề Cang Chân nhân vào Hồng Kê động luyện đan,

Đoản Kiều tiên ông đến Hà Thành báo bái tướng

 

Trời có khi nắng khi mưa, việc trong thiên hạ cũng lúc suy lúc thịnh, đó là cái định luật thiêng liêng của tạo hoá vậy.

 

Cũng như trong làng báo có khi yên khi loạn, loạn chán rồi yên, yên lâu lại loạn, đó là lẽ đương nhiên của nhà nghề, dù các văn sĩ có rủ nhau chui vào bị cũng không tránh khỏi cái vòng lẩn quẩn ấy vậy.

 

Chuyện này nói về đời vua Bảo Đại nước Việt Nam, năm Bính Tý (tây lịch 1936), tại thành phố Hà Nội thuộc xứ Bắc Kỳ, có một vị chân nhân họ Lề tên Cang tự là Hồng Kê Chân nhân, tu từ đời kiếp nào và đã đắc đạo hay chưa thì không ai biết. Một độ thấy bệnh lậu càng ngày càng bành trướng, mà vi trùng bệnh ấy bay vù vù khắp thành phố, thì động lòng xót giống thương nòi muốn vì dân trừ hại, bèn đeo bầu quẩy níp, vân du khắp mọi nơi tìm các thứ cây quí mang về chế tạo linh đan, cứu dân độ thế.

 

Lang thang hết trại Bách Thảo đến vườn hoa Bôn Be trong mấy ngày trời, miệng nếm đã nhiều thứ cây lạ nhưng cũng không thứ nào chữa được bệnh một cách thần hiệu, Lề Cang Chân nhân chán nản, đi thất thểu về phía Chợ Ngày, một lúc bỗng trông thấy một trái núi cao ngất, Chân nhân bèn vỗ đùi đánh đét một cái mà reo to lên rằng: “Phúc thay cho dân Nam Việt! Phúc thay cho dân Nam Việt! Hỡi vi trùng bệnh lậu! Phen này mi có chạy đằng trời”.

 

Nói xong, Châu nhân xắn quần móng lợn chạy thẳng một mạch đến nơi, thấy trái núi cao ngất nghểu, đá đỏ như tô son, đứng vững chãi ở cả một góc Chợ Ngày, thì lấy làm khoái trí, nhân lúc cao hứng có ngâm mấy câu rằng:

 

Ồ! Cái núi gì mới lạ thay!

Ô tô phía trước chạy  như bay,

Tiếng còi inh ỏi toe toe … toét,

Xúc cảm làm bài thơ thiệt hay.

 

Ngâm xong, Lề Cang Chân nhân lại vỗ vào đùi đánh đét một cái mà khen:

− Tuyệt! Tuyệt! Tuyệt bằng mười bài thơ con cóc.

Nhưng vì thích chí quá, nên Chân nhân đã tự vỗ vào đùi mình một cái quá mạnh, đau điếng người, xuýt xoa và cố lê đi quanh trái núi, đến một cái động, đứng cửa nhòm vào, bỗng Chân nhân cười ha hả một mình rồi nói rằng:

− Phú quý cũng ở nơi này! Danh giá cũng ở nơi này!

Nói xong, Lề Cang Chân nhân chui tọt vào động biến mất.

 

Từ ngày Lề Cang Chân nhân vào động luyện đan, chế ra một thứ thuốc lậu, chẳng biết có hay ho gì không, nhưng thu lợi của thiên hạ không biết bao nhiêu mà kể. Một hôm ngồi buồn, Chân nhân nghĩ thầm: “Ta nay trời cho đã có của ăn của để thì tội gì để tiền mốc trong két mà chẳng bỏ ra làm việc. Chi bằng mở luôn tờ báo để tu cho thành chính quả, ta cũng vì đấy mà nên danh nên giá, có khi làm lớn cũng chưa biết chừng”.

 

Thế là mộng làm báo Lề Cang Chân nhân có từ đấy.

Sau mấy tháng cậy thầy cậy thợ, mọi việc đã xong xuôi, Chân nhân bèn yết bảng câu hiền.

 

Bảng văn vừa yết, thì một hôm có tên tiểu đồng vào báo rằng:

− Bẩm sư phụ, bên ngoài có một người xưng là Đoản Kiều xin vào yết kiến.

 

Lề Cang Chân nhân vội ra tận cửa đón tiếp, thấy người ấy hình dung kỳ quái, mắt xanh tóc đỏ, giữa có sừng (xin nhớ cho là một sừng) răng nanh chìa ra ngoài, người cao một trượng, lưng lớn tày ôm thì cả mừng, vội vã mời vào. Sau khi phân ngôi chủ khách, Lề Cang Chân nhân hỏi:

− Chẳng hay tiên trưởng ở nơi nào rời gót ngọc đến chơi tệ động?

 

Người ấy cất tiếng oang oang như lênh vỡ, nói rằng:

− Bần đạo họ Đoản tên Kiều, ở phía nam Cội Sơn, nay nghe tin Chân nhân yết bảng cầu hiền, vội đến yết kiến, mong Chân nhân thu dụng.

Lề Cang Chân nhân hớn hở nói:

− Thật là đại hồng phúc cho bỉ nhân! Nhưng chẳng hay tiên trưởng có những tài cán gì?

Đoản Kiều tiên ông cười ha hả, nói:

− Ngoài thập bát ban võ nghệ, bần đạo tài có thể hô phong hoán vũ, mà sức thì hay cử đỉnh bạt sơn. Tiện đây bần đạo xin thử một phép mọn để Chân nhân coi.

Nói xong, Đoản Kiều tiên ông đứng dậy nhổ một cái lông mũi, mồm lẩm bẩm mấy câu thần chú, thổi phù một cái rồi quát to lên một tiếng “Biến”, tức thì trước cửa động Hồng Kê, núi đá cao ngất nghểu bỗng biến thành biển thẳm, sóng gọn trập trùng, trên mặt biển có chiếc cầu dài muôn trượng, toả hào quang ra khắp mặt nước. Lề Cang Chân nhân khen giỏi không ngớt miệng. Đoản Kiều tiên ông gật gù nói:

− Chiếc cầu này là bản tướng của bần đạo, bần đạo đã tử công phu mới luyện được nên, lợi hại không biết thế nào mà nói, lúc tung lên giời có muôn đạo hào quang chiếu xuống, cho dẫu vị tiên nào tu hàng mười nghìn năm mà bị cầu ấy đánh phải cũng chết không kịp ngáp.

Lề Cang Chân nhân rụt cổ lè lưỡi mà rằng:

− Nếu vậy xin tiên trưởng thu ngay phép lại, kẻo lỡ ra va phải đầu bỉ nhân thì khốn.

 

Đoản Kiều tiên ông bèn giơ tay lên vẫy một cái, tức thì chiếc cầu ấy thu nhỏ dần rồi “bay” vào trong lỗ mũi, mà biển thẳm cũng đã biến đâu mất. Lề Cang Chân nhân thấy vậy đứng lên cầm tay Đoản Kiều tiên ông dựt mạnh mấy cái, mà nói rằng:

− Bỉ nhân được tiên trưởng đến giúp thật là vạn hạnh, vạn hạnh. Còn các tướng lĩnh không biết tiên trưởng đã chọn ai chưa?

Đoản Kiều tiên ông nói:

− Xin Chân nhân chớ lo, bần đạo đã có đủ cả, nay hãy tạm kể mấy tướng lĩnh đắc lực như: Lưu Trọn Lừa tiên ông, người tuy gầy như que củi, nhưng có bài thần chú “Ba la sầu” đọc lên làm bên địch phải hắt hơi ngủ gật; giang hồ hảo hớn Võ Trúng Phong thường đội mũ nồi đứng ở đầu máy nước, quen sử một chiếc đòn gánh bằng trúc có bảy gióng, mỗi khi múa lên nghìn người không địch nổi; Vi Lang tướng quân, lúc nào dạ buồn lại thổi tiếng vi vu thì quân địch phải vội vàng bịt chặt lấy tai, nếu không sẽ điếc đặc; Tái Can tiểu tiên, quen sử một chiếc ba-toong của vị tiên ông da đen gác cổng ban cho, mỗi khi múa lên khiến quân địch phải buồn cười lăn ra mà chết. Còn nhiều vị tài giỏi nữa không thể kể xiết, bần đạo sẽ dẫn đến ra mắt Chân nhân sau.

 

Lề Cang Chân nhân nói:

− Bỉ nhân đã bấm độn ngày mai là ngày hoàng đạo, muốn đắp đàn bái tiên trưởng làm soái, xin tiên trưởng vui lòng nhận cho.

Đoản Kiều tiên ông nói:

− Bần đạo xin tuân lời Chân nhân dạy bảo.

 

Sáng sớm hôm sau, Lề Cang Chân nhân đốc thúc sĩ tốt đắp một cái đàn cao tấc rưỡi ngay trong chợ, bốn bề cờ giấy bay phất phới, có cả voi giấy, ngựa giấy, súng thần công và thuyền rồng cũng bằng giấy, vì Lề Cang Chân nhân định rằng vừa làm lễ bái tướng vừa cúng quan ôn luôn thể.

 

Sau khi các tướng lĩnh đã có đủ mặt trước đàn, Lề Cang Chân nhân tay bưng hòm ấn và một thanh kiếm gỗ, từ dưới đàn tiến lên rồi ngoảnh lại dõng dạc nói với các tướng:

− Nhờ ơn trời phật run rủi cho bỉ nhân được gặp tiên trưởng đây, nay bỉ nhân lập đàn bái tiên trưởng làm soái. Vậy từ rày bất cứ mọi việc to nhỏ trong động đều do hiệu lệnh của tiên trưởng phát lạc, các tướng chớ khá trái lời.

 

Rồi quay lại vẫy Đoản Kiều tiên ông lên mà nói:

− Xin Tiên trưởng chớ phụ lòng uỷ thác của bỉ nhân.

Nói xong Lề Cang Chân nhân nâng ấn và kiếm lên ngang mặt, Đoản Kiều tiên ông kính cẩn đỡ lấy, khẽ nghiêng đầu cảm tạ và mời Lề Cang Chân nhân ngồi rồi cầm chiếc nậm gỗ để trên bàn đập xuống đánh chát một cái, mồm nói:

Chư tướng an toạ!

Các tướng bấy giờ chừng như đang ngủ gật, nghe tiếng nện xuống bàn, đều vòng tay nói:

− Thập tuế!

Rồi ngồi xếp bằng bằng cả xuống đất. Nong cháo cũng vừa cúng xong, một tên quân mang đặt ở giữa, rồi cùng nhau yến ẩm và chuyện trò rất vui vẻ.

Đang lúc Lề Cang Chân nhân cùng Đoản Kiều nguyên soái và các tướng lĩnh “chiến” những bắp ngô luộc, củ khoai lang, cái bánh đa, viên kẹo vừng một cách ngon lành, thì bỗng nhiên có một tên quân phi xe đạp xông đến tận nơi, suýt nữa đâm cả vào nong tiệc, hốt hoảng báo:

− Bẩm Nguyên soái, có Phong Hoả động cử đại hùng binh đến lấn biên thuỳ, xin Nguyên soái định liệu.

Lề Cang Chân nhân nghe báo, tay đang cầm chiếc ngô luộc sợ quá đánh rơi xuống đất lúc nào không biết. Đoản Kiều Nguyên soái thấy vậy, thì an ủi rằng…

Muốn biết Đoản Kiều Nguyên soái an ủi ra sao xin xem hồi sau phân giải.

Rõ thật là:

 

Nhát đến Lề Cang đời có một,

Tợn như Phong Hoả thật không hai.

 

Người ta lại có thơ khen Đoản Kiều Nguyên soái rằng:

 

Anh hùng như thế! ai bì

Giúp thịnh nhưng mà chẳng giúp suy…

Những kẻ làm loạn trong trên giới

Ngọc Hoàng không trị, ông trị đi.

 

 

 

Hồi thứ II

Phong Hoả động mang binh đánh Hồng Kê động

Thạch Lâm tiên trúng kế Đoản Kiều tiên.

 

Nói về Lề Cang Chân nhân nghe tin động Phong Hoả mang binh đến đánh thì cả sợ, tay đang cầm chiếc ngô luộc đánh rơi xuống đất lúc nào không biết. Đoản Kiều Nguyên soái an ủi rằng:

− Xin Chân nhân chớ lo, những kẻ làm loạn trong làng kiếm hiệp, Ngọc Hoàng không trị đã có chúng tôi trị.

Lề Cang Chân nhân nói:

  Trăm sự đều nhờ ở tiên trưởng, trong lòng bỉ nhân hiện nay bối rối lắm, không biết xử trí ra sao.

Đoản Kiều Nguyên soái truyền quân triệt bỏ nong tiệc, rồi kiểm điểm sĩ tốt, kéo quân ra thành Chợ Gạo cắm trại.

 

Chiều hôm ấy Lề Cang Chân nhân và Đoản Kiều Nguyên soái đang ngồi bàn bạc trong trướng thì bỗng có thám tử về báo rằng: “Quân động Phong Hoả đã kéo đến gầm cầu sông Cái và sắp sửa hạ trại”. Đoản Kiều Nguyên soái nghe báo liền rút một cây lịnh tiễn, gọi Giang hồ hảo hớn Võ Trúng Phong lên dặn rằng:

− Tướng quân dẫn bộ hạ đi trước mở đường, nếu có gặp địch quân cũng không được giao chiến vội, đợi bao giờ đại quân của bản soái kéo đến sẽ hay.

Giang hồ hảo hớn Võ Trúng Phong lĩnh mệnh lui ra.

Đoản Kiều Nguyên soái lại gọi Tái Can tiên lên truyền rằng:

− Tiên ông dẫn bộ hạ nấp dưới bờ đê về hữu ngạn sông Nhị Hà, khi nào nghe tiếng pháo nổ, phải kéo ra chặn lối không cho quân địch quay trở lại.

 

Tái Can tiên lĩnh mệnh lui ra.

Đoản Kiều Nguyên soái gọi đến Vi Lang tiên lên truyền rằng:

− Khi hai bên giao chiến mà quân ta núng thế, thì tiên ông phải lập tức thổi tiếng vi vu tận trong dạ giày ra, cho quân địch bỏ khí giới bịt chặt lấy tai, lúc ấy ta tha hồ mà đánh.

Vi Lang tiên vâng lệnh lui xuống.

Đoản Kiều Nguyên soái quay lại nói với quân sư Lưu Trọn Lừa rằng:

− Khi quân địch đã thua chạy, quân sư nên đọc thần chú “Ba la sầu” lên cho quân địch buồn ngủ gục xuống đường, để quân mai phục bên bờ đê ùa ra bắt sống lấy.

Quân sư Lưu Trọn Lừa cúi đầu tuân lệnh.

Cắt đặt mọi công việc xong xuôi, Đoản Kiều Nguyên soái cùng Lề Cang Chân nhân nhổ trại và đốc xuất bộ hạ kéo đi.

Đó thật là:

 

Đoản Kiều Nguyên soái tài hơn chúng,

Lề Cang Chân nhân mắt có ngươi.

 

Nói về đại binh của Đoản Kiều Nguyên soái đi chẳng bao lâu đã gần đến gậm cầu, cách thành của Phong Hoả 20 dặm hạ trại. Giang hồ hảo hớn Võ Trúng Phong lên trướng bẩm rằng:

− Từ nãy quân địch lại đây khiêu chiến đến tám mươi nhăm lượt, nhưng chưa có lệnh Nguyên soái, nên tiểu tướng chưa dám tự tiện xuất quân.

Đoản Kiều Nguyên soái hỏi:

− Tướng quân có biết tướng bên thành Phong Hoả đem quân lại khiêu chiến tên là gì không?

Giang hồ hảo hớn Võ Trúng Phong bẩm:

− Bẩm Nguyên soái, tướng ấy họ Thạch tên Lâm, quen xử một cây bát xà mâu và có thuật ném đá rất giỏi, trăm hòn không sai một, nên có hiệu là “Tẩu Thạch Lâm tiên”.

Đoản Kiều Nguyên soái nghe nói thì gật đầu, truyền lệnh mở cửa thành kéo quân ra trận. Ngay lúc ấy bên thành Phong Hoả cũng có ba tiếng pháo nổ, một đại đội binh mã tự trong thành kéo ra. Khi hai bên đã gần nhau, Đoản Kiều Nguyên soái thấy viên chủ tướng trại Phong Hoả là Nguyễn Tề Tam, đầu đội mũ Thổ công bằng giấy, mình mặc áo tơi, lưng đeo ngọc đái, tay cầm một chiếc búa tầm sét, tả có Khái Huyết, hữu có Lê La, trước mặt là tướng Thạch Lâm ngồi trên lưng hổ, hai mắt trợn ngược như người ngộ cảm, cầm ngang ngọn bát sà mâu, lăm lăm như định đâm ai, đằng sau có quân sư Tứ Tử Ly cầm chiếc phất trần bằng lông vịt khua luôn không ngớt.

Hai bên đều dàn thành thế trận, chủ tướng động Phong Hoả thúc ngựa tiến lên trước, cầm búa tầm sét trỏ mặt Lề Cang Chân nhân mắng lớn lên rằng:

− Bớ lang lậu! Nhà ngươi học thức không đầy nửa nhúm, cũng đòi dở chữ để loè ai? Nay ta mang quân đến đây hỏi tội, nhà ngươi muốn sống xuống ngựa qui hàng, kẻo khi quân ta đã phá vỡ thành trì, bấy giờ ngọc đá ra tro, hối không kịp nữa.

Nguyên soái Đoản Kiều cả giận cũng mắng lại:

− Ủa! Ủa! Đồ vu cáo hèn! Sao ngươi dám đặt điều vu khống, chê Chân nhân ta dốt đặc cán mai? Nhà ngươi chỉ là đồ giả danh đạo đức để đánh lừa thiên hạ. Nay đại binh của bản soái đã kéo đến đây thì lũ ngươi khó lòng tránh khỏi cái chết!

Nói xong Đoản Kiều Nguyên soái quay lại hỏi:

− Ai ra bắt lấy cho ta?

 

Hỏi vừa dứt lời, sau lưng bỗng có tướng quát to lên một tiếng phi ngựa xông ra, mọi người ngẩng nhìn thì là Giang hồ hảo hớn Võ Trúng Phong. Võ Trúng Phong tay cầm đòn gánh nhằm đầu chủ tướng Nguyễn Tề Tam phang xuống. Thạch Lâm tiên vội giơ bát sà mâu lên đón đỡ. Hai người đánh nhau hơn năm mươi hiệp vẫn không phân thắng bại. Đang lúc đánh nhau hăng, Thạch Lâm tiên nhanh tay lần trong cạp quần ra một viên đá sắc xanh, nhằm giữa mặt Võ Trúng Phong ném lại. Võ Trúng Phong vô ý, bị ngay hòn đá ném trúng giữa mặt, hộc máu mồm sùi máu mũi, phải bỏ chạy về bản trận. Thạch Lâm tiên giục hổ đuổi theo. Trong lúc nguy cấp thì bên này trận, Đoản Kiều Nguyên soái đã sai Lưỡng nhỡn kính Bất Thông tiên chạy ra tiếp cứu. Nhưng Bất Thông tiên không phải là địch thủ của Thạch Lâm tiên, nên vừa giao phong có mấy hiệp, mà mồ hôi đã ướt đầm cả áo. Nguyên soái Đoản Kiều bèn sai đánh thanh la thu binh bỏ chạy. Thạch Lâm tiên cố sức thúc hổ đuổi theo; khi đuổi gần kịp, Vi Lang tiên bèn há mồm thổi lên những tiếng vi vu, quả nhiên quân của Thạch Lâm tiên đều buông khí giới mà bịt chặt lấy tai, quân sư Lưu Trọn Lừa cũng há hốc mồm đọc: “Úm ba la mà na mà ni ca la sầu!”. Quân sư Lưu Trọn Lừa vừa đọc dứt miệng thì lạ thay! quân của Thạch Lâm tiên đang tỉnh táo, tự nhiên hai mắt lim dim như buồn ngủ, rồi đều ngã vụt xuống đường, chỉ riêng có Thạch Lâm tiên vì đã tu luyện lâu năm nên không bị. Nhưng vừa toan quay chạy trở lại, bỗng có một tiếng pháo nổ, quân phục ở vệ đê sông Nhị Hà do Tái Can tiên chỉ huy đổ ra như kiến cỏ, Tái Can vừa toan xông lại đánh, đã bị ngay một viên đá xanh ném trúng giữa mặt, máu chảy ra lênh  láng Thạch Lâm tiên đắc trí, cười ha hả mà rằng:

− Tái Can! Nhà ngươi đã biết bảo bối của ta chưa?

Tái Can tiên nghe nói tức giận vô cùng, quát to lên rằng:

− Hỡi Thạch Lâm tiển tử! Mi chớ vội khoe tài, hãy mở mắt trông ta.

 

Nói xong Tái Can tiên cầm ba toong múa tít một hồi, Thạch Lâm tiên bỗng nhiên cười nấc lên, đánh rơi cả bát xà mâu. Con hổ của Thạch Lâm tiên đang cưỡi, như cũng buồn cười về lối múa ba toong của Tái Can tiên, gầm lên mấy tiếng. Tái Can tiên mừng rỡ định xông lại kết liễu tính mệnh của Thạch Lâm tiên, thì may thay! ngay lúc ấy Lê La tiên vừa đem quân tiếp ứng đến nơi, vội tung quả bóng bằng cao su lên trên không, và quát một tiếng “Mau”, tức thì quả bóng rơi xuống đầu Tái Can tiên đánh bình một cái. Tái Can tiên đau lặng người đi, cắm đầu chạy mất.

 

Lê La tiên vẫy tay thu quả bóng về, trông lại thấy Thạch Lâm tiên vẫn đứng cười một mình, hỏi không nói, gọi không thưa. Lê La tiên rất lấy làm lạ, sau đành phải cắp Thạch Lâm tiên vào nách mang về bản trận.

 

Về đến nơi, Thạch Lâm tiên vẫn cười không dứt tiếng. Quân sư Tứ Tử Ly bèn giơ tay lên bấm độn, rồi cả sợ, nói với chủ tướng Nguyễn Tề Tam rằng:

− Hỏng to! Hỏng to! Thạch Lâm tiên trúng kế của Đoản Kiều mất rồi! Nguyên cái ba toong ấy là của một vị Thiết-bà-ha-ả-ra bên Tây Trúc trao cho đồ đệ là Tái Can, cái ba toong ấy có phép thần thông mầu nhiệm, mỗi khi múa lên thì người nào trông thấy phải buồn cười mà chết. Nay chỉ có thuốc số 30 của Lề Cang Chân nhân mang về cho Thạch Lâm tiên uống mới hòng chữa khỏi. Nhưng biết tìm cách nào mà lấy được bây giờ?

 

Mọi người đều nhìn nhau thở dài, ngoài sân Thạch Lâm tiên vẫn đứng cười khanh khách. Khái Huyết tiên thấy vậy không đành lòng bèn nói với chủ tướng Nguyên Tề Tam và quân sư Tứ Tử Ly rằng:

− Đêm nay xin chủ tướng và quân sư cho phép tiểu tiên lén đến trại giặc lấy trộm thuốc ấy về chữa cho Thạch tướng quân.

Quân sư Tứ Tử Ly lắc đầu mà rằng:

− Khó lắm! Khó lắm! Thứ thuốc ấy Lề Cang coi là của gia bảo, giữ gìn rất cẩn thận thì khó lòng mà lấy nổi. Nay tiên ông đã muốn đi tôi cũng không dám cản, nhưng cần phải cẩn thận lắm mới được, vì Đoản Kiều là tay thao lược đại tài chứ chẳng phải vừa, lỡ ra thuốc không lấy được lại bị mắc bẫy thì khốn.

Khái Huyết tiên thưa rằng:

− Xin quân sư chớ sợ, tiểu tiên sẽ hết sức đề phòng.

Muốn biết Khái Huyết tiên có lấy trộm được thuốc không, xin xem hồi sau phân giải.

Đó thật là:

 

Vác chiếc ba toong lên múa tít,

Thạch Lâm cười ngất mãi không thôi.

Người ta có thơ vịnh rằng:

Đi ăn trộm thuốc số ba mươi,

Về chữa Thạch Lâm khỏi bệnh cười;

Lối múa ba toong sao tuyệt giỏi,

Trần gian đã dễ có bao người?

 

 

Hồi thứ III

Trộm thuốc tiên Khái Huyết trúng tên,

Vì lỡ cơ Đoản Kiều bại trận.

 

Lại nói về đêm ấy ánh trăng vằng vặc, sao mọc đầy giời, Khái Huyết tiên từ giã chủ tướng Nguyễn Tề Tam và quân sư Tứ Tử Ly rồi quay ba vòng hoá làm hồn bướm nhắm trại Hồng Kê thẳng tiến.

 

Khi đến nơi thấy bốn bề im phăng phắc, Khái Huyết tiên nhảy tót lên mái nhà, chuyền hết nóc nọ đến nóc kia, không hiểu Lề Cang Chân nhân ngủ ở gian nào, còn đang ngơ ngác thì nghe có tiếng bánh xe tán thuốc quay xè xè, Khái Huyết tiên nhằm chỗ ấy đi đến. Tới nơi đứng ngoài nhìn vào lỗ hổng, thấy bên trong Lề Cang Chân nhân vẫn còn thức, ngồi trên chiếc ghế da báo, hai chân dạng ra tán thuốc, mắt lim dim như người ngủ gật, mà lọ thuốc số 30 thì đeo ở cổ. Khái Huyết tiên nghĩ bụng: “Nếu không tìm cách lấy ngay, lỡ quân đi tuần trông thấy thì nguy”. Nghĩ vậy bèn thò vào túi lấy ra một nắm mê hồn hương châm lên và khẽ thổi cho khói bay vào. Lề Cang Chân nhân đang ngồi tán thuốc bỗng hắt hơi lên mấy tiếng gục xuống bàn. Khái Huyết tiên cả mừng, khoét ngạch chui vào, rón rén lại gần Lề Cang Chân nhân tháo lấy lọ thuốc. Xong đâu đấy lại do lỗ ngạch chui ra, nhưng chẳng may vừa chui ra khỏi, thì mấy tên quân đi tuần qua đấy trông thấy, vội khua thanh la ầm ỹ và kêu to lên:

− Có thích khách! Có thích khách!

 

Khái Huyết tiên giắt lọ thuốc vào người định quay đi ba vòng hoá làm hồn bướm chạy trốn, nhưng chưa kịp trở mình thì bốn bề quân lính đã đổ đến bạt ngàn, đèn đuốc như sao sa, gươm giáo tua tủa. Khái Huyết tiên hoảng sợ, há mồm nhả ra một đạo hồng quang bay đến chém những tên quân vây bọc để cướp đường trốn chạy.

 

Ngay lúc ấy Đoản Kiều Nguyên soái đang nằm trong trướng, nghe bên ngoài có tiếng kêu thích khách, sực thức dậy vội đốc thúc các tướng tá đổ đến vây chặt lấy Khái Huyết tiên. Quân sư Lưu Trọn Lừa há mồm phun ra một đạo bạch quang; Vi Lang tiên cũng phun ra một đạo thanh quang. Ba đạo kiếm quang cứ quấn lấy nhau ở trên không như ba luồng điện. Đoản Kiều Nguyên soái tức giận, đang lúc bất ý, rút một chiếc tên thần thổi thẳng vào mặt Khái Huyết tiên, Khái Huyết tiên bị chiếc tên ấy bắn trúng giữa mắt phải, đau quá, thét to lên một tiếng, vội thu đạo kiếm quang về, độn thổ chạy về dinh. Khái Huyết tiên đã trốn chạy rồi, Đoản Kiều Nguyên soái bèn kiểm điểm lại sĩ tốt thấy không thiếu một tên nào thì cả mừng, rồi đưa các tướng sĩ vào đại trại thăm Lề Cang Chân nhân. Vào đến nơi thấy Lề Cang Chân nhân vẫn gục xuống bàn mê man bất tỉnh. Đoản Kiều Nguyên soái sai hoà thứ thuốc số 14 tắm cho Lề Cang Chân nhân. Một lúc lâu Lề Cang Chân nhân dần dần tỉnh lại, trông thấy các tướng xúm xít quanh mình thì chẳng hiểu đầu đuôi ra sao. Đoản Kiều Nguyên soái thuật lại cho Lề Cang Chân nhân biết chuyện vừa rồi, Lề Cang Chân nhân vội sờ lên cổ, thấy mất lọ thuốc số 30 thì rẫy lên đành đạch mà rằng:

− Nó giết bỉ nhân rồi! Bao nhiêu năm tu luyện trong động mới chế ra được thứ thuốc quý hoá ấy, nay nó đến lấy trộm mất cả, thì thật là quân nhẫn tâm quá lắm! quá lắm!

Nói xong Lề Cang Chân nhân tiếc của, cứ mếu mãi không thôi, Đoản Kiều Nguyên soái phải an ủi rằng:

− Xin Chân nhân hãy bớt ưu sầu, để sáng mai tiểu soái ra trận bắt cho được thằng giặc lấy trộm thuốc băm ra làm trăm mảnh mới hả giận.

Lề Cang Chân nhân không thể sao được, đành phải gạt nước mắt gượng cùng Đoản Kiều Nguyên soái bàn cách ngày mai tiến quân.

Rõ thật là:

 

Mất của lại vừa mang tiếng dại

Trăm năm còn để một trò cười.

 

Người ta có thơ than rằng:

 

Những lời an ủi ngọt như đường

Có lúc người ta vạc đến xương

Vẫn tưởng là mình hay hớm lắm

Ngờ đâu sự nghiệp đến ngày bương.

 

Lại nói về Khái Huyết tiên, độn thổ một mạch về đến trại vừa nhoi đầu lên, chẳng may chỗ ấy lại có một chiếc cối đá để trên mặt đất, nên đụng vào đầu đánh chát một cái, lại vội vàng thụt xuống đi ra chỗ khác mới dám nhoi hẳn lên, một tay xoa chỗ đầu bươu, còn một tay bưng mắt tiến thẳng vào chỗ Chủ tướng Nguyễn Tề Tam và quân sư Tứ Tử Ly ngồi. Bấy giờ chủ tướng Nguyễn Tề Tam và quân sư Tứ Tử Ly còn thức đợi tin tức của Khái Huyết tiên. Khái Huyết tiên đưa trình lọ thuốc số 30, chủ tướng Nguyễn Tề Tam thấy Khái Huyết tiên nhăn nhó, liền hỏi:

− Tướng quân sao vậy?

Khái Huyết tiên nói:

− Thưa Chủ tướng, tôi đi lấy trộm thuốc, chẳng may bị Đoản Kiều biết, bắn một mũi tên thần trúng giữa mắt phải, đến lúc độn thổ trốn về đây, khi nhoi lên, đầu lại đụng cối đá, nên phải suýt soa, xin Chủ tướng tha tội.

Chủ tướng Nguyễn Tề Tam bảo quân sư Tứ Tử Ly bấm độn xem kẻ nào để cối đá chỗ ấy. Quân sư Tứ Tử Ly vâng lời, giơ tay lên bấm độn một lúc rồi thưa rằng:

− Thưa Chủ tướng, đó là tên hoả đầu quân số săng-soa-săng-đít-nguýt-mi-li-ông lúc chiều giã cua quên không cất cối, để đến nỗi Khái Huyết tiên đụng phải.

 

Chủ tướng Nguyễn Tề Tam nghe nói nổi giận, sai điệu tên quân giã cua ra chém.

Quân sư Tứ Tử Ly can rằng:

− Xin Chủ tướng bớt nóng, tuy rằng lỗi tự tên quân ấy thật, nhưng cũng là ngày hạn của Khái Huyết tiên, nếu Khái Huyết tiên hôm nay không mắc nạn cộc đầu thì thế nào cũng bị chẹt ô tô. Số giời đã định thì tránh cũng không thoát, xin Chủ tướng hãy tạm tha cho hắn để hắn đới tội lập công.

 

Chủ tướng Nguyễn Tề Tam khen phải, truyền tha cho tên quân ấy và cho Khái Huyết tiên xuống trại phục thuốc, còn mình tự đem lọ thuốc số 30 đổ cho Thạch Lâm uống. Thuốc vừa đổ khỏi miệng, tức thì Thạch Lâm tiên như người trong cơn mê sực tỉnh, ngơ ngác chẳng hiểu ra sao. Chủ tướng Nguyễn Tề Tam bèn thuật lại cho Thạch Lâm tiên nghe chuyện vừa rồi và bảo xuống cảm ơn Khái Huyết tiên.

Đó thật là:

 

Vì thương bạn, đành cam bươu đầu sứt trán,

Bởi hám danh, nên chịu tiếng bấc tiếng chì.

 

Đến sáng sau, hai bên cùng chỉnh bị binh mã kéo quân ra trận, Nguyên soái Đoản Kiều trông thấy Khái Huyết tiên thì tức lộn ruột lên, mắng rằng:

− Đêm qua ta đã sinh phúc cho nhà ngươi mà ngươi không biết. Hôm nay lại dẫn xác ra để chịu chết đấy à?

Khái Huyết tiên mắng lại:

− Ngươi bắn vào mắt ta, thù này ta phải báo. Thôi chớ khá nhiều lời, có giỏi thì ra đây đấu với ta trăm hiệp?

Đoản Kiều Nguyên soái cả giận, toan thúc ngựa ra đánh, thì Giang hổ hảo hớn Võ Trúng Phong hầm hè nói:

− Bẩm Nguyên soái, cắt tiết gà chẳng cần đến dao mổ trâu, kẻ làm loạn trong làng kiếm hiệp cũng không nên cần đến Ngọc Hoàng phải trị, mà đánh tên vô danh Khái Huyết, Nguyên soái cũng chớ nhọc mình, để tiểu tướng xin ra bắt sống hắn mang về treo ngược lên ngọn cờ hiệu lệnh.

 

Đoản Kiều Nguyên soái khen:

− Giỏi lắm đa! Nào, tướng quân thử ra bắt sống lấy hắn cho bản soái coi nào!

Võ Trúng Phong giục ngựa ra giao chiến. Bên này chủ tướng Nguyễn Tề Tam thúc toàn quân ùa sang. Nguyên soái Đoản Kiều cũng ra lệnh cho binh sĩ lăn sả vào đánh rất hăng hái. Thật là một trận đại chiến quỷ khóc thần sầu, kinh thiên động địa. Hai bên đánh nhau từ sáng sớm đến mãi chiều tối cũng vẫn không phân thắng bại. Nguyên soái Đoản Kiều nóng ruột, giơ tay lên bắt quyết miệng lẩm bẩm mấy câu thần chú, rồi quát to lên một tiếng “Mau” tức thì trời đang yên lặng, bỗng nổi lên một trận phong ba ghê gớm, đá sỏi bay mù giời. Chủ tướng Nguyễn Tề Tam cũng vội vàng tay bắt quyết, miệng lẩm bẩm mấy câu thần chú, rồi quát to lên một tiếng “Yên”, tức thì bốn bề lại gió yên cây lặng, đá sỏi cũng thôi bay. Quân sư Lưu Trọn Lừa thấy bên địch phá mất pháp bảo của chủ soái mình thì mười phần căm tức, mồm lẩm bẩm đọc thần chú “Ba la sầu”, định cho quân địch ngủ gục xuống đấy, nhưng quân sư Tứ Tử Ly bên động Phong Hoả nhanh mắt trông thấy, cả sợ, vội vàng đọc thật nhanh mấy câu thần chú hô thần Lục Giáp, rồi trỏ lên trên không gọi: “Thần Lục Giáp đâu, phải tuân hành lệnh ta!”, tức thì thần Lục Giáp từ trên giời bay xuống, nhanh như cắt, xông lại bịt mồm quân sư Lưu Trọn Lừa. Quân sư Lưu Trọn Lừa vừa đọc được mấy tiếng “Úm-ba-la, mà-na mà-ni…” thì bị ngay thần Lục Giáp lấy tay bịt chặt lấy mồm, ú ớ không đọc được nữa. Tái Can tiên thấy quân sư mình bị nạn, liền giở ba toong ra chực đánh thần Lục Giáp, quân sư Tứ Tử Ly sợ quân mình lại chết sặc vì buồn cười, phải vội giơ tay lên trên không ấn quyết và quát: “Xuống”, tức thì từ trên giời sa xuống một chiếc khổn tiên thẳng trói chặt Tái Can tiên vào chiếc ba toong. Giang hồ hảo hớn Võ Trúng Phong và Vi Lang tiên biết quân mình sắp bại, thì không còn lòng nào ham đánh, đành phải phò Đoản Kiều Nguyên soái và Lề Cang Chân nhân chạy trốn. Quân động Phong Hoả được toàn thắng cố sức đuổi theo. Giang hổ hảo hớn Võ Trúng Phong và Vi Lang tiên thấy quân địch đuổi kíp quá, phải cải trang làm hai anh lái lợn, nhét Nguyên soái Đoản Kiều và Lề Cang Chân nhân vào hai chiếc bồ rồi gánh đi mới thoát.

 

Trận ấy quân động Hồng Kê thiệt hại rất lớn, phải bỏ thành Chợ Gạo về giữ bản động Hồng Kê. Các tướng lĩnh bị thua trận phải chui rúc ở mọi nơi cũng lục tục kéo nhau về.

Đoản Kiều Nguyên soái vừa thẹn lại vừa tức, quyết tâm bầy độc kế tận sát toàn động Phong Hoả để trả thù, bèn nói với Lề Cang Chân nhân cho đắp một cái đàn để bầy trận Thu hồn.

Muốn biết trận Thu hồn của Đoản Kiều Nguyên soái lợi hại như thế nào, xin xem hồi sau phân giải.

Đó thật là:

 

Một trận giao phòng Lề Cang vỡ mặt,

Hai lần chiến bại Đoản Kiều căm gan.

 

Người ta có thơ hỏi Đoản Kiều Nguyên soái rằng:

 

Cái giỏi kinh luân vứt bỏ đâu?

Ra quân hai trận bị thua đau!

Kế cùng, lực tận cho nên phải

Đặt trận Mê hồn hãm hại nhau.

 

 

Hồi thứ IV

Mê hồn trận khoe nhiều phép lạ

Tứ Tử Ly đoán biết mưu kỳ

 

Lại nói về Đoản Kiều Nguyên soái bị đại bại ở trận gầm cầu phải bỏ thành Chợ Gạo kéo quân về động Hồng Kê, trong lòng vừa thẹn vừa tức, bèn nói với Lề Cang Chân nhân cho đắp một cái đàn cao ba mươi thước để lập trận Mê hồn. Đàn đắp theo hình bát quái, chu vi trăm thước, theo cách bố trận trong binh pháp của Đạt Ma Lão tổ. Trận này rất nguy hiểm và rất khó phá, người đã vào trong trận thì còn một cái chết, chỉ có Đạt Ma Lão tổ là phá vỡ được mà thôi.

Khi dân đã đắp xong, Đoản Kiều Nguyên soái xem xét qua loa một lượt, rồi đến đêm ấy tắm rửa sạch sẽ, chống kiếm gỗ đi chân đất lên đàn, sai bày hương hoa, rồi xoã tóc triệu các Thiên thần và oan hồn các báo đến dụ rằng:

− Hỡi các Thiên thần và các oan hồn! Nay có động Phong Hoả tự nhiên nổi loạn, nên ta phải đặt trận Mê hồn này để trừ khử những kẻ làm loạn ấy, nay triệu các Thiên thần và các oan hồn đến đây, phải cố sức giúp ta, không được trái lệnh.

Các Thiên thần và oan hồn các báo đều reo to lên rằng:

− Chúng tôi xin hết lòng tuân lệnh của pháp sư.

Nguyên soái Đoản Kiều bắt đầu cắt đặt:

“Đông phương giáp ất mộc, cờ, mũ, áo, ngựa đều dùng sắc xanh, do Lý Thiên Vương, Na Tra Thái tử, Kim Tra Thái tử, Mộc Tra Thái tử dẫn oan hồn các báo Đông Tây, Đông Thanh, Đông Phương, Rạng Đông, Khai Hoá, Thực nghiệp hiệp cùng bẩy vị sao: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ giữ quẻ Chấn, đợi khi nào tướng bên động Phong Hoả đã vào trong trận rồi, thì nổi lên giữ chặt lấy cửa không cho ra thoát;

 

Tây phương bính đinh hoả, cờ, mũ, áo, ngựa đều dùng sắc đỏ, do Tề thiên Đại Thánh, Cửu đầu yêu, Lục vĩ yêu, Bách tỳ yêu, dẫn oan hồn các báo Kinh Tế, Duy Tân, Bạn trẻ, Phổ Thông, Thanh Niên, Tiếng Vang, hiệp cùng bẩy vị sao Khuê, Lâu, Vị, Mãn, Tất, Truỷ, Sâm giữ quẻ Đoài, đợi khi nào tướng bên động Phong Hoả đã vào trong trận rồi, thì nổi lên giữ chặt lấy cửa không cho ra thoát;

 

Nam phương canh tân kim, cờ, mũ, áo, ngựa đều dùng sắc vàng, do Thiên Sát tinh quân, Địa Sát tinh quân, Hắc Sát tinh quân, Độc cước tinh quân, dẫn oan hồn các báo Nam Phong, Ngọ Báo, Dân Mới, Nhân Loại, Nhật Tân, Nước Non hiệp cùng bảy vị sao: Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Chương, Dực, Chẩn giữ quẻ Ly, đợi khi nào tướng bên động Phong Hoả đi vào trong trận rồi, thì nổi lên giữ chặt lấy không cho ra thoát;

 Bắc phương nhâm quý thuỷ, cờ, mũ, áo, ngựa đều dùng sắc trắng, do Tôn Võ Tử Chân nhân, Quỷ Cốc tiên ông, Hiệt địa La hán, Xích diện La hán, dẫn oan hồn các báo Bắc Kỳ thể thao, Bắc Ninh tuần báo, An nam tập chí, Tân Thanh tạp chí Hải phòng tuần báo Tứ Dâu tạp chí hiệp cùng bảy vị sao Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích giữ quẻ Tốn, đợi khi nào tướng động Phong Hoả đã vào trong trận rồi, thì nổi lên giữ chặt lấy cửa không cho ra thoát;

 

Trung ương mậu kỷ thổ, cờ, mũ, áo, ngựa đều dùng sắc đen do Hỗn Mang Hoà thượng, Hắc trụ Hoà thượng, Long Chu quái hiệp, Côn Ma quái hiệp dẫn oan hồn các báo Loa, Tâu nữ lưu, Phụ nữ thời đàm, Nông công thương, Tiểu thuyết tuần san hiệp với Ngũ hành tinh quân giữ quẻ Kiền, đợi khi nào tướng bên Phong Hoả vào đến giữa trận, phải báo hiệu lay cờ lạc hồn phan lên để thu hồn tướng ấy, nhưng không được hại.

 

Trên không thì giao cho Nhị Lang thần đem con chó Topi canh gác thiên la, khi thấy tướng bên động Phong Hoả đã vào trận rồi mà định thăng thiên để trốn, thì phải chăng thiên la ra bắt;

Dưới đất giao cho Phá thổ quỉ canh gác địa võng, khi thấy tướng bên động Phong Hoả đã vào trận rồi mà định độn thổ để trốn, thì phải chăng địa võng ra bắt.

 

Còn các tướng lĩnh thì Đoản Kiều Nguyên soái cắt đặt như sau này:

Giang hồ hảo hớn Võ Trúng Phong cầm thanh chu-tiên-kiếm gác cửa Đông, khi thấy tướng bên Phong Hoả đến phá trận, phải dụ cho tướng ấy vào trong trận rồi chạy qua chỗ cờ lạc hồn phan vòng lên đài bẩm mệnh;

Vi Lang tiên cầm thanh diệt-yêu-kiếm gác cửa Tây, khi thấy tướng bên Phong Hoả đến phá trận, phải dụ cho tướng ấy vào trong trận rồi chạy qua chỗ cờ lạc hồn phan vòng lên đài bẩm mệnh;

Tái Can tiên cầm thanh trừ-tà-kiếm gác cửa Nam, khi thấy tướng bên Phong Hoả đến phá trận, phải dụ cho tướng ấy vào trong trận rồi chạy qua chỗ cờ lạc hồn phan vòng lên đài bẩm mệnh;

Bất Thông tiên cầm thanh đả-ma-kiếm gác cửa Bắc, khi thấy tướng bên Phong Hoả đến phá trận, phải dụ cho tướng ấy vào trong trận, rồi chạy qua chỗ cờ lạc hồn phan vòng lên đài bẩm mệnh;

 

Trương thị Lệ Cúc tiên cô cầm bó-cúc-trắng giữ cờ lạc hồn phan, khi nghe hiệu của Hỗn Mang Hoà thượng báo, đợi cho tướng bên mình chạy khỏi rồi, lập tức lay cờ lạc hồn phan lên bảy lần để thu lấy bảy vía của tướng bên Phong Hoả;

 

Quân sư Lưu Trọn Lừa hôm trước định đọc thần chú “Ba la sầu” để khiến cho binh sĩ bên Phong Hoả ngủ gật, chẳng may Quân sư Tứ Tử Ly biết trước, sai thần Lục Giáp xuống bịt chặt lấy mồm, Quân sư Lưu Trọn Lừa phải cố giằng ra mà chạy, vì thần Lục Giáp bịt chặt quá, nên quân sư Lưu Trọn Lừa bị sái quai hàm, Lề Cang Chân nhân phải hoà thuốc số 14 cho uống, nay tuy chưa khỏi hẳn nhưng cũng phải cầm kiếm gỗ đứng trấn trên đài, khi thấy tướng bên Phong Hoả xông lên, thì lại niệm trú “Ba la sầu” và hô Lôi Công hoá sấm sét đánh xuống.

 

Rồi Nguyên soái Đoản Kiều đem một đấu chu sa rắc khắp trong trận để hô âm binh và đem một bát hồng thuỷ để gần cờ lạc hồn phan phòng có kẻ nào vào cướp cờ thì bát hồng thuỷ ấy sẽ hoá làm một giải sông nước đỏ như máu, sóng vật lưng trời, chắn lối không thể bơi ra cướp được.

Sau cùng, Nguyên soái Đoản Kiều gọi linh hồn các kiếm hiệp đến truyền rằng:

− Hỡi các ngươi! Bản soái biết các ngươi là một lũ lười biếng, không chịu làm việc nuôi mình, chỉ trông vào “cái” kiếm hiệp để được an nhàn. Như vậy, nếu các ngươi để cho tụi Phong Hoả còn sống ngày nào thì các ngươi khó lòng mà yên thân được với chúng ngày ấy. Chi bằng các ngươi cố sức giúp bản soái trừ tiệt chúng đi, thì không còn ai bới móc đến công việc của các ngươi nữa, lúc ấy các ngươi tha hồ reo rắc những cái dị đoan vô lý vào óc người đời mà vơ tiền cho đầy túi. Các ngươi nghĩ sao?

Linh hồn các kiếm hiệp nghe nói thảy đều vui mừng hớn hở vái Nguyên soái Đoản Kiều mà bẩm rằng:

− Bẩm Nguyên soái, nếu có thể làm cho tụi Phong Hoả chết đi để chúng tôi được kiếm tiền một cách dễ dàng, thì dù có phải nhảy vào đống lửa chúng tôi cũng chẳng dám từ.

 

Nguyên soái Đoản Kiều cả mừng, trao cho mỗi tên một thanh kiếm gỗ, sai đứng gác bát nước hồng thuỷ, nếu thấy tướng bên Phong Hoả đến cướp cờ lạc hồn phan thì phải lập tức bắt đổ bát nước ấy.

 

Mọi việc cắt đặt đã xong, Nguyên soái Đoản Kiều thân về động Hồng Kê mời Lề Cang Chân nhân vào thăm trận, Lề Cang Chân nhân theo Nguyên soái Đoản Kiều vào đến nơi thì thấy, bên trong tối tăm mù mịt, lạnh lẽo âm thầm, tiếng oan hồn các báo kêu văng vẳng nghe rợn cả người, Lề Cang Chân nhân vốn tính nhút nhát, thấy thế thì sợ run lên cầm cập, cứ níu chặt lấy áo Nguyên soái Đoản Kiều không dám rời ra một phút. Nguyên soái Đoản Kiều dương dương tự đắc, giơ tay lên đầu vuốt sừng mấy cái và nói với Lề Cang Chân nhân rằng:

− Động Phong Hoả phen này ắt hẳn một mống cũng không còn. Ta hãy cho họ ngủ nốt đêm nay, đến mai bắt cũng chưa muộn.

Nói rồi Nguyên soái Đoản Kiều cười xoắn bộ râu dê, Lề Cang Chân nhân nghe nói thích chí, cũng cười vêu mồm cá ngão.

Đó thật là:

 

Chưa giỏi đã toan bề đắc chí,

Nhớ chăng cái lúc rúc trong bồ?

 

Lại nói về trại bên Phong Hoả, đêm ấy quân sư Tứ Tử Ly nằm bị muỗi đốt dữ quá không sao nhắm mắt được liền lững thững ra sân trông lên giời thấy ngôi tướng tinh của chủ tướng Nguyễn Tề Tam bị mờ thì lấy làm lạ, định trèo lên cây sấu gần đấy xem thiên văn, nhưng mới đi được vài bước thì dẫm phải chiếc vỏ chuối trượt chân ngã bổ nhào trên mặt đất, đau quá chết ngất đi đến nửa giờ, lúc tỉnh lại cố gượng dậy mồm lẩm bẩm:

− Thật là một điềm lạ!

Bèn giơ tay bấm độn, bỗng nhiên sợ thất sắc rồi khóc hu hu lên. Các tướng sĩ đang ngủ nghe tiếng khóc choàng thức giậy, mọi người thấy quân sư Tứ Tử Ly đứng giữa sân mà khóc thì thảy đều không hiểu ra sao. Chủ tướng Nguyễn Tề Tam hỏi:

− Quân sư tại sao mà khóc?

 

Hỏi ba bốn câu cũng chẳng thấy trả lời, tưởng quân sư ngộ cảm, chủ tướng Nguyễn Tề Tam cuống quít, truyền quân vực vào trong trướng đặt nằm trên giường lim rồi sai người lấy gừng đánh gió và đi hú hồn khắp mọi nơi. Một lúc quân sư Tứ Tử Ly dần dần nín khóc, chủ tướng Nguyễn Tề Tam cả mừng, lại gần hỏi:

− Quân sư tại làm sao mà khóc?

Quân sư Tử Ly gạt nước mắt thưa rằng:

− Thưa chủ tướng, số là tôi vừa bấm độn biết rằng Đoản Kiều đêm nay đang bầy một trận gọi là trận Mê hồn, mà cứ như quẻ độn thì số chư tướng cùng các tiên ông ở động ta phải mắc trong trận ấy. Nếu quá mười lăm hôm không có người phá vỡ cứu ra thì thể nào cũng chết, vì vậy nên tôi khóc.

 

Chủ tướng Nguyễn Tề Tam nghe nói sợ phồng bong bóng mũi, hỏi rằng:

− Vậy biết tính làm sao bây giờ?

Quân sư Tứ Tử Ly nói:

− Trận Mê hồn này rất lợi hại, không ai phá nổi, chỉ còn một cách là đến cầu cứu Đạt Ma Lão tổ, nhờ ngài hạ sơn gọi hai đồ đệ là Đoản Kiều và Lưu Trọn Lừa về, bắt triệt trận ấy đi, nếu không nghe thì đánh. Ngoài cách ấy ra không còn kế gì khác nữa.

Chủ tướng Nguyễn Tề Tam thở dài mà rằng:

− Thôi ta cũng đành phó thác thân ta cho thần Số mệnh, nhưng sau khi ta bị hãm trong trận rồi quân sư nên liệu mau mau đi cầu Đạt Ma Lão tổ hạ sơn để cứu lấy sinh mạng các tướng kẻo chậm trễ thì nguy.

Quân sư Tứ Tử Ly nói:

− Một mình Đạt Ma Lão tổ cũng vị tất đã phá nổi, muốn cho chắc chắn phải đến Lê Sơn Thánh mẫu mượn Mai Hương Đạo cô; đến Bạch Mi Lão tổ mượn Lê Phong tiên; đến Nguyên Thuỷ Thiên tôn mượn Kỳ Phát tiên; đến Linh Hồn Trẻ mượn Uyên Riêm tiên, Hải Triêu tiên, Hải Thành tiên, Mạnh Chát tiên, Hồ Lơ tiên; đến Hậu Giám thành mượn Bình Minh tiên, Việt Thi tiên, Trăm Năm tiên, Lê Dân tiên và Hương Thịnh tiên mang đội quân Bình Dân đi tiếp cứu; đến Tin Vịt mượn Phỉ Phong tiên, Lê Thành tiên, Lùng Tùng Tử tiên mới hòng phá vỡ được trận ghê gớm này.

Chủ tướng Nguyễn Tề Tam gật đầu nói:

− Tính mệnh ta và tính mệnh các tướng sống chết đều nhờ ở tay quân sư, quân sư nên hết lòng cầu chư tiên đến giúp.

Quân sư Tứ Tử Ly thưa:

− Chủ tướng cứ yên lòng. Sau khi chư tướng lâm nạn rồi, tôi sẽ xin hết sức cầu chư tiên đến giúp. Nếu chư tiên đều một lòng giúp ta thì phen này quân động Hồng Kê và tụi kiếm tiên đến hồi mạt vận.

 

Hai người còn đang trò chuyện, trống lầu thoắt điểm canh năm, Chủ tướng Nguyễn Tề Tam đăng trướng nói với chư tướng rằng:

− Từ khi chúng ta đi chinh phục động Hồng Kê, hễ quân ra giặc chạy, tướng đến thành tan. Nay không ngờ Đoản Kiều cậy có phép yêu bầy ra trận Mê hồn để hãm hại chúng ta, mà cứ như lời quân sư nói thì số ta cùng các tướng đều mắc phải trận ấy trong ít lâu sẽ có người đến cứu. Vậy chư tướng chớ khá nản lòng, cùng hăng hái xông vào trong trận cho giặc khiếp oai, đợi khi có người giải cứu, chúng ta sẽ lại được về tụ họp cùng nhau.

 

Chư tướng thảy đều cúi đầu nghe lệnh, chủ tướng Nguyễn Tề Tam bèn cắt đặt:

− Tù Mờ tiên vào phá cửa Đông, nếu gặp ai ra cản đường thì liều chết xông vào đánh;

Lê La tiên vào phá cửa Tây, nếu gặp ai ra cản đường thì liều chết xông vào đánh;

Hàn Đãi Đá tiên vào phá cửa Nam, nếu gặp ai ra cản đường thì liều chết xông vào đánh.

Chủ tướng Nguyễn Tề Tam thì tự mình vào phá cửa Bắc, còn bao nhiêu binh tướng đều cho ở nhà giúp quân sư Tứ Tử Ly giữ thành phòng khi quân động Hồng Kê đến cướp.

 

Cắt đặt vừa xong, bỗng có quân giữ thành vào bẩm.

− Bẩm chủ tướng, tướng động Hồng Kê đã đến trước thành khiêu chiến.

Chủ tướng Nguyễn Tề Tam truyền kéo quân ra trận, điều kiều trên mặt thành, vừa hạ xuống đã nghe thấy tiếng quân bên động Hồng Kê hò reo mắng nhiếc, rồi có loa gọi to lên rằng:

− Bớ đồ vu cáo hèn! Lũ ngươi có giỏi thì ra đối địch cùng ta.

Chủ tướng Nguyễn Tề Tam nghe thấy thì trong lòng cả giận, cũng sai quân bắc loa lên trả lời:

− Bớ lang lậu! Quân mỗ sắp ra khỏi cửa thành, các ngươi liệu bảo nhau rửa sẵn cổ để quân mỗ chém.

Nói xong, kíp thúc quân sĩ tràn ra mặt thành dàn trận, khi trận vừa dàn xong đã thấy Nguyên soái Đoản Kiều thúc ngựa ra trước nói to lên rằng:

− Chủ động Phong Hoả đâu? Mau ra đây ta hỏi chuyện.

Chủ tướng Nguyễn Tề Tam cũng thúc ngựa ra quát to lên rằng:

− Có ta đây, Ngươi muốn nói gì cứ nói.

Nguyên soái Đoản Kiều cười khà khà mà rằng:

− Nay ta mới bày xong một trận, ngươi có dám vào phá không?

Chủ tướng Nguyễn Tề Tam vênh váo đáp:

− Ta cho nhà ngươi cứ lui vào trong trận, ta sẽ đến phá ngay bây giờ.

Nguyên soái Đoản Kiều lui về trận, truyền các binh tướng cứ như y lời dặn mà đề phòng, rồi dắt tay Lề Cang chân nhân trèo lên đàn ngồi bắt chéo chân hút thuốc lá.

Ngoài này chủ tướng Nguyễn Tề Tam cũng dặn lại các tướng một lượt, rồi tản ra chung quanh đánh vào bốn mặt trận.

 

Thoạt tiên Tù Mờ tiên vào phá cửa Đông, gặp giang hồ hảo hớn Võ Trúng Phong cầm thanh chu-tiên-kiếm ra cản đường, hai người đánh nhau dăm hiệp, Võ Trúng Phong lui dần vào trong trận, Tù Mờ tiên đuổi theo đến chỗ lạc hồn phan, bỗng cây phan đảo mấy cái, Tù Mờ tiên tự nhiên hôn mê bất tỉnh ngã gục xuống chân ngựa rồi nằm lăn ra như chết.

 

Đến lượt Lê La tiên vào phá cửa Tây gặp Vi Lang tiên cầm thanh diệt-yêu-kiếm ra cản đường. Lê La tiên tung luôn quả bóng bằng cao su lên, Vi Lang tiên vội lùi vào trong trận, Lê La tiên đuổi theo vào đến chỗ cờ lạc hồn phan lại thấy cây phan đảo mấy cái, Lê La tiên cũng hôn mê bất tỉnh và ngã gục ngay xuống đấy.

 

Lại đến Hàn Đãi Đá tiên vào phá cửa Nam gặp Tái Can tiên tay cầm thanh trừ-tà-kiếm chạy ra cản đường. Hàn Đãi Đá tiên hăng hái xông vào đánh, Tái Can tiên chỉ mỉm cười lui vào trong trận, đến chỗ cờ lạc hồn phan, cờ đảo lên mấy cái, Hàn Đãi Đá cũng lại ngã lăn xuống chân ngựa nốt.

 

Còn chủ tướng Nguyễn Tề Tam tự xông vào phá cửa Bắc, gặp Bất Thông tiên cầm thanh đả-ma-kiếm xông ra chặn đường. Chủ tướng Nguyễn Tề Tam quát to lên rằng:

− Bớ Bất Thông! Ngươi có nhận ra ta là ai không?

Bất Thông tiên cười mũi rồ đáp lại:

− Có. Ta có nhận ra ngươi là đồ xỏ lá. Ngươiãỏ ta một vố làm gái sề nhà ta đánh ta một trận gần chết rồi nhốt ta vào cũi, và, than ôi! ta cũng vẫn không được giáp mặt em Tần!

 

Chủ tướng Nguyễn Tề Tam nghe nói cả giận, cầm kiếm nhằm đầu Bất Thông tiên chém xuống. Bất Thông tiên vội giơ đả-ma-kiếm lên đón đỡ và chạy vào trong trận, khi đến chỗ cờ lạc hồn phan, cờ đảo lên mấy cái, nhưng chủ tướng Nguyễn Tề Tam trên mũ có đính một viên ngọc minh châu của sư phụ là Lý Toét Lão tổ trao cho, nên vẫn tỉnh táo như thường, cứ giục ngựa đuổi theo Bất Thông tiên. Bất Thông tiên trong bụng đinh ninh là Nguyễn Tề Tam đã bị cờ lạc hồn phan thu mất hồn rồi nên không phòng bị. Đến khi nghe tiếng nhạc ngựa gần sau lưng, ngoảnh lại đã thấy Nguyễn Tề Tam đuổi đến nơi. Bất Thông tiên trong lòng hoảng sợ, vội vàng thúc ngựa chạy bừa lên đàn. Trên đàn lúc ấy Nguyên soái Đoản Kiều và Lề Cang Chân nhân đang ngồi hút thuốc lá, giữa bàn có chai thuốc số 30 của Lề Cang chân nhân mới chế, rót ra mời Nguyên soái Đoản Kiều nếm thử. Nguyên soái Đoản Kiều uống chưa cạn cốc thì chẳng may con ngựa của Bất Thông lồng lên nhảy vọt qua đầu, chân sau chạm phải sừng Nguyên soái Đoản Kiều, Nguyên soái Đoản Kiều đau qua chết ngất đi. Quân sư Lưu Trọn Lừa đứng canh trước đàn đang ngủ gật nghe có tiếng động thì mở bừng mắt ra, thấy Nguyễn Tề Tam đã xông đến trước mặt, trong lòng cả sợ, vội tay bắt quyết miệng lẩm bẩm: “Úm-ba-la mà-na mà-ni ca-la-sầu”. Nhưng lạ thay! Câu thần chú mầu nhiệm đến thế mà Nguyễn Tề Tam cũng không hề ngủ gật. Quân sư Lưu Trọn Lừa sợ quá, vội đọc tiếp một thôi một hồi thần chú bằng thơ mới:

 

Hỡi Bát Nhã Kim Cương!

Mau mau đi tàu bay đến đây

Để thu hồn tên Tề Tam

Hỡi mảnh giăng vàng trên cao!

Ngươi giãi ánh xuống trần gian vừa vừa chứ

Kẻo làm điếc tai ta

Sao ngươi không giãi vào đầu tên Tề Tam

Để hắn vỡ đầu ra?

Từ nay ngươi có giãi thì đừng

để cho ta nghe thấy tiếng nữa nhé,

Kẻo oan cho cái tai ta lắm

Hỡi mảnh giăng vàng trên cao!

(Phỏng theo điệu và vần thơ của ông Lưu Trọng Lư)

 

Quân sư Lưu Trọn Lừa vừa đọc xong bài thần chú ấy thì có một thứ ánh sáng như ánh sáng của mặt trăng từ trên không chiếu xuống, trong ánh sáng lại phát ra tiếng kêu ầm ầm như sấm khiến chủ tướng Nguyễn Tề Tam bị chói loà, vội vàng bưng chặt lấy mắt, rồi dần dần mê man bất tỉnh.

Muốn biết có ai phá nổi trận Mê hồn không? Xin xem hồi sau phân giải.

Đó thật là:

 

Trăng giãi ầm ầm bên hiên vắng

Hay trăng định ném vỡ đầu ai?

(Ai muốn hiểu hai câu thơ này xin xem bài “Bao la sầu” của ông Lưu Trọng Lư sẽ hiểu)

Người ta có thơ rằng:

 

Than ôi! Sao cái ánh trăng vàng

Người lại ầm ỹ giãi lung tung?

Để cho mọi người nghe thấy tiếng,

Để ai niệm… Úm ba la sầu

(Phỏng theo vần và điệu thơ của ông Lưu Trọng Lư).

 

Xem tiếp phần 2&3

Văn Việt Tử
Số lần đọc: 1365
Ngày đăng: 15.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Yêu Nữ - Nguyễn Thạch Giang
Làn Da Kim Khánh - Trần Vũ
Nhân dân ơi, xin chào - Nguyễn Lệ Uyên
“ Anh thì hiểu thế nào là Tình Yêu !” - Đổ Quỳnh Anh
Trưa Nắng Hàm Ninh - Trần Vũ
Những áng mây trôi đi - Nguyễn Hồng Nhung
Trời Rộng Sông Dài - Phan Đức Nam
Một Cho Tất Cả - Đổ Quỳnh Anh
Bằng thật bằng giả - Huỳnh Văn Úc
Ký Tự Ở Đầu Giường - Nguyễn Viện
Cùng một tác giả