Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
443
115.986.710
 
Nháp, Sự Tha Hoá Và Vỏ Bọc Trí Thức
Bùi Công Thuấn

Tiểu thuyết NHÁP của Nguyễn Đình Tú. Nxb Thanh Niên 10.2008

 

Cuộc đời nháp tôi bằng những số phận “. Đó là lời đề từ Nguyễn Đình Tú viết cho tiểu thuyết Nháp  một dẫn dụ tư tưởng cho tác phẩm. Mở trang đầu tiên, người đọc gặp lời khẳng định này của nhà văn Chu Lai :”Với cuốn sách này, Nguyễn Đình Tú hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu bước tiếp trên con đường tiểu thuyết mênh mang nắng gió nhưng cũng quá đỗi chông gai nhọc nhằn “(tr.6). Kết thúc cuốn sách là lời bạt của nhà văn Ngô Tự Lập, lời bạt như đóng đinh giá trị của tác phẩm vào đầu người đọc :”Nguyễn Đình Tú đã đặt một câu hỏi  đúng, : Chúng ta phải làm gì để ngăn chặn chính chúng ta? Chúng ta phải làm gì để ngăn chặn chính chúng ta? “(tr.318). Ba lời giới thiệu trên có thể tạo nên những  ám thị về  tiểu thuyết NHÁP, nó khoác  cho Nháp cái áo trí thức, cái vỏ tiểu thuyết tư tưởng, khiến Nháp sang trọng hẳn lên so với các cuốn sách văn chương thị trường khác. Tôi tự hỏi, nếu bỏ đi mục đích quảng cáo của những lời giới thiệu ấy thì  giá trị thật của cuốn sách là gì ?

 

Trước hết xin hãy nghe nhận xét của hai bạn đọc trên lethieunhon.com

(http://lethieunhon.com/read.php/3311.htm)

 

Ngô Hoàng Lễ 15/11/2008 10:35

 

Tôi cũng đọc lời giới thiệu của nhà văn Chu Lai và đã mua cuốn tiểu thuyết này. Nguyễn Đình Tú đã có ý thức đổi mới thi pháp đối với những tác phẩm trước của anh. Nhưng ý thức và khả năng thực hiện đã không gặp nhau.


Nhà văn Chu Lai viết mấy lời nhận xét nhưng cũng không viết gì cả. Ông vốn là người "đại ngôn" như chúng vẫn biết. Nhưng viết về một cuốn sách cần cẩn trọng và chân thành. Đặc biệt phải có những nhận xét nghiêm túc. Nhưng cũng tại các nhà văn trẻ hay thích được viết giới thiệu. Chu Lai hiểu thực chất cuốn tiểu thuyết này như thế nào. Nhưng ông không đủ "dũng cảm" nói thẳng. Bởi thế ông phải dùng một loại ngôn ngữ hỏa mù. Nhưng Chu Lai là người không giỏi thao tác loại ngôn từ này nên mới viết như thế.

Xin tác giả Nháp bình tĩnh và thành công trong những tác phẩm tới và nên quên đi các loại lời giới thiệu vô thưởng vô phạt như thế này.

 

LÊ TỰ 14/11/2008 21:19

Tôi đọc Nguyễn Đình Tú đã lâu, nhưng không thấy có ấn tượng gì. Một loại văn chương hành chính, nghiêm ngắn, bàng bac và ổn định, không có gì để hy vọng.. Tiểu thuyết "Nháp" của Tú đúng là tác phẩm mới ở dạng "nháp" thôi. Nó là cuốn trung bình non, có gì mà ầm ỹ lên thế.

 

Hãy tạm để qua một bên các ý kiến khen chê. Hãy  xem tác giả viết gì, đề cập đến vấn đề gì và thái độ của  tác giả thế nào trước những vấn đề đó.

 

Nháp có 2 cốt truyện: Truyện của nhân vật xưng Tôi (Thạch ) và Truyện người tù tên Đại. Hai cốt truyện này được kể song song, Tôi và Đại là bạn học thời sinh viên. Hiện Tôi làm phóng viên cho tờ Thời Đại. Truyện bắt đầu từ thời điểm Tôi đi lấy tin để viết bài về cô gái bị giết bên hồ. Sau đó Tôi viết về  chuyến đi tìm hài cốt đồng đội của bố Tôi. Đi theo Melơni, Tôi viết về thái giám ở Huế. Tôi cũng kể lại chuyện tình của mình với Yến, chuyện phiêu lưu tình cảm với Melơni, những kỷ niệm với Đại và những việc liên quan đến Đại khi anh ra tù.Tôi chat với Galacloai (Nguyễn Toàn) và tìm đến nhà, sex đồng tính với hắn. Sau cùng, do một hiểu lầm,Tôi giết hắn. Kết thúc tác phẩm, anh Công đến thăm tôi ở trại giam.

 

Chuyện của Đại được Tôi nhớ lại. Lời kể là của Đại. Lúc nhỏ Đại ở Phố Núi, bạn của Duyên của Hải. Đại thích Thảo, con bác sĩ Toản và có những kỷ niệm đẹp với Thảo. Sau đó Thảo theo cha mẹ lên Hà Nội. Khi về Hà Nội học đại học, Đại làm phu khuân vác ở ga, coi xe ở trung tâm ngoại ngữ rồi làm gia sư để kiếm sống. Duyên yêu Đại, hai người ăn nằm với nhau nhưng Đại vẫn mơ tưởng Thảo . Một lần Đại cứu được một gái điếm tên Thảo khỏi bọn đầu gấu. Việc này làm Duyên hiểu lầm, hai người giận nhau. Duyên bỏ Đại đi theo Hoà chụp ảnh. Hoà ghép ảnh khoả thân của Duyên để  tống tình, làm Duyên quẫn trí tự tử. Đại biết chuyện, đến hiệu ảnh của Hoà để nói chuyện phải trái. Hoà gây sự, dẫn đến xô sát. Đại đã gây ra cái chết của  Hoà. Anh bị kết án 8 năm tù. Trong khi đi đồi, Đại đã trốn trại. Anh ở trong chùa Tử Tội 28 ngày, mọi người tưởng Đại đã chết. Nghe nhà sư ở chùa  khuyên, Đại về trại và chịu án 6 năm 2 tháng 4 ngày thì được tha. Ra tù, Đại ở lại chùa.Trí đi tìm Đại , yêu cầu Đại đừng quan tâm đến Duyên vì anh ta sắp làm đám hỏi với Duyên. Đại đã hứa với Trí nhưng rồi anh lại trở vế Hà Nội tìm gặp Duyên ngay trước ngày đám hỏi. Đại bị Trí đâm bằng dao bấm phải nằm viện. Sáng hôm sau Đại tìm đến nhà Trí quỳ xin với Trí cho gặp Duyên. Tôi cho Đại ở nhà Tôi và xin cho Đại làm ở báo Thời Đại với tôi. Đại về thăm quê và qua cha Tính biết được điạ chỉ của Thảo.  Đại về Hà nội tìm được nhà Thảo. Thảo bị tai nạn xe mất trí. Đại tập cho Thảo dần dần hồi tỉnh. Ngay lúc Đại đi dự lễ báo cáo luận văn thạc sĩ của Duyên thì Thảo đi theo và bị tông xe chết. Một tháng sau Đại thăm tôi ở trại giam. Đại nói với tôi : Chỉ tiếc là chúng ta làm được gỉ để ngăn chặn chính chúng ta”(tr 317)

 

Nói thật gọn Nguyễn Đình Tú dựng lại thành tiểu thuyết hai án hình sự giết người của nhân vật Đại và Thạch, có ý lý giảỉ nguyên nhân là do hoàn cảnh. Đại vì bảo vệ người yêu (Duyên ) mà gây tai nạn, cũng vậy Thạch cũng do hiểu lầm mà vô ý giết Galacloài . Cả hai nhân vật Đại và Tôi đều không tự kềm chế mình trước hoàn cảnh. Thông qua hai số phận này Nguyễn Đình Tú cho rằng các nhân vật là bản nháp của người khác và là bản nháp của chính mình, họ chưa sống thực, chưa tìm thấy ý nghĩa cuộc đời và hạnh phúc thật.Tất cả đều dở dang. Mỗi là con người là một bản nháp nhàu nát của số phận.

 

Nhà phê bình Văn Giá cho rằng:” Đọc Nháp, tôi cho rằng ít nhất Nguyễn Đình Tú làm được hai việc rất quan trọng của tiểu thuyết: Thứ nhất, tiểu thuyết có tư tưởng ; và thứ hai, nói được về thế hệ của chính anh trong xã hội hôm nay.”(1)

 

Quả thực nếu đọc thấp thoáng, người đọc có thể nghĩ rằng Nguyễn Đình Tú (NĐT) có nỗ lực xây dựng một tác phẩm tư tưởng, vì đây đó, NĐT có thốt lên những câu văn có ý nghĩa suy nghiệm về thân phận con người. Chẳng hạn, Gãlacloai (một kẻ đồng tính ) nói với Thạch trong cơn hoan lạc xác thịt: “Trong suốt hành trình nhích lên từng bước tìm tới thiên đường (sex) bạn chỉ im lặng. Ngay cả khi những cơn cực khoaí rừng rực cháy trong người bạn, bạn vẫn là một khối da thịt câm nín. Bạn là một người cô đơn. Chỉ có những kẻ cô đơn tận cùng mới câm nín như thế trong khi hành lạc. Kẻ đó chính là tôi.Hai chúng ta là hai niềm cô đơn như thế “(tr.313). Câu văn này cũng được trích thành một luận đề riêng in ở bià sau của cuốn tiểu thuyết.

 

Khi được đứng tách riêng ra, câu văn như toát lên một suy nghiệm hiện sinh. Phải chăng đó là Haller trong Der Steppenwolf (Sói Cô Đơn) của Hermann Hesse?  Không phải, Haller là người đi tìm chân lý.  Còn trong  Nháp, Galacloai chỉ là một kẻ đồng tính bệnh hoạn. Hắn chat trên  net là để tìm kẻ hành lạc, cách thức của hắn là dụ dỗ, lừa phỉnh và ép buộc. Mục đích của hắn là thoả mãn tối đa khát vọng của con rắn nhục dục trên thân xác người khác (tr. 218, 254). Chẳng có tư tưởng gỉ ở gã đồng tính này, mặc dù tác giả đã gắn cho Tôi (Thạch) những ý nghĩ về sự cô đơn, phụ hoạ với Galacloai.”Tâm trạng của hắn lúc đó là buông xuôi, là bất cần đời, là tìm đến những xu hướng tình dục phi tự nhiên để khám phá mình để khoả lấp nỗi cô đơn toang hoác do Yến để lại”(tr 252). Đây là tâm trạng cô đơn của nhân vật, không phải là sự tra hỏi tiết học về sự cô đơn của thân phận con người trong cõi hiện sinh này.

 

Phải chăng  ý niệm nháp và tâm trạng cô đơn là hai tư tưởng của tác phẩm Nháp ? Điều này cần phải được xem xét trong hệ thống hình tượng, cấu trúc tác phẩm và mục đích, thái độ miêu tả của tác giả. Tư tưởng tự nó toát ra từ hình tượng nhân vật và cốt truyện, không phải qua lời bình của ngoại đề hay lời giải thích của tác giả hoặc sự suy diễn chủ quan của nhà phê bình.. Đúng là trong tiểu thuyết Nháp, tác giả có ý định thể hiện chủ đề mỗi con người là một bản nháp của người khác, bản nháp của số phận . NĐT cũng tô đậm sự cô đơn ở nhân vật Galacloai, như  một luận đề tư tưởng cho tác phẩm. Rất tiếc những ý đồ nghệ thuật ấy bị phủ định bởi chính hệ thống hình tượng mà NĐT xây dựng nên (như đã phân tích ở trên ), bởi mục đích viết tác phẩm của NĐT là hướng đến nhu cầu giải trí của thị trường (nhận định của Đoàn Minh Tâm ).

 

Nháp là làm thử, là dùng nhiều giải pháp để tìm ra cái đúng. Thí dụ, ta làm nháp để giải một bài toán,  viết nháp một bài văn, dàn dựng thử một chương trình biểu diễn.... Vì là nháp nên có thể phải làm đi làm lại mới tìm được lời giải đúng cho vấn đề. Bản nháp không phải là bản chính thức, nó thường bị vứt vào sọt rác.Vậy nhân vật nào trong tiểu thuyết Nháp thể hiện “tư tưởng “ này ?

 

Duyên thuỷ chung với Đại từ trước tới sau, cuộc đời có hướng đi rõ ràng. Cô học ĐHSP, thành đạt cao trong nghề nghiệp (Thạc sĩ) thì cuộc đời của Duyên không thể là bản nháp của chính cô hay của Đại, vì Đại cũng rất yêu Duyên, thuỷ chung với Duyên, bị tù vì Duyên, bị Trí đâm dao cũng vì Duyên.Thảo là hình ảnh cái đẹp lý tưởng của Đại (cũng như Đại thích nhạc của Claydernam, say mê môn học Lịch sử các học thuyềt chính trị). Cô lớn lên trong một gia đình trí thức, có niềm tin tôn giáo thánh thiện, được cha mẹ yêu thương và chăm sóc kỹ. Thảo học ngành muá ở nước ngoài. Cô về nước và tham gia biểu diễn ở nhiêù nơi. Cuộc đời của Thảo là một chọn lựa tốt đẹp, không thể là một bản nháp,  Thảo không chết đi để xoá bỏ cuộc đời ấy và làm lại cuộc đời khác, trái lại, cô thanh thản về với Chuá trong tình yêu thương của mọi người (tr. 310). Bố Thạch, bố Đại, bố Duyên sống có lý tưởng, họ đã chiến đấu dũng cảm trong kháng chiến chống Mỹ, thắm thiết tình đồng đội. Trong đời thường, họ sống chuẩn mực, có tình có nghĩa. Cuộc đời họ không thể là nháp. Vợ chồng bác sĩ Toản, cha Tính, sư chùa Tử Tù, anh Công, liệt sĩ Nguyễn Văn Huy là những người biết sống đẹp, họ hướng đến tha nhân, họ giàu lòng nhân ái và đức hy sinh. Cuộc đời của họ không thể là một bản nháp.

 

Chỉ còn lại Đại và Tôi (Thạch), Yến, Melơni, có vẻ như họ đang làm nháp cuộc đời họ? tức là họ băn khoăn đi tìm chân lý, đang trải nghiệm nhiều kiếp người để đạt tới giác ngộ, đang dấn thân vào mọi hiểm nguy, mọi thử nghiệm để khám phá giá trị của chính mình? Có thật NĐT xây dựng những nhân vật này với ý đồ tư tưởng như vậy, và nhân vật của anh thể hiện được “tư tưởng “ của anh? Tôi cho rằng đó là một ảo tưởng, vì “tay nghề” của Tú chưa đủ sức xây dựng kiều nhân vật như thế, bởi Tú không có tư tưởng như J.P.Satre hay A.Camus…Các nhân vật của NĐT không hề băn khoăn về thân phận con người, không băn khoăn ý nghĩa cuộc sống, không băn khoăn về con đường tương lai, cũng không thao thức suy tư về một lý tưởng cao vời. Họ sống bình thường như mọi người.Cuộc sống ổn định. Tôi (Thạch)  làm báo với anh Công, được anh Công tín nhiệm, sau thăng chức thư ký toà soạn. Tôi có một người bố hiểu đời, ẩn nhẫn và biết chia sẻ với con. Đại tuy là sinh viên nghèo nhưng chịu khó vưà làm vưà học,  yêu nhac của Clayderman, say mê môn học Lịch sử các học thuyềt chính trị , và nếu không có tai nạn xảy ra thì cuộc sống của Đại hẳn sẽ là thành đạt. Yến do đi du học, bị nhiễm lối sống thực dụng mà bỏ Đại. Đó là sự chọn lựa có ý thức, không phải là nháp. Tình yêu của Tôi và Yến cũng là tình yêu tự do, tự chọn lưạ, có ý thức, không phải là nháp. Melơni là một nhà nghiên cứu, cô ta làm cho một trung tâm chuyên nghiên cứu về phương Đông thuộc một trường đại học lớn ở bên Mỹ. Lần này cô sang đây là để thực hiện một dự án với với Viện Đông phương Việt Nam (tr.178). Melơni cũng không phải là một bản nháp. Cô ta chỉ thay đổi bạn tình để tìm khoái lạc phương Đông  như thưởng thức món ngon vật lạ phương xa trong chuyến đi. Sau đó từ bỏ món đã ăn thử (Tôi). Đó không phải là nháp.

 

Các nhân vật không thể hiện “tư tưởng “ nháp , vậy họ làm nháp cái gì ? Xin thưa, Đại, Tôi, Yến, Melơni và Gãlacloai chỉ nháp làm tình. Đủ kiều, làm đi làm lại để  đạt cho được đỉnh khoái lạc. Họ tìm kiếm các đối tượng làm tình khác nhau để thoả mãn cho được cái bản năng tính dục như núi lửa trong lòng họ. Sex của họ là để thoả mãn  bản năng, kiều sex của họ sex là bệnh hoạn. Bao trùm không gian tác phẩm là các trang văn miêu tả cận cảnh những cuộc hành lạc. Họ làm tình với người yêu, với gái điếm. Tôi làm tình với đầm Tây, với gay.  Bên bờ hồ, trên bãi biển, trong nhà trọ, ở khách sạn. Họ dùng đủ mọi kỹ thuật, mọi phương tiện, kể cả thuốc kích dục, để có được lạc thú tối đa. Để rồi họ kiệt sức, trở nên bịnh hoạn cả tinh thần và thể xác. Đại bị liệt dương. Thạch bị Dương nuy, cả hai đều sống trong mặc cảm nhục nhã vì thua đàn bà cái khả năng sex, cả hai đều lao vào tìm kiếm cái cách làm sao cho con giống cương lên lâu dài và mạnh mẽ để thoả mãn cho được đòi hỏi nhục dục của đàn bà. Yến bỏ Thạch lấy jack. Melơni bỏ Tonny để chung chạ với Thạch…

 

Cuối củng ”tư tưởng” nháp hiện nguyên hình chỉ là sự phô trương, cổ vũ cho những trải nghiệm sex bệnh hoạn, vô luân. Đó không phải là “tư tưởng”. Hai chữ “tư tưởng” chỉ là cái vỏ hào nhoáng bên ngoài, che dấu cái rỗng tuênh bên trong, che dấu sự non kém trong thiết kế ý tưởng, xây dựng nhân vật  và cấu trúc tác phẩm. Cuối tác phẩm, NĐT lại cho nhân vật Tôi (vào tù) nói một câu chẳng ăn nhập gì với chủ đề Nháp : Chỉ tiếc là chúng ta làm được gì để ngăn chặn chính chúng ta. Câu này đơn giản chỉ là, cả Đại và Thạch đều không tự ngăn cản mình, để rồi cả hai trở thành những kẻ bệnh hoạn, mù quáng  gây án và vào tù. Nháp trần trụi là một truyện hình sự được tác giả nêm nếm  đậm đà cho hợp với khẩu vị của dân chơi.

 

Vậy NĐT định nói gì qua tác phẩm Nháp ?

Mục đích duy nhất những trang viết của NĐT là tả cho được cái cực khoái trong sự hưởng thụ nhục dục (tr.90, 91). Có thể coi Nháp là giáo khoa thư về sex. NĐT viết để khoe cái khả năng sex của mình, để dạy cho các bạn trẻ chưa biết làm tình, để xui giục bạn trẻ thể nghiệm nhiều kiểu sex: Đại và Thạch làm tình với người yêu, với gái điếm, với gay, với me Tây…Sex được miêu tả dày đặc đến thưà mưá, đến tởm lợm trong suốt tác phẩm. Ít nhất NĐT đã miêu tả cận cảnh 11 lần về các kiểu làm tình : Tôi với Yến 3 lần với cận cảnh Tôi hưởng thụ khoaí lạc (tr.87 ; 89 ; 189).  Đại và Duyên (tr.131, 146, 148. 153). Sex với gái điếm (tr.200). Làm tình với gay (Galacloai nhiều lần, tr.218), làm tình với cô gái điếm tên Thảo (tr.227),  làm tình với Melơni nhiều lần (tr 247). Sex là cơn nghiện như nghiện ma tuý không thể bỏ được (Tôi phải tìm đến Galacloai de tìm thuốc cường dương, và chịu cho gã làm tình đồng tính ).Sex cực kỳ bệnh hoạn. NĐT còn cho  nhân vật  Galạcloai nói về kích cỡ dương vật mà phụ nữ thích (tr.124). Dương vật của đàn ông Việt Nam (166) ngắn và mỏng hơn dương vật đàn ông nước ngoài nên đàn ông VN chịu nhục. Dương vật đàn ông Đức dài14,22cm, đàn ông Úc tương đương với Đức (tr 124), còn Việt nam chỉ dài 11,1cm, kém Đức, Úc hơn 3cm (tr.166). Vì thế mẹ Thạch bỏ bố lấy đàn ông Đức, khiến bố Thạch thấy nhục muốn tự tử. Yến bỏ Thạch lấy Jack (người Úc). Thạch phải cố sức để đáp ứng cho bằng được đòi hỏi sex của Melơni để trả mối thù dân tộc vì mất Yến .

 

NĐT miêu tả thế này: ”Trong tư thế của một kỵ sĩ trên lưng ngựa hắn đưa đẩy liên tục dưới bụng Me (Melơni). Khúc cảm xúc của hắn ấm nóng đê mê. Hắn sung sướng khi làm chủ được nó. Me tha hồ vặn vẹo, ngập, dướn, quẫy, đạp, mà cái khúc ấy cứ trơ trơ…Hoá ra hắn cũng can trường lắm chứ. Hắn đang dội những trái phá khủng khiếp vào sự coi thường dục tính của cha con hắn. Suốt đêm hôm ấy cho đến gần hết buổi sáng ngày hôm sau, hắn còn vần Me ra, đẩy Me lên thiên đường vài lần nữa. Đến khi Me tã tượi đến mức không còn cảm giác nữa thì hắn mới phun trào dòng nham thạch ra trước khi núi lửa nhục dục trong lòng hắn tắt ngấm (250)…chỉ có cưới Me thì hắn mới thoả mãn, mới thở phào như vừa trả xong một mối cừu thù”(tr.252). Có lẽ không cần và không nên nhắc lại 11 lần NĐT miêu tả cận cảnh những cách, những tư thế làm tình của các nhân vật, bởi vì không nên phơi bày sự trần trụi bản năng như loài vật ra trước mặt mọi người, bởi đó là sự bệnh hoạn về tư tưởng, là biểu hiện suy đồi về văn hoá.

 

Khi NĐT cho rằng phụ nữ Việt Nam bỏ chồng (mẹ của Tôi), bỏ người yêu VN (Yến) để lấy người nước ngoài chỉ vì thích dương vật của đàn ông nườc ngoài dài hơn, dày hơn, tôi nghĩ đó là một nhận thức  tha hóa đến tận cùng, là một sự xúc phạm không thể tha thứ đối với phụ nữ Việt Nam, xúc phạm đến cả một nền văn hoá của một dân  tộc, văn hoá  gia đình Việt Nam truyền thống.

 

Điều này NĐT không thể che dấu, dù anh có khoác cho sex cái vỏ trí thức : các nhân vật đều là sinh viên, là thạc sĩ, tiến sĩ ; dù anh có khéo nguỵ trang dưới những luận bàn có vẻ khách quan  khoa học qua những lần chat với Galacloai,(được giới thiệu là  một bác sĩ nam khoa, một tiến sĩ học ở Nhật), thực chất là một tên gay bệnh hoạn đến quái đản. Sex của NĐT vẫn chỉ  là một thứ sex vô văn hoá, có chăng được diễn tả bằng một thứ ngôn ngữ giàu có hơn, hoa mỹ hơn Đỗ Hoàng Diệu trong Bóng Đè một chút. Bởi vì khi miêu tả những cảnh ấy, tác giả, với tư cách nhà văn, không hề có lời phê phán những nghĩ suy lệch lạc của các nhân vật, phê phán những hành vi đồi bại bệnh hoạn của nhân vật trẻ. Hơn  thế tác giả còn tỏ ra sành sỏi, hân hoan hưởng thụ khoái cảm, như một hướng dẫn viên tận tình chỉ vẽ cho khách chơi mới lần đầu tiếp cận hành lạc. Tác giả còn khai thác hết mức mọi phương tiện để cho sex đạt tới cực đỉnh cực khoái. Cho Đại ngậm viên ngọc đá mỗi khi cần làm tình mà dương vật không cương lên được (Đại bị liệt dương ), cho Thạch uống rượu và uống thuốc kích dục của Galacloai (Thạch bị bệnh Dương nuy), thậm chí tác giả còn kê  hai toa thuốc Tàu , loại thuốc cường dương , kèm với  phần giảng giải  công năng của  các vị thuốc và cách sử dụng thuốc nưã (298, 299)(!!!).

 

Chính thái độ miêu tả sex như thế giúp người đọc hiểu rõ mục đích viết Nháp của NĐT.   Nếu trước đây những cuốn  như Bảy Đêm Khoái Lạc, Cô Giáo Thảo bị coi là đồi truỵ, bị truy quyét thì Nháp còn đồi truỵ gấp nhiều lần những cuốn sách truyền tay nhau ấy, chỉ vì nó được khoác  cái vỏ “tư tưởng” và vỏ trí thức, khiến cho người ta phải lưỡng lự khi kết luận về nó, không biết nó là một tác phẩm tư tưởng hay một cuốn sách đồi trụy! Sự độc hại, nguy hiểm của Nháp chính là ở chỗ lập lờ ấy.

 

Để xác định được Nháp có phải là sách đồi truỵ hay không, xin thử làm một trắc nghiệm này : Cứ cho dựng phim những cảnh Đại và Tôi hành lạc với Duyên, với Yến, với gay, với Melơni (thí dụ tr.153,188, 218…) xem có nữ diễn viên nào dám đóng phim đúng những gì NĐT miêu tả không, xem có rạp nào dám chiếu những cảnh “con heo” ấy không. Môt clip sex của Hoàng Thuỳ Linh bị phát hiện thì toàn xã hội đã lên án. Nếu những cảnh quay của Nháp được phát sóng tôi không hiểu dư luận se công phẫn đến thế nào. Bởi nó đồi trụy gấp trăm lần so với clip của Hoàng Thuỳ Linh. Vì nó sẽ góp phần làm sụp đổ giá trị văn hoá của không biết bao nhiêu gia đình Việt Nam và làm tha hoá không biết bao nhiêu người trẻ.

 

Sex là một bản năng như mọi bản năng. Đã là bản năng thì nó luôn đòi hỏi phải thoả mãn, không thể khác được. Tuy vậy cần nhận rõ những khác biệt giữa bản năng sex và các bản năng khác. Người ta có thể ăn uống đông vui giữa chốn hội hè, có thể vui chơi giải trí cùng với nhau ở bãi biển, ở sân vận động trong những trò chơi tập thể.., nhưng nhân loại, dù là thời ăn lông ở lỗ, cũng không thể sex  tập thể, sex trần trụi giữa ban ngày ban mặt, trước mặt mọi người . Bởi sex không phải là tất cả. Cuộc sống còn nhiều giá trị khác cao đẹp hơn, lớn lao hơn cần thiết hơn, mà con người cần phải vươn tới, đạt cho được, để sống cho ra Con Người. Con người khác loài vật ở chỗ con người nâng bản năng lên thành văn hoá, và con người trong bản chất của nó là con người xã hội.Mọi hành vi văn hoá đều chịu sự quy định của ý thức văn hoá của cộng đồng. Nhà văn có thể viết về mọi thứ, kể cả sex , nhưng nhà văn là một phần tử của cộng đồng, anh ta  không thể vượt ra ngoài phong tục, tập quán, ý thức đạo đức, ý thức thẩm mỹ của cộng đồng. Lý thuyết tiếp nhận của Hans Robert Jaiss và thuyết hồi ứng của Stanley Fish đã chỉ ra rằng mỗi cộng đồng đều có một “chiến lược diễn dịch chung bao gồm những hệ thông niềm tin, quy phạm quy ước chung về văn học để dựa theo đó các cá nhân đọc, diễn dịch và đánh giá tác phẩm (2)

 

Sẽ có người cho rằng những chuyện NĐT miêu tả là thường tình (Ngô Tự Lập. tr.318), rằng quan niệm về tình dục ở VN bây giờ đã thoáng, rằng không nên mang mặt nạ đạo đức khi đánh giá tác phẩm, không nên bắt nhà văn phải gánh lấy trách nhiệm xã hội. Văn chương chỉ là những trò chơi chữ nghĩa nhằm giải trí, chẳng làm được trò trống gì cho cuộc đời này, rằng thời hôm nay là thời của Hậu Hiện Đại, không còn chỗ cho những “đại tự sự”, không còn những tín niệm, những giá trị bất biến…rằng ngôn ngữ chỉ là cái biểu đạt dẫn tới cái biểu đạt khác, không phản ánh xã hội, vì thế không còn chân lý. Ngôn ngữ  không có cái tục cái thanh, cái sang cái hèn. Nghệ thuật không còn là sự khám phá và thể hiện cái đẹp. Cái tục hay cái đẹp là ngang nhau…

 

Tôi cho rằng những nhận thức như thế chỉ phản ánh sự suy đồi trong nghệ thuật mà thôi, nó che dấu những mục đích xấu xa đối với xã hội, nó lừa mị những người ngu ngơ đón gió. Nó làm đảo lộn mọi giá trị, khiến cho có lúc người ta không còn biết bám vào tiêu chí nào để đánh giá tác phẩm, khiến cho những tác phẩm sex bẩn, những thứ dung tục vô văn hoá tràn ra như nước vỡ bờ, từ đây những tệ nạn xã hội phủ một bóng đen lo lắng lên tâm thức của toàn xã hội. Tôi nghĩ rằng khi hội nhập với thế giới, ta phải giữ được bản sắc văn hoá của ta, phải toả sáng bản sắc ấy, không thể để bị tha hoá như những gì Nháp miêu tả.

 

Mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc đều có một nền văn hoá riêng. Nền văn hoá ấy giữ cho dân tộc được trường tồn và phát triển. Nhà văn sống trong một cộng đồng, là con dân của một dân tộc, không thể đứng ngoài nền văn hoá của dân tộc mình, không được phép dùng ngòi bút làm tha hoá nền văn hoá ấy. Hãy nhìn vào những thực tế  này. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton  vì quan hệ với Lewinski đã phải giải trình trước một ban bồi thẩm về quan hệ tình dục của mình với một cô nữ sinh, bị hạ viện luận tội vì nói dối và lạm dụng quyền lực, bị kết tội là tạo cơ hội cho Đảng Cộng hòa giành quyền lợi trong quốc hội từ tay Đảng Dân chủ, phải ngủ ở ghế sô pha hàng tháng trời trong sự nghi ngờ và mất lòng tin của vợ con..(3). Nhà văn Salman Rushdie bị giáo chủ Ayatollah Khomeini ban hành đạo luật fatwa kêu gọi các tín hữu khắp nơi có "bổn phận" gặp Rushdie phải giết chết, vì tập Những vần thơ của quỷ sa tăng đã dám xúc phạm và phỉ báng đạo Hồi. Gần đây Ở Mỹ và Châu Âu đã có nhiều chiến dịch quốc tế rầm rộ chống nạn ấu dâm của các linh mục Công Giáo. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, trên nhiều diễn đàn quốc tế, đã liên tiếp xin lỗi về sự nhuốc nha xấu hổ của nạn lạm dụng tình dục trẻ em. (4) Còn ở Việt Nam, một vị chủ tịch UBND Tỉnh vừa bị khai trừ Đảng, bị cách chức, bị bãi nhiệm đại biểu HĐND Tỉnh vì tội thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, sống buông thả, quan hệ không lành mạnh, vi phạm nghiêm trọng tư cách cấp ủy viên, đảng viên, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh người cán bộ lãnh đạo, gây dư luận bất bình trong Đảng và xã hội”(5).Rõ ràng xã hội nào, nền văn hoá nào cũng coi những gì liên quan đến sex trần trụi, sex bản năng là tội lỗi, và có thái độ quyết liệt tẩy rửa cho sạch những hậu quả tệ hại của nó nhằm làm trong sạch bầu khí văn hoá của cộng đồng.

 

Một thực tế nhỏ hơn, một sản phẩm khi đưa ra thị trường phải đáp ứng các tiêu chí về an toàn. Chẳng hạn, sản phẩm sữa, không được có độc tố Melamine. Nếu có độc tố, nó phải bị thu hồi ngay và nhà sản xuất phải chịu hình phạt. Một tác phẩm văn chương cũng vậy. Nhà văn có thể viết mọi điều anh ta nhận thức và cảm nghĩ, nhưng khi tác phẩm được tung ra thị trường, anh ta phải chịu trách nhiệm về những độc tố và tác hại của nó (nếu có) với xã hội, và nếu là một cây bút có lương tri, anh ta phải biết sám hối.

 

 Nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị chỉ rõ :” - Văn học, nghệ thuật là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.”Thử hỏi Nháp góp phần xây dựng hay đạp đổ nền tảng tinh thần của xã hội và giá trị truyền thống của văn hoá gia đình Việt Nam ?

 

Trở lại vấn đề nghệ thuật tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú.

Đoàn Minh Tâm cho rằng Nháp có 4 cái mới như sau: Một là ngôn ngữ, hai là “độ mở”, ba là cách xây dựng nhân vật và bốn là tính giải trí. Tiểu thuyết của NĐT có chất luật, chất linh biểu hiện ở tính hình sự điều tra…  xây dựng kiểu nhân vật thần kinh là bước nỗ lực lớn của Nguyễn Đình Tú trong việc làm mới chính mình”, “Nháp, có thể thỏa mãn những nhu cầu giải trí khác nhau của người đọc thông thường.”(6). Lê Minh Hiền (Biên tập viên NXB Thanh Niên, người biên tập tiểu thuyết Nháp): “Nháp đề cập đến một đề tài mới đó là tâm sinh lý của thanh niên thời đại ngày hôm nay, với những ẩn ức sinh lý và đời sống tình dục bất thường của họ. Khi quyết định có đưa in ở NXB Thanh Niên hay không cũng phải cân nhắc rất nhiều. Thế nhưng càng đọc càng thấy cuốn hút, hơn nữa Nguyễn Đình Tú là một cây bút có nghề”.(7)

 

Hai ý kiến sau đây là có cơ sở Nguyễn Đình Tú là một cây bút có nghề và  Nháp có thể thỏa mãn những nhu cầu giải trí khác nhau của người đọc thông thường.

 

NĐT có kỹ thuật chuyển cảnh khá nhuần nhiễn. Cuối câu chuyện của Thạch ở hiện tại, NĐT dùng một chi tiết liên tưởng, từ đó nhớ lại  câu chuyện của Đại ở quá khứ. Truyện được kể mạch lạc theo tuyến thời gian. Mỗi một sự việc của Đại được triển khai thành một cảnh, thí dụ kỷ niệm lúc Thảo đến lớp, kỷ niệm ở núi rồng,  phu khuân vác nhà ga, chuyện cái túi đựng ngọc của Thảo, chuyện cây sấu, nhân vật Thảo chợt ẩn chợt hiện, cốt truyện đầy những biến cố bất ngờ, cuốn hút. NĐT có khả năng phân tích tâm lý sắc xảo, tỉnh táo, viết bạo tay ở nhiều cảnh. Vốn ngôn ngữ giàu có, đặc biệt trong miêu tả sex, khả năng xâu chuỗi các sự việc trong một cốt truyện chặt chẽ. Những đoạn đối thoại đọc rất thú vị. Đoạn miêu tả tình cha con giữa Tôi (Thạch ) và bố rất thấm thía. Nhân vật Thảo con bác sĩ Toản có thể trở thành một nhân vật tư tưởng, những câu chuyện Đại nghe được trong chùa Tử Tội giàu ý nghĩa nhân văn…giọng văn trầm tĩnh thấu tình đạt lý, một nghệ thuật tả sống động như film. Đúng như nhận xét của bà Lê Minh Hiển : Nguyễn Đình Tú là một cây bút có nghề. 

Tôi ngạc nhiên vì nhận xét sau đây của Đoàn Minh Tâm về nghệ thuật của NĐT :” : “xây dựng kiểu nhân vật thần kinh là bước nỗ lực lớn của Nguyễn Đình Tú trong việc làm mới chính mình”.  Tôi bị buộc phải đọc lại tác phẩm  xem trong Nháp nhân vật nào là nhân vật thần kinh. Duy nhất có Đại bị coi là tâm thần. Nhưng trong suốt tác phẩm, tôi không thấy anh ta có biểu hiện gì lệch lạc về não trạng. Anh ta chỉ bị bạn bè gọi đuà là “Một thằng tâm thần, một kẻ hoang tưởng,một gã chập mạch, Một dạng dặt dẹo, một tên khố bện, một kiểu ma cô vật vờ nơi giảng đường, trường nào chẳng có vài ba đứa”(tr.9). Thực tế Đại rất tỉnh táo, suy nghĩ chín chắn, hành động đúng mực như một người bình thường có nhân cách, biết tự trọng. Chẳng hạn những suy nghĩ của Đại lúc trốn ở chùa Tử Tù. Anh ta tìm và phát hiện ra những vị trí nào có thể trốn, đó là cái giếng và gầm bàn thờ. Đại đã trốn ở đó an toàn 28 ngày.  Và khi nghe sư trụ trì nói chuyện với cây trúc xanh, Đại đã nhận ra vấn đề. Anh trở lại trại. Rõ ràng Đại rất khôn ngoan, cả trong suy nghĩ và hành động, làm sao có thể kết luận Đại là kiểu nhân vật thần kinh ! Có lẽ Đoàn Minh Tâm cũng muốn đùa với NĐT như bạn bè của Đại chăng?

 

 Nhưng Đoàn Minh Tâm có cơ sở khi nhận xét Nháp, có thể thỏa mãn những nhu cầu giải trí khác nhau của người đọc thông thường. Nháp là cái lẩu thập cẩm đủ mọi món. Sex đủ kiểu, hình sự giết người, đồng tính, gái điếm và đầu gấu, kích cỡ dương vật, chuyện thuốc chữa bịnh bất lực . Chuyện tù trốn trại, chuyện Việt Cộng hy sinh trong hầm, chuyện ngoại cảm,chuyện trong nhà chùa, nhà thờ, chuyện thái giám, chuyện tự tử, có cả những giấc mơ lạc vào nơi chỉ có đàn bà…

 

Khi kết nối những câu chuyện ấy lại với nhau, NĐT lộ ra sự non tay của mình, tác phẩm tư tưởng trở thành tác phẩm giải trí rẻ tiền.

 

Nhiều chi tiết, tình huống trong Nháp chỉ là những “sáng tạo” giả, được tác giả biạ ra và gán cho tác phẩm. Nó làm mất đi tính chân thật nghệ thuật, biến tác phẩm văn chương thành một thứ để giải trí. Chẳng hạn, để xử lý nhân vật Thảo, NĐT miêu tả Thảo đi siêu thị với mẹ. Lúc về, nàng đánh rơi  con gấu bông xuống đường. Khi quay lại nhặt, Thảo  bị xe đụng, ngất đi. Sau đó nàng chìm trong hôn mê (tr. 304). Một cô gái 20 tuổi không thể xử trí như trẻ con lên ba vậy. Bệnh mất trí của Thảo bác sĩ Toản không chưã được. Sau khi ra tù, Đại tìm đến nhà Thảo, anh dùng  tâm lý trị liệu giúp Thảo hồi phục dần.  Một lần, sau khi chữa cho Thảo, Đại đi dự lễ trình luận văn của Duyên, Thảo đi  theo, cô bị đụng xe lần nữa. Lần này Thảo tỉnh  hẳn, không còn bị mất trí. Cô nhận ra mọi người, sau đó Thảo về với Chuá. Những chi tiết ấy là sự vay mượn môtip phim Hàn Quốc, nhân vật bị đụng xe, hôn mê, rất lâu sau tỉnh lại. Kiểu xây dựng nhân vật như vậy đã quá nhàm chán đối với khán giả VN. Một tình huống khác, Trí đã lên Chùa Tử Tù gặp Đại, đề nghị Đại không gặp Duyên nữa, vì hai người sắp làm đám hỏi. Nhưng Đại đã về gặp Duyên, sẵn sáng đón nhận lưỡi dao bấm của Trí . Đại bị ngất đi và được Duyên chăm sóc trong bệnh viện. Khi tỉnh lại, Đại bỏ bệnh viện tìm đến nhà Trí, quỳ trước Trí mà cầu xin ân huệ (tr. 293), bị Trí tát bốp vào mặt và chửi Đại là thằng hèn (tr.294). Tại sao Đại làm như thế ? NĐT đã cho diễn một lớp của sân khấu cải lương có vẻ bi thiết, nhưng thực ra, đó chỉ là trò giả, diễn vụng về trong sân khấu hiện thực.

 

Về sử dụng tư liệu, NĐT đưa vào truyện  mấy trang viết  về thái giám ở Huế (tr.244) chẳng ăn nhập gì với cốt truyện. NĐT còn sai kiến thức ở tư liệu về thánh lễ trong nhà thờ (tr.67).NĐT cho cha Tính đọc Kinh Thú Nhận (gọi đúng tên là Kinh Cáo Mình ) để kết thúc thánh lễ. Thực ra Kinh Thú Nhận được đọc  ở đầu lễ. Để kết thúc thánh lễ, linh mục Công Giáo chỉ đọc lời chúc bình an cho giáo dân: “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an”. Viết về ngoại cảm trong việc đi tìm hài cốt người chết, NĐT đã không có gì khám phá mới hơn so với những gì báo chí đã đưa tin. Anh không có khả năng viết về những hiện tượng tâm linh, ngoài việc coppy lại những tin tức thời sự trên những phương tiện truyền thông.

 

NĐT hoàn toàn thất bại trong việc xây dựng nhân vật. Nhap không có được một nhân vật tích cực nào để chuyên chở những thông điệp đúng đắn làm xương cốt tư tưởng cho tác phẩm. Những nhân vật như sư chùa Tử Tù, cha Tính không làm sáng lên chân lý, không có sức hoán cải cuộc sống của nhân vật. Các nhân vật  bố Đại, bố Thạch, vợ chồng bác sĩ Toản tuy là những người lương thiện nhưng hoàn toàn bất lực trước thực tại. Họ không là những nhân vật chính chuyên chở chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Còn lại là Đại, Thạch, Duyên, Yến, Trí, Melơni, Galacloai là những nhân vật thuộc tầng lớp trí thức, lẽ ra sẽ là lớp người ưu tú của thời đại, nhưng NĐT chỉ  dùng họ để phô diễn sex, phô diễn một lối sống vô luân bệnh hoạn. Cái “trí thức” của họ không được miêu tả dùng vào việc gì có ích cho xã hội. Duyên học Đại Học Sư Phạm, làm luận văn Thạc Sĩ, liệu một cô giáo đã tan nát cả hồn và xác như thế  khi ra trường sẽ dạy các em học sinh điều gì? Các em sẽ nhìn “cô” thế nào? Đại cũng là một gia sư, anh ta sẽ làm gương gì cho học sinh của mình? Rõ ràng những nhân vật chính của Nháp là hiện thân những nhận thức rất sai của NĐT về hiện thực. NĐT chỉ theo đuôi các tác giả khác, dùng sex để vừa thỏa mãn vừa phô trương bản năng tính dục của mình và để câu khách cho tác phẩm. NĐT không biết rằng anh đang  góp phần đánh đổ những nền tảng văn hoá truyền thống của gia đình Việt Nam. Thật không thể tưởng tượng nổi, nhân vật Bố của Tôi, một chiến sĩ can trường trong kháng chiến chống Mỹ, lại định treo cổ tự tử vì nỗi nhục là đàn ông Việt Nam có dương vật ngắn và mỏng hơn dương vật đàn ông Đức hơn 3cm, (tr.197)

 

NĐT bẻ cong  yêu cầu của bút pháp hiện thực khi xây dựng các nhân vật. Thạch  có gốc gác xã hội hẳn hoi, một nhà báo có nhân thân tốt, tốt nghiệp ĐH ngành luật, được giáo dục và quản lý chặt chẽ trong tổ chức , được bố ân cần chăm sóc, anh rất thương bố.Thạch còn được cất nhắc lên làm thư ký toà sọan báo Thời Đại. Anh rất khôn ngoan, nhạy bén phân tích  ngoại cảnh và nội tâm trong mọi tình huống và rút được rất nhiều kinh nghiệm từ những lần viết bài về những vụ án. Vậy mà chỉ tình cờ trong đêm chờ Melơni, Thạch  lại tìm đến nhà Galacloai, rồi buông thả (tr.251), để bị gã ép làm tình đồng tính, sau đó hoàn toàn lệ thuộc vào gã, trở lại tìm gã nhiều lần, sau cùng lại phạm tội giết người. Cũng vậy, Duyên có bố là phó chủ tịch huyện, Duyên là con gái duy nhất (tr.130) được chăm sóc kỹ, là nguồn hy vọng của cả gia đình. Là người xuất thân từ nông thôn, Duyên đã sống vươn lên, cô học ĐH Sư Phạm và nỗ lực phấn đấu tốt nghiệp Thạc sĩ. Một cô gái trí thức, sống rất tình nghĩa , là hy vọng của ngành giáo dục. Vậy mà Duyên lại giao du với tên Hoà để bị tống tình, gây ra cái án cho Đại. NĐT đã lấy chuyện thời sự về việc  ghép hình sex các nữ diễn viên, lắp ghép vào Duyên một cách ngờ nghệch, để tạo nên những gay cấn bi kịch giả. Cảnh Trí bắn lưỡi dao bấm đâm Đại mượn của phim xã hội đen. Đại, Duyên, Trí là trí thức, họ đâu phải là những tên đầu gấu trong xã hội đen, họ có cách xử trí của người trí thức. NĐT đã làm hỏng tính cách cá nhân vật của mình, từ đó phá huỷ tính tư tưởng mà anh muốn thể hiện trong tác phẩm.

 

Nếu NHÁP là một bản nháp thì cần xoá đi viết lại. Bởi nó chưa có hồn cốt. Trước hết cần xoá đi  những nhận thức sai lệch của NĐT về văn chương về trách nhiệm nhà văn và về ý thức thẩm mỹ  mà NĐT thể hiện trong Nháp. Bởi nếu không xoá những thứ tha hoá này đi thì dù có viết gì NĐT cũng không vượt qua trình độ nháp. Cái gọi là một cây bút có nghề thực chất chỉ là nghề coppy và paste. NĐT coppy những mẩu tin thời sự rồi paste vào nhân vật của mình một cách vụng về, bất chấp những yêu cầu của bút pháp hiện thực và sự phát triển tính cách của nhân vật để triển khai chủ đề. NĐT cắt dán đủ thứ thời sự. Anh cố ý làm  cho  câu truyện trở nên rậm rạp, gay cấn, có đủ mùi . Anh trộn lẫn tất cả, mùi sex, mùi xã hội đen, mùi lâm ly, mùi thánh thiện, mùi chiến tranh, mùi cổ điển, mùi khoa học, mùi tâm linh, mùi trì thức, mùi đầu gấu và cả mùi buồn nôn nữa…cuối cùng Nháp trở thành cái mùi không thể ngửi được. Nghĩa là cần xoá đi làm lại cả cái nghề viết của NĐT trong Nháp nữa. Bởi viết như thế này thì NĐT chỉ là em út của Đỗ Hoàng Diệu, là học trò vụng về của Y Ban, và là hậu duệ rất xa của Cô Giáo Thảo và Bảy Đêm Khoái Lạc. Đến bao giờ NĐT mới học được Vũ Trọng Phụng ?

 

 Ngay cả ý kiến cho rằng , Nhap có thể thỏa mãn những nhu cầu giải trí khác nhau của người đọc thông thường cũng không thể chấp nhận được, vì Nháp đem đến cho người đọc sự giải trí bằng sex đồi bại, bằng gây cấn bạo lực kiểu xã hội đen, bằng những tri thức khoa học được dùng với mục đích giả nguỵ, và bằng một lối sống đạp đổ mọi giá trị truyền thống gia đình Việt Nam. Dù là giải trí, người đọc cũng cần được cung cấp những cái vui tươi trong sáng tốt đẹp có khả năng bồi bổ tâm hồn, làm thăng tiến giá trị văn hoá. Giải trí như thế này, trước sau người đọc cũng bị “tẩu hỏa nhập ma” mà đi tìm Galacloai để rồi theo chân Thạch vào trại thôi!

 

Viết đến đây tôi giật mình về những lời quảng cáo có cánh ở trên. Nhà văn Chu Lai phong thánh cho NĐT: Với cuốn sách này, Nguyễn Đình Tú hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu bước tiếp... Tôi thì nghĩ ngược lại, NĐT phải cúi đầu vì mình đã bôi một vết rất đen lên mặt xã hội . Bởi vì  toàn Đảng , toàn dân đang tích cực học tập đạo đức Hồ Chí Minh, để làm trong sạch bộ mặt xã hội Việt Nam Nháp đóng góp gì vào cuộc vận động lớn này? Nhà phê bình Văn Giá thì nâng NĐT lên ngang tầm “nhà văn lớn “ của thế giới : Đọc Nháp, tôi cho rằng ít nhất Nguyễn Đình Tú làm được hai việc rất quan trọng của tiểu thuyết: Thứ nhất, tiểu thuyết có tư tưởng ; và thứ hai, nói được về thế hệ của chính anh trong xã hội hôm nay”(1).Tôi đã chỉ ra Nháp chẳng có tư tưởng gì ngoài việc phô trương những trải nghiệm sex của NĐT, còn việc Nháp có nói được về thế hệ của chính anh trong xã hội hôm nay cũng chỉ là một lời khen không có nội dung, bởi NĐT không viết Nhap để phản ánh hiện thực, bởi NĐT đã vi phạm những nguyên tắc của bút pháp hiện thực, vì thế Nháp không phải là tác phẩm phản ánh hiện thực như những tác phẩm văn học thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những nhân vật trong Nháp không là điển hình cho thế hệ thanh niên VN hiện đại. Đúng là có một bộ phận thanh niên lệch lạc, bệnh hoạn, lặn ngụp trong chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa sex phương Tây, nhưng thời đại của người trẻ hôm nay không phải toàn một màu đen ngập nguạ sex , máu  nước mắt và đổ vỡ như Nháp miêu tả.

 

Tôi hiểu ra điều này, tại sao  :” văn học Việt Nam đang mất dần độc giả!”(8) Bởi văn học VN hiện nay đang có đầy dẫy những bản nháp vụng về, bởi những lời quảng cáo có cánh tạo nên những vòng hào quang ảo giác trên những thứ hàng giả, hàng có độc tố đánh lừa người đọc. Và tất nhiên họ chỉ bị lưà một lần thôi, lần sau họ bỏ đi, vì lòng tin đã bị tổn thương không sao khâu vá được./.

 

Tháng 7.2010

 

_____________________________________

(1)     http://vannghequandoi.com.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=3553:nhap-hay-la-mt-s-xi-xao-ang-tran-trng&catid=11:sach-v-nha-s-4&Itemid=21

(2)     Nguyễn Hưng Quốc-Các lý thuyết phê bình văn học từ đầu thế kỷ 20 đến nay

(3)     http://vietbao.vn/Giai-tri/Nguoi-tinh-tong-thong-My-Monica-Lewinski-dang-hoi-han/65047343/235/

(4)     http://danchuausa.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-gh-benedicto-xvi-va-vu-murphy/

(5)     http://www.vietnamnet.vn/tinnhanh/201007/Thu-tuong-yeu-cau-bai-nhiem-chuc-vu-ong-Nguyen-Truong-To-924568/

(6)     http://vannghedanang.org.vn/nonnuoc/chitiet.php?id=117&so=19

(7)     http://vannghequandoi.com.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=3553:nhap-hay-la-mt-s-xi-xao-ang-tran-trng&catid=11:sach-v-nha-s-4&Itemid=21

(8)     Thiên Ý : http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/chuyende/2010/7/53923.cand

(*)   Nhà văn Nguyễn Đình Tú sinh năm 1974, tại Kiến An (Hải Phòng); hiện là Trưởng ban Văn xuôi Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

 

Bùi Công Thuấn
Số lần đọc: 2855
Ngày đăng: 31.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Du, một cách nhìn mới về lịch sử . - Yến Nhi
Thư Cho Bé Sinh - Thơ Đỗ Hồng Ngọc - Mang Viên Long
Đọc thơ Huỳnh Thúy Kiều “ Giấu anh vào cỏ xanh” - Khổng Ðức
Xuân Diệu, Trong Những Năm 1954-58 -1 - Lại Nguyên Ân
Xuân Diệu, Trong Những Năm 1954-58 -2 - Lại Nguyên Ân
Xuân Diệu, Trong Những Năm 1954-58 -3 - Lại Nguyên Ân
Trò Chơi Ẩn Dụ Trong Tháp Nghiêng - Hoàng Thụy Anh
Nguyễn Hồng Quang Trong Bóng Tối Nhìn Ra Ánh Sáng - Lương Văn Chi
Người “sục tìm trong khoảng biếc” thi ca - Nguyễn Hoàng Sơn
Ám ảnh thời gian trong thơ Trương Đăng Dung - Hoàng Thụy Anh
Cùng một tác giả
Tiếng kèn sắc-xô (truyện ngắn)
Hạnh (truyện ngắn)
Về đâu hoa phượng (truyện ngắn)
Ở nơi băng tuyết (truyện ngắn)
Giải hạn (truyện ngắn)
Tiếng hát ru (truyện ngắn)