Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
669
116.004.646
 
Huyền Ảo Do Tương Phản
Trần Văn Nam

(Nhan đề cũ của bài này là Mô Tả Khoa Học Về Hồn Thơ, đã đăng trên Tạp chí Chính Văn số 1, Sài Gòn, năm 1967)

 

Chẳng qua chỉ là những cảm tính khi nhận thấy có những đối cực trong một số câu thơ huyền ảo, vì vậy nếu ta gọi đây là những “Mô Tả Khoa Học Về Hồn Thơ” thì thật là quá đáng. Gọi như vậy thành đi ngược lại điều mà đa số chúng ta đều xác nhận: Thơ thuộc về hồn cảm, giải thích đến đâu cũng không đúng hoàn toàn. Tự giới hạn là những cách sắp xếp có hệ thống được phần nào hay phần ấy, vì ta không thể “giăng lưới để chắt nước mùa thu” (Bùi Giáng). Nếu gọi đây là “Những Mô Tả Hiện Tượng Luận Về Hồn Thơ” thì lại quá đáng hơn nữa, khi mà kiến thức về Hiện Tượng Luận Husserl của người viết bài này chỉ hạn hẹp qua vài tài liệu bằng Việt Ngữ trước 1975; như một chương khá chi tiết trong cuốn “Triết Học Tổng Quát” của giáo sư Nguyễn Văn Trung; vài dòng trong sách nặng phần chính trị nhiều hơn biên khảo của tác giả Nghiêm Xuân Hồng, cuốn “Đi Tìm Một Căn Bản Tư Tưởng”; vài bài báo và tài liệu giáo khoa của các giáo sư Trần Thái Đỉnh và Lê Tôn Nghiêm đăng trong tạp chí “Đại Học” và “Đất Nước” (trước năm 1975), dăm ba câu về Hiện Tượng Luận của giáo sư Trần Đức Thảo trong cuốn “Triết Lý Đã Đi Đến Đâu”. Vì vậy xin dè dặt ghi lại những gì đã viết (năm 1967): “Theo thạc sĩ Trần Đức Thảo, Hiện Tượng Luận là một phương pháp gắng tìm giải đáp duy lý (huyền lý thì đúng hơn), nhằm đem nội dung mơ hồ (như trực giác về Hồn Thơ) của triết lý văn chương vào hình thức có hệ thống của triết lý khoa học. Rung cảm về Thơ là một nội dung mơ hồ, ta làm sao cho người khác cùng biết cái biết của ta, cùng rung cảm cái rung cảm của ta, nghĩa là biến hồn thơ hay mỹ thể thành một đối tượng khách quan, phổ biến từ chủ thể ra tha nhân, đó tức là đưa từ nội dung vào hình thức. Hình thức ấy là những cách xếp đặt nhằm khai triển từ từ những chân trời huyền bí của thi ca”.

 

Mô tả khoa học hay mô tả Hiện Tượng Luận đều là những từ ngữ quá lớn. Chẳng qua cảm nhận được những đối cực trong các câu thơ mà thôi. Đầu tiên là đối cực “Một Không Gian Bao La Làm Nền Cho Tạo Vật Bé Nhỏ”. Đối cực ấy gây niềm thương nhớ xa xôi hay nỗi lo sợ tương phản giữa vô cùng và hữu hạn. Con sông dài trong thơ Huy Cận đành rằng là một dòng trường giang, nhưng đối với chân trời mênh mông thì dòng nước trên địa cầu chỉ là một vệt trắng dài ngoằn ngoèo trong mây khói. Sông đối với chân trời, khúc củi con thuyền đối với dòng sông; đối ứng làm cảnh quan thêm tuyệt vời:

 

Thuyền về nước lại sầu trăm ngã

Củi một cành khô lạc mấy dòng.

 

Ai đã từng chứng kiến một cảnh chia ly, chuyến xe lửa bỏ lại sân ga và con đường sắt buồn như năm tháng đợi chờ, con tàu rời bến ra đi về một phương trời thấp thoáng trong mơ, thì làm sao không bàng hoàng xao xuyến trước một tạo vật bé nhỏ lạc bầy:

 

Chao ôi mong nhớ, ôi mong nhớ

Một cánh chim thu lạc cuối ngàn

(Chế Lan Viên)

 

Một tạo vật bé nhỏ trước chân trời là hình ảnh của những chuyến đi, một tạo vật bé nhỏ trước tương lai mịt mù là viễn ảnh của cuộc đời vô định:

 

Đùng đùng gió giục mây vần

Một xe trong cõi hồng trần như bay

(Nguyễn Du)

 

Thi sĩ Đinh Hùng làm ta nhận thức sự lẻ loi của một tạo vật bé nhỏ trên nền không gian bao la. Nếu tiếng sáo miệng của nhà sư Không Lộ bao trùm lạnh lẽo cả bầu trời khi nhà sư đứng trên một đỉnh núi cao, thì tạo vật của nhà thơ Đinh Hùng lại bị bao trùm trong mây khói của một quang cảnh đối cực:

 

Con hoẵng lạc bầy kêu đỉnh núi

Bỗng nghe trời biển nhớ muôn trùng

(Đinh Hùng)

 

Một nhà thơ khác chỉ cần vài nét chấm phá là phác họa ra cả một vùng trời rừng núi điệp trùng, trong ấy ẩn hiện một bóng người lang thang nơi hoang vắng. Bóng người quá nhỏ heo hút trong dãy Trường Sơn không ai khác lạ, chính là thi sĩ Hữu Loan. Bài thơ thật dài nhưng khi ai đó đem đăng trong tuần báo “Đời Mới” (khoảng 1952-1955) thì chỉ có vài câu, và ký với bút hiệu “Hữu”:

 

Đèo Cả

Đèo Cả

Núi cao vút

Mây trời Ai Lao sau đại dương

Dặm về heo hút

Đá bia mù sương.

(Hữu)

 

Từ đối cực về ngoại vật này, về sự tương phản giữa vô cùng và hữu hạn, ta bị xâm nhập vào tâm hồn nỗi bi thiết, nhìn cuộc đời rốt cuộc là một “viển vông dã tràng”, âm hưởng do câu nói của một triết gia hiện sinh: “Đời người là một đam mê vô ích”:

 

Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế

Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi

Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ

Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời.

(Tô Thùy Yên)

 

Tiếp theo, ta nói về đối cực thứ hai: “Thời Gian Chuyển Động Làm Nền Cho Một Khoảnh Khắc Đứng Im”. Thời gian là gì? Đó là do sự chuyển động từ chỗ này đến chỗ khác (thời gian vật lý), từ cảm nhận quá khứ sang hiện tại về tương lai (thời gian tâm lý), từ đêm qua ngày trong chu kỳ bốn mùa tượng hình bằng cây trái vỗ về âm điệu:

 

Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà

(Nguyễn Xuân Sanh)

 

Trong khi thời gian lưu chảy, có một khoảnh khắc đứng im như nín thở đợi chờ. Nếu vũ trụ này cứ đứng yên mãi thì đó là thế giới chết. Nếu cuộc đời này cứ chuyển động mãi thì cũng là thế giới đều đều. Bánh xe đứng yên hay bánh xe cứ quay mãi thì vẫn giống nhau trong “vũ trụ quan tĩnh”. Một câu thơ mà có hai tạo vật cùng chuyển động cho ta cái ấn tượng bình lặng nơi tâm hồn. Dĩ nhiên thỉnh thoảng đọc được vài câu mà trong đó mọi sự cùng nhau trôi đi thì cũng hay lắm:

 

Theo gió, tiếng còi luồng bụi trúc

Kèm trăng, bóng núi quá đầu tường

(Thiền sư Viên Chiếu)

Gió rủ canh đi ngàn liễu khóc

Sông đùa lạnh tới bóng trăng run

(Quách Tấn)

 

Nhưng nếu câu thơ nào cũng tiếp tục như vậy thì sẽ gây ra nhịp điệu đều đều. Có nỗi buồn chán của đời du mục mà cũng có nỗi buồn chán của đời sống định cư. Vun vút chạy mãi hay bình lặng êm trôi hoặc tĩnh lặng đời đời, không làm nên những câu thơ linh động. Ta sẽ thấy hồn thơ có lẽ dệt bằng những giây phút nín thở trong bối cảnh một nhân vật ngồi im và một sự vật đang chuyển dời:

 

Ông đồ vẫn ngồi đó

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay.

(Vũ Đình Liên)

 

Cho tới khi chiều tắt

Đôi chiếc lá vàng rơi

Vô tình qua trước mắt

Lão buông lạt, trông trời!

(Tố Hữu)

 

Chúng ta cảm thấy thế nào khi chân trời mênh mông rất lặng lẽ lúc hoàng hôn bỗng có bóng di động càng lúc càng nhanh như đang đi qua một giấc mơ:

 

Ô kìa bên cõi trời đông

Ngựa ai rong ruổi dặm hồng xa xa

(Thanh Tịnh)

 

Một thí dụ trong ca dao cho thấy rõ biện chứng thời gian và khoảnh khắc: Một con đường dài kéo đi rất rất xa dưới ánh trăng huyền ảo, trên đó một bóng người lên đường lẻ loi. Hình tượng này là thời gian lưu chảy. Trong khi đó, một người thiếu phụ nằm nhìn ra song cửa nhìn theo bất động, đây chính là khoảnh khắc đứng yên:

 

Anh đi đường ấy xa xa

Để em ôm bóng trăng tà năm canh

(Ca Dao)

 

Đối cực thứ ba tạo nên huyền ảo tính cho thơ là sự tương phản “Chiều Sâu Làm Vực Thẳm Cho Chiều Cao”. Đây cũng là đối cực về ngoại vật nhưng chan chứa tình cảm con người. Tình người trong bối cảnh đối cực này vô cùng siêu thoát, thứ tình mà ngày xưa Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thủ đắc khi sống trên “Bạch Vân Am” nhìn xuống cõi đời huyên náo. Nhà hiền triết của Phù Ảo Quán! Đối cực đỉnh trời và thung lũng, chốn non xanh và nhân gian dưới thế đã trở thành một hứng cảm vãng lai trong thơ Huy Cận:

 

Nai cao gót lẫn trong mù

Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về

(Huy Cận)

 

Non xanh ngây cả buổi chiều

Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia

(Huy Cận)

 

Đối cực chiều cao và chiều sâu thường dẫn tới đề tài cõi tiên và cõi tục. Với cách ngắt đoạn xuống hàng trong thể thơ tứ tuyệt cổ điển, thi sĩ Tản Đà đã trực giác lối diễn tả nhằm thể hiện thích hợp con đường trở lại trần gian của Lưu Nguyễn:

 

Cái hạc bay lên vút tận trời

Trời đất từ nay cách xa mãi

Cửa động

Đầu non

Đường lối cũ

Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

(Tản Đà)

 

Đối cực chiều cao làm nền cho vực thẳm không những dành cho các bài thơ siêu thoát, mà có khi cũng hiện diện trong thi ca tả thực tố cáo trại tù thực dân Pháp giam hãm lý tưởng của những người yêu nước muốn giải phóng dân tộc. Bài thơ “Lao Bảo” của Dao-Ca đăng trong tuần báo “Đời Mới” (khoảng năm 1952-1955) mô tả một trại tù hung ác xây trên một cao điểm trong dãy Trường Sơn:

 

Lao Bảo! Lao Bảo!

Nghìn năm gió thổi lưu đày

Đèo nghiêng quán nhạt

Hốc núi mộ tù xây

Dưới chân thép bén

Lưng đèo một trời mây

Man thiên xứ rợ

Vàng vọt nắng chiều rây

Rừng nghiêm thác lạnh

Xơ xác chòi gió lay

Cơm thiu nước suối

Sương nắng mùi đắng cay

Đầu kê mõm núi

Lưng còng phơi nắng gay

Roi gai xiềng sắt

Rú rậm chừng bỏ thây

Đèo cao ngất hút

Gió loạn đùa tóc mây

Đêm đêm thác đổ

Ai nằm nghe lá bay.

(Dao-Ca)

 

Hẳn là ta đã thấy nhiều nét tả thực, nhưng cũng không thiếu chất thơ huyền hoặc của một vùng vàng vọt trong nắng trong gió, trong tiếng thác đổ, quán nhạt với chòi xơ xác, rú rậm với rừng nghiêm, mộ tù với cuộc đời đày ải... Vì vậy cũng có thể một phần nào liệt vào huyền ảo tính của thi ca.

 

Đối cực thứ tư là “Sự Im Lìm Làm Nền Cho Tiếng Động”. Sự im lìm có thể là một trạng thái nội giới thuộc về thời gian tâm lý, mà cũng có thể là những khoảnh khắc ngừng trôi thuộc thời gian vật lý. Đây là ví dụ rõ ràng về thời gian vật lý: Khúc Củi trong bài thơ “Tràng Giang” của Huy Cận là một khoảnh khắc du mục, nhưng nó chỉ trôi đi khi ta đứng trên bờ nhìn xuống dòng sông. Nếu có một bộ lông xanh biếc, ta hóa thân thành “Con chim bói cá” đậu trên khúc củi thì sẽ thấy khúc củi là một khoảnh khắc im lìm, trong khi đó thì bờ sông lại chuyển dịch trong đôi mắt của loài chim:

 

Không cần gợi chút niềm thân mật

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

(Huy Cận)

 

Như vậy, nhiều khoảnh khắc im lìm có thể tụ họp thành vùng yên lặng có tính chất không gian vật lý. Một tiếng động nhỏ sẽ vang xa trong tâm hồn thanh vắng (thời gian tâm lý), mà cũng vang vào nơi xa khuất chốn lao xao (không gian vật lý):

 

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp đọng dưới chân bèo

(Nguyễn Khuyến)

 

Có sự im lặng ngoại giới nào mà không phải là sự im lặng của nội tâm. Ví dụ khi chờ đợi người yêu không thấy tới: sự vắng ngắt ở bên ngoài chính là sự lắng đợi ở bên trong, thị quan và thính giác đều căng thẳng. Vì vậy tiếng khua của đôi guốc nhỏ cũng vang dội trời khuya:

 

Ngoài song đêm hạ

Ôi buồn phố xá

Hoang liêu về chết tha ma

Tiếng chân gõ guốc, người xa vắng người.

(Cung Trầm Tưởng)

 

Trong mọi thứ im lặng, có lẽ im lặng của đời sống ao tù là tẻ ngắt hơn cả. Cuộc đời an phận trong lũy tre xanh, cuộc sống không hề dời đổi qua bao thăng trầm của triều đại, cái sinh hoạt ngày này qua ngày khác vẫn đều đều tiếp diễn, tất cả những trầm trầm đó đã dệt nên một cuộc đời buồn như tiếng khóc. Cho nên có những giây phút giao mùa làm xôn xao đôi chút cuộc đời tẻ ngắt ấy, và đó là lúc thi sĩ xúc động do cảm nhận tính đối cực: “Sự Im Lìm Làm Nền Cho Tiếng Động”. Nói rõ hơn, cuộc đời của người con gái quay tơ là một kiếp sống im lìm, và cả tiếng lụa se đều cũng là một thứ âm nhạc đầy khổ hạnh nên âm thanh trở nên buồn tẻ và chìm trong vắng lặng ao tù. Chỉ có lúc giao mùa thì cuộc đời băng thạch ấy mới có đôi chút xôn xao trong tâm hồn do cơn gió đầu mùa đem lại, cơn gió là một tiếng động âm vang vào cuộc đời:

 

Năm năm tiếng lụa se đều

Những chiều lạnh rớt gió vèo trong cây.

(Lưu Trọng Lư)

 

Xin kể thêm vài tiếng động âm vang trong văn học nhờ tính đối cực ấy; như trong hoang vắng Thế Lữ nghe được tiếng con sóc chuyển cành trong chốn rừng khuya; Anatole France nghe mỗi giọt mưa rơi là mỗi lần buốt giá đi vào tâm sự; và “Kích Trúc Thiền Sư” nghe được cả một tiếng động nhẹ của hạt cát nhỏ văng vào bụi trúc sau chùa...

 

Hẳn là còn nhiều những đối cực trong văn chương, ví dụ “Bóng Tối Làm Nền Cho Vệt Sáng”. Chắc chắn, sự mờ tỏ làm nên huyền ảo tính cho thơ. Huyền ảo gắn bó với lung linh: Trích thơ để dẫn chứng đối cực trên, thiết nghĩ sẽ rất dồi dào, có nhiều trong thi ca nên rất dễ sưu tầm, vì vậy xin bỏ qua. Riêng những đối cực khác trong thơ không biết có giàu tính chất huyền ảo như năm đối cực đã nói trên hay không? Và cũng có đối cực chênh chếch vẻ đồng dạng, như Miền Vẩn Đục Làm Nền Cho Vùng Sáng Trong”, vì xét ra miền vẩn đục như đồng nghĩa với vệt sáng lung linh, với nhá nhem giao thoa vào bóng tối; tương tự như đối cực “Bóng Tối Làm Nền Cho Vệt Sáng”./.

 

Walnut, California, viết bổ túc bài đã viết, tháng 6.2010

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 2694
Ngày đăng: 05.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những Thành Tựu Văn Xuôi Phú Yên Qua Các Tác Phẩm Đoạt Giải Cấp Quốc Gia - Phạm Ngọc Hiền
Vận Mệnh Thơ Như Con Người - Hoàng Vũ Thuật
Thơ Giai Đoạn, Thơ Ngàn Năm - Trần Văn Nam
Cần Dứt Khoát Đổi Mới Tổ Chức Hội - Bùi Minh Quốc
Cánh Đồng Bất Tận - Từ Góc Nhìn Phân Tâm Học - Hoàng Đăng Khoa
Đẹp Trong Bi Ca, Chiến Đấu Ca và Sản Xuất Ca - Trần Văn Nam
Hậu Hiện Đại Lè Nhè Chủ Nghĩa - Phan Huy Đường
Chung quanh khái niệm “tầm đón nhận” của H. Jauss - Phạm Quang Trung
Thi Sĩ Thiêng Liêng—Poeta Sacer - Hamvas Béla
Hình tượng con người công dân và con người cá nhân trong văn học Việt nam trung đại - Bùi Tuý Phượng
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)