Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
824
116.473.908
 
Dây Mơ
Khải Nguyên

Y đang đứng tư lự trong hiên ngôi nhà dành cho chuyên gia Việt Nam. Mặt trời đang nghiêng xuống chân trời. Gió tây mang hơi thở Đại Tây Dương chạy đuổi trên đầu đám cỏ tranh trải rộng phía trước tới chỗ y gợi nhớ ngọn gió nồm Thái Bình Dương. Trời hơi nóng nhưng nhẹ nhõm, không oi. Lúc này ở Bắc bán cầu đang là mùa xuân, ở Nam bán cầu đang là mùa thu. Còn ở đây mùa gì? Đường xích đạo đi qua cách chỗ y đứng chừng mươi mét về phía Bắc. Y không mang cái nỗi sầu viễn xứ vớ vẩn nhưng cũng hay nghĩ ngợi, và lúc này đang thả hồn về quê hương cách xa hơn một phần tư vòng quả đất. Chợt một chiếc Toyota trờ tới đỗ rất êm trên con đường nhỏ trước nhà. Sau vòng lái là một khuôn mặt Á Đông, thoạt trông trẻ như một thanh niên. Người lái xe hướng về y, nói bằng tiếng Pháp:

- Xin chào.

- Chào - Y đáp lời - Xin lỗi, ông có việc gì?

- Tôi đi loanh quanh, biết các ông ở đây…

- Ông làm việc tại đây?

- Tôi đang xây một cơ sở tiếp nhiên liệu cho chính phủ nước này.

- Ông thuộc quốc tịch nào?

- Pháp.

- Trông ông không có vẻ người Âu.

- Tôi đích thị người Âu.

Y nhìn mái tóc đen hơi hoe vàng và lượn sóng nhẹ tự nhiên.

- Có lẽ ông là người Âu lai Á?

- Vâng. Mẹ tôi là người Việt Nam.

 

Người lạ tự giới thiệu là Henri M., cha là người Pháp từng là giám đốc xe lửa Đông Dương, trước chiến tranh thế giới lần thứ hai đã về Pháp. Sau khi Pháp trở lại xâm lược Đông Dương, ông ta lại sang làm việc từ 1950 cho đến sau Điện Biên Phủ. Henri sinh tại Pháp, học ở Việt Nam từ năm lên tám đến năm mười hai tuổi. Y mời uống nước chè. Henri tỏ ra rất thích thú. Anh ta nhắc lại những kỉ niệm Việt Nam, còn nhớ món "đu đủ - thịt bò khô" bên cổng trường, nhớ mùa thu Hà Nội gió cuốn lá vàng lăn trên đường nhựa. "Mẹ tôi không bỏ một ngày lễ, Tết Việt Nam nào. Bà biết tiếng Pháp, nhưng chỉ nói với con bằng tiếng Việt". Henri bốn mươi bảy tuổi, kĩ sư điều hành một công ti xây dựng ở Pháp, đã từng nhận thầu cấp chính phủ tại Đông Nam Á và Tây Á. Hiện Henri đang làm cho hai nước ở Phi châu. Henri nói trong các nước Phi châu, anh ta thích Sát (Tchad, một nước Trung Phi) hơn cả. "Ở đấy nóng, nhưng con người siêng năng hơn ở các nước khác". Hai người đang trò chuyện, một chuyên gia Việt Nam khác đi qua phía ngoài bảo y: "Anh hỏi thằng ấy xem nó có biết xực mắm tôm không". Y thấy sắc mặt Henri thoáng biến đổi rất nhanh, hầu như không nhận ra được. Mấy hôm sau gặp lại, anh ta lựa cách ngỏ cho biết mình hiểu tiếng Việt, chỉ không nói được thôi.

 

Trước lúc Henri cáo từ, nhân nói chuyện sinh hoạt, y cười bảo rằng mình quên mất mùi vị nước mắm rồi. Henri bảo: "Ở thủ đô có nơi bán nước mắm đấy. Hôm nào về đó tôi sẽ mua cho ông". Thủ đô cách sáu trăm kilômét, mấy vị chuyên gia Việt chỉ có thể đến đó khi nào về phép. Những tưởng Henri hẹn vậy thôi. Đang hí húi nấu cơm, y nghe tiếng ô tô đỗ trước nhà, rồi có tiếng gõ cửa. Henri bước vào trao cho y một cái lọ con gắn kín đựng một chất nước màu nâu đen và nói: "Về tới nhà, tôi thấy còn lọ này".

Y cảm ơn, nói: - Ông vội vã thế?

- Tôi đang rỗi mà - Henri đáp rồi cáo từ. Nơi anh ta ở chỉ cách năm kilômét.

 

Cái lọ có dạng các loại lọ đựng mắm, dấm ở các quán ăn Việt Nam xưa. Nhãn in chữ nước mắm to đậm, dưới là chữ saumure tiếng Pháp nhỏ hơn. Nơi sản xuất là… Thái Lan. Dung tích chỉ có 150ml mà giá những gần bốn đô la rưỡi. Giở ra nếm, chẳng thấy chút mùi vị nước mắm nào. Tuần sau, Henri về B. và mang đến cho bắp cải, thứ rất hiếm ở M., miến, bánh phở khô, nước mắm, thịt lợn, những thứ đừng hòng tìm thấy ở M. Miến từ Tàu, bánh phở, nước mắm từ Thái nhập qua các hãng buôn của Pháp. Y nghĩ bụng: "Ông phụ trách ngoại thương ở nước ta lúc này nghe nói nổi danh lắm mẹo, chẳng rõ tài ông ta thi thố những đâu. Hàng Trung Hoa lục địa, hàng Bắc Triều Tiên có mặt ở nước Phi châu này từ chiếc quạt giấy gấp tròn được cho đến các hàng điện tử cao cấp, chẳng biết các vị cầm cương trong nước có ai rầu lòng không?

 

Hôm đó, Henri đưa xe riêng đến đón bốn người Việt Nam về nhà mình ăn tối. Henri thuê ngôi biệt thự của viên bộ trưởng năng lượng nước sở tại xây nơi thị xã quê hương ông ta. Nhà mới chỉ có cái xác mà thuê trong vòng mười tháng phải trả tới 50.000 đô la kèm điều kiện: người thuê phải tự trang bị toàn bộ nội thất và, khi hết hạn, ra đi tay không. Trong nhà có máy điều hòa nhiệt độ từng phòng, có máy điện thoại tự động nhắn và ghi, tủ lạnh và máy làm đá, các bộ xa lông sang trọng như ở các khách sạn cao cấp, máy thu hình màu đời mới nhất và các tiện nghi sinh hoạt khác. Có tới bốn phòng ngủ đầy đủ tiện nghi.

- Sao ông thuê đắt ghê gớm vậy? - Khách hỏi.

- Ông ta là người trực tiếp kí hợp đồng với tôi. Tôi cho tay này, sẽ lấy lại bằng tay kia nhiều hơn!

- Gấp đôi?

- Có thể hơn chứ?

- Đáng thương cho những người dân thường nước này.

- Ở những xứ như thế này, họ đều thế cả. Chẳng mấy ai nghĩ được xa hơn những sự thu vén riêng.

 

Y nghe nhoi nhói trong người. Không biết đã có những người nước ngoài nào nói hoặc nghĩ về người Việt Nam như vậy chưa! Ngày nay, sự kì thị có lẽ chủ yếu không vì màu da. Y hỏi tiếp, tò mò hơn là hào hứng:

- Nghe nói chính phủ nước ông kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng tiền viện trợ ở các nước này.

- Một khi con bệnh không muốn khỏi bệnh tham nhũng thì ép dùng thuốc sẽ chẳng có hiệu lực gì.

Y đã toan nói: Vậy việc ông làm trong chuyện kí hợp đồng kia có giúp chữa bệnh không, hay là giúp bệnh hoành hoành thêm? Y nhớ lần trò chuyện với Henri cách đây chưa lâu. Xem ra còn xa, thâm tâm những nhà doanh nghiệp những nước giầu, như Henri, mới coi những người Phi châu (hẳn rằng không chỉ những người Phi châu) là những người ngang hàng, những đối tác cần trọng thị. Henri nói: "Bọn mọi đen trồng trọt, chăn nuôi rất dở, cung cách chưa thoát khỏi kinh tế hái lượm và săn bắn. Chúng nuôi dê chẳng phải để ăn, để lấy sữa, mà như người Âu châu nuôi chó vậy thôi".

 

Henri có một đầu bếp người bản xứ. Anh này gợi nhớ các "bồi annam" xưa, xoa tay khúm núm trước khách của chủ Tây. Nhưng trong bữa ăn hôm đó, anh ta chỉ được dùng để sai vặt. "Đầu bếp chính" lại là Fabrice, một kĩ sư người Pháp chính hiệu được Henri thuê phụ trách công trình xây dựng ở M. này với lương tháng khoảng 3.500USD. Nhã ý của chủ nhân chắc chẳng phải để phô trương. Tuy vậy, bữa ăn rất đơn giản. Đồ uống thì đa dạng, song đồ ăn chỉ có ba món và một món tráng miệng. Món nào cũng chỉ vừa đủ hoặc thừa chút ít. Y nghĩ bụng: "Trên thế giới, trong việc đãi đằng, nhậu nhẹt, về mặt thừa thãi, hoang phí thì có lẽ nhất Tàu, nhì Việt, song Tàu ngày nay nghe nói cũng đã khác đi rồi". Ít lâu sau, y lại có dịp trở lại ý nghĩ ấy khi một giáo sư đại học, nguyên vụ trưởng bản xứ, đãi y và một người Việt nữa ăn bữa đêm Noen; cũng chỉ ba món, trong đó có món nem rán Việt Nam thuê làm.

 

Bữa ăn tại nhà Henri hôm đó khá xôm chuyện. Fabrice còn trẻ, chỉ trên dưới ba mươi, sống độc thân. Trong số người Việt có một chàng trai Hà Nội gốc. Chàng biết gợi cái điểm mà cả Fabrice, cả Henri khoái nói. Fabrice khoe có thể xài ba "em" một đêm. Hứng chí, anh ta cho xem một bức "tình thư" của một nữ sinh trung học bản xứ đẫm lời trách móc anh ta đã sai hẹn với cô. Hai vị văn minh loạn "xài" nhưng lại hay chê trách người ta. Một hôm, Henri bảo y:

- Ông có biết câu ngạn ngữ của họ "Cậu hơn cha" không?

- Nghĩa là sao?

- Cậu thì dứt khoát cùng máu mủ rồi, còn cha thì chưa chắc.

Henri có một người vợ Pháp nòi nhưng biết thưởng thức và nấu các món ăn Việt do bà mẹ chồng dạy. Anh ta nói mình yêu vợ, trung thành với vợ, tuy có những lúc "giải quyết với đàn bà". Một người khách hỏi vui:

- Ông xa nhà suốt để bà ấy cô đơn mà không ngại sao?

- Vợ tôi mà lăng nhăng, tôi tống cổ ra cửa ngay - Anh ta đáp điềm nhiên.

Khẩu khí có mùi gia trưởng đông phương ấy được thốt ra từ miệng con dân một nước văn minh hàng đầu, kể cũng hơi hài hước. Ít lâu sau, Henri đưa vợ vừa từ Pháp qua đến thăm mấy chuyên gia Việt Nam kia bấy giờ đang ngụ tại một khách sạn chờ về nước nghỉ phép. Một người xinh xắn, tươi tắn, gọn gàng như một thiếu nữ dẫu con đầu của chị đã mười tám tuổi (điều hơi hiếm đối với phụ nữ Âu) và khá cởi mở. Một người Việt nói đùa: "Các bà cần kiểm soát chặt các ông chồng hay đi xa lâu". Chị ta chỉ cười hồn nhiên. Trước đó mươi ngày, Henri dẫn đến một cô bạn còn trẻ và rất hay nói bằng một thứ tiếng Pháp còn "khiêm tốn" hơn của mấy vị người Việt nhiều và giới thiệu là người Nga. Và sau đó độ hai tuần, hai người Việt đến thăm Henri đã gặp tại nhà khách anh ta một cô tóc vàng mà Henri bảo là người Ý và đưa lánh vào phòng riêng anh ta vì "cô ta ngượng, không muốn tiếp xúc với các ông".

 

Đã đến lúc mấy chuyên gia Việt nghỉ phép. Họ phải chờ vé máy bay từ thủ đô gửi tới. Thường là chậm, có khi rất chậm. Thị trưởng gợi ý: "Hay là các ông nhờ người bạn Pháp của các ông". Henri thường vẫn đi về giữa M. và thủ đô. Mấy người Việt vừa ngỏ ý, anh ta nhận lời ngay nhưng bảo: "Nếu các ông đi vào đầu tháng tới mới được. Chuyến này tôi phải đi Sát ngay và sau đó về Pháp".

 

Mấy chuyên gia Việt Nam nhà ta cẩn thận họp nhau bàn bạc rằng dọc đường phải chiêu đãi người ta cho phải phép và thật đàng hoàng. Vậy thì hay nhất là góp tiền lại giao cho trưởng nhóm "tùy nghi ứng phó".

 

Bảy giờ rưỡi sáng, Henri đánh xe đến đón. Một chiếc Toyota con. Các xe Henri dùng đều do Nhật sản xuất, kể cả xe tải. Khi được hỏi tại sao chuộng xe Nhật, anh ta nhún vai nói rằng chẳng phải chuộng hơn xe Pháp nhưng tiện cho công việc. Nếu bốn vị chỉ đi nhờ không thôi thì cũng không nặng gánh lắm. Đằng này mỗi vị đều kèm theo vali, túi xách lỉnh kỉnh. Mọi khi rong ruổi đường trường, ông chủ Henri phó mặc tài xế mọi chuyện, mình chỉ việc ngồi ngắm cảnh hoặc ngủ. Bây giờ chật chỗ, phải để lái xe ở lại đi máy bay về sau. Anh ta sắp đặt các thứ cồng kềnh rất nhẹn. Dọc đường đến một đoạn quá xóc, đồ đạc của mấy vị đi nhờ xe có cơ rơi vãi, Henri phải dừng xe xếp lại cật lực. Thiết nghĩ ở Việt Nam người ta cũng chỉ cầu mong gặp được những lái xe, phụ lái xe khách năng nổ, tận tụy, hòa nhã đến thế là cùng!

 

Xe đi được hơn tám chục kilômét, qua thủ phủ vùng, Henri cho dừng xe trước một cửa hàng ăn lịch sự, sạch sẽ (chỉ phải mỗi tội phục vụ lề mề) và bước vào với vẻ quen thuộc. Anh ta chủ động gọi các món. Thực khách chính lại là các vị nhờ xe. Henri chỉ ăn mấy lát bánh mì với trứng đúc thịt và uống nước quả. Xong mấy người Việt giành trả tiền, nhưng Henri không chịu, điềm nhiên và kiên quyết: "Các ông đừng ngại. Tôi dễ dàng hơn các ông".

 

Y nghĩ thầm: Chẳng hiểu tay này có đoán ra những gì đằng sau cái "sĩ" của mấy ông người Việt không?

 

Tưởng Henri sáng sớm đã ăn điểm tâm rồi, hóa ra không phải. Vậy mà suốt quãng đường 600km, lái xe suốt từ sáng đến tối, anh ta chỉ ăn có chừng ấy và uống một chai nước cam tại G. vào lúc nghỉ giữa độ đường. Chỉ có hút thuốc lá là hầu như liên tục. Vẫn tươi tỉnh, không nề hà. Một tư sản chẳng phải loại xoàng, lại là trí thức, mà người ngoài cuộc có thể tưởng là một anh chở thuê cho mấy ông chuyên gia Việt.

 

Tốc độ xe có lúc lên tới 110km/giờ, nhưng có lúc phải giảm xuống 40 - 50km/giờ ở những đoạn xấu. Hai bên đường hoang vu, đồng cỏ xen những rừng cây thấp. Tràn lan là một loại cỏ gì giống như lau lách, hoa xám xỉn, và cỏ tranh, loại cỏ của hoang sơ, nguyên thủy, của hoang phế, điêu tàn. Đó đây bình nguyên bao la. Y nói:

- Bao nhiêu là đất hoang mà dân thiếu ăn.

- Cả đất nước này đang bỏ hoang đấy thôi - Henri chỉ hơi đưa mắt nhìn qua hai bên đường - Mấy vị chóp bu trên diễn đàn tuyên ngôn cũng giọng điệu lắm. Mà dân thì có vẻ không thích làm lụng.

- Nghe nói người nước này ở phía Nam khá cần cù.

- Cũng có thể - Henri không đổi giọng - Họ mạnh về cơ bắp. Nhưng chính một trí thức nước này bảo tôi rằng dân họ làm cho mình thì rông rài, người nước ngoài thuê với giá rẻ mạt thì lại lao vào.

- Có lẽ là vì làm cho nước ngoài thì có cái ăn ngay, không phải chờ.

- Châu Phi… - Một cái lắc đầu nhẹ thay cho phần tiếp câu nói.

Thái độ và giọng điệu của Henri khác hẳn khi anh ta tiếp xúc với người bản xứ, thường là lịch thiệp, nhất là nhữg khi bàn công chuyện. Và chính y chứng kiến một lần Henri cho xe ủi san lấp sân vận động, giúp không cho một trường trung học.

- Nhưng châu Phi là cái nôi xưa nhất của loài người - Y đâm ra thích phản bác.

- Thật à? - Có hơi hướng hồ nghi trong câu hỏi lại của Henri.

- Những phát hiện khảo cổ ở Đông Phi cũng chưa lâu lắm.

- Chẳng qua - Henri nhún vai - Đất đai những nơi khác đã bị khai phá nhiều không còn giữ được những di tích tiền sử, châu Âu chẳng hạn.

- Cromagnon thì sao? (Cromagnon ở Pháp là nơi khai quật được di cốt người tiền sử mà niên đại muộn hơn nhiều so với di cốt khảo cổ Phi châu).

Henri im lặng quặt tay lái tránh một mảng đường nhựa bị nước mưa xói trơ cả đá hộc. Mưa ở xứ này không dầm dề nhưng lắm khi dữ dội. Được cái không thấy có giông bão.

Xe lướt cạnh một làng nhỏ chỉ mươi nhà. Henri hất cằm về phía một ngôi nhà gạch gần đường:

- Nhà lưu niệm một tổng thống quê tại đây. Ông ta bị anh em mình giết cách đây hơn mười năm.

- Anh em?

- Những bạn chiến đấu của ông ta ấy mà. Ông lấy làm lạ à? Lạc hậu thì dễ dẫn đến hoặc là không bảo được nhau hoặc là cực quyền.

 

Quang cảnh đột ngột hiện ra mĩ lệ. Núi đồi hơi nhấp nhô uốn lượn trải rộng mãi ra, phảng phất Tây Nguyên. Một màu xanh lam, màu khói chiều, bàng bạc rồi đậm dần lên và đọng lại nơi xa. Phía tây những dãy núi mờ xanh gợi nhớ Trường Sơn từ quốc lộ Một nhìn vào.

 

Y định chia sẻ niềm thích thú với Henri, nhưng sực nhớ lời anh ta từ đầu chuyến đi: Các ông sẽ thấy phong cảnh đơn điệu, đơn điệu khủng khiếp và nhàm chán.

 

Đến thủ đô, đường phố đã lên đèn. Henri đưa mấy người Việt Nam về nhà mình. Anh ta thuê một biệt thự tại trung tâm thủ đô, có bể bơi riêng, giá nghìn đô la một tháng. So sánh với giá thuê ngôi nhà của viên bộ trưởng ở M., một nơi tỉnh lẻ, thì quá chừng là rẻ. Biết các vị khách có thể có khó khăn về nơi ở tối nay, Henri bảo:

- Các ông có thể nghỉ lại đây, mai hãy hay.

Mấy vị xem chừng cũng muốn thử tiện nghi sinh hoạt của một nhà giầu phương Tây xem sao, trưởng nhóm thận trọng đáp:

- Vâng, để xem. Có thể tối nay chúng tôi đã phải họp ở sứ quán.

(Quả nhiên, thận trọng là đúng. Trưởng nhóm thỉnh thị và được góp ý là "không tiện").

Để khách ngồi xả hơi và giải khát trong phòng khách, chủ nhân tranh thủ tắm, rồi lại đích thân lái xe đưa các vị cùng hành lí về khu chuyên gia. Trước khi tạm chia tay, Henri bảo: - Nửa giờ nữa tôi sẽ đón các ông đi ăn tối.

 

Henri đặt bữa tại khách sạn L.D. của một Việt kiều có cơ sở kinh doanh cả ở Pháp và Mĩ. Sau bia khai vị là phở rồi đến cơm với các món nem rán, tôm xào chua ngọt, thịt bò xào, càri, và tráng miệng bằng chè đậu đen. Món nào cũng không thừa thãi. Nấu không thật ngon, nhưng còn hơn những tiệm ăn tồi ngay tại Hà Nội. Đầu bếp là một chị người Phi dưới sự chỉ đạo của một chị Việt kiều sinh tại Thái Lan. Bữa ăn không có cái "hăng hái" của các bữa tiệc "công chuyện" hoặc "liên hoan" trong nước. Cũng không tẻ như ở các nhà ăn tập thể trước đây. Nó dung dị, thân mật như một bữa cơm bạn bè nơi quê nhà.

 

Trước khi trả về nơi ở, Henri lái xe đưa các vị khách đi một vòng thủ đô. Ở một phố trung tâm, một cô gái da trắng xinh xẻo đang đi trên hè. Một người Việt hỏi:

- Đồng bào ông đấy phải không?

- Không. Người Pháp chúng tôi không bao giờ đi bộ. Đó chỉ có thể là người Nga hoặc Ru-ma-ni. Họ lấy chồng đen khá nhiều.

Henri nói thực. Nhiều người Phi du học tại các nước Đông Âu và Liên Xô ngày ấy khi về nước đã mang theo cô vợ người sở tại, dù rằng có thể họ đã có vợ ở nhà, bởi đa thê ở một số nước châu Phi là chuyện thường. Dẫu vậy, y thấy cần phải nói:

- Tôi đã từng gặp tại đây một cặp vợ Pháp, chồng Phi.

Có một chút mạo nhận. Y chỉ biết bộ trưởng giáo dục nước này lấy vợ Pháp. Và y chỉ gặp ở khách sạn L.D, một cô sinh viên khảo cổ Pháp sang đây nghiên cứu đã cặp bồ với một người Phi. Y nói với vẻ tự nhiên, nhưng thật ra là có dụng ý. Song Henri thản nhiên gật gù:

- Cũng có thể.

Sực nhớ tin vừa đọc được trên một tờ báo Pháp, y hỏi Henri:

- Chẳng biết việc một ngân hàng Pháp đặt chi nhánh tại Việt Nam có chóng thực hiện không?

- Phía người Pháp thì sẽ chóng thôi. - Câu trả lời chẳng phải ngẫu hứng.

 

Mấy chuyên gia Việt Nam sắp đến ngày lên máy bay. Một vị bảo Henri: "Ông có gửi thư cho ai bên Việt Nam chúng tôi sẽ chuyển hộ". Anh ta ngẫm nghĩ rồi nói: "Vâng tôi sẽ nhờ các ông". Tối đó, trưởng nhóm cho họp nhóm. Vị ta kịch liệt phê cái sự gợi ý "vô chính trị" khiến vị kia cố thanh minh: "Em tưởng chỉ nói đãi bôi thôi". Trưởng nhóm bảo: "Thế là tự mang ách vào mình. Bây giờ phải bàn xem nên trả lời hắn như thế nào. Nhận hay không nhận?". Trưởng nhóm là người có học vị cao nhất nhóm, lại vốn là phó thủ trưởng một trường nghiệp vụ trực thuộc một bộ, đã từng đi du học và tham quan nước ngoài ba lần nên có kinh nghiệm.

 

Vị đã trót đề xuất chuyện chuyển thư sốt sắng bàn: "Ta cứ nhận rồi xé quách đi là xong".

Một vị khác: "Sao lại làm cái trò ấy? Cứ mang về nước dán tem gửi qua bưu điện giúp hắn!".

Trưởng nhóm: "Không lợi! Không lợi! Theo tôi, từ chối là hơn!".

 

Vị thứ tư: "Anh ta sẽ nghĩ sao về chúng ta, về nước ta? Thư gửi tay chắc sẽ để ngỏ theo phép lịch sự. Ta mang về chẳng cần giấu diếm gì. Nếu cần thì họ kiểm duyệt".

 

Trưởng nhóm bật lên: "Làm thế có mà…", rồi dịu giọng: “Phiền lắm. Trình bày, giải thích làm sao? Hay là các ông muốn không sang đây nữa, bị thu hồi hộ chiếu ngay khi vừa về đến sân bay Nội Bài? Thôi! Tôi đã quyết rồi.”

 

Hôm sau trưởng nhóm nói với Henri:

- Chuyện này tôi xin nói bằng tiếng Việt để ông hiểu thật đúng ý tôi. (Trước nay, các vị vẫn dùng tiếng Pháp với Henri). Ông thông cảm, chúng tôi không được phép.

- Không sao - Henri vẫn dùng tiếng Pháp - Tôi cũng đã biết vậy.

Trưởng nhóm là người kín kẽ. Trong thời gian các chuyên gia Việt Nam còn lưu lại chờ vé máy bay, Henri thường đến chơi vào buổi tối. Không bao giờ trưởng nhóm tiếp một mình. Có một cô kĩ sư, từng là cán bộ phụ trách thuộc một bộ về kinh tế bên nhà, nhờ một trong bốn vị - cái vị đã gợi ý cái chuyện gửi thư,- giới thiệu làm quen với Henri. Nghe nói cô (gọi là bà mới phải) mới ngoài bốn mươi, nom trẻ và xinh. Cũng nghe nói cô bỏ chồng, gửi con, quyết tâm đi làm chuyên gia. Trưởng nhóm bảo vị ta: "Cậu định cúng cô L. cho thằng Henri đấy à? Tôi yêu cầu chấm dứt!". Trưởng nhóm vẫn coi mình là người đỡ đầu vị nọ, và cũng được vị nọ gián tiếp thừa nhận. Cũng có khi trưởng nhóm và vị đó "gặp nhau" trong những chuyện không phù hợp với nhiệm vụ chuyên gia cho lắm. Nhưng đấy là lúc đang còn ở nhiệm sở nước người. Còn bây giờ thì đang chờ để về nước. Đang "mật đàm" trong phòng riêng, vị nọ đùng đùng xô cửa bước ra nói toáng lên: "Anh cứ như Gia-ve ấy, luôn luôn đè nén tôi". Và từ đấy cứ gọi vụng nhóm trưởng là "thằng sứt mũi" (vốn người này có tật ở mũi). Có lẽ nhóm trưởng quá lo xa. Xem ra Henri chẳng mặn mòi gì lắm cái chuyện cô kĩ sư.

 

Một người bạn của y đi chuyên gia đợt trước kể:

- Tôi đang đi bộ trên hè đường thì một chiếc ô tô con ghé sát, người lái xe mở cửa mời tôi lên, hỏi tôi muốn đi đâu. Tôi hỏi chuyện: "Ông là Việt kiều?". Anh ta lẳng lặng chìa cho xem giấy tờ gì đó trong đó ghi tên là Henri M., đã từng học trường Việt Nam. Tôi nói: "Vậy là chúng ta nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt được chứ?". Anh ta lắc đầu: "Lâu rồi, tôi quên". Anh ta khoe là đã đi nhiều ở Việt Nam. Sau đó tôi về nước nên không có dịp gặp lại.

 

Y thật tình không hiểu vì sao Henri lại tỏ ra tử tế với mấy người Việt như vậy. Trước kia ở Việt Nam, Tây lai (người Pháp lai Việt) rất hay lên mặt với người bản xứ, bởi họ muốn tỏ ra là người Pháp thực thụ, trong khi bọn Tây thuộc địa coi họ chỉ là "nửa Pháp". Trong tụi mật thám và sen đầm Pháp thời ấy, Tây lai là ác nhất. Vậy mà tay “Tây lai” Henri này… Vì thiếu bạn chăng? Chẳng phải. Do công chuyện làm ăn, Henri giao du rất rộng. Ở đây cũng có nhiều người nước ngoài, đàn ông và đàn bà, nhất là người Pháp. Hay anh ta có dự tính gì? Vâng. Giá là dăm năm về trước thì cũng đáng giật mình. Hay là anh ta tự hào mang dòng máu Việt Nam? Chẳng có lẽ! Có một chi tiết nhỏ. Một lần, y tập cho một chuyên gia Việt và Henri đánh tổ tôm. Để kiểm tra, y giơ một quân bài lên hỏi Henri: "Quân gì đây?". Anh ta ngần ngừ mãi. Không phải vì không biết. Rồi mới đáp: "Cửu vạn" - Một thứ tiếng Việt rất sõi. Sau đó, Henri nhận là nói được tiếng Việt, nhưng "Tôi muốn để các ông nói và nghe tiếng Pháp cho quen". Câu này bằng tiếng Pháp. Sau này vẫn vậy. Hắn ta không "tự hào" tiếng Việt - y nghĩ.

 

Bà mẹ Henri lúc đó đã 76 tuổi, góa chồng từ 1973. Được biết, qua Henri, bà chưa về thăm lại quê hương lần nào, mà cũng không có ý định ấy. Y hỏi:

- Bà vẫn giữ được những tập tục Việt Nam mà chẳng nhớ quê hương ư?

- Bà rất nhớ - Henri trầm giọng - Nhưng bà sợ bị xúc động quá. Lúc về đến quê, lúc lại ra đi… Bà đã quá già e không chịu đựng nổi.

Một nét khác biệt với nhiều người Việt li hương cùng độ tuổi. - y tự nhủ - Thường họ muốn được chết ở quê nhà, hay ít nhất cũng được nhìn thấy quê hương lần chót trước khi nhắm mắt nơi đất khách.

 

Y hỏi Henri có định đến Việt Nam nhận thầu xây dựng không. Anh ta lắc đầu: "Chưa thuận tiện". Cả anh ta nữa, cũng chưa có ý định thăm lại Việt Nam

 

Tiếp xúc với người nước ngoài cũng là dịp để soi lại mình. Tự nhiên, y cho là như vậy. Song, đối với y, Henri còn là một hiện tượng - một hiện tượng có những mâu thuẫn dường như khó giải thích. Có lẽ trong tâm hồn anh, còn có chỗ, dẫu là khiêm tốn, dành cho quê mẹ - từ "quê mẹ" đúng theo nghĩa đen. Có phải do người mẹ, do những kỉ niệm ấu thơ ở Việt Nam? Và Việt Nam dù sao ngay trong những năm tháng đang bị "mang tiếng" nhiều nhất ấy vẫn là một "sự kiện thế giới" không dễ mờ phai? Cứ nghĩ rằng có nhiều, có rất nhiều cặp vợ chồng người Việt chính tông sinh sống ở nước ngoài, con cái họ chẳng những không biết tiếng Việt mà còn chẳng có một chút ý niệm gì về tập tục Việt Nam, văn hóa Việt Nam, nói chi các trường hợp chỉ một trong hai người là gốc Việt, thì hiện tượng Henri có thể gợi ra nhiều điều, đằng sau và cả ngoài những điều y ghi nhận được. Song, y tự nghĩ là chưa hiểu hết./.

 

1995

Khải Nguyên
Số lần đọc: 1978
Ngày đăng: 05.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trung Vệ - Nguyên Minh
Vua một năm - Nguyễn Ước
Gặp, ngoài những giấc mơ - Âu thị Phục An
Mối tình xa cách - Dương Phượng Toại
Đạo diễn và bi kịch - Đặng thị Thanh Liễu
Địa sứ - Đỗ Ngọc Thạch
Ngôi Nhà Trên Dốc - Ngô Thị Ý Nhi
Trong số họ không có kẻ nào đồng lõa với tôi - Lê Minh Phong
Họa Tiết Của Mùi - Nguyễn Viện
Mẹ - Ngô Thị Ý Nhi
Cùng một tác giả
Tĩnh vật (truyện ngắn)
Sông Phố (truyện ngắn)
Vào Hang Bắt Cọp (truyện ngắn)
Mây Núi Sapa (truyện ngắn)
Không đề (truyện ngắn)
Phận (truyện ngắn)
Nợ trần (truyện ngắn)
Li hương (truyện ngắn)
Dây Mơ (truyện ngắn)
Thiên Truyện Bỏ Dở (truyện ngắn)
Giấc Mơ Bọ Ngựa (truyện ngắn)
Cái hạt (truyện ngắn)
Hoàng hôn pha lê (truyện ngắn)
Nụ Hôn Muộn (truyện ngắn)
Ông Nọi (truyện ngắn)
Truyện Khó Đặt Tên (truyện ngắn)
Lần Vết Giai Thoại (truyện ngắn)
Chim Gõ Kiến (truyện ngắn)
Tìm Dâu Thảo (truyện ngắn)