Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
591
115.984.420
 
Cà Mau và hạt ngọc phù sa
Lê Tương Ứng

Cơn lũ hàng năm gợi nhớ miền cực Nam đất nước, thương tiếc hạt phù sa, tôi cũng muốn lần theo bước lưu dân tìm hiểu mũi Cà Mau.

 

Trước tiên, tôi bắt gặp nhiều thông tin đầy lạc quan và rất dễ mến của cố thi sĩ xã Đông Hồ, người gốc Hà Tiên.

 

Từ nhỏ, khi nhắc đến hai chữ Nam tiến, tôi cứ nghĩ đơn giản người Việt ta theo chiều dài đất nước, cứ tự nhiên lần đến Đồng Nai, rồi đến Tiền Giang, sang Hậu Giang để cuối cùng dừng bước tại Cà Mau. Nhà thơ nổi tiếng đất Hà Tiên chép rõ hơn:

 

“Dân tộc Việt nương theo địa thế đã theo chiều dọc từ Bắc xuống Nam. Rồi lại theo chiều ngang, từ miền Đông sang miền Tây, nghĩa là từ bờ biển Nam Hải tràn qua bờ biển vịnh Xiêm La. Đến Hậu Giang, thì gặp lại đám người từ bờ biển vịnh Xiêm La, từ miền Tây, tràn lại.

 

Hai đám lưu dân gặp nhau như vậy, đáng lẽ là xung đột với nhau dữ lắm. Nhưng mà một duyên cách lịch sử, đã khiến cho cuộc gặp gỡ đó thành một cuộc hòa hài. Hai dòng sát nhập với nhau, dung hòa cùng nhau, rồi hỗn hợp với nhau làm một. Hai đợt sóng người đó hỗn hợp nhau, lan tràn ra, chiếm cứ một vùng đồng bằng lưu vực miền Tây “sông sau” làm thành đám người Hậu Giang truyền thống còn đến ngày nay”.

 

Đông Hồ viết tiếp:

 

“Các bạn sẽ hỏi, đám người từ bờ biển vịnh Xiêm La miền Tây tràn qua miền Đông đó là những người dân nào?

 

Đó là những người Hán tộc di cư tị nạn chính trị Mãn Thanh từ Hoa Nam trực tiếp theo đường biển kéo sang, hồi hậu bán thế kỷ XVII. Đám người đó là những di thần nhà Minh, vì phản đối chế độ Mãn Thanh, lần lượt kéo nhau vượt biển, qua miền Nam Hải, họ kéo sang nhiều đợt lắm, tùy từng thời kỳ, và tùy từng nhóm phản kháng nhà Thanh bị thất bại rồi xuất bôn. (...)

 

“Ở đây, tôi chỉ nói đợt người vào bờ biển vịnh Xiêm La, đến Hà Tiên định cư mà lãnh tụ là một tay giang hồ hảo hán (...) Nhân vật đó chính là Mạc Cửu mà các bạn đã đọc thấy thường trong sách sử. Cũng không phải vụt chốc mà họ Mạc chiếm cứ được một địa bàn to lớn gần một phần ba lãnh thổ miền Nam này.

 

“Khai sơn phá thạch là công nghiệp của người cha, tên là Mạc Cửu. Rồi, dõi theo chính sách tàm thực, con là Mạc Thiên Tích thám đạm kinh doanh, tiếp tục việc khẩn hoang, lập ấp, cho thành một thổ địa canh nông trù mật, khai thị chiêu thương, cho thành một hải cảng thương mãi phồn vinh”.(1)

 

Để được rõ ràng hơn về mốc thời gian, tôi tìm đến nhà sưu khảo Nguyễn Đình Đầu(2), và rất đồng ý tin rằng “Người Việt Nam đã tới khẩn hoang lập ấp rải rác trong đồng bằng sông Mêkông (ĐBSMK) từ lâu như ở Mỹ Tho, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau...” và tôi chọn mấy cột mốc đáng nhớ:

 

- Năm 1708, Mạc Cửu xin cho đất Hà Tiên thuộc quyền Chúa Nguyễn.

 

- Năm 1732, Chúa Nguyễn cho dựng dinh Long Hồ (sau là Vĩnh Long) đến 100 năm sau, năm 1832 thì ĐBSMK trở thành Nam Kỳ lục tỉnh (Cà Mau còn thuộc tỉnh Hà Tiên).

 

- Năm 1836 triều đình Huế mới cho tiến hành việc đo ruộng đất và lập địa bạ cho Nam Kỳ.

 

- Năm 1867, Pháp chiếm Nam Kỳ, xóa lục tỉnh, chia Nam Kỳ thành 20 tỉnh, mà ĐBSMK nằm trên địa bàn 14 tỉnh như sau:

 

Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Châu Đốc, Gò Công, Hà Tiên, Long Xuyên, Mỹ Tho, Rạch Giá, Sa Đéc, Sóc Trăng, Tân An, Trà Vinh, Vĩnh Long, 5/6 Chợ Lớn.

 

Còn nhớ, khoảng 1939 học trường làng, chúng tôi đã phải thuộc vanh vách tên các tỉnh theo thứ tự bắt buộc là:

 

1 Gia        2 Châu     3 Hà       4 Rạch     5 Trà

6 Sa         7 Bến       8 Long     9 Tân      10 Sóc

11 Thủ     12 Tây      13 Biên   14 Mỹ      15 Bà

16 Chợ     17 Vĩnh     18 Gò     19 Cần    20 Bạc

 

Chỉ cần nhớ chữ đầu là nhớ luôn tên tỉnh. Biết luôn con số cố định để truy ra tỉnh nào. Thí dụ, chiếc tàu hay ghe nào mang số 8 (khắc ở mũi hay mui) thì thuộc tỉnh Long Xuyên, số 10 Sóc Trăng, số 20 Bạc Liêu.

 

Trong số 20 tỉnh trên ta chưa thấy có Cà Mau. Mãi đến năm 1956 tỉnh này mới được khai sanh với tên AN XUYÊN... Đúng là em Út.

 

Cà Mau thuộc vùng cư trú của cộng đồng “người Hậu Giang truyền thống” theo cách nói của Đông Hồ, mọi sinh hoạt xã hội của cả vùng đều chịu nhiều ảnh hưởng phong tục Trung Hoa. Sự dung hòa tốt đẹp giữa cộng đồng nay ta còn thấy được qua ít câu thơ câu hát. Hài hòa Hoa - Khmer có câu thơ:

 

Hia gọi ăn rằng “xực phạn”

Nàng kêu uống nước “phất tức lang”

May sau có phước sanh con cháu...

 

Hài hòa Việt Hoa thì:

 

Lên non hỏi thử ông Phật đồng

An Nam lấy xẩm ông tơ hồng có xe?

bởi lẽ họ thương nhau chí tình chí nghĩa:

Chờ em cho hết sức chờ

Chờ cho “ến xại” lên bờ “khui hui”

 

(Theo tiếng Tiều: ến xại là rau muống, khui hui là nở hoa).

 

Ở đây họ sống an cư lạc nghiệp từ lâu:

 

Đã say no lại tình nhân nhượng

Vì ở nơi cư thượng hữu khoan

Thảnh thơi cuốc thẳng bừa an

Có dân làm lụng có làng ăn chơi

(Theo Đông Hồ, sđd, trích 4 câu).

 

Cái vai trò “đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc” của sông Hậu được nhắc đến trên đây, chưa phải là hết. Sông Hậu còn nhận một vai trò khác trong địa chất học ĐBSMK. Các nhà địa chất học gọi sông Hậu là BASSAC, mượn Bassac làm ranh giới chia đồng bằng sông Mêkông làm hai khu vực địa chất khác nhau, tên khoa học là Ci-Bassac và Trans-Bassac(3):

 

1 - Ci-Bassac hay Đông Bassac là vùng châu thổ đúng nghĩa chạy từ sông Hậu ra tận biển Đông, nhiều đồng ruộng, dân cư trù mật (50 - 100 dân/km2 và 200 dân/km2 ở cù lao như Vĩnh Long).

 

2 - Trans-Bassac hay Tây Bassac là vùng miền Tây chạy từ sông Hậu ra vịnh Thái Lan, đang là mối quan tâm của chúng ta hiện nay. Du khách đến chơi đất mũi Cà Mau ắt thấy nơi đây có tượng đài mô tả mũi tàu lướt sóng. Tượng đài diễn tả lòng tự hào của nhân dân Cà Mau luôn luôn trẻ khỏe và vươn lên bất chấp khó khăn.

 

Cảnh lướt sóng cũng gợi ta nhớ đến những hạt ngọc phù sa là của báu nơi cực Nam tổ quốc... Có lẽ đồng mối ưu tư và niềm lạc quan đó, mới đây, trong tờ Bông Sen số 36, nhà sưu khảo Hồng Hạnh đã mở đầu bài “Cà Mau, với cái nhìn 300 năm trước” bằng câu hỏi thật lý thú: “Vậy liệu 300 năm trước khi Sài Gòn đã định hình phố xá, Cà Mau đã có trong bản đồ chưa? Liệu hồi đó mũi đất này ra sao?”.

 

Chúng tôi không phải nhà địa chất học, nhưng may mắn thu thập được chút ít tư liệu liên quan đến Cà Mau, xin chọn nêu ra đây, gọi là góp thêm chút tâm tình của người dân Nam Bộ.

 

Cách đây khoảng 100 triệu năm, Việt Nam không có biển bao quanh, cho nên Cà Mau không phải là mũi đất hay bán đảo. Từ Việt Nam đến Malaysia, đến Philippin là một vùng đất liền, không có vũng nước mặn nào. Nhưng rồi mười triệu năm sau, Philippin bị chìm xuống, khiến cho biển (Thái Bình Dương) tràn vào, tạo thành một biển cạn, nước mặn phủ liền đến đảo Bocnêô (nay), lan qua Inđônêxia, nối liền Ấn Độ Dương. Biển cạn này là một biển nội địa, ta gọi là biển Đông, mang tính chất đại dương. Từ đó mũi Cà Mau xuất hiện cùng với bờ biển hình chữ S dài 3.241 km như hiện nay. Bờ biển ta rất đặc biệt. Từ bờ ra, ta có một thềm cạn, gọi là thềm lục địa, không sâu quá 200 mét. Thật dễ đánh bắt cá và dò tìm các mỏ dầu. Bề mặt thềm lục địa rộng nhưng không đều. Ở Bắc Việt thềm rộng đến đảo Hải Nam. Ở vịnh Thái Lan và đồng bằng sông Mêkông thì thềm này lan rộng đến Côn Đảo, nối xuống Malaysia và Indonêxia. Chỉ có vùng Trung Bộ thì quá hẹp, như ở Nha Trang thềm sâu lần từ 400m đến 700m rồi 4.000m như đáy đại dương.(4)

 

Về mũi đất Cà Mau, tờ địa chất Vĩnh Long ghi nhận:

 

Những bản đồ do người Âu lập năm 1554 và 1570 chỉ rõ hình thể Đông Dương bấy giờ chấm dứt bằng mũi đất nhọn như hiện nay; tư liệu của các nhà hàng hải Ả Rập và các bản đồ khác của người Âu hồi thế kỷ XVIII chỉ rằng, rốt lại theo vị trí của bờ biển đối với hòn Khoai (Poulo Obi) và đảo Côn Nôn (Poulo Condore) đường ranh giới của bờ biển chỉ biến đổi chút ít trong vòng ba hay bốn thế kỷ sau cùng.

 

Hình dáng mũi Cà Mau tạm rõ. Ta hãy xét đến tình hình xói mòn, bào lở (những dữ liệu từ đây đến cuối bài đều trích từ tờ địa chất Vĩnh Long mang số 20) ta thấy mấy số liệu quan trọng:

 

- Bờ Nam của bán đảo Cà Mau, phía biển Nam Hải, giữa cửa sông Gành Hào và rạch Đường Kéo, đã lùi vào 4km trong mấy năm 1904 và 1949;

 

- Một con kinh để khai thác rừng, nằm thẳng góc với bờ biển, đào năm 1936 độ dài 470 mét sau một năm chỉ còn 370 mét;

 

- Phần đất khum ra biển đã bị bào mất và các chất bị bào đó được di chuyển sang phía Tây, sang mũi Cà Mau và vào vịnh Thái Lan.

 

- Và nếu ta lấy lại hai lần ấn hành của bản đồ, ta nhận thấy ngay giữa năm 1927 và 1960, một dãy đất duyên hải dài 100 km rộng đến 2,5 km đã biến mất suốt chiều dài bờ Nam và bờ Đông của Cà Mau.

 

Bây giờ ta xem tờ địa chất nói gì về việc bồi lấp.

 

- Từ những cuộc khai quật của M.L.Malleret, người ta kết luận rằng, trong đồng bằng Óc Eo từ cuối thế kỷ VII đến năm 1945, lớp phù sa lắng đọng trung bình 0,60m trên những vùng thế đất hơi nhô, và trung bình 2 mét trong những nơi bưng trũng; phỏng tính là 0,0005 và 0,0016 mét mỗi năm hay 0,05 và 0,16 mét mỗi thế kỷ.

 

- Hiện tại người ta đang chứng kiến sự bồi lấp của vịnh Rạch Giá và bờ Tây Nam của bán đảo Cà Mau. Sự bồi lấp vịnh Bãi Bùn ở mũi Cà Mau rất được biết đến: trong vòng 50 năm, 10.000 ha rừng ngập mặn đã bắt rễ trên biển.

 

- Ở Tây Nam sông Bassac, một dãy đất nối dài 60 km rộng 1,5 km đã sáp nhập vào bờ biển Bạc Liêu.

 

- Chính ở chót phía Tây của mũi Cà Mau, sự bồi lắng cho thấy tầm rộng lớn đặc biệt được biết đến từ đầu thế kỷ; hiện tượng bồi lắng ở đó dường như chịu ảnh hưởng của thủy triều cứ dồn đẩy vào vịnh Thái Lan tất cả những tạp chất cuốn trôi theo dòng chảy Đông Bắc - Tây Nam dọc bờ biển Nam Hải”.

 

- Phía Bắc Bãi Bùn những dãy đất tân bồi còn quan trọng hơn với chiều dài 30 km bờ biển.

 

- Phía Nam của vịnh Rạch Giá, sau rốt, người ta nhận thấy một vùng bờ lấn ra biển dài 15 km và rộng 4 km.

 

Để kết luận, ta hãy đọc kỹ câu sau đây:

 

“Ở phía Tây sông Cửa Lớn, cánh đồng U Minh to rộng úng nước quanh năm, chứa đầy những mỏ bùn than, cặn bã của giai đoạn rừng ngập mặn xưa. Thì từ vùng giáp giới của U Minh, dãy rừng ngập mặn hiện tại đã bắt đầu và kéo dài suốt bờ biển phía Tây của mũi Cà Mau.

 

Với 150.000 ha liền một mạch duy nhất, dãy rừng ngập mặn này là một trong những dãy quan trọng nhất của thế giới. Nó chuẩn bị cho việc lấn biển...”

 

Rõ ràng Cà Mau, điểm đầu sóng ngọn gió của đất nước, cũng có một cái gì thuộc đẳng cấp thế giới như ai. Hạ Long đó, Hội An đó, di tích Huế đó... Và đây thì rừng ngập mặn bao la. Rừng là thế mạnh, là điều kiện sống còn của Cà Mau, hơn thế nữa, của sự toàn vẹn cả ĐBSMK. Những hạt “ngọc phù sa” của Đất Mũi nhờ rừng mà có. Cho nên dù Cà Mau có đi lên từ con tôm hay gì gì đi nữa, chúng tôi vẫn tha thiết nhắn:

 

Ai về nhắn với Cà Mau

Giữ rừng xanh lá cho giàu nhớ thương...

 

----------------------------

(1) Đông Hồ - Mộng Tuyết. Hà Tiên Thập Cảnh,

Nxb VN Tp. Hồ Chí Minh, 2001.

(2) - Nguyễn Đình Đầu. - “ĐBSMK 300 năm qua”,

Xưa và Nay, 1997, số 46B.

(3) - La Feuille de Vinhlong - Sở Địa Dư Đalat (khoảng 1961 - 1964)

(4) - Lịch sử hình thành Biển Đông nước ta - Ngọc Lan - Hoàng Hải,

Đại học KH Tp.HCM, 1976).

 

Lê Tương Ứng
Số lần đọc: 2807
Ngày đăng: 02.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đất vườn và con người miệt vườn Bến Tre - Huy Khanh
Du lịch đầu nguồn sông Hậu - Cúc Tần
Sơn Nam - Đề Lục Bình Nam bộ - Trần Mạnh Hảo
Một thoáng U Minh - Lê Phú Cường
Biên khảo: Tính cách Nam bộ qua biểu trưng ca dao - Khuyết danh
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đậm sâu một phong cách Nam Bộ - Khuyết danh
Thực vật đăc trưng ở rừng U Minh - Anh Động
Cồn bãi và sông nước trên đất cù lao xưa - Huy Khanh
Giữ gìn cho muôn đời sau làn điệu dân ca Bến Tre - Lữ Hội
Lễ cổ truyền của bà con Khmer Nam Bộ: Đôn-ta và Hội đua bò Bảy Núi - Khuyết danh