Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
674
116.539.014
 
Tạp chí Sông Châu số 74
Hoàng Trọng Muôn

(Tạp chí sáng tác, nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật của Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam, 2 tháng 1 số)


Trước khi có trong tay cuốn tạp chí Sông Châu số 74 (số ra tháng 4 - 2009), tôi đã không tin khi nhiều người nói với tôi rằng, số tạp chí này chẳng khác nào một nồi lẩu thập cẩm, ăn cũng chẳng nổi, đổ đi cũng chẳng xong, thậm chí còn làm những người bình thường, chứ không tính những người kén ăn, cảm thấy thật nhạt nhẽo, vô vị.  Điều đó khiến cho nhiều người còn cảm thấy thật buồn lòng khi đầu bếp vẫn là những người trong Ban biên tập cũ. Nhưng quả thực, đọc xong, tôi có cảm giác chua chát, buồn và khá xấu hổ. Tạp chí Sông Châu của Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam đây ư! Trước đây, mặc dù chưa bao giờ nó được đánh giá là một tạp chí hay, nhưng trong mặt bằng chung của các Hội Văn học nghệ thuật địa phương, nhất là khu vực Đồng Bằng sông Hồng thì “cũng vào hàng trung bình, không đến nỗi nào” và cũng làm cho những người yêu văn học nghệ thuật Hà Nam cảm thấy tạm yên lòng. Thế nhưng bây giờ thì cả những người lạc quan nhất cũng sẽ cảm thấy lo khi mà đúng là tạp chí đang dần dần trở thành một tờ tập san của một Câu lạc bộ thơ cấp xã. Nếu dễ tính hơn, có thể nói là Ban Biên tập đã bắt đầu tỏ rõ sự bối rối, bất lực trong việc tổ chức bài vở khi mà tình trạng ăn đong từng số đã diễn ra nhiều năm và dù 2 tháng mới có một số, và số lượng bài vở gửi về văn phòng Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam cũng không đến nỗi nào, thậm chí khó thể ngồi đếm từng bài mà phải dùng cân lên từng bó với những vài lạng thơ, vài lạng văn xuôi mỗi ngày. Có thể nói, mỗi kỳ ra tạp chí, Ban biên tập nhận được hàng cân bản thảo. Vậy mà cũng chẳng thể dùng được bao nhiêu.

 

Tràn ngập tạp chí số này là Thơ, thơ và thơ. Hình như thơ dễ viết hơn thì phải, hay tại văn xuôi khó dùng nên rất vắng bóng các tác phẩm văn xuôi. Điều đáng nói là thơ hầu hết ở dạng vè, nôm na, dễ dãi, đọc xong chẳng thấy một chút cảm xúc nào, thậm chí thấy ngồ ngộ, thấy lơ mơ, kể cả thơ của các hội viên. 32 trang tạp chí thì có đến 8 trang thơ, trong đó có thơ của các hội viên: Bắc Môn, Nguyễn Hải Chi, Nguyễn Xuân Công, Trần Tiến Như, Trần Như Thức, Nguyễn Thế Vinh, Phạm Lê, Hoàng Văn Việt, Lê Trung Hợp, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Công Tứ, Đinh Kim Anh, Trần Văn Lộc và một trang giới thiệu thơ của hội viên Nguyễn Văn Thắng nhân dịp anh bảo vệ thành công xuất sắc luận án Tiến sĩ. Nhìn chung thơ nặng về gieo vần, nhẹ về câu chữ, nghĩa thơ nên người đọc khó có thể tìm thấy sự rung động trong cảm xúc.

 

Điều ngạc nhiên lớn nhất là mặc dù phát hành vào tháng Tư, một tháng có rất nhiều sự kiện lịch sử trọng đại như Kỷ niệm Chiến thắng 30 tháng 4, Ngày Quốc tế Lao động 1-5, Chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5, 50 năm đường Trường Sơn huyền thoại 19-5... và còn nhiều sự kiện trước và sau đó nhưng tuyệt nhiên không thấy một dòng nào nói về các sự kiện trên. Hình như tạp chí số này tách rời khỏi đời sống chính trị trong nước! Cũng có thể Ban biên tập không kêu gọi được ai viết cho những sự kiện trên, bởi chính họ còn đang say sưa, mê mải với những bài viết về Lễ hội Tịch điền (Đọi Sơn - Duy Tiên) suốt từ ngày 7 Tết nguyên đán mà không biết rằng, bây giờ đâu còn cày bừa gì nữa vì lúa đang chín, chuẩn bị thu hoạch rồi (bài “Đọi Sơn - đất thiêng lễ trọngcủa Nguyễn Thế Vinh), họ còn la đà trong ngây ngất men thơ của ngày Thơ Hà Nam (suốt từ Rằm tháng Giêng) khi mà những người làm thơ đã dần quên cả ngày kỷ niệm đó vì cuộc sống có quá nhiều thứ khác phải quan tâm (bài “Ngày thơ Việt Nam trên quê hương Nguyễn Khuyếncủa N.Y.T. dài tới 2 trang), hay còn vẩn vơ triết lí về con trâu (bài “Tản mạn về trâucủa Đinh Cầm) khi mà cái năm Kỷ Sửu đã qua được một nửa… Họ như đi trên mây trên gió thế thì bảo sao tạp chí không có sức sống và hơi thở thời đại! Nếu không có truyện ngắn Người của một thời của Nguyễn Tiến Hoá viết về người lính sau chiến tranh với những số phận, những ngẫm ngợi, những trải nghiệm, những ký ức của một thời trận mạc thì những ngày tháng Tư lịch sử cũng chẳng có nghĩa lí gì. Ngay cả bút ký: Nơi đánh thức những tâm hồn ngủ quên sau thời trận mạc viết về đời sống của Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh tâm thần Ba Sao (Kim Bảng – Hà Nam) do tôi cất công viết khá kỹ lưỡng, nhưng khi in lên thì trời ơi, họ sửa đầu đề thành: Nơi đánh thức những tâm hồn sau trận mạc. Trời ạ, những tâm hồn sau trận mạc làm sao phải đánh thức, đánh thức để làm gì… Đọc xong, xấu hổ chín cả người!!!

 

Ghi nhận nhất ở tạp chí số này là sự xã hội hoá đã đến mức “bán đất” của tạp chí cho những tác phẩm câu lạc bộ ký sinh. Thực ra thì tôi hoàn toàn ủng hộ việc này bởi từ trước đến nay, mảnh đất của Sông Châu cũng như hầu hết các tạp chí địa phương khác, khá cục bộ khi mà nó chỉ dành cho văn nghệ sĩ trong tỉnh, vài cộng tác viên trong tỉnh và vài người của Hà Nam đang sinh sống, làm việc ở nơi khác, hi hữu lắm mới có vài tác giả không phải người Hà Nam. Thế nên, khi mở tạp chí ra cứ phải gật đầu lia lịa chào người quen đến mỏi cả cổ. Bây giờ thì những người quen phần nhiều đã trốn biệt tăm biệt tích, không biết do họ chê nhuận bút bèo bọt không thèm viết nữa hay hoài thai mãi chẳng sinh được đứa con nào! Thế nên, Ban biên tập phải xã hội hoá bằng cách từ số này, mỗi số đưa một trang thơ văn của các Câu lạc bộ thơ văn trong tỉnh lên để vừa có bài cho đỡ cháy, vừa để họ mua tạp chí, tăng tia-ra phát hành, tăng kinh phí in ấn cho đỡ lỗ. Với lại, việc đăng bài người khác, tỉnh khác chỉ làm tạp chí hay hơn, sang hơn và có nhiều bạn đọc hơn thôi chứ có mất gì đâu. Thế nhưng, tư tưởng tiểu nông của người Việt mình vốn ích kỷ mà, chẳng thể trách được. May mà nó sớm chấm dứt, chứ nếu không, tạp chí chẳng còn bài để in ấy chứ. Nhưng hào phóng đến mức in tới 3 trang thơ và một trang giới thiệu Câu lạc bộ thơ văn Núi Ngọc của huyện Kim Bảng thì quả là hi hữu. Những bài thơ của các tác giả Nguyễn Văn Ngọc, Đinh Quang Kiểm, Hồ Nức, Đinh Văn Thái, Nguyễn Thị Thanh Niềm, Hoàng Trọng Phê, Hồ Quang Luật, Lê Trọng Đẳng, Nguyễn Đức Khoán, Trần Ngọc Lộng, Lê Thị Xuân, Nguyễn Thị Vịnh, Nguyễn Anh Dũng… nếu được chọn lựa kỹ hơn, có lẽ họ sẽ được trọng vọng và yêu mến hơn, đằng này khá nhộm nhoạm, xộc xệch thật chẳng biết thế nào là thơ nữa! Thế có được gọi là xã hội hoá không, hay là “bán đất”, hay nói như một số người khó tính là lẩu thập cẩm!



Thơ lên ngôi thì văn xuôi xuống chiếu dưới là lẽ đương nhiên. Vì thế, những truyện ngắn số này cũng không có gì nổi bật lắm với Thông điệp tình yêu của Chu Thị Phương Lan chẳng biết thuộc thể loại gì và nói về cái gì dù tôi đọc đi đọc lại đến hoa cả mắt. Tản văn Đếm giây của Lê Thanh Kỳ cũng khá nhiều tâm trạng, nhưng phải kể đến công lao của Lưu Quốc Hoà với truyện ngắn Một kiểu trời đầy, dù không thật xuất sắc nhưng cũng vớt vát, cứu vãn cho tờ tạp chí để người đọc khỏi ném đi một cách không thương tiếc. Truyện đã in đi in lại ở nhiều báo chí và cả trên blog của anh. Ngoài ra, tạp chí số này còn có hai bản nhạc của Văn Hào và Quốc Huy, một bài nghiên cứu của Mai Khánh (Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Nam) và một số tranh ảnh của hội viên.


Hy vọng, sau số này, Ban biên tập sẽ có thêm thời gian nhìn nhận lại và thu hoạch được nhiều hơn những bài tàm tạm cho tạp chí đỡ nghèo nàn và đơn điệu, thậm chí tránh được tình trang trở thành tập san của một Câu lạc bộ thơ văn cấp xã! ./.

 

Tháng 4 - 2009

 
(In trong tập THỬ BÀN VỀ VĂN HỌC HÀ NAM ĐƯƠNG ĐẠI - Tiểu luận Phê bình – Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2010)

 

Hoàng Trọng Muôn
Số lần đọc: 1825
Ngày đăng: 24.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Nước mắt trên sa mạc” - Đặng Thân
Tìm về nguồn mạch trong lành ấy… - Nguyễn Khắc Phê
Chuyện Tình Có Hậu, Trong Một Bài Ca Dao - Nguyễn Chính
Không nên “bình” thơ, văn hàng tỉnh - Trọng Huân
Phép “cộng” hai trận bão trong một bài thơ của Kim Chuông: - Nguyễn Chính
Phạm Thiên Thư - Khi sư ông xả thân làm tín đồ thơ ! - Thái Doãn Hiểu
Lê Khánh Mai - Những Câu Thơ Hồn Vía - Tạ văn Sĩ
Mâm chữ đơn sơ mời khách muôn đời - Nguyễn Hàn Chung
Đọc: * Tưởng Chừng Đã Quên * Ngôi Nhà Số 11 của Nguyên Minh - Khuất Đẩu
Sông sao có thể trả lời - Lâm Xuân Vi