Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
589
115.979.525
 
Chất Dân Gian trong Cung Oán Ngâm Khúc - Nguyễn Gia Thiều
Trần Minh Thương

Thế kỷ XVII, văn học Việt Nam trung đại xuất hiện thể loại ngâm khúc dùng hình thức song thất lục bát. Đỉnh cao của thể loại đó là Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều, bài viết sẽ tìm hiểu sự ảnh hưởng từ văn học dân gian đối với tác phẩm này ở khía cạnh: thể thơ và từ láy

 

1. Từ sự hình thành và phát triển của thể loại ngâm khúc đến Cung oán ngâm khúc.

1.1. Cơ sở hình thành thể loại ngâm khúc dùng hình thức song thất lục bát trong văn học Việt Nam trung đại

Xã hội Việt Nam đầy biến động từ khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê (năm 1527) sau đó nhiều biến cố lớn xảy ra chiến tranh Nam - Bắc triều; Trịnh - Nguyễn tranh nhau một dải san hà, rồi Tây Sơn nổi lên quét tan các thế lực đánh đuổi ngoại bang, đến khi Gia Long lên ngôi hoàng đế (năm 1802). Ở triều Tự Đức. nông dân khắp nơi nổi dậy chống lại triều đình, trong đó có cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật ở Bắc Ninh có Cao Bá Quát (chú ruột của Ca Bá Nhạ) tham gia.

 

Sự biến động của triều đình phong kiến diễn ra mấy trăm năm đã kéo theo sự chuyển biến đáng kể về ý thức hệ của nhiều tầng lớp trong xã hội, trong đó có lực lượng sáng tác, những Nho sĩ từng theo cửa Khổng sân Trình. Văn hoá cũng có những thay đổi từ văn hoá vật chất đến văn hoá tinh thần, mà cụ thể là thị hiếu thẩm mỹ và những quan niệm nghệ thuật về con người. Con người với cá tôi cá nhân đã mạnh mẽ phá bỏ những giềng mối mà Nho giáo và nhà nước phong kiến áp đặt từ lâu. Ca dao - dân ca, tiếng lòng của người bình dân như lúa lâu ngày chịu hạn nay gặp mưa rào, văn học dân gian phát triển phong phú, trong đó có thể thơ song thất lục bát:

 

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Em có chồng anh tiếc lắm thay

Ba đồng một mớ trầu cay

Sao anh không hỏi những ngày còn không? …

 

Tất cả những điều kiện ấy, đã làm cho cho thể thơ song thất lục bát góp mặt vào văn học viết Việt Nam từ những năm cuối thế kỷ XVI. Đến giai đoạn nửa sau thế kỷ XVIII, thể thơ này bắt gặp được những nỗi lòng, những tâm trạng đau khổ day dứt triền miên của các văn gia thi sĩ. Thế là thể loại ngâm khúc dùng hình thức thơ song thất lục bát nhanh chóng khẳng định dấu ấn của mình trên văn đàn văn học dân tộc. Theo Nguyễn Thái Hoà thì hiện nay với khoảng 500 bản viết về thể thơ này, trong đó có những kiệt tác như Cung oán ngâm (Nguyễn Gia Thiều); Chinh phụ ngâm (bản dịch Nôm của Đoàn Thị Điểm (?)), Trần tình khúc (tên gọi khác của Tự tình khúc - người viết chú thêm) (Cao Bá Nhạ); Ai tư vãn (Lê Ngọc Hân),  [198; 5]

 

1.2. Khái niệm thể loại ngâm khúc

1.2.1. Ngâm khúc dưới góc nhìn của các nhà ngôn ngữ học

+ Nguyễn Văn Khôn trong Hán Việt từ điển, Khai trí, Sài Gòn, 1959; Ngâm: tiếng than thở, tiếng rên. [trang 624], Khúc: bản đàn, bản nhạc, [trang 506]; Lê Ngọc Trụ trong Việt Nam chính tả tự vị, tác phẩm viết năm 1959, được tái bản lần 1 năm 1967, tại Sài Gòn, Ngâm: (h - tức từ gốc Hán, người viết chú thêm): đọc, hát [trang 433], Khúc: (n - gốc Nôm, người viết chú thêm): ca, nhạc [trang 333]. Lê Văn Đức (cùng nhóm thân hữu soạn) trong Việt Nam tự điển, Khai trí, Sài Gòn ấn hành (lần đầu) năm 1970: Ngâm (động từ): đọc lên với giọng lên, xuống kéo dài [trang 1017, quyển hạ], Khúc: ca khúc, ngâm khúc [trang 744, quyển hạ], Ngâm khúc: Bài văn vần tả cảnh với nhiều tình cảm, thường làm theo lối song thất lục bát [ trang 1017, quyển hạ]

+ Nguyễn Như Ý cho rằng Ngâm khúc: Bài văn vần diễn tả nỗi buồn, thường theo thể song thất lục bát [1187; 9]

 

1.2.2. Ngâm khúc dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu văn học

+ Khái niệm của Dương Quảng Hàm: Ngâm là một bài văn tả những tình cảm ở trong lòng, thứ nhất là những tình buồn, sầu, đau, thương. Các ngâm khúc trong văn ta thường làm theo thể song thất lục bát, thường gọi tắt là thể song thất.[152; 2]; Phạm Thế Ngũ sau khi trình bày khá dài lai lịch của thể ngâm; gốc tích của câu song thất, tác giả khái quát giá trị của thể ngâm như sau:  thể ngâm (…) rất thích hợp để diễn tả những tình cảm ảo não triền miên, nhịp nhàng, quấn quýt [trang 188; Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 2: Văn học lịch triều Việt Văn, Nxb Đồng Tháp, 1997]; Nhà nghiên cứu Bùi Duy Tân trong Văn học Việt Nam TK X - TK XVIII  (do Đinh Gia Khánh chủ biên, Nxb Giáo Dục, H. 2006), ở phần tư: Văn học từ TK XVI - nửa đầu thế kỷ XVIII, chương XVIII: “Sự phong phú về mặt đề tài và thể loại văn học biểu hiện những xu thế mới của xã hội Đại Việt từ TK XVI  nửa đầu TK XVIII đã viết  do khả năng trữ tình phong phú, điệu thơ này (tức điệu thơ song thất lục bát - người viết chú thêm) lúc đầu được dùng để viết cả khúc ca lạc quan, hùng tráng nữa, nếu như sau này nó chủ yếu được dùng để viết các khúc ngâm buồn thương, oán vọng; Lê Bán Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi cho rằng Ngâm khúc: Thể thơ trữ tình dài hơi, thường được làm theo thể song thất lục bát để ngâm nga, than vãn nhằm bộc lộ những tâm trạng, tình cảm buồn phiền đau xót triền miên day dứt. Vì thế ngâm khúc còn được gọi là khúc, vãn hay thán. Trong văn học Việt Nam, ngâm khúc giữ một vị trí quan trọng và đặc biệt phát triển từ giữa TK XVIII đến giữa TK XIX. [198, 3]; Từ điển văn học (bộ mới) [Nxb Thế giới, H. 2003] không có mục thuật ngữ ngâm khúc, trang 733 - 734, Nguyễn Khắc Phi chỉ viết ở mục khúc như sau: “Khúc còn gọi là tản khúc, một hình thức thơ ca cổ điển của Trung Quốc, gắn với âm nhạc có nội dung trữ tình, ra đời trên cơ sở những lời ca điệu hát dân gian đời Kim (1115 - 1234) và phát triển mạnh vào đời Nguyên (1280 - 1368). Khúc gồm có hai loại: tiểu lệnh và sáo sổ. (…). Ở Việt Nam chữ khúc được dùng trong thuật ngữ ngâm khúc để chỉ những tác phẩm bằng thơ dài theo thể lục bát hoặc song thất lục bát, có nội dung trữ tình (Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc, …). Tuy nhiên đó không phải là những tác phẩm mang đặc điểm của thể loại khúc Trung Quốc; Trần Đình Sử cho rằng: ngâm khúc là một thể loại văn học trung đại Việt Nam. Tinh thần bi kịch thể hiện ở chỗ tìm lại giá trị nhân sinh mà không được, không cam chịu mất mát giá trị mà đành bất lực và do bất lực mà lòng bất lực càng mạnh thêm, day dứt hơn, [187; 9] và nhấn mạnh chức năng của thể loại này như sau: “Có thể nói khúc ngâm có nhiệm vụ phơi trải lòng đau xót, sầu tủi, tiếc hận của mình” [185; 9].

Nhận xét.

+ Các nhà ngôn ngữ chủ yếu giải thích bằng nghĩa tầm nguyên nghĩa gốc của hai thành tố ngâmkhúc.

+ Các nhà nghiên cứu văn học nêu định nghĩa ngâm khúc căn cứ trên ba yếu tố: hình thức; vị trị và chức năng thể loại.

+ Các nhà nghiên cứu chỉ quan tâm ngâm khúc nói chung, không đưa ra khái niệm cụ thể nào về thể loại ngâm khúc dùng hình thơ song thất lục bát trong lịch sử văn học Việt Nam trung đại.

 

1.2.3. Khái niệm ngâm khúc dùng hình thức song thất lục bát dùng trong luận văn.

Từ những khái niệm vừa nêu, chúng tôi đưa ra khái niệm sau đây: Ngâm khúc trung đại Việt Nam là một thể loại của văn học dân tộc. Thể loại này dùng hình thức song thất lục bát, trường thiên, bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm để thể hiện. Chức năng của ngâm khúc nhằm bộc lộ những tâm trạng, tình cảm buồn phiền đau xót triền miên day dứt, đứng yên hay ít phát triển. Nội dung của nó đa dạng, phong phú phản ánh nhiều cung bậc của đời sống tình cảm con người thời trung đại. Khúc ngâm là cách nói Việt hoá từ cụm từ Hán - Việt của thuật ngữ này.

 

Ngâm khúc dùng hình thức thơ song thất lục bát trung đại Việt Nam manh nha từ thế kỷ XVI và kết thúc vào cuối thế kỷ XIX. Đánh dấu chính thức bằng tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc [bản dịch của Đoàn Thị Điểm (?) 1705 - 1748] và kết thúc bằng Tự tình khúc của Cao Bá Nhạ (? - ?) và Thu dạ lữ hoài ngâm của Đinh Nhật Thận (1815 - 1866).

 

1.3. Tác phẩm Cung oán ngâm khúc

Nguyễn Gia Thiều (1741 - 1798), viết Cung oán ngâm khúc theo thể thơ song thất lục bát gồm 366 dòng. Tác phẩm lấy đề tài cung nữ, cung oán vốn rất phổ biến trong văn học bác học trước sau nửa cuối thế kỷ XVIII.

 

2. Thể thơ và từ láy trong Cung oán ngâm khúc

2.1. Thể thơ

2.1.1. Thể thơ song thất lục bát dân gian

Theo Nguyễn Xuân Kính trong ca dao, số lời được sáng tác theo thể song thất lục bát chiếm khoảng 2%”, và ông cũng cho biết thêm làm theo thể này, mỗi lời ca chỉ gồm một khổ (bốn dòng thơ); cực kỳ hiếm hoi nếu không muốn nói rằng không có lời thơ (dân gian  người viết chú thêm) có độ dài từ hai khổ trở lên [249 - 250; 6]

 

Lụa làng Trúc vừa thanh vừa bóng

May sáo chàng cùng sóng áo em

Chữ tình cùng với chữ duyên

Xin đừng thay áo mà quên lời nguyền.

 

2.1.2. Thể thơ song thất lục bát bác học và thơ song thất lục bát qua Cung oán ngâm khúc

Theo [7] có thể tóm tắt một trổ 4 câu như sau:

 

Dòng thơ

Vị trí tiếng

1

2

3

4

5

6

7

8

Dòng 7 (trắc)

 

 

Trắc

 

Bằng

 

Trắc (vần)

 

Dòng 7 (bằng)

 

 

Bằng

 

Trắc (vần)

 

Bằng (bằng)

 

Dòng lục

 

Bằng

 

Trắc

 

Bằng (vần)

 

 

Dòng bát

 

Bằng

 

Trắc

 

Bằng (vần)

 

Bằng (vần)

 

Nếu như Nghĩ hộ tám giáp làm giải thưởng cho cô đào hát (Lê Đức Mao) với hình thức của bài hát nói, 13 dòng, trong đó có hai khổ dùng thể thơ song thất lục bát (4 dòng đầu và 4 dòng cuối) như vậy, từ lúc sơ khai, văn học bác học chịu ảnh hưởng đậm nét từ văn học dân gian ở thể thơ này (không có sự kết dính liền kề của hai khổ song thất lục bát):

 

Thơ Thiên bảo dâng ca chúc hỗ,

Khách ngô hoàng vạn thọ vô cương

Xuân kỳ một giải hàng ngang,

Thưởng đào hai chữ phụ khang mừng làng [219; 1]

 

Đến Tứ thời vịnh khúc của Hoàng Sĩ Khải vẫn còn đó những chỗ chưa ổn định, suốt 44 dòng thơ của 11 khổ, xét về mặt vần, luật bằng trắc đã có độ chín về sự nhuần nhuyễn, điều cần bàn thêm cách kết dính giữa các khổ tức vần bằng của dòng bát (khổ trên) thường vần với chữ thứ ba của dòng thất trắc (của khổ tiếp theo sau):

 

Năm cũ đi thì năm mới lại

Bỉ đã qua thì thái lại ra

Thiều quang phủ khắp gần xa

Gió xuân hây hẩy, khí hoà hây hây

Tám bức vầy dương hoà đầm ấm

Chợ lẫn người, hoa gấm đua thêm

Thuận thời mưa bặt gió êm

Đào tơ Thượng uyển, liễu mềm Ngự câu [225;1]

 

Như đã nói, ca dao gần như không có dạng thơ song thất lục bát dài đến hai khổ liền kề nhau nên nếu căn cứ vào thời điểm ra đời ta có thể khẳng định rằng ở dạng sơ khai thì thơ song thất lục bát bác học sự gắn kết giữa hai khổ liền kề là cước vận (bằng) của chữ thứ 8, dòng bát sẽ vần với yêu vận (vần bằng) của chữ thứ 3, dòng thất trắc. Đến Chinh phụ ngâm khúc (bản dịch) điều này đã không còn phổ biến. Hầu hết, lời thơ trong bản dịch Chinh phụ ngâm khúc hiện hành sự kết dính giữa các khổ thơ là sự gieo vần của chữ 8 trong câu bát (khổ trên) với tiếng 5 của câu thất trắc (khổ sau liền kề):

 

Trong cửa này đã đành phận thiếp

Ngoài mây kia, há kiếp chàng vay

Những mong cá nước sum vầy

Nào ngờ đôi ngã nước mây cách vời

Thiếp chẳng tưởng ra người chinh phụ

Chàng há từng học lũ vương tôn

Cớ sao cách trở nước non?

Khiến người thôi sớm, thôi hôm dãi dầu [277 - 278; 8]

 

Những cũng có lúc, người đọc gặp dạng kết dính của hai khổ theo cách mà Hoàng Sĩ Khải sử dụng:

 

Tưởng chàng trải nhiều bề nắng nỏ;

Ba thước gươm một cỗ nhung yên

Xông pha, gió bãi trăng ngàn

Tên reo đầu ngựa, gió lan mặt thành

Áng công danh trăm đường rộn rã,

Những nhọc nhắn nào đã nghỉ ngơi

Nỗi lòng biết ngõ cùng ai?

Thiếp trong cánh cửa chàng ngoài chân mây.[277; 8]

 

Nhưng khi đến Cung oán ngâm khúc hiện tượng bắt vần ở chữ thứ ba của câu thất trắc với chữ thứ 8 của dòng lục (khổ trên liền kề) không còn nữa.

 

Nào lúc tựa lầu Tần hôm nọ,

Cành liễu mầm bẻ thuở đương tơ,

Khi trướng ngọc lúc rèm ngà,

Mảnh xuân y vẫn sờ sờ dấu phong

Bây giờ đã ra lòng ruồng rẫy,

Để thân này nước chảy hoa trôi!

Hoá công sao khéo trêu ngươi?

Bóng đèn tà nguyệt nhử mồi ký sinh [423; 8]

 

Có thể khẳng định rằng, dấu ấn dân gian về mặt thể thơ trong Cung oán ngâm khúc là rõ nét, nhưng tính bác học cũng đã được nâng lên hoàn chỉnh. Nếu căn cứ theo sự xác định luật, vần của các nhà nghiên cứu Bùi Văn Nguyên - Hà Minh Đức, hay Nguyễn Xuân Kính, Nguyễn Thái Hoà, Dương Quảng Hàm, Trần Đình Sử, thì chúng tôi khẳng định rằng chính Cung oán ngâm khúc là đỉnh nhất của thể loại ngâm khúc trong văn học trung đại Việt Nam về mặt thể loại.

 

2.2. Từ láy qua Cung oán ngâm khúc

2.2.1. Khái niệm từ láy

Láy là một phương thức tạo từ đặc sắc của Tiếng Việt. Đó là phương thức lặp lại hoàn toàn hay bộ phận hình vị cơ sở theo những quy tắc nhất định. Từ láy là sự hoà phối ngữ âm giữa các yếu tố tương ứng giữa các âm tiết và có tác dụng biểu trưng hoá. [5; 4]

 

2.2.2. Từ láy trong ca dao

Là từ thuần Việt với nhiều chức năng biểu vật, biểu cảm, từ láy được ca dao dân gian nói riêng và văn học dân gian nói chu người sử dụng rộng rãi, phổ biến. Chúng ta rất dễ dàng tìm thấy:

 

Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh

Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm

 

Hoặc như:

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ.

 

2.2.3. Từ láy trong Cung oán ngâm khúc

2.2.3.1 Vị trí của từ láy: Bảng thống kê

 

Tác phẩm

Dòng thất trắc

Dòng thất bằng

Dòng lục

Dòng bát

Tổng cộng

Chinh phụ ngâm khúc (bản dịch): 412 dòng

13=3,15%

25=6%

20=4,85%

26=6,31%

84=20,38%

Cung oán ngâm khúc:356 dòng

31=8,7%

24=6,74%

15=4,21%

20=5,05%

90=25,28%

Ai tư vãn: 164 dòng

21=12,8%

10=6,1%

11=6,7%

16=9,75%

58=35,36%

Bần nữ thán: 216 dòng

11=5,1%

12=5,55%

9=4,16%

8=3,7%

40=18,51%

Thu dạ lữ hoài ngâm (bản Nôm): 140 dòng

12=8,57%

6=4,28%

6=4,28%

7=5%

31=22,14%

Tự tình khúc: 608 dòng

35=5,75%

31=5,09%

33=5,42%

37=6,08%

136=22,36%

 

Nhận xét

+ Tần số xuất hiện nếu tính tỷ lệ theo số dòng của tác phẩm, ta thấy: từ láy trong Cung oán ngâm khúc đứng thứ nhì, sau Ai tư vãn, trên cả Chinh phụ ngâmTự tình khúc:

 

Tiếng thánh thót cung đàn thuý dịch

Giọng nỉ non, ngón địch đan trì

Càng đàn, càng địch, càng mê

Càng gay gắt điệu, càng tê tái lòng  [420; 8]

 

+ Nếu ở dòng thất trắc Cung oán ngâm khúc cũng chỉ đứng sau Ai tư vãn, Chinh phụ ngâm khúc, … Riêng ở hai dòng lục và dòng bát Cung oán ngâm khúc chỉ xuất hiện với tần số thường thường bậc trung, không quá thấp, cũng không quá cao. Điều cần chú ý trong thơ song thất lục bát, hai dòng thất thường là những câu bình đối. Vần là vần trắc ở vị trí cuối, (thất trắc) gieo với vần trắc ở vị trí thứ năm (có khi là vị trí thứ ba, Cung oán ngâm khúc không có trường hợp nào gieo ở tiếng thứ ba) của dòng thất bằng, vậy mà tần số xuất hiện của từ láy của Cung oán ngâm khúc lại tập trung vào đấy. Hơn thế, dòng thất bằng của Cung oán ngâm khúc như đã nói, vần được gieo rất chuẩn theo thi luật song thất lục bát bác học (không gieo ở tiếng ba như ca dao), lại xuất hiện từ láy nhiều hơn cả, …

 

Sân đào lý giâm lồng man mác

Nền đỉnh chung nguyệt gác mơ màng

Cánh buồm bể hoạn mênh mang

Cái phong ba khéo cợt phường lợi danh [417;8]

 

Nguyễn Lộc nhận xét: Đọc Cung oán ngâm khúc, người ta dễ có cảm tưởng như đi vào một ngôi đền cổ vàng son lộng lẫy, có phượng múa rồng bay, chạm chỗ cực kỳ tinh vi, khéo léo. (Theo Văn học Việt Nam nửa cuối TK XVIII - hết TK XIX, Nxb Giáo Dục, H. 2007, trang 204), ở một đoạn khác (tài liệu vừa dẫn), viết: nhà thơ đã sử dụng tài liệu văn học Trung Quốc một cách thuần thục, điêu luyện qua sự lựa chọn lựa nhào nặn của mình để phục vụ tác phẩm của mình một cách xác đáng  (trang 206). Nhưng căn cứ vào bảng thống kê vừa nêu chúng ta thấy ở hai dòng thất, từ láy ở Cung oán ngâm khúc xuất hiện với tần số nhiều hơn cả, từ láy ở dòng lục và dòng bát bình thường như các tác phẩm ngâm khúc khác, đều đó có nghĩa là từ láy cũng là một phương tiện để nhà thơ mân mê ngắm nghĩa từng chữ một trước khi viết lên giấy, để kết lại thành câu, và kết cấu thành bài,  (Tài liệu đã dẫn, trang 207), từ đó cho thấy nói cách nào đi nữa, Cung oán ngâm khúc vẫn chịu ảnh hưởng đâm nét từ ngôn ngữ dân gian.

2.2.3.2 Cấu tạo từ láy: Bảng thống kê

 

Tác phẩm

Láy hoàn toàn

Láy bộ phận

Tổng cộng

Phụ âm đầu

Láy vần

 

Chinh phụ ngâm khúc (bản dịch): 412 dòng

19=4,6%

55=13,34%

10=2,42%

84=20,38%

Cung oán ngâm khúc: 356 dòng

18=5,05%

55=15,16%

17= 4,5%

90=25,28%

Ai tư vãn: 164 dòng

10=6,09%

35=21,34%

13=7,92%

58=35,36%

Bần nữ thán: 216 dòng

9=4,16%

24=11,11%

7=3,24%

40=18,51%

Thu dạ lữ hoài ngâm (bản Nôm): 140 dòng

3=2,14%

15=10,71%

13=9,2%

31=22,14%

Tự tình khúc: 608 dòng

17=2,79%

94=15,46%

25=4,11%

136=22,36%

 

Nhận xét:

+ Cấu tạo từ láy: ở bảng thống kê thứ hai, chúng ta thấy Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều có số từ láy hoàn toàn xếp ở vị trí thứ 2 (sau Ai tư vãn), láy bộ phận xếp ở vị trí ba (sau Ai tư vãnThu dạ lữ hoài ngâm), nhưng luôn luôn cao hơn Chinh phụ ngâm khúc, điều đó có nghĩa là Ôn Như hầu không phải chỉ thuần cầu kỳ dùng từ Hán Việt, từ gốc Hán hay thích điển tích, thi liệu Hán học, mà ông còn dụng công tạo nên những nét nghĩa khu biệt cho các từ láy thuần Việt trong tác phẩm của mình.

+ Căn cứ đó cũng đã khẳng định sự điêu luyện, ngòi bút tài hoa, chăm chút cho việc kết hợp tài tình giữa thì liệu dân gian với thi liệu Hán học của Nguyễn Gia Thiều trong lâu đài nghệ thuật của mình.

2.2.3.3 Chức năng của từ láy: Bảng thống kê

 

Tác phẩm

Miêu tả không gian

Miêu tả thời gian

Miêu tả tâm trạng, sắc thái

Cung oán ngâm khúc (bản dịch): 412 dòng

5=6,09%

5=6,09%

72=87,82%

Cung oán ngâm khúc: 356 dòng

12=12,9%

1=1,3%

77=85,8%

Ai tư vãn: 164 dòng

5=9,4%

0=0%

53=90,6%

Bần nữ thán: 216 dòng

1=2,5%

2=5%

37=92,5%

Thu dạ lữ hoài ngâm (bản Nôm): 140 dòng

3=10%

0=0%

27=70%

Tự tình khúc: 608 dòng

14=10,29%

3=2,2%

119=87,51%

 

Nhận xét:

- Không gian trong Cung oán ngâm khúc là không gian của khuê phòng, cung cấm, nó đậm chất ước lệ - vốn là sản phẩm đặc trưng của văn học trung đại. Song, khi miêu tả nó, yếu tố từ láy được sử dụng, làm cho bóng dáng không gian thâm nghiêm ấy mang nhiều sắc thái riêng hơn. Hẳn là tác giả Cung oán ngâm khúc có dụng ý đó, tần số xuất hiện số từ láy được dùng để dựng cảnh chiếm khá cao 12% cao nhất trong số các ngâm khúc mà chúng tôi khảo sát. Đây là không gian của sóng bể mênh mông, dựng cảnh lên để thể hiện ý: Đời người khác gì chiếc thuyền bèo bọt, luôn chao đảo trên biển sóng cồn?

 

Sóng cồn cửa bể nhấp nhô

Chiếc thuyền bào ảnh, lô xô gập ghềnh  [417; 8]

 

- Số từ láy dùng để chỉ thời gian không nhiều. Dù một lần hơn, nhưng nó vẫn xuất hiện, nếu so với Ai tư vãn (tác phẩm có tần số từ láy xuất hiện cao nhất) thì từ láy trong Cung oán ngâm khúc vẫn có giá trị và ý nghĩa nhất định.

 

Trong cung quế âm thầm chiếc bóng

Đêm năm canh trông ngóng lần lần [421; 8]

 

- Số từ láy miêu tả tâm trạng ở Cung oán ngâm khúc cũng gần ngang bằng, ít nhiều cũng đã xác nhận ý thức tạo nên sự đa dạng về sắc thái trong tâm trạng của nhân vật trữ tình. Và điều này, Nguyễn Gia Thiều đã thành công khi dựa vào nguồn văn học dân gian.   Với các từ láy việc miêu tả tâm trạng nhân vật lúc sầu não, lúc khắc khoải chờ mong:

 

Chiều ủ dột giấc mai trưa sớm

Vẻ bâng khuâng, hồn bướm vẩn vơ  [422; 8]

Hay:

Lạnh lùng thay, giấc cô miên

Mùi hương tịch mịch, bóng đèn thâm u [422; 8]

 

3. Kết luận

- Bằng việc lựa chọn thể thơ song thất lục bát với số tiếng không bằng nhau giữa các câu trong bốn câu thơ tạo nên ấn tượng giả tự do về thể loại [201; 6], Nguyễn Gia Thiều đã học tập một cách có sáng tạo từ nguồn sữa dân gian, vừa đồng thời khẳng định đây là thể thơ phù hợp với nhiệm vụ phơi trải tấm lòng đau xót, sầu tủi, tiếc hận [185; 9], mà Cung oán ngâm khúc là một thi phẩm kiệt xuất.

 

- Sự gặp gỡ giữa Cung oán ngâm khúc với ngôn ngữ dân gian mà cụ thể là từ láy là một thực tế khách quan và thú vị. Chính hệ thống từ láy đã góp phần cho thành công của tác phẩm, đặc biệt là trong việc thể hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình.

- Chất dân gian trong Cung oán ngâm là nhịp cầu vững chắc cho tác phẩm Cung oán ngâm khúc  tác phẩm văn học bác học  đến với đông đảo độc giả Việt Nam.

 

Tài liệu tham khảo                   

[1] Đỗ Bằng Đoàn – Đỗ Trọng Huề, (1994) Việt Nam ca trù biên khảo, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

[2] Dương Quảng Hàm,(1968) Việt Nam văn học sử yếu, Trung tâm học liệu Sài Gòn xuất bản.

[3] Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi, (2007) Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.

[4] Hoàng Văn Hành (chủ biên), (2003) Từ điển từ láy Tiếng Việt, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.

[5] Nguyễn Thái Hoà,(2003) Từ điển tu từ - phong cách  thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội

[6] Nguyễn Xuân Kính, (2007) Thi pháp ca dao, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

[7] Bùi Văn Nguyên - Hà Minh Đức, (2003) Thơ ca Việt Nam hình thức và thể loại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

[8] Trần Lê Sáng - Phạm Kỳ Nam, (2005) Hợp tuyển ngâm khúc trung đại Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.

[9] Trần Đình Sử, (1999) Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

 

 

(Bài đăng trên tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống số 4, năm 2009).Bản của Tác giả gửi.

Trần Minh Thương
Số lần đọc: 5671
Ngày đăng: 08.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghĩ về Sáng tạo và tiếp nhận văn học hiện nay - Hồ Thế Hà
Chính trị, kích thước cơ bản của con người - Phan Huy Đường
Thơ tình phổ quát và thơ tình hải ngoại - Trần Văn Nam
Thái sư, Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế -3 - Trương Quang Cảm
Thái sư, Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế -4 - Trương Quang Cảm
Thái sư, Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế -5 - Trương Quang Cảm
Vào Việt Nam (1533-1659), Công Giáo đã gửi Những Giáo Sĩ Trách Nhiệm - Trần Văn Cảnh
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trả lời bạn đọc Văn nghệ Trẻ -2 - Nguyễn Khắc Phê
Thái sư, Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế -2 - Trương Quang Cảm
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trả lời bạn đọc Văn nghệ Trẻ - Nguyễn Khắc Phê
Cùng một tác giả
Thể loại văn tế (tiểu luận)