Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
479
116.586.649
 
Nỏ Thần -2
Khải Nguyên

CẢNH BỐN

 

Cổ Loa. Triều đường An Dương vương.

 

CAO LỖ: -Tâu đức vua, ta nhún mình thì giặc lấn tới. Chuyện biên cảnh chẳng đã quá rõ rồi sao?

LẠC HẦU: -Tâu vương thượng, Cao tướng quân quá nóng nảy. Ta cho Triệu được hòa chứ có nhún gì đâu.

THỤC PHÁN (hướng về Cao Lỗ): -Nhưng mà chuyện ở biên cảnh đã đến nỗi nào?

CAO LỖ: -Muôn tâu, giặc đang dùng kế tằm ăn lá dâu. Một mặt lấn dần ta, một mặt phá ngầm cho ta suy yếu. Nếu ta không lo đối phó thì e trở tay không kịp.

LẠC HẦU: -Tâu vương thượng, thật ra đã có gì nghiêm trọng đâu. Chẳng qua thỉnh thoảng lính của Triệu Vũ vương xâm nhập đất ta trộm sản vật, cướp trâu bò,... Họ đánh ta mấy lần không được, phải chịu hoà. Họ làm bộ lấn ta tí chút để gỡ thể diện cũng chẳng sao. Không nên làm to chuyện mất hoà khí giữa hai nước. Dần dà ta sẽ bắt họ nghiêm trị bọn làm liều.

CAO LỖ: -Thế họ cho quân sang đóng bên nước ta, cho dân sang lập làng bản trên đất ta là chuyện nhỏ hay sao?

LẠC HẦU: -Thì đất mình càng thêm đông vui, trù phú. Thế là mình tự dưng có thêm dân vậy.

NỒI HẦU: -Mình có thêm dân hay mình mất đất? Quân họ lấn chiếm, quan Lạc Hầu cũng cho là mình được thêm quân à?

LẠC HẦU: -Ấy! Tại các tướng biên cương của ta cứ làm dữ đòi đuổi dân về lại bên ấy, nên họ cho quân sang trấn trị để dân chúng an cư đấy thôi.

NỒI HẦU: -Vậy lại là dân của họ phải không?

LẠC HẦU: -Về lâu, về dài vẫn là dân của mình chứ. Ta sẽ thuyết phục họ rút quân về. Cái chính là tướng biên ải đừng găng với họ quá.

CAO LỖ: -Theo ý quan Lạc hầu thì nên rút các tưóng Cung, Đống về chăng?

LẠC HẦU: -Sao lại phải thế? Chỉ nên kìm bớt cái hăng hái, xốc nổi của các tướng trẻ ấy thôi. Cần tránh gây hiềm khích và xung đột.

THỤC PHÁN: -Ta cũng nghĩ nên tránh đổ máu. Ý Lữ bộ chúa thế nào?

LỮ PHONG: -Tâu đại vương, thần cũng nghĩ nên dàn xếp ổn thỏa là hơn. Vạn nhất mới nên dùng vũ lực.

THỤC PHÁN: -Ta cử bộ chúa ra biên địa giúp các tướng lo liệu, được không?

NỒI HẦU: -Tâu đức vua, ta muốn tránh đổ máu, nhưng máu dân lành và quân lính ở biên ải vẫn đổ đấy.

CAO LỖ: -Mà thần e rằng máu sẽ còn phải đổ nhiều nữa. Chưa biết chừng sẽ đổ cả ở Cổ Loa này.

LẠC HẦU: -Ta nắm con tin ở đây, lo gì.

NỒI HẦU: -Tôi chỉ sợ giữ rắn độc trong tay áo thôi.

LẠC HẦU: -Triệu vương có mối lo Trung nguyên, cần liên minh với ta, lẽ đâu lại ngầm hại ta? Âu Lạc và Nam Việt cùng có cái họa chung là nhà Hán. Tôi nghe Triệu vương vẫn bảo rằng những xứ thuộc Lĩnh Nam xưa đều là thân thuộc, và thường mượn câu của Mạnh Kha để răn triều thần: “chớ làm cho kẻ thân phải đau lòng mà quân thù thì khoái chí”.

NỒI HẦU: -Với những kẻ như Triệu Đà thì ai thân, ai sơ chỉ là chuyện quay đầu lưỡi. Y bị chặn ở phía bắc, từ lâu đã chuyển hướng bành trướng xuống nam. Không phải y chỉ nhòm ngó ta đâu.

LẠC HẦU (nói tiếp lí mình): -Mà nếu Triệu chịu qui phục nhà Hán thì họ lại chẳng cần nuốt ta làm gì.

CAO LỖ: -Những kẻ ôm mộng đế bá kia gian hùng quỉ quyệt nhưng tâm địa tiểu nhân. Đội kẻ mạnh, nắn kẻ mềm, đạp kẻ yếu; xa thì lấy lòng, gần thì hiếp đáp, đó là thói thường của chúng. Triệu Đà chống Hán không xuôi, sẽ quay lại theo Hán chẳng lâu la gì. Nhưng dù chống Hán hay thần phục Hán, y cũng muốn thôn tính Âu Lạc. Chống Hán thì y cần nuốt ta để thêm mạnh nanh vuốt. Theo Hán thì y cần có chiến tích để được coi là một chư hầu sừng sỏ đặng còn giữ miếng với thiên triều.

LẠC HẦU: -Tâu vương thượng, nghi kị nhau không phải là đạo hoà hiếu với lân quốc. Huống chi Nam Việt là nước lớn hơn Âu Lạc ta.

CAO LỖ: -Tâu dức vua, chính vì nước ta nhỏ mà càng cần biết rõ bụng dạ kẻ kia.

LẠC HẦU: -Nếu ta khéo xử thì thù sẽ trở thành bạn.

NỒI HẦU: -Ở gần cá sấu có thể vỗ về cho chúng thuần tính được không?

CAO LỖ: -Khó có chuyện đạo lí ở Bắc triều. Buổi đầu dựng nước họ chỉ gồm mấy bộ tộc ở vùng giữa lưu vực sông Hoàng Hà. Vậy mà nay họ chinh phục và đồng hoá, thâu gồm hàng vạn dặm rộng gấp hàng mấy chục lần. Họ hay nói nhân nghĩa nhưng lại dấy nghiệp bằng tráo trở và bạo tàn. Tráo trở và bạo tàn là triết lí sống và hành động của họ trong bang giao và trong việc trị dân. Một hoàng đế nhất thống Trung quốc như Tần Thủy Hoàng muốn giữ kín nơi giấu xác ruỗng của mình mà đã lạnh lùng ra lệnh lừa chôn sống hàng chục vạn người dân vô tội. Họ không coi thần dân họ là bạn thì làm sao họ coi dân ngoại tộc là bạn được!

NỒI HẦU: -Họ còn kích động dân họ cừu thù ngoại tộc nữa kia.

THỤC PHÁN         : -Thôi các khanh đừng nói những chuyện ấy nữa làm ta thêm mệt người. (Quay lại Lữ Phong) Thế nào quan bộ chúa?

LỮ PHONG: -Muôn tâu, thần nghĩ lúc này chưa có gì khẩn cấp lắm, họ đang thăm dò ta. Ta giữ vững biên cương thì chế ngự được tham vọng của họ.

THỤC PHÁN: -Vậy khanh sớm ra biên ải cho ta yên lòng.

LỮ PHONG: -Dạ, xin phụng mệnh.

 

                                                                                         MÀN

 

 

 

CẢNH NĂM

 

Một đường trong thành Cổ Loa. Lạc hầu và Lữ Phong cùng vào.

 

LẠC HẦU: -Sứ mệnh của bộ chúa rât nặng nề và khó khăn. Bọn Cung, Đống thì ương ngạnh, mà Cao Lỗ, Nồi hầu thì không ưa bộ chúa. Cuộc nghị sự vừa qua cho thấy rõ điều đó.

LỮ PHONG: -Nhưng họ có cản việc cử tôi đâu?

LẠC HẦU: -Họ thấy đức vua cũng chủ hoà nên không tiện nói đấy thôi. Thế nào mà họ chẳng tin cho bọn con họ coi chừng bộ chúa.

LỮ PHONG: -Xin quan Lạc hầu chỉ cho phương lược xử sự với bên Triệu.

LẠC HẦU: -Bộ chúa thừa mưu lược, hà tất phải hỏi ý kiến tôi. Tuy nhiên, theo thiển ý, cầu thân hơn đối địch. Mọi sách lược không gì hơn chữ “hoà”. Cần nhất là đừng để cho bọn Cao Cung lộng hành. Bọn chúng đang cần lập công đấy. À, bộ chúa nên mang theo bộ phẩm phục bắc triều mà Triệu hoàng tử biếu hôm nọ để mặc khi giao thiệp với bên kia cho tiện. Kìa! Đặng tiên sinh đã đến kia.

ĐẶNG GIẢO (vào, vẻ xởi lởi): -Kính chào hai đại nhân. Nghe tin Lữ đại nhân sắp lên đường công cán nơi viễn trấn, (Lữ Phong lộ vẻ ngạc nhiên nhìn sang Lạc hầu, nhưng ông này không để ý. Còn Đặng Giảo thì lờ đi tiếp tục nói) Triệu hoàng tử sai tôi đến chào tiễn, nhân tiện tặng đại nhân một tên hầu cận, một con chiến mã và một số đồ nhật dụng. Xin cho biết những thứ ấy phải đưa đến nơi nào cho tiện?

LẠC HẦU: -Đặng tiên sinh thật là chu đáo. Có lẽ đưa đến tư dinh Lữ bộ chúa là tốt nhất, phải không quan bộ chúa?

LỮ PHONG: -Xin đa tạ hậu tình của Triệu hoàng tử và tiên sinh. Phong này đâu dám phiền hoàng tử và tiên sinh như thế. Những món quà trước đây tiên sinh thân đem đến nhà, tôi không tiện từ chối đã vô cùng áy náy rồi.

ĐẶNG GIẢO: -Những vật mọn thôi mà. Thật chẳng xứng để tặng những bậc đức cả tài cao như quan Lạc hầu và quan bộ chúa. Ngày nay bộ chúa sắp đi xa ; đường lên biên giới dặm dài trắc trở cần có ngựa tốt, có hầu cận tháo vát và đồ nhật dụng chu tất. Tâm trí bộ chúa còn bận dành cho đại sự, e không kịp nghĩ đến riêng mình, nên chúng tôi mạo muội lo giúp một phần nhỏ thôi. Xin đừng từ chối làm bẽ mặt Triệu hoàng tử.

LẠC HẦU: -Triệu hoàng tử và Đặng tiên sinh đã có lòng tốt như vậy, Lữ bộ chúa không nên phụ lòng.

LỮ PHONG: -Thật không biết nói thế nào, chỉ biết cầu cho hoàng tử và tiên sinh vạn phúc mà thôi.

ĐẶNG GIẢO: -Quan trấn thủ biên giới mới bên Nam Việt cũng họ Lữ đấy. Chẳng hay đại nhân có quen biết không?

LỮ PHONG: -Thưa, tôi chưa được tường họ tên.

ĐẶNG GIẢO: -Đô uý Lữ Trạch đấy mà.

LỮ PHONG (sửng sốt): -Tôi có một người chú tên họ như thế. Hồi xưa, khi quân Tần tràn đến quê tôi, thúc phụ tôi cùng một bộ phận gia tộc họ Lữ bị nghẽn lại, có lẽ người này chăng?

LẠC HẦU: -Nếu đúng là lệnh tôn thúc phụ thì thuận tiện cho công việc của bộ chúa rồi.

ĐẶNG GIẢo (chắp tay vào trán): -Quả lòng trời run rủi. Lữ đô úy là bạn chí thân của tôi, phiền Lữ đại nhân chuyển lá thư riêng của tôi cho ngài (trao thư).

LỮ PHONG (trân trọng nhận thư): -Tôi phải về sửa soạn lên đường, xin kính biệt hai vị.

LẠC HẦU, ĐẶNG GIẢO (cùng nói): -Xin chúc thượng lộ bình an.

                                 

                                     (Lữ Phong ra)

 

ĐẶNG GIẢO: -Cầu trời cho Nam Việt, Âu Lạc mãi mãi hoà đồng để muôn dân an cư, lạc nghiệp.

LẠC HẦU: -Tôi cũng không cầu mong gì hơn thế.

ĐẶNG GIẢO: -Triệu vương nghe danh ngài vẫn mong có lần hội ngộ.

LẠC HẦU (có vẻ hớn hở): -Tôi thật cảm kích về lượng bể của đại vương.

ĐẶNG GIẢO         : -Xin đại nhân xá cho tội đường đột. Mấy lâu nay tôi thấy hình như đại nhân có chuyện lo nghĩ. Chẳng hay tôi có thể san sẻ hầu ngài chút gì được không?

LẠC HẦU (hơi ngần ngừ một chút rồi thổ lộ): -Chẳng dám giấu tiên sinh, tôi chỉ có một mụn con trai...

ĐẶNG GIẢO: -Lệnh công tử thật là một trang nam nhi tài đức vẹn toàn, đường tiến thân chỉ còn chờ phong vân gặp hội. Có gì mà đại nhân phải lo nghĩ?

LẠC HẦU: -Cháu nó đã mười bảy tuổi đầu rồi mà vẫn chưa yên bề gia thất, tôi lấy làm lo lắm.

ĐẶNG GIẢO: -Từ ngày được trông thấy lệnh công tử, tôi đã nẩy ý hay nhưng chưa dám mạo muội. Nay được đại nhân tin cậy bộc bạch nỗi lòng, tôi xin mạnh dạn tỏ bày. Số là Triệu vương có một ái nữ trạc tuổi công chúa Mị Châu. Vế sắc thì khó nói ai hơn ai. Về đức thì đoan trang, hiền thục có một. Có lẽ chỉ kém công chúa đây về mặt... chất phác. Nhưng nói trộm phép Thục chúa, chứ con nhà vương giả không thể thô lậu như con nhà dân thường. Chẳng hay đại nhân có cho phép tôi được thu xếp việc này không?

LẠC HẦU (cố không đổi vẻ mặt): -Triệu công chúa là lá ngọc cành vàng nơi cung cấm bắc phương, con trai tôi đâu dám cao vọng.

ĐẶNG GIẢO: -Đại nhân quá khiêm nhường. Nay tuy tạm thời khuất thân thờ Thục chúa, nhưng quan Lạc hầu chẳng phải dòng dõi Hùng vương sao?

LẠC HẦU: -Nhưng trộm nghĩ con gái bắc quốc ít lấy chồng ngoại tộc.

ĐẶNG GIẢO: -Triệu vương vẫn sở nguyện Nam Bắc một nhà. Lúc tiễn Triệu hoàng tử sang đây giao hiếu, ngài đã căn dặn hoàng tử và chúng tôi tìm mọi dịp kết thân hai nước. Việc này tôi đã cho người về dò ý đại vương, ngài ra chiều thuận ý.

LẠC HẦU: -Thế tiện nam phải sang ở rể bên Phiên Ngung?

ĐẶNG GIẢO (cười lớn): -Phương bắc không có tục ở rể. Nhưng nếu lệnh công tử làm một sủng thần ở triều đình Nam Việt thì đại nhân nghĩ sao?

LẠC HẦU: -Nếu việc này thành, tôi không biết lấy gì đền đáp ân đức của Triệu đại vương và công ơn của đại nhân.

ĐẶNG GIẢO (cười ngụ ý): -Ơn nghĩa chúng ta còn về lâu về dài, lo gì thưa đại nhân. (Nghiêm trang) Việc này dù sao cũng phải được Thục vương chuẩn nhận, nhưng chắc không có gì trở ngại . Chúng ta sẽ bàn tiếp sau. Khoan hãy lộ ra với các triều thần. Bây giờ xin bái biệt. (Ra).

LẠC HẦU (nói như khấn): -Tạ ơn trời đất. Phen này thử xem con trai Cao Lỗ có may hơn con ta không!

 

                                                                                             MÀN

 

 

CẢNH SÁU

 

Cổ Loa. Phòng Mị Châu. Mị Châu đang ướm thử y phục phương bắc.

 

MỊ CHÂU: -Sao Sen không mặc thử xiêm y phương bắc họ tặng chúng ta xem có đẹp không? Chị thấy bộ đồ ấy hợp với em lắm đấy.

NÀNG SEN: -Công chúa muốn em coi rẻ đồ mặc dân tộc ta sao? Vả lại, em xuất thân nghèo hèn sao xứng với những thứ trang sức kia.

MỊ CHÂU: -Sen trách chị đấy à?

NÀNG SEN: -Em đâu dám trách công chúa. Có điều...

MỊ CHÂU: -Không trách mà bỗng dưng xưng hô trang trọng thế! Chị có lỗi gì với em nào?

NÀNG SEN: -Có điều em thấy chị ngày càng khác đi, không những hình như chị ngượng phải mặc những áo quần mới đây vẫn thân thuộc, mà chị còn ngại cùng em đi ra ngoài giao du với bạn bè cũ. Mấy lâu nay chị không hề bước xuống ruộng dâu, sờ đến khung dệt,...

MỊ CHÂU (hơi lúng túng): -Em không nghe Triệu hoàng tử nói ở triều đình phương bắc con các quan không lẫn với con dân thường, con vua chúa càng phải giữ gìn đó sao?

NÀNG SEN: -Cách sống và phong hoá Nam Bắc mỗi nơi một khác. Ở bên ta, thời Hùng vương, công chúa Tiên Dung lấy người đánh dậm, công chúa Ngọc Hoa và chồng cùng dân chúng đắp đê chống lũ. Ngay vua cha ta vào ngày mùa vẫn cùng các bô lão đi chân đất làm lễ xuống đồng. Dẫu rằng không nên nệ cổ và bài ngoại, nhưng đổi mới đâu có phải là coi rẻ những gì là thuần phong mĩ tục của ông cha và nhắm mắt noi theo lề thói nước ngoài! Chị há không thấy dân tộc ta có lắm cái đáng tự hào sao? Hay chị muốn trở thành người phương bắc?

MỊ CHÂU: -Thôi, Sen ơi! Em nỡ nào nói năng gay gắt với chị như vậy. Chẳng qua chị nể lời Triệu hoàng tử mà thôi.

NÀNG SEN: -Lại Triệu hoàng tử! Sao mà em ghét hắn thế. Dũng phu mà làm ra vẻ nho nhã. Đài các kênh kiệu mà lại ra bộ nhún nhường. Đi đứng có vẻ ung dung mà mắt la mày lét, thái độ rình mò. Hắn không muốn chị hát lượn với chúng bạn như xưa, nhưng thấy đám vui nào của trai gái chúng ta cũng sán đến. Lại dụ chúng ta dập theo kiểu múa bắc phương của hắn.

MỊ CHÂU: -Thì hắn vẫn nài chị em ta dạy bọn hắn những bài ca, điệu múa của chúng ta đấy thôi.

NÀNG SEN: -Thế chị không nhận thấy ngụ ý diễu cợt của bọn hắn những lần múa hát theo chúng ta à?

MỊ CHÂU: -Chị thấy em quá ghét hắn rồi đó.

NÀNG SEN: -Em thấy chị quá thương hắn rồi đó.

MỊ CHÂU: -Em không thấy hắn phải lìa nhà, lìa nước sang đây sao?

NÀNG SEN: -Chị quên Cao công tử đang dãi dầu nơi biên ải sao?

MỊ CHÂU: -Sen quá lắm! Chị có bênh gì hắn? Chị nghĩ thế nào thì nói với em như thế. Thôi! Không nói chuyện hắn nữa.

NÀNG SEN (trở lại vui, tinh nghịch): -Thì nói chuyện Cao công tử nhé!

MỊ CHÂU: -Sen cứ chọc chị. Cao công tử ra đi có lời nào với chị đâu. Và từ bấy đến nay...

NÁNG SEN: -“Có lời” với chị sao được? Một là, vua cha chưa ban lời dứt khoát. Hai là, việc quân...

MỊ CHÂU: -Việc quân! Thế Đống không việc quân à? Vậy mà...

NÀNG SEN: -Đống với em lại khác. (Giọng buồn) Vậy mà từ bấy đến  nay cũng chẳng nhắn gì về cho em cả. (Một lát, vui vẻ trở lại) Em hỏi thật chị nhé. Chị có ưng Cao công tử không?

MỊ CHÂU (đỏ mặt): -Cô bé này tệ thật! (Ngừng một chút, giọng bâng khuâng) Chị cũng mến Cao công tử, nhưng thực tình chị chưa nghĩ đến chuyện lứa đôi. Thôi thì tùy phụ vương định sao chị nghe vậy.

NÀNG SEN: -Vua cha chiều chị lắm mà.

MỊ CHÂU: -Phụ vương vẫn thương chị em chúng mình.

NÀNG SEN: -Hôm nay chị đi tập võ với chúng em, chị nhé!

MỊ CHÂU: -Ừ! Mà... để chị còn xem đã.

NÀNG SEN: -Xong rồi, ta đi dạo. Tối nay có trăng, ta ra giếng Ngọc. Ừ đi chị!

MỊ CHÂU: -Ừ, được rồi!

 

                                                                                           MÀN

 

 

 

 

                                       HỒI  BA

 

CẢNH MỘT

 

Cổ Loa. Nhà dành cho bọn Trọng Thủy. Phòng khách.

 

TRỌNG THỦY: -Tiên sinh không nghĩ ra được kế nào hay hơn sao?

ĐẶNG GIẢO: -Hoàng tử cũng biết đấy là mệnh lệnh của đại vương. Vả chăng, hình như hoàng tử cũng thích con bé ấy kia mà.

TRỌNG THỦY: -Ta thích là thích cái đẹp chất phác, cái vẻ thơ ngây của cô ta. Nhưng sánh duyên lại là chuyện khác. Còn có thần dân bắc quốc trông vào nữa chứ.

ĐẶNG GIẢO: -Có ai bắt hoàng tử ăn đời, ở kiếp với nó đâu.

TRỌNG THỦY: -Lừa dối một người thuần phác như thế ta không nỡ.

ĐẶNG GIẢO: -Muốn mưu việc lớn mà khư khư cái lòng nhân kiểu đàn bà sao được! Vì sự nghiệp vĩ đại của thiên quốc, không được tiếc cả xương máu của người Hoa, huống chi lại cám cảnh cho một đứa con gái Nam man.

TRỌNG THỦY: -Ta chẳng thấy sự cần thiết phải hạ độc kế như vậy.

ĐẶNG GIẢO: -Hoàng tử quên rồi sao? Chúng ta phụng mệnh đại vương sang đây có phải để làm lợi cho Âu Lạc đâu.

TRỌNG THỦY: -Ta không quên. Nhưng ta e rằng những gì mà đại quân Nam Việt đã không làm được thì dúm người chúng ta khó mà đạt được. Nay lại định lợi dụng một người con gái ngây thơ, liệu có nên trò trống gì không?

ĐẶNG GIẢO: -Hoàng tử thừa thông minh nhưng lại thiếu lịch duyệt. Ta cần biết nỏ thần và chung quanh câu chuyện nỏ thần đích thực ra sao. Việc này ta vẫn chưa tiến được bước nào. Ta còn phải làm cho chúng có nỏ thần mà không dùng được, đó mới là diệu kế. Ta lung lạc một đứa con gái để lung lạc cả triều đình này, cả xứ này. Hoặc là ta dọn đường cho đại quân. Hoặc là, nếu việc đó khó xuôi, hoàng tử sẽ là người kế vị Thục Phán. Lão già này cũng đã gần kề miệng lỗ rồi. Mặc nhiên Âu Lạc sẽ là của hồi môn dành cho thái tử Nam Việt. Lúc bấy giờ, nếu hoàng tử vẫn còn thương đứa con gái kia thì cho nó vào hàng tì thiếp cũng được chứ sao. Người Hoa chúng ta có lệ đàn bà không được lấy người dị tộc, còn đàn ông thì tha hồ. Dòng giống siêu đẳng Hán tộc sẽ đồng hoá dân man di từ trong máu thịt của chúng. Chính sách này chỉ có lợi cho bọn đàn ông chúng ta thôi, phải không hoàng tử? (Cười khả ố).

TRỌNG THỦY: -Nói vậy nhưng dễ gì lung lạc được Thục Phán và Mị Châu, nói gì cả triều đình này, cả đất nước này.

ĐẶNG GIẢO: -Cái khó là ở đấy. Tôi biết Mị Châu không ghét hoàng tử, nhưng cô nàng lại có cảm tình với con Cao Lỗ. Lão Lạc hầu cũng đã từng ngấp nghé Mị Châu cho con lão. Phía con trai Cao Lỗ, tôi đã tính rồi, không chỉ vì nó là tình địch của hoàng tử. Còn về phía Lạc hầu, hẳn hoàng tử thừa biết là ta cho con trai lão qua Phiên Ngung chẳng phải để cho thằng khờ ấy trở thành phò mã Nam Việt. Chưa cần cái mồi Triệu công chúa, ta cũng đã thừa sức nắm chặt Lạc hầu. Lữ Phong đang do dự. Ta sẽ giúp hắn khỏi đắn đo lâu. Chỉ còn bọn Cao Lỗ, Nồi hầu và phe lũ là cố chấp. Nhưng người quyết định là Thục Phán. Thục Phán rất thương con. Việc hoàng tử cần làm là chinh phục cho được Mị Châu.

TRỌNG THỦY: -Đừng nghĩ Thục chúa như Lạc hầu!

ĐẶNG GIẢO: -Đúng! Nhưng Thục Phán lại cả tin. Các giống man di thường ngờ nghệch, để tín nghĩa ràng buộc, không biết rằng chỉ kẻ yếu mới bám vào đạo lí. Vả lại, lão ngụy vương cũng muốn học cách trị nước của ta, và cũng muốn dân yên. Ta vừa quấy đảo, vừa phỉnh phờ thì khó gì mà không dắt mũi được.

TRỌNG THỦY: -Thôi! Ta ngán các trò ám muội rồi.

 

Đặng Giảo đổi sắc mặt nghiêm lạnh, lấy từ trong tay áo một vật bằng

đồng chìa ra trước mặt Trọng Thủy. Hoàng tử tái mặt ngó cái vật chằmchằm.

 

TIẾNG TRIỆU ĐÀ (từ trong hồi ức của Trọng Thủy): -Con hãy nhớ một khi thấy người nào đưa vật này ra thì hoặc là tuân thủ triệt để, hoặc là vong thân.

TRỌNG THỦY (ngước nhìn Đặng Giảo rồi cụp mắt xuống): -Tôi, tôi,...

 

Một người hầu đánh tiếng ở ngoài, Đặng Giảo đưa mắt cho Trọng

Thủy. Hoàng tử lấy lại tư thế rồi nói dõng dạc:  Vào đi !

 

NGƯỜI HẦU (vào cúi mình): -Trình hoàng tử và đại nhân, có quan Lạc hầu đến thăm.

TRỌNG THỦY (sau khi nhận được dấu hiệu tán đồng của họ Đặng): -Mời ông ta vào.

             

                         ( Người hầu ra )

 

ĐẶNG GIẢO (gật gù với Trọng Thủy): -Lão dẫn xác đến vừa hay, hoàng tử cứ mặc tôi lèo lái.

 

Lạc hầu vào. Đặng Giảo lật đật chạy ra lạy chào, Lạc hầu vội đỡ dậy.

 

ĐẶNG GIẢO: -Quan Lạc hầu hạ cố viếng thăm mà chúng tôi không kịp ra nghênh tiếp thật đắc tội quá. Dám xin miễn chấp.

LẠC HẦU: -Tiên sinh dạy quá lời. Tôi quấy quả lúc hoàng tử và tiên sinh đang đàm đạo thế này mới là thất lễ.

ĐẶNG GIẢO (cười lớn, thân mật): -Thôi, chúng ta đã thân tình với nhau thì còn khách sáo làm gì. (Gọi to ra ngoài) Bay đâu! Sửa soạn tiệc rượu để hoàng tử và ta hầu tiếp Lạc hầu đại nhân! (Có tiếng dạ ran. Đặng quay lại nói với Lạc hầu) Đại nhân đến thật đúng lúc. Chúng tôi đang bàn đến mối giao tình ngày càng hậu giữa chúng ta.

TRỌNG THỦY: -Thưa đại nhân, lệnh công tử sang đến Phiên Ngung khang an chứ?

LẠC HẦU (hồ hởi): -Xin đa tạ sự lưu tâm của hai vị. Những người đi theo tiện nam vừa trở về cho biết cháu vẫn thường. Hiện cháu đang nghỉ ngơi và sắp được bên quí quốc cử người kèm cặp để thấm nhuần văn hoá Trung nguyên.

ĐẶNG GIẢO: -Lệnh công tử sáng ý lắm. Việc thụ huấn sẽ mất nhiều ngày tháng, nhưng chắc chắn lệnh công tử sẽ thành một đấng trượng phu vượt cả những con nhà dòng dõi đất Phiên Ngung. (Chợt thở dài).

LẠC HẦU (kinh ngạc): -Có chuyện gì vậy, thưa tiên sinh?

ĐẶNG GIẢO: -Nghĩ đến lệnh công tử sắp duyên may phận đẹp, tôi lại cám cảnh cho Triệu hoàng tử. (Trọng Thủy lặng lẽ bỏ ra ngoài) . Hoàng tử sang đây được Thục vương và các đại nhân ưu đãi, nhưng biết đến bao giờ mới có người nâng khăn sửa túi!

LẠC HẦU: -Ý chừng hoàng tử muốn xin hồi triều Nam Việt?

ĐẶNG GIẢO: -Không! Hoàng tử là cái cầu giao hảo giữa hai nước; lẽ đâu vì nỗi riêng mà từ khước mệnh phụ vương.

LẠC HẦU (ngẫm nghĩ một lát): -Hay là... nếu hoàng tử không chê con gái Âu Lạc quê kệch thì... hì, hì... đất lành chim đậu được chăng?

ĐẶNG GIẢO: -Được thế thì hay quá! Nhưng làm sao mà nối duyên lành cho hoàng tử tôi?

LẠC HẦU: -Vậy hoàng tử đã chấm ai rồi?

ĐẶNG GIẢO (giọng ngậm ngùi): -Hoàng tử tôi đất khách quê người, còn có thể chấm ai được. (Ngừng lại dò xét): -Đại nhân là sủng thần ở đây chẳng hay có thể giúp đỡ một tay được không? (Nói xa xôi) Lệnh công tử sắp là người nhà của hoàng tử tôi. Nếu hoàng tử nhờ duyên trời xe mà có chỗ tiến thân ở đây thì thế của hai người sẽ chắc như bàn thạch. Chỉ e Cao tướng quân không dung mà thôi.

LẠC HẦU (cau mày): -Cao Lỗ làm gì được! Trên còn Thục vương chứ. (Chợt vỗ đùi) Được rồi! (Ghé lại gần Đặng Giảo) Hoàng tử có muốn làm phò mã Âu Lạc không?

ĐẶNG GIẢO (làm ra vẻ ngại ngần): -Công chúa Mị Châu là con yêu của Thục chúa, liệu người có ưng chịu không? Vả, nghe nói đức vua đã có ý chọn Cao công tử rồi mà.

LẠC HẦU: -Đức vua cũng mới ngỏ ý thôi. Nếu để cho dự định đó thành sự thật thì rồi e rằng thân già này khó được yên với Cao Lỗ.

ĐẶNG GIẢO: -Trăm sự đều trông vào sự tác thành của đại nhân.

LẠC HẦU: -Tôi xin hết sức cố gắng. Nhưng tiên sinh cần lựa ý Thục vương và Triệu hoàng tử phải làm vừa lòng công chúa mới được.

ĐẶNG GIẢO: -Điều ấy đại nhân khỏi lo. (Đứng dậy lấy từ hòm ra mấy thứ đồ vật) Nhờ đại nhân chuyển hộ viên ngọc Như Ý, quà của Triệu hoàng tử, đến công chúa Mị Châu. Còn đây là hộp đựng trầu cau bằng vàng nạm đá quí xin để đại nhân dùng. Hộp đại nhân đang dùng tuy đẹp nhưng hơi cồng kềnh, không tiện tùy thân. Triệu vương vừa gửi sang một cái quyền trượng đính ngọc lưu li, vốn là của chúa Hung nô, để dâng Thục vương. Ngày mai kính phiền đại nhân dẫn tôi vào chầu.

LẠC HẦU: -Đại nhân liệu việc thật là đâu ra đấy.

 

                                                                                  MÀN

 

 

CẢNH HAI

 

Cổ Loa . Trong nhà Cao Lỗ.

 

NỒI HẦU: -Khi đức vua cử Lữ Phong lên ải Bắc, tôi có hơi nghi ngại. Nhưng bây giờ tình hình ở đấy xem ra có dịu đi.

CAO lỖ: -Cũng chưa thể nói chắc được. Tôi không nghĩ là Lữ Phong đã nhạt lòng với ta, nhưng thủ đoạn của bọn Triệu Đà rất thâm. Nay có cái lo trong gan ruột đây. Hầu huynh nghĩ sao về ý định cầu hôn của họ?

NỒI HẦU: -Tôi cho là bọn Đặng Giảo phao tin để tự tôn thanh thế, hòng giải toả sự giam sát của dân ta thôi. Chúng thừa biết là đức vua đã có ý chọn cháu Cung làm phò mã.

CAO LỖ: -Đúng là trước đây chúng phao tin, nhưng là để dọn đường. Triệu Đà vừa gửi quốc thư cầu hôn công chúa Mị Châu cho Trọng Thủy.

NỒI HẦU (dằn mạnh chén nước đang cầm tay xuống bàn): -Thế thì chúng ta quyết đập tan âm mưu đó. Tướng quân nên bàn với các quan, các tướng tìm cách can gián đức vua đi.

CAO LỖ: -Hầu huynh cũng thấy là tôi ở vào cái thế rất khó nói.

NỒI HẦU: -Đây là việc quốc gia đại sự chứ có phải việc riêng nhà tướng quân đâu mà ngại tai tiếng!    

CAO LỖ: -Trước đây, đức vua chỉ vừa mới ướm lời mà đã có người đến chúc mừng cha con tôi rồi. Nhưng tôi biết chính những người ấy lại sẵn sàng dèm pha, đả kích tôi nhất.

NỒI HẦU: -Bọn người ấy thì nói làm gì. Tướng quân khoan tâm. Cây ngay há sợ gì chết đứng! Trước hết chúng ta phải cảnh tỉnh Lạc hầu để ông ta khỏi nối giáo cho giặc. Chẳng hiểu sao ông ta đâm ra u mê vậy!

CAO LỖ: -Tôi lại lo đức vua và công chúa quá nhân hậu ...

 

Một người lính hầu hấp tấp đi vào.

 

LINH HẦU: -Bẩm, có tướng Đống và một số quân lính vừa phi ngựa từ biên ải về.

CAO LỖ (ngửng phắt đầu lên): -Mời tướng Đống vào ngay!

 

Đống đi vào, người đầy bụi, mệt mỏi và xúc động.

 

ĐỐNG (cúi đầu): -Trình tướng quân, Cao huynh mất rồi.

CAO LỖ (giật mình): -Cháu nói sao?

NÒI HẦU (cùng lúc): -Con nói sao?

ĐỐNG: -Dạ, trình tướng quân và thưa cha, Cao huynh chết một cách đột ngột và rất đáng ngờ.

CAO LỖ (cố giữ bình tĩnh): -Cháu ngồi xuống đây kể tình đầu cho cha cháu và bác nghe.

NÔI HÂÙ (nôn nóng): -Bọn giặc Triệu ám hại à?

ĐỐNG: -Dạ, thưa cha và thưa tướng quân ...

CAO LỖ (phác một cử chỉ): -Cháu cứ nói với ta như với người nhà.

ĐỐNG: -Dạ, thưa bác và thưa cha, chiều hôm qua Lữ bộ chúa sang giao thiệp bên kia về có mời con và Cao huynh sang tư dinh hội kiến. Con bận xuống các bản thăm thú dân tình nên Cao huynh đi một mình ...

 

CẢNH XEN I

(Phục hiện): -Tại dinh Lữ Phong ở biên giới Âu Lạc-Nam Việt.

CAO CUNG (đứng lên, sắp từ biệt): -Tình hình lắng dịu được là may cho dân chúng hai bên. Mong rằng bên kia họ giữ lời. Dẫu sao thì bộ chúa nói chuyện với Lữ Trạch cũng có chỗ thuận lợi. Xin kính biệt.

LỮ PHONG (đáp lễ): -Kính tướng quân lại nhà. À, xin thứ lỗi... (ngập ngừng) nãy giờ tôi xem ra khí sắc tướng quân không được bình thường...

CAO CUNG: -Mấy lâu nay, tôi hơi biếng ăn.

LỮ PHONG: -Vậy à? Tôi có thứ rượu bổ gia truyền, mỗi khi kém ăn chỉ cần nhắp một chén nhỏ. Xin mời tướng quân dùng thử xem sao. Voòng à! Mang bình rượu thuốc của ta ra đây!

 

Voòng mang bình rượu,hai cái chén ra đặt cẩn thận trên bàn trước mặt hai người, rồi rót rượu vào.

 

LỮ PHONG (đưa tay trân trọng): -Xin mời tướng quân.

          Cao Cung và Lữ Phong cùng nâng cốc và cạn chén.

LỮ PHONG: -Tướng quân về nghỉ, tới bữa cơm chiều nay chắc sẽ thấy rõ tác dụng.

CAO CUNG: -Giã ơn hậu tình của quan bộ chúa. Xin chào.

 

CẢNH XEN II

(Phục hiện): -Tại đồn trấn ải biên giới.

ĐỐNG:-Kìa! Cao huynh đã về. Anh hãy ngồi nghỉ uống nước đã. (Rót nước đưa tận tay) Công việc chắc có chiều êm.

CAO CUNG (đỡ chén nước nhấp một hớp nhỏ): -Cứ lời Lữ bộ chúa thì bên kia đã tỏ ra biết điều hơn. Ban đầu họ cứ khăng khăng đòi giữ hiện trạng, mãi sau mới chấp nhận theo nguyên trạng trước kia. Song chỉ mới chấp nhận miệng. Xem chừng chúng ta còn phải ... (bỗng buông rơi chén nước, ôm bụng nhăn nhó)

ĐỐNG (hốt hoảng): -Anh làm sao vậy?

              Cao cung mặt dần tái sạm đi, đau vật vã.

ĐỐNG (đỡ Cao Cung, gọi to ra ngoài): -Có ai ngoài đó không? (Có tiếng “Dạ”) Đi mời cụ lang lại ngay! (Hỏi cao Cung) anh có ăn gì lạ không?

CAO CUNG (thều thào): -Không. À, ... chỉ có uống chén rượu bổ tại nhà Lữ Phong thôi.

Bỗng Cao Cung hét lên một tiếng, nẩy người tuột khỏi tay Đống đang

giữ, ngã vập xuống sàn nhà, lăn lộn mấy vòng, rồi giật mạnh một cái, và lịm dần.

 

TRỞ LẠI CẢNH HAI

Trong nhà Cao Lỗ tại Cổ Loa.

NỒI HẦU (đấm mạnh tay xuống phản): -Quân khốn nạn! Dám trở mặt thế à?

CAO LỖ (Tựa trán vào lòng bàn tay ngồi lặng đi một lát. Ngửng lên hỏi Đống): -Voòng là tên hầu mà Đặng Giảo tặng Lữ Phong hôm bộ chúa thừa lệnh đức vua lên chỗ các con phải không?

ĐỐNG: -Dạ, phải.

NỒI HẦU: -Rõ ràng là chúng toa rập với nhau . Thế mà hắn dám báo về là quân Triệu đã rút về bên kia ranh giới.

ĐỐNG: -Dạ, thưa cha, điều ấy quả có đúng ạ. Ngay lần đầu Lữ bộ chúa thân hành sang hội kiến với Lữ Trạch thì viên trấn tướng này đã chịu rút những đồn lính đóng trái phép trên đất ta về. Nhưng y khản khoản xin giữ nguyên các bản di dân lấy cớ là không nên nhũng nhiễu dân lành. Y nói cứ coi dân ấy là dân Âu Lạc cũng được.

CAO LỖ (chú ý): -Thế tình hình những dân ấy thế nào?

ĐỐNG: -Dạ, họ kết giao thân tình với dân bản địa. Họ dạy các cách cúng bái, truyền bá những trò dị đoan. Cũng có lúc họ cho người giúp chữa bệnh. Họ thường đem bạc vụn, đồ trang sức đổi lấy đồ đồng cùng những sản vật quí hiếm đem về bên kia. Nhưng ít khi họ chịu đổi cho những thứ ta chưa có nhiều như dao, lưỡi cày sắt ...

CAO LỖ: Từ bấy đến nay, bên Triệu còn hay gây sự nữa không?

ĐỐNG: -Dạ, họ hay cho lính giả làm dân sang bên ta đào trộm củ tam thất, hái trộm hoa hồi, bóc trộm vỏ quế, đốn trộm gỗ tốt, săn trộm chim thú quí, moi trộm quặng đồng trên đất ta. Ta kháng nghị thì có lúc họ tạ lỗi là dân họ nhầm nhưng vẫn để y nguyên bảo lỡ rồi, có lúc họ nhận chằng là đất của họ và quay lại vu cho dân binh ta xâm phạm địa giới. Dân ta có trót trồng lấn sang đất họ tí chút thì họ kiên quyết đòi ta phải sửa. Họ lại cho phép dân họ thay thế đồ cống phú bằng sừng trâu, xương trâu với giá đắt nên dân ta ở biên giới nhiều nơi thiếu trâu cày phải trở lại lối “đao canh, hoả nậu”. Bởi vậy, Cao huynh quyết đòi bên kia phải cùng bên ta phân định biên giới rành mạch, đề ra những ước thúc rạch ròi trong việc qua lại, giao lưu giữa đôi bên. Lữ bộ chúa sang Nam Việt chuyến vừa rồi chính là để bàn về những chuyện ấy.

CAO LỖ (thở dài): -Hừ! Âm mưu cũ, mánh khoé mới. Con ta sớm lìa đời lúc xã tắc cần đến nó hơn bao giờ hết. Thương thay!

NỒI HẦU: -Cháu Cung thác oan vì tên phản bội. Tướng quân còn chờ gì mà chưa xin mệnh đức vua bắt về đây hỏi tội?

CAO LỖ: -Sự thể không nóng vội được. Con tôi thiệt phận, với đức vua, với mọi người, chưa đủ lẽ để đoan quyết là bị đầu độc. Và chắc gì Lữ Phong có nhúng tay vào? Làm kinh động dân tâm thật chẳng nên.

ĐỐNG: -Dạ, thưa tướng quân, thưa bác, giờ nên tính sao?

CAO LỖ: -Hôm nay đã muộn. Sáng mai, cha cháu và ta sẽ đưa cháu vào bệ kiến đức vua. Sau đó, cháu kíp về lại biên ải, cốt giữ sao cho quân dân không xộn rộn.

NỒI HẦU: -Phải tính việc hộ tông linh cữu cháu Cung về đây chứ?

CAO LỖ (ngẫm nghĩ): -Trong tình hình này có lẽ không nên.

NỒI HẦU: -Vậy tướng quân nên đích thân lên đấy, nhân thể nắm tình hình biên cương.

CAO LỖ: -Tình hình biên cương thế là rõ rồi. Chỗ đáng lo bây giờ chính là tại đây. Bởi thế, lúc này tôi không thể rời Cổ Loa được. Thôi, cũng đành để cho bà nhà tôi và bọn gia nhân lên lo liệu cho cháu vậy thôi. Vả lại, còn có cháu Đống đây. (Nói với Đống) Cháu này! Lễ tang nên làm giản tiện. Phần mộ không nên cầu kì. Sau này khi tiện dịp, ta sẽ đưa hài cốt nó về quê.

NỒI HẦU: -Thế thì chẳng cần Đống mai vào bệ kiến nữa, nên đi ngay hôm nay. Việc biên cương, việc tang đều hệ trọng, không thể phó cho một mình Lữ Phong.

CAO LỖ: -Hầu huynh nói phải. Cháu Đống hãy cùng tuỳ tòng đi cơm nước rồi nghỉ ngơi một chút. Cháu về đây, Lữ Phong có biết không?

ĐỐNG: -Dạ, có. Chính Lữ bộ chúa đồng ý với cháu là cần về cáo phó và xin cử tướng trấn trị thay Cao huynh.

CAO LỖ: -Người thay Cung sẽ là cháu thôi. Trở về đấy, cháu cần đối xử với Lữ Phong như thường, không phải bề ngoài mà thật tình.

ĐỐNG: -Cháu xin phép đi sửa soạn. (Nói với Nồi hầu) Thưa cha, cha có về cùng con không?

NỒI HẦU: -Con cứ về trước, ta sẽ về ngay bây giờ. (Đống ra. Nồi hầu quay sang Cao Lỗ) Ta phải tâu đức vua triệu Lữ Phong về truy cho ra nhẽ chứ?

CAO LỖ: -Ta không tâu xin thì đức vua cũng triệu ông ta về hỏi về tình hình bang giao nhân có việc cầu hôn. Còn truy cho ra nhẽ thì... nếu quả có sự mưu hại, chắc ông ta không phải là người giương nỏ. Chà! Một mũi tên, chúng nhằm nhiều đích đây!

 

                                                                          MÀN

 

 

CẢNH BA

 

Một con đường trong thành Cổ Loa.

Lữ Phong đang đi, dáng trầm tư.

 

 LỮ PHONG (một mình): -Ta như người mắc kẹt ở giữa. Mưu đồ bên Triệu đã khá rõ ràng. Có nên tâu với Thục chúa không? Nhưng liệu có cưỡng lại được tham vọng của Phiên Ngung? Thục vương chẳng phải là nhu nhược, hèn kém, nhưng sao lại hay ngả theo ý của Lạc hầu? Xem ra thì đức vua có vẻ ngưỡng mộ những nghi thức, nghi trượng vương giả bắc phương, cùng các lễ tiết, khuôn phép triều đường, không còn dung dị và gần dân như xưa. Lạc hầu thường biết đón ý vua. Đặng Giảo thì đã nắm Lạc hầu như một con dao. Những người như Đặng Giảo đáng ghê thật! Ta mà sa vào tay ông ta thì... Nhưng có tránh được không? Thúc phụ ta cứ khêu gợi ta nghĩ đến quê cha, đất tổ. Ta vẫn canh cánh bên lòng về nỗi phần mộ cha mẹ, tổ tiên hương khói lạnh. Song, từ khi sang Âu Lạc, ta thấy làm ăn dễ chịu hơn, sống thanh thản hơn, ít bị ràng buộc gò bó, it phải giữ gìn phép tắc đến mức gần như giả dối trong giao thiệp, cư xử. Gần đây, thúc phụ đã ra mặt thúc ép: “Bên nước nhà tạo cho hiền điệt cơ hội lập chút công với Âu Lạc không phải để cho hiền điệt vinh thân, phì gia bên ấy rồi quên mình thuộc dân tộc lớn, mà là tác thành cho người của mình đặng phụng sự đắc lực cho thiên quốc. Hiền điệt đừng để tổ quốc phải ra tay hoặc mượn tay kẻ thù để trừng phạt kẻ nghịch thần. Phiên Ngung vẫn dành cho hiền điệt cái ấn phong hầu”. Ông ta nói cứ êm như ru mà nghe lạnh cả gáy. Ông ta bảo “Ý Nam Việt vương là ý trời. Trời sắp giáng hoạ phúc” là định ám chỉ cái gì? Có liên quan đến cái chết dột ngột của Cao Cung không? Lạc hầu nói rằng Cao hầu và Nồi hầu không ưa ta. Ta biết Cao Lỗ chẳng phải là người hẹp hòi, nhưng ta cũng cảm thấy như thế, gần đây thôi. Vì cớ gì nhỉ? Có lẽ ông ta linh cảm thấy những tai hoạ của Âu Lạc. Ngẫm cho kĩ thì ta cũng đã quay giáo nửa chừng rồi. Chẳng phải thế sao? Thục vương triệu ta hồi kinh chắc là về việc bang giao. Ta sẽ cố giữ phận mình, nhưng nếu thế sự vần xoay thì cũng đành gió chiều nào theo chiều ấy.

 

Đặng Giảo vào, đứng nhìn cười bí ẩn, rồi đi đến gặp Lữ Phong.

 

ĐẶNG GIẢO: -Chào Lữ đại nhân. Xin chúc mừng công tích lớn.

LỮ PHONG (hơi ngơ ngác): -Công tích gì kia?

ĐẶNG GIẢO: -Cao Cung chết, đại nhân vừa trừ được một hậu họa cho cả Nam Việt lẫn Âu Lạc, đáng chúc mừng quá đi chứ.

LỮ PHONG (giật mình): -Chết nỗi! Cao công tử bị trúng phong kia mà. Ai nói với tiên sinh chuyện động trời vậy?

ĐẶNG GIẢO (cười nhạt): -Cần gì phải ai nói. Chẳng phải Cao Cung chết sau khi uống rượu thuốc ở nhà đại nhân về sao?

LỮ PHONG: -Thì ruợu ấy tôi vẫn uống mỗi tối. Chính tên Voòng hôm ấy rót hai chén ngay trước mặt Cao công tử và tôi mà.

ĐẶNG GIẢO: -Cao tướng quân chẳng đời nào chịu tin là Cao Cung trúng phong. Có ai chịu làm chứng rằng đại nhân cùng uống? Mà có đi nữa thì ai biết trong đáy chén trước khi rót rượu vào có gì?

LỮ PHONG: -Tôi phải đến yết kiến Cao tướng quân mới được. (Định đi).

ĐẶNG GIẢO (ngăn lại): -Khoan đã! Chớ vội vàng! Cao Lỗ thâm trầm lắm. Ông ta không tỏ ý ngay đâu. Chẳng có cái chết của con trai ông ta thì ông ta cũng chẳng ưa đại nhân rồi. Cha con ông ta cùng bọn Nồi hầu vẫn muốn bài Hoa, chống thiên quốc. Một khi Thục chúa nằm xuống tình hình sẽ ra sao? Chúng ta phải liệu trước đi.

LỮ PHONG: -Ý tiên sinh là...

ĐẶNG GIẢO: -Ta phải sớm thực hiện điều mà tôi đã có lần nói với đại nhân.

LỮ PHONG: -Nghĩa là để Bắc quốc thôn tính Âu Lạc?

ĐẶNG GIẢO: -Nếu ý trời định thế thì ta phải làm thế. Nhưng hiện nay hãy làm cho cả xứ này bị ràng buộc vào Nam Việt, để làm tắt lòng kình chống của bọn đô Nỏ, đô Nồi. Bọn này gieo chí ương ngạnh cho người Âu Lạc, làm khổ lê dân. Biết đâu chúng chẳng có cả ý đồ dòm ngó phương bắc nữa. Hôm trước Lữ Trạch đại nhân có trao thư ủy thác của Triệu Vũ vương cho đại nhân không?

LỮ PHONG: -Có. Nhưng thiển nghĩ bên Nam Việt luôn luôn khuấy động biên cương, chắc Thục chúa chẳng ưng chịu chuyện hôn nhân đâu.

ĐẶNG GIẢO: -Phải làm cho Thục Phán hiểu rằng muốn biên địa được yên ổn thì phải cố kết hai bên, Nam Bắc một nhà.

LỮ PHONG : -Tính Thục vương khẳng khái. Ép buộc thì không xong rồi.

ĐẶNG GIẢO: -Ta sẽ làm cho ông ta cảm thấy không bị ép buộc. Điều này sở cậy đại nhân một tiếng nói, nhất là vào lúc quyết định.

 

                                                                                    MÀN

 

 

CẢNH BỐN

 

Cổ Loa. Phòng Mị Châu.

 

NÀNG SEN: -Ôi chao! Cao công tử vừa bất đắc kì tử mà công chúa đã mang viên ngọc Như Ý đẹp chưa kìa!

MỊ CHÂU: -Ô hay! Chẳng lẽ em bảo chị để tang công tử sao?

NÀNG SEN: -Em chẳng nói thế. Nhưng xem ra công chúa chẳng chút nào cảm thương công tử cả.

MỊ CHÂU: -Chị cũng buồn vì một đấng nam nhi như thế mà sớm mất đi.

NÀNG SEN: -Chỉ vậy thôi ư?

MỊ CHÂU: -Em muốn gì chị nữa nào? Chị với Cao công tử không như em với Đống. Chị chẳng thể nghĩ xa xôi hơn.

NÀNG SEN: -Chao ôi là tình đời!

MỊ CHÂU: -Em nói gì vậy?

NÀNG SEN: -Em nói công chúa nghĩ đến viên ngọc kia hơn là nghĩ đến tình tri ngộ.

MỊ CHÂU: -Em không được quá quắt! Nếu nói đến tình tri ngộ thì Triệu hoàng tử và Cao công tử ai nặng tình với ta hơn? Bao nhiêu lâu nay Cao công tử có nghĩ gì đến ta. Ta cô đơn, ta buồn tủi, nào ai hay? Còn Triệu hoàng tử thì ngày nào cũng muốn làm cho ta khuây khỏa.

NÀNG SEN: -Cao công tử còn phải đem thân làm phên dậu nơi biên địa, nào có rỗi mà nhởn nhơ, nay tiệc tùng, mai múa hát đâu. Mà nếu công chúa vẫn thích những công việc dệt vải, chăn tằm, nếu công chúa không xa bạn bè cũ thì sao mà cô quạnh được! Chẳng qua là công chúa thích thế thôi.

MỊ CHÂU: -Em nói như một mụ già cay nghiệt. Thân thế như ta lẽ đâu cứ suốt đời sống kiểu hồn nhiên dân dã. Ta phải lo đến phận ta chứ!

 

                             Thục Phán đi vào.

 

NÀNG SEN (thoáng thấy, bảo khẽ Mị Châu): -Vua cha đến. (Cúi chào) Kính lạy vua cha.

MỊ CHÂU (quì gối chào kiểu phương bắc): -Phụ vương muôn tuổi!

THỤC PHÁN: -Các con ta có khoẻ không? (Nói với Mị Châu) Chà! Con gái ta trang sức lộng lẫy quá.

NÀNG SEN: -Tâu vua cha, quà của Triệu công tử đấy ạ.

THỤC PHÁN (thấy Mị châu vẫn ở tư thế cung kính xa cách, dịu dàng bảo): -Mị, Sen! Các con lại gần đây! Ta muốn các con đối với ta vẫn hồn nhiên như xưa nay vẫn thế.

MỊ CHÂU: -Tâu phụ vương, tình là cha con nhưng lễ là vua tôi. Phụ vương cho phép chúng con được giữ lễ ạ.

NÀNG SEN: -Tâu vua cha, chị con thông hiểu phép tắc bắc triều lắm ạ.

THỤC PHÁN: -Ờ, người phương bắc có nói: trong phép tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ thì lễ là gốc.

NÀNG SEN: -Nhưng ta ở phương nam. Và như vua cha đã nhiều lần phán bảo: ta chỉ lo giữ bờ cõi, chẳng đi “bình” ai cả. Họ nói, nghe bao giờ cũng hay ho “lễ là rường mối, là khuôn phép cho đại trị”, mà thật sự thì chữ “lễ” họ dùng như một thứ xiềng xích vạn năng để ràng buộc kẻ dưới, ràng buộc người dân.

THỤC PHÁN: -Ha, ha,... Con ta giỏi biện bác thật! Có thể đối đáp với mọi biện sĩ bắc triều đó.

MỊ CHÂU: -Tâu phụ vương, em con hay lí sự, nhiều khi vượt ra ngoài khuôn phép nữ nhi.

NÀNG SEN: -Tâu vua cha, từ ngày kết giao với Triệu công tử, chị con hay răn đe con về phép tắc nữ nhi. Nhưng phép tắc nữ nhi bắc phương lại là “nam nữ thụ thụ bất thân” cơ đấy!

THỤC PHÁN: -Khuôn phép bắc phương nghiệt ngã nhưng trong phép trị dân cũng có chỗ dùng được.

MỊ CHÂU: -Tâu phụ vương, rõ là họ văn hiến hơn ta.

THỤC PHÁN: -Ừ, có những cái đáng để cho ta noi theo.

NÀNG SEN (không nén được): -Tâu vua cha, xin cho con được nói hết ý nghĩ của con.

THỤC PHÁN: -Được! Con cứ nói.

NÀNG SEN: -Người phương bắc tự cho mình là văn hiến, coi các dân tộc khác là man muội. Hãy xem thứ văn hiến mà họ muốn ban phát ra bốn phương là thứ văn hiến nào? Có phải thứ văn hiến coi mạng ngưòi như ngóe; coi dân đen là hạng “tiểu nhân” chỉ để sai khiến; coi đàn bà là khó dạy? Thứ văn hiến lấy lừa lọc, phản trắc, dối trá làm quốc sách? Những kẻ chễm chệ ngồi trên làm ra vẻ “quân tử”, nói toàn giọng triết nhân, mà mưu đồ thì thấp hèn, vô đạo; hành động thì tàn bạo, bất lương; đối xử thì thâm hiểm, ích kỉ; và lúc đã phơi mặt ra thì ngang ngược, trắng trợn, hung hăng, bất cố liêm sỉ. Hãy xem một hào kiệt Yêu Li tự hoại thân thể, thí bỏ vợ con, để được thẳng tay đâm ngọn giáo vào bụng người tin yêu đùm bọc mình, nêu gương một thứ lí tưởng gia nô cuồng tín, hòng làm vững ngôi cho bạo chúa. Một thánh nhân Khổng Khâu gần suốt đời chạy vạy mong hiến “đạo” mình cho các vua chư hầu, lúc đang đắc thế nhất phải cược tiền đồ, sự nghiệp của mình vào miếng thịt tế, và đành phải ra đi, để rồi có lúc phải nói ra miệng là sẵn sàng đi theo tướng cướp. Văn hiến của họ cao siêu lí lẽ mà thực tế lại rải bằng xương trắng máu đào của hàng triệu sinh linh. Cái gọi là luân thường đạo lí của họ nặng mùi thịt người (9), là cái lồng vô hình chụp lên người dân thấp cổ bé miệng. Họ chê ta man di vì ta không biết như họ rằng quì lạy thì phải bước mấy bước và quì chân nào trước. Họ chê ta man di vì đàn bà con gái ta không chịu bó chân ngồi trốn trong nhà, mà dám lo việc làng việc nước, vì con trai con gái dám tự do trò chuyện và tìm bạn trăm năm (10). Họ chê ta man di trước hết vì ta khác giống với họ và vì ta sống khác họ.

THỤC PHÁN: Sao con thù ghét người phương bắc vậy?

NÀNG SEN: -Tâu vua cha, con nói đây là nói những kẻ mũ cao áo dài của Bắc triều, những kẻ tự cho là “quân tử”. Còn những người Hoa bình thường thì chính họ cũng chẳng mấy quan tâm những cái văn hiến của mấy vị quân tử. Có những lễ nghi ràng buộc họ lâu đời thành quen. Xem ra họ chỉ có quyền theo mà không có quyền biết. Con cho rằng mỗi dân tộc đều có cái hay, cái dở, không nên quá tự tôn, mà cũng đừng quá tự ti.

MỊ CHÂU: -Tâu phụ vương, em con vì chưa hiểu những người như Triệu hoàng tử nên nhận nhầm như vậy.

NÀNG SEN: -Tâu vua cha, chính vì con rất hiểu Triệu công tử nên nhận rõ như vậy.

THỤC PHÁN: -Thôi các con đừng tranh biện nữa. Mị con, cha muốn biết ý con về một chuyện hệ trọng không chỉ đối với con mà thôi. (Nói với Nàng Sen đang định cáo lui) Con cũng ở lại. (Ngừng một lát. Mị Châu và Nàng Sen ở trong tâm trạng phấp phỏng chờ đợi). Mẹ con mất đi, cha được mỗi mình con. Em Sen con đây là con một người dân đã liều mình cứu giá trong một trận chống quân phương bắc xâm lăng, và cũng sớm mồ côi mẹ, cha coi như con đẻ. Có hai con bên cạnh cha cũng vui tuổi già. Nhưng các con không thể ở mãi bên cha. Em Sen con đã có nơi. Mị con cũng đến lúc phải tính chuyện lứa đôi . Triệu vương có quốc thư cầu thân. Trong thư có nói sẵn sàng để Trọng Thủy ở hẳn bên này. Ta thấy Trọng Thủy cũng khôi ngô, lanh lợi. Ta hơi ngại Nam, Bắc có chỗ dị biệt. Nhưng Trọng Trủy là người không câu nệ. Từ khi sang đây, hoàng tử đã học cách ăn ở, cư xử của người Âu Lạc. (Ngừng lại nhìn hai người. Nàng Sen nhìn Mị Châu; cô chị cúi đầu mân mê tà áo, hai má ửng đỏ).

NÀNG SEN: -Tâu vua cha, lòng họ khôn dò, con e không thật bụng.

THỤC PHÁN: -Con đa nghi quá. Nhưng dù họ có manh tâm, ta đem tình thực mà đãi thì cũng có thể cảm hóa được.

NÀNG SEN: -Con lang chui được vào chuồng con bê, con e rằng con lang vẫn là con lang.

THỤC PHÁN (phật ý): -Con đâm ra cố chấp rồi đó. Ta đã nghĩ nhiều rồi. Duyên phận này của chị con liên quan đến sự an nguy của đất nước. Hôn phối sẽ xoá cừu thù. Nam Bắc thông gia thì biên giới sẽ không bị họ quấy nhiễu nữa. Ta có thể thư tâm mà lo cho dân giàu nước mạnh.

NÀNG SEN: -Con sợ cái nhọt ngoài biên cảnh không tan mà lại thêm cái ung nơi kinh đô ủ mầm độc.

THỤC PHÁN (bực mình): -Con nói y như bọn Cao Lỗ. Người phương bắc nói không sai: không tề gia thì khó mà trị quốc! Ta thật đã quá nuông con. Thôi! Cho con lui! (Nàng Sen thở dài, vái, lui ra). Thế nào, Mị con? Ý con ra sao? Nếu con không ưng thì cha cũng không ép.

MỊ CHÂU: -Dạ, con luôn luôn tuân mệnh phụ vương.

THỤC PHÁN: -Được rồi! Con hãy cư xử sao cho họ Triệu không trách nhà ta kém giáo huấn. Con cũng liệu khuyên giải em con sao cho trong ấm, ngoài êm. Ta phải ra ngự triều đây.

 

                                                                                                     MÀN

 

(1)         Ý của Lỗ Tấn, văn hào Trung Quốc.

(2)         Người Âu Lạc chưa bị ảnh hưởng  lễ giáo phong kién phương bắc.

 

 

 

 

                                              HỒI  BỐN

 

 CẢNH MỘT

 

   Cổ Loa. Phòng Mị Châu.

 

   MỊ CHÂU: -Sao phu quân có vẻ u sầu làm vậy?

        Trọng Thủy ngồi thừ ra thở dài.

Vợ chồng trao xương gửi thịt, sao phu quân lại giấu thiếp?

TRỌNG THỦY: -Ta được phụ vương bao dung, công chúa thương yêu, những muốn tận trung, tận hiếu với phụ vương, và suốt đời gắn bó với công nương để báo đền tình nghĩa. Nhưng xem chừng tôi khó được trọn tình với công chúa.

MỊ CHÂU (hốt hoảng): -Lang quân nói gở gì thế? Hay là chán đất này rồi? Con gái bắc phương vốn “yểu điệu thục nữ” mà!

TRỌNG THỦY: -Công chúa đừng nói thế khiến tôi thêm đau lòng. Tấm tình tôi đã trao trọn cho công chúa rồi, công chúa không biết sao?

MỊ CHÂU: -Thế thì có gì chia rẽ nổi đôi ta?

TRỌNG THỦY: -Tôi nay đã là phò mã mà có khác gì một tên tù giam lỏng. Sống vậy sao gọi là sống được!

MỊ CHÂU: -Ý phu quân muốn nói gì vậy?

TRỌNG THỦY: -Tôi nay đã là thần dân chính thức của Âu Lạc. Tôi phải đi đây đi đó thăm thú cảnh trí, tìm hiểu dân tình, một là để khuây sầu li hương, hai là để có kiến thức tâu bày với phụ vương khi người ban hỏi đến. Thế mà mới cất bước đã bị cấm cản rồi.

MỊ CHÂU: -Ai dám cản chàng?

TRỌNG THỦY: -Các vệ binh thừa lệnh tướng quân Cao Lỗ.

MỊ CHÂU: -Cao tướng quân là người nghiêm túc, cẩn trọng, được mọi người ngưỡng mộ. Không xem thường lệnh tướng quân được đâu. Mà chàng định đi những đâu?

TRỌNG THỦY: -Nào đã đi đâu được! Cũng chỉ quanh quẩn những ngả đường đã đi mòn gót hia, toàn những cảnh nhàm chán.

MỊ CHÂU: -Trong thành nội, khu vực có đền thờ nỏ thần là nơi kì thú nhưng là khu cấm. Hình như ở đấy cất giấu vũ khí, quân lương. Hay là phu quân đi ra thành ngoại?

TRỌNG THỦY: -Đâu dâu cũng hào thành, song lạch chằng chịt; đâu đâu cũng vọng gác điếm canh. Nếu không lạc đường thì cũng sa vào tay lính gác.

MỊ CHÂU: -Để rồi thiếp kiếm cho chàng một người hướng đạo có uy quyền đối với quân phòng vệ. Nhưng chàng chớ có ra đầm Cả!

TRỌNG THỦY (hỏi buông): -Sao vậy?

MỊ CHÂU: -Nơi ấy tập trung thuyền chiến và là nơi tập thủy trận.

TRỌNG THỦY: -Công chúa đã ra đấy bao giờ chưa?

MỊ CHÂU: -Hồi còn bé, thiếp đã một lần được theo phụ vương đi duyệt tập thủy chiến.

TRỌNG THỦY: -Chỗ đó có đẹp không?

MỊ CHÂU: -Ôi! Mặt nước mênh mông, tinh kì phấp phới, trời cao lồng lộng, gần thì thành cao in bóng, xa thì rừng cây dàn hàng, ...

TRỌNG THỦY: -Tiếc quá! Giá vợ chồng ta được một lần ra đó vãng cảnh thì chết cũng thỏa.

MỊ CHÂU (âu yếm): -Chàng chỉ nói gở! Được đến đó thì càng “bách niên giai lão” chứ! Ra đó chỉ có một lối Cống Lớn, còn các ngả khác thì ít ai được biết. Muốn qua Cống Lớn, phải được phép Cao tướng quân.

TRỌNG THỦY: -Thế thì phải đến kiếp sau họa may tôi mới ra đó được. (Thở dài) Không hiẻu sao Cao tướng quân hình như không thích tôi, nhất là từ khi tôi được gá nghĩa cùng công chúa (Nhìn Mị Châu dò xét).

MỊ CHÂU (dè dặt): -Cao tướng quân suốt đời vì nghĩa lớn ...

TRỌNG THỦY: -Chẳng phải Cao tướng quân đã từng nuôi ý định...cho con trai mình sao?

MỊ CHÂU (im lặng)

TRỌNG THỦY: -Biết đâu ông ta chẳng mong muốn cao xa hơn nữa? Quyền hành trong tay mà! (Một lát, thở dài, lắc đầu) Lòng ngưòi thật khó biết!

MỊ CHÂU: -Việc ấy thiếp không dám lạm bàn. Thiếp chỉ biết phu quân là của thiếp. chàng đừng sầu não khiến thiếp héo hắt ruột gan. Thiếp sẽ tâu bày với phụ vương tìm cách giải sầu cho chàng.

TRỌNG THỦY: -Chao ôi! Còn Cao Lỗ thì làm sao tôi khỏi sầu não. Ước gì ông ta không có mặt tại Cổ Loa này!

MỊ CHÂU: -Thương thay phu quân của thiếp! Thiếp xin vì chàng mà tâu nài ân sủng của phụ vương.

 

                                                                           MÀN

 

Khải Nguyên
Số lần đọc: 2133
Ngày đăng: 30.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Iram, Thành đô cột cao ngất -1 - Kahlil Gibran
Iram, Thành đô cột cao ngất -2 - Kahlil Gibran
Con đường máu -1 - Sâm Thương
Con đường máu -2 - Sâm Thương
Con đường máu -3 - Sâm Thương
Diễn từ của cái chết - Nguyễn Viện
La-da-rô và người yêu dấu - Kahlil Gibran
Kịch thơ Thành Taberd-1 - Bùi Chí Vinh
Kịch thơ Thành Taberd-2 - Bùi Chí Vinh
Kịch thơ Thành Taberd-3 - Bùi Chí Vinh
Cùng một tác giả
Tĩnh vật (truyện ngắn)
Sông Phố (truyện ngắn)
Vào Hang Bắt Cọp (truyện ngắn)
Mây Núi Sapa (truyện ngắn)
Không đề (truyện ngắn)
Phận (truyện ngắn)
Nợ trần (truyện ngắn)
Li hương (truyện ngắn)
Dây Mơ (truyện ngắn)
Thiên Truyện Bỏ Dở (truyện ngắn)
Giấc Mơ Bọ Ngựa (truyện ngắn)
Cái hạt (truyện ngắn)
Hoàng hôn pha lê (truyện ngắn)
Nụ Hôn Muộn (truyện ngắn)
Ông Nọi (truyện ngắn)
Truyện Khó Đặt Tên (truyện ngắn)
Lần Vết Giai Thoại (truyện ngắn)
Chim Gõ Kiến (truyện ngắn)
Tìm Dâu Thảo (truyện ngắn)