Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
899
116.625.074
 
Thân phận của thơ…
Khổng Ðức

( phỏng dịch ý  của Maulpois)

 

Bài thơ là một nhận thức được tạo bằng những hàng gián đoạn. Những trớn đi và những đứt đoạn xác định chiều hướng của thơ. Những thứ xung động và ngắt đoạn tạo thành nhịp điệu. Nhưng viết cái gì, nếu không trở lại vấn đề vừa nêu. Hằng trăm lần đặt vấn đề về nghề nghiệp và mẫu mực. Lại áp dụng cây bút với trang giấy. Cho đến khi ý nghĩa dệt thành hình ảnh.

 

Tôi nói trử tình là động tác chỉ sự cất cánh bay lên hay rơi chìm vào hố thẳm. Sự bướng bỉnh và điên điên lẩn trốn trong cuộc chạy đua trồi lên và tiếp tục trong sự khập khễnh. Tôi gọi đó là sự nhận thức, rằng nó  đã què như con hải âu trong trần thế.

 

“ Đó là cánh cất lên và đáp xuống”, như Victor Hugo từng định nghĩa thi nhân. Là “chiếc cánh cất lên bay rồi chìm xuống”, họ là cuộc hành trình zic-zac ( hình chữ chi) đưa đến miền lý tưởng hay hố thẳm, và không bao giờ đúng trạng thái chính xác của chúng, mà luôn luôn hướng về giữa kẽ, xuyên qua những khúc quanh rắc rối. Nhà thơ luôn luôn hoài nghi sự nhận thức..

 

Nhà thơ là những người đi và đến với ý nghĩa của vấn đề xuyên qua sự phấn khời và u sầu. Những người đầu tiên tìn vào sự nhận thức, trong khi họ là nạn nhân của sự lạm dụng ngôn ngữ, và về sau phải trả giá cho sự khờ khạo đó. Những người vừa tin đó lại vừa nghi ngờ ngay. Những  người tự tạo cho mình những thần tượng rồi xóa bỏ ngay những hình tượng đẹp đẽ đó.

 

Đối với Holderlin, Philoppe Jaccottet viết:“ Say sưa sáng tạo, nhưng cánh đại bàng không đáp trúng  lô của ông ta, mà là bay và rơi xuống, rồi bay với cánh bị thương và cuối cùng là nằm bẹp xuống đất”. Nhà thơ ngày nay đã thay thế chuyện cất cánh bay bổng bằng cách lui về ẩn nhẫn như Mallarmé, làm như con nhện tẳn mẳn dệt nên một màn tơ – không phải bằng đôi chân ngờ nghệch mà bằng đôi tay trên trang giấy trắng với những hàng chữ đen.

 

Bài thơ được đưa ra, thường là tự làm cho tối tăm, với cách thức  chúng ta không thể nào hiểu được. Nhưng đó là sự nhận thức của thi nhân, trong cái nhìn tình cờ họ mang lại cho chúng ta, hay họ cung cấp cho chúng ta cái điều chúng ta không thấy được. Trong cung cách ấy thường là họ dệt nên những chất liệu của cuộc sống bình thường của chúng ta (những cảm xúc, tri thức, những xúc động), vấn đề là nó hiển hiện bằng hình ảnh. Nên bài thơ là danh xưng  của hình thức hé mở. ở đó ý nghĩa ra vào.

 

Sự nhận thức và bổn phận của nhà thơ là nắm bắt mối liên hệ, giữa thời gian hiếm hoi hay phức tạp; sau những trạng thái nội tại, mang theo ý nghĩa của nó là mong được dàn trải ra, đơn giản hóa vũ trụ.

 

Chụp bắt tất cả sự vật hiện trên màn tơ của nó. Ngốn ngấu đối tượng  hay là  chụp lấy cơ hội mắc vào bẩy của ngôn từ, tiêu hóa nó đi rồi sản xuất những sợi tơ, đó là những vần thơ. Dệt đan với cả cơ thể, bằng cách tham dự vào những sự vật của vũ trụ, hòa tan bằng nước bọt những từ ngữ, tạo thành một màn tơ mới, với những đối tượng khác, những con mồi khác, và những màn tơ khác.

 

Sự vật trong thơ (la chose) không còn là manh múm của chất liệu chết, lạnh nhạt tách rời. Mà nó trở thành một sự việc của ngôn ngữ, một cách thức đặc biệt đặt các từ bên nhau. Khêu gợi  ra hơn là chỉ định, sự gợi ra là mang đến cho nó “ một sự vật khác” mà sự bận tâm chính là  đối tượng của thơ.

 

Nắm lấy mối liên hệ không phải chỉ làm việc nối các sự vật lại với nhau bằng sự so sánh, mà chính là tạo ra sự hiển hiện trên cái nền trống không hay những chốn xa xôi như là nó đến để duy trì cho chúng ta  điều kiện và mang ý nghĩa ẩn ngữ, ngay cả khi nó hiện diện.

 

Nếu nhà thơ hiện đại dệt màn tơ của nó trong những góc chết (tối) của thời gian, điều đó  không phải là nó chấp nhận sự bất lực và buồn nản. Nếu công việc làm cho nó trủng nhủn xuống co rút lại với hơi hướm trử tình, thì nó mở ra mối liên hệ giữa cái trần thế của chúng ta với cõi cao xa trên kia, cũng không hẳn đó là sự sai lầm, mà đó là sự trì hoản, treo lơ lửng như một mạng nhện, đó cũng là bài thơ  run rẩy trong hư không cái đó nó cung cấp một chất liệu và một cơ cấu, thậm chí cả một đồ hình.  Bài thơ đưa ra cho chúng ta nhiều cơ hội. Nó phác họa cuộc sống của chúng ta, không phải chỉ lưu ý đến những khung cảnh quen thuộc, nhưng nhất là chỉ rõ khoảng hư không, nơi mà chúng ta di chuyển trong đó, ánh sáng, sự im lặng, ẩn ngữ, những vấn đề không thể giảm bớt, không thể chế đặt ra một cách ương ngạnh cố chấp như màu xanh của da trời chẳng hạn. Không phải bực bội vì khoảng trống mà bài thơ làm nổi bật nó ra, và lấy đó làm chỗ dựa. Nó tiếp thu sự xung động và đề xuất nhịp điệu. Bài thơ là bức vải thủng lỗ, mà chức năng không phải để hóa trang cho đời ta mà chỉ để chứng tỏ có thể mặc vào cơ thể, cởi ra khi nóng và sự mỏng manh của nó. Theo Dominique Fourcadfe, bài thơ là  một “mảnh vải rách tả tơi”, nó như tấm mạng nhện. Thật vậy, đó là tấm mạng quái lạ, bế mặt của nó nhiều trống trải hơn là đầy đặn. Không thể thiếu chất liệu của khoảng cách. Cũng như nói rằng sự ngưng lại là để thêm vào sự nhận thức chính của bài thơ, cũng như chứng minh trò chơi cắt đứt hay biểu hiện bằng hình ảnh với đối tượng thiếu thốn, sáng tạo  những liên hệ mới.

 

Bài thơ là một trang của ngôn ngữ, nó biết những ham muốn và  khuyết điểm của chúng ta. Nó nói với cây cỏ, nhà cửa, nước non…, với tất cả sức lực của nó làm cho sự vật đó trở nên thành hiện hữu; nhưng thực tế nó luôn luôn không thoát khỏi sự lo âu là nó không hiện hữu.

Bài thơ là cái nhìn nhấn mạnh về sự tiếp tục hướng về nơi không thấy cái gì cả. Nó là con mắt mở to về cái  không thể thấy được cũng như những sinh vật, những đối tượng của thế giới gần gũi. Cái nhìn đó là hành động của bản năng trời cho (l’instinct de ciel).

 

Về ánh mặt trời, không phải ở nơi ánh sáng của nó, mà chính là ánh sáng như dán dính trên trần nhà của phòng khách. Cũng như ánh sáng của ngôn ngữ được rực sáng trở lại nơi vần thơ. Thơ là dấn thân trong sự biến mất để rồi mở ra sự hiển hiện chính xác. Nhà thơ ra sức bới đào cái tự ngã và bới đào ra thơ…Kẻ nào  đào tự ngã đến thành vô ngã. Điểm chân thiết nhất cũng là điểm vô danh. Cái trung tâm tối tăm khắc khổ ấy cũng chính là tình yêu mà nó hằng bận tâm. Vì vậy mà Baudelaire kết luận bằng hai câu thơ trong Les Fleurs du Mal (ác hoa) “ Plonger au fond du gouffre Enfer ou Ciel, qu’importe?, Au fond l’inconnu, pour trouver de nouveau” ( Lặn ngụp vào hang sâu, bất kể là địa ngục hay thiên tào,

Chính trong đáy vô tri ấy mới tìm thấy được cái mới lạ.)

 

Chính Rimbaud cũng khẳng định: “Tôi sa đọa hết mình vào cuộc sống trụy lạc”. Và  Apollinaire reo lên :” mất đi, mất đi thật sự, để chỗ cho sựm kiếm’. Hay nói như  Marina Tsvetaeva: “ Tự tiêu hủy đến phân tử cuối cùng thì nó sống lại, ở đó thế giới xuất hiện.” Hay nói như Paul Celan : “lia nó xa ra, lia nó xa ra, để rồi có bông hoa mới”.

 

Nói chung là nhà thơ phải dấn thân trong cuộc tranh chấp với ngôn ngữ và sự nhận thức để tìm ra hình ảnh của sự vật. Hay có thể nhìn thế giới như Rimbaud : đang trong cơn chóng mặt, không còn ở nguyên trạng thái, mà như đảo ngược, hủy phá; nhưng đó là hình ảnh với những dụng cụ như áo cưới.

 

Buông thả tất cả ( lachez tout) giải tỏa cái giá trị thông dụng của ngôn ngữ và đem lại cho nó bằng ánh sáng tiềm tàng. Dường như nhà thơ đạt đến điểm tiếp xúc kín đáo cái hữu thể chính của nó và ngôn ngữ ( son être propre et du langage). Bài thơ không phải là ngôn ngữ bình thường kéo dài ra một cách đơn giản. Tất cả đều khác đi là sự hổn loạn và tốc độ. Ỳ nghĩa của từ tối đi, và ngôn ngữ như mất mát, để cho ngôn từ (la parole) tự lặp lại bằng sự  xuất hiện của nó; tương tự như sự xuất hiện đầu tiên của tiếng nói con người trên thế giới.

 

Theo Rilke thì điều kiện của nhà thơ là phải gieo mình xuống hang sâu của hữu thể; và rơi vào hang sâu là hành động cao cả. Rơi là rơi vào tự thân (en soi), như rơi vào hang sâu, nhà thơ không làm gì khác hơn là tiến bộ hóa bằng tái sinh; nó giống như hành vi đưa chúng ta vào đời…Nhưng sự rơi rụng như vậy  không khác gì sự sinh ra, sự trừng phạt, thiên thần rơi khỏi thánh địa (Không lạ Lý Bạch coi mình như tiên đi đày) Nhưng sự rơi rụng lần này là phủ nhận (chute renoncante), nó chọn sự về nguồn, ở đó để chữa trị. Nó bao hàm sự phóng khí tự ngã, sự ưng thuận là thăng hoa sáp nhập thành khác biệt. Bài thơ quay về với sự rơi rụng  bằng cách thăng thiên. Hay đơn giản là đứng thẳng với cái gì đã băng hoại. Xuyên qua sự gảy đổ và quá độ, nó tìm được một tư thế vững chải thích đáng.

Hay nói như Jacques Sojcher trong La Démarche poétique. Chỉ có thể viết lách là sau khi  học tập dấn thân nghiêm túc trong sự biến thái để mượn đường mà quay lưng lại. Học tập cách thế đối với đời, cũng như thể người ta phải rời bỏ nó. Vì thế giới không phải ban bố cho  con  người khi nó sinh ra. Cũng không phải đó là cuộc đời của nó. Nó phải học hỏi và tìm kiếm ở đó.

 

Bài thơ không phải là cô giáo hiền hòa, mà là một học sinh vừa chăm chỉ vừa nghịch ngợm. Nó là người muốn học hành, nhưng cũng là người không chịu ngồi yên một chỗ.

 

Biết bao tác phẩm phát sinh trong sự quay về yếu đuối với sức lực đã vận dụng không cùng hay là chịu thua sau khi cố chiến thắng. Như Mallarmé  hết sức vận dụng một cách cố chấp chỉ mong muốn bài thơ của mình khi thành hình phải là một “bảo vật trong thánh đường tư tưởng” nên đã trằn trọc bao đêm, mơ màng tìm kiếm ý tứ và từ…. Nhưng rồi thất bại, mọi sự tìm kiếm chẳng đi đến đâu, tuy nhiên qua công tác “ đải sạn tìm vàng” lại đưa ra một bài thơ khác là Hérodiade cũng không phải là tệ. Valéry cũng vậy, vùi đầu với ý thơ Jeune Parque chẳng được, cuối cùng bài Charmes lại ra đời hoàn hảo. Tóm lại được bồi dưỡng  bằng giấc mơ huyền ảo, nhà thơ trở thành thực tại. Không có thi tính nào mà không  mượn hình thức từ sự ảo tưởng, cũng như không có một nhận thức nào không trải qua một cơn khốn khó. Theo Valéry , Fête de l’intellect (lễ hội của ngộ tính), hay Débâcle de l’intellect ( ngộ tính tan rả) với  Breton là tiêu thụ và hoang phí. Nó tiêu xài không tính toán và hủy diệt tất cả tài nguyên. Nếu sự đổ vỡ trở thành hành vi cao cả, nếu nhân phẩm của thi nhân đào bới nhắm vào sự biểu hiện chiến thắng  thích thú của kẻ cất cánh bay lên. Nếu bài thơ nhằm lấy lại sự biểu hiện của Jaccottet (nhà văn Thụy sĩ hiện đại viết tiếng Pháp )là “ca hát ở trần thế” hơn là được phong thần; nghĩa là đảo ngược lại cái lý tưởng của Platon, như xa xưa được mời dự vào phong trào vượt qua sự cuồng nộ để đến sự trầm tư về cái đẹp với kẻ đã bị giáng truất trong chất liệu. Nhưng như thế nghĩa là liệt bài thơ có sứ mệnh làm xáo trộn, có thể làm sa đọa, đối nghịch giữa tâm hồn và thể xác, bằng cách thiết lập, noi gương bất chính của thần  Hermes, một sự kiên trì qua lại giữa cái thế giới, ở đó chúng ta đang sống và tất cả cái gì không quay về phía chúng ta. Giữa cái thấp lè tè và cái cao cả, giữa cái chết và cái vượt qua, nó thiết lập cái hệ thống chính của nó hay bố trí sự phù hợp đường ngang đường dọc, thậm chí nó bảo đảm sự chuyển biến trái nghịch nhau. Ở đó triết học phát huy chức năng trên cơ chế quan niệm, xây dựng trên sự đối nghịch các phạm trù. Bài thơ dấn thân trong sự nhảy múa của ngôn ngữ, và không thôi kéo dài sự nghịch lý, đem đặt nó trong trò chơi của cơ chế hình ảnh nghịch dụ (oxynorique).

 

Cũng không có gí phải ngạc nhiên về sự hiện hữu hình thành của thi nhân, tự nó cũng là những đường bẻ gảy. Hăng say và sầu thảm, phát nhiệt và lạnh lùng. Đi và đến không ngừng giữa trong và ngoài của căn phòng. Tình sử vô cùng phức tạp. Bay cao, rơi rụng và què quặt. Nhà thơ là danh xưng của chủ thể tự bẻ gảy và tái sinh từ tro tàn. Thi nhân, kẻ sống của hình thức lạ lùng đã thành hình thức vĩnh cửu, vì nó đã vượt qua lắm thảm kịch và rồi biến mất khi tự nó gây ra. Cuộc đời của nó đi vào cường độ, khởi hành và quay về, tập trung và bốc hơi…

 

Cứu cánh của bài thơ không bao giờ thích đi vào quỷ đạo của nó. Kiến thức mà nó đưa đến không phải là thử nghiệm mà nó thiết lập. Khí lực của bài thơ  dù sao không phải nằm trong cái kỳ diệu, nó hằng phản ứng, mà là  tính nội tại sự hiểu biết của chính nó. Giải thoát chúng ta, không phải thượng đế, bản năng  trời cho, không phải tự vệ, bất chấp tất cả, lời hứa không phải tiếp tục hướng về tối tăm, mà là huớng về cái đẹp hơn.

 

Thơ không phản đối sự đơn nhất, sự phiền phức, nhưng ý nghĩa luôn luôn là sự đột khởi, không ngừng dấn thân  vào giữa các phạm trù đó bằng cuộc sống và ngôn ngữ. Vậy hình ảnh làm gì, nếu không đặt nó vào trò chơi luôn luôn có sự liên hệ và tranh chấp. Phải chăng là ở chỗ cái đơn nhất cũng chuyển động và biến đổi trong thơ. Một vị trí ở đó cái phức tạp cũng được khai triển và tự an bài để không bị khí lực đơn nhất đè bẹp.

 

Thơ, nói cho đúng nó có chức năng của “tình cảm chọn lọc”, nó thờ ơ với những phạm trù của nó. Nó không phải lý luận mà là đối thoại. Nó không phải sự việc của nguyên tắc mà là những tình  huống. ngôn từ của nó không phải là nhận thức mà là thân phận của cuộc sống. Thơ còn lại là công việc của người viết ra nó với sự hôn mê của nó. Thơ không thuộc vào sự qui định của một triết gia nào, chỉ thị bổn phận của thi nhân cũng như cho thơ. Rốt cuộc đôi khi thơ còn chống lại triềt học. Công việc của thơ thực hiện – giống như triết học – là trung tâm của ngôn ngữ, ở đó nó được bồi dưỡng những mâu thuẩn và những mù mờ mà triết học học bám vào để giải quyết, rút ra những năng lượng chính cống chống lại nó mà tự nâng nó lên. Thi ca có thể trong những dụ hoặc, thường là lạm dụng  ngôn ngữ, ở đó một hữu thể giữ vai trò tiếp xúc với cái ký tích và lo âu, và giữ chúng gần gũi nhau. Trong những từ ngữ sai lầm, cũng như trong sự thái quá. Ở đó tôi đi tìm kiếm, và tìm mãi không ra, ở đó tôi tìm cái điều mà mình không biết là tìm kiếm. Thơ, sự tập tành, sự giáo dục cũng như đánh mất kiến thức hiểu biết bằng những đường gảy, phơi trần ý niệm sống , và không có gì ngoài  Nó.

 

*

 

Cuộc sống con  người được thiết lập bằng những động tác và yếu tính, định vị và lưu thông. Chúng ta đi và đến ( qua lại) giữa cái bên trong và bên ngoài. Dục vọng xua chúng ta ra ánh sáng, như bầy ong trong đồng cỏ xanh để thu thập đủ thứ; tư tưởng lại đòi chúng ta hãy bám trụ vững chắc. chúng ta ở trong một đoàn thể, một thời kỳ, có lịch sử, chúng ta tích trử những  kỷ niệm, bảo tồn những kiến thức, chúng ta tạo một hình ảnh, một tiểu sử, một thân phận. Nhưng rồi thời gian mang chúng ta đi, và thường là xóa nhòa chúng ta. Trên thực tế, mối liên hệ giữa tổ ong và cái nhà rất phức tạp. Nó không phải chỉ là hai khía cạnh, hai định đề đối nghịch  như bên trong với bên ngoài, hay phút chốc thoáng qua và sự liên lỉ kéo dài.

 

Nếu còn khát khao nơi cư trú, sự xây dựng và thiết lập, chính là vì nó có ý thức sự tạm bợ. và nó không yên tâm ở trong một căn phòng , đó là vì cơn sốt của di động, nó là sự phản ứng  và phản bác lại mối lo âu chết chóc. Hãy cho rằng hai khía cạnh chỉ là một và ở yên là điều kiện của chết chóc, với chúng ta cũng giống như đi và ở. Mỗi người tự mang trong người ngôi nhà tự động, nó là giấc mơ hay là tư tưởng. Mỗi người luôn luôn quẹo theo hướng  từ ngoài vào trong, hay phóng chiếu về hướng nội tại của bản chất thế giới. Trên mặt đất con người không được chấp nhận như cây cỏ, cũng không được tự do bay lượn như côn trùng  hay chim chóc. Nó không phải là con vật, cũng không phải là thượng đế, nó chiếm tất cà sự vật trong môi trường. nó cư trú trong thế giới với sự diễn xuất và biến đổi, và nó muốn để lại dấu hiệu vết tích của nó trước khi tan biến. Chính vì vậy mà nó  có ý định cư trú ở đó.

 

Cuối cùng thi nhân cũng chỉ là một người như những người khác, có thể sành sõi lão luyện trong bước đi khập khễnh, giữa bên ngoài và bên trong, sử dụng ngôn ngữ như cái nhà tự động. Ở đó vừa di chuyển vừa cư trú. Tả tác là giải pháp đặc biệt để gia nhập thật chắc chắn vào hoàn cảnh chia xẻ của chúng ta. Tả tác là cử động cũng như tự cố định. Ngôn ngữ  nhặt lượm những dấu vết, những kiến thức trầm tích, duy trì những cảm giác thoáng qua. Nó mở những căn phòng ký ức, thậm chí cho tiếp cận với những bảo tàng, những thư viện, nó là những tác phẩm khác xuyên qua đó mỗi người tự xem lại cuộc đời của chính mính. Vậy ngôn ngữ là nơi của số phận chúng ta. Nhưng nó cũng trở thành sự lưu thông , sự náo động ở trong thơ, những phù hiệu ấn ký thành nhịp điệu và để lại những hoạt động  của tất cả sự hiểu biết và thời gian đặt để trong chúng ta.

 

Platon từng định nghĩa nhà thơ giống như sự vật nhẹ nhàng, có cánh, có tài, cảm hứng , có khả năng nói được đủ thứ. Có thể nói như một con ong , bằng mọi thứ tạo ra mật. Giống như một con ong cũng di động chăm chỉ, nhà thơ ra ngoài ánh sáng, lui tới trên những đối tượng  hay những sinh vật, rồi lại quay về trong cái tổ tối tăm là phòng văn của nó, ở đó nó cặm cụi với bình mực, với sự tối tăm, biến những phấn hoa tình cảm thành một thứ mật , người đời gọi là THƠ.

 

Mallarmé đã viết trong bài Divagtions (lời vớ vẩn) những câu :

“ Bình mực thủy tinh  như một ý thức, từng giọt, trong sâu xa, chỗ tối tăm tương đối có cái gì như là: múc ra, né tránh ánh đèn.”

Những câu thơ tạo ra là những  ngôn từ mỏng manh, với những bức tường mái nhà, những cửa sổ mở toang ra cho chúng ta nhìn xa. Nó cũng là những mái nhà, những con ong: nó có phận sự tạo ra những khu vực, những bộ phận thành hình cho chúng ta.

 

Thi nhân thường thay đổi tư thế. Trước tiên là người đi bộ. như Orphée chạy nhảy ở đồng quê, như những người hát rong, hay những nhà thơ trử tình ở phương Bắc đi khắp các nẻo đường, như J.J. Rousseau từng xuyên qua núi Alpes, hay lê lết như Rimbaud đau thương với đôi giày mòn vẹt trên đường….Tiếp theo là con người giam mình trong phòng căm cúi như Mallarmé trước trang giấy trắng, hay tự giam mình như Baudelaire, một giờ vào mỗi buổi sáng, để viết đôi vần thơ đầy cảm xúc hầu chuộc lại một ngày qua đi.

 

Xuyên qua hai hình ảnh: con người đi bộ và con người trong phòng , đó là  hai quan điểm thơ đối nghịch nhau, một bên ưu đải và cảm hứng từ thiên nhiên, một bên ưa chuộng  sự kham khổ từ công việc và ngôn ngữ; một bên khoáng đảng tưởng tượng , một bên ẩn náu trong thâm cung định mệnh. Nhưng sự tương phản như thế rất đơn giản. Nó không hiểu rắng  tất cả thực tại nằm trong sự cà thọt chân thiết giữa bên trong và bên ngoài, giữa sự gần gũi và xa xôi, đó là chữ viết ( văn tự). trước khi chạy khắp đồng quê khóc lóc, Orphée đến với người chết, trong những  nghĩa địa tối tăm. Về những kẻ hát rong  của thời Trung cổ, họ sáng tạo những bản trử tình tao nhã, chính là gắn liền với sự phục vụ triều đình. Cuối cùng  Rimbaud, một chân chống đở với con tim, bên lề đường là nơi cư trú, hay thiết lập những trà đình  xanh để viết những vần thơ dài dòng. Tất cả thơ, có thể nói là một cuộc hành trình hay chốn dừng chân, một mảnh ngôn  ngữ xao động nhịp điệu, nhưng cố định trong hình thức, một mẩu  người  lay động, một mẩu người căm cúi.

 

Khi nào có thơ và thơ ở đâu? Nơi cư trú được thiết lập như thế nào, ở đó có sự quân bình, cuồi cùng là gần và xa. Nhìn kỷ hơn thì không có gì khác giữa cách thế cư xử quen thân của nhà văn với hình thức  những bản văn của ông ta. Những thơ của Mallarmé giống như phòng khách của ông  (salon) ở đường Rome; cũng với những bức rèm, những tấm gương,, những chén bát, những giá đèn, trò biểu diễn của những tấm kiến, những đỉa tàn thuốc, của mỗi thứ ba… Đó là một vũ trụ kín đáo và đầy phản xạ. Thơ của Verlaine thì lẩn trốn bệnh viện bằng các quán cà phê hạ cấp, từ đó nó không  ngừng hé mở ra một khu vườn nhỏ. Tự giao phó số phận trong giòng không khí luân lưu, nó đi đây đi đó giống như chiếc lá nổi trôi không cố định  nơi nào.

 

Những hình ảnh mà chúng ta tìm thấy trong các bài thơ, chúng ta có thể đồng hóa chúng với những  ưa thích đặc biệt, như phòng đọc  nhỏ của Du Bellay, cảnh vườn của Ronsard, Charmettes của Rousseau, Hồ của Lamartine, cầu Mirabeau của Apollinaire,v..v…Mỗi nơi trong những địa điểm kết tinh thành một tư thế tình cảm hay tinh thần, thiết lập điểm xuất phát nơi đạt đến, một  ngọn suối, một tài nguyên, nơi tập tành thể dục, một ngả tư, nơi bìa rừng, chốn  ngưỡng cửa… Bởi vì bài thơ luôn luôn hỏi han và tái tạo hình dáng, ý nghĩa của số phần, nó không thể đi qua những nơi chốn, ở đó định mệnh hòan thành. Như địa chấn ký, nó ghi chú những rung động trong đầu hay trong tim nó lay chuyển nơi cư trú mà chúng ta cố gắng  lặp lại để chúng ta vạch  giới hạn. Nhà thơ là người đương đầu trực tiếp trong ngôn ngữ với ẩn ngữ của thân phận chúng ta.. con người thường  bao quanh những sách vở. thành một phòng văn, hay phòng  nghề nghiệp  gần nhất là cái giường để ngủ, cái bàn để ăn uống và toilette để rửa tay rửa mặt… Phòng văn cũng là nơi của tình yêu và ngủ nghê. ở đó sự ham muốn làm trong bóng tối, và ở đó sự cảnh giác chăm chú theo giỏi nhường chỗ cho vị trí tưởng tượng. chính ở trong đó tất cả sự thân mật đổ vào bên trong cái cơ thể ấy mà bùng nổ ra ngôn từ, có khi nó  lia  bình mực ra xa, có khi nó lại kéo về với nó.

 

Trong cơ thể ấy là ngôi nhà, nó có quả tim là phòng, và trong phòng  ốc sẽ có một cơ thể nữa là thi nhân, nó cũng có tâm tạo nên tư tưởng , tình cảm, và mộng mị… Văn tự là sự hàn gắn tâm hồn với cơ thể, sự hiện hữu nhiều con cái. ở đó cái bên trong và bên ngoài tự khắn khít với nhau, ở đó cái ngã và cái khác gặp nhau trên một  nấc thềm, và ở đó sự thân thiết dấu kín trong bao la, trong gần gũi nhất mà cũng  xa xôi nhất.

 

Bài thơ đến lượt nó phác họa những vẻ mặt và những  cơ thể trong cái cơ ngơi của ngôn ngữ. Nó phóng chiếu và vẽ trên bề mặt của trang giấy trắng  công trình kiến trùc phức tạp ấy. cư trú nó là sự đo lường  căn cứ theo ký ức. Với nó cái gì thoáng qua trong đời là thiết lập ngay mà không cố định. Những  xúc động, những tri thức, những cảm giác đều tìm thấy được khép vào trong một khuôn khổ để chuyển đi – càng hay, nó tạo nên nhịp điệu, hình thành ngay âm thanh và ý nghĩa đưa vào tác phẩm, làm dội lại những cảm xúc mà nó đã gây ra, Đó là một thứ ký ức như một sự kích động cố định và tái sinh, ký ức của thứ vũ khí làm gạch nối với tâm hồn ban cho vẻ đẹp thoáng qua.

 

Và bài thơ là một sự đo lường, vì ở đó sự cảm xúc và trừu tượng tỉ lệ với nhau, như phần của ý niệm và chất liệu. Tất cả đối tượng  thực tại dính liền với phi thực. Điều quân bình tình cờ giữa cái khả năng và không khả năng, tất cả hình ảnh trong thơ là trạng huống  treo lơ lửng  giữa ảo tưởng và thực tại. Như thế cái tôi có được phép cư trú trong cái tự thân không mà nó không duy trì được.. Từ cái mê cung ấy mà chế tạo ra bản đồ. Điều chỉnh kích thước của ngôn ngữ, nó lãng quên chủ đề, và đối với những hiện tượng  mà nó xây dựng  lại liên tục, nó cố gắng điều chỉnh  trạng huống biểu hiện.

 

Nếu bài thơ là nơi cư trú thì cũng chính là nó đóng góp thêm  vào ngôn ngữ với cách thức như ngôi nhà thêm vào trong phong cảnh. Nó là sự  kiện ngôn từ hiện hữu ở ngoài nó nhưng  lại bố trí cách khác. Vật liệu ấy là những từ ngữ, nó kết nối chúng lại tùy theo sự tưởng tượng  và nhịp điệu của nó. Một cách ẩn dụ, nó đập vào cửa, vẽ những hành lang, đào những giếng và hầm, mở những cửa sổ, thêm diềm màn, và đồ đạc bàn ghế. Ở đây có đôi ngừơi trong số những nhà thơ hiện đại như Edmond Jabès “tôi dựng nơi cư trú của tôi”;Yves Bonnefoy trong Le leure du seuil (sự dụ hoặc của ngưỡng cửa), và Jacques Dupin : một cửa nhỏ thông gió (Une apparence de soupirail).

 

Và nếu bài thơ là nơi cư trú cho ý nghĩa, nó cũng là chỗ ở cho ngôn ngữ. Một hồi ký và một kinh  nghiệm của con người chống lại sự lảng quên. Một ngôn ngữ muốn tồn tại mãi và mới mẻ, phải đặt nó vào trò chơi của công việc hình ảnh, những kết hợp mới. Làm một bài thơ cũng như xây một tòa nhà phải biến cách, phù hợp một cách  bác học và khéo léo theo qui luật và phá qui luật, hầu đặt độc giả và khán giả và người quan sát một sự xúc động không kiềm chế được.

 

Người ta nhận thấy rằng nhà thơ là khách cư trú biến đổi. khi nó không còn sức định cư thì nó đi đến chỗ ở khác, như nó không thừa nhận chỗ ở thực tại thì tạo một nơi ở ngoài và luôn luôn tìm kiếm  chế tạo một chỗ ở tốt hơn. Nhà ở của thi  nhân là ngôn ngữ, chứ không ở đâu hết. Vì ngôn  ngữ là khoảng giữa của âm thanh, nó có thể đi qua lại lui tới. Nó tạo những  ngôi nhà trong ngôn ngữ mà không đến được trong thế giới. Nó không như họa sĩ hay điêu khắc gia trực tiếp gắn liền với công việc trong xưởng. vì thế mà Rilke ham muốn sự vững chắc và tập trung của Rođin.:

“ Nó có cả cơ ngơi của bóng tối, chỗ ẩn núp yên tĩnh của căn nhà nó có cả bầu trời ở trên, xung quanh là khu rừng, khoảng khoát và trước mặt nhà là con sông.”

Rilke không có nhà, hành trình đơn giản  là luôn luôn gặp gỡ nội tại. Nhưng Baudelaire lại khẳng đinh: “Sự phân tán cũng như tập hợp, sự bốc hơi và hội tụ của tự ngã tất cả là ở đó.”

 

Và Rilke cũng xác nhận trong Elegie “chỗ cư trú chính của thi nhân là sự cô đơn”, ở đó đặt để những phấn hoa của mỗi ấn tượng, mỗi mầm mống của tình cảm, ở đó cái hữu hình chuyển hóa thành vô hình. Nhà thơ là con ong chính vì vậy mà nó phóng ra ánh sáng, cho đến khi biến thành lý tưởng, lấp lánh ánh vàng thiên nhiên; điều mà Rimbaud hằng mơ tưởng, muốn dùng năng lực của mình áp đảo tất cả cái ở  bên ngoài vào trung tâm tích lủy rồi phân tán. Thậm chí đưa từng “găm” bản chất từ bên ngoài vào trong guồng máy phức tạp của ngôn ngữ hầu ban phát ra ánh sáng. Cuối cùng là dựng thành tường cho nơi cư trú đầy cung kính, mở rộng dành cho tất cả gọi là THƠ./.

 

Khổng Ðức
Số lần đọc: 2428
Ngày đăng: 19.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tỳ Bà Hành, Bản Dịch của Phan Huy Thực, Một Hiện Tượng Lý Thú của Văn Học Việt Nam Trung Đại - Dưới Góc Nhìn Thể Loại - Trần Minh Thương
Truyện Tỳ bà, từ Trung Quốc vào Việt Nam - Lại Nguyên Ân
Không gian văn hóa trong thơ xuân Nguyễn Bính - Trần Hoài Anh
Tình bạn - Hamvas Béla
Lược khảo : Truyện Tì Bà của Nguyễn Bính - Nguyễn Ước
Không Tưởng và Phản-Không tưởng trong Văn Học - Hiếu Tân
Nguyễn Bính và Tỉnh Giấc Chiêm Bao - Nguyễn Ước
Vốn là thú, ta… - Phan Huy Đường
Nhiệm vụ của thi nhân - Khổng Ðức
Ám Ảnh Mai Trong Thơ Tứ Tuyệt của Yến Lan - Trần Hoài Anh
Cùng một tác giả
Nhân đọc bài (tạp văn)
Bức thư rơi… (truyện ngắn)
Thi Tính Tự Do (tiểu luận)
Khí hạo nhiên (tiểu luận)
Thần tứ (tiểu luận)
Thế giới thơ… (tiểu luận)
Mỹ học tiếp thụ (nghệ thuật)
Con tim nhà thơ… (nghệ thuật)