Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
656
116.545.404
 
Làng gốm đất nung Bửu Long
Trần Anh Dũng

Làng gốm Bửu Long xưa, nay là phường Bửu Long, thành phố Biên Hoà. Làng gốm kề sát với sông Đồng Nai và nằm ở hướng Tây Nam của thành phố Biên Hoà, đối diện qua bên kia sông là huyện Tân Uyên – huyện có rất nhiều tiềm năng để phát triển gốm sứ của tỉnh Bình Dương. Làng gốm Bửu Long nằm kề ngay đò Trạm, từ đây theo đường sông tới Cù Lao Rùa ở phía tây của thành phố Biên Hoà, chừng 800m. Đò Trạm giờ cũng được sát nhập vào phường Bửu Long.

 

Nếu như khởi phát của làng gốm Tân Vạn (thành phố Biên Hoà) là sản xuất lu và hũ sành thì ở làng gốm Bửu Long xưa và nay vẫn chỉ chuyên sản xuất gốm đất nung.

 

Đối với người Hoa, đã sản xuất gốm thì không làm nông, còn làng gốm Bửu Long của người Việt, vẫn theo truyền thống xưa của các làng nghề cổ truyền Việt Nam, làm gốm và làm ruộng luôn song hành với nhau. Ngày nay, ở Bửu Long, những hộ không có ruộng thì đi làm thuê hoặc làm thêm các ngành nghề khác.

 

Làng Bửu Long xưa có một ngôi chùa Việt mang tên “ Bửu Long cổ tự”. Chùa Bửu Long có thể được khởi dựng sau năm 1620, năm mà cuộc hôn nhân của công chúa Ngọc Vạn với vua Chân Lạp ChyChetta II được thực hiện, các cư dân Việt được phép vào khai phá vùng này. Trên một bức đại tự ở gian giữa sảnh đường của ngôi chùa có khắc chữ “ Bính Thìn niên”.

 

Năm khởi dựng của chùa cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho là năm Bính Thìn 1516; cũng có người cho là năm 1676. Tuy nhiên, Lương Văn Lựu trong “ Biên Hoà sử lược toàn Biên” có viết về việc Trần Thượng Xuyên đã cho tu sửa lại chùa và mời sư Hoàng Long về trụ trì vào năm 1679. Như vậy chùa Bửu Long phải có sau năm 1620 và có trước năm 1679.

 

Có làng và có chùa, vậy thì làng Bửu Long xưa phải là một làng gốm kết hợp làm nông, định cư khá ổn định. Song vào thời điểm chúng tôi khảo sát thì Bửu Long chỉ còn khoảng 10 hộ làm gốm.

Làng gốm Bửu Long vốn xuất thân từ làng gốm đất nung Phổ Khánh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Những người di cư vào đây từ những năm cuối thế kỉ 19 đầu thế kỷ 20 đã không có ruộng canh tác. Xin nêu một ví dụ: bà Huỳnh Thị Vân, chủ một cơ sở gốm ở làng Bửu Long, có má là cụ Trần Thị Bưng, theo ông ngoại vào Bửu Long từ năm 7 tuổi. Cụ Bưng kể lại , từ thời cổ, Bửu Long đã có nghề gốm. Đời ông cố của cụ cũng đã không có ruộng và cho đến đời chị Vân cũng vậy. Ruộng đất ngay từ thời ông cố của bà Bưng đã không có vì đã đựơc chia hết từ lâu, chứng tỏ người Việt phải định cư ở đây từ rất xưa rồi.

 

Nguyên liệu làm gốm

Gốm Bửu Long được làm bằng bàn xoay. Đất làm gốm lấy ở chân núi Bửu Long. Đó là loại sét vàng, độ dính cao. Đất mới khai thác về lẫn tạp chất, trong thành phần của nó có cả sét xám, đất trắng, sỏi son, cát mịn. Đất mang về được phơi khô, rồi dùng vồ đập nhỏ, sàng bỏ đi hạt to, đất tạp, sau đó lấy một phần đất bột mịn để làm hồ. Phần hạt to cũng được lấy ra ngâm, lọc lấy nước hồ.

 

Phần lớn đất, bao gồm đất mịn. lẫn đất hạt to (lọt qua sàng) được rải ra rồi đổ nước hồ vào nhào trộn thành từng thỏi trước khi tạo dáng.

 

Cách làm đất này không giống với cách làm đất ở làng làm nồi đất như: làng Hoa (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), làng Hiển Lễ (Mê Linh, Vĩnh Phúc). Ở hai làng này đất cũng được đập, nhưng lại được nhào thành đống to, được thái, trộn nhiều vẫn tạo đựơc độ dẻo, nhuyễn. Đất ở Bửu Long, tự bản thân nó đã có một ít đất sét trắng và cát nên người ta không cần trộn thêm gì.

 

Tạo dáng

Cách tạo dáng đồ gốm của làng Bửu Long cũng tương tự như cách làm của các làng gốm đất nung khác ngoài Bắc: Đất được vê hình con trạch rồi đưa vào bàn xoay theo phương pháp dải cuộn. Muốn làm một đồ gốm, cần lấy đất làm đáy trước (người Hoa lại làm thành trước) sau đó mới vuốt bằng giẻ ướt tạo thành và miệng gốm.

 

Lò nung

Điều đặc biệt là lò nung gốm Bửu Long, hoàn toàn giống với lò nung vôi ở miền Bắc. Lò kết cấu hình trụ tròn đứng, hình chóp cụt, chia làm 2 tầng: phần đốt ở tầng dưới và phần đặt đồ nung ở tầng trên.

 

Phần đốt: hình chóp cụt, so với tầng trên thì được làm rộng ra hơn và nối với tầng trên bằng một bờ đắp đất tròn bao quanh. Giữa lòng tầng dưới là một trụ đất đặc có tác dụng đỡ tầng trên và chia tầng dưới làm bốn phần bằng nhau. Mỗi phần có một cửa lò ăn thông vào tới trụ tròn ở giữa. Cửa lò quay theo các hướng: tây - bắc, tây - đông, đông - bắc, đông - nam chứ không theo hướng chính bắc, chính nam… Mỗi cửa đều phải có đủ 2 hướng. Các cửa có kích thước khác nhau đôi chút. Ví dụ: cửa tây - bắc rộng 42cm, cao 56cm sâu vào trong lò 1,2m. Cửa đông - nam: rộng 60cm, cao 56cm, sâu vào trong 1,1 -1,2m.  Ba cửa có cung tròn bằng nhau, cửa chính trông ra giữa sân có cung tròn nhỏ nhất. Chiều cao của cửa lò cũng là chiều cao của tầng dưới.

 

Tầng trên: hình trụ tròn, trong lòng rỗng, đường kính 2,50m tường dày 39,6cm, cao 70cm, lòng thoa nhẵn, bên ngoài dùng đất sét trộn rơm để đắp. Trường hợp lò nung bị nứt, người ta buộc dây thép đánh đai cả tầng trên và tầng dưới. Một tầng có thể có nhiều đai, giống như cách làm lò vôi, tầng dưới nếu bị sụt có thể gia cố móng bằng đá, gạch hoặc đóng cọc tre, lót phên gỗ để be lại.

 

Xếp và nung gốm

Để nung được gốm, giữa tầng trên và tầng dưới, ngoài trụ đất tròn đỡ bên trong, phần trên của 4 cửa lò được dùng nồi hoặc chậu đã bị thủng đáy úp miệng xuống để làm đường thông lửa, thông khí và để đỡ đồ nung bên trên. Người ta xếp đồ nung không theo thứ tự, miễn là không còn khoảng trống và không xếp đầy một lượt mà xếp khoảng 1/2 lò trước đã.

 

Khi nung, cả 4 cửa đều được chụm củi cùng một lúc. Đốt lửa chừng 30 phút lại xếp tiếp đồ gốm chưa nung vào lò cho đến khi đầy. Làm như vậy để những đồ gốm phía dưới không bị vỡ, nửa sau khi  xếp đầy lò, lấy than trong các cửa lò ủ lên trên đồ gốm ở miệng lò. Từ đây lửa được đốt mạnh dần lên.

 

Sau khi đốt khoảng 12 giờ thì ủ lò 1 đêm, sáng sớm hôm sau có thể dỡ sản phẩm. Khi bắt đầu đốt lò, kiêng kị không được nói tục.

 

Nhiên liệu nung gốm tính theo đơn vị bó. Một lò nung một mẻ hết 15 bó củi. Vào thời điểm năm 2001, giá một bó củi là 150.000đ; Một xe đất nguyên liệu là100.000đ. Sản phẩm được đem bán, hoặc cất bằng cả đường bộ và đường sông.

 

Sản phẩm gốm của Bửu Long gồm: xoong (miền Bắc gọi là nồi) cà ràng, cơi (dùng chụp lên miệng nồi tráng bánh) khuôn bánh khọt, nồi to (miền Bắc gọi là nồi đình) chậu đất…Trong số các sản phẩm trên, chắc chắn cà ràng là loại sản phẩm gốm được tiếp thu kĩ thuật sản xuất. Khuôn bánh khọt, là loại sử dụng khuôn in ấn cũng không có trong truyền thống gốm đất nung Việt Nam.

Một số sản phẩm gốm như nồi có 2 tai giống nồi đồng, chậu đất thành gần như vuông, miệng bẻ ngang là đồ gốm truyền thống của miền Trung. Chậu đất Long Bửu hiện giờ vẫn còn phảng phất dáng chậu của lò Mỹ Xuyên. Nồi đất Bửu Long gần với dáng nồi đồng mà ngày nay cũng không còn thấy được ở các làng làm nồi đất ở phía Bắc. Tuy nhiên chúng lại được bảo lưu tại làng nồi miền Trung di chuyển vào vùng Đông Nam Bộ.

 

Gốm Bửu Long khi nung xong lên màu rất đẹp như: đỏ tươi hoặc màu đỏ gạch, đỏ hồng của ngói.

 

Làng gốm Bửu Long đang đứng trước nguy cơ bị mai một dần. Các kĩ thuật sản xuất cổ truyền của người Việt ở miền Trung cũng có cơ bị thất truyền. Việc nghiên cứu các kĩ thuật sản xuất gốm cổ truyền cùng văn hoá sản xuất thủ công, tập quán sản xuất là việc rất cần thíêt. Đây cũng là một hướng đi góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc./.

 

Trần Anh Dũng
Số lần đọc: 4352
Ngày đăng: 01.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mỹ Xuyên và sản xuất sành ở miền trung qua tư liệu khảo cổ học - Trần Anh Dũng
Các làng gốm cổ với văn hoá ẩm thực Việt Nam-1 - Trần Anh Dũng
Các làng gốm cổ với văn hoá ẩm thực Việt Nam-2 - Trần Anh Dũng
Khai quật và khảo sát các ngôi chùa cổ: Phát hiện di vật của ngôi chùa cổ gần 700 tuổi trên đỉnh núi - Trần Anh Dũng
Tìm hiểu kỷ thuật sản xuất lu gốm - Nguyễn Thị Hậu
Làng Gốm Cổ Đạm (Hà Tĩnh) - Trần Anh Dũng
Xóm Làm Bếp Lò Gốm Làng Phú ĐỊnh (Quận 6-Tp.Hcm) - Nguyễn Thị Hậu
Lò gốm thế kỉ 1- thế kỉ 10 - Trần Anh Dũng
Khu Di Tích Ba Thê – Óc Eo (An Giang) và Vấn Đề Bảo Tồn Di Tích Văn Hóa Óc Eo Hiện Nay - Nguyễn Thị Hậu
Đồ gốm sứ ở cảng thị Ba vát Bến Tre - Trần Anh Dũng
Cùng một tác giả
Làng gốm Hiển Lễ (dân tộc học)
Làng gốm Hương Canh (dân tộc học)