Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
595
116.534.591
 
Tản Bút Qua Hồi Kí Nguyễn Đăng Mạnh
Khải Nguyên

Đây không phải là một bài phê bình mà chỉ là đôi điều cảm nghĩ lụn vụn của một người “ngoại đạo”, chẳng phải là nhà phê bình, nhà lí luận càng không phải.

 

Cuốn hồi kí có những trang đọc khá lí thú cho biết một số khía cạnh, kể cả mặt khuất, về cuộc đời và con người, về chính tác giả nữa, trước hết ở những mặt có liên quan đến học thuật, văn nghệ. Ta được biết con đường mà một giáo viên dạy cấp hai (tức cấp trung học cơ sở hay trung học đệ nhất cấp) trở thành một giáo sư tiếng tăm, cùng những thành tựu của ông. Ta được biết một số chuyện “ít ai biết” trong các lĩnh vực văn nghệ, học thuật, giáo dục,..., cả chuyện riêng tư.

 

Có những chuyện khá “bất ngờ”, tỉ như chuyện ông Lê Đức Anh đi giật lùi trước ông Lê Đức Thọ khi chào ông này ra về mà ông Nguyễn Khải và một số nhà văn khác chứng kiến (Chi tiết này bổ túc bức chân dung mà ông Trần Quang Cơ, cựu thứ trưởng ngoại giao, đã kể trong cuốn hồi kí của mình: Bất chấp việc các vị lãnh đạo cấp cao, trong đó có ông ta, đã quyết định rằng tiếp viên trợ lí thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc chỉ do thứ trưởng ngoại giao mà thôi, còn cấp cao hơn thì không, ông Anh đã tự tiện đến gặp sau khi viên “đặc sứ bắc triều” này tỏ ra tức tối vì các quan chức VN làm việc với y không chịu tuân theo ý của y. Chưa hết, sau đó khi sang Bắc kinh, ông Anh lại hai lần đến nhà riêng y để xin lỗi!).

 

Nói chung, với những người được đề cập đến, ông Mạnh đều ít nhiều khắc họa được những nét riêng, cung cấp nhiều tư liệu có khi thuộc dạng “bí sử” dù họ đều là những người có tiếng tăm được huyên truyền trong giới không ít .

 

Thanh Tịnh là người ít nổi bật trong số đó, nhưng người ta biết nhiều  đến ông qua một số truyện ngắn và bài thơ dễ thương của ông trước Cách mạng, và những bài “độc tấu” của ông trong thời kháng chiến chống Pháp. Ông Mạnh cho là “tuyên truyền cao đến như độc tấu của Thanh Tịnh thì cũng vẫn là tuyên truyền” không phải là nghệ thuật, in thành sách rất dở, và “Thanh Tịnh là một trong những nạn nhân bi thảm nhất của lí luận văn nghệ Trường Chinh”. Thật ra, đây chỉ là những tiết mục đệm trong những buổi diễn văn nghệ hay những buổi họp hành; thường chúng rất được đón nhận, nhất là những lúc khán giả hay cử tọa đã mệt mỏi hay chán những tiết mục nhạt nhẽo hoặc những bài nói khô, sáo,... ; cũng có lúc là tiết mục phục vụ bộ đội tại chỗ bên đống lửa trại hay những khi dừng nghỉ trong hành quân chẳng hạn. In làm tư liệu thì được, chắc sinh thời Thanh Tịnh cũng không coi quá cao. Về cái ý của ông Trường Chinh “tuyên truyền cao đến một mức nào đó thì trở thành nghệ thuật” mà ông Mạnh nhắc đến thì cũng hơi... lùng nhùng. “Cao đến một mức nào đó” là sao? (Và trong vế thứ hai: Nghệ thuật thiết thực đến một mức nào đó thì có tác dụng tuyên truyền.- Thiết thực như thế nào?). Tuyên truyền và nghệ thuật là hai lĩnh vực khác nhau song có thể có những trường hợp nào đó gặp nhau không? Cái này có thể dựa vào tác dụng của cái kia; cái kia có thể phát huy ảnh hưởng sang cái này chăng! Bài La marseillaise của nước Pháp ban đầu là tác phẩm tuyên truyền cho cách mạng Pháp sau trở thành quốc ca Pháp; đó có phải là tác phẩm nghệ thuật không? Bài thơ Đợi anh về của Ximônốp làm để cổ vũ cuộc kháng chiến chống Đức của Liên-xô xưa vẫn được đánh giá cao mãi về sau này. Không thấy nói Picasso vẽ bức tranh Ghécnica do thuần túy cảm hứng nghệ thuật hay do cuộc nội chiến Tâybannha thôi thúc, chỉ biết đây là một kiệt tác (nhưng) mà trong nhiều cuộc vận động (tuyên truyền) chống chiến tranh người ta vẫn nhắc đến.

 

Dương Thu Hương lại là người khá nổi bật. Người ta vốn đã biết đến cái “tiếng” ngang ngược của nhà văn nữ này. Có lần, trong một hội ngộ văn chương, Tô Hoài khoe đã in hơn trăm đầu sách, D.T.Hương cho ngay một câu: “thật là vô liêm sỉ!”. Trong một lần được mời nói chuyện về tác phẩm của mình, trên diễn đàn bà nói không úp mở: “Cuốn Bên kia bờ ảo vọng tôi viết về N. Đ.T.; mà anh ta bảy phần tôi chỉ mới viết một” (Về sau, trong một trường hợp nào đó bà đã chối những lời này). Đọc hồi kí NĐM thấy rõ một DTH đanh đá, ngỗ ngược trong giao tiếp cũng như trong phát ngôn chính thức, và luôn mồm chửi người này, người nọ là “đồ khốn nạn”. Điều này không phản ánh trong tác phẩm của bà: văn phong của DTH cứng cỏi, quyết liệt nhưng không “tệ hại” như ngôn phong. Ngôn phong ấy cùng tính cách ấy có thể là gia vị cho văn phong ấy đối với loại người đọc này, song có thể là cái mùi phản cảm đối với loại người đọc khác. Ông Mạnh nhận định đúng: ở nhà văn này, văn truyện kí không sắc sảo bằng văn chính luận. Song le, do thiên hướng cực đoan (có cả phát ngôn tùy tiện nữa chăng!), khó tránh khỏi những nhận định võ đoán hoặc phiến diện. Chỉ lấy một dẫn chứng nhỏ: như ông Mạnh kể DTH từng cho rằng “Năm điều bác Hồ dạy (thiếu nhi), không nói yêu cha mẹ nên bây giờ trẻ con hư hỏng hết”. Đó có thể cho là sơ suất trong lời dạy thứ nhất của cụ Hồ, nhưng qui cho đó là nguyên nhân của tình trạng trẻ con hư thì chỉ là nói cho “oai” thôi. Trong hoàn cảnh: xã hội thì tiêu cực, tham nhũng tràn lan mà người đời lại vô cảm; gia đình thì mải lo kiếm sống, hoặc lo kiếm chác; nhà trường thì không hoặc khó làm tròn chức năng của mình, dẫu có nhấn mạnh “yêu cha mẹ” đến vạn lần cũng khó mà biến trẻ con hư thành ngoan được.

 

Có ba nhân vật có những điểm nổi bật vừa (có vẻ) giống nhau mà lại rất khác nhau. Đó là các ông Hoàng Ngọc Hiến, Tô Hoài và Trần Đăng Khoa. Giống nhau ở chỗ đều tinh quái nhưng khác nhau ở chỗ: ông thì tinh quái kiểu “triết nhân”, ông thì tinh quái kiểu “ma xó” có nghĩa là biết hầu mọi chuyện của hầu mọi loại người trong giới, ông thì tinh quái kiểu “nông dân hãnh tiến”. Cả ba ông đều rất hay “phán”, mỗi ông phán theo “ngôn phong” riêng của mình.

 

Hình như không thấy ông Hiến khen ai. Những người, những việc nói đến thường được ông ban cho những lời thâm thúy đậm mùi triết lí cay độc, và, như lời ông Mạnh, là những “nhận xét khái quát, mệnh đề chắc nịch, cực đoan” mang tính phán truyền. Chẳng hạn, ông phán người xứ Nghệ “cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc”. Bạn ông, ông Mạnh, khẳng định ông là dân xứ Nghệ nhưng “cái gì cũng biết, kể cả hạnh phúc”; tuy vậy người ta muốn hỏi chính ông về ông, vận vào “định đề” nói trên của ông, cả về những người thân của ông trên đất Nghệ nữa. Đọc hồi kí NĐM thấy Hoàng Ngọc Hiến thích tìm “qui luật”, ví như: giảng viên đại học gồm hai loại, loại động vật và loại thực vật... . Một người học trò Trương Tửu trước đây cho biết vị giáo sư quá cố này từng rất hay đề ra qui luật trong các bài giảng của mình; những qui luật ấy chết yểu. Chẳng biết ông Hiến có hay tìm qui luật trong nội dung các bài giảng của mình không, những “qui luật” ông phát ngoài đời e rằng cũng chẳng thọ, trừ những câu sản ra từ chiều sâu suy nghĩ như khi nói về “văn nghệ phải đạo”. Có vẻ như có những lúc ông theo đà nói cho sướng miệng, chẳng cần biết hậu quả. Như lần ông trả lời phỏng vấn trên Talawas mạt sát và miệt thị nhiều đồng nghiệp, mặc dù phóng viên đã nhắc là sẽ đưa ra công khai đấy; sau đó ông có những lời đúng như người ta tán “sám hối khi tỉnh rượu”. Ông Mạnh vẽ ra một H.N.Hiến ngông nghênh, chẳng sợ ai, song đã có lần ông này khẩn khoản ông kia “Đừng nói với ai nhé!” về một hành động chính trị do bị “xúi dại” của mình. Lần khác, ông “thoát hiểm” là nhờ Lê Đức Thọ cứu (Chuyện này hẳn ông khoe với ông Mạnh nên ông kia mới biết được tường tận). Có một dạo người ta thích những lời phán của H.N.Hiến, nhưng giá ông “điều chỉnh” cách tư duy một chút và tôn trọng đối tượng “mục tiêu” hơn, -không nhất thiết phải điều chỉnh giọng điệu.

 

Ông Mạnh nói về Tô Hoài: “cái gì cũng biết, không gì qua mắt được” “mà toàn thiên về phía mặt trái của cuộc đời, mặt trái của con người”, “tỉ mỉ, thóc mách”, “sành sỏi, lọc lõi”, “tinh quái”, “khinh bạc”. Song, ông có vẻ phục nhà văn kì cựu này. Tô Hoài chỉ cần đưa ra vài từ “rất gọn và đích đáng” để phát hiện ra những khía cạnh buồn cười và làm cho đối tượng nhận xét “lập tức trở thành tầm thường”. Chẳng hạn, bảo “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh chỉ là tập thơ kêu oan. Ông Mạnh cho rằng “kể ra cũng đúng” ở một số bài như bài “Đi Nam Ninh”:

 

Hôm nay xiềng sắt thay dây trói  (Ông Mạnh viết “giây”)

Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung

Tuy bị tình nghi là gián điệp

Mà như khanh tướng vẻ ung dung

 

Một bài thơ hàm ý trào lộng như vậy mà các vị đọc ra tiếng kêu oan thì “tài” thật! Tô Hoài còn biết nhiều điều mà “không phải ai cũng biết rõ”. Tỉ như (ông phán): Vụ Nhân văn-Giai phẩm thật ra là một vụ án chính trị do “hai thằng Tây” xúi giục, “một là Tổng giám mục ở nhà thờ Hà Nội... , hai là tay tùy viên văn hóa của sứ quán Pháp... ” (Ông T.Hoài nhầm, hồi đó Pháp chỉ mới có phái đoàn đại diện tại Hà Nội chứ chưa có đại sứ như ở Sài Gòn) chứ chẳng phải án văn nghệ(!) (Các vụ án “ngục văn tự” nào trong lịch sử đông tây mà không dính tới chính trị? Vấn đề là đối tượng để phê phán thuộc lĩnh vực văn nghệ), hay như: “Nguyễn Hữu Đang bị giam 15 năm /.../ khi ra tù không hề biết có chiến tranh phá hoại của Mĩ và sự kiện giải phóng miền Nam 30-4-1975”(!) (Ông Đang bị bắt giam năm 1958 thì hẳn ra tù năm 1973; mặt khác, ít ra thì trong tù người ta cũng cho ông Đang đọc báo và nghe đài dể “giáo dục cải tạo tư tưởng” chứ!). Cái tinh quái, Tô Hoài sử dụng vào tác phẩm ở mức độ trong các tập O chuột, Ba người khác,... là vừa; đậm hơn có khi lại không hay lắm.

 

Trần Đăng Khoa trong hồi kí NĐM “từ bộ dạng, cách nói năng đến thói quen ăn uống đều đặc nông dân” và “đặc biệt có tật nói dối” nhưng “mồm mép ghê gớm”, “rất to mồm muốn áp đặt tư tưởng của mình” cho kẻ khác, là người “đầy tự tin, có phần kiêu ngạo nữa” lại “có ý thức mình là thần đồng”. Không thấy bóng dáng nhà thơ đâu, chưa nói “nhà thơ thần đồng”, song lại thấy những nét tinh quái. Tinh quái ở  những phát ngôn hoạt khẩu, ở cách “diễn đạt tinh quái”, “chống chế rất giỏi”, dùng giọng tếu táo hoặc tưng tửng, hài hước mà “chế diễu rất ác” và “biến thành khôi hài” những gì mình không ưa. Ông Mạnh bảo “nghe Khoa nói, chỉ nên tin một nửa”, nhưng căn cứ vào những gì ông mô tả về nhân vật này thì như thế cũng là hơi nhiều; còn khi ông cho rằng Khoa “có phần kiêu ngạo” thì lại (cũng) chỉ đúng một nửa, có nghiã rằng thật ra thì “nhà thơ thần đồng” này rất kiêu ngạo song ở tầm “siêu”. Một lần, có người viết trên báo rằng “Khoa về hưu từ khi 10 tuổi”, ngụ ý chê tài thơ của ông ta cùn quá sớm, ông ta dùng giọng tếu táo sở trường mà trả lời trong một cuộc phỏng vấn (đăng báo) rằng: người ta “xếp tôi ngang với thánh Gióng, thánh Gióng 3 tuổi đã về hưu còn tôi 10 tuổi đã xong một sự nghiệp”, nhưng tôi còn “bao thứ làm sau khi ‘hưu’ nữa”,-tức  là còn vượt xa thánh Gióng(!). Không nói chuyện cố tình hoặc vờ không hiểu hình tượng Thánh Gióng: Tuổi lên ba là tuổi ấu thơ của dân tộc trong buổi mai lịch sử; ba năm nằm yên “chẳng nói, chẳng cười trơ trơ” là ba năm nằm yên hấp thụ khí thiêng sông núi và giống nòi; nạn ngoại xâm là yếu tố kích thích tự vươn vai vùng dậy lớn bổng lên. Chỉ nói cái ý ngạo mạn coi những bài thơ “trong góc sân nhà (em)” là “một sự nghiệp” ngang với chiến công của thánh Gióng thì Khoa đâu chỉ “có phần” kiêu ngạo?! (Cũng phải thôi! được o bế và nâng đỡ từ bé, cả ở cấp lãnh đạo văn nghệ tối cao, rồi lại được báo chí nâng niu ngợi ca hơn bất cứ ai khác từ trước tới nay ở VN thì có kiêu ngạo và tự mãn cũng có thể thông cảm được, nhưng chớ tự “u mê hóa” mình rồi tự đánh giá quá xa sự thực, dẫu thường được khôn khéo che đậy!)

 

Có thể nghĩ ông Mạnh đồng tình với nhiều lời phán mà ông thuật lại một cách “khách quan”, có khi lại tiềm ẩn nét vui vui, không có ý gì phê phán dẫu là phê phán ngầm kiểu bút pháp Xuân Thu.

 

Chẳng ai viết hồi kí chỉ để cho riêng mình và thân thích đọc (Có học giả viết rằng chỉ để cho con cháu đọc thôi, nhưng thực ra giọng điệu cũng như ý tứ trong hồi kí của ông ta không tỏ ra như vậy). Thảng hoặc có người chỉ muốn làm chứng nhân, nhưng nói chung thì ai cũng chủ yếu là nói về mình, về những gì liên quan đến mình. Điều này chẳng lẽ là không chính đáng? Hồi kí của NĐM cũng vậy. Điều đáng ghi nhận là ông Mạnh viết ra tâm trạng thực của mình, ý nghĩ thực của mình không gây quá bất ngờ như trường hợp N.K. Ông nhà văn này “biết điều” quá lâu cho tận đến ngày gần giã từ cõi đời mới tung ra một “tuyên ngôn phản tỉnh” muộn màng. Ông Mạnh hứng khởi nói về những thành tựu của mình và căm uất về những “tai nạn” do tổ chức hay cá nhân gây ra cho ông. Trong cuốn hồi kí, có người ông ưa, có người ông đối xử phải chăng, có người ông ghét -kể cả ghét thậm tệ. Đặc biệt, ông có vẻ hãnh diện được một số người quí: Dương Thu Hương, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu,... -cả Tố Hữu nữa, dẫu không thể xếp ông này vào diện “ưa” của ông. Cũng đặc biệt, những người ông ghét hầu hết là những người ít nhiều đã phê phán ông trong những bài viết, bài nói. Thường thì với những người khác, nếu có đụng đến khuyết điểm, nhược điểm, ông không nặng lời; với những người ông không ưa, ông chẳng “hà tiện” lời phỉ báng: “thiếu văn hóa”, “thô bỉ”, “nhiều thằng ngu hoặc cố tình không hiểu”, “chỉ nghĩ đến đã đủ chán đời lắm rồi”, “một lũ bù nhìn vô tích sự”, ... Một số nhân vật bị ông diểm tận mặt: H.T. “ngang nhiên bợ đỡ”;  T.V.T. “thằng cha láo lếu, mất dạy”; P.C.Đ. “thằng đểu”; M.Q.L. và T.M.H. “những kẻ hung hăng và to mồm”;...

 

Có những lời và cách ứng xử không nên có hoặc không cần thiết. Chẳng hạn, Trần Thanh Đạm viết bài phê phán ông nhưng gặp ông vẫn “tỏ cảm tình”, ông cho là “lạ”, “khó hiểu”, “vì anh là người Huế -sơn bất cao, thủy bất thâm... ?”. Người viết bài này không mấy thích những bài viết của ông Đạm, nhưng cho rằng cách xử sự của ông ta như vậy là bình thường, là có văn hóa. Có bút chiến với nhau nẩy lửa cũng không nên và không thể biến nhau thành kẻ thù, huống chi chỉ là mấy ý chê trong một số bài phê bình. Với Trần Mạnh Hảo, người nổi tiếng luận chiến một thời nhưng là người “sớm đầu, tối đánh” và đã ba lần trở cờ, ông từng nói trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo rằng không thể hạ mình đối đáp vì không muốn biến mình cũng hàng tôm hàng cá như ông ta, vậy sao lại phải chửi bới và “tặng” những từ như “lưu manh”, “đầu gấu”, “vừa ngu, vừa đểu”, “tên vô lại”, “một tệ nạn nguy hại hơn ma túy, mại dâm” thay vì những nhận xét và phê phán bình tĩnh, điềm đạm, đích đáng.

 

Dường như ông Mạnh cho rằng viết hồi kí có thể dùng thoải mái ngôn từ, cách nói những lúc tếu táo hay đốp chát nhau ngoài đời tuy chẳng phải với dụng ý tu từ. Ông không ngại dùng những từ “xách mé” vào những chỗ, những lúc mà văn cảnh không đòi hỏi. Riêng từ “tay” có thể dẫn ra hai trường hợp. “Hai tay nông dân hợp nhau”, nói về Lê Lựu và Trần Đăng Khoa. “Ba tay trực tiếp chỉ đạo /.../ Mà ba tay này đâu có dốt nát gì!”, nói vê Stalin, Rudơven và Sớcsin. Trường hợp thứ nhất tạm coi như một lối suồng sã vụn vặt chứ không phải khinh khi. Trường hợp thứ hai có thể coi là một sự khinh nhờn ngạo mạn vô thức. Dẫu vậy, cả hai trường hợp, cũng như các “sự cố” đáng tiếc khác, không làm trang hồi kí đẹp lên.

 

Đọc hồi kí NĐM, thấy vừa thích, vừa tiếc. Thích, vì có thêm hiểu biết, vì đáp ứng sự tò mò. Tiếc, vì dường như chưa thật xứng tầm một giáo sư danh tiếng.

 

Một tiếc nhỏ: Trong hồi kí có khá nhiều lỗi chính tả; và có những câu văn khá tùy tiện./.

 

Hải Phòng, đầu năm 2010

 

Khải Nguyên
Số lần đọc: 2626
Ngày đăng: 27.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chiếc lá thu phai ! - Vũ Trà My
Mùa cuối năm ở Tây Nguyên - Nguyễn Văn Thịnh
Tiếp tục mùa đông - Lê Nguyệt Minh
Lao xao phố nhỏ - Nguyễn Thành Nhân
Chùm tạp bút ngắn (3) - Nguyễn Thị Hậu
Ký ức quê hương - Trần Quang Vinh
Thời gian - Ban Mai
Mẹ ơi…. - Diệp Hồng Phương
Tôi còn kỷ niệm… - Trương Đạm Thủy
Những cánh rừng xưa - Trần Quang Vinh
Cùng một tác giả
Tĩnh vật (truyện ngắn)
Sông Phố (truyện ngắn)
Vào Hang Bắt Cọp (truyện ngắn)
Mây Núi Sapa (truyện ngắn)
Không đề (truyện ngắn)
Phận (truyện ngắn)
Nợ trần (truyện ngắn)
Li hương (truyện ngắn)
Dây Mơ (truyện ngắn)
Thiên Truyện Bỏ Dở (truyện ngắn)
Giấc Mơ Bọ Ngựa (truyện ngắn)
Cái hạt (truyện ngắn)
Hoàng hôn pha lê (truyện ngắn)
Nụ Hôn Muộn (truyện ngắn)
Ông Nọi (truyện ngắn)
Truyện Khó Đặt Tên (truyện ngắn)
Lần Vết Giai Thoại (truyện ngắn)
Chim Gõ Kiến (truyện ngắn)
Tìm Dâu Thảo (truyện ngắn)