Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.313 tác phẩm
2.745 tác giả
461
115.867.591
 
Dịu dàng trao khao khát nghiêng mùa
Lâm Xuân Vi

(Cảm nhận bài thơ nghiêng mùa của nhà thơ Huệ Triệu)    

 

Nghiêng mùa

 

Mùa nghiêng nắng xuống vòm cây lá đổi

Mùa nghiêng mưa cho cằn cỗi đơm chờ

Mùa nghiêng nhớ về phương em se thắt

Dịu dàng trao

em

                      một chút - nghiêng mùa

 

Huệ Triệu

 

Lời bình:

Đọc bài thơ Nghiêng mùa của nhà thơ Huệ Triệu trên trang vanchuongviet. Org, nhiều lần mà tôi không thể dứt ra khỏi cảm giác bâng khuâng, nỗi bâng khuâng vì lẽ gì cũng không sao cắt nghĩa được. Nghiêng mùa, cái tên nghe  thật gợi, có ẩn ý gì đây? Mùa thời tiết, mùa tình yêu hay mùa gì mà lạ lẫm mông lung lắm. Tôi chỉ lờ mờ nhận ra: phải chăng đó là tâm trạng con người gán cho nó vậy thôi, chứ sao có thể định dạng đặt tên được. Thế mới biết tìm được vào cõi ngữ nghĩa của người thơ này quả là không dễ, nhưng nó lại có sức hấp dẫn cuốn hút thôi thúc người đọc phải khám phá tìm tòi:

 

Mùa nghiêng nắng xuống vòm cây lá đổi

Mùa nghiêng mưa cho cằn cỗi đơm chờ

      

Dù là cây bạch dương, hay bất luận một loài cây nào khác khi được quang hợp ánh nắng mặt trời, sẽ cho ta những vòm lá lấp lánh ánh bạc, rồi qua khúc xạ đổi màu: có thể đỏ, có thể vàng…Nhưng chắc đó không phải cái vòm cây lá đổi mà nhà thơ hướng tới khai thác, có lẽ nó là những gì tiềm ẩn làm nên biến đổi bên trong của mọi quá trình phát triển. Chính vì thế mà ta không thể ngắt riêng từng câu thơ để luận bàn được ý tứ trong chìm khuất sâu xa. Phải đến câu mùa nghiêng mưa cho cằn cỗi đơm chờ mới dám khẳng định ẩn ý thâm sâu của vòm cây lá đổi, đổi theo hướng sinh sôi tích cực. Cằn  cỗi ở đây không có bóng dáng của úa vàng tàn lụi, kìm hãm hay thui chột, bởi ngay sau từ cằn cỗi đã là chữ đơm chờ, chờ đợi, khao khát được nẩy lộc

đơm chồi. Vậy là mùa nghiêng nắng, mùa nghiêng mưa cho sự thay đổi, cho sự phát triển là quan thiết vô cùng. Và có lẽ khi hoài thai sinh nở cho bất cứ sự phát sinh phát triển tốt đẹp nào cũng phải chờ đợi đổi thay, và rồi cũng phải chấp nhận cằn cỗi đau đớn. Đó là sự cằn cỗi tất yếu cần phải có. Song tất cả đó mới chỉ là sự chuẩn bị, để rồi bất ngờ nhà thơ bẻ ghi cho sự tìm tòi của độc giả phải ngoặt sang theo hướng khác:

 

Mùa nghiêng nhớ về phương em se thắt

Dịu dàng trao

em

                      một chút - nghiêng mùa

      

Thế là cái tứ thơ được giữ kín đến đây mới bắt đầu phát lộ. Hóa ra nhà thơ lấy nắng mưa, cây lá để nói về người, nói về khát vọng cháy bỏng của tình yêu đôi lứa. Nỗi nhớ như có hình hài đo đếm dịch chuyển được, làm người ta liên tưởng tới khát vọng của con người với những cảm quan vũ trụ, để so sánh, để chiêm nghiệm. Huệ Triệu đã có sự phát hiện sắc sảo tinh tế làm nên tứ thơ lạ hấp dẫn người đọc. Đang nói về cây về lá, bỗng chuyển sang em, sang tình yêu, đây mới là chủ đích của nhà thơ hướng tới. Tưởng những phạm trù rất khác nhau, không có gì liên quan, nhưng lại rất gần gũi biện chứng và hợp logic, thuyết phục người đọc. Mùa nghiêng nhớ về phương em se thắt, khi tình yêu đương độ nồng say, mong ngóng được hy sinh dâng hiến cho nhau, thuộc về nhau nên nếu phải xa cách sẽ nhớ thương nhau đến se thắt lòng “nhớ ai bổi hổi bồi hồi…”. Nhưng cái se thắt để đẩy đến tận cùng khao khát, để gắn bó bền chặt hơn, viên mãn tròn đầy hơn, chứ quyết không phải se thắt trong cô đơn, se thắt trong héo mòn. Bởi sau từ se thắt đã là dịu dàng trao em, mà trao em vào cái độ: em đẹp dần trong mắt anh, thì một chút cũng sẽ hóa vô tận vô cùng rồi. Dịu dàng, một chút, Huệ Triệu thật có lý khi xử dụng những từ đó ở vị trí không thể khác trong thi cảnh này. Khi yêu, thì em là “bà chúa”, có quyền phép vạn năng, nên một chút sẽ mang lại hiệu quả tương phản. Và chỉ một chút thôi, đối với tình yêu cũng đủ để nghiêng mùa. Đó là cách Huệ Triệu thiêng liêng hóa, tuyệt đối hóa tình yêu thật khác người, mà cũng dễ đồng cảm chia sẻ với mọi người, nhất là lớp trẻ đang yêu. Qua lăng kính tình yêu thì mọi điều đều trở nên huyền ảo diệu kỳ. Mùa có thể hô mây hoán vũ, nhưng em lại như có phép màu, có sức mạnh làm thay đổi nghiêng ngả cả mùa. Câu chuyện tình có sức lay động đến thế mà không một lần nhà thơ nhắc tới nửa kia của em. Tuy thế người đọc cứ phảng phất mường tượng ra cái bí danh có tên “Mùa”- nguồn cảm hứng chủ đạo làm nên hồn vía, hương sắc mê đắm của Nghiêng mùa.

 

Thế mới biết sự diệu kỳ của phép ẩn dụ và sức liên tưởng mà nhà thơ đã khéo léo cài đặt trong từng con chữ để tự nó biết cộng hưởng rung vang, sự rung vang rất riêng, mang âm hưởng Huệ Triệu – âm hưởng Nghiêng mùa. /.

 

Hà Nội, ngày 13 – 1 – 2010

Lâm Xuân Vi
Số lần đọc: 2626
Ngày đăng: 26.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếng vọng đời người - Huỳnh Minh Tâm
Tế Hanh đi suốt bài ca chiến thắng - Đoàn Minh Tuấn
Nói Iại với Phạm Đình Ân - Inrasara
Thế Mạc – nhà thơ ẩn khuất miền đá ong xứ Đoài - Dương Kiều Minh
Tâm thức "trôi" trong thơ Văn Cao - Trần Hoài Anh
Cấu trúc ngôn ngữ và hình ảnh trong tập thơ và đột nhiên gió thổi của Mai Văn Phấn - Đào Duy Hiệp
Tiêu đình và tập truyện mộng du giữa ngày - Huỳnh Minh Tâm
Sẻ chia với Hạ Giang qua Lời chim non - Nguyễn Tam Phù Sa
Đọc lại Kỷ Vật cho em (*) - Nguyễn Lệ Uyên
Tâm sự trái tim - Bùi Công Thuấn