Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
514
115.869.427
 
Tiếng vọng đời người
Huỳnh Minh Tâm

(Đọc tập Nghe vọng tiếng đồng, tiểu luận và tạp văn của Lê Trâm, NXB Đà Nẵng 2010)

 

Đọc tập sách, đôi khi  nhận ra không chỉ rõ ràng “diện mạo” của tác giả bấy lâu ta hằng gặp, mà còn phát hiện ra chiều sâu ẩn khuất của tâm hồn bạn văn bấy lâu ta “cứ nghĩ”, rồi sực tỉnh, “ngộ” ra những điều còn lẩn khuất đâu đó, thảng hoặc nỗi cô đơn không biết chia sẻ cùng ai nên chỉ là huyễn mộng.

 

Vào những ngày đầu năm dương lịch 2010, cũng là những ngày cuối năm âm lịch Kỷ Sửu, bận rộn bao công việc đồng áng, nhưng khi đọc tập sách Nghe vọng tiếng đồng  của Lê Trâm  dường như  tôi đã quên đi nỗi tất bật của cuộc sống. Tập sách gợi cho tôi nhiều suy nghĩ. Nghe vọng tiếng đồng  hay, quí và hấp dẫn ở chỗ; một, tác giả đã thẩm thấu, nhận định sâu sắc rất nhiều giá trị văn hóa của nhiều vùng đất, đặc biệt ấn tượng là vùng đất Quảng Nam máu thịt của mình; hai, tác giả đã từ tốn và nhân văn mổ xẻ công việc bếp núp  nghiệp văn của mình và một số đồng nghiệp, thân hữu rất xác đáng, trung thực trong khát vọng bền bỉ đi đến cuối con đương gai góc, mê hoặc.

 

Nghe vọng tiếng đồng không chỉ là tiếng ngân vọng mãi mãi  đời người của tiếng chuông đồng túp tu u u ù ù ú u u, nghĩa “ đen thui” như Lê Trâm đã viết trong tạp văn cùng tên trong tập, với chất văn sắc sảo, câu chuyện quái kỳ. Nghe ra tên gọi còn mở ra cho bạn đọc nỗi ám ảnh tiếng vọng đồng quê, làng mạc của được và mất, của cái đẹp và hư ảo, của quá khứ và hiện tiền mà tác giả “ăn nằm” hoặc nghĩ về.

 

Tập sách gồm 24 bài viết. Dường như Lê Trâm cố tình sắp xếp theo trình tự thời gian để nhắc nhở sự biến dịch vô thường của thời gian. Phần tạp văn là hỗn tạp chuyện “bao đồng” ở xứ tôi  (Quảng Nam, Quế Sơn, Tây Giang) lẫn xứ người ( Tây Bắc, Phương Nam, Đất nước triệu voi); chuyện đã qua ( Đi tìm dinh trấn Thanh Chiêm trong...tiểu thuyết ) hoặc chuyện hàng ngày ( Đường về Tây Bắc, Phương Nam không xa ). Tất thảy cũng chỉ là “phông màn” để anh gửi gắm tâm sự, thổ lộ cách nhìn nhận, đánh giá về các vấn đề về bản sắc, các giá trị văn hóa, về cái đẹp, về tình yêu…

 

Đi tìm dinh trấn Thanh Chiêm...trong tiểu thuyết không chỉ là bản tư liệu dầy ắp về làng mạc, cách bố trí tường thành Thanh Chiêm ngày xưa, đã “bị vùi trong lớp bụi thời gian”, hoặc phê phán cuộc chiến tranh tàn bạo, mà anh còn muốn gợi xa hơn văn bản một sự sống nẩy mầm, cựa quậy, hoặc là đánh thức một nét đẹp văn chương trong bề bộn hỗn loạn của triều đại phong kiến. Nghe vọng tiếng đồng, bằng  cảm hứng tài hoa và mẫn tiệp, Lê Trâm không chỉ giới thiệu một cách chính xác, “ đồng bóng” và sắc sảo về một ngành nghề truyền thống là làm chiêng đồng dưới cây bút của nhà văn, nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân, mà Lê Trâm đã “biết “ thêm thắt để câu chuyện thêm kì bí, hân hoan. Anh viết: “Có lẽ phải tự đọc lấy thôi. Để cảm tiếng đồng-văn và từ đó cảm được tiếng đồng-tiếng. Để còn nghe ngân vọng mãi. Sẽ thấy, sẽ nghe như lạc vào lễ hội của thật nhiều vùng với bao bản sắc khác nhau. Sẽ như lạc vào mùa xuân rộn rã. Rộn mà trầm, ngân mà lắng, ngân vang mà buồn thảm...như số phận các nhân vật trong Tiếng đồng...Nhưng bộ óc tôi không chịu nhớ. Chỉ nghe vọng mãi, ngân mãi những tiếng đồng ma quái, kỳ lạ. Từ một nơi xa, rất xa. Mà cũng thật gần-ngân mãi”

 

Đường về Tây Bắc, Phương Nam không xa  chỉ là những bài ký, ghi lại hành trình đi thực tế, giao lưu văn học. Nhưng cách viết của Lê Trâm thật tỉ mỉ, tròn đầy, chứng tỏ rất nhiều về “tài’ quan sát của anh, về việc cẩn trọng, lý thú, cả nỗi cực nhọc của nghề cầm bút. “ Ngày thứ bảy 14/8/2006 (Thứ Hai). Dự báo thời tiết khu vực Nam bộ ngày 14/8/2006. Trời nhiều mây, có mưa rải rác nhiều nơi, có nơi mưa to. Nhiệt độ 23-330c…Hoặc : Mốc tọa độ Quốc Gia/ Điểm tọa độ GPS 0001/ 80 37’ vĩ Bắc/ 1040 43’ kinh Đông”

 

Vat phu huyền bí, Mười ngày trên đất triệu voi thì lại khác. Anh khai thác rất kĩ lưởng, công phu các mảng văn hóa ở đất nước bạn Lào. Dường như ở các bài viết này, bạn đọc có cảm nhận người viết cũng kết tinh những nền văn hóa nhất định nào đó. Cách  nhìn,  cách so sánh của anh cũng thật gần gũi, thú vị, mang hơi thở văn hóa và giàu bản sắc các dân tộc. Chỉ riêng điều này thôi cũng không dễ dàng gì. Các tư liệu được khai thác cũng thật quí hiếm.

 

Về các tiểu luận, Lê Trâm đã  ca ngợi nhiều tác giả, tác phẩm với tinh thần đầy trách nhiệm, quí mến và có tính thời sự. Cái nhìn của anh nặng chất thơ, mỹ cảm và “học hỏi”. Ở loạt bài này thể hiện sự khiêm tốn, giản dị. Chẳng hạn ở các bài : Nhân đọc Điên cuồng như Vệ Tuệ, Bất tận những cánh đồng, Từ Mùa vàng hoa cúc đến Cái nhìn khắc khoải.  Rồi Đọc Phiên tòa trên cát (tập truyện ngắn của Tiêu Đình), Bùi Công Dụng và sự lựa chọn mới, Mười năm văn xuôi Quảng Nam- đôi điều cảm nhận, Văn xuôi trên tạp chí Đất Quảng-sự góp mặt thầm lặng, bằng những cảm nhận ôn hòa lẫn nghiêm khắc, chấp nhận bút pháp cũ lẫn khát vọng kết cấu mới, mộc mạc lẫn tế nhị, Lê Trâm đã có những nhận định, nhận xét tương đối thấu đáo và đầy đủ nhiều mặt thành công cũng như hạn chế của một số anh em văn nghệ Quảng Nam. Một số chuyện “bếp núp” văn chương anh viết cũng thật gợi, ấn tượng (Bạn văn, Hồn của cây khô và đá).

 

Nghe vọng tiếng đồng có kết cấu truyền thống, mạch lạc, giọng văn sáng sủa, trong trẻo, không lên gân cốt mà nhỏ nhẹ, thâm trầm. Tuy vậy, ít tính biền ngẫu, phóng túng nên một vài bài viết còn nặng bài vở, chưa thật xúc cảm. Gấp tập sách lại với bao ám ảnh về nghề cầm bút, lúc nào cũng ngay ngáy hay, dở, được, mất, những khát vọng lớn lao và suy tư vụn vặt. Và còn nghe tiếng vọng ở đâu đó trong tâm hồn con người hay ở trong sách vở ngân mãi, ngân mãi./.

Huỳnh Minh Tâm
Số lần đọc: 2169
Ngày đăng: 25.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tế Hanh đi suốt bài ca chiến thắng - Đoàn Minh Tuấn
Nói Iại với Phạm Đình Ân - Inrasara
Thế Mạc – nhà thơ ẩn khuất miền đá ong xứ Đoài - Dương Kiều Minh
Tâm thức "trôi" trong thơ Văn Cao - Trần Hoài Anh
Cấu trúc ngôn ngữ và hình ảnh trong tập thơ và đột nhiên gió thổi của Mai Văn Phấn - Đào Duy Hiệp
Tiêu đình và tập truyện mộng du giữa ngày - Huỳnh Minh Tâm
Sẻ chia với Hạ Giang qua Lời chim non - Nguyễn Tam Phù Sa
Đọc lại Kỷ Vật cho em (*) - Nguyễn Lệ Uyên
Tâm sự trái tim - Bùi Công Thuấn
Bàn tay ấm giọt sương đông - Lâm Xuân Vi
Cùng một tác giả
Ừ thì (thơ)
Kẻ sĩ (thơ)
Zengo (thơ)
Bokuseki (thơ)
Lưỡng vọng * (tạp văn)