Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
454
115.871.173
 
Tế Hanh đi suốt bài ca chiến thắng
Đoàn Minh Tuấn

Nhà thơ Hữu Thỉnh Chủ tịch hội có cho tôi biết: 100 ngày mất của Tế Hanh Hội Nhà văn sẽ xuất bản tập sách kỷ niệm nhà thơ lớn Tế Hanh.

 

Tế Hanh là người cùng quê với tôi – quê anh cách quê nội tôi chừng năm ba cây số. Anh sinh ở Bình Dương, quê tôi ở Bình Tân hai xã cùng huyện Bình Sơn. Anh lại là một trong hai người giới thiệu tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam. Hồi ấy những năm đầu thập niên 70 Tế Hanh và Đoàn Giỏi muốn đưa tôi vào Hội lúc đó nhưng vào Hội rất khó. Hội chỉ hơn 100 hội viên. Tế Hanh bàn với Tô Hoài phó Tổng thư ký – Bí thư Đảng đoàn, Tô Hoài ủng hộ, nhưng để chắc ăn, Tô Hoài nói Tế Hanh nên tranh thủ ý kiến Chế Lan Viên, vì cả ba là Thường vụ Hội, nhưng nhà thơ Chế Lan Viên hay có ý kiến phản bác… Khi Tế Hanh đưa Chế Lan Viên hồ sơ của tôi thì Chế Lan Viên ký ngay và ông nói: ai đến Tế Hanh giới thiệu Đoàn Minh Tuấn thì mình tán thành ngay… Hồi ấy tôi ở báo Thống Nhất 80 Nguyễn Du, còn Hội nhà văn đóng ở 65 cùng phố hai tòa nhà gần đối diện phía Tây hồ Thiềng Quang. Ngày ngày tôi thường đến Nguyễn Văn Bổng số 10 Nguyễn Thượng Hiền và ghé chơi với Tế Hanh (hai ông cùng chung cư), tuy là bạn vong niên, Tế Hanh và Nguyễn Văn Bổng tôi xem như bậc đàn anh, bậc thầy. Tế Hanh cũng xem tôi như em út trong nhà. Trước Cách mạng Tháng 8 những lần Tế Hanh, Nguyễn Viết Lãm đến Thu Xà thường ghé ba tôi là Đoàn Khắc Huỳnh (Ba Khê) chơi. Tình thâm cùng quê như thế nên ra Hà Nội tôi và anh vẫn thường gặp nhau để ôn chuyện quê nhà. Tôi vẫn thuộc lòng bài thơ “Quê hương” của tôi xem như anh nói hộ lòng tôi vậy!. Thơ anh cũng hiền hòa trong xanh như giòng sông quê:

 

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông

 

Quê của anh và quê tôi gần nhau, anh tả con sông hồn hậu chân thật hồn nhiên và hay đến thế, thì có ai mà viết hơn được nữa. Cũng như bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu đã viết thì không thi nhân nào viết hay hơn.

 

Anh Bỗng là bạn nhậu, bạn văn, Tế Hanh chỉ là bạn thơ, anh uống nửa ly bia đã đỏ mặt. Những năm sau giải phóng hai nhà văn, nhà thơ lớn mà sống trong cảnh cơ hàn, nhà ở chưa đầy 30 mét vuông, kề vách bên nhau, tôi đến Tế Hanh thì không thể nào không thăm anh Bỗng, và ngược lại. Tôi thường rủ các anh đi uống bia mỗi dịp từ Sài Gòn ra thủ đô để tâm sự chuyện quê nhà. Tôi đã tổ chức cho 2 anh đi thăm Phú Quốc sau giải phóng bằng trực thăng và đã nhiều nơi ở Lục tỉnh.

 

Năm 1970 Tế Hanh tặng tôi tập thơ “Đi suốt bài ca” là tập thơ tôi thích nhất. Lại thêm những trang thơ nóng bỏng gửi về Nam của Tế Hanh, tôi đọc nhiều lần, nhiều bài đã thuộc, tôi hiểu tấm lòng anh nặng nhớ sông Trà. Bao giờ Tế Hanh cũng dành cả tình cảm thiêng liêng nhất cho quê nhà. Mẹ có nghe thơ con ai đọc mà chẳng dấy lên nổi lòng day dứt, anh gửi thơ cho gió, anh mong mẹ và xóm làng nghe thơ anh:

 

Con làm thơ góp phần chống Mỹ,

Cánh chim tâm tưởng gió đưa về

Mẹ ơi! Có phải đêm khuya vắng

Mẹ và bà con đang lắng nghe?

 

Ở đây tôi muốn dành nhiều dòng viết về tập thơ Đi suốt Bài ca của anh, tập thơ nầy trên đường ra trận tôi đã mang theo, tập thơ mà tôi đồng cảnh “Ngày Bắc đêm Nam” với anh, tôi rất thích tập thơ này, anh đã viết hộ chúng tôi những ngày đi B.

 

Đó là đoạn ngắn của bài thơ dài sáu mươi lăm câu, là nỗi vui của mọi chúng ta, của cả hai miền. Cũng như trong bài thơ nhỏ Tình chiến đấu, anh dõi mắt trông về phương Nam vì theo anh: ở đó bình minh đang hiển hiện. Anh ghi lại tình bạn chiến đấu của cô dân quân gác cầu và anh lái xe. Hai người chưa hề quen biết, cùng gặp trong một giờ bom nổ. Cả hai cùng bắn trả tàu bay Mỹ, bảo vệ xe, bảo vệ cầu để đưa hàng về tiền tuyến.

 

Anh lại lái xe đi, lòng bỗng vướng

In trên sông một bóng dáng dịu dàng

Em ở lại bên cầu theo dõi hướng

Anh mặt trời dần sáng ở phương Nam

 

Sau gần năm năm khi tập thơ Khúc ca mới ra mắt bạn đọc, anh miệt mài sáng tác, chọn in tập Đi suốt bài ca. Cũng vẫn những lời thơ giản dị, mộc mạc trong xanh như nước sông Trà, ngọt đượm như ruộng mía quê anh. Lời của những trang thơ sáng sủa đi vào lòng ta nhẹ nhàng nhưng giàu tính chiến đấu. Anh ca ngợi mùa xuân qua các bài : Gặp xuân ngoại thành, Tiếng gọi mùa xuân, Mùa xuân ở các thành thị miền Nam.

 

Hai bài thơ ngắn mùa thu : Trung thu và Mùa thu tiễn em. Bốn bài viết về đất nước của Lê nin và hai bài viết về đất nước của Sô Panh ngợi ca tinh thần quốc tế vô sản của những người anh em với cuộc đấu tranh chống Mỹ của ta. Trái tim Sô Panh, Ở trại tập trung Ô-sơ-vin-sin, Bên một ngọn tháp xưa ở Ba cu, Đêm trắng ở Lê-nin-gơ-rát, Giếng nước mắt, Lênin và bản nhạc Bét-tô-ven và bài Túp lều cỏ.

 

Viết về tập thơ Đi suốt bài ca của Tế Hanh, khó mà giới thiệu được hết cái nhuần thắm trong những lời thơ chống Mỹ và những sắc màu đẹp đẽ trong tâm hồn anh. Tập thơ Đi suốt bài ca phản ánh được phần nào cuộc chiến đấu chống Mỹ của hai miền đầy lạc quan và tất thắng. Cảnh trong thơ anh không nhiều lắm, nhưng tình thì đậm mãi lòng ta. Có người nói Tế Hanh có tấm lòng và ánh mắt dõi tận quê nhà. Và chừng như thơ theo tuổi anh có thêm chiều sâu và mặn mà tình yêu quê hương – mảnh đất có mối thù

 

Ba Làng An – mảnh đất:

Đánh quân Mỹ ngụy thua tan tác

Hết trận Ba Gia đến Vạn Tường

 

Mở lại tập thơ Đi suốt bài ca của Tế Hanh từ trang đầu đến trang cuối – cảm ơn anh đã nói giúp chúng ta, những đứa con miền Nam tấm lòng vì quê hương miền Nam mà làm việc khẩn trương: nhắc nhở hộ cho ta rất nhiều về quyết tâm giải phóng miền Nam. Thơ anh là những hình ảnh của một miền Nam đánh Mỹ kiên cường, một miền Bắc hậu phương mạnh mẽ làm hết sức mình cho tiền phương và hình ảnh bầu bạn bên cạnh miền Nam Đi suốt bài ca.

 

Tôi còn nhớ lần nọ, nhà văn Pháp Pierre Abraham, chủ biên tờ tạp chí văn học “Châu Au” sang Hà Nội theo lời mời của ta và nghỉ tại Khách sạn Métropole (Khách sạn Thống Nhất) Tế Hanh trưởng ban đối ngoại Hội Nhà văn đưa Nguyên Hồng tới phòng riêng để gặp Abraham và trong cuộc nói chuyện đã đề cập đến nhà văn Romain Rolland. Nhà văn Pháp khi về nước đã viết bài đại khái nói rằng rất quí, rất thích Nguyên Hồng, Tế Hanh những nhà văn đã đưa vào khách sạn tất cả phù sa quí giá của dồng ruộng ven sông Hồng.

 

Lại có lần, Nguyên Hồng mời Tế Hanh và tôi về thăm Hải Phòng. Khi ấy ông đang lãnh trách nhiệm Chủ tịch Hội Văn nghệ thành phố biển này, Ông đưa Tế Hanh và chúng tôi xuống thăm chiếc tàu Cu Ba đang chở hàng viện trợ cho Việt Nam đánh Mỹ. Các bạn Cu Ba, có người đã được đọc tác phẩm của Nguyên Hồng Tế Hanh, công kênh hai nhà văn lên cao và tưới rượu vào áo, hoan hô nhà văn của Việt Nam anh hùng giàu khát vọng. Chòm râu đen điểm bạc của Nguyên Hồng ướt mềm, chúng tôi và Tế Hanh cũng được một bữa rượu say đến khuya mới về được khách sạn.

 

Tôi còn nhớ bữa tiệc mừng sinh nhật nhà văn Phạm Tường Hạnh ở Hà Nội, khi còn chiến tranh phá hoại của Mỹ. Hôm ấy, có Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Khương Minh Ngọc, Mai Văn Tạo, Đoàn Giỏi… Nguyên Hồng và Tế Hanh đã “xung phong” làm món nem Sài Gòn và đánh tiết canh, dao thớt của ông nhanh nhẹn như người đầu bếp chuyên nghiệp, đến nỗi bạn bè quanh khu tập thể của ông Hạnh cứ ngỡ là anh thợ ở lò mổ, đâu có ngờ đó là nhà văn lớn Nguyên Hồng, còn Tế Hanh hụ họa “ăn theo” nhặt và rửa rau để ăn kèm nem rán.

 

Trong những ngày giặc leo thang chiến tranh đến Hà Nội, Hải Phòng… giao thông đường bộ tắc nghẽn, hoạt động đường thủy, nhất là Hải Phòng rộn ràng lúc nào cũng có tàu bè nhiều nước đến viện trợ cho ta, tàu từ các nước Mỹ La-tinh sang, từ Hắc Hải, từ các nước Châu Phi, từ Marseille đến… Nguyễn Tuân rủ Tế Hanh và tôi xuống Hải Phòng xem không khí “bốn phương vô sản” đến với ta để bác viết bài cho một tờ báo Mat-xcơ-va đặt bác. Tôi và Tế Hanh đưa bác xuống, ghé Hội Văn nghệ Hải Phòng nhờ “thổ địa” Nguyên Hồng. Nguyên Hồng thấy có Tế Hanh bỏ các công việc đưa chúng tôi xuống tàu Nga vừa từ Vladivostok đến khi cô phiên dịch giới thiệu Nguyễn Tuân Tế Hanh và Nguyên Hồng, các nhà văn lớn của Việt Nam, các bạn Nga đem bánh mì đen và muối – theo phong tục Nga tiếp khách quí: Tất nhiên còn có vôtka và phó-mát. Nguyên Hồng đứng lên đọc bài thơ “Cửu Long Giang ta ơi!”(3) ca ngợi quê hương miền Nam. Cô phiên dịch mặc áo dài duyên dáng chỉ biết dịch ý bài thơ Tế Hanh dịch lại bằng tiếng Pháp – có nhiều kỹ sư Nga biết tiếng Pháp các thủy thủ và thuyền trưởng Nga hoan hô nhiệt liệt. Tiếng vỗ tay xen lẫn tiếng mở nút chai sâm-banh mừng Việt Nam bắn rơi máy bay Mỹ. Và Tế Hanh cùng đọc thơ con sông quê hương và khen Nguyên Hồng có bài thơ miền Nam rất hay.

 

*

Thế là Tế Hanh đã ra đi thật rồi! Một đêm tháng 7 mưa ngâu, ngậm ngùi và nuối tiếc, nhưng Tế Hanh đã Đi suốt bài ca chiến thắng. Thơ anh sẽ bất tử trong lòng người yêu thơ cả nước. Anh yên nghỉ anh nhé!. Mặt trời và giòng sông quê hương vẫn nhớ anh mãi mãi, nước sông vẫn chảy hoài thương tiếc Anh,  ôm ấp tấm lòng nhân hậu của Anh và thơ Anh vẫn sưởi ấm giòng nước trong xanh ở quê nhà./.

 

Bến Nghé, tháng 8-2009

Đoàn Minh Tuấn
Số lần đọc: 1913
Ngày đăng: 24.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thế Mạc – nhà thơ ẩn khuất miền đá ong xứ Đoài - Dương Kiều Minh
Tâm thức "trôi" trong thơ Văn Cao - Trần Hoài Anh
Cấu trúc ngôn ngữ và hình ảnh trong tập thơ và đột nhiên gió thổi của Mai Văn Phấn - Đào Duy Hiệp
Tiêu đình và tập truyện mộng du giữa ngày - Huỳnh Minh Tâm
Sẻ chia với Hạ Giang qua Lời chim non - Nguyễn Tam Phù Sa
Đọc lại Kỷ Vật cho em (*) - Nguyễn Lệ Uyên
Tâm sự trái tim - Bùi Công Thuấn
Bàn tay ấm giọt sương đông - Lâm Xuân Vi
Gặp miền ký ức trong ra ngoài ngàn năm của Trương Nam Hương - Huệ Triệu
Lang thang... Quán (*) - Nguyễn Lệ Uyên