Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
474
116.598.701
 
Khai quật và khảo sát các ngôi chùa cổ: Phát hiện di vật của ngôi chùa cổ gần 700 tuổi trên đỉnh núi
Trần Anh Dũng

Núi Nam là ngọn núi nằm ở phía tây, đối diện với núi Nhồi và một số ngọn núi khác như núi Vọng Phu, núi Giàn, núi Sản thuộc thôn Tân Cộng, xã Đông Tân, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Đây là dãy núi đá vôi tuyệt đẹp, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, nằm ở phía tây nam thành phố Thanh Hoá. Trong khi chuẩn bị mặt bằng xây dựng lại ngôi chùa cổ đã bị sập đổ từ khá lâu trên đỉnh núi Nam nhân dân địa phương đã phát hiện được một số trang trí kiến trúc bằng đá tại nền cũ của ngôi chùa cổ.

 

Tháng 11 năm 2009, Bảo tàng và Ban quản lí di tích và danh thắng tỉnh Thanh Hoá đã khảo sát dấu tích và di vật phát hiện được tại ngôi chùa cổ  trên núi Nam lần thứ nhất. Ngày 17 tháng 01 năm 2010, Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá phối hợp với cán bộ Viện Khảo cổ học tiếp tục khảo sát và nghiên cứu ngôi chùa này. Kết quả đã phát hiện thêm được những di vật của nhiều thời đại:

 

Di vật thuộc văn hoá Đông Sơn

Tại khu vực bãi trống ở ngang sườn núi Nam, ngay trước bậc lên cửa chùa, chúng tôi đã phát hiện được khá nhiều mảnh gốm tiền văn hoá Đông Sơn, tương đương với giai đoạn Quỳ Chử, Đồng Đậu, cách ngày nay từ 2800 – 3200 năm. Đây là những mảnh gốm thô trang trí khắc vạch văn sóng nước, văn mắt lưới và văn thừng. Đặc biệt là đã phát hiện được 1 hiện vật gốm hình chân giò heo (chạc gốm). Những di vật này cho thấy, ở thời kì tiền Đông Sơn, nơi đây đã có sự cư trú của người Việt Cổ .

Các di vật thời Trần

 

Ở khu vực đỉnh núi và phía trước của bậc lên chùa, chúng tôi đã phát hiện được mảnh bát gốm hai màu men (trong men ngọc trang trí hoa lá, ngoài men nâu) cùng một số mảnh sành thế kỉ XIV.

 

Tại nền chùa cũ, nhân dân đã đào được một số trang trí kiến trúc của 1 bệ đá trang trí rất đẹp như sau:

 

Ba tượng chim thần Garuda được tạo rời nhau, ở vị trí 3 góc của một bệ đá, chim thần Garuda là linh vật mà thần Visnu thường cưỡi. Tượng đầu, móng chim đại bàng, mình người. Đầu chim thể hiện hình lá đề với các trang trí xoắn ốc, u nổi, tai hình quầng lửa, lông ở cằm hình xoắn ốc, tai, tay đeo vòng; lưng thắt bao. Ngực trang trí hình lá đề nhiều lớp, mình phủ đầy lông vũ. Chim thần trong tư thế đang nâng đỡ vật nặng (thường là bệ đá hoa sen), mình quay về hướng bệ, đầu ngoảnh về phía sau, đôi cánh giang rộng, dưới tượng chim thần là băng cánh sen nổi còn mang ảnh hưởng của nghệ thuật Chămpa. Ba con chim thần về cơ bản giống nhau (ảnh ). So sánh với tượng chim thần Garuda thời Trần ở chùa Hoa Long (Vĩnh Thịnh, Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) thì thấy có nhiều nét tương đồng.

 

Hai mảng bệ đá hoa sen trang trí rồng có lẽ là của một bệ đá khác có niên đại muộn hơn một chút. Bệ đá gồm nhiều mảng bệ hình khối hộp chữ nhật làm rời sau đó đựơc lắp ghép với nhau. Mảng bệ đá mặt cắt hình chữ L. Bên trên chạm nổi hình rồng không có vảy, uốn nhiều khúc. Miệng rồng nhả ngọc, mào hình lá đề, hàm và mang có hàng lông xoắn hình dấu hỏi. Dưới chân rồng là băng cánh sen cùng phong cách với băng cánh sen dưới chân chim thần Garuda. Bên phải con rồng là một phần của lá đề 2 lớp cánh, bên trong là hình hoa lá liên kết với nhau bởi các móc xoắn. Bên trái là băng hoa cúc dây cách điệu hình móc xếp thành nhiều tầng.

 

Bệ đá hoa sen  hình chữ nhật, dài 0,76m, rộng 0,46m, dày 18cm. Có 3 lớp cánh sen. Mỗi cánh sen có 3 lớp. Lớp trong cùng hình móc xoắn. Có thể đây là bệ đá đựơc đặt trên các chim thần Garuda.

 

Chân tảng hoa sen tại đây đã tìm được một số chân tảng hình tròn, đựơc bố cục giống như một đoá sen có 3 tầng cánh sen; chân tảng hình vuông, mặt trên trạm nổi bông sen có nhiều cánh.

 

Các di vật thời Lê

Đôi rồng đá thế kỉ XVII, được chạm theo kiểu phù điêu, trong tư thế chầu, 1 tay nắm lấy chòm râu. Ngoài ra còn có một chiếc khánh đá, cột đá trang trí hoa văn, tượng rùa đá đội bia, các mảng bậc tam cấp chạm hoa lá thế kỉ XVIII. Đặc biệt là trong chùa còn lưu giữ tấm bia dựng năm Lê Cảnh Hưng thứ 29 (1768) ghi chép về việc trùng tu, sửa chữa chùa. Cũng trong khu vực đỉnh núi - nơi có nền chùa cổ, chúng tôi đã tìm đựơc khá nhiều mảnh đầu ngói mũi sen, mảnh sành và mảnh gốm men trắng vẽ lam có niên đại thế kỉ XVII và XVIII.

 

Qua các di vật tìm được ở khu vực chùa cổ trên núi Nam, tạm thời đã cho chúng ta biết về niên đại sớm nhất của chùa là khoảng thời Trần. Dấu tích của các lần trùng tu, ít nhất đã thấy là vào thế kỉ XVII và giữa thế kỉ XVIII.

 

Cùng với ngôi chùa, khu vực núi An Hoạch (vốn đã được sử sách thời Nguyễn ghi chép khá nhiều) là một vùng lưu giữ nhiều dấu vết văn hoá cổ. Phát hiện di vật khảo cổ học ở núi Nam càng khẳng định thêm giá trị của một vùng đất có bề dày văn hoá.

 

Ảnh : Ba tượng chim thần Garuda

 

Trần Anh Dũng
Số lần đọc: 3319
Ngày đăng: 20.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tìm hiểu kỷ thuật sản xuất lu gốm - Nguyễn Thị Hậu
Làng Gốm Cổ Đạm (Hà Tĩnh) - Trần Anh Dũng
Xóm Làm Bếp Lò Gốm Làng Phú ĐỊnh (Quận 6-Tp.Hcm) - Nguyễn Thị Hậu
Lò gốm thế kỉ 1- thế kỉ 10 - Trần Anh Dũng
Khu Di Tích Ba Thê – Óc Eo (An Giang) và Vấn Đề Bảo Tồn Di Tích Văn Hóa Óc Eo Hiện Nay - Nguyễn Thị Hậu
Đồ gốm sứ ở cảng thị Ba vát Bến Tre - Trần Anh Dũng
Di Chỉ Khảo cổ học Giồng Nối (Bến Tre) - Trần Anh Dũng
Văn Hóa Sa Hùynh Nhìn từ Văn Hóa Đồng Nai - Nguyễn Thị Hậu
Cội Nguồn Văn Minh Ở Trung Quốc : Sự Khác Nhau Giữa Tài Liệu Khảo Cổ Và Cồ Sử Cùng Sự Giải Thích - Hà văn Thùy
Vài suy nghĩ về việc bảo tồn khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Nguyễn Thị Hậu
Cùng một tác giả
Làng gốm Hiển Lễ (dân tộc học)
Làng gốm Hương Canh (dân tộc học)