Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
769
116.010.956
 
Khoảnh khắc
Nguyễn Một *

“Quá khứ không phải là quãng thời gian người đời đã sống mà là những khoảnh khắc mà chúng ta không thể quên, không bao giờ quên”- Đó là một ý tưởng được viết trong bộ phim về thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, mà tác giả lời bình là người bạn của tôi, cũng là bạn của anh Khoa – nhà văn Bùi Quang Huy.

Tôi thích câu nói ấy, bởi thời gian bươn chải trên đường đời, dung nạp quá nhiều bụi bặm trần gian, tôi đã phải tập quên nhiều thứ tình cờ hay hữu ý đi vào trong đời mình, huống hồ những chuyện mươi, mười lăm năm qua.

 

Tôi bay về Đà Nẵng đứng bên linh cửu anh lặng lẽ khóc, những khoảnh khắc mờ ảo chập chờn của tháng ngày trên miền đất đỏ bazan Long Khánh hiện về. Trong lúc bạn bè thân hữu của anh đọc thơ anh, hát cho anh nghe. Tôi lẩm bẩm đọc câu thơ mà ngày xưa, tôi vẫn thường hay đọc cho anh nghe “Đất nặng tình nên đất nhuộm màu son và cũng làm nên bao điều ly biệt”. Những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Trần Thanh Hiệp, khi ông ‘tiểu ẩn” ở Long Khánh – Nơi Khoa cũng về “đại ẩn” một quãng thời gian ngắn.  Tôi ngồi cùng anh ở quán cóc vỉa hè trước nhà văn hóa nhìn qua bệnh viện, để suy gẫm về thân phận con người, nói những chuyện vu vơ về thơ ca. Nhìn những con người chân lấm tay bùn vào bệnh viện, cả người họ sẫm màu đất đỏ BaZan, nhìn những chiếc băng ca trắng đưa ra khỏi nhà vĩnh biệt anh buồn rầu đọc: “ Ta rồi chết giữa mùa màng. Mẹ ta đi gặt bàng hoàng: Khoa ơi!” Tôi khẽ rùng mình. Anh viết về những sai sót của bệnh viện, rồi anh gặp tai nạn nghề nghiệp về một chi tiết trong bài viết ấy, chi tiết sai sót vì anh quá tin một người cung cấp thông tin. Tôi phàn nàn: “Anh quá tin người”. Anh nạt: “Cho dù cuộc đời có trăm người phản trắc, thì tôi vẫn tin rằng bản chất con người là tốt.”Tôi ngại tranh luận cùng anh về báo chí, bởi bao giờ tôi cũng thua cuộc, anh say sưa sôi nổi nhiệt tình với xã hội, nhiệt tình với cuộc đời. Thoạt nhìn dáng “hầm hố” của anh, đọc những bài phóng sự điều tra nảy lửa của anh, người ta dễ nhầm lẫn anh là nhà báo chuyên chuyện “đấm đá”, nhưng không phải vậy, tố chất văn chương của anh quá nhiều, “nhà văn là những người biết cúi xuống tìm kiếm thân phận con người”, thời gian ở Long Khánh là quãng thời gian mà anh luôn cúi xuống để tìm kiếm thân phận con người. Những đứa trẻ trong rừng cao su, rồi những phận người đau tim, nghèo khổ, ung thư … được anh đưa lên mặt báo để bạn đọc có cơ hội chia sẻ cùng đồng loại.

 

Từ một nhà giáo, rồi viết văn, rồi tập viết báo, tôi ngây ngô và nhút nhát trước cuộc đời, những bài báo tôi viết ra nhợt nhạt thiếu lửa cho tới khi gặp anh. Tôi luôn đến nhà anh chơi đùa với hai “thiên thần” của anh. Tôi đến trong tư thế rụt rè của cậu học trò nhỏ để mong được nghe anh nói về nghề báo. Anh đưa tôi vào cuộc với các phóng sự xã hội, điều tra, những bài viết của tôi trền Tiền Phong lúc ấy đều có ngọn lửa từ Đặng Ngọc Khoa truyền qua.

 

“Đi thôi!” – Anh thơm đôi má bầu bỉnh của con gái và nói với tôi. Cô con gái rượu bây giờ là thiếu nữ đứng bên anh, nước mắt cứ lặng lẽ trào ra trong đôi mắt u buồn như những buổi chiều mưa trên miền đất đỏ ngày xưa.

“Đi đâu” – Tôi hỏi.

“Đồng bào Chơ Ro đang đói trên rừng lá, đi viết bài kiếm gạo về cứu trợ cho họ, kiếm tiền làm trường cho con họ học”

“Đi!”

“Đi đâu?”

“ Diêm dân Bà Rịa, mất mùa muối, muối rẻ, bà con đang khổ”

Mười một giờ khuya, trời mưa tầm tả,  mưa miền đông ào ạt như “cầm chỉnh mà đổ”, tôi cuộn tròn trong chăn, anh dựng tôi dậy bảo:

“Đi!”

“Đi đâu?”

“Đi làm báo!”

“Trời!”- Tôi kêu lên.

“ Cầu gãy ngoài Bình Thuận, lũ về hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi, ở đó mà nệm ấm chăn êm, làm báo chi lạ rứa. Gọi điện về tòa soạn đi, bảo chờ tin cầu gãy để mai xe miền Bắc khỏi vô, mất công bà con. Mặc áo mưa vào lên đường nhìn cho tận mắt rồi đưa tin viết bài” – Anh ra lệnh tôi không kịp thở, giọng nói anh đầy quyền uy, một thứ quyền uy của trái tim.

 

Đêm hôm ấy mưa mờ mịt. Khoa ơi anh nhớ không? – Tôi thì thầm trước linh củu anh, những khoảnh khắc mà không bao giờ tôi quên được. Quá khứ của tôi và anh phải chỉ là sự giới hạn của thời gian khoảng mười năm ở Long Khánh mà dường như kéo dài biên độ không gian đến tận bây giờ và sau này, nếu “quá khứ” đúng như định nghĩa của Bùi Quang Huy.

 

Tôi lại khóc – những giọt lệ âm thầm./.

Nguyễn Một *
Số lần đọc: 1777
Ngày đăng: 02.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghĩ trước thềm năm mới … - Mang Viên Long
Hoa thì là - Lê Hà Ngân
Một sớm cuối năm - Lê Nguyệt Minh
Gặp bác Tạ Chí Đại Trường - Nguyễn Thị Hậu
Muốn về quê cũ phải quay lại mình - Lê Thị Vuôn
Cái … danh! - Trần Huy Thuận
Lẩn thẩn chuyện viết lách - Khải Nguyên
- Nguyễn Thị Hậu
Đọc ĐỒNG BÀO TÔI- Kahlin Gibran - Nguyễn Ước dịch - Nguyễn Hồng Nhung
Một cảm nhận với tác phẩm Thơ đến từ đâu?(*) - Phạm Toàn