Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
372
116.589.558
 
Đồ gốm sứ ở cảng thị Ba vát Bến Tre
Trần Anh Dũng

Viết với CN. Huỳnh Ngọc Thạch

( Bảo tàng Bến Tre )

 

Ba Vát- Hay Ba Việt- (xã Phước Mĩ Trung, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre)  là một cảng thị cổ sầm uất trong lịch sử, đã được ghi chép lại trong các sách Đại Nam nhất thống chíGia Định thành thông chí. Sách Gia Định thành thông chí chép về chợ Ba Vát như sau :” Chợ này ở bờ phía đông con rạch, có phố xá liền lạc, ghe thuyền đậu liên tục “. Còn sách Đại Nam nhất thống chí thì chép : “ Chợ Ba Việt ở thôn Hạnh Phúc, lị sở huyện Tân Minh, phố xá đông vui, thuyền bè tấp nập “. Đã cho thấy Ba Vát không chỉ là một chợ lớn trong vùng mà còn là lị sở của huyện, là cảng thị sầm uất của một thời.

 

Xã Phước Mĩ Trung nằm giữa vùng được tạo bởi 3 nhánh sông lớn của dòng sông Tiền là Mỹ Tho, Hàm Luông và Cổ Chiên. Phía bắc xã Phước Mỹ Trung giáp với huyện Chợ Lách và ngăn cách với huyện này qua một con rạch An Vĩnh khá lớn mà hai đầu của nó đều thông ra sông Hàm Luông rồi hợp với 2 con rạch Thanh Trung và Gia Khánh cùng đổ ra sông Cổ Chiên. Ba Vát cách dinh Long Hồ (Vĩnh Long) - Một căn cứ thời chúa Nguyễn không xa. Trong thời chúa Nguyễn không chỉ có Long Hồ mà chính Ba Vát cũng là căn cứ một thời của chúa Nguyễn. Nơi đây tài vật phong phú, buôn bán phát đạt, được sự ủng hộ mạnh mẽ của những người Hoa có thế lực, nhiều ngả thoát ra cửa biển khi Tây Sơn tấn công. Dọc bờ phía Đông của con rạch An Vĩnh, trong địa phận của chợ Ba Việt xưa, người dân ở đây đã từng phát hiện được khá nhiều mảnh gốm sứ, tiền đồng và các cổ vật khác. Năm 2002, cũng tại bờ phía Đông này, trong khi đào vườn, ông Nguyễn Văn Tư (Tư Chay) đã phát hiện được một hũ sành, trong đó có đựng những đồng tiền mang niên hiệu Gia Long (1802 - 1819) và Minh Mạng (1820- 1840). Những di vật được chôn dấu dưới lòng đất của cảng thị cổ được phát hiện ngày càng nhiều, mà chủ yếu là tiền cổ. Năm 2006, một sưu tập tiền cổ Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản số lượng rất lớn, nặng tới 40kg được chôn trong 2 vò sành đã được phát hiện. Trong số này có những đồng tiền mang niên đại rất sớm. Tiền Trung Quốc sớm mang các niên hiệu như Khai Nguyên Thông Bảo thời Đường (618- 626), tiền thời Tống như Thái Bình thông bảo (976- 995)… Đặc biệt là tiền cổ Việt Nam thuộc rất nhiều thời đại : thời Lý có khá nhiều đồng tiền mang các niên hiệu như: Thánh Nguyên thông bảo (Lý Thái Tông 1028- 1054), Thiên Phù nguyên bảo (Lý Nhân Tông 1120- 1127), Đại Định thông bảo (Lý Anh Tông 1139- 1175)…cùng những tiền đồng mang niên hiệu các vua Việt Nam thời Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, tiền của chúa Nguyễn Phúc Khoát (1746). Sự có mặt của các sưu tập tiền cổ cùng với tình trạng được chôn dấu của chúng, một mặt phản ánh sự phát triển mạnh của các hoạt động thương mại ở Ba Vát, mặt khác cũng cho thấy sự bất ổn của thương cảng này vào đầu thời Nguyễn (Khoảng từ giữa thế kỉ 19).

 

Cảng thị Ba Vát đã được Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Bến Tre phối hợp đào thám sát và khai quật vào các năm 2003và 2004. Kết quả khai quật và đào thám sát đã cho thấy đây là khu cư trú lớn, bắt đầu được hình thành vaò cuối thế kỉ 17 và phát triển mạnh vào các thế kỉ 18- thế kỉ 19. Nơi đây đã từng diễn ra các hoạt động thương mại của các thương nhân Việt- Hoa (và có thể là Nhật Bản nữa), mà một trong những mặt hàng được buôn bán là đồ gốm sứ và có thể là vôi nung từ vỏ sò. Như chúng ta đã biết,vào giai đoạn này, vôi là một trong những nhu cầu thiết yếu dùng xây các ngôi mộ bằng đá ong.Vôi cũng rất cần thiết cho tục ăn trầu mà Bến Tre vốn nổi tiếng là nhiều cau.

 

Trong số những cổ vật được phát hiện được ở Ba Vát qua khai quật Khảo cổ học và phát hiện ngẫu nhiên khi người dân canh tác và xây dựng các công trình kiến trúc thì đồ gốm sứ có số lượng khá nhiều, mật độ dày đặc. Tuy nhiên, những đồ gốm này đều đã bị vỡ nát. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc nghiên cứu và trưng bày. Thật may mắn là một sưu tập đồ sứ Trung Quốc hiếm hoi còn nguyên vẹn được đào từ lòng đất của thương cảng cổ Ba Vát hiện đang được bảo lưu đã làm cho chúng ta thấy được loại hình, mô típ trang trí đầy đủ của một bộ phận gốm đã khai quật và phát hiện được ở thương cảng Ba Vát.

Sưu tập đồ sứ được phát hiện tại khu chợ nằm kề sát với bờ phía Đông của sông Ba Vát, cách khu vực khai quật năm 2004 khoảng 300m về phía Tây, cách khu vực đào thám sát năm 2003 khoảng 100m về phía Đông. Chúng được đặt úp trong một thùng gỗ đã bị mục nát. Trong khi đào móng đóng cọc đổ móng nhà, ở độ sâu hơn 1mét, những người thợ xây dựng đã đào trúng thùng gỗ này làm vỡ một số đồ gốm. Tất cả đồ sứ đều là bát men trắng xanh vẽ lam của Trung Quốc, theo hoa văn trang trí, chúng được chia thành các loại sau:

 

Bát vẽ hoa cúc dây

Có 4 chiếc, chia làm 2 kiểu: Bát vẽ hoa cúc  nhìn chính diện và bát vẽ hoa cúc nhìn nghiêng.

 

- Bát vẽ hoa cúc nhìn chính diện

Có 2 chiếc, bát sâu lòng, thành hơi cong khum, đế tương đối cao, men trắng xanh hơi đậm, vành miệng và vành đế cạo men. Các loại bát còn lại chỉ cạo men ở vành chân đế, xương cao lanh trắng. Thân bên ngoài bát trang trí kín hình 2 bông cúc nở to nhìn chính diện kết hợp với 4 bông cúc nhỏ trông nghiêng cùng dây cúc uốn quanh co như dải lụa và cành cúc hình móc soắn. Bông cúc to được tô lam đậm, bông cúc nhỏ chỉ vẽ đường viền không tô lam. Sát chân đế vẽ băng vạch thẳng song song. Lòng bát vẽ đường viền hình lá cúc bằng màu lam nhạt. Lòng chân đế, một chiếc viết chữ chính, chiếc còn lại viết 3 chữ Hán nhưng bị nhoè không đọc được. Đường kính miệng bát là 14cm đến 15cm, đường kính đế 7,0cm đến 7.5cm, cao 7,0cm.

 

- Bát vẽ hoa cúc nhìn nghiêng

Có 2 chiếc, chất liệu, mầu sắc và kiểu dáng và kích thước như loại trên, chỉ khác hoa văn trang trí. Toàn bộ thân bát vẽ 2 bông cúc ớn nhìn nghiêng, tô lam đậm, giống như một cái cây, kết hợp với 2 chữ thọ đứng gần với hình cái đỉnh và cành lá hình móc soắn. Nét vẽ cứng, mập , thô, tô lam mảng đậm, không đều. Sát vành đế cũng có băng vạch song song, lòng bát không trang trí. Lòng đế bát viết 4 chữ Thành hoá niên chế bằng màu lam.

 

- Bát vẽ hoa sen nhìn nghiêng

Có 2 chiếc, với 2 kiểu : Cánh sen tô lam đậm, kín và cánh sen tô lam nhạt không kín toàn bộ cánh. Toàn thân bên ngoài của bát vẽ 2 bông sen to, xen kẽ 2 chữ thọ, 4 cành lá hình móc, cùng phong cách như bát trang trí hoa cúc nhìn nghiêng. Lòng đế bát viết 4 chữ Thành hoá niên chế bằng màu lam.

 

- Bát vẽ hình chim trĩ và hoa lá

Có 1 chiếc, kiểu dáng bát giống như các loại trên. Thân bát bên ngoài vẽ 2 bông hoa tròn, lá chấm tròn lẫn lá dài tô lam đậm. Xen kẽ mỗi cành hoa lá là hình một con chim trĩ đậu trên cành lá nhỏ. Chim vẽ thoáng giống như lối vẽ kí hoạ. Miệng và vành đế bát cạo men. Lòng đế bát viết 2 chữ Hán bị nhoè không đọc được. Đường kính miệng bát là 13.5cm, đường kính đế 7,0cm, cao 7,0cm.

 

- Bát vẽ hình đường tròn và hoa lá

Có 3 chiếc, kích thước nhỏ hơn các loại trên. Vành miệng bát bên ngoài vẽ băng 1 đường tròn to xen kẽ 2 đường tròn nhỏ xếp thành hàng dọc bằng màu lam nhạt.

Sát chân đế bát vẽ hoa lá nét mảnh theo lối thắt nơ. Đường kính miệng bát là 10.5cm, đường kính đế 5,5.

 

- Bát vẽ rồng - mặt nguyệt

Có 2 chiếc, men trắng đục, cùng dáng và kích thước với các loại trên. Thân bát vẽ xen kẽ 2 con rồng và 2 mặt nguyệt. Mỗi con rồng đuổi theo 1 mặt nguyệt. Hình vẽ cho thấy nó không được tạo bởi người vẽ chuyên nghiệp. Đường nét không dứt khoát, hình vẽ vụng về. Hình rồng được thể

hiện giống như con thú 4 chân, tai, mồm, thân giống chuột. Mặt nguyệt là hình tròn soắn có các tia bao quanh cùng với 4 cụm mây soắn có 2 tia ngang chĩa về 2 phía. Lòng Bát vẽ 1 cành hoa nhỏ. Lòng đế bát viết chữ chính.

 

Sưu tập đồ sứ này thuộc dòng gốm sứ dân gian của lò Đức Hoá (Trung Quốc) được xuất sang bán ở thị trường Đàng Trong.

 

Những đồ gốm này trùng hợp với những mảnh gốm đã được phát hiện trong các cuộc đào thám sát và khai quật tại địa điểm Ba Vát. Ngoài những đồ gốm đáy có đề ghi niên hiệu triều đại, ở đây còn tìm được khá nhiều mảnh gốm ghi tên lò sản xuất còn đọc được như Vĩnh Lợi, Ngoạn Ngọc, Hợp Ngọc, Hợp Thuận. Khá nhiều mảnh gốm bị vỡ chỉ còn đọc được 1 chữ như : Nội (Phủ ?), Kim, Thuận, Thiên, Sang, Cận, Cổ, Triều, Xuân, Đức. Điều này càng cho thấy Ba Vát là một cảng thị lớn, nơi tập trung buôn bán khá nhiều đồ gốm của các lò gốm dân gian Trung Quốc. Những phát hiện đồ gốm sứ ở các địa phương trong địa bàn tỉnh như ở gò Nhà Lớn, Gò Bà Cải, và nhiều nơi khác ở huyện Mỏ Cày. Bến Tre là một trong những địa bàn trọng yếu của chúa Nguyễn vào thế kỉ 18, trong đó nổi bật lên là cảng Ba Vát.

 

Về niên đại, qua loại hình, chất liệu và hoa văn trang trí trên đồ gốm, chúng ta dễ ràng nhận ra đây là những đồ gốm có niên đại khoảng thế kỉ 18. Đặc biệt là loại bát trang trí các hình tròn to và nhỏ rất phổ biến trong lớp trên ở các di tích, di chỉ thành thị, bến bãi ở miền Bắc (Hình 10) như khu vực 62- 64 Trần Phú, Đoan Môn, Bắc Môn, Hoàng thành Thăng Long (Quận Ba Đình - Hà Nội), Hoa Lâm Viên (Đông Anh - Hà Nội), Chùa Bà Tấm, hành cung Cổ Bi… (Gia Lâm - Hà Nội), thái ấp Trần Quang Khải (Mĩ Lộc, Nam Định), một số bến bãi, cảng cổ ở Thanh Nghệ…

 

Những đồ gốm ghi niên hiệu thời Minh  Thành Hoá niên chế ( 1465- 1488) được làm giả ở thế kỉ 18 (Từ hình 3 đến hình 8). Ngoài những đồ sứ làm gỉa vẽ hoa lá ở sưu tập này, còn có những đồ sứ men trắng vẽ lam làm giả khác, đáy cũng viết chữ Thành Hóa niên chế, toàn thân bên ngoài vẽ hình con thuyền, thành quách khai quật được ở Ba Vát và Hậu Lâu (Ba Đình, Hà Nội).

 

Rõ ràng là cùng vào thời điểm đó, những đồ sứ dân gian Trung Quốc được các thương nhân bán cả ở Đàng Trong và Đàng Ngoài.

 

Thương cảng Ba Vát là một căn cứ cứ quan trọng, có thể là một trong những nguồn cung cấp tài chính cho chúa Nguyễn nên nhà Tây Sơn quyết tâm triệt phá. Tình hình này cũng giống với Nông Nại Đại Phố ở Đồng Nai. Tại đây còn có các địa danh như Bến tắm ngựa, các nơi đóng quân của chúa Nguyễn, các bãi mộ đá ong xây bằng ô rước…

Ba Vát là địa điểm chiến lược giàu có, vì thế đã từng diễn ra các cuộc chiến ác liệt giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn ánh. Nơi đây trong khi làm đường đã phát hiện được nhiều xương cốt, được coi là của binh lính của hai bên Tây Sơn và chúa Nguyễn.

 

Sách Đại Nam nhất thống chí cũng chép rằng : “ Hồi đầu bản triều, Điều khiển Tống Phước Hoà đánh nhau với Tây Sơn tử tiết ở đây”. Hiện trong làng còn ngôi đình thờ  và sắc phong thần niên hiệu Tự Đức ngũ niên (Năm 1852) cho Nguyễn Duy Cương - Một họ hàng gần gũi và cũng là  tướng của Nguyễn ánh cũng bị chết ở đây. Sau trận chiến diễn ra vào năm 1777, Nguyễn ánh chạy thóat, cảng thị Ba Vát bị Tây Sơn tàn phá và sau đó đã được khôi phục lại vào đầu thời Nguyễn.Trong thời gian tồn tại, Ba Vát đã góp phần vào việc phát triển kinh tế thương mại trong vùng.

 

Cuộc chiến ác liệt vào năm 1777 tại Ba Vát cuộc chiến giữa quân Tây Sơn và Nguyễn ánh đã khiến cho nhiều người giàu có phái chôn dấu của cải để chạy trốn. Có thể số đồ gốm này đã được chủ nhân của nó cất dấu trước khi trận chiến xảy ra. Ba Vát được hồi phục vào đầu thế kỉ 19 nhưng sự hồi phục này chỉ diễn ra trong khoảng nửa thế kỉ. Những biến động chính trị, loạn lạc vào khoảng giữa thế kỉ 19 đã khiến cho nó dần dần tàn lụi.

 

Ảnh :Bát sứ Đức Hoá phát hiện được ở Đoan Môn và Bắc Môn

 

 

Tài liệu tham khảo

 

1.Trần Anh Dũng, Hà Văn Cẩn 2004: Điều tra, thám sát khảo cổ học cảng thị Ba Vát (Bến Tre), trong NPHM năm 2003, NXB khoa Học Xã hội, Hà Nội, tr. 381- 383.

2. Hà Văn Cẩn, Trần Anh Dũng, Lại Văn Tới và Bảo tàng Bến Tre 2005: Khai quật địa điểm Khảo cổ học Ba Vát năm 2004 (Huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre), trong NPHM năm 2003, NXB khoa Học Xã hội, Hà Nội, tr. 511- 513.

3. Trần Hoàng Huấn, Huỳnh Văn Phết, Thái Thị Ngọc Hân 2006 : Vài nét về bộ sưu tập tiền kim loại  của Bảo tàng Bến Tre. Tham luận tại Hội Thảo khoa học Di chỉ Giồng Nổi Bến Tre tháng 12 năm 2006.

Trần Anh Dũng
Số lần đọc: 3274
Ngày đăng: 26.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Di Chỉ Khảo cổ học Giồng Nối (Bến Tre) - Trần Anh Dũng
Văn Hóa Sa Hùynh Nhìn từ Văn Hóa Đồng Nai - Nguyễn Thị Hậu
Cội Nguồn Văn Minh Ở Trung Quốc : Sự Khác Nhau Giữa Tài Liệu Khảo Cổ Và Cồ Sử Cùng Sự Giải Thích - Hà văn Thùy
Vài suy nghĩ về việc bảo tồn khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Nguyễn Thị Hậu
Văn hoá tiền sơ sử Bà rịa - Vũng tàu trong không gian tiền sử đông nam bộ - Phạm Quang Minh
Câu chuyện về khảo cổ học : Hoàng đế Ashoka đã sống lại như thế nào? - Nguyễn Đức Hiệp
Phát hiện ngôi mộ 1.700 tuổi tại miền bắc Peru - Khuyết danh
Tiền sử Đông Nam Á – Người Austronesian trong thuyết “Tàu tốc hành” và thuyết “Tàu chậm” và sự hiểu biết hiện nay - Nguyễn Đức Hiệp
Vài nét về văn hóa Sa Huỳnh ở miền trung Việt Nam - Nguyễn Thị Hậu
Lầm lẫn lớn từ một bài báo nhỏ - Hà văn Thùy
Cùng một tác giả
Làng gốm Hiển Lễ (dân tộc học)
Làng gốm Hương Canh (dân tộc học)