Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
563
115.992.139
 
Cảm nhận câu ca: công anh chăn nghé đã lâu …
Trần Minh Thương

Dân gian miệt sông nước Cửu Long còn lưu truyền câu ca:

 

Công anh chăn nghé đã lâu

Bây giờ nghé đã thành trâu ai cày

 

Đầu tiên, đây là một hiện tượng thực diễn ra khá phổ trong cuộc sống của những người chân lắm tay bùn: con trâu đi trước cái cày theo sau!

Con trâu là bạn “đầu cơ nghiệp” của nhà nông:

 

Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

 

Xong, nhờ biện pháp tu từ ẩn dụ, nghĩa của câu ca không dừng lại ở đó.

Ẩn dụ tu từ theo cách hiểu truyền thống là lối nói ví von, so sánh ngầm của phép so sánh trong đó cái được so sánh bị giản lược đi chỉ còn lại cái được so sánh để chỉ một đối tượng, sự việc hay trạng thái nào đó. (*)

Đọc kỹ câu ca:

 

Công anh chăn nghé đã lâu

Bây giờ nghé đã thành trâu ai cày

 

Ta thấy ba từ : nghé – trâu – cày ẩn chứa đằng sau nó một cái gì khác thật xa xăm và sâu sắc.

 

Trâu anh con cỡi con dòng

Lại thêm con nghé cực lòng thằng chăn

 

Từ nghé để được thành trâu cày trải qua một quá trình chăm sóc dưỡng nuôi. Anh chàng nông dân nào đấy đã chăn nghé cho đến khi nghé thành trâu. Nhưng hỡi ôi, khi công đã đến hồi thành tựu, thì thành quả ấy đã vào tay “ai” kia!

 

Từ những ẩn ý ấy, lời thơ khiến người đọc có thể liên tưởng đến một cung bậc dang dỡ nào đó trong tình yêu lứa đôi chăng! Có thể thấy thấp thoáng hình ảnh một “anh” đã dày công “đeo đuổi”, “nuôi dưỡng” bóng hình nào đấy trong tim mình để rồi giờ đây đêm về ôm mộng sầu cảnh gối chiếc chăn đơn!

Cam sành lột vỏ còn the

Thầy em còn nhỏ anh ve để dành!

Nhưng thật xót xa và cay đắng! Không thể để dành được!

 

Câu ca Công anh chăn nghé đã lâu liệu có gần giống hình ảnh:

Công anh xúc tép nuôi cò

Cò ăn cò lớn cò dò lên cây!

 

Con cò nó dò lên cây, con chim sáo sổ lòng bay xa, … tất cả đều có hình ảnh gần giống với nghé đã thành trâutrâu đã về tay ai cày như lời người nông dân thốt ra chua chát, ngậm ngùi.

 

Tiếc công anh đắp đập coi bờ,

Để ai quảy lộp mang lờ đến đơm

 

Chim huỳnh đặng gió bay cao

Tiếc công anh lai vãng vườn đào bấy lâu.

 

Một điều thú vị nữa là ở từ cày. Đây là từ đa nghĩa và cũng gần xa mang dáng dấp ẩn dụ. Cày chỉ hành động của người nông dân vỡ đất ruộng chuẩn bị cho công đoạn gieo sạ tiếp theo.

 

Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

 

Nhưng trong khẩu ngữ, phương ngữ Nam Bộ cày còn được hiểu bóng gió chỉ hành động kín đáo của nam nữ!

 

Chồng em nào phải trâu cày

Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm!

 

Quả thật, vừa thâm thuý, nhưng cũng không kém phần hóm hĩnh! Xin được cung cấp thêm, phương ngữ Nam Bộ còn những tiếng lóng như “cày ở ruộng nhỏ”, “nằm trên bờ mẫu”, … đều cùng chung nét nghĩa: cảnh ái ân chốn buồng the!

Hay như một câu ca khác:

 

Công anh đắp đập be bờ

Để ai tháo nước để lờ anh trôi

 

Cái lờ được sử dụng trong trường hợp này cũng thật nhiều ý nghĩa! Bởi khi đọc, khi ngâm (chức năng của ca dao là vậy!), từ lờ còn dễ dàng khiến người nghe liên tưởng đến l … Ngẫm mà xem, người bình dân quả thật hết sức độc đáo!

Cuối cùng, để kết thúc bài viết xin được dẫn một câu ca khác cùng motif ấy:

 

Công anh làm rể ba năm

Chiếu chả được nằm, đất lại cắm chông

Con bà bà lại gả chồng

Để anh vất vả tốn công bộn bề

 

Âu đó cũng là một hiện thực, một nét sinh hoạt văn hoá ngày xưa, ngày nay đã lùi dần vào dĩ vãng:

 

Công anh làm rể làm con

Áo rách quần mòn vợ lại về ai ?

 

(*) Dẫn theo Nguyễn Thái Hoà, Từ điển tu từ - phong cách – thi pháp học, Nxb H, 1999, trang 8.

 

 

Trần Minh Thương
Số lần đọc: 4921
Ngày đăng: 22.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếng cười trong ca dao Tây nam bộ - Trần Minh Thương
Lễ Rước mục đồng làng Phong Lệ - Văn Thành Lê
Tìm hiểu thêm về mối quan hệ giữa truyền thuyết và cổ tích - Võ Phúc Châu
Chuyện thề nguyền qua câu hò của mẹ - Trần Hạ Tháp
Những khúc ca về tâm lực người nông dân trong giêng hai nghiệt ngã - Nguyễn Hoàn
Nhân lễ giỗ anh hùng Trương Định (20/8/1864 – 20/8/2008) : TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN - Võ Phúc Châu
Truyền thuyết dân gian về cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương - Võ Phúc Châu
Truyền thuyết dân gian về cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ (1858 – 1918) - Võ Phúc Châu
Vạn Ninh ,đất và người - Nguyễn Man Nhiên
Xe lôi miền tây –Nét đẹp cần lưu giữ - Lê Xuân
Cùng một tác giả
Thể loại văn tế (tiểu luận)