Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
578
115.979.746
 
Bùi Công Thuấn đọc lại : LỜI NGUYỀN HAI TRĂM NĂM
Bùi Công Thuấn

Tiểu thuyết của Khôi Vũ. Nxb Thanh Niên, Hànội 1989

 

Tiểu thuyết Lời Nguyền Hai Trăm Năm (LNHTN) của Khôi Vũ đạt giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam 1989, đến nay đã 20 năm,  đọc lại vẫn thấy thú vị.

 

Làng biển Cát có ông tổ họ Lê theo Gia Long. Ông  phò dưới trướng Lê Văn Duyệt . Khi Gia Long chiến thắng và tiến hành trả thù khắp nơi,  họ Lê cũng  nguyền trả thù cho gia huynh mình. Họ Lê đã bắt được và giết chết một cách dã man cha con họ Vũ, một viên tướng Tây Sơn, Trước khi bị chém. làm hai mảnh, họ Vũ nguyền rằng, dòng họ Lê, “chỉ đến khi tuyệt tự mới hết kẻ ác tâm”. Sau đó hồn họ Vũ đầu thai vào nhà họ Lê để trả thù riêng. Lời nguyền ấy đã ứng nghiệm . Mỗi đời họ Lê muốn có con trai nối dòng đều phải làm một việc ác . Tổ họ Lê đã làm phản, bị triều đình nhà Nguyễn truy đuổi, chạy về lập nghiệp ở làng biển Cát, sinh ra Gia Trí. Gia trí theo làm nghiã quân của Trương Định, sau phản bội Trương Định, nhờ đó có con trai là Châu Toàn. Châu Toàn tin rằng lời nguyền sẽ chẳng tha mình, anh sống phóng đãng và bỏ rơi một cô gái người dân tộc tên là Tòng Mật. Châu Toàn sinh Phú Quý. Phú Quý bị Pháp bắt giam, trong tù anh quen một người tù trí thức và trở thành đảng viên, người tù này đặt tên Phú Quý là  Hai xung Phong. Rồi Phú Quý bị Pháp bắt và tra tấn.  Không chịu đựng được đòn thù, Phú Quý đã chỉ điểm cho Pháp bắt một cán bộ cao cấp . Người này bị tra tấn chết. Hai Xung Phong hối hận, từ bỏ gia đình đi tu, đổi tên là Thích Huệ Mẫn. Ông có một con trai, đặt tên là Lê Trung Hiếu.

 

Hiếu chính là Vua Biển Hai Thìn. Anh sống ở làng biển Cát. Sau giải phóng, a bị cán bộ điạ phương ép đi kinh tế mới. Nhà cửa của anh bị chiếm đoạt. Một năm sau đó anh xin hồi cư. Lý do anh là dân biển. Anh bị cán bộ điạ phương là Năm Mộc, Sáu Thế, Năm Hường o ép đủ điều. Sau cùng nhờ người dân trung kiên như ông Bảy, bà cả Mọi và ông Ba Tê, một đảng viên hưu trí đấu tranh mạnh mẽ, Hai Thìn được nhập lại hộ khẩu, làm ăn, trở nên giàu có, được cử là đại biểu Hội Đồng Nhân Dân.  Anh xây trường học cho trẻ, làm nhà văn hoá cho xã và đòi lại đình thờ tổ cho dân làng. Anh không có con trai. Cha anh (Thích Huệ Mẫn) muốn anh làm một điều xấu, điều ác để có con trai nối dòng, anh nhất định từ chối. Vợ anh cũng sắp đặt một kế hoạch cho anh ăn nằm với Tám, người vợ goá của Ba Vui, bị bịnh trời hành, để anh phạm tội, nhưng Hai Thìn đã tránh được. Hai Thìn  yêu vợ nồng nàn trong đêm trước khi anh đi biển. Chuyến đi ấy thuyền Hai Thìn bị sóng thần đánh vỡ. 15 người đi biển chỉ còn Năm Mộc sống sót, 9 người mất tích. Trong đêm yêu đương sau cùng, Hai Thìn đã để laị trong bụng vợ một đưá con. Chị đã sinh một cháu trai, ước mơ tuyệt vời của vua biển .

 

Tôi vừa tóm tắt lại nội dung truyện, nhưng đã làm hỏng cấu trúc song song của tác phẩm. Sức hấp dẫn của Lời Nguyền Hai Trăm Năm trước hết là ở cốt truyện. Có hai câu truyện được kể cùng một lúc. Đó là kiểu cấu trúc khá mới lạ vào thời điểm cuốn tiểu thuyết xuất hiện. Trước đây nhiều nhà văn dùng kỹ thuật kể truyện trong kể truyện để tạo môt cấu trúc kép. Khôi Vũ có cách cấu trúc song song. Anh kể  hai câu truyện, xen kẽ nhau, lấy mốc thời gian từng năm để định chương : Câu truyện năm đời của dòng họ Lê, từ 1802 đến 1988, và câu truyện Hai Thìn trở về làng biển Cát  từ 1977 đến 1988. Người đọc bị hấp dẫn bởi hai câu truyện, nhưng đồng thời cũng cảm thấy thật thú vị khi nhận ra Khôi Vũ đã khéo léo cài đặt, ráp nối hai tuyến nhân vật và sự kiện trong những không gian và thời gian khác nhau, để đi tới một kết thúc toàn vẹn, giải quyết mọi vấn đề của cả quá khứ và hiện tại

 

Vấn đề của quá khứ là lời nguyền của họ Vũ. Bốn đời họ Lê đã phải làm ác mới có con trai nối dòng, kể cả Thích Huệ Mẫn, dù hối hận về hành động tội ác của mình, dù đã tu hành, vẫn muốn con mình là Hai Thìn phạm tội. Đến đời thứ năm, Hai Thìn không tin sự ứng nghiệm của lời nguyền, anh nhất quyết từ chối làm xấu, làm ác. A chọn cuộc sống tự do tuyệt đối, sống với lương tâm của mình, cương quyết không làm gì trái với lương tâm. Anh đã thắng được lời nguyền. Anh chết trong lòng yêu thương của nhân dân, để lại một đưá con trai.

 

Điều thú vị của cốt truyện nằm trong tư tưởng  của tác phẩm này. Nhìn kỹ vào tội ác 4 đời họ Lê đã làm, đó là những tội ác gì ? hầu hết là tội  phản bội, từ đó gây ra cái chết bi thương cho đồng đội, cho nhân dân. Ông tổ thứ Nhất làm phản triều Nguyễn, Ông tổ thứ Hai là Gia Trí đã phản bội Trương Định. Ông tổ thứ ba là Châu Toàn đã phản bội Tòng Mật (bà cả Mọi). Tổ thứ tư là Phú Quý (Hai xung phong) đã phản bội đảng mình, làm hại đồng chí.  Hai Thìn là đời thứ năm cũng bị quyến rũ phản bội lại nhân dân trong việc đòi lại đình thờ tổ.

 

Đọc Lời Nguyền Hai Trăm Năm, người đọc nhận ra bản chất của hiện thực, của cõi người này, từ xưa đến nay là sự phản bội. Người ta vì quyền lợi cuả cá nhân mình mà sẵn sàng phản bội, sẵn sàng bán đứng tất cả, sẵn sàng gây ra tội ác cho đồng đội, đồng chí, đồng bào mình. Khôi Vũ đã phản đối mạnh mẽ cái tưởng như định mệnh không thay đổi ấy  bằng hành động đấu tranh tích cực của Hai Thìn. Giá trị thực của đời người là nghiã tình với cộng đồng, với người dân làng xã, là cống hiến công sức cho sự sống chung. Sự tồn tại đích thực của một con người phải là sự tồn tại tự do, thẳng thắn, bao dung. Nhờ thế anh được biển tặng cho anh tất cả những gì anh đã bị tước đoạt mất, cả ước mơ cháy bỏng là có được đưá con trai nối dòng. Nhưng hạnh phúc lớn nhất mà anh có được là những gì anh đã cống hiến cho dân làng. Anh ra đi thanh thản trong sự yêu thương cuả mọi người.

 

Qua nhân vật Hai Thìn, Khôi Vũ hướng về một lẽ sống tích cực, một thái độ sống mạnh mẽ và một triết lý nhân sinh giàu chất nhân văn. Lẽ thiện phải thắng cái ác, dù cái xấu, cái ác có phủ bóng tối dày đặc từ đời này sang đời kia. Những gì trái với lương tâm phải được loại trừ khỏi cuộc sống này. Có vậy cuộc sống mới có ý nghiã. Khôi Vũ không chấp nhận cách giải thích duy tâm về hiện thực. Hai Thìn được biển tặng cho tất những gì anh ước muốn bằng sự đánh đổi sức lực, tâm huyết và cả sinh mệnh của mình. Hai Thìn tha thứ và cứu vớt Năm Mộc là để hoán cải cái xấu cái ác bằng hành động nhân ái, xóa sạch ảnh hưởng của lời nguyền, để chứng minh rằng lời nguyền chỉ là cái cớ giả tạo biện minh cho hành động xấu xa xuất phát từ bản chất con người. Và Khôi Vũ đã để cho “con rắn độc” Năm Mộc được sống, đó là một chi tiết có ý nghiã tư tưởng.

 

Vấn đề của hiện tại là vấn đề tự do , hạnh phúc của nhân dân. Đây cũng là vấn đề căn cốt của cách mạng. Ngày nay đọc lại những gì Hai Thìn đã trải qua, ta hiểu đó là thời nhận thức ấu trĩ về chủ nghiã xã hội. Chủ nghiã xã hội đồng nghiã với hợp tác xã, với tập đoàn. Người giàu có đều bị quy thành tư sản bóc lột. cán bộ điạ phương lợi dụng lúc luật pháp chưa rõ ràng, hành xử theo luật rừng , chà đạp lên người dân. (Năm Hường, Sáu Thế, Năm Mộc và Tài Nguyễn, đối với gia đình Hai Thìn, với chuyện đình thờ tổ  ba ông…) Khôi Vũ đứng hẳn về phiá nhân dân mà tiêu biểu là Hai Thìn, Ông Bảy , bà Cả Mọi và ông Ba tê, một đảng viên hư trí , đấu tranh đến cùng cho lẽ phải của nhân dân. Đọan đối thoại giữa ông Bảy và Tài Nguyễn, giữa ông Ba Tê và phó văn phòng Ủy Ban Tỉnh được viết thật mạnh mẽ, sắc xảo. Cả ông Bảy và Ba tê đã cho những nhân viên cán bộ ấy biết lẽ phải của nhân dân là gì, và họ phải trả lời những ý kiến của dân, và dù có né tránh bằng mưu ma chước quỷ thì sau cùng lẽ phải của nhân dân cũng thắng, quyền lợi của nhân dân được tôn trọng (xây trường học cho trẻ, làm nhà văn hoá, trả lại đình thờ 3 tổ làng biển Cát). Điều thú vị là ở chỗ Khôi Vũ đã miêu tả được sức mạnh của nhân dân, sức mạnh lẽ phải chiến thắng được kẻ xấu có thế lực. Khôi Vũ cũng chỉ ra rằng khi sức mạnh cuả nhân dân được phát huy, quyền lợi của nhân dân được bảo đảm thì đời sống xã hội cũng thăng tiến (Hai Thìn trở thành triệu phú nhờ đi biển, anh chẳng thiếu thứ gì, dân làng biển Cát nhiều người cũng khá giả lên) Hình ảnh bà Cả Mọi hơn trăm tuổi, vẫn lao động khoẻ, vẫn kiên trì đấu tranh cho quyền lợi của con cháu là một hình ảnh thật  cảm động.

 

Vấn đề đau đáu của tác phẩm là số phận người phụ nữ. Tại sao người phụ nữ trong tác phẩm lại đau khổ đến thế. Bà Cả Mọi suốt một đời bị bỏ rơi, cô độc sống ngoài rừng. Tám (vợ Ba Vui ), vợ Mười Hoà , cả hai đều mất chồng, sau đó còn bị bịnh trời hành  khổ sở, nhục nhã, Vợ Mười Hoà còn bị con rắn độc Năm Mộc giày vò hành hạ không thôi nữa.  Sau cùng, Lài và cô giáo Út, cả hai cùng mất người thân yêu nhất của mình. Họ giàn giụa nước mắt trên thân xác người thân. Nguyên nhân những nỗi thống khổ của họ, về sâu xa, là do đàn ông, cùng với hoàn cảnh xã hội trói buộc họ. Đàn ông đã xử với họ thật đê tiện (Châu Toàn, Năm Mộc ). Khôi Vũ chưa đặt ra vấn đề giải phóng phụ nữ, mặc dù nhà văn đã đặt họ vào những vị trí không lệ thuộc đàn ông ( bà Cả Mọi ). Khôi Vũ viết những trang văn đầy thương cảm về họ . Đây là hình ảnh Lài bên xác chồng :”Lài được tin, chạy như người mộng du thẳng đến bãi biển…Hai Thìn nằm úp sấp, dáng hồn nhiên của người đang ngủ say…Lài ôm lấy thân thể chồng, lật anh nằm ngửa, áp tai sát ngực anh mà tìm một nhịp đập trái  tim . Chị chẳng sao tìm được, dẫu một nhịp đập nhỏ nhất, dẫu một nhịp đập cuối cùng. Hai Thìn nhắm mắt như nhủ, môi cười. Anh ngủ. Anh ngủ thôi mà…”(tr.142). Khôi Vũ miêu tả rất thương cảm cảnh vợ Mười Hoà bị bịnh trời hành (chương 8-Một Đêm Trăng, đoạn 3 và sau đó …tr.70), nhất là những lúc chị bị Năm Mộc giày vò cả thể xác và linh hồn. Người đọc không thể cầm lòng được trước những nỗi khổ nhục của chị, không thể không căm phẫn trước những kẻ đê tiên như Năm Mộc, và tự hỏi làm thế nào để cứu giúp chị. Khôi Vũ đã chỉ rõ nạn nhân của lời nguyền không phải là dòng họ Lê  không có con trai nối dõi tông đường, mà là thân phận phụ nữ trong mọi nỗi tủi nhục. Đó mới  lời nguyền mà xã hội cũ muốn mãi mãi ứng nghiệm. Khôi Vũ có hé mở ra hướng giải quyết nhân bản: tìm chồng cho Tám để chị không còn bị giời hành, bù đắp sự mất mát lớn lao của Lài khi cho chị sinh một cháu trai. Bà Cả Mọi thấy được con cháu ấm no hạnh phúc. Thế nhưng những bi kịch vẫn còn đó. Kẻ xấu, con rắn độc Năm Mộc được Hai Thìn  cứu sống  vẫn nhởn nhơ, tự hào rằng hắn được “trời thương “, rồi lại “sa dần vào những canh bạc như trước kia, đam mê, si cuồng”(tr.143) nghiã lả những thảm họa của vợ Mười Hoà vẫn còn đó. Điều này hẳn Khôi Vũ có dụng ý. Nó khác hẳn cái triết lý “ác giả ác báo “ xưa nay, Năm Mộc làm ác nhưng lại được “trời thương “

 

Phải chăng Khôi Vũ pha trộn những triết lý sống khác nhau trong tác phẩm ?

Trước hết là một kiểu duy tâm dân gian, lời nguyền ứng nghiệm, họ Vũ báo ác nhà họ Lê, ứng nghiệm đến đời thứ năm. Khôi Vũ tô đậm triết lý này thêm bằng một giấc mơ. Họ Vũ đấu thai vào nhà họ Lê để trả mối thù riêng. Thực ra, đây chỉ là yếu tố làm tăng sự hấp dẫn của truyện, nối kết các sự kiện của quá khứ mà thôi, bởi vì sau cùng Khôi Vũ đã để cho Hai Thì làm thiện, làm theo lương tâm của mình, chống lại lời nguyền,  anh đã chiến thắng,  có con trai nối dòng. Hồn họ Vũ không hề có tác động gì trong suốt quá trình 5 đời họ Lê. Nói khác đi Khôi Vũ đã đưa vào tác phẩm triết lý sống con người có thể chiến thắng định mệnh bằng lẽ sống thiện tâm của mình, sống theo lẽ phải của lương tâm mình (không phải chữ Tâm của Phật )

 

Lẽ sống thiện tâm ấy là gỉ ? Hai Thìn dang dở việc học, lại bị bịnh lao. Anh trở về làng biển Cát đi biển kiếm sống. Biển đã chưã lành bịnh cho anh, lại cho anh tất cả những gì anh đã bị tước đoạt mất, Anh trở thành triệu phú, nhờ đó anh xây trường học, làm nhà văn hoá hỗ trợ đình làng cho dân. Lẽ thiện với anh là lao động chân chính, là không làm gì tổn hại đến mọi người xung quanh, là góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Lẽ thiện của anh là tự do tuyệt đối trong sự chọn lựa thái độ sống của mình. Anh nhất quyết không làm xấu, không làm ác, dù khát vọng có con trai là khát vọng sâu xa, cháy bỏng. Khôi Vũ đề cao triết lý sống này ở Hai Thìn, ở Bà Cả Mọi và ở cả ông Bảy. Từ đây ánh lên một tư tưởng khác, tư tưởng về vai trò,  sức mạnh của nhân dân.

 

Nhân dân, trong nhất thời, bị những thế lực xấu đè bẹp (trong quá khứ, Trương Định bị phản bội phải tự sát, cán bộ Đảng bị Hai Xung Phong chỉ điểm,  bị bắt, bị tra tấn đến chết ; trong hiện tại, Hai Thìn, ông Bảy bị Năm Mộc, Sáu Thế, Năm Hường, Tài Nguyễn ức chế ) nhưng họ có lẽ phải, có những nguyện vọng chính đáng, vì thế họ không nhường bước trong cuộc đấu tranh cho lẽ phải, họ không nao núng trong cuộc đối đầu, trái lại họ vững tin đi tới. Sau cùng họ đòi được công lý cho cả cộng đồng, tìm được cuộc sống ấm no hạnh phúc cho mọi người. Hẳn người đọc rất vui khi tác phẩm kết thúc bằng chiến thắng của nhân dân, dù rằng sự tổn thất của nhân dân là không nhỏ (ông Bảy chết, Hai Thìn, Ba Vui, Mười Hoà chết, vợ Mười Hoà bị làm nhục ). Đó phải chăng là niềm tin, là thông điệp mạnh mẽ mà Khôi Vũ muốn gửi gắm trong tác phẩm? Anh viết thông điệp này bằng niềm say mê tuôn trào trên trang văn, bằng sự tô đậm phẩm chất các nhân vật, bằng tiếng reo vui ào ạt mỗi khi nhân vật của anh tràn tới, buộc những kẻ xấu phải lui bước trong những ý đồ đen tối của mình. Với ông Ba Tê, một đảng viên hưu trí, “Hạnh phúc là đấu tranh”. Triết lý này gặp gỡ với tinh thần dân chủ của nhân dân, trở thành sức mạnh cuốn phăng đi tất cả những trở ngại trên đường đi tới của nhân dân. Ông Ba Tê thực sự trở thành người đảng viên tiên phong của nhân dân.

 

Lời Nguyền Hai Trăm Năm hấp dẫn ở kỹ thuật viết tiểu thuyết điêu luyện. Văn của Khôi Vũ mộc mạc, thanh thoát. Mạch kể nhanh, cấu trúc chương gọn. Khôi Vũ thể hiện một tài năng vượt trội trong cấu trúc truyện theo hai tuyến song song, hai tuyến này phát triển riêng rồi gặp nhau ở cuối truyện. Sự ráp nối hai tuyến truyện đòi hỏi những bố trí khéo léo các mạch truyện từ trước, để khi hoà vào nhau, truyện không bị khập khiễng, có thể giải quyết được những mâu thuẫn đã mở ra từ đầu tác phẩm. Đó là lời nguyền của họ Vũ, và sự trở về của “Vua Biển”, một con người trở thành đối tượng phải cảnh giác, phải loại trừ, phải cản trở  của các cán bộ xã Đại Dương. Tác phẩm giữ được độ căng hấp dẫn liên tục do cốt truyện mở ra liên tiếp những tình huống đối đầu mới, căng thẳng hơn, quyết liệt hơn ; đồng thời Khôi Vũ cũng xen vào những cảnh, những chương nhẹ nhàng trữ tình để tạo ra  sự đa dạng của nhịp điệu truyện, nuôi dưỡng được cảm hứng  của người đọc hơn. Gần đây có những tiểu thuyết sử dụng kỹ thuật xây dựng thế giới song song, tôi nghĩ Khôi Vũ đã đi trước rất xa trong kỹ thuật này.

 

Khôi Vũ có cách tô đậm nhân vật của mình lên bằng những kỹ thuật đặc sắc. Trước hết là khắc hoạ  cá tính riêng của nhân vật bằng nhiều hành động trong nhiều hoàn cảnh đối đầu đặc biệt. Tính cách Hai Thìn, Năm Mộc, Sáu Thế hiện lên ngay từ chương đầu trong những cuộc đối mặt dẫn đến nổ súng. Tính cách bà Cả Mọi được tô đậm qua những lần thử thách quyết liệt Tòng Út, khi anh xin được trở lại làm người con của thần rừng, những lần bà đòi chính quyền xã phải chăm lo cho con cháu bà. Các nhân vật quá khứ như ông tổ họ Lê, Gia Trí, Châu Toàn, Phú Quý (Hai Xung Phong - cha của Hai Thìn ) cũng có những tích cách đặc biệt, rất riêng. Nhờ thế, dù tác phẩm có khá nhiều nhân vật, nhưng nhân vật nào cũng đứng được, cũng tạo được ấn tượng khó quên trong tâm trí người đọc. Mỗi nhân vật lại được miêu tả kèm theo một đặc sắc sinh hoạt nào đó. Hai Thìn có con ó lửa, anh thường tâm sự với nó. Nó theo anh từ đầu tác phẩm và cùng chết với anh ở cuối tác phẩm. Tòng Út giữ bên mình cây đàn ống tre, mà ngay cả khi đã chềt, tay anh vẫn ôm giữ cây đàn ấy. Bà cả Mọi sống với những bài dân ca của dân tộc mình. Hai Thìn thường nói chuyện với gió, với ánh nắng, với con ó lửa, kỹ thuật này tạo nên chất lãng mạn cho nhân vật, giúp người đọc hiểu sâu hơn nội tâm nhân vật. Đây là kỹ thuật phân thân đã có từ lâu trong tiểu thuyết.

 

Nếu Văn là người thì Khôi Vũ bộc lộ những đặc điểm phong cách gì trong tác phẩm này?

Trong LNHTN, Văn của anh giản dị, trong sáng, giống như cá tính con người anh. Văn anh giàu nhiệt tình nhưng đằm thắm, cô đọng nhiều giá trị văn hoá . Anh miêu tả khá trần trụi những khốn nạn mà người phụ nữ bị trời hành phải chịu, nhưng ngòi bút cuả anh rất chừng mực khi miêu tả những cảnh sex. Tính cách mạnh mẽ, minh bạch, dứt khoát của anh cũng thể hiện trong từng nhân vật. Nhân vật nào cũng có cá tính riêng, góc cạnh. Tốt xấu, trắng đen phân biệt. Tư tưởng của anh là tư tưởng của nhân dân. Có lẽ anh trải nghiệm nhiều đời sống dân dã nên thấm nhuần được cách cảm, cách nghĩ của nhân dân,  hoá thân trong hành động, trong lẽ sống, trong mọi quan hệ xã hội của nhân vật. Anh không trình bày tác phẩm như kiểu tác phẩm tư tưởng, mà trình bày như đời sống thực đang diễn ra là vậy, tự nhiên, sinh động, gần gũi. Có thể coi Ông Bảy, Hai Thìn, bà Cả Mọi là biểu hiện tư tưởng của Khôi Vũ. Anh khẳng định những mặt tích cực của các nhân vật này, khẳng định sự chiến thắng trong lẽ sống, trong suy nghĩ và hành động của họ. Thực ra đó cũng là tính cách con người Nam Bộ, bộc trực, nghiã tình, không thuyết lý (Bà cả Mọi chỉ đánh giá Hai Thìn trên hành động thực tiễn) .

 

Đọc văn Khôi Vũ, trước hết người đọc bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn của tác phẩm sau đó nghiệm ra những thông điệp mà anh gửi gắm, và nếu người dọc nghiền ngẫm một chút thì có thể nhận ra tư tưởng của anh bàng bạc trong từng trang văn giàu tình giàu nghiã. Tôi tin Lời Nguyền Hai Trăm Năm có thể đứng được lâu vì Khôi Vũ gửi trong đó những lời tâm huyết của mình. Cuôc sống còn nhiều cái xấu, cái ác quá, không thể coi nó như là định mệnh không tránh khỏi, mà phải tích cực đấu tranh đẩy lùi nó, để bớt đi những số phận khốn khổ, để thoát ra khỏi những bi kịch và để đem đến cuộc sống an lành hạnh phúc cho nhân dân. Chắc ai trong chúng ta cũng mong cho ước nguyện ấy của Khôi Vũ thành hiện thực. Nhưng chúng ta cũng biết Khôi Vũ là người thực tiễn, anh không ảo tưởng trong tác phẩm của mình. Những nhân vật như Năm Mộc vẫn còn đó, khiến chúng ta không thể an tâm khi nghĩ đến những thân phận như vợ Mười Hoà. Có lẽ vì thế mà Khôi Vũ tiếp tục viết, tiếp tục đặt những vấn đề không thể né tránh vào lẽ thiện trong tâm người đọc chăng? ./.

 

Tháng 11/2009

Bùi Công Thuấn
Số lần đọc: 2680
Ngày đăng: 10.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phạm Thiên Thư, Người đi tìm "bụi đỏ" - Trần Hoài Anh
Cuốn sách – đời người - Vũ Ngọc Tiến
Thử “giải mã” một số kết hợp từ lạ trong thơ Trương Nam Hương - Huệ Triệu
Trương Nam Hương và cuộc “Tìm mình’ - Dương Kiều Minh
Mai Văn Phấn và khúc biến tấu Hôm sau - Đặng Văn Sinh
Đắng & Ngọt – Hương Vị Cuộc Đời. - Trần Hữu Dũng
Xuân Thao, thơ và người - Phạm Ngọc Lư
Sơ lược về tác phẩm Thơ đến từ đâu - Khánh Phương
Nguyễn Tam Phù Sa với tập truyện Nơi chim cu ưa gáy - Huỳnh Minh Tâm
Mai Văn Phấn & công nghệ cách tân thơ - Đặng Thân
Cùng một tác giả
Tiếng kèn sắc-xô (truyện ngắn)
Hạnh (truyện ngắn)
Về đâu hoa phượng (truyện ngắn)
Ở nơi băng tuyết (truyện ngắn)
Giải hạn (truyện ngắn)
Tiếng hát ru (truyện ngắn)