Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
472
116.598.743
 
16- Phan Sỹ Minh 2
Phan Thế Hải

Năm cuối của đại học Bách Khoa, thằng Minh thực tập tốt nghiệp ở nông trường bò Sữa Mộc Châu tận Sơn La. Ra trường hắn xin về đó luôn. Sau này tôi mới biết, một trong những lý do để hắn quay trở lại đó là “cháu Phương”, cô nữ sinh lúc đó mới bước vào tuổi 13.

Hồi đó đi lại khó khăn, Mộc Châu vẫn là vùng cao nguyên miền núi heo hút. Theo những người dân bản xứ kể lại, hồi những năm 80, dọc theo quốc lộ 6 mảnh khảnh ngoằn ngèo gầy trơ xương, hai bên đường là những ngọn đồi nham nhở. Cùng với đó là nương thuốc phiện của người Dao, người Thái. Đây dường như là nguồn thu chính để họ đổi lấy gạo, lấy dầu, lấy muối từ miền xuôi.

Chuyện một kỹ sư trẻ có năng lực xin về đó được chào đón như một sự kiện tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam. Là con nhà nghèo, lại được làm đúng chuyên ngành là Hóa thực phẩm, thằng Minh lăn xả vào công việc. Từ việc chuyên môn, công tác đoàn thanh niên, việc trong giờ, ngoài giờ, lao động công ích… nó không từ một việc gì. Chính vì sự xả thân như thế, chỉ sau mấy năm, nó liên tục được đề bạt, liên tục được tăng lương, liên tục được bồi dưỡng, rồi được cử đi học quản lý kinh tế ở Liên Xô. Trong đám được đi học hồi đó có cả đương kim Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, ông Thào Xuân Sùng.

Có chức, có quyền, uy tín lên như diều, thằng Minh quay sang việc cứu trợ đàn em lít nhít ở quê. Em trai, em gái, cháu xa, cháu gần, học hết phổ thông không kiếm được việc, gặp thằng Minh: Ok! Không chỉ bố trí công việc, cưu mang nơi ăn chốn ở, nó còn làm công tác hướng đạo, hỗ trợ về vật chất trong những lúc khó khăn. Cứ thế bà con họ hàng gần xa không chỉ ở Hoa Thành mà còn ở Đức Thành coi Mộc Châu là vùng kinh tế mới với vị “Thành hoàng” do dân bàu là Phan Sỹ Minh.

Tưởng như sự thành công của hắn ở Mộc Châu đã là điều kỳ diệu, nhưng rồi, cuối những năm 90, trong những lần về Hà Nội công tác, cùng với sự rủ rê của bọn thằng Phùng, nó quyết định về Hà Nội. Đầu tiên chỉ là chân Phó giám đốc nhà máy sữa Gia Lâm thuộc VinaMilk; Ít năm sau, hắn nhảy ra ngoài cùng ông Khải làm Hà Nội Milk. Ở đây hắn làm phó tổng giám đốc, nhưng điều quan trọng hơn hắn là linh hồn kỹ thuật của nhà máy này. Cùng với đó, hắn còn trúng cử vào Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

Hà Nội Milk đánh nhau, hắn cùng ông Khải bỏ Hà Nội Milk sang làm Sửa Quốc tế. Đây mới là sân chơi đích thực của hắn. Sau một vài năm dông bão với những thứ ngoài ý muốn như vụ Melamin… giờ đây, sữa của hắn bán chạy như tôm tươi, dòng tiền chảy đều như nước sông Đà. Đám bà con theo hắn lên Mộc Châu hồi nào, một số trụ lại, số khác lại lục tục về Hà Nội tập họp thành làng.

Điều này giải thích vì sao, mỗi lần hắn về quê, các hãng thông tấn ở Yên thành đã đưa tin trước đó cả tháng. Thậm chí ngày nào, giờ nào xe hắn lăn bánh ở Hà Nội, dọc đường nghỉ đi đái ở chỗ nào, rồi xe cán vào đất Yên thành lúc mấy giờ… không sót một chi tiết nào.

Trong khi bà con thân thích nô nức chuẩn bị giết gà giết vịt đãi hắn thì mấy anh em ở cơ quan huyện cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội. Họ tổ chức đón tiếp, chương trình nghị sự, giới thiệu tiềm năng đầu tư của huyện nhà… tiệc chiêu đãi, cả phòng khách trang hoàng ngang với tiêu chuẩn đón tiếp lãnh đạo tỉnh. Thậm chí có người trong làng được bắt tay thằng Minh về nhà còn không giám rửa tay sợ mất đi mùi mồ hôi của một người thành đạt như hắn.

Sự trọng thị của lãnh đạo huyện tỉnh, khiến đám bạn học chúng tôi phát ghen lên với hắn. Nhiều thằng bảo, cùng tuổi với nhau, không biết nó sinh vào giờ nào mà oách thế. Chẳng bù cho mình, mỗi khi về quê, chỉ nhận được những lời thương hại, nào là: Dạo này thế nào, mần ăn ra răng? nghe nói định nhảy lầu vì thua chứng khoán đến mấy tỷ…

Thằng Minh oách vậy thôi, nhưng xét về mặt đồng hương Hoa Thành, nó cũng chỉ là ủy viên Ban chấp hành hội. Chức này mình cũng có! nghĩ đến đó mình sướng rơn, thấy kiếp người như mình, dẫu long đong lận đận vẫn có cái để tự hào!

  • P.T.H.

 

 

 

17- Nguyễn Thọ Phùng1

Thằng Phùng cùng làng với tôi, nhà nó ở phía trên, gần đình Bảo Lâm. Hồi học cấp hai, ngày nào đi học tôi vẫn phải đi qua nhà nó. Chúng tôi học cùng lớp, chỉ tội tôi ham chơi, còn nó thì chăm chỉ, chính vì thế mà chúng tôi không mấy thân nhau.

Hồi thi đại học ở Diễn Thịnh, tôi và nó ở trọ cùng nhà. Nó đỗ vào ĐH Thương nghiệp, tôi đỗ vào Hàng Hải. Cũng như thằng Khắc Hải, thằng Phùng vào đại học, tà tà học, tà tà đạt thành tích cao, tà tà ra trường, rồi được giữ lại làm giáo viên, rồi được Bộ Nội thương xin về… Con đường sự nghiệp của nó cứ thênh thang, dường như không gặp trở ngại nào.

Sau khi tôi rời quân ngũ, vào Đại học Kinh tế quốc dân thì nó đã là một chuyên viên của Bộ Nội thương đầy quyền lực. Lúc này, nó đã lập gia đình, vợ nó là con Hương, em con dì con già với tôi. Một lần đến nhà, nghe nó kể chuyện vừa dự cuộc họp tổng kết của ngành ở khách sạn Đồng Lợi, mỗi suất hết 300 đồng. Với tiêu chuẩn ăn hàng tháng của sinh viên chúng tôi là 110 đồng thì bữa tổng kết lúc đó gần bằng ba lần tiền ăn hàng tháng của sinh viên.

Nói lại chuyện này để thấy, sự khác biệt về đẳng cấp giữa tôi và nó ở thời điểm đó lớn đến nhường nào. Mỗi lần về hè, chúng tôi phải xếp hàng dài hàng cây số để mua vé tàu ở ga Hà Nội thì nó chỉ gần gọi điện thoại là ra bến xe Kim Liên lấy vé ô tô. Dẫu chỉ là ô tô khách, chủ yếu là xe Hải Âu, giờ chỉ có thể tìm thấy trong các đống sắt vụn còn sót lại nhưng hồi đó thì oách vô cùng.

Những ngày cuối tuần, tôi thường ghé qua chỗ nó, không chỉ là bạn bè, anh em, mà còn muốn được bày tỏ lòng ngưỡng mộ của một thằng sinh viên nghèo với một cán bộ thành đạt, dẫu nó là bạn mình.

Với sinh viên, mỗi lần nghỉ hè, chuyện đi lại như là một cơn ác mộng. Nếu đi tàu, phải mất một buổi sáng xếp hàng mua vé, sau đó là một ngày một đêm ngồi trên tàu chật như nêm cùng chung với những bà buôn gà, buôn vịt. Còn nếu đi ô tô, chỉ từ sáng đến tối là đã tới Diễn Châu, đi bộ thêm 10 cây số nữa là về đến nhà. Cũng chính vì thế mà việc mua vé ô tô trở nên khó khăn, phức tạp. Có thể so sánh với một ông nông dân ở Mù Căng Chải mua vé đi xem trận chung kết Champion League ngày nay.

Trước hết phải có công lệnh đi công tác, cùng với đó là giấy giới thiệu, chứng minh nhân dân, nếu có thẻ nhà báo thì càng tốt. Cùng với hàng xấp giấy tờ là việc xếp hàng rồng rắn, vòng vo, có khi dài cả cây số, nhưng chưa chắc đã mua được. Có khi đến lượt mình lại nhận được tấm biển: Hết vé.

Thế nhưng khi tôi nhờ nó, chỉ cần một cú điện thoại, đã có người mang vé đến. Lần đầu tiên được cầm chiếc vé trên tay, tôi nhảy xe bus từ trường ra bến xe Kim Liên (bây giờ là Khách sạn Nikko) mà mặt vênh lên trời, không coi ai ra gì. Khi xuống bến, tôi còn lượn lờ dăm vòng, hy vọng sẽ gặp người quen nào đó để khoe cho oách.

Thế rồi, tôi cũng gặp được một thằng, học trên tôi một khóa, lúc này hắn cũng đang nháo nhác đi ra ga Hàng Cỏ xếp hàng mua vé tàu. Hắn hỏi tôi: Về bằng ô tô à! đáp: ừ tớ đi bằng ô tô. Thằng này nhìn tôi với vẻ thán phục, không nói ra nhưng trong thâm tâm, nó ngưỡng mộ tôi lắm. Thậm chí, sau này có đứa còn đồn đại rằng, tôi là con một ông cốp nào đó có thứ hạng, không chừng đang làm việc ở ban chấp hành trung ương.

Tưởng như có một ghế ở Bộ Nội thương đã là một sự thành đạt ngoài sức tưởng tưởng, nhưng sau đó ít lâu, thằng Phùng xin được đi xuất khẩu lao động, chính xác là đi làm đội trưởng ở Đông Đức. Lúc này tôi chưa đủ kinh nghiệm để hiểu đồng Deutsch Mark có hấp lực lớn hơn ghế một chuyên viên ở Bộ. Năm 1989, bức tưởng Berlin đổ, nước Đức thống nhất, những người lao động Việt Nam được về nước với một cục tiền đền bù do chính phủ của ông Helmut Kohl chi trả. Số tiền đó đủ mua hết ruộng của cả xã Hoa thành chúng tôi. Nó cũng nằm trong số đó. Về nước, nó đủ sự trải nghiệm nên không tiếp tục con đường công chức ở Bộ mà ra ngoài mở công ty trực tiếp kinh doanh.

Hai mươi năm chia tay với hệ thống công chức, nó đã chuyển đổi nhiều nghề, giờ đây nó đã là một doanh nhân thành đạt với tài sản nhiều triệu đô. Điều quan trọng hơn, nó đang đi vào một màng nóng của thị trường thời hội nhập: Đầu tư tài chính.

Cũng như con đường học hành, trên con đường kinh doanh dường như nó cũng không gặp một trở ngại nào đáng kể, hay chính xác hơn là nó đã vượt qua những trở ngại đó một cách ngoạn mục khiến người ngoài có cảm giác như vậy.

  • P.T.H.

 

18- Nguyễn Thọ Phùng2

Như đã nói ở trên, với những người đi Đức trở về nước trước thời hạn ghi trong hợp đồng, họ được đền bù một khoản tiền đủ lớn để cưa đổ những cô chân dài mắt biếc của một xã. Sau nhiều năm tù túng, nhiều thằng đã dùng tiền vào những mục đích tương tự, nhưng riêng với thằng Phùng thì không, bởi nó là một Giáo sư.

Bạn bè chúng tôi phong cho nó chức Giáo sư không phải là nó đã từng là giảng viên của trường đại học Thương Mại, cũng không phải nó đã từng trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Infor TV về thị trường chứng khoán lại càng không phải nó có bằng thạc sỹ kinh tế theo chương trình đào tạo chính quy của người Mỹ.

Lý do cơ bản, với nó, chỉ có vợ là hoa hậu, chỉ có vợ nó là thiên thần, trong mắt nó, chân dài hay chân ngắn, số đo vòng một vòng ba có lý tưởng bao nhiêu cũng đều không thể so sánh với vợ, không xứng đáng để nó bận tâm.

Trong một chuyến đi chơi chung, chúng tôi được nghe câu chuyện về Giáo sư nông học:

Trong một chuyến công tác về địa phương, Giáo sư được bố trí ở trong nhà dân. Tình cờ, đó là nhà một phụ nữ góa. Chị còn trẻ lại ở góa đã lâu, nên rất thèm hơi đàn ông. Tối đến, Giáo sư được bố trí ngủ ở phòng ngoài, chỉ ở phòng trong, đứa con gái thì về nhà ngoại chơi.

Suốt đêm, chị trằn trọc không ngủ được và chờ đợi cánh cửa khép hờ sẽ chuyển động nhưng không thấy, chỉ thấy tiếng dế kêu râm ran. Sốt ruột, chị trở dậy gợi chuyện để nói xa nói gần, nhưng Giáo sư chỉ nghe hờ hững rồi thắp đèn lên, lôi tài liệu ra đọc.

Sáng sớm hôm sau, chị thức dậy sớm rồi vãi ngô cho gà ăn. Giáo sư nhìn đàn gà và thấy có sáu con gà sống và chỉ có một con gà mái. Giáo sư khuyên chị: chị nuôi vậy là mất cân bằng sinh thái. Những sáu con gà sống mà chỉ mỗi con gà mái, như thế là bất hợp lý.

Chị trả lời: Nó vẫn cân bằng đấy Giáo sư ạ, vì thực chất trong sáu con gà sống đó thì có đến năm con là giáo sư rồi!

Từ đó, mấy thằng bạn học cùng lứa thống nhất gọi nó là Giáo sư.

Cũng chính vì danh hiệu Giáo sư mà bạn bè tôi thường khổ sở vì nó. Lý do là các bà vợ mỗi khi có chuyện này chuyện nọ thường lấy hình mẫu thằng Phùng để răn dạy chồng. Rằng anh Phùng thế này, rằng anh Phùng thế nọ, anh Phùng bảo, anh Phùng nói… anh Phùng làm cái nọ, anh Phùng làm cái kia cứ như “anh Phùng” là Phật tái sinh không bằng.

Tuy nhiên cũng có thằng được lợi vì hắn. Thỉnh có em chân dài nào điều động đột xuất, muốn trốn vợ đi cho hợp pháp, chỉ cần bảo: Anh đi với anh Phùng có chút việc, thế là an toàn tuyệt đối. Thậm chí đi đâu với thằng Phùng đến 9 giờ tàn cuộc, chỉ cần dặn nhỏ một câu, tôi sẽ về muộn chút nhé, nếu bà xã tôi có gọi điện, ông bảo lãnh hộ! Ok!

Cứ thế, thằng Phùng như một người cấp Quata rộng rãi và hào phóng về thời gian. Nhờ danh hiệu đó, nó đã bảo lãnh cho ối thằng tránh khỏi những cuộc tàn sát về ngôn từ của các bà vợ. Nó là thằng thương người, thương bạn bè nên thường ít khi từ chối cho các cuộc bảo lãnh như vậy.

Kể ra thì nó còn nhiều phẩm chất khác xứng đáng nhận được sự tôn thờ của các bà vợ. Không rượu bia, không hai la cà, chỉ miệt mài với công việc. Còn một thứ nữa cũng khá độc đáo là việc chạy xe. Có bằng lái xe hơi từ thế kỷ trước, nhưng bằng ấy năm, nó hầu như chưa bị va quệt lần nào. Hôm đi lên Mộc Châu thăm mẹ vợ thằng Minh, trên đoạn đường 180 cây số, xe tốt, đường tốt nhưng với nó phải mất hơn bốn tiếng mới tới.

Theo cách nói của thằng Hoát: “chạy với tốc độ Nguyễn Thọ Phùng”. Bù lại, chúng tôi được nghe những câu chuyện về đời sống muôn màu mà chúng tôi thu lượm được từ đời sống. Còn thằng Phùng vẫn luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu như Slogan của Prudential.

  • P.T.H.

 

19- Nguyễn Bá Tờn

Một trong những người Yên Thành mà lứa chúng tôi đều biết là Nguyễn Bá Tờn. Ông kém cha tôi vài tuổi, là Chủ tịch của Huyện Yên Thành hồi cuối những năm 60, đầu những năm 70 thế kỷ trước. Hồi chiến tranh, cơ quan huyện đóng ở Hoa Thành, Văn phòng chủ tịch huyện ở nhà bà An Trúng.

Bà An là vợ ông An. Ông An là con cụ phán Trúng. Cụ Phán họ Phan Tất, làm thông phán thời thuộc Pháp. Cụ lấy ba vợ, là ba chị ruột, đều là người Huế. Vợ ba của cụ là bà Lới, hiện tuổi đã ngoài 90. Không hiểu, người Pháp bóc lột người An Nam thế nào, nhưng cụ Trúng chỉ làm thông phán, một dạng như cán bộ phiên dịch bây giờ, nhưng họ trả lương để ông vừa nuôi nổi ba vợ, một đàn con mà vẫn có tiền xây nhà to nhất làng.

Khi tôi ra đời thì cụ đã mất, hình như trước năm 1954, thế lại đâm hóa hay. Khi cải cách ruộng đất, cụ không phải là đối tượng bị đấu tố. Nhờ đó, ngôi nhà ngói năm gian cao ráo, ông An con cả của cụ vẫn được ở mà không phải chia cho ai.

Ông An được cụ nuôi ăn học khá chu đáo, nhờ đó nên ông đi thoát ly, sau này làm trưởng ga Vinh, rất oách. Bà con Hoa Thành, nếu có dịp đi đâu bằng tàu hỏa vào Vinh, gặp được ông, chuyện mua vé coi như ok! Khỏi phải xếp hang rồng rắn, khỏi phải chen chúc, trong cái nắng hè đổ lửa với nỗi lo thường trực bị móc túi.

Ông An đi công tác xa, nhà lại rộng, nên huyện chọn nơi đó đóng đô văn phòng của chủ tịch. Thời đó, dân Hoa Thành hầu như ai cũng biết ông Tờn vì ông không chỉ là chủ tịch mà còn khá nổi bật về ngoại hình. Ông to béo, da đỏ hồng, bị thương thời chống Pháp, đi chấm phẩy rất nặng nhọc. Hồi đó tôi chỉ độ mươi tuổi, có lần tôi đi sau ông, giả bộ cà nhắc bắt chước bộ dạng của ông, bất chợt, ông quay lại. Tôi lo thót tim, không khéo nguy đến nơi, chỉ muốn chui xuống đất, nhưng ông không mắng mỏ, không to tiếng lại còn xoa đầu tôi, cười đôn hậu. Gặp ai ông cũng tươi cười niềm nở rất gần gũi. Điều này khác hẳn với hình ảnh ông quan huyện như Nguyễn Công Hoan đã viết trong truyện “Quan Phụ Mẫu”.

Ông Tờn không chỉ vui vẻ, gần gũi với dân mà còn rất sâu sát trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Thời đó, bọn trẻ con chúng tôi, một buổi đi học, một buổi về đi làm hợp tác xã, mùa nào việc nấy. Từ chuyện nhổ mạ, dọn bờ, gặt hái, làm thủy lợi… không thiếu việc gì là không làm. Trong những buổi ra đồng như thế, không ít lần tôi gặp ông đi cà nhắc ra tận ruộng, xắn quần lội xuống coi từng bó mạ bà con đang cấy, kiểm tra từng đoạn mương mới được đắp.

Cũng thời đó, ông là người chỉ đạo đưa giống lúa mới Trân châu lùn về thay giống lúa cũ, rồi các chiến dịch đắp đập, làm thủy lợi, đào kênh Vách Bắc, đắp đập Mả Tổ… không nơi nào không thấy bóng dáng ông. Ông Tờn là chủ tịch, ông Phan Đình Lĩnh làm bí thư, ông Lĩnh là người Hoa Thành, ông Tờn người Liên Thành nhưng thân thiện hơn. Sau này ngẫm lại, hầu như các công trình thủy lợi lớn của Yên Thành, đều được xây dựng từ thời hai ông này. Nhờ chủ động tưới tiêu, Yên Thành trở thành huyện trọng điểm về sản xuất lương thực cho cả tỉnh. Nơi được coi là “kho lương, rương tiền” thời chiến tranh.

Tuy nhiên, chuyện ông chỉ đạo làm thủy lợi hay làm giống mới không được người đời nhắc đến nhiều bằng chuyện bắt phi công Mỹ.

Hồi đó, đâu vào khoảng năm 71 hay 72 gì đó, khi máy bay Mỹ đánh phá cầu Dinh, một chiếc bị bộ đội phòng không của ta bắn rơi, phi công Mỹ nhảy dù xuống Xuân Thành. Không hiểu sao, dân quân ta không ai ra bắt, viên phi công này sau khi tiếp đất đã dùng bộ đàm liên lạc với lực lượng cứu hộ ở ngoài biển. Một chiếc trực thăng bay lên Yên Thành, hạ cánh xuống, đưa viên phi công về hạm đội 7, trước sự chứng kiến của bà con trong xóm.

Sau sự kiện này, câu ca xưa: “Yên thành là mẹ là cha; đói cơm rách áo thì ra Yên Thành” được dân chúng gọi lệch đi: “Yên Thành là mẹ là cha; Bắt phi công Mỹ lại tha cho về”. Là chủ tịch Huyện, nghe đâu ông bị tỉnh kỷ luật vì việc này.

Tết năm con rắn, về quê, tôi có lên thăm ông. Ở độ tuổi ngoài 80, trông ông vẫn khỏe mạnh, hồng hào, khuôn mặt phúc hậu. Nhắc lại ký ức cũ ông tỏ ra hài lòng. Hỏi thăm được biết, ông đã có chắt ngoại, con cái thành đạt. Tôi bảo ông: vậy là hồng phúc rồi! ông cười hiền lành như một ông phật.

Phải chăng, hồng phúc gia đình và chuyện tha phi công Mỹ có liên quan với nhau!

 

07/2009

 

20- Hoàng Xuân Quế

Tôi biết Hoàng Xuân Quế từ nhiều năm nay, nói theo cách dân gian: “Chẳng lạ gì nhau!”. Lão học cùng cô em gái tôi thời phổ thông, nhưng mỗi lần gặp nhau đều là một sự ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng bởi sự thay đổi về vóc dáng, về cách nghĩ và cả sự uyên thâm về học vấn, về trải nghiệm cuộc đời.

Là nhà khoa học, đứng đầu khoa Ngân Hàng- Tài chính, khoa lớn nhất của trường đại học Kinh tế Quốc dân danh tiếng, nhưng lão không phải là một nhà khoa học đeo kính cận cỡ 15 diop hay một người thành đạt mặc áo Hoàng gia. Lão là con người cuồn cuộn thực tiễn.

Từ phóng viên

Tốt nghiệp khoa Ngân hàng từ 1994, Quế được nhà trường giữ lại. “Tiếng” là được ở lại trường nhưng “miếng” thì còn hẻo lắm. Thời đó, cơ chế thị trường đã đi được gần chục năm, tuy nhiên, với trường đại học KTQD thì cơ chế này đến còn muộn hơn. Quê ở Yên Thành (Nghệ An), lập nghiệp ở Hà Nội gần như là tự thân, nhà cửa đi thuê, tiếng gọi là thầy nhưng thực chất đời sống chỉ nhỉnh hơn sinh viên chút ít. Có lẽ cũng vì lý do đó, thời gian rảnh, Quế theo tôi đi làm báo.

Lý do đơn giản, viết báo có nhuận bút. Nếu xuống làm việc với cơ sở, đưa tin về họ thường có chút phong bao. Không nhiều nhưng với những công chức lúc đó cũng là một khoản thu nhập. Thoạt đầu, làm báo với Quế như một nghề phụ, nhưng rồi làm mãi đâm quen, thậm chí trở thành nghiện. Chúng tôi cùng nhau rong ruổi về các tỉnh thành như Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa… Hầu như mọi tỉnh thành đều có mặt.

Về các tỉnh, thường chúng tôi vào Ủy ban nhân dân tỉnh, nắm thông tin tổng thể của địa phương, rồi đi cơ sở nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh. Kết thúc chuyến đi là một bài ký sự, vài bài phỏng vấn lãnh đạo tỉnh hoặc một số ngành quan trọng. Không chỉ bài viết, Quế còn kiêm luôn cả việc chụp ảnh, thậm chí quay camera như một phóng viên nhà nghề.

Đi cơ sở, tin bài ra đều đều. Không chỉ thế, trong những buổi làm việc với doanh nghiệp còn là những câu chuyện về thông tin, về cơ hội kinh doanh, về kiến thức luật pháp mà không phải ông giám đốc doanh nghiệp nào cũng có điều kiện đọc và thông hiểu. Nhờ đó, chúng tôi có rất nhiều bạn, đủ các ngành nghề, đủ các tỉnh thành. Đi nhiều, viết nhiều, hiểu nhiều và thu nhập dĩ nhiên cũng nhiều nhiều. Nhờ đó, Quế có tiền, mua xe, tậu nhà, hoành tráng ở Hà Nội.

Trong một chuyến công tác tại Thái Nguyên, Quế gặp Hiên, cô nữ sinh vùng Tân Cương xứ Thái. Quen rồi yêu, rồi nên vợ nên chồng, rồi thành đồng nghiệp. Giờ họ đã có với nhau hai con trai. Có thể nói, báo chí không chỉ mang lại cho Quế sự dư giả của đời sống vật chất, sự phong phú về kinh nghiệm sống mà còn cả hạnh phúc gia đình.

Đến giảng viên

Đam mê nghề báo là vậy, nhưng Quế vẫn không quên nghề chính là dạy học. Cùng với việc lên lớp chuyên ngành tiền tệ, Quế tham gia nghiên cứu khoa học, viết giáo trình. Cuốn giáo trình đầu tay của anh là “Nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương” được Nhà xuất bản Thống kê cho ra mắt năm 2003. Đó là cuốn sách hay. Không chỉ thuần túy chuyện nghiệp vụ mà còn là kiến thức về kinh tế tiền tệ của các nước phát triển mà Quế có dịp tham khảo, nghiên cứu.

Điều đáng nói hơn là cách viết của sách, không khô khan như vẫn thường thấy ở các loại sách giáo khoa truyền thống mà là sự diễn đạt sinh động, dễ hiểu. Thậm chí có người đọc còn mê. Không lâu sau đó, Quế bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ, rồi được đề bạt làm trưởng bộ môn, rồi trưởng khoa trước sự tôn trọng của nhiều giáo sư đầu ngành, lâu năm.

Là người đã từng học ở khoa Ngân hàng, trường đại học KTQD, thời tôi học, giáo viên thường là những học trò ngoan, đạt điểm cao trong các kỳ thi được giữ lại làm giáo viên hoặc là các sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ở nước ngoài. Có lẽ vì tiêu chí lựa chọn đó, nên họ thường là người giỏi lý luận, thuộc bài nhưng với cuộc sống thương trường, họ không được đánh giá cao.

Với Quế là một hình mẫu khác hẳn. Lão xông xáo, không e ngại va chạm với sự đa dạng của cuộc sống, với sự trần trụi của đời thường thậm chí là sự trần tục của đời sống muôn màu. Có lẽ cũng vì cách sống như vậy, nên gặp anh, người ta thấy một sự dễ gần, dễ chia sẻ. Gặp một số học trò từng nghe anh lên lớp, họ không khỏi ngạc nhiên khi những kiến thức chuyên môn sâu lại được “thầy Quế” giảng một cách sinh động và dễ hiểu đến thế.

Với các lớp tại chức hay sau đại học, học viên thường là người lớn tuổi, từng trải và khó tính, nhưng được nghe “thầy Quế” giảng cứ như bị thôi miên. Họ bị chinh phục không chỉ bởi lượng kiến thức phong phú, thông tin được dồn nén chắt lọc với chất lượng cao mà còn được truyền tải với sự đa dạng của cách tiếp cận, cách nghĩ và sự mới lạ của tư duy. Mỗi khóa học dẫu dài hay ngắn, khi kết thúc, đám học trò vây lấy thầy, lưu luyến, xin số điện thoại. Thậm chí, một số cô mắt biếc chân dài còn buông những câu mơ màng “thầy đừng quên em nha!”

Và nhà quản lý

Đầu năm 2009, sau 15 năm ra trường, lão được bầu làm Chủ nhiệm khoa Tài chính- Ngân hàng. Nghe thấy thế, tôi đâm choáng. Lý do là, tôi là học trò cũ của khoa. Gọi mày tao nghe thất lễ, gọi anh hay thầy thì ngượng, đành gọi là lão vậy!

Thời tôi học, cả trưởng đại học kinh tế Quốc dân chỉ có hơn ngàn sinh viên. Với khoa Ngân hàng hiện nay có hơn 3.000 sinh viên hệ chính quy, mỗi khóa có 800 sinh viên chính quy ra trường. Cùng với đó là hơn 4.000 sinh viên hệ tại chức. Khoa có 10 Phó Giáo sư- tiến sĩ, 7 Tiến sĩ, hơn 30 Thạc sĩ. Gọi là trưởng khoa nhưng với quy mô quản lý sinh viên, quản lý giáo viên và nghiên cứu khoa học, công việc của anh bận rộn không kém một ông Hiệu trưởng.

Trao đổi với lão về công việc, Quế cho biết: Tham vọng của khoa là đến năm 2020, Khoa Ngân hàng Tài chính sẽ trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu và tư vấn về Ngân hàng – tài chính có uy tín ngang tầm với các cơ sở đào tạo đại học trong khu vực châu Á. Khoa cung cấp cho người học môi trường giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học tốt nhất, có tính chuyên môn cao; đảm bảo cho người học khi tốt nghiệp có đủ năng lực cạnh tranh và thích ứng nhanh với nền kinh tế toàn cầu.

Làm thế nào để đạt được điều đó? – tôi hỏi lão.

Quế cho rằng, vấn đề đầu tiên là phải cải tổ hệ thống giáo trình. Theo lão, giáo trình phải sinh động, phải nóng hổi, phải cập nhật được những kiến thức mới nhất trong lĩnh vực khoa học kinh tế. Đặc biệt, giáo trình phải là những công trình khoa học, có sự nghiên cứu độc lập mà không phải phục vụ mục đích của một ai đó, có như vậy, giáo trình mới đi ra khỏi biên giới quốc gia.

Cùng với giáo trình, phải nâng cấp đội ngũ giáo viên. Giáo viên trước hết phải yêu nghề, yêu việc nghiên cứu khoa học. Phải tạo cho họ một động lực không biết mệt mỏi trong việc tìm tòi, khám phá những kiến thức của nhân loại. Giáo viên có đam mê mới có thể truyền thụ cho sinh viên sự đam mê đó. Cùng với niềm đam mê khoa học là kiến thức về đời sống. Nhà trường không phải là một ốc đảo, nhà trường phải là một bộ phận của đời sống thương trường sôi động. Có như thế mới có thể cho ra đời những sản phẩm được thực tiễn chấp nhận.

Với 65 giáo viên cơ hữu và 20 giáo viên kiêm nhiệm giảng dạy, nhưng theo anh, đó chỉ là con số hiện tại. Anh cho rằng, cần phải tiếp tục tìm kiếm nhân tài, bổ sung vào lực lượng hiện có. Muốn vươn ra ngoài biên giới, đến các nước khu vực và thế giới, không có cách nào khác, phải có những con người mà tự thân họ phải đáp ứng được những chuẩn mực khắt khe của công dân quốc tế.

Với lão, hiện tại dường như chỉ mới bắt đầu. Tương lai còn ở phía trước với không ít ước mơ, không ít ấp ủ, dự định cho tương lai. Từ một sinh viên nghèo, lão đã trở thành phóng viên, rồi giảng viên và nay là nhà quản lý ở độ tuổi tứ thập. Chứng kiến chặng đường lão đã đi qua cho phép tôi tin tưởng, những ước mơ phía trước là hoàn toàn khả thi. Không chỉ thế, lão còn có thể đi xa hơn, khi tạo được sự đồng thuận cao với tập thể mà lão đang điều hành.

  • P.T.H.

 

 

21- Trương Đình Tuyển: “ông đồ gàn” WTO

Hiếm có vị bộ trưởng nào lại lắm huyền thoại đến như ông Tuyển. Mỗi cương vị mà ông trải qua đều để lại những câu chuyện đầy cá tính, góc cạnh. Mỗi khi nghĩ đến ông Trương Đình Tuyển, tôi thường liên tưởng đến “ông đồ gàn xứ Nghệ”. Thông minh, quyết đoán, một chút lãng mạn, nhưng gàn.

Tôi khảo cổ chính tôi và thấy; Một xấp ngu ngơ...

Xin thưa, đó chính là hai câu thơ của đương kim bộ trưởng Trương Đình Tuyển khi viết về mình. Điều này giải thích tại sao người Nghệ An lại có câu: “Khùng như Tuyển, uyển chuyển như Hợp” để chỉ hai nhân vật đứng đầu xứ Nghệ trong những năm đầu thế kỷ. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là vào cuối năm 2001, khi vào Nghệ An công tác, tôi đã gặp ông tại “tổng hành dinh” tỉnh ủy. Lúc đó ông Tuyển vừa mới rời chức Bộ trưởng Thương Mại về nhậm chức Bí Thư tỉnh ủy theo chủ trương luân chuyển cán bộ của Ban Bí thư.

Gặp ông tại phòng làm việc ông bày tỏ một cách cởi mở về tình hình địa phương, sự trì trệ của bộ máy hành chính là những tiềm năng của Nghệ An chưa được khai thác. Câu chuyện đang dang dở thì có chuyện bất đồng, ông Tuyển bác bỏ thẳng thừng. Không kiềm chế được, tôi đã to tiếng lại với ông khiến những người xung quanh cũng phải ngạc nhiên. Tưởng như sau vụ đó ông cạch mặt tôi. Đơn giản, ông là người nổi tiếng, có quyền lực lại không thiếu gì việc nên chẳng hơi đâu mà để mắt đến một anh nhà báo quèn, ương ngạnh.

Thế nhưng, đầu năm kia gặp ông ở văn phòng bộ, khi ông đang chuẩn bị tiếp bà Dorothy Dwoskin, Trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ, tôi chào và hỏi ông có nhớ tôi không? Thật bất ngờ, ông cười xuê xoa và nhắc lại cả tên lẫn họ của tôi với cả sự chân tình, truyền cảm của một... nhà thơ.

Nhà quản lý bẩm sinh

Tự nhận mình là “một xấp ngu ngơ” nhưng ông Tuyển lại nổi tiếng bởi trí nhớ tuyệt vời và sự sắc sảo trong các quyết định. Đầu tiên tôi hơi hoài nghi bởi nhận định này nhưng rồi, một lần tình cờ được tham dự cuộc gặp giữa Bộ Thương Mại với các doanh nghiệp trẻ phía Nam tại văn phòng Bộ. Hôm đó với khoảng 50 doanh nghiệp đã thẳng thắn chất vấn những vấn đề về thủ tục hành chính mà họ quan tâm. Ông Tuyển im lặng lắng nghe và như thường lệ, không hề ghi chép. Sau hàng chục người có ý kiến, ông mới đứng dậy, giải đáp tường tận từng ý kiến một. Có ý kiến thuộc về chức năng của Bộ Thương mại, ông giải đáp rồi dặn văn phòng lưu ý để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Có ý kiến thuộc về bộ khác, nhưng với tư cách là thành viên Chính phủ, ông giải thích tường tận, tỷ mỷ và cung cấp địa chỉ, nếu họ cần tìm hiểu tường tận hơn.

Một vài lần theo dõi các phiên chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng Tuyển cũng là một vị quan chức có cá tính. Trực diện, thẳng thắn, không rào đón, lại rất hào hứng, ông nắm chắc và phân tích sâu sắc tình hình thương mại đất nước và quốc tế; với các số liệu dẫn chứng thuyết phục dù ông luôn nói vo, không có văn bản trên tay.  Tại kỳ họp thứ X, QH khóa XI, ông Tuyển đã chính thức giải trình với Quốc hội về những tác động từ những cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. WTO là một đề tài lớn gồm hàng chục hiệp định song phương và đa phương nhưng ông đã giải đáp một cách ngắn gọn, mạch lạc, ai cũng có thể hiểu được.

Ông cho rằng, các cam kết về minh bạch hóa có thể sẽ là thách thức không nhỏ đối với các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng nếu thực hiện được sẽ mang lại lợi ích to lớn cho dân và cho các doanh nghiệp; người dân được quyền tham gia góp ý kiến vào việc soạn thảo các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách kinh tế, làm cho pháp luật, cơ chế chính sách phản ánh được các yêu cầu thực tiễn. Điều này phù hợp với đường lối của Việt Nam. Các cam kết về doanh nghiệp nhà nước là cùng chiều với chủ trương đổi mới doanh nghiệp Nhà nước hiện nay nên sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình đổi mới, sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, tạo ra sân chơi ngày càng bình đẳng hơn cho các thành phần kinh tế.

Về tác động của việc mở cửa thị trường dịch vụ, theo báo cáo của Bộ Thương mại trước Quốc hội, mức độ cam kết về cơ bản là tương đương với BTA và phù hợp với hiện trạng trong nước nên sẽ không gây ra tác động quá lớn. Những ngành phải chịu sức ép nhiều nhất sẽ là kinh doanh chứng khoán, ngân hàng, phân phối và hỗ trợ vận tải biển. Tuy nhiên, ông Tuyển tin tưởng rằng “chúng ta có một thời gian chuyển đổi để chuẩn bị và cũng có một số công cụ để kiểm soát. Nếu có sự chuẩn bị tốt và vận dụng linh hoạt các công cụ mà ta bảo lưu được trong Biểu cam kết dịch vụ, tác động của việc mở cửa thị trường là có thể kiểm soát được”.

Ông nói: Việt Nam sẽ được tiếp cận thị trường của 149 thành viên WTO khác trên cơ sở đối xử tối huệ quốc (MFN) nhưng trên thực tế, trừ dệt may và một số mặt hàng mà các thành viên WTO áp dụng hạn ngạch và chỉ phân bổ hạn ngạch cho các thành viên WTO, với tất cả các bạn hàng quan trọng nhất, Việt Nam đều đã được hưởng đối xử MFN nên việc có được MFN trên cả 149 thị trường sẽ không mang lại đột phá lớn.

“Gia nhập WTO là gửi ra bên ngoài một tín hiệu mạnh về quyết tâm đổi mới của ta. Đầu tư trong nước và nước ngoài nhiều khả năng sẽ tăng lên và tăng nhanh, qua đó tạo ra năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu mới. Đây là cơ hội rõ nhất mà việc gia nhập WTO tạo ra và được nhiều tổ chức quốc tế cũng như giới doanh nghiệp thừa nhận. Tuy nhiên, hiệu quả sẽ đến sau một thời gian chứ chưa thể thấy rõ ngay trong một, hai năm đầu sau khi ta vào WTO”.

Sau bài phát biểu vo của ông, không chỉ các đại biểu quốc hội mà cả những người dân theo dõi đều thu thập được rất nhiều thông tin.

WTO- Bàn thắng mang tên Trương Đình Tuyển

Nhắc đến Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, khó ai quên được hình ảnh ông chống cằm đăm chiêu tư lự trong các cuộc đàm phán đa phương căng thẳng ở Geneva.

Một ông Tuyển sẵn sàng đập bàn với đối tác rồi đứng dậy, bỏ đi. Một ông Tuyển mắt thâm quầng vì những cuộc đàm phán thâu đêm suốt sáng. Ít ai biết, trước cuộc đàm phán song phương Việt - Mỹ quyết định đến tấm vé thành viên WTO của VN, Bộ trưởng Tuyển vừa trải qua một cơn bệnh hiểm nghèo. Ông bị đau dạ dày, sau khi chụp điện biết ông viêm bờ cong nhỏ, chứng này thường dẫn đến ung thư. Các bác sỹ vội đưa ngay lên bàn mổ cắt phéng 2/3. Sau phẫu thuật, ông chưa kịp hồi phục đã phải gượng dậy để có mặt tại Washington, trực tiếp chỉ đạo cuộc thương lượng.

Trực diện, thẳng thắn, cứng rắn trên bàn đàm phán, đôi khi phát biểu "không mấy êm tai". Phong cách của ông là như vậy, đơn giản, quyết đoán, nhưng hiệu quả - như lời nhận xét của các cộng sự cũng như đối thủ của ông. Nhưng cũng nhờ phẩm chất đó, người Mỹ rất có cảm tình với ông. Trong những cuộc trao đổi đã gần gặp nhau, sự khác biệt không lớn thì ông là người duy nhất có thể kéo đối tác đi vào chung kết. Để rồi sau đó có những cuộc bên lề chân tình, thẳng thắn và cũng không kém phần thi vị.

Vòng đàm phán thứ 15 diễn ra căng thẳng và kéo dài gần như hết cả năm 2006. Đôi lúc bế tắc và tưởng như không thể kết thúc được. Cả nước hồi hộp theo dõi, nghẹt thở. Nhưng cuối cùng, bằng sự ứng xử linh hoạt của ông, chúng ta cũng đã kết thúc được vào đêm 26/10 mở đường cho VN gia nhập WTO vào ngày 7/11, ngay trước Hội nghị thượng đỉnh APEC Hà Nội 2006.

Sau sự kiện này, một tờ báo nước ngoài đã nhận xét: WTO, bàn thắng mang tên Trương Đình Tuyển.  Danh hiệu Nhân vật tiêu biểu nhất năm 2006 do khán giả VTV.vn bầu chọn là Nhân vật tiêu biểu nhất 2006 từ 20 nhân vật được đề cử, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển còn là nhân vật được khán giả viết về nhiều nhất. Riêng tôi, cho rằng, ông ngoài những danh hiệu mà người đời tặng cho, ông còn là một “ông đồ Nghệ” với những vần thơ làm lay động lòng người. Không ít lần ông đọc thơ trước đông người, nhưng tôi vẫn nhớ nhất hai câu:

"Không đa tình cũng phong trần

Không đam mê cũng đôi lần liêu xiêu"

Không phải chính khách nào cũng có được những vần thơ như thế.

02/2007

Phan Thế Hải
Số lần đọc: 1799
Ngày đăng: 14.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mưa Trên Sông - Ngô Nhân Đức
Qúan xe thồ - Khôi Vũ
Cá kim cương - Đinh Gia Hưng
Nhật Ký của Một Cô Giáo Trường Làng - Đỗ Ngọc Thạch
Bóc lại màn đêm - Dương Phượng Toại
Ngôi nhà xây cho Tây ở - Vinh Anh
Những mô đất trong vườn - Trương Văn Dân
Chờ bão - Mang Viên Long
Kịp không - Giản Tư Hải
Lão Dậu tò he - Nguyễn Chính
Cùng một tác giả
Chuyện Quê tôi (truyện ngắn)
Củ khoai Hồng Lục (truyện ngắn)
6- Hồng Quang1 (truyện ngắn)
16- Phan Sỹ Minh 2 (truyện ngắn)