Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
685
115.993.953
 
Hiến chương Nhân Bản 2000 : Lời Kêu Gọi Một Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu Mới -2
Nguyễn Ước

VI. Gắn Bó Phổ Quát với Loài Người như Một Tổng Thể

 

Nhu cầu quan trọng nhất của cộng đồng thế giới ngày nay là triển khai một Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu mới - một chủ nghĩa không những tìm cách bảo tồn quyền con người và thăng tiến tự do của con người cùng nhân phẩm mà còn nhấn mạnh sự gắn bó của chúng ta với loài người như một tổng thể.

– Thứ nhất, nguyên lý đạo đức cơ bản của Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu là nhu cầu tôn trọng nhân phẩm và giá trị của hết thảy mọi con người trong cộng đồng thế giới. Rõ ràng mỗi người đã thừa nhận sẵn nhiều loại trách nhiệm liên quan tới bối cảnh xã hội của mình: con người có trách nhiệm với gia đình, bạn hữu, cộng đồng, thành phố, tỉnh bang, tiểu bang hoặc đất nước mình cư trú. Tuy thế, chúng ta cần thêm vào các trách nhiệm đó một gắn bó mới mẻ đang xuất hiện lúc này, đó là trách nhiệm của chúng ta đối với những con người đang sống ở bên kia biên giới quốc gia của chúng ta. Lúc này, hơn bao giờ hết, về mặt đạo đức và về mặt thể xác chúng ta bị nối kết với từng người trên quả đất, và khi chuông reo báo tử cho một người thì cũng reo báo tử cho mọi người.


– Thứ hai, chúng ta phải hành động để giảm đau khổ của con người và để tăng tổng số hạnh phúc của loài người tại bất cứ nơi nào có thể làm, và trách nhiệm này trải rộng ra khắp thế giới. Nguyên tắc này đã và đang được thừa nhận bởi các tín đồ tôn giáo lẫn người vô tín ngưỡng. Nó thiết yếu đối với cấu trúc toàn bộ giá trị đạo đức con người. Không cộng đồng nào có thể tồn tại lâu dài nếu cộng đồng ấy bỏ qua những vi phạm hàng loạt các chuẩn mực ứng xử đạo đức chung giữa các phần tử của nó. Ngày nay, vấn đề liên quan chủ yếu tới phạm vi hành xử nguyên tắc này. Chúng tôi đề nghị rằng bổn phận đạo đức này nên được tổng quát hóa: chúng ta không nên chỉ quan tâm tới phúc lợi của những người sống trong cộng đồng hoặc đất nước của mình mà còn phải quan tâm tới toàn bộ cộng đồng thế giới.

 

– Thứ ba, chúng ta nên tránh sự nhấn mạnh quá đáng chủ nghĩa hẹp hòi về đa văn hóa vốn là cái có thể mang tính phân ly và phá hủy. Chúng ta nên bao dung sự đa dạng văn hoá, trừ những nơi tự bản thân nền văn hóa của nó có tính bất bao dung và trấn áp. Ðây là thời điểm để vươn lên trên chủ nghĩa bộ lạc hẹp hòi nhằm tìm thấy một nền tảng chung. Các thành phố sắc tộc là hậu quả của tình trạngï cô lập địa dư và xã hội thời quá khứ, không còn thích hợp cho một xã hội mở và toàn cầu là nơi mà sự tương tác và hôn nhân hợp chủng giữa các thành phố sắc tộc khác nhau không chỉ có thể xảy ra mà còn đáng được khuyến khích. Dù lòng trung thành với xứ sở, bộ lạc hoặc nhóm sắc tộc có thể làm người ta vượt qua sở thích vị kỷ và chủ nghĩa sô-vanh thái quá giữa các chủng tộc và các quốc gia, nó cũng thường biến thành tính phá hủy. Như thế, quan tâm đạo đức và lòng trung thành không nên thu hẹp nội trong lãnh thổ sắc tộc hoặc biên giới quốc gia. Một nền đạo đức hợp lẽ phải thì liên kết chúng ta để xây dựng và hỗ trợ những định chế hợp tác giữa các cá nhân trong các thành phố có nhiều sắc tộc khác nhau. Chắc chắn nó không làm chúng ta chia rẽ mà khiến chúng ta hòa nhập nhau.


– Thứ tư, sự tôn trọng và quan tâm tới con người nên áp dụng bình đẳng cho hết thảy mọi người. Ðiều này đưa tới ý nghĩa rằng chúng ta nên bảo vệ quyền làm người ở khắp nơi. Vì thế, mỗi người chúng ta đều có bổn phận tiếp tay làm giảm đau khổ của con người ở bất cứ nơi nào trên thế giới và đóng góp vào sự thiện chung. Nguyên tắc này biểu lộ ý nghĩa cao cả nhất của lòng trắc ẩn và lòng từ bi. Nó hàm ý rằng dân chúng sống tại các quốc gia thịnh vượng có bổn phận làm giảm đau khổ và tăng phúc lợi của dân chúng sống tại các khu vực bị bần cùng hóa của thế giới, tại nơi nào họ có thể làm. Cũng thế, nó còn có ý nghĩa rằng dân chúng sống tại các khu vực ít phát triển hơn có bổn phận thay thế lòng oán hận sự thịnh vượng bằng thiện chí hỗ tương. Ðiều tốt nhất mà người thịnh vượng có thể làm cho người nghèo khó là tiếp tay với họ để họ tự lực. Nếu muốn giúp các phần tử nghèo hơn mình trong gia đình loài người thì người thịnh vượng có thể phải hạn chế sự tiêu thụ phung phí và sự đam mê lạc thú thái quá của mình.

– Thứ năm, những nguyên tắc ấy không chỉ nên áp dụng cho cộng đồng thế giới hiện nay mà còn cho cộng đồng thế giới tương lai. Chúng ta có trách nhiệm đối với hậu thế, cả trong tương lai trước mắt lẫn tương lai xa xăm. Như thế, những con người đạo đức hợp lẽ phải nhận biết bổn phận của mình trải dài tới hậu duệ của con cháu mình và tới cộng đồng của hết thảy mọi người, trong hiện tại lẫn tương lai.

– Thứ sáu, mỗi thế hệ có bổn phận, hết sức có thể được, để lại môi trường toàn cầu mà nó thừa kế, là một nơi tốt đẹp hơn. Chúng ta nên tránh gây ô nhiễm thái quá và chúng ta nên sử dụng hợp lý cùng dè sẻn những thứ chúng ta cần, để tránh phung phí các tài nguyên không tái sinh của quả đất. Vào thời điểm dân số tăng nhanh và tài nguyên bị tiêu thụ nhanh như hiện nay, điều này có vẻ là một lý tưởng bất khả thi. Nhưng chúng ta phải cố gắng vì hành động hôm nay của mình sẽ quyết định số phận của các thế hệ sắp tới. Chúng ta có thể ngoái nhìn và phán xét trở lại hành động của tiền nhân chúng ta, và chúng ta có thể hoan nghênh hoặc qui trách họ vì hành động hữu trách hoặc tắc trách của họ. Thí dụ, chúng ta có thể chỉ trích nghiêm khắc những kẻ đã lơ là, làm cạn nguồn dự trữ dầu hỏa và hơi đốt thiên nhiên hoặc làm kiệt nguồn cung cấp nước. Ngược lại chúng ta có thể biết ơn các kiến trúc sư và kỹ sư trong quá khứ vì những bảo tồn thiên nhiên, các thiết bị lọc nước, các hệ thống ngầm dưới đất, các xa lộ và cầu cống mà họ đã xây dựng cho chúng ta sử dụng hôm nay.


Chúng ta có thể đồng cảm với thế giới tương lai, và bằng óc giàu tưởng tượng, dự kiến trong tương lai con người sẽ sống ra sao, rồi từ đó, chúng ta có thể suy ra bổn phận hôm nay của mình đối với con người ngày mai. Bổn phận của chúng ta đối với hậu duệ có xuất xứ phần nào từ lòng biết ơn những hy sinh tiền nhân đã chịu mà từ đó chúng ta được hưởng lợi hoặc có thể từ sự lên án của chúng ta đối với các thế hệ trước đây. Lúc này, các thế hệ tương lai đang cần người phát ngôn cho họ, phục vụ họ như những người thay mặt họ để bảo vệ các quyền trong tương lai của họ. Lập luận như thế không phải là áp đặt một bổn phận bất khả thi, vì hiện nay, thành phần tốt lành của loài người đang quan tâm đầy đạo đức tới con cháu mai sau, trong đó có quan tâm về môi sinh. Thậm chí ta còn có thể lập luận rằng xưa nay, con người lúc nào cũng hào hứng với chủ nghĩa lý tưởng anh hùng hiến thân cho chính nghĩa đầy thương yêu vượt quá bản thân mình và cho sự thiện hảo cao cả hơn của loài người.


– Thứ bảy, chúng ta không nên làm điều gì gây nguy cơ cho chính sự sống còn của các thế hệ tương lai. Chúng ta phải chăm lo giải quyết vấn đề để xã hội toàn cầu hiện nay không làm suy thoái khí quyển, nước và đất khiến cho cuộc sống tương lai bị suy kiệt cùng cực. Chúng ta nên chăm lo giải quyết vấn đề để xã hội toàn cầu hiện nay không thả lỏng các vũ khí tàn sát hàng loạt. Vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử, loài người sở hữu các phương tiện tự hủy diệt. Sự giảm bớt hiện nay của Chiến Tranh Lạnh không bảo đảm thanh gươm tối hậu của Damocles sẽ được buông bỏ bởi những đệ tử cuồng tín phục hận hoặc bởi những kẻ chủ trương chính sách "bên bờ vực chiến tranh": cứu vớt thế giới bằng cách để thế giới bị hủy diệt.


Như thế, một Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu mới và khả thi, nhắm tới một thế giới an toàn, an ninh và tốt đẹp hơn nên là bổn phận ưu tiên số một của chúng ta, và chúng ta nên làm những gì có thể làm để tạo nên sự gắn bó đạo đức. Sự gắn bó này nên áp dụng cho mọi dân tộc trên quả đất dù khác nhau về tín ngưỡng hoặc theo chủ nghĩa tự nhiên, hữu thần hoặc nhân bản, giàu hoặc nghèo, thuộc bất cứ chủng tộc, sắc tộc hay quốc tịch nào.


Chúng ta cần thuyết phục đồng loại phải cùng nhau khẩn trương hành động nhằm tạo sự đồng lòng mới mẻ và toàn cầu mà trong đó việc bảo tồn và cải thiện hết thảy loài người như một tổng thể là bổn phận tối thượng của chúng ta.



VII. Một Ðạo Luật Toàn Cầu Về Các Quyền Và Các Trách Nhiệm


Ðể làm tròn sự gắn bó của mình đối với Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu, chúng tôi đề nghị một Ðạo Luật Toàn Cầu Về Các Quyền Và Các Trách Nhiệm; nó thể hiện sự gắn bó toàn cầu của chúng tôi đối với phúc lợi của loài người như một tổng thể. Nó kết hiệp làm một với bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền nhưng nó vượt quá bản Tuyên Ngôn ấy bằng việc đưa ra một số điều mục mới. Nhiều quốc gia riêng rẽ đã và đang tìm cách thi hành các điều mục này bên trong biên giới của nước mình. Nhưng có nhu cầu ngày càng tăng về một Ðạo Luật Toàn Cầu Về Các Quyền Và Các Trách Nhiệm rõ ràng và đầy đủ để áp dụng cho hết thảy mọi phần tử của loài người. Việc thực hiện nó sẽ không dễ dàng. Dĩ nhiên nó phụ thuộc vào vấn đề có đầy đủ các tài nguyên. Dù là cỗ máy năng động của tăng trưởng và phát triển kinh tế nhưng kinh tế thị trường không luôn luôn có hiệu quả, và có lẽ cần bổ sung bằng những chính sách công cộng liên quan tới phúc lợi xã hội rộng rãi hơn. Những phương cách được chấp nhận để thành tựu các nguyên tắc của Ðạo Luật này gần như sẽ được hoạch định trước hết trên lãnh vực tư nhưng lãnh vực công cũng đóng vai trò của nó. Rõ ràng là sẽ có sự chống đối lớn lao về chính trị đối với các đề nghị này nhưng ít ra, chúng ta nên đặt những mục tiêu lâu dài dù ngay lúc này khó đạt được chúng tại những phần đất nhất định trên thế giới.


– Thứ nhất, chúng ta nên phấn đấu để chấm dứt nghèo khổ, suy dinh dưỡng và cung ứng việc chăm sóc y tế và nhà ở thích đáng cho con người ở mọi nơi trên hành tinh này. Ðiều này có nghĩa không một người nào bị từ khước lương thực thích đáng và nước trong lành, và chúng ta nên dốc hết nỗ lực để tận diệt bệnh truyền nhiễm, bảo đảm vệ sinh đúng qui cách và bảo đảm tiêu chuẩn tối thiểu về nhà ở cho mọi người. Ðiều này hoàn toàn là một công tác; tuy thế trên nền tảng đạo đức, chúng ta phải khẩn trương bắt đầu đảm trách công tác này.


– Thứ hai, chúng ta nên phấn đấu để cung ứng sự ổn định kinh tế và lợi tức thích đáng cho mọi người. Ðiều này có nghĩa cho con người cơ hội đồng đều để có việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và an sinh xã hội dành cho hưu trí. Nên có những chương trình đặc biệt huấn luyện kỹ năng cho người tàn tật để nhờ đó họ có tay nghề và giúp họ kiếm việc làm.


Ở đây, tiền đề căn bản là tự lực: cá nhân cần thực thi những nỗ lực của chính mình để có lợi tức đủ dùng. Xã hội chỉ có thể cung cấp cơ hội, bằng phương thế riêng tư hoặc công cộng.


– Thứ ba, mọi người nên được bảo vệ khỏi bị chấn thương, nguy hiểm và chết chóc mà không có lý do xác đáng và không cần thiết. Mọi thành viên của loài người nên được bảo vệ khỏi bạo động vật lý, trộm cắp tài sản riêng, và sợ hãi vì bị hăm dọa (dù bởi cá nhân riêng tư hoặc bởi định chế chính trị hay xã hội). Mọi người nên được bảo vệ khỏi bị lạm dụng hay quấy nhiễu tình dục, cưỡng hiếp. Ðối đãi tính dục nên đặt trên căn bản tự nguyện. Dù trong bất cứ tình huống nào cũng không nên cho phép việc làm tình hoặc kết hôn với trẻ em.

 

Án tử hình là một hình thức trả thù không thể chấp nhận. Nên thay thế nó bằng hình phạt khác, thí dụ tù chung thân. Hầu hết các quốc gia văn minh đều đã cấm hình phạt tử hình.

 

– Thứ tư, các cá nhân nên có quyền sống trong một đơn vị gia đình hoặc một hộ do họ chọn, hợp với lợi tức của mình và nên được quyền có con hay không có con. Mỗi cá nhân nên có quyền tự do chọn người bạn đời nếu muốn, và số lượng con cùng khoảng cách sinh con. Mọi người nên có quyền nuôi con ruột hay con nuôi, hoặc có quyền không lập gia đình.


Những ai quyết định nuôi con thì có những đòi hỏi nhất định và cần thiết cho bổn phận ấy: cha mẹ nên cung ứng môi trường an toàn và đầy thương yêu cho con. Không nên để con bị cha mẹ ngược đãi. Không nên để trẻ con và thiếu niên bị buộc phải làm công việc lao động của người lớn hoặc lao dịch thái quá. Cha mẹ không nên lơ là hoặc không chịu cung cấp cho con dinh dưỡng, vệ sinh, chỗ ở, chăm sóc y tế và an toàn thích hợp.

 

Cha mẹ không nên không cho con tiếp cận việc giáo dục, bổ túc văn hóa và kích thích trí tuệ. Dù sự hướng dẫn đạo đức của cha mẹ là quan trọng, cha mẹ không nên đơn phương áp đặt quan điểm tôn giáo hoặc các giá trị đạo đức lên trên con mình hoặc độc tôn nhồi sọ tư tưởng chúng. Trẻ em, thiếu niên và thanh niên nên mở lòng mình ra trước những quan điểm dị biệt và phấn khởi khích lệ sự tự mình suy nghĩ. Thậm chí đối với con trẻ, quan điểm của chúng cũng nên được tôn trọng.

 

– Thứ năm, cơ hội dành cho giáo dục và bổ túc văn hóa nên phổ cập. Mọi người nên có cơ hội mở mang kiến thức. Ở mức tối thiểu, giáo dục học đường nên sẵn sàng cung ứng cho mọi đứa trẻ từ những năm thơ ấu tới tuổi thanh niên. Ngoài ra, cơ hội dành cho giáo dục phải sẵn sàng cung ứng cho mọi nhóm tuổi, gồm cả việc học suốt đời dành cho người lớn. Có những định mức tối thiểu mà mỗi người phải đạt: khả năng đọc, viết và làm toán căn bản. Các trình độ sở đắc cao hơn thì liên quan tới năng khiếu và năng lực. Việc nhận vào trường học thuộc bậc giáo dục cao hơn nên đặt căn bản trên học lực; nơi nào có thể thì nên cấp học bổng để các học sinh xứng đáng không bị lỡ cơ hội học hành vì tình trạng túng thiếu tài chính.

 

Mọi trẻ em nên được dạy một số kỹ năng căn bản có tính thị trường để bảo đảm chúng có khả năng kiếm được việc làm. Ðiều này nên bao gồm một hình thức vỡ lòng nào đó về máy vi tính, mở mang trí năng văn hóa và khả năng hoạt động trong thế giới thương mại.


Chương trình học nên đẩy mạnh sự am hiểu các phương pháp khoa học trong thẩm tra và tư duy phê phán. Không nên đặt giới hạn cho sự thẩm tra tự do. Giáo dục nên bao gồm sự am hiểu những giá trị của các khoa học tự nhiên, sinh học và xã hội. Cũng nên học lý thuyết tiến hóa và các tiêu chuẩn của sinh thái học.

 

Học sinh nên học các nguyên tắc về giữ gìn sức khỏe, dinh dưỡng thích đáng, vệ sinh và thể dục. Trong những điều đó nên có sự hiểu biết về y học và cách vận hành của cơ thể con người; nên cung ứng sẵn sàng từ thuở thơ ấu cơ hội giáo dục tính dục thích hợp. Ðiều này nên bao gồm thái độ tính dục có trách nhiệm, kế hoạch hóa gia đình và kỹ thuật ngừa thai.

 

Học sinh nên học để hiểu rõ giá trị của các truyền thống văn hóa đa dạng. Ðiều này nên bao gồm việc học đối chiếu các tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa và sự thưởng ngoạn những biểu lộ của nghệ thuật. Học sinh nên học về lịch sử, bắt đầu với lịch sử của xứ sở và nền văn hóa cá biệt tại nơi chúng sinh trưởng, nhưng cũng học về các nền văn hóa khác, bao gồm lịch sử và các nền văn minh thế giới. Cần thực hiện mọi nỗ lực để triển khai sự "vỡ lòng toàn cầu", tức là sự nhận biết về môi sinh. Không nên hạn chế sự học trong chuyên ngành nhỏ hẹp nhưng nên khuyến khích những nỗ lực để có kiến thức liên quan tới nhiều lãnh vực học thuật.

 

– Thứ sáu, cá nhân không nên bị phân biệt đối xử vì chủng tộc, nguồn gốc sắc tộc, quốc tịch, văn hóa, đẳng cấp, giai cấp, tín ngưỡng, phái tính hoặc định hướng tính dục. Chúng ta cần phát triển một bản sắc con người thành viên mới trong cộng đồng toàn cầu. Bản sắc này là ưu tiên trên tất cả những cái khác và có thể được dùng làm căn bản để hành động nhằm triệt tiêu sự phân biệt đối xử.

 

– Hận thù chủng tộc, quốc tịch và sắc tộc là vô đạo đức. Hết thảy mọi cá nhân đều là thành viên thuộc cùng một chủng loại và vì thế nên được vui hưởng mọi đặc quyền và mọi cơ hội có sẵn.

 

– Ðối kháng giai cấp có thể là nguồn gốc của phân biệt đối xử. Những rào cản cổ truyền, thí dụ hệ thống đẳng cấp, đã và đang kiềm hãm sự thăng tiến của hàng triệu người. Một số tìm cách bít kín khoảng cách giữa người giàu và người nghèo bằng cách bần cùng hóa người giàu thay vì cải thiện điều kiện sống của người nghèo. Một số khác lơ là tình cảnh khốn khó của người nghèo hoặc tìm cách giữ cho người nghèo sống mãi trong trạng thái lệ thuộc.

 

– Quyền tự do tín ngưỡng và thực hành tôn giáo hay niềm tin của con người phải được tôn trọng. Sự tự do tương đương như thế, tức là quyền không thực hành tôn giáo, nên được dành đầy đủ cho những người bất đồng tôn giáo, người theo thuyết bất khả tri và người vô thần, những người mà quan điểm của họ xứng đáng được tôn trọng không kém.

 

– Không nên cho phép phân biệt đối xử vì phái tính. Nữ giới có quyền được đối xử bình đẳng với nam giới. Sự phân biệt đối xử trong cơ hội tìm việc làm, giáo dục và hoạt động văn hóa là quá đáng không thể chịu đựng được. Xã hội không nên phủ định đồng tính luyến ái, lưỡng tính luyến ái hoặc quyền bình đẳng được chuyển đổi phái tính và chuyển đổi tính dục.


– Thứ bảy, các nguyên tắc về bình đẳng nên được các cộng đồng văn minh tôn trọng và theo bốn ý nghĩa chính:


Bình đẳng trước pháp luật: Mọi người nên được có đầy đủ một thủ tục tố tụng thích đáng và sự bảo vệ bình đẳng trước pháp luật. Phải áp dụng cũng một luật pháp thôi cho viên chức chính quyền lẫn công dân bình thường. Không kẻ nào ở bên trên luật pháp. Luật pháp không nên xem xét tới chủng tộc, màu da, sắc tộc, tín ngưỡng, phái tính hoặc tài sản.


Bình đẳng trong cứu xét: Mọi người đều có nhân phẩm và giá trị ngang nhau và không bị từ khước các phúc lợi và các quyền được ban cho hết thảy những người khác. Ðiều này không phủ định việc xã hội có quyền kiềm chế, trừng phạt hoặc giam giữ kẻ phạm pháp, sử dụng bạo lực hoặc phạm tội ác đối với người khác.


Thỏa mãn các nhu cầu căn bản: Cá nhân có thể thiếu tài nguyên, và hoàn toàn không phải do lỗi của họ nếu họ không có khả năng thỏa mãn nhu cầu tối thiểu của mình về thực phẩm, nhà ở, an toàn, chăm sóc y tế, bổ túc văn hóa và giáo dục. Trong trường hợp đó, nếu xã hội có phương tiện thì lúc ấy, có bổn phận giúp thỏa mãn các nhu cầu căn bản ở mức nhiều nhất có thể được. Sự quan tâm tới phúc lợi này liên quan tới khả năng lao động. Xã hội không nên khuyến khích lối sống lệ thuộc.
Bình đẳng về cơ hội: Trong các xã hội tự do nên có sân chơi không thiên vị cho mọi người. Trong xã hội mở và tự do, nên dành cho người lớn và trẻ em cơ hội để thành toàn sở thích cùng khát vọng và biểu lộ tài năng độc đáo của mình.


– Thứ tám, mọi người có quyền sống một cuộc sống tốt lành, theo đuổi hạnh phúc, thành tựu niềm vui thích sáng tạo và giải trí theo cách thức riêng của mình trong chừng mực không làm tổn thương người khác. Nguyên tắc cốt lõi là mỗi người nên có đầy đủ cơ hội để nhận thức đầy đủ sự thành toàn cuộc đời của mình đi đôi với tài nguyên của xã hội, nhưng sự nhận thức thật sự thì tùy thuộc vào cá nhân chứ không vào xã hội. Tuy thế, hạnh phúc thì tùy thuộc vào lợi tức, tài nguyên và thái độ của con người, và cá nhân không nên trông mong xã hội cung cấp các phương tiện làm thỏa mãn những sở thích và những theo đuổi riêng biệt của mình ở mức độ rộng rãi.


– Thứ chín, cá nhân nên có cơ hội thưởng ngoạn và tham gia nghệ thuật - bao gồm văn chương, thơ, kịch, điêu khắc, múa, âm nhạc và ca hát. Óc tưởng tượng thẩm mỹ và hoạt động sáng tạo có thể đóng góp vô lượng vào sự phong phú hóa đời sống, phát triển năng khiếu bản thân và hạnh phúc của con người. Xã hội nên khuyến khích và hỗ trợ nghệ thuật cùng tính chất phổ biến văn hóa rộng rãi của nó tới mọi khu vực của cộng đồng.


– Thứ mười, cá nhân không nên bị kiềm chế thái quá, giới hạn và nghiêm cấm trên một tầm mức rộng lớn việc thực hành những chọn lựa riêng tư. Ðiều này bao gồm tự do tư tưởng và tự do lương tâm - quyền hoàn toàn tin, hoặc không tin, tự do phát biểu và tự do theo đuổi lối sống riêng của mình trong chừng mực không gây trở ngại cho việc thực thi quyền của người khác.

 

– Ðược gồm vào phần trên là quyền riêng tư:

• Việc bảo mật của cá nhân nên được tôn trọng.

• Mọi cá nhân nên được tự do, không bị xâm phạm bởi các cưỡng bách xã hội hoặc chính trị.
• Phụ nữ nên có quyền chủ động về thân thể của mình. Ðiều này bao gồm tự do sinh sản, tự nguyện ngừa thai và phá thai.

• Ðôi lứa phối ngẫu nên có thông tin đúng đắn về kế hoạch hóa gia đình và khả năng sử dụng sự thụ tinh nhân tạo và những chỉ bảo về sinh học di truyền.

• Người lớn nên được phép kết hôn với kẻ mình muốn, dù khác bối cảnh chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo, giai cấp, đẳng cấp hoặc quốc tịch.

• Không nên cấm hôn nhân dị chủng. Nên cho lứa đôi phối ngẫu cùng phái tính có các quyền giống như lứa đôi khác phái tính.

• Sự ưng thuận có đầy đủ thông tin nên là nguyên tắc dẫn đạo trong y khoa. Cá nhân trưởng thành nên có quyền chọn hoặc từ khước việc chữa trị y khoa.

• Cá nhân nên có quyền tham gia các tổ chức thiện nguyện để chia sẻ những phúc lợi và các hoạt động trong cộng đồng. Quyền tự do lập hội trong chừng mực hòa bình và bất bạo động phải được tôn trọng.


VIII. Một Nghị Trình Toàn Cầu Mới

 

Nhiều lý tưởng cao cả xuất hiện theo sau Thế Chiến Hai và tìm được cách biểu lộ trong những công cụ tuyệt vời như bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà đang mất dần sức mạnh trên khắp thế giới. Ðể tác động lên tương lai loài người, chúng ta cần ngày càng gia tăng hoạt động qua những trung tâm quyền lực và ảnh hưởng mới nhằm cổ vũ sự vô tư và ổn định, làm giảm nghèo, giảm xung khắc và gìn giữ môi trường. Dưới ánh sáng của những tình huống đang thay đổi, ngày càng thấy rõ một số mục tiêu ưu tiên:

 

– Thứ nhất, an ninh: Vấn đề xung khắc và chiến tranh khu vực cũng như nguy cơ tiềm ẩn do vũ khí tàn sát hàng loạt đặt ra đều không được giải quyết. Suốt 50 năm qua, bạo động liên cộng đồng giữa các nhóm chủng tộc và tôn giáo trong một vùng và nội chiến đã đẩy những xung khắc giữa các quốc gia lên mức thái quá về số lượng và tổn thất nhân mạng. Những xung khắc như thế luôn luôn phát sinh khi một cộng đồng sắc tộc trong một nước cảm thấy mình bị đàn áp bởi chính quyền hoặc bởi một cộng đồng khác, và cảm thấy không có khả năng biểu lộ những bất bình của mình bằng các phương thế hợp pháp. Hiến Chương Liên Hiệp Quốc đặc biệt nghiêm cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia thành viên; do đó cộng đồng quốc tế hoàn toàn thiếu căn bản pháp lý cho các nỗ lực giải quyết những xung khắc có tính bộ lạc, chủng tộc hoặc liên cộng đồng trong biên giới của một quốc gia, trái với ý muốn của tập đoàn cai trị quốc gia liên hệ. Thêm nữa, bất cứ nỗ lực nào của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các xung khắc ấy bằng việc dùng vũ lực thì hầu như bị cản trở ngay trong Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vì lá phiếu phủ quyết của một thành viên thường trực có quan hệ hữu nghị với chính phủ liên hệ. Từ lúc kết thúc Chiến Tranh Lạnh, Hiệp chúng quốc Hoa kỳ, được sự ủng hộ của Liên Minh Bắc Ðại Tây Dương NATO và các cường quốc phương Tây khác, thường tìm cách áp đặt hoà bình bằng vũ lực, coi thường Liên Hiệp Quốc và làm suy yếu nghiêm trọng thẩm quyền của LHQ.

 

– Thứ hai, phát triển con người: Chúng tôi kêu gọi hãy có những đề nghị táo bạo và cách tân nhằm tối đa hóa sự tiến bộ của con người trên cấp độ toàn cầu. Sự chênh lệch giữa các khu vực thịnh vượng và các khu vực chậm phát triển của hành tinh này là vấn đề cấp bách hiện nay, không kém trong quá khứ chút nào. Thế giới phát triển có thể giúp khắc phục vấn đề ấy bằng cung cấp vốn, viện trợ kỹ thuật và yểm trợ giáo dục.


Chúng ta cần sự nhấn mạnh mới trên phát triển xã hội chứ không đơn thuần trên phát triển kinh tế, trong khi nhận ra rằng phát triển kinh tế không luôn luôn dẫn tới phát triển xã hội và rằng đầu tư trực tiếp vào phát triển xã hội có thể làm giảm nghèo và đưa dân chúng vào nền kinh tế tiền tệ hơn. Có nhu cầu yểm trợ các phương tiện gây phúc lợi trực tiếp về y tế và hạnh phúc cho người nghèo nhất, đặc biệt phụ nữ và thiếu nữ. Ðiều này phải bao gồm một số nỗ lực nhằm tạo ổn định dân số và rồi giảm tỉ lệ gia tăng dân số.

Thông thường, viện trợ phát triển bị các nước cấp viện xem như công cụ của chủ nghĩa ngoại giao đế quốc và của chính sách mậu dịch. Chiến Tranh Lạnh chấm dứt và theo đó, biến mất cái nhu cầu cảm thấy cần tranh thủ sự ủng hộ của thế giới đang phát triển, và cùng với nó là qui mô yểm trợ phát triển. Khuynh hướng này phải được đảo ngược.

 

Chúng tôi thúc giục tất cả các quốc gia đã công nghiệp hoá chấp nhận, như một bước đầu, những khuyến cáo do Liên Hiệp Quốc đưa ra về viện trợ phát triển cho các nước khác, cụ thể là đóng góp (hoặc chịu thuế) hằng năm 0.7% Tổng Sản Lượng Quốc Nội GDP để viện trợ phát triển, trong đó nên dành 20% cho phát triển xã hội và trong ngân khoản phát triển xã hội đó nên dành 20% để yểm trợ vấn đề dân số. Sự yểm trợ ấy nên gia tăng trong những năm sắp tới.

 

Cần phải nỗ lực hơn nữa để thu hẹp lỗ hổng kiến thức trong các nước nghèo nhất, dạy nghề và tu nghiệp cho người thất nghiệp, nhằm cung ứng điều kiện lao động tốt hơn (đặc biệt cho phụ nữ và những kẻ bị thiệt thòi quyền lợi) và dành nhiều tài nguyên hơn cho việc chăm sóc y tế, giáo dục và bổ túc văn hoá.

Chúng tôi thúc giục tất cả các quốc gia ủng hộ "Chương Trình Hành Ðộng Cairo" năm 1994 nhằm cung ứng y tế hộ sản phổ quát và quyền sinh sản, để giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người nghèo khó và để ổn định sự gia tăng dân số thế giới. Bản Danh Mục Phát Triển Con Người do Chương Trình Phát Triển của Liên Hiệp Quốc xuất bản hằng năm nên được cổ động sử dụng như một thước đo thành tích xã hội của từng nước đang phát triển. Có vai trò ngày càng tăng của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) tại các nước đang phát triển để hành động như những đơn vị tiếp nhận trực tiếp viện trợ phát triển hầu né tránh tham nhũng và trì trệ quan liêu như thường thấy tại nhiều nước. Các tổ chức phi chính phủ phương Tây đóng vai trò có ý nghĩa to lớn như đơn vị đối tác và máng xối cho viện trợ phát triển.

– Thứ ba, công bằng xã hội: Ðạo Luật Toàn Cầu Về Các Quyền Và Các Trách Nhiệm là trung tâm cho các vấn đề công bằng xã hội. Phải chống lại những nỗ lực nhằm hợp pháp hóa sự va chạm công bằng xã hội hoặc nhằm hạn chế phạm vi văn hóa và địa dư của nó. Phải nhấn mạnh trở lại khả năng ứng dụng của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền vào phạm vi riêng tư của mỗi hộ, gia đình và cộïng đồng. Chúng tôi đặc biệt thúc giục tất cả các quốc gia sớm phê chuẩn hết thảy những công ước quốc tế về quyền của phụ nữ, trẻ em, thiểu số và người bản địa.

 

– Thứ tư, sự tăng trưởng của các đại tổ hợp công ti quốc tế: Hai chục năm qua đã chứng kiến tình trạng ngày càng gia tăng sự tập trung thế lực và tài sản vào tay các công ti kinh doanh toàn cầu. Rõ ràng chúng có đóng góp vào mậu dịch thế giới và phát triển kinh tế. Thế nhưng luật pháp quốc tế đáp ứng chậm chạp trước những cấu trúc quyền lực đang tiến hóa gia tốc trong kinh tế thế giới. Hiện nay, các công ti đa quốc gia có khả năng rộng lớn để coi thường nguyện vọng của các chính quyền riêng rẽ trong việc hoạch định chính sách và di chuyển nguồn tài chính của chúng xuyên qua biên giới các nước và đưa việc chế xuất tới các thị trường rẻ nhất. Sự tự do ấy được đánh giá như một tác dụng hữu ích cho thị trường tự do và được các thị trường tài chính toàn cầu khuyến khích. Nhưng những công ti ấy cũng có khả năng rộng lớn để tránh việc đóng thuế lợi nhuận xuất khẩu. Các định chế tài chính có khả năng tránh sự kiểm soát tài chính bằng việc đặt cơ sở ở những nơi đánh thuế thấp nhất tại các nước khác, trong khi việc chuyển ngân quốc tế lên tới một ngàn tỉ Mỹ kim mỗi ngày mà không bị đánh thuế. Cũng thế, các cá nhân giàu hiện có khả năng tránh việc trả thuế công bằng đúng với phần chia sẻ của họ.

Bất cứ đề nghị nào nêu ra các vấn đề ấy nhằm hạn chế sự vận hành của thị trường tự do đều sẽ bị chống đối quyết liệt và chắc chắn sẽ thất bại. Do đó, cần tới những cải cách giàu tưởng tượng để bảo đảm rằng tài sản quốc tế, của các công ti và các cá nhân, đều phải đóng phần chia sẻ của họ một cách công bằng mà không gây tổn thương cho cỗ máy kinh tế thế giới.


– Thứ năm, luật pháp quốc tế: cộng đồng toàn cầu cần phát triển một hệ thống công pháp quốc tế vượt quá phạm vi luật pháp của các quốc gia riêng rẽ. Chúng ta cần biến thế giới vô luật pháp thành một thế giới có luật pháp mà mọi người có thể hiểu rõ và theo đó mà hành động.

 

– Thứ sáu, môi sinh: chúng ta cần nhận ra rằng lối sống hiện nay tại Bắc bán cầu kỹ nghệ hóa là không thể lâu bền và càng ngày sẽ càng trở nên bấp bênh khi phát triển kinh tế và sức tiêu dùngï mỗi ngày một tăng tại các nước nghèo hơn ở Nam bán cầu làm tăng thêm sức ép lên môi trường toàn cầu. Mức tiêu thụ xả láng đã gây sẵn sức ép chưa từng thấy trên môi sinh và đặt người tiêu dùngï trong tình trạng bị làm hại ít nhất tới hai lần. Vấn đề là nâng cao mức tiêu dùngï của một tỉ người nghèo cực tới nỗi mỗi ngày không có được một bữa ăn thích đáng, và cùng lúc ấy, tiến hành những mẫu thức tiêu thụ có khả năng bền vững hơn nhằm giảm thiểu sự phá hoại môi sinh.

 

Các vấn đề môi trường toàn cầu phải được ứng xử ở cấp bậc toàn hành tinh: giảm ô nhiễm môi sinh, bao gồm khí các-bon đi-ô-xít và các khí gây hiệu ứng nhà kính; phát triển các nhiên liệu có thể thay thế; gầy lại rừng trên đất trụi; chống quá trình ăn mòn mặt đất tại các khu vực trồng trọt; tạo điều kiện cho quan hệ hữu nghị bảo vệ môi sinh giữa các nước; giới hạn việc đánh cá trong những vùng biển quốc tế nào mà nhiều giống cá đang có nguy cơ bị tuyệt chủng; bảo vệ các chủng loại đang lâm nguy; giảm thói quen sống tiêu dùngï hoang phí; và cấm hết thảy các vũ khí tàn sát hàng loạt. Như thế, cần đặt ưu tiên cao các chuẩn mực bảo vệ môi trường cho cộng đồng toàn cầu......

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 2368
Ngày đăng: 10.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lyotard với chủ nghĩa Hậu Hiện Đại - Khổng Ðức
Mỹ học của Thuyết Giải Cấu Derrida - Khổng Ðức
Nhà vua chết rồi, Hoàng đế vạn tuế! - Phạm Toàn
Ðại cương Thiền tông - 1 - Nguyễn Ước
Ðại cương Thiền tông - 2 - Nguyễn Ước
Ðại cương Thiền tông - 3 - Nguyễn Ước
Bài 4 – Mary Oliver: Đường chúng ta đi - Nguyễn Đức Tùng
Ðại cương Mật tông - 1 - Nguyễn Ước
Ðại cương Mật tông - 2 - Nguyễn Ước
Một nền giáo dục hiện đại hóa - Phạm Toàn
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)