Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
597
116.534.858
 
Bất Ngờ Ngang Qua Cuộc Chơi
Nguyễn Như Mai

Trần Huy Thuận lý giải về cái tên sách của mình là mượn từ câu nói của nhà viết kịch Tào Mạt: “Cuộc đời này chẳng qua cũng chỉ là một cuộc chơi” (thì trước tác giả bộ chèo "Bài ca giữ nước" hàng mấy trăm năm, Banzăc cũng đã gọi cả một trước tác đồ sộ của mình là “Tấn trò đời” rồi sao!). Nhưng Trần Huy Thuận tự thấy mình không thể nhập được vào cuộc chơi đầy may rủi này, mà chỉ coi mình là kẻ “đi ngang qua”. Và việc viết văn cũng chỉ là chuyện  của kẻ tay ngang mà thôi.

Trần Huy Thuận vốn làm công tác kỹ thuật ngành xây dựng nhà xưởng , nhưng lại ham đọc và thích láng cháng chuyện văn chương. Vốn tính hài hước, nhân có cuộc thi viết văn thơ trào phúng ở địa phương, ông nhảy vào dự thi và ẵm luôn hai giải đầu cả về văn và thơ từ năm 1984. Ông trở thành hội viên Hội văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh.

Ngoài một vài năm công tác ở Hà Nội, hầu như suốt cuộc đời Huy Thuận sống “thúc thủ”ở Thành Nam từ khi mới sinh cho đến khi “đầu bạc răng long”. Người ta nói “ Nam Định nhỏ như một bàn tay con gái”, cho nên ông trở thành thổ công, thổ địa của cái mảnh đất này cũng không có gì lạ.

Bẵng đi một thời gian, sự viết của ông hầu như dừng lại, nhưng gần đây trên báo mạng bắt đầu xuất hiện nhiều sáng tác của Trần Huy Thuận. Ông viết đủ các thể loại, nhưng phần lớn là tản văn, phiếm đàm, ghi chép, hồi ký…Những bài viết của ông nhanh chóng nhận được sự phản hồi, sẻ chia và cộng hưởng từ phía bạn đọc.

Ông tự ý thức, với tuổi của mình,  gặp đâu viết đấy, hứng lúc nào viết lúc ấy, trăn trở điều gì viết điều ấy. Có nghĩa là ông viết hoàn toàn không chịu một sức ép nào từ bên ngoài, mà từ sự “trăn trở” của chính mình. Cho nên ông viết thoải mái, thẳng tưng, nhưng có sự từng trải, sự chiêm nghiệm của cả một đời. Nói và làm. Ăn ( nợ miệng) và thở. Nghe ( cái tai và văn hóa nghe) và nói ( nói thẳng và nghe nói thẳng). Đứng và đi. Chiếc ghế ( chiếc ghế và văn hóa ngồi) và chiếc thang…Rồi đạo họcđạo làm thầy. Chuyện giáo dục và chuyện lương lậu. Tham nhũngchống tham nhũng. Đúng là đủ chuyện, nhưng nếu chỉ nghe qua những cái “tít” thì có vẻ khô khan cả. Vậy mà người đọc vẫn bị lôi cuốn vì cách bàn luận vừa “đáo để” dẫn dắt cổ kim thâm thúy, vừa đậm chất “uy-mua” hóm hỉnh.

Cho dẫu là “gặp đâu viết đấy”, nhưng ta cảm thấy tác giả phản ứng rất nhanh nhạy với mọi chuyện trên đời, những bài viết có giá trị thời sự nóng hổi.

Song thực tình mà nói, những phần viết “sốt sột” như thế chưa chinh phục được tôi mấy. Tôi chỉ thực sự thú vị khi đọc phần “ Chuyện văn- chuyện đời” của tác giả . Những bài viết ở phần này có chiều sâu hơn, có chất văn hơn và do đó làm xúc động lòng người hơn. Không còn là những ghi chép đơn thuần nữa, một số đề tài đã được tác giả nâng lên thành tác phẩm văn học đích thực. Có thể kể ra một số truyện ngắn hay và độc đáo.

“ Hạt cát dưới đáy cuộc đời”- một số phận bi đát không thể nào bi đát hơn. Một con người không mang án mà mất hết quyền công dân, không có hộ khẩu thời bao cấp, chỉ vì bị “bỏ quên” giữa chiến trường trước ngày chiến thắng. Nhưng đau đớn hơn còn bị chính cha mình khước từ.

Tội sống” viết về một người bạn già vợ mất sớm, phải gà trống nuôi con. Nhưng cuối cùng lại khốn khổ vì con cái. Đứa con trai mất nhân tính, cô con gái yêu phải kẻ nghiện ngập. Ông bố già sống mà không bằng chết. Tác giả truyền cho người đọc một sự sót thương cho những kiếp người.

Nhân vật trong truyện “ Túp nhà nhỏ đầu ngõ con ngõ hẹp” thật điển hình cho hình ảnh một cán bộ tổ chức thời bao cấp. Chuyện thật mà cứ như sắp đặt về quy luật nhân quả nhãn tiền. Một lời cảnh báo có sức nặng.

Cũng như vậy, truyện “Tùng chột và những người khác” tố cáo những mánh khóe của những kẻ lạm dụng chức quyền, chuyên bài binh bố trận hại người, nhưng cuối cùng bộ mặt thật rơi xuống trước sự khinh khi của mọi người.

Nhưng có thể nói,  gây sốc nhất là truyện“ Thằng đổ vỏ”. Những kẻ cơ hội không từ một thủ đoạn nào bợ đỡ cấp trên để được thăng tiến, thậm chí cả những trò loạn luân bỉ ổi. Điều kinh hãi là người đọc nhận ra đằng sau câu chuyện là sự thật trần trụi chứ không phải là  hư cấu của tác giả.

Những truyện ngắn như thế có tính hiện thực phê phán sâu sắc, như một hồi quang của xu hướng này một thời đậm nét trong văn học nước nhà.

Số tác phẩm được coi là truyện ngắn không nhiều ( tác giả xếp lẫn trong các thể loại khác), nhưng cũng như các bài viết khác đều có nguyên mẫu thực ngoài đời, tác giả như một người quan sát, một nhân chứng, nên đều có nét tự sự.

Trần Huy Thuận dành khá nhiều trang và bài viết về bạn đồng môn,  những bạn bè một thời cùng học trường Bến Củi, cùng lớp hoặc cùng thành phố  nhưng “cũng đều biết nhau cả”. Tác giả viết về họ với sự trân trọng, thân tình và ưu ái, sót sa, nhưng không né tránh những sự thực đáng buồn trong số phận và nhân cách của mỗi con người. Đó là những Trần Văn Thủy, đạo diễn điện ảnh nổi tiếng với bộ phim “ Chuyện tử tế”. Vẫn thực sự là người tử tế, không kênh kiệu với bạn bè trong hội “mày tao”. Đó là Mai Trang- nữ phóng viên lăn lội trong chiến trường miền Nam , quên cả tuổi trẻ đã qua của mình. Đó là Trần Văn Bình, hiên ngang hát quốc ca trong trường ngày Nam Định bị tạm chiếm, bị bắt giữ tù đầy, nhưng lại bị lãng quên trong khi những kẻ cơ hội lại được vênh vang sau này. Định Mít đã có em vào chiến trường, vẫn xung phong đi bộ đội. Gặp em trong những trận chiến đấu ác liệt, rồi tự tay mình chôn cất em. Nhưng khi trở về chỉ là anh lính quèn, thếch thác với chiếc ba lô con cóc, mà cảm thấy xấu hổ với gia đình. Người cháu họ tên Ánh ( nhưng là bạn học hơn tuổi tác giả) cũng là một “ca” đặc biệt. Là con cái thuộc thành phần trên, nhưng có công nuôi giấu cán bộ cách mạng cao cấp, song cũng lại bị lãng quên. Ánh trở thành một ông lão hát rong với cây đàn ghita và bài hát muôn thuở “ Nhà của tôi! Nhà của tôi… đâu rồi? Còn đâu nhà của tôi!” Sẵn sàng chìa tay xin bạn bè vài tờ, nhưng vẫn với giọng “ông tướng”, rằng không thèm nhận tiền bẩn. Rồi chuyện Du Đen, chuyện Ngố, chuyện một “phó thường dân”…mỗi đứa bạn là một số phận, nhưng đều đáng trân trọng và cả đáng thương. Không như những chuyện về “Anh chàng Mốc làm quan” hay chuyện một anh chàng khác nhận vơ là bạn đồng môn khi có thể lợi dụng vào mối thân quen ấy.

Câu chuyện “Một nhành cây trong mùa lá rụng” viết về một người bạn gái mang âm hưởng buồn mà trong sáng. Thì lứa tuổi bạn bè một thuở ấy nay đã vào tuổi cổ lai hy rồi, tránh sao khỏi kẻ còn người mất. Nhưng vượt lên tất cả, tình bạn vẫn là niềm an ủi cho nhau trong những năm tháng cuối cuộc đời.

Tác giả khép lại tập truyện bằng hai tác phẩm châm biếm của thời mới khởi viết: “Người có hàm răng chuột” và “ Con không giống cha- là nhà có phúc!”. Hóa ra truyện viết từ một phần tư thế kỷ trước đến nay vẫn còn mang “tính thời sự”.. Và dường như trong hầu hết các bài viết của Trần Huy Thuận đều phảng phất một nụ cười, một nét hài hước ngay cả trong những câu chuyện buồn! Thành Nam nhỏ bé và yên bình , nhưng cũng có đủ mọi chuyện nhân tình thế thái để một đời Trần Huy Thuận đi ngang qua và ghi chép lại với mong muốn gửi gắm tâm sự:

Cuộc đời còn mấy nữa đâu/Quăng đi mọi gánh u sầu/ Chén xuân xin mời rót tiếp/ Để tình chuếnh choáng trong nhau”.

 

(Bài đăng trên VĂN NGHỆ TRẺ số 39 ngày 27-9-2009)

Nguyễn Như Mai
Số lần đọc: 1721
Ngày đăng: 04.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Linh Khiếu – Nhà Thơ Thi Triển Cảm Xúc Trên Những Vùng Đất Mới - Dương Kiều Minh
Lại Điên Như Kiệt Tấn -3 - Khuất Đẩu
Điên như Kiệt Tấn - 2 - Khuất Đẩu
Lê Mai Thao và Nỗi Buồn màu cà phê sữa - Lê Vũ
Đọc - U uẩn chiều lưu lạc- thơ Nam Dao - Nguyễn Hồng Nhung
Võ Đắc Danh và tập ký Canh Bạc mới ra - Phan Đình Minh
Điên như Kiệt Tấn 1 - Khuất Đẩu
Viết cho những nỗi người… - Phạm Xuân Hùng
Lê Mai Thao – Phiêu Du Dọc Miền Ký ức - Tạ văn Sĩ
Cuộc đời nhân vật đã bị bỏ quên - Trần Thị Ngọc Lan
Cùng một tác giả