Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
713
115.982.788
 
Ánh đèn trong cửa sổ
Yuri Nagibin

Yuri Nagibin(1956) -Hiếu Tân dịch

 

Một truyện ngắn của Nagibin Svet v Okne ("Đèn sáng trong cửa sổ") sáng tác trong thời kỳ Tan băng, nói về những đặc quyền đặc lợi của tầng lớp lãnh đạo chóp bu. Truyện này được xuất bản cuối năm 1956 trong một tuyển tập mang tên Văn học Moskva – II . Năm 1957, Tuyển tập này bị cấm lưu hành, nhiều tác giả của nó sau đó bị phê phán nặng nề trên báo chí và trong các cuộc họp nhà văn, nhưng Nagibin được để yên, có lẽ vì đóng góp của ông trong tuyển tập khá nhỏ. Hiếu Tân

 

Cuối tháng ba, cây cầu nhỏ bắc qua rãnh nước sâu ngăn cách nhà an dưỡng với đường cái bị sụp. Sau đó dòng sông òa lên xé rách con đường phủ băng, liên kết cuối cùng với thế giới bên ngoài. Thực phẩm cung cấp cho nhà an dưỡng bị ngưng lại. Dự trữ còn đủ cho vài ba ngày, nhưng rồi cũng hết sạch. Trong phòng dự trữ chỉ còn ít thực phẩm đóng hộp, đường, dầu thực vật và rau khô. Giám đốc nhà an dưỡng, ông Vasili Pêtrôvich, quyết định thịt con lợn riêng của mình để cung cấp cho khách.

Con lợn bị giết bởi đầu bếp, một người đàn ông trung niên vốn là một anh nuôi ngoài hỏa tuyến khỏe như vâm. Vasili Pêtrôvich hỗ trợ. Nhiệm vụ này chẳng đơn giản chút nào. Con lợn Mashka to đùng, nặng gần hai  tạ, được vỗ béo trong một góc bếp ấm áp, lồng lên như ngựa khi những người đồ tể bước qua ngưỡng cửa chuồng. Rõ ràng nó đã đoán ra họ vào đây để làm gì, cho dù người đầu bếp đã dấu con dao ra sau lưng. Phải vất vả lắm mới quật được nó xuống. Vasili Pêtrôvich cùng với người đầu bếp, mỗi người một bên hợp sức với nhau, nằm xoài ra trên nền chuồng bẩn thỉu, cố gắng giữ lấy chân của Mashka

 

Nhưng với cái tinh khôn bản năng của nỗi sợ chết, con lợn bẩn thỉu mắt híp gần như mù tịt vì quá béo, tuột ra khỏi bàn tay nắm chắc của họ và hăng máu chạy lồng lộn trong chuồng và rống lên đinh tai. Cuối cùng, họ cũng vật ngửa được nó ra sàn. Người đầu bếp lấy con dao ra và bằng một động tác được tính toán chính xác, bác ta thọc mạnh lưỡi dao sắc nhọn vào dưới nách trái con lợn.

Họ nấu nướng con lợn thành những món thơm ngon. Vasili Pêtrôvich làm phần việc của mình như trong một giấc mơ. Đây không phải lần đầu tiên ông ta giết một con lợn, nhưng lần này cái nhiệm vụ đơn giản bình thường ấy ông thấy nó như một thứ bạo lực tàn ác đối với một sinh mạng nóng hổi, còn thở, và vô phương tự vệ. Ông không thể nào quên vẻ oán trách tuyệt vọng trong đôi mắt híp lờ đờ của Mashka. Không có con lợn nào mà ông đã giết để dùng riêng cho mình lại nhìn ông như thế.

Nhưng công việc đã xong. Các vị khách của nhà an dưỡng đã tận tình ăn hết con Mashka như họ đã chóng vánh ngốn hết mọi thứ đồ ăn khác trên bàn. Vasili Pêtrôvich không mong chờ một lời cám ơn nào cả. Ông cay đắng nhận thấy sự hy sinh của ông ngay lập tức rơi vào quên lãng. Nhưng sự việc lại chuyển sang chiều hướng khác. Có một cái gì đó hiện lên trong mắt các vị khách mà trước đó chưa hề có. Vasili Pêtrôvich không để ý điều này ngay từ đầu, nhưng khi ông để ý, ông lại không nhận ra ngay những ánh nhìn yếu ớt nhưng ấm áp từ những đôi mắt của các chị y tá, nhân viên phục vụ, điều dưỡng viên và các nhân viên khác. Hơi buồn vì không được tri ân đúng mức, nhưng ông lại cảm thấy một niềm hạnh phúc lớn hơn từ sự đồng tình lặng lẽ của những người xung quanh.

Chỉ có một người duy nhất không tán thưởng công lao khiêm nhường của Vasili Pêtrôvich:  cô phục vụ ở dãy nhà ngang, Naschia. Trong đôi mắt đen sâu của cô, Vasili Pêtrôvich không tìm thấy một ánh ấm áp thân quen nào. Thế mà sự đồng tình của cô lại có ý nghĩa rất lớn với Vasili Pêtrôvich – giữa Naschia và giám đốc có những mối quan hệ tế nhị và phức tạp.

 

Khi nhận bàn giao công việc quản lý nhà an dưỡng này, Vasili Pêtrôvich và vị giám đốc tiền nhiệm đi một vòng quanh tất cả các văn phòng và các dãy nhà nghỉ, tất cả các phòng sinh hoạt của cả dãy nhà chính và dãy nhà ngang. Sau khi đi trọn một vòng, viên giám đốc tiền nhiệm dẫn Vasili Pêtrôvich tới một căn nhà nhỏ tường kính.

 

“Trong cánh này…”

Không nói hết câu, ông ta tiến lên mở khóa một cánh cửa bọc dạ và vải dầu, và vẫy Vasili Pêtrôvich đi theo. Hai người đi vào một tiền sảnh rộng rãi, thơm mùi gỗ thông, từ đây mở ra trước mắt Vasili Pêtrôvich một căn hộ lớn gồm ba phòng rộng rãi và bên phải là một bàn bi-a bọc nỉ xanh.

Trong phòng đầu tiên – phòng khách – một chiếc tivi đặt trên bàn gỗ sồi bóng loáng.

Những bức tường, những sôfa êm ái, và ở giữa, một bàn ôvan bọc khăn tua dày, xung quanh là những chiếc ghế bành nặng nề như được đổ chì. Phía trên chiếc bàn là một cây đèn chùm pha lê tỏa ánh sáng êm dịu. Hai cửa thông phòng khách với các phòng khác, cho thấy phong cách tao nhã từ những chiếc gối dày trong buồng ngủ, đến chiếc bàn viết đặt ở góc, và một chồng cao những tấm thảm trong phòng giấy.

Vasili Pêtrôvich im lặng, choáng ngợp bởi vẻ lộng lẫy này.

“Nơi dành riêng không ai được động đến” viên giám đốc tiền nhiệm nói với vẻ hãnh diện khôi hài. “Chúng ta giữ nó chỉ để đợi có dịp nào đích thân đồng chí ấy ghé qua”

“Nhưng đồng chí ấy thì hiếm có dịp nào ghé qua đây” Vasili Pêtrôvich lẩm bẩm với một nụ cười cố nặn ra. Trong sự nghiệp quản lý khá dài của mình ông chưa bao giờ được dịp tiếp xúc với các vị lãnh đạo cao cấp, do đó thậm chí ông không dám nghĩ tới một khả năng như thế.

 “Hình như, anh biết không, tình trạng này khá mập mờ” giám đốc tiền nhiệm kết luận cũng với giọng khôi hài đặc biệt, không rõ ràng mà ông dùng khi hai người bước qua ngưỡng cửa nơi tôn nghiêm này. “Bởi vậy, phải canh chừng.”

Lời khuyên ấy thấm vào tận đáy lòng Vasili Pêtrôvich. Ông thật ra luôn luôn canh chừng, sao cho việc vị khách quan trọng từ Bộ đến sẽ không đặt ông vào tình huống bất ngờ. Ông phân công nhân viên phục vụ dãy nhà ngang Naschia vào phụ trách căn hộ này. Hàng ngày cô phải quét dọn các căn phòng không người ở, lau cái sàn nhà không ai bước chân lên, thay hoa các lọ hoa để chúng tỏa mùi thơm không cho ai cả, chải lớp nỉ xanh trên bàn bi-a, lớp tuyết trên mặt nỉ tưởng như sẽ mọc dài ra như những bãi cỏ không được chăm sóc. Nhưng phần lớn công việc Stepan phải lo, anh là người trông nom coi sóc căn nhà. Anh ta phải chặt những tảng băng đóng trên cổng, đào những đống tuyết ra khỏi cửa sổ, luôn luôn để những khúc gỗ bulô sẵn sàng ở đó ngộ nhỡ các vị quyền cao chức trọng lúc nào đó hứng chí thích nhìn ngọn lửa chập chờn trong lò sưởi.

Tóm lại, người ta phải làm mọi việc để lỡ ra một ngày nào đó có vị khách tình cờ ghé đến sẽ cảm thấy ông đã được chờ đợi kiên nhẫn như thế nào với sự chuẩn bị chu đáo đến cỡ nào cho việc ông có thể ghé qua.

Dù sao, những căn phòng ấy cũng là nỗi lo lắng thường trực trong thâm tâm Vasili Pêtrôvich. Là một người quản lý, ông thấy khó chấp nhận việc những tiện nghi tuyệt vời như thế bị bỏ không, và ngốn một cách vô ích các nguồn tài chính và nhân lực. Lâu lâu ông lại thấy hết sức bực bội về việc cấm đoán sử dụng những căn phòng ấy. Một thời gian dài ông không sao quên được nét mặt của một cặp vợ chồng trẻ vào giữa những ngày cao điểm tháng Bảy, khi khách quá đông: họ được đưa vào hai phòng khác nhau.  Ông không nén nổi xúc động khi hình dung niềm hạnh phúc không nói nên lời nếu ban cho họ một căn phòng riêng. Nhưng ông đã tự chủ được, và đôi uyên ương kia trao đổi với nhau cái nhìn như phải xa nhau vĩnh viễn khi họ được dẫn đi, mỗi người đến một tòa nhà khác.

 

Vasili Pêtrôvich cũng không cảm thấy khá hơn khi tiếp người thợ xây nổi tiếng, là người đã xây dựng nên chính khu nhà an dưỡng này. Người thợ xây đến cùng với vợ và ba đứa con hiếu động. Thậm chí trong một phòng đôi, hai vợ chồng già cũng không thể có được một phút yên ổn với những đứa con bất trị của họ.

Ông giám đốc mới chán nản nghe những lời ca thán về chiếc bàn bi-a chung đã mòn xơ xác trong khi, ngay lúc đó, có một chiếc bàn bi-a tuyệt vời đang mỏi mòn chờ đợi vô ích và vô nghĩa trong một căn phòng bỏ trống. Cũng cái cảm giác khó chịu ấy gợn lên trước cảnh các chị em phục vụ dán mắt vào các cửa sổ của phòng đặt tivi. Căn phòng xem tivi quá hẹp chỉ vừa đủ cho khách của nhà an dưỡng, bởi vậy các chị em phải xô đẩy và cãi nhau để cố xem được những hình ảnh mờ mờ méo mó qua cửa kính. Thế mà trong tòa nhà bên kia, một chiếc ti vi tuyệt đẹp đang bị bỏ phí vô tội vạ.

 

Tất cả những chuyện  này khiến Vasili Pêtrôvich buồn bực đến nỗi ông không thể chịu đựng nó một mình. Ông bắt đầu chia xẻ những ý nghĩ của ông với cô phục vụ Naschia. Ông cảm thấy chắc chắn người phụ nữ lầm lì ít nói với đôi mắt đen thâm quầng này sẽ không bao giờ bép xép với ai khác. Ông kể với cô về chuyện cặp vợ chồng trẻ và về người thợ xây, và lần nào ông cũng thấy vẻ chê trách – không đồng tình – trong đôi mắt xẫm màu của Naschia. Điều đó làm cho ông thấy cay đắng hơn, và ông cứ phàn nàn với cô hết lần này đến lần khác về mỗi bất hạnh mới xảy ra, với một hy vọng mơ hồ rằng lần này, cuối cùng cô sẽ hiểu ông. Nhưng khi ông tin rằng ngay cả hành động hy sinh này, một cử chỉ anh hùng nho nhỏ của ông, vẫn không dập tắt được ngọn lửa chê trách nhức nhối trong cái nhìn chằm chằm sâu thẳm của Naschia, ông hiểu rằng ông đành phải gánh nỗi khổ tâm của ông một mình vậy.

 

Vasili Pêtrôvich không hiểu nổi Naschia. Thật không dễ hiểu người phụ nữ trầm lặng, hơi nặng tai, luôn giấu mình này, với khuôn mặt trông hơi lạ, thô nhưng đồng thời hấp dẫn. Chắc chắn Naschia không đẹp, nhưng sẽ có người phải nói “Nhưng anh biết không, ở cô ấy có một cái gì đó” và mọi người sẵn sàng đồng ý với nhận xét ấy. Người ta không thể không nhận thấy nét duyên ngầm hoang dã của Naschia. Thật khó mà nói chính xác cái duyên dáng ấy là ở chỗ nào. Phải chăng nó nằm trong cái nhìn của đôi mắt sắc sảo, bẽn lẽn trẻ trung mà sâu sắc lạ kỳ của cô, mặc dù cô đã quá tuổi băm? Hay là nó ở trong dáng kiêu hãnh của cái hất đầu của cô. Hay là một cái gì khác? Cái nét thứ hai này của Naschia không ổn định. Nó có thể đột nhiên biến mất, để lại một cảm giác lúng túng, và rồi bạn lại thấy trước mắt mình một phụ nữ chất phác, khó xác định tuổi, với khuôn mặt dạn dày sương gió và đôi bàn tay to thô kệch vì lao động.

Cách đây nhiều năm, vẻ duyên dáng mỏng manh và khác lạ của Naschia đã hấp dẫn một chàng chăn ngựa trẻ trong trại nuôi ngựa. Nhưng chiến tranh nổ ra, và Naschia nhanh chóng biến từ cô dâu thành bà góa. Cuộc sống đã vĩnh viễn lấy mất niềm tin của Naschia, và nếu ông giám đốc muốn cô nghĩ tốt về ông, thì cô lại càng cảnh giác đề phòng, như thể cô nghi ngờ ngay cả cái khả năng có người tốt trên đời này.

Cô bảo vệ các quyền của mình một cách dữ dội. Cô thường lau dọn phòng từ chín đến mười giờ sáng – không sớm hơn hay muộn hơn một phút. Mang nước nóng để cạo râu lúc tám giờ ba mươi. Cô không dọn giường, các khách nghỉ dưỡng phải tự làm lấy. Nếu có ai vi phạm các quyền của cô, cô sẽ nhìn thẳng vào mắt người đó và nói: “Đó không phải việc của tôi.” Nhưng không hiểu sao té ra Naschia có dọn giường, mang nước nóng ba lần một ngày và làm nhiều việc khác không phải việc của cô. Để trả thù việc này, cô dứt khoát từ chối những tờ năm rúp hay hai mươi rúp mà khách cố giúi cho cô trước khi họ ra đi. Khi từ chối như thế cô làm mặt khó chịu đến mức những người khách đành phải vừa lẩm bẩm xin lỗi vừa lúng túng giấu những tờ bạc nhàu nát trong lòng bàn tay.

Một thay đổi bất ngờ đến với Naschia khi cô được phân công vào dãy nhà đặc biệt ấy. Đầu tiên, cô coi lệnh của giám đốc là một sự vi phạm thô bạo các quyền của cô, và thậm chí sự đe dọa của giám đốc cũng chẳng ep phê gì với cô. Nhưng, thích thú với những đồ đạc lộng lẫy trong phòng, cô lập tức không còn muốn phản đối nữa. Toàn bộ ý nghĩa cuộc sống của cô bây giờ gắn với những căn phòng này. Naschia hiến dâng toàn bộ niềm đam mê của trái tim nguyên vẹn của cô cho nhiệm vụ mới này. Dần dần trong cô hình thành một hình ảnh kỳ thú như trong chuyện cổ tích về nhân vật mà một ngày nào đó sẽ đến đăng quang giữa cảnh huy hoàng tráng lệ này. Cô tin rằng ông ta phải là một nhân vật phi thường, không giống bất kỳ ai khác, vì một sự chăm sóc chu đáo đến thế đã được dành cho ông, từ đó, tuy chưa nhìn thấy ông, nhưng cô chờ đợi từng ngày từng giờ.

Đối với Naschia không có niềm vui nào lớn hơn được chăm sóc các căn phòng này, những căn phòng để tiếp đón ông. Nhưng cô cũng không xao nhãng các bổn phận khác của cô. Với ý thức không mệt mỏi vốn là đặc tính của cô, cô lau sạch cả hai tầng của ngôi nhà. Cô quét dọn, đổ các gạt tàn, cọ rửa các bồn tắm và các chậu rửa mặt cho đến khi chúng sáng bóng lên như thủy tinh, đổ đầy các bình nước, đập các tấm thảm và –thì thầm một mình – cô dọn giường nệm. Nhưng không có cái gì trong những công việc ấy làm cho cô cảm động, tất cả thuộc về một thế giới buồn tẻ , thuộc về  những  cuộc sống không cần phải sống. Nhưng cô sống thật đầy đủ - say mê và run rẩy – khi đến với những căn phòng bí mật kia. Ở đây công việc thường ngày của cô biến thành cố gắng sáng tạo. Bạn có thể đơn giản chỉ lau cửa sổ, nhưng bạn cũng có thể làm nên một phép màu: bạn có thể làm cho nó trở nên trong suốt và sáng rực lên đến mức màu xanh của bầu trời, màu trắng của tuyết và màu lục của lá thông tuôn thẳng vào phòng, các bức tường biến mất và căn phòng trở nên dài rộng mãi ra. Sắp xếp đồ đạc trong phòng cho gọn ghẽ là một việc, còn khi các đồ đạc tự chúng tìm lấy chỗ duy nhất dành cho chúng trong cái không gian rộng mở của căn phòng lại là chuyện khác. Đặt chiếc tủ bát đĩa không phải áp tường mà xiên đi một tí, kéo chiếc ti vi ra một chút, chuyển cái bình hoa từ chiếc bàn đầu giường sang đặt giữa chiếc bàn ăn hình ô van, thế là mọi vật khác hẳn. Thay vì chỉ ngăn nắp gọn gàng, bây giờ là đẹp.

Thực tế hàng ngày mang lại cho Naschia những khám phá nho nhỏ, và ông giám đốc lâu lâu đến kiểm tra những căn buồng không người ở, thấy có điều gì đó mà ông không biết gọi tên nó là gì. Ông không nhận thấy một thay đổi nào, hình như mọi thứ vẫn như cũ, nhưng vì một lý do gì đó, mỗi lần ông đến, hình thức của các căn phòng này đem đến cho ông một niềm vui và một cảm giác an toàn ngày càng lớn.

Đối với Naschia, chỉ cần bóng gió rằng những căn phòng này có thể có một tay cha căng chú kiết nào đến ở, đã là một sự báng bổ rồi. Những lời tâm sự của ông giám đốc khiến cô thấy bị xúc phạm. Không ai dám bước qua ngưỡng cửa căn nhà này ngoại trừ đích thân người ấy

Nhưng rồi những ngày, những tuần, những tháng qua đi – vẫn không có ai đến. Một năm qua, rồi một năm nữa nhanh chóng qua đi, và vẫn như trước, những căn phòng vẫn không có ai ở và giá lạnh, vì không có người để sưởi ấm nó. Vẫn như trước, đồ đạc trong phòng  sáng choang chờ đợi. Vẫn như trước chiếc tivi nhìn ra bằng con mắt trắng dã, mù và câm. Những viên bi, đã quên mất cách lăn, dường như mập ra và sưng phồng lên trên nền nỉ xanh như lá mạ của bàn bi-a. Chiếc gương đẹp, trong khung trạm trổ, không soi chiếu khuôn mặt người, ngoại trừ khuôn mặt ngăm đen tai tái của Naschia, với đôi gò má nghiêm khắc và đôi mắt thâm quầng. Không một cái đầu, mụ mị đi vì ngủ, chạm vào  lần hồ mát rượi của những chiếc gối.

Chờ đợi vô ích, những cố gắng hoài phí và vô nghĩa, lòng hăng say nhiệt tình không đi đến một cái gì dần dần sinh ra trong lòng Naschia một nối căm ghét. Cô đã bị lừa dối. Không phải ông giám đốc đã lừa dối cô, cô cần gì quan tâm đến ông ấy? Cô đã bị lừa bởi cái người mà cô đã nóng lòng chờ đợi đến thế.

Nhưng nghĩ về con người mà chờ đợi mãi không đến thì cũng giống như lại tiếp tục chờ đợi, mà Naschia không thể - đúng ra cô không muốn – chờ đợi thêm nữa. Cô không còn chăm sóc mọi vật một cách ân cần, sắp xếp mọi vật đầy nghệ thuật như trước nữa, và Vasili Pêtrôvich có cảm tưởng Naschia đang thực hiện bổn phận của cô một cách chểnh mảng. Ông đưa tay sờ trên nóc tivi và kéo dọc theo tay vịn của ghế bành, nhưng không thấy có hạt bụi nào cả. Ông đặt ngón tay lên mặt kính, và ngón tay ông rin rít trên bề mặt nhẵn thín được rửa sạch và lau khô kỹ lưỡng.

Ông dậm mạnh chân lên những tấm thảm chờ đợi một đám mây bụi bay lên, nhưng vô ích. Không tìm thấy lỗi trong bất cứ việc gì. Nhưng dù sao, vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì đó, và Vasili Pêtrôvich cau mày bực bội.

Trong khi đó, sự khinh bỉ của Naschia đối với vị khách vô hình kia ngày càng tăng, và cuối cùng nó chiếm lĩnh toàn bộ con người cô. Bây giờ đối với cô việc phân cho con người kia những căn buồng rộng thênh thang này, đầy ắp không khí và ánh sáng, được bày biện những đồ đạc tuyệt đẹp, là một sự bất công độc ác.

Một lần Vasili Pêtrôvich về nhà sau khi một mình làm một tua kiểm tra ban đêm. Ông yêu cái thời khắc lúc gần nửa đêm này, khi toàn khu nhà an dưỡng và những khu kế cận đều đã chìm sâu vào giấc ngủ; khi ông thôi không còn cảm thấy những đòi hỏi bất tận, chán ngấy của mọi người; khi ông không còn bị quấy rầy bởi các vị khách, bởi bà y tá trưởng, bác đầu bếp, anh kế toán, người trưởng khu, người làm vườn, những đoàn thanh tra bất thường từ trên Bộ xuống, những cú điện thoại từ các nông trang luôn luôn đòi hỏi một thứ gì đó ở ông; và vợ ông, chẳng biết vì sao, không chịu để lọt vào đầu bà ấy rằng ông chỉ là giám đốc chứ không phải ông chủ của cái nhà an dưỡng này. Thật vậy, cái hạnh phúc giản dị này chỉ họa hoằn lắm mới đến với ông – cái mệt luôn luôn hạ ông đo ván ngay khi vừa xong một ngày làm việc.

Bóng đêm phủ lên vùng xung quanh khu nhà an dưỡng trở nên dịu dàng dưới ánh trăng non xanh nhạt. Trong cái bóng tối xanh mờ này mọi vật dường như thanh nhã hơn, xinh xắn hơn, hài hòa hơn, cần thiết hơn và đẹp hơn – ngay cả những đống tuyết cao ngang đầu người dọc theo các đường phố, ngay cả cái hình đắp thạch cao của một con hươu nhìn ban ngày xấu không chịu nổi, trông như con chó chăn cừu được gắn đôi sừng trên đầu cho thêm ngộ nghĩnh

Ông có thể nghĩ một cách tích cực và yên bình về mọi thứ: về chuyện phần đời khó khăn gian khổ nhất đã ở sau lưng, và rằng từ nay ông có thể chậm rãi đi vào giấc ngủ ngọt ngào trong chiếc giường êm ấm, không sợ bị đánh thức giữa đêm hôm, và chuyện quan hệ giữa người và người đang mạnh lên trong tinh thần hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, về chuyện không còn phải sợ những con người ác tâm, ông có thể cố gắng bằng  cái tâm của mình làm cho cuộc sống trong nhà an dưỡng tốt đẹp hơn, thoải mái hơn, yên bình hơn, hạnh phúc hơn, vâng, cho cả cuộc đời của họ…

Vasili Pêtrôvich đi quanh góc khu nhà an dưỡng và bỗng dưng cứng người lại trên đường, ông hơi lảo đảo và nghểnh cổ sang bên như con ngựa đang phi nước đại vào một hàng rào. Trong các cửa sổ của căn phòng dành riêng không người ở có ánh đèn. Chính xác hơn, có đèn trong phòng giấy, buồng ngủ, buồng bi-a, từ đó vọng ra tiếng các viên bi lắc cắc khô gọn. Trong phòng khách thì tối, nhưng ông nghe thấy có tiếng nhạc vọng ra từ đó, và khi Vasili Pêtrôvich vượt được tình trạng u mê nhất thời, bước lên, thì ông thấy ánh phản chiếu chập chờn trên cửa sổ đối diện của phòng khách và ông hiểu rằng tivi đang được bật.

Một cảm giác lạ lùng chạy qua người Vasili Pêtrôvich. Trong khỏanh khắc ông có ý nghĩ rằng các đồ đạc, chán ngấy tình trạng vô dụng của chúng, đã nổi loạn và bắt đầu cuộc sống độc lập của chính chúng mà không cần sự giúp đỡ của con người: đèn đã bật lên, các viên bi đã lăn trên mặt bàn bi-a bằng nỉ xanh, chiếc tivi đã sống lại để mua vui cho những ghế bành, bàn và sôfa. Tuy nhiên, cái cảm giác hoang dã này mau chóng nhường chỗ cho một cảm giác khác, tỉnh táo hơn nhưng cũng lo lắng hơn: điều đó đã xảy ra! Điều mà ông đã run rẩy chờ đợi hàng nhiều năm, và hầu như đã thôi chờ đợi – đã xảy ra! Vị khách đắc chí, như thể cố ý, đã đến trong lúc giám đốc vắng mặt, giữa lúc không có ai tiếp đón ông ta, và bằng một cách bí mật không ai có thể dò ra, đã tìm ra những căn phòng dành riêng cho ông ta, bước vào mà không có chìa khóa, và, với thẩm quyền của ông chủ, biến cái không gian chết này thành sống động.

Nhưng ý nghĩ ấy chỉ xâm chiếm ý thức của Vasili Pêtrôvich trong khoảnh khắc. Nó bị một nỗi bối rối đẩy bật ra. Không, không thể nào…

Nhón bước trên đầu ngón chân, ông rón rén bước vào vùng tuyết xốp đang tan và lén đến gần cửa sổ.

Ngồi bên tivi, trên màn hình lóe lên những chấm xanh có những đường mảnh xuyên ngang qua, là cô phục vụ Naschia, với đôi bàn tay thô đặt trên đầu gối. Bên phải cô ta, ngồi dựa không thoải mái là con bé Klavka 10 tuổi, con gái của người bảo vệ khu nhà -  Stepan. Bên trái Naschia, đang ngủ mơ ngon lành trên chiếc ghế bành sâu, là thằng em của Klavka. Qua khe hở trên cửa, tắm trong ánh sáng của hai cây đèn chùm, có thể nhìn thấy cha của chúng, đang nhọc nhằn nhoài người trên bàn bi-a, vụng về thọc những trái bi bằng cái đầu nhọn của chiếc gậy chơi bi-a.

Cô ta đã tự tiện, và đã dám vi phạm lệnh cấm! Cô ta đã công khai và ngang ngược bước vào cái thế giới huy hoàng này, cô ta ngang nhiên làm như mình là chủ hợp pháp và đưa cả nhà Stepan vào. Với một cảm giác nôn nao, Vasili Pêtrôvich cảm thấy rằng ông đang chứng kiến một cái gì đó thật tốt đẹp, thật công bằng và vô cùng cần thiết. Nhưng ngay lập tức ông giơ bàn tay ra và với một động tác dứt khoat, ông gõ vào cửa sổ, làm cho kính rung lên.

Và lúc đó Vasili Pêtrôvich gào lên, dọa nạt, dậm chân, tự làm mình mệt nhoài với tiếng la hét của ông. Ông cố sức như thế dường như hy vọng rằng cơn phẫn nộ đáng sợ của ông sẽ đến được tai của chính ông, người mà quyền lực bị vi phạm thô bạo đến thế. Không rõ bản thân ông có nghe thấy không, chứ những kẻ vi phạm kia thì vẫn giả điếc trước cơn thịnh nộ của giám đốc. Tay dắt những đứa trẻ, họ bước qua trước mặt viên giám đốc với vẻ điềm tĩnh đường hoàng và nghiêm túc.

Nhìn những gương mặt bướng bỉnh, gần như đắc thắng của họ, Vasili Pêtrôvich dừng ngay lại và rơi vào im lặng. Ông chú ý đến một cảm giác lạ lùng, mới mẻ chưa hề biết đến đang dâng lên trong ông, thấm đến từng đầu ngón tay ngón chân của ông, một cảm giác ghê tởm bản thân không sao chịu nổi./. 

Hiếu Tân dịch 261009

Yuri Nagibin
Số lần đọc: 1557
Ngày đăng: 31.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Huyền thọai tình yêu - Trần Quang Vinh
Thiếu phụ và đứa con nhỏ - Vinh Anh
Con trâu thần - Trương Hoàng Minh
Quê Mẹ - Lê Hải*
Tiếng hú - Lê Trâm
Cô gái mặc áo blu trắng - Đỗ Ngọc Thạch
Mẹ tôi - Minh Diện
Nước vây - Phùng Văn Khai
Đừng rót trà cho em nữa - Nguyễn Đình Bổn
Kẻ lang thang - Leonid Leonov
Cùng một tác giả