Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
751
116.503.775
 
Trong ngôi nhà ma
Nguyễn Thanh

Lệ thường, sau giờ tan tầm ai về nhà nấy, chỉ còn lại hai người độc thân làm việc và tạm ở luôn trong cơ quan. Đó là một anh họa sĩ tỉnh lẻ Việt Dũng hiện làm Phó phòng thông tin triển lãm. Người thứ hai - chị Sáu Động - từ Ủy ban vật giá chuyển về được cất nhắc Quyền trưởng phòng.

 

Xem như vỏn vẹn có hai hộ - hai người phụ trách cơ quan - tạm nương náu ở đây. Nhưng không, ngoài giờ hành chính còn có thêm cô giáo Mỵ thường xuất hiện lặng lẽ xách cặn cơm mang về cho heo ăn. Đặc biệt ban đêm, trong một không gian tĩnh lặng có thêm ba gương mặt người chết với thần thái thật mơ hồ, trông tựa có, tựa không. Người thứ nhất : Đại úy Há chủ nhân cũ của ngôi nhà hai gian nay biến thành Trụ sở chính của Phòng thông tin triển lãm. Người thứ hai, thứ ba, không ai xa lạ ngoài Út Thảo vợ của Việt Dũng và đứa con gái bé bỏng của anh.

 

Tất cả những con người đó, người sống lẫn người chết, trong quan hệ, sinh hoạt với một thời gian khá dài tại đây khiến ngôi nhà không thoát khỏi tình trạng bị đồn đãi như cũ, trái lại, còn có phần âm ỉ, xáo trộn hơn : Nhà Đại úy Há có ma ! Nhà ma !

 

Tại sao có chuyện kể trên ? Bắt đầu thế nầy : Từ một anh họa sĩ vốn hệch hạc, nhút nhát đột nhiên sau mỗi chiều tan tầm thường hay rời giá vẽ đứng lơ mơ nhìn xuống cánh cửa sắt khép hờ dưới tầng trệt. Đúng là vào lúc nầy, giờ nầy, cô ta đến ! Không từ nhà trong hẻm xế nhà hàng Vĩnh Thịnh tới cũng từ bên trường trên đường về ghé ngang. Việt Dũng đoán thế, tự tin, chờ đợi ...

 

Thật đúng vậy. Chính là Mỵ chứ không ai khác hơn. Mỵ với chiếc xô xanh xách tay lặng lẽ bước chậm chạp từ cửa đi thẳng ra sau sớt một ít nước cặn rồi tự nhiên lẳng lặng xách xô nước cặn ra về.

 

Thoáng chốc, cái dáng thâm thấp, luộm thuộm khi trong bộ bà ba màu cỏ úa, khi màu đen tuyền, màu hoa cà biến mất dưới tầng trệt. Dũng phát hiện Mỵ có mái tóc cắt thật ngắn làm phơi ra sau gáy mảng da thịt trắng mịn màng và một nốt ruồi son nơi đuôi mắt phải.

 

Thật khó mà bắt chuyện với người cùng phố. Nhưng may mắn cho anh, nhà có thêm tiếng phụ nữ - chính là tiếng chị Sáu Động - mới chuyển về, và nhân dịp sửa lại phòng ốc cơ quan, họa hoằn lắm cô giáo mới dám bước rón rén lên gác xép qua lời mời mọc ân cần của Dũng lẫn chị Sáu Động.

 

- Nghe nói trước giải phóng, cô Mỵ thường lui tới chỗ nầy ? - Việt Dũng lên tiếng trước thay lời chào hỏi mào đầu.

 

Mỵ ngồi ngẩng người trên ghế vẻ xa lạ và nghiêm nghị. Cô lạnh lùng hỏi :

 

- Làm sao anh biết ?

 

- Tôi còn biết nhiều chuyện khác xảy ra trong ngôi nhà nầy ...

 

Mỵ cười nhạt. Đôi mắt Mỵ trở nên xa xăm. "Chuyện khác là chuyện gì ?" Mỵ tự hỏi và đoán có lẽ là câu chuyện nghiệt ngã của cha mẹ cô làm Việt Dũng quan tâm. Cô nghĩ thật hiếm có người biết cha cô - ông Năm Sài Gòn - không trốn theo tàu đánh cá ra nước ngoài như tin đồn lâu nay, mà từ ngày rời khỏi gia đình, ông Năm sống phiêu lưu, ngang tàng : Trở về Sài Gònđẩy xe ba gác. Chạy xích-lô. Theo ghe chuyên chở than củi từ Năm Căn về các tỉnh đồng bằng, kể cả đi đãi vàng ở nhiều tỉnh miền Trung ... Không có nghề nào khấm khá cả, nhưng ông cương quyết không trở lại gia đình vì một vết thương lòng khá trầm trọng : Ông chủ không lân la xuống bếp, mà ngược lại cô Mức hầu phòng có một dạo men lên sân thượng lúc đêm, vừa vun tưới những cây sứ trắng vừa để cho Đại úy Há mua vui, ngoạm lấy thân người mềm mại, phốp pháp của mình. Chính anh y tá Xem tận mắt chứng kiến sự việc kể trên và mau mắn thuật lại với Mỵ. Rồi không lâu, tin ấy bay vo ve đến tai ông Năm Sài Gòn ...

 

Chuyện đại để là vậy. Mỵ không thể giấu giếm với Dũng nhưng cô thấy chưa đến lúc phải nói trắng ra. Giọng Mỵ bỗ bã :

 

- Tôi thường đến đây vì hồi gia đình ở Sài Gòn mới chuyển về không có việc làm nên mẹ tôi tự nguyện đi làm cấp dưỡng cho xếp Há. Với lại ...

 

Mỵ ngưng nói, đưa mắt nhìn lên bệ xi-măng cầu thang dẫn từ sân thượng chúi xuống chỗ đặt giá vẽ. Việt Dũng cũng chưa hỏi gì thêm, lơ mơ nhìn về hướng chân cầu thang nham nhở, loang lở.

 

Thường ngày ít ai để ý đến một mảng tường cũ kỹ, tranh tối tranh sáng thế nầy, và vài lần ngôi nhà được quét lên mớ vôi vữa nhưng chẳng một anh thợ xây nào đưa chổi tới. Người ta biết chắc chắn rằng, trước ngày giải phòng, chính gác xép nơi Việt Dũng đang ở giành cho vài binh nhì, binh ba theo bảo vệ Đại úy Há. Đêm đêm, vài anh binh nhì, binh ba lần lượt ngáy ngủ, và chốc chốc lăn trở trên nền gạch, hoặc kêu la thất thanh vì bị ma đè. Vài người lính trẻ ngồi bật dậy, thậm chí đứng sõng lưng bắn "đoành đoành" vào mảng tường mấy phát. Sau giải phóng, một tốp bộ đội vào tiếp quản nhà Đại úy Há, vẫn ở gian gác xép của Việt Dũng, họ đều nằm mơ thấy ma. Nhưng con ma hiện ra rõ ràng hơn, hình thù kỳ dị, gớm ghiếc chính là y tá Xem chồng mới cưới của Mỵ và Đại úy Há chủ nhân cũ của ngôi nhà.

Y tá Xem thường xuất hiện hư hư, thực thực lúc sau nầy vì một lý do đơn giản : Dạo ấy anh tự vẫn bằng cách nhào lộn từ tầng ba theo một khoảng trống cặp kề cầu thang xuống tầng trệt, đầu va thật mạnh xuống nền xi-măng, vỡ ra. Y tá Xem tự vẫn chỉ vì bị Đại úy Há lừa đảo sắp đưa ra mặt trận trong khi Xem nhát hít, nghe tiếng súng sợ hãi đến té ra quần nên phải lo lót làm lính kiểng. Thêm một chủ nhân cũ của ngôi nhà dáng vạm vỡ, đen trại bị xử bắn ngoài sân bóng đá sau ngày giải phóng mấy hôm. Vài anh bộ đội cả quyết chính mình trông thấy Há lò dò về thăm ngôi nhà cũ, sẵn dây trói dính khắn trong một thân cọc gỗ, và cái dáng khuỵu xuống do mấy mươi viên đạn bay vèo tới ghim vào ngực hắn ...

 

- Các anh tệ lắm, đã mười năm rồi còn gì, không sửa, không vá lại được chỗ nầy. Các anh cứ lo chưng diện phía trước, lo cái bề ngoài - Mỵ tự nhiên thốt lên như thể trách móc.

Việt Dũng chống chế :

 

- Cô Mỵ biết không, mới di dời tỉnh lỵ. Với lại, chỗ nầy chỉ hợp với việc mua bán thôi. Ồn quá. Cô thấy không ?

 

Mỵ ngồi nín lặng giờ lâu, đôi mắt to đen nhìn thẳng vào mặt Dũng. Bỗng, cô thốt lên :

 

- Thế anh có sợ ma không ? Ở đâu thì không biết, nhưng tại đây tôi tin có ma.

 

Mỵ tiếp :

 

- Anh có tin đúng như vậy không ?

 

Dũng lắc đầu :

 

- Hoàn toàn không. Điều đó có thể có đối với những người tin dị đoan, những người bị quá nhiều ám ảnh ...

 

Việt Dũng chưa chịu ngưng, càng về sau kéo câu chuyện sâu vào nhiều trường hợp chết chóc thông qua những bức truyền thần của anh. Mỵ lắng nghe với vẻ thờ ơ, xa lạ đến lạnh lùng. Không rõ vì cớ nào ?

           

Việt Dũng một thân một mình cùng với năm bảy anh em làm nghề kẻ vẽ, trang trí lễ hội, chập chững viết tin viết báo dọn về đây ở đã hơn một năm. Dĩ nhiên ngôi nhà cũ kỹ luôn bị đè nặng bởi tiếng tạp âm đã qua tay ba bốn hộ tập thể khác. Không có Trưởng phòng, ngoài Việt Dũng gánh công việc quản lý nay có thêm chị Sáu Động không nghề nghổng mới chuyển về.

 

Theo Việt Dũng, lâu nay dường như chị Sáu được bố trí không đúng chỗ nhiều lần, cứ tàm tạm ngoài tầm tay của chị. Nhưng thực ra anh nghĩ cũng rất khó đặt chị vào vị trí công tác, kể cả tước đi chức danh tương đương vì chị có thành tích : đi Thanh niên xung phong từ năm mười sáu tuổi, lội lặn vận chuyển vũ khí, lương thực khắp Tây Nam Bộ, nhiều lần cầm súng đối mặt với kẻ thù ... Ưu điểm đã choáng hết quãng đời chiến đấu của chị, duy chỉ một sơ xuất nhỏ không cài cửa phòng trước khi ngủ làm chị áy náy, ngượng ngập đến lấy làm xấu hổ. Đó là một đêm chỉ một mình chị với anh bộ đội trên đường về phép ngủ trọ trong một kho lương thực do chị quản lý ở đầu lung Cây Mít ven rừng U Minh Hạ. Lần đầu tiên chị nếm mùi đàn ông, và trọn vẹn môt đêm chị căng sức với khao khát bị dồn nén, với khoái cảm tình dục chưa từng nếm trải để đổi lấy điều mà chị không lường trước được : Chị có con, và không bao lâu, con chị bị bịnh chết. Vẫn ở trong gian nhà kho đầu lung Cây Mít ven rừng U Minh Hạ, chị chịu đựng, chờ đợi. Còn anh bộ đội qua đêm ngủ trọ đi biệt tăm biệt tích đến nay.

 

Chị Sáu không đi bước nữa. Đuôi tóc vẫn để dài đến thắt lưng, khi kẹp, khi xõa ra không khác gì lúc chị còn đi Thanh niên xung phong. Tuy ngoài ba mươi tuổi nhưng trông chị còn rất trẻ, hồn nhiên, sôi nổi, và tuồng như chị không biết buồn. Đặc biệt, chị Sáu ham học, ham đọc, tập lý giải cách viết một bản tin, cách trang trí lễ hội, cách trưng bày ... Lĩnh vực nào chị cũng biết ba mứa, nhưng thực ra, chị chưa làm được một công việc cụ thể nào có hiệu quả.

 

- Cậu Dũng nè ... À quên, anh Dũng - Chị tự nhiên tới gần giá vẽ và lên tiếng. Dũng chỉ cười. Chị tiếp - Anh Dũng có tài tằn mằn tẳn mẳn trên gương mặt người ta. Phải lên đồng bộ chứ. Có mặt, có mũi phải có tay, có chân. Nếu như tôi nhờ họa chân dung chồng tôi mà chỉ thấy mỗi gương mặt thôi ắt sẽ phát hoảng hồn hoảng vía.

 

Nói xong, không chờ Dũng dừng tay trả lời, chị Sáu biến mất vào phòng riêng.

Không phải xa xắc gì cho cam, Dũng trên gác xép, chị Sáu nghỉ dưới tầng trệt. Dĩ nhiên không đêm nào trước khi đi ngủ chị Sáu quên cài cửa. Và khi cánh cửa ván long lơ kéo sầm sập chắn kín cửa buồng, chị mở quạt máy rồi vùng ra khỏi bộ đồ ngủ bó sát thân thể chị. Đến chiếc áo nịt ngực cũng phải sút sổ ra để chị hứng hết ngọn gió từ chiếc quạt bàn đang xoay tít. Chị nằm im giờ lâu, rất thoải mái, đôi chân trần duỗi thẳng, mặt ngửa lên mảng tường xam xám ngăn cách giữa gác xép củaViệt Dũng và phòng chị. Nhiều lần chị nửa mơ nửa tỉnh định lên tiếng khuyên Dũng nên đi ngủ sớm nhưng chị nén lại được. Khi đó, Dũng với chiếc kiếng lúp lồi ra một bên mắt, cứ hếch mũi hếch mắt vào những bức truyền thần.

 

Nghề tay trái của Việt Dũng chính là việc nầy. Phần lớn anh vẽ chân dung của những người hy sinh trong chiến đấu. Cứ ngày nầy sang ngày khác, vây quanh người họa sĩ là những vụ việc bi thảm ấy : Chết chóc - nghiệt ngã. Cộng thêm ngôi nhà bị tai tiếng không lành với mảng tường loang lở vết đạn khiến Việt Dũng bị ám ảnh thực sự. Dũng nằm mơ thấy ma : một viên Đại úy ngụy trở về thăm ngôi nhà cũ. Chính hắn, lụ khụ, vạm vỡ y hệch lúc hắn trấn giữ đồn Tắc Thủ, lúc hắn biết đưa tay nhón bẻ vài đọt vừng non mọc xon xen trong lá dừa nước mang về cho bà mẹ vợ thứ ba cặp với bánh xèo ...

 

Việt Dũng lần nào cũng cố vùng ra khỏi giấc chiêm bao, mệt lã. Rồi sau đó anh im ỉm, chịu đựng, không hé một lời với chị Sáu Động đang nằm ngáy khe khẽ hoặc lăn trở ngay phía dưới chỗ Dũng nằm. Anh đang bị khuấy lên vết đau cũ - một câu chuyện bi thảm của gia đình - có dính đến Đại úy Há mà hầu hết cư dân ven sông Ông Đốc đều biết đến.

 

Chuyện kể rằng : "... Và có một ngày, mặt trời mới lên đến đỉnh đầu, Đại đội Bảo an 9B4 của Đại úy Há từ vàm Tắc Thủ men theo triền sông về phía biển tới xóm nhà của Việt Dũng. Cuộc hành quân của Đại đội 9B4 không thần tốc, không nổ súng ầm ào - chính là một cánh quân chìm - dĩ nhiên có một tốp lính lộ diện - một cánh quân nổi - bên kia sông lớn. Cả xóm Việt Dũng mắc nghẽn trong vòng vây của Đại đội 9B4. Việt Dũng không chạy thoát kịp. Đúng là dịp ấy anh về thăm nhà phụ giúp vợ gặt lúa. Không một khúc sắt cầm tay, Việt Dũng dìu vợ con ra tới hầm tránh đạn dưới tán một cây cách sau mí vườn rồi một mình vượt qua cánh đồng trống trải. Vợ anh - chị Út Thảo - mới vừa ngoi dưới lung vớt chưa hết mớ lúa bó do xuồng bị chìm, chưa kịp cho con bú phải xốc con chạy ra hầm ẩn náu.

 

Vừa giằn nhẹ đứa con gái đang chúi mặt vào bộ ngực căng cứng của mình, chị Thảo vừa nhóng khỏi miệng hầm để dõi mắt theo chồng đang băng tới bờ trâm bầu sau hậu xóm. Anh đang chạy tới, nhưng mặt cứ ngoảnh lại nhìn mẹ con chị.

 

Tới bờ trâm bầu, anh nắp dưới con lung rậm đầy bông súng nhìn sang cây cách bên nầy. Đại úy Há đang xuất hiện nhớn nhác chỗ nầy. Chính là hắn, cao lớn,lụ khụ, cầm trên tay một cái bao rỗng - loại bao ni-lông chứa cát lắp công sự dã chiến - Và cũng chính hắn trút một vật gì từ trong cái bao tải xuống hầm. Việt Dũng chỉ thấy thế, và lúc bấy giờ, anh hoàn toàn không biết con rắn hổ mang từ trong bao ni-lông chui xuống hầm của hai mẹ con Út Thảo. Rồi một thoáng sau, cánh quân chìm biến thành cánh quân nổi. Cây cách già trên miệng hầm tránh đạn bắt đầu rung chuyển qua những tràng đạn kéo dài. Và trên mặt đất, tiếng đạn xít xé không ngơi nghỉ. Người đàn bà sợ hãi đưa con lên nằm trên bụng mình. Chị choãi tay vào một vách hầm chịu đựng, còn tay kia ghì chặt đầu đứa bé để nó không trồi ngược lên khỏi miệng hầm. Đứa bé gái với đôi môi tái nhợt, run lẩy bẩy như thể lúc bị người ta nhét vào mũi, vào cuống bao tử một cọng dây ni-lông lúc nó mắc phải một cơn tai biến mạch máu não cách nay không lâu. Người đàn bà cắn môi đến ứa máu. Ngực chị thấm ướt những giọt sữa trong bầu vú căng cứng mà con chị nãy giờ chưa kịp bú. Chân chị đến lúc nhức nhối lạ lùng vì những vết răng sắc nhọn của con rắn hổ mang. Mắt chị hoa lên. Chị bị choáng váng trong khi một vật đen bóng, trơn nhớt phùng mang ngật ngưởng trên bụng chị. Con rắn với những khoen vàng rực nơi cổ vẫn ngật ngưởng trước mặt chị. Chị chống đỡ đến kiệt sức để con chị được sống. Nhưng đau đớn thay, chị không hề biết. Ít phút sau, con bé gái nhắm mắt theo mẹ.

Không có lý do nào khác dẫn đến thảm kịch nầy ngoài lý do xóm nhỏ ươn ngạnh, chứa chấp "Việt Công" - "Việt Công" mới chạy thoát về phía bờ trâm bầu kia !"

 

Đó chính là một chiến công đặc biệt của Đại úy Há, của Đại đội lính Bảo an 9B4 đã giết người đến số nghìn trong một cuộc hành quân lùng sục, giết chóc lần cuối cùng trước khi Há bị đưa ra xử bắn.

 

- Nhà ma ! Nhà có ma ... Anh Dũng ơi !...

 

Cho đến nay, không chỉ việc vịn vào sự đồn đãi chung chung nữa, đó chính là lời hốt hoảng thốt ra từ miệng chị Sáu Động vào lúc quá nửa đêm. Chị Sáu từ dưới tầng trệt hớt hãi chạy lên gác xép và tự nhiên ngồi khuỵu xuống bộ sa-lông đặt kề bên giá vẽ. Tóc chị xõa dài, rối tung. Đôi môi xanh tái và toàn thân chị run lên bần bật. Chập lâu sau thoáng hiện trên gương mặt chị một chút áy náy, vụng về vì chị quên không gài hai nút áo cổ và không mặc áo nịt ngực khiến bộ ngực chị thêm tròn căng, hơi trễ xuống trước mặt người đàn ông.

Để lấy lại tự nhiên, chị lên tiếng trước :

 

- Anh Dũng ! Tôi thấy ma thật đó nghe. Ông chồng tôi chứ không ai khác đâu. Như vậy là ổng chết thiệt, không phản bội như tôi nghĩ. Ổng biến thành ma ...

 

Việt Dũng chưa hết ngạc nhiên, chen hỏi :

 

- Có đúng vậy không, chị Sáu ? Chị có nhầm ai đó không ?

 

- Dứt khoát, không ! - Chị Sáu lắc đầu, khăng khăng - Rõ là chồng tôi khác xa ông Há. Người ta nói ông Há thường về nhà cũ mang theo cọc gỗ, còn đằng nầy ông chồng tôi mặc đồ bộ đội màu xanh lá cây, áo hai túi nắp. Giống y như đêm đến ngủ trọ ở nhà kho đầu lung Cây Mít, lặng lẽ, nghiêm nghiêm, nói ậm ờ mấy tiếng chuyện rồi bỏ đi ngủ. Mà tôi quên, lúc chiêm bao, tôi không hỏi địa chỉ của ổng. Một lần nữa ...

 

Chị Sáu chưa nói dứt, Việt Dũng chen hỏi :

 

- Vậy lúc ở lung Cây Mít, chị không hỏi địa chỉ của anh ?

 

Đương nhiên, chị Sáu như con chim bị trúng đạn, ngẩng cao lên, môi tái nhợt.

 

- Không. Thế mới chết ! - Chị thốt lên vẻ đau đớn.

 

Việt Dũng khéo tránh cái nhìn sắc lạnh cũa chị. Anh nghe trong lòng đang cồn lên nỗi đau qua câu chuyện đời tư không lấy gì làm vui vẻ của một người đàn bà cùng chung cơ quan. Anh soát lại trong óc thêm lần nữa : Anh chỉ biết thương, biết quí chị !

 

Chị Sáu đoán biết được điều đó. Chắc chắn Mỵ làm cho chị hụt hẫng ! Chị nghĩ. Và không chịu đựng nổi sự im lặng kéo dài giữa một đêm thật sâu thế nầy khiến chị đứng phắt dậy rồi lật đật bước theo thang gác trở xuống phòng mình.

 

Đêm hôm ấy chị Sáu Động thức. Dũng thức ...

 

Sáng sớm hôm sau chị Sáu theo "Thuyền văn hóa" xuống huyện, không hẹn với Dũng ngày chị về. Ngôi nhà hai gian rộng thênh ngoài giờ hành chính giờ đây chỉ một mình Việt Dũng. Anh đang trong một trạng thái không bình thường : Vừa bùi ngùi trước sự ra đi lặng lẽ của chị Sáu vừa nao nao chờ Mỵ đến giữa lúc nầy.

 

Nhưng mấy ngày liền Mỵ không đến. Thùng nước cặn được Việt Dũng mang đổ đi và anh bắt đầu gom nhặt thức ăn thừa khác thay thế. Không có là bao nhiêu nếu chỉ hai phần cơm cặn của hai hộ độc thân nay chỉ còn một hộ.

 

Mỵ xuất hiện không như thường lệ. Cô đến không gặp Dũng liền vội vã ra về sau khi sớt một ít nước cặn cơm và để lại trong hộc bàn của Dũng một tấm giấy nhỏ.

 

"Em đến lúc 12 giờ. Trưa trờ trưa trật thế nầy mà anh đi đâu ? Bếp núc vắng tanh, vắng ngắt !

Mấy hôm nay em không tới vì má bịnh. Cũng tại ba. Ông già bị té xe đi nằm bệnh viện chứ không thèm về nhà. Thật khổ cho em và cho má ...

 

Em ..."

 

Hôm sau :

 

"Cơm canh, em nấu xong cất trong tủ. Em bận việc phải về, không đợi anh nổi nữa đâu !

 

Em ..."

 

Và hôm sau nữa ...

 

Mỵ đến và đi lặng lẽ. Mỗi lần đi đâu đó trở về gian gác xép không gặp Mỵ, Dũng cũng nhận được mấy dòng chữ Mỵ để lại - Vẫn chỗ cũ - một ngăn kéo cuối cùng của hộc bàn - Dũng xem xong, xếp những tấm giấy khổ nhỏ thành xấp dày. Dày hơn quyển sổ tay, ấy thế, giữa anh và Mỵ vẫn còn một khoảng cách quá lớn.

 

Riêng với Dũng, mỗi lần săm soi đọc những dòng ngắn ngủi của Mỵ với nét chữ tròn, chi ít anh như bị cuốn hút vào giá vẽ. Khung cửa sổ đặt sai chỗ nằm trên cao quá, mở toang. Ngoài kia, mây trắng trôi qua cuồn cuộn, và nắng cực kỳ đẹp xuyên vào gác xép thành những tia sáng trắng xòe ra hình nan quạt.

 

Vẫn tính nào tật ấy ! Làm hết mình. Chơi mút mùa. Việt Dũng cặm cụi lôi ra từ trong những ngăn kéo một vài ký họa. Anh lần lượt gom về hết những ký họa của anh gởi rải rác ở nhiều nơi. Phần lớn là những bức vẽ tháo trong chiến tranh, ngổn ngang chất liệu dọc đường kháng chiến nhắc nhủ, thôi thúc người họa sĩ.

 

Bay giờ, anh tha hồ nhìn ngắm tấm phông bố căng ra trước mặt. Thời gian anh đứng ngắm nghía, mặt anh ngây dại, đờ đẫn chiếm nhiều thời gian hơn lúc anh cầm cọ vẽ. Bất chợt, một đường viền thật nhạt, sắc sảo hiện lên phông bố với những mảng màu tương phảng rõ dần, đến một mái tóc bom-bê của một đứa bé gái hiện rõ nét trong con ngươi của mắt. Tay anh run lên, đầu hơi niểng sang bên trái, tóc rũ hết về phía trái, còn gương mặt anh ngày càng trắng bệch, đờ đẫn khác thường.

 

Quyền trưởng phòng xuất hiện.

Chị Sáu nghiêm nghị, lịch sự : Quần tây. Áo sơ mi trắng ngắn tay. Mấy ngón tay thô thô không đeo nhẫn. Không hoa tai như thường ngày. Mái tóc chị xõa dài và đôi mắt to đen tinh nghịch không nhìn những bức sơn dầu mà len lén nhìn người họa sĩ.

 

- Mai anh Dũng đi họp - Vừa nói, chị ngửa trên tay hai bức thư mời họp, lại tiếp - Khổ nỗi một ngày đến hai cuộc họp. Tôi họp ở huyện, còn anh Dũng họp ở Sở.

 

Việt Dũng buồn thiu :

 

- Nhờ chị bố trí người khác. Tôi lỡ tay ...

 

Đôi mắt to đen, tinh nghịch của chị Sáu đang săm soi mọi diễn biến của người cùng chung cơ quan hay lười họp hành. Chị hiểu Dũng, chiều Dũng chứ không hề trách cứ. Chị nói :

 

- Công việc sao cứ dồn ... Cái nào cũng mới, cũng lạ ...

 

Dũng vô tư :

 

- Thường thì xay lúa khỏi phải bồng em. Chị cố choàng cho anh em càng tốt. Thật mà ...

 

- Thật ? - Chị Sáu bỗng nhiên gằn giọng. Đôi mắt to đen, tinh nghịch quay nhìn ra cửa. Chị tiếp - Vậy mà lâu nay anh Dũng sợ tôi chệch hướng đi. Để đạt mục đích cuối cùng, tôi có cái của tôi chớ anh.

 

Chị Sáu ngưng một lát lại tự nhiên kê ra hết công việc then chốt của Phòng trong năm. Lĩnh vực nào chị cũng với tới được, nói được, dĩ nhiên chị đi vào khá sâu những chuyến đi hoạt động của "Thuyền văn hóa". Chị khá độc đáo ở điểm nầy. Chị sốt sắng nhảy vào nhiều lĩnh vực nhỏ, nhưng buồn thay, dường như chị không làm được gì. Giống như con trăn đau răng vờn con mồi sống : trườn lượn, phóng đại vào ván, vào lưới kẽm, gập mình lại, quấn xiết, nhưng cuối cùng phải tháo tấm thân dài thậm thượt, run rẩy vuột khỏi con mồi đã chết.

 

Vì lẽ đó đôi khi chị mặc cảm, chịu đựng. Không ai lấy làm lạ cả, là vì sự đời đâu phải có duy nhất một mình chị biết uốn mình, mềm mỏng, nhẫn nhịn và dũng cảm nữa !

 

Chị trở lại câu chuyện lúc nãy với Dũng. Chị vẫn giữ được giọng ôn tồn :

 

- Cơ quan có hai người lãnh đạo, vậy theo anh, ai đi họp cuộc nầy ?

 

Dũng ngồi ngắc ngứ. Chốc lâu sau anh sốt sắng gần như tự nguyện :

 

- Không có ai thay thì chịu thôi. Tôi đi ...

 

Nói xong, người họa sĩ trở lại trạng thái thờ ơ, lạnh lùng. Anh bước chậm chạp đến giá vẽ, đầu ngẩng tới, tự tin. Lúc quay lại, anh không thấy chị Sáu ngồi đấy nữa, chỉ còn vương vương mùi nước hoa ngan ngát, dễ chịu. Anh đứng sững giờ lâu, thoáng trên gương mặt xương xương một chút hối tiếc, bối rối.

 

Thêm một tờ giấy trắng rớt trong hộc bàn làm việc của người họa sĩ. Giấy dính một ít bụi phấn, chứng tỏ cô giáo từ lớp học trên đường về ghé qua. Dũng đoán.

 

"Em đến lúc 5 giờ. Nhân quá giang xe chị Sáu Động, em mang máy đánh chữ trả anh. Anh đi đâu mất hoài ? Cơm canh, em để trong tủ. Cá kho hơi lạt, anh thêm nước mắm vào. Nhớ uống thuốc để trên bàn. Hai hôm nữa, giờ nầy, em đến. Em ..."

 

Và đúng hai hôm, Mỵ đến.

 

Dũng dự phiên họp cuối kéo dài ba ngày, khi về tới Trụ sở anh chỉ nhận được một tờ giấy trắng rớt trong hộc bàn. Khác hơn nhiều lần trước, lần nầy là một bức thư hẳn hoi, dài dòng, nghiêm túc.

 

"Thế mà anh vẫn đi ...

Anh nhớ đừng nhìn em lâu đến phát sợ như vậy. Em có gì đặc biệt đâu. Cũng đừng nên vẽ em nữa. Người đàn bà trong tranh giống em quá. Ai cũng bảo vậy. Chị Sáu Động thỏ thẻ, đồng tình. Vậy mà anh nói dối anh vẽ chị Thảo vợ anh.

 

Em không tin điều đó, và vì lẽ đó, em can anh đừng vẽ em. Hoàn cảnh em khác xa chị Thảo của anh. Càng cách biệt với chị Sáu Động. Em chưa có con, chưa biết nỗi đau làm mẹ. Vả lại, số em hẩm hiu hãy còn chán ngán quá. Hẹn gặp lại anh. Em ..."

 

Việt Dũng không làm theo lời khuyên của Mỵ, anh bị cuốn hút vào những bức tranh sơn dầu. Trên tấm phông bố trải rộng, anh hí hoáy, nắn nót từng nét cọ trên mái tóc ngắn xổ tung của người thiếu phụ, lên mặt, lêm mũi và kể cả đôi tay mũm mĩm, buông thõng của đứa bé gái trên tay người mẹ trẻ ... Tất cả hiện lên trên một mảng màu đỏ bầm - một buổi hoàng hôn không bình thường trên đồng nội, trong bối cảnh nghiệt ngã của chiến tranh đang lan rộng trên xóm làng miền Nam.

 

Việt Dũng ngừng lại ngắm nghía bức tranh, đi đi lại lại trên gác xép.

Mỵ đến.

 

Thật bất ngờ đối với Việt Dũng, là vì không theo lệ thường, Mỵ đến lúc gần nửa đêm khi hai gian nhà rộng thênh chỉ còn một mình Việt Dũng. Anh trấn tĩnh và đến lúc anh ngỡ ra cửa chỉ khép hờ từ lúc chập tối chờ chị Sáu Động từ huyện trở về.

 

Mỵ tự nhiên khác lạ hơn nhiều lần trước tới đây : Mái tóc ngắn suông sẻ hơi bùng ra phía trước trán, hiện rõ một mảng da thịt trắng mịn sau gáy. Cộng với một thân người đầy đặn, mềm mại trong bộ đồ trắng muốt giống cô Mức hồn nhiên, tươi tắn trước đây mà nhiều lần anh được nghe kể.

 

Mỵ rất tự nhiên vì cô sục sạo, thu dọn những thứ Dũng bày biện sau chỗ nấu ăn. Việt Dũng vẫn chưa hết lúng túng.

 

- Đừng nhìn em như vậy, anh ! - Mỵ nhắc khẽ trong lúc  đứng đối diện sát bên Dũng trong phòng.

 

- Anh không phải là ma, sợ gì ! - Dũng nói lắp bắp trong hơi thở dồn không bình thường. Và không rõ điều gì xui khiến, Dũng đưa mấy ngón tay bấm riết sau gáy Mỵ.

Mỵ để yên trong mùi sơn dầu, mùi nước hoa sực nức

 

Và cả hai phút chốc nhập nhòa, cuồn cuộn trong gian phòng nhỏ hẹp bõ ngõ. Im lặng mấy phút. Bỗng có tiếng người hốt hoảng từ dưới tầng trệt vọng lên : "Anh Dũng ơi, nhà có ma. Nhà ma !" Không những chỉ có tiếng kêu thất thanh, cả hai người ngồi trong gian phòng tranh tối tranh sáng nghe rõ mồn một tiếng thang gác chuyển động đan xen với tiếng chân người dẫn lên tới cửa phòng rồi vội vã quay trở xuống tầng trệt !

Tất cả những cái đó diễn ra rất nhanh như một cơn gió ...

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 3293
Ngày đăng: 21.10.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Làm má đâu có dể - Nguyễn Ngọc Tư
Chờ đò - Nguyễn Thanh
Đau gì như thể - Nguyễn Ngọc Tư
Lời nhắn - Nguyễn Ngọc Tư
Cô dừa xiêm đa cảm - Kim Ba
Lão cua kình - Kim Ba
Nắng xuân - Kim Ba
Tiếng hát trên bãi hoang - Kim Ba
Dấu hỏi lặng - Nguyên Tùng
Nghiệp dĩ - Trương Hoàng Minh
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)