Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
698
115.983.734
 
Quyết định cuối cùng
Mang Viên Long

Cô bạn văn ỏ Bến Tre"( từ năm 71-72)-vừa gởi cho tôi 1 bản thảo tay-truyện ngắn " Quyết Định Cuối

Cùng".-mà tôi đã gởi cho :" cô ấy đọc chơi/giữ giùm".! Đã 38 năm qua-không ngờ cô ấy vẫn nặng lòng cất giữ./nay gởi cho lại! Tôi rất ngạc nhiên/ cảm kích! Trong đầu tôi-không đã không còn nhớ-vào năm

ây-71-tôi đã viết như vậy! Đây là một " vấn nạn muôn thuở về tình yêu "! TÔI ĐÃ CHỌN CÁCH THỂ HIÊN MỚI-giữa kịch/truyện-để viết về những đề tài tương đối gay go này! Có lẽ, tôi sẽ tiếp tục chọn cách viết ấy-ít nhất cho 1 tập truyện sau này! MVL

 

 

Ông  gìa, râu tóc bạc, nhưng da dẻ hồng hào, mắt sáng, có dáng  vẻ nghiêm trang nhưng linh hoạt, hơi vui tính. Nói tóm, đó là một ông già từng trải, có kiến thức, và đời sống tương đối thong dong, dư dật. Ông ta nằm lim dim trên ghế xích đu. Căn phòng vắng, bày biện ngăn nắp, cẩn trọng, như bất kỳ một căn phòng khách ấm cúng, sang trọng của những ông già đang an hưởng quãng cuối của cuộc đời. Vào lúc một giờ chiều…

Thanh niên: (là một nghệ sĩ – đẩy nhẹ cửa, bước vào. Do dự một lát, anh ta gọi, giọng ngập ngừng): -Thưa cụ, thưa cụ…

Ông già (ngồi bật dậy, tỉnh táo, mỉm cười, giọng niềm nở): -À, ông bạn trẻ, thế nào ?

Thanh niên (lãng tránh):  -Tôi tưởng cụ ngủ say.

Ông già (lơ đãng):          -Ồ, tuổi già dễ gì ngủ được. Nằm suốt ngày nhưng kiếm một giấc ngủ khó lắm.

Thanh niên (kéo ghế ngồi đối diện): -Thưa cụ, lâu nay nàng có đến thăm cụ không?

Ông già (mắt sáng hẳn. Gương mặt ông linh động bất chợt): -Có, rất thường. cô ta mới đến lúc sáng. Sao ?

Thanh niên (lo lắng): -Ồ, may quá !

Ông già (đang pha trà, dừng tay một chút, liếc nhìn thực chậm lên mặt gã thanh niên): -Cậu mới nói cái gì may quá ?

Thanh niên (thở nhẹ): -Dạ không. Tôi nghĩ sẽ được biết tin tức mới nhất của nàng. Tôi tới thăm cụ vì quá nhớ nàng. Cụ hiểu…

Ông già (giọng hơi bất bình): -Tôi không hiểu. Sao cậu quá nhớ cô ta mà lại tìm tới tôi? -Tôi có phải cô ta đâu ?

(Im lặng một quãng)

Ông già (đã rót đầy hai tách nước trà bốc khói, nói ôn tồn): -Để tôi nhắc cái địa chỉ của cô ta cho cậu nhé: Số 57, đường Lý Thánh Tôn. ..

Thanh niên (như sực tỉnh): -À, tôi nhớ, thưa cụ. Thỉnh thoảng tôi vẫn thường đi ngang qua đường ấy, căn nhà có bờ tường cao, mái ngói nhà tiền chế hình tứ giác, có cây hoa sứ ở góc sân, mùa này hoa đang nở trắng…

-Ông già (vuốt nhẹ bộ râu, cười nhẹ nhàng sau một hớp trà) : -Vậy là cậu biết rõ hơn tôi. Tôi chỉ biết cái số nhà, chưa thấy ngôi nhà ra sao. Cậu biết là tôi không muốn ra đường. Này (ông ta ngước mặt lên), sao cậu không vào đó thăm cô ta, chắc cậu dư biết cô ta đang yêu cậu say đắm, và chờ cậu tới bấm chuông rồi mà?

Thanh niên (chưa hết vẻ ngơ ngác, buồn bã. Đầu cúi nhìn mặt bàn, tách trà đang bốc khói): -Tôi biết. Nàng rất mực yêu tôi. Nàng đã viết cho tôi những lá thư nồng nàn nhất của đời người, nhưng thưa cụ…

Ông già (ngửng mặt nhìn):  - Sao ?

Thanh niên (băn khoăn): -Thưa cụ, tôi cũng không hiểu sao, tôi không thể tới thăm nàng được. Mấy lần định bấm chuông, tôi lại bỏ đi. Giá tôi chỉ ấn nhẹ vào cái nút nhựa trắng ấy một chút, tôi đã gặp nàng rồi. Cuộc đời tôi đã đổi khác từ lâu chứ không như bây giờ. (giọng xa vắng) Phải, mọi sự sẽ thay đổi nếu tôi ấn ngón tay vào cái nút chuông …

Ông già (mơ màng): -Cậu đã làm vậy mấy lần?

Thanh niên:       -Thưa , không biết mấy lần mà tính.

Ông già (hỏi nhanh, giọng ngắn, gọn): - Trong vòng mấy năm nay ?

Thanh niên (chờ đợi): - Dạ phải.

Ông già (nói một mình): - Lạ nhỉ ? Tôi tưởng yêu thương như vậy mấy người gặp gỡ nhau, hạnh phúc lắm mới phải. Tôi thực sự không hiểu gì hết. À, Này, cậu nói thật lý do tại sao cậu không tới gặp nàng cho tôi rõ coi nào. Sao có chuyện lạ đời vậy ?

Thanh niên (suy nghĩ) : -Câu trả lời giản dị, nhưng đó là cả một sự đau xót. Cụ có nghĩ là tôi sợ hãi nàng ? (tự vấn) Phải, tôi sợ nàng thật …

Ông già (giọng to hơn) : - Sợ hãi nàng ? Cậu nói vì cậu sợ cô ta à ? (ông ta cười lớn) cô ta trẻ, đẹp, có học, con nhà khá giả, những cái đó tôi tưởng nàng xứng với cậu, đâu có phải để cho cậu sợ ? Theo tôi, cậu hãy nên hãnh diện vì được cô ta yêu, theo đuổi. Ở giữa mà nói, tôi thấy cô ta yêu thương cậu quá chừng rồi. Hồi nhỏ, vợ tôi đâu có yêu tôi tới nước đó ?

Thanh niên (gương mặt khổ sở): - Nhưng tôi cũng đã yêu nàng rất mực. Tôi vừa viết cho nàng một lá thư dài hai mươi chín trang đánh máy, suốt một đêm, tôi vừa từ nhà bưu điện ghé lại đây.

Ông già (trở lại giọng bình thường): - Tôi cũng biết vậy.

Thanh niên : - Tôi cũng vừa viết xong một cái truyện, nàng là một nhân vật chính, được nói tới như một ước mơ tuyệt vời. Để rồi nay mai tôi sẽ mang tới cho cụ đọc . Ồ, thật là một truyện tuyệt vời.

Ông già : - Tôi cũng biết vậy.

Thanh niên (say sưa) : - Tôi cũng đã làm thơ trở lại. Từ ngày yêu nàng, tôi làm thơ thật nhiều, tôi vừa gửi cho nàng bài “Yêu Người Như Yêu Mây Bay”.

Ông già : - Tôi cũng biết vậy.

Thanh niên (sực nhớ) – À, chút nữa tôi quên nói chuyện này với cụ : Sáng nay tôi có được thư nàng, nàng gửi tặng tôi một tấm ảnh, và một cành hoa ép khô.

Ông già (giọng trầm, buồn) : - Tôi cũng biết vậy, nhưng tôi không hiểu tại sao cậu lại không muốn gặp cô ta. Hai người sẽ là một cặp vợ chồng hạnh phúc nhất, tôi nghĩ vậy.

Thanh niên (giọng đột ngột rắn rỏi): -Cụ nghĩ vậy, nhiều người cũng đã nghĩ vậy, nhưng sự thực không như vậy được. Nếu thực tế giống như những gì chúng ta nghĩ, thì tôi đã gặp nàng, cầu hôn, và đã sống chung từ mấy năm nay. Cụ đã sống gần hết một đời người, hẳn cụ cũng rõ được nỗi đau xót của sự chung đụng của mộng và thực.

Ông gìa (tiếp tục uống nước trà) : - Tôi biết, nhưng tôi không hiểu cậu muốn nói gì, hay là tôi không thể hiểu được ? (ưu tư) mộng và thực? Mộng và… (đăm chiêu).

Thanh niên (bật quẹt đốt thuốc) :- Để tôi mang cái truyện vừa nói với cụ cho cụ đọc, chắc cụ sẽ hiểu rõ hơn. Có nhiều điều tôi không quen diễn tả bằng lời nói. Đàn bà, ồ, tâm hồn họ là một khối mộng, nhưng đời sống họ chỉ là những con số.

Ông già (mỉm cười, mắt sáng) : - Được rồi, tôi chờ, đừng để tôi chết trước khi tôi hiểu cậu.

Thanh niên (sung sướng) : - Chắc không đến nỗi vậy đâu. Nhưng có điều dầu cụ hiểu tôi, cụ cũng bất lực. Bao thế kỷ nay, người ta đã bất lực. Tôi nghĩ, cho tới trọn kiếp, đến ngày quả đất tan, người ta cũng không sao đổi thay được người đàn bà. Đó là nguyên nhân của sự đau khổ, cụ có bao giờ nghĩ vậy chưa?

Ông già (gật gù): - Được rồi, cậu để tôi hiểu cậu cái đã. Cậu có vẻ bi quan sớm quá. Tuổi của cậu đâu phải để nản chán. Tuổi trẻ cuả tôi ghê gớm lắm. Hồi tôi còn trẻ …

Thanh niên (đứng dậy, vẻ vội vã) : - Thôi, tôi xin chào cụ, ngày mai tôi sẽ tới thăm cụ lại… Tôi lại phải tới nhà in ngay bây giờ, đã trễ hẹn hết nửa giờ…

Ông già (cười cười) : - Bao giờ cũng thấy cậu bộn rộn, gấp gáp. Hình như mấy ông trai trẻ bây giờ không lúc nào được yên…

Thanh niên (tiến ra phía cửa): -Thực vậy, cụ à. Tuổi trẻ bây giờ khốn đốn lắm !

Ông già (đưa người thanh niên ra về) : - Tôi cũng biết vậy.

 

 

Khung cảnh cũ. Ông già đang nằm lim dim trên ghế xích đu.

Bây giờ đã năm giờ chiều. Thiếu nữ dừng lại trước cửa …

Thiếu nữ (rụt rè đẩy của bước vào. Cô ta dừng lại, vẻ phân vân. Lát sau, cô lên tiếng gọi): -Thưa cụ, thưa cụ…

Ông già (ngồi bật dậy, dáng khoan khoái): - Ồ, cô bạn trẻ, thế nào ?

Thiếu nữ (cười ngập ngừng, áy náy) : - Tôi tưởng cụ ngủ. Tôi làm phiền cụ nhiều quá…

Ông già (ngồi vào ghế): - Có gì mà phiền ?. Tôi cần được nói chuyện hơn ngủ. Tuổi già không cần ngủ nghê gì bao nhiêu.

(Thiếu nữ tự kéo ghế ngồi, chiếc ghế đối diện với ông gìa

mà gã thanh niên đã ngồi lúc trước, nhìn ông già, có vẻ dò xét)

Ông già (rút một điếu thuốc từ bao thuốc để giữa bàn): - À, bao thuốc lá của ông bạn trẻ tới lúc một giờ, bỏ quên lại…

(Ông ta đánh diêm, hút một hơi dài): -  Cậu ấy cũng dùng thuốc nặng đấy chứ?

(Ông ta cầm bao thuốc Bastos luxe lên, ngắm lơ đãng, chờ đợi).

Thiếu nữ (hốt hoảng): - Thưa cụ, cụ vừa nói ông bạn trẻ nào vậy?

Ông gìa  (điềm tĩnh): - Thì người yêu của cô đấy.

Thiếu nữ (sửng sốt): - Anh ấy mới đến đây sao?

Ông già (cố ý lơ đãng): - Hồi một giờ, vừa đi, tôi nằm một lát là cô tới…

Thiếu nữ (đã đỡ lo lắng): - May quá !

Ông già (lấy điếu thuốc ra khỏi môi): - Cô nói sao ?

Thiếu nữ (bối rối): - Dạ không. Tôi nhớ anh ấy, muốn gặp cụ, có lẽ …

Ông già (lắc đầu, đôi mắt nhìn đăm đăm cô gái): -Mới đây cậu ta cũng kêu nhớ cô quá, nên tới tôi, bây giờ tới lược cô nói. Sao cô nhớ cậu ấy, mà không tới chỗ cậu ấy ở, tới đây hoài làm gì? (bất bình) Cô có thấy vậy không ?

(Im lặng một quãng. Căn phòng yên tĩnh lạ kỳ. Người tớ gái từ nhà dưới mang nước lên chế vào bình thủy, trở xuống lặng lẽ. Cô ta liếc ngó cô gái ngồi trước mặt chủ, tỏ vẻ thương hại, trìu mến).

Ông gìa (đang pha trà, cử chỉ khoan thai, nhẹ nhàng):- - Này, để tôi nhắc địa chỉ của cậu ta cho cô nhớ nhé : Số 01, đường Hoàng Diệu, cô nhớ chưa ?

Thiếu nữ (ngượng ngập, đầu hơi cứi, tóc đổ xuống hai vai): - Dạ nhớ. Tôi có biết căn nhà ấy nữa. Anh ấy ở trên gác, phía trước có những cây bông giấy màu hồng, có cả những dây leo trường sinh lá thực to nữa…

Ông già (đẩy tách trà tới trước mặt cô gái, gương mặt trống không):

-Vậy ra cô rõ hơn tôi. Thực tình tới giờ này, tôi không thể hiểu được cô tý gì cả. Tôi đã cố gắng nhiều, nhưng cũng vô ích. Cô mâu thuẫn nhiều quá, cô có thấy vậy không?

Thiếu nữ (giọng tha thiết, xúc động): - Thưa cụ, tôi cũng chẳng hiểu được tôi, như thế nầy. Nhưng tôi xin cụ hãy hiểu dùm cho, rằng tôi đã nói thành thực tôi yêu anh ấy đến mất ăn mất ngủ cụ à.

Ông già (gật gù): - Tôi cũng biết vậy.

Thiếu nữ (tâm sự) : - Cụ biết không, một ngày không có thư anh ấy, tôi không thể học hành, làm việc gì được. Tôi đã nhiều lần đi ngang căn gác anh ấy, không được thấy mặt, tôi buồn tưởng có thể chết được. Suốt đêm nằm mơ được gần gũi, cả ngày bần thần như đau bệnh. Ba má tôi thúc đi bác sĩ, tôi vừa từ phòng mạch bác sĩ Thọ tới đây, ông ta chỉ cho toàn thuốc bổ và Librium.

Ông già : - Tôi cũng biết vậy.

Thiếu nữ (nóng nảy, khẩn thiết): - Thưa cụ, nếu cứ kéo dài thế này thêm một năm nữa, có lẽ tôi chết mất. Suốt mấy năm nay, tôi đâu có yên tâm được chút nào. Ba má tôi vừa may cho tôi mấy cái áo dài mới, mầu vải đẹp lắm, kêu tôi đi Đà Lạt nghỉ vài tuần với lũ em tôi, nhưng tôi làm sao xa chỗ này mà vui được, thưa cụ ?

Ông già (đổi thế ngồi): - Tôi cũng biết vậy, nhưng tôi không hiểu được tại sao cô không muốn gặp, gần gũi cậu ta ? Hai người sẽ là một cặp vợ chồng hạnh phúc nhất, tôi nghĩ vậy.

Thiếu nữ (Giọng bất chợt lạnh lùng): - Cụ nghĩ vậy, nhiều người cũng đã nghĩ vậy, nhưng sự thực không được như vậy. Nếu thực tế giống như những gì chúng ta nghĩ, thì tôi đã gặp anh ấy, chúng tôi đã sống chung từ mấy năm nay. Cụ đã sống gần hết một đời người, hẳn cụ cũng rõ được nỗi đau xót của sự chung đụng giữa mộng và thực.

Ông già (cười khẽ,  rung đùi): - Tôi biết, nhưng tôi không hiểu cô muốn nói gì, hay là tôi không thể hiểu được ? (suy nghĩ) Mộng và thực ? Mộng và … (buồn bã)

Thiếu nữ (cúi xuống loay hoay mở xách tay): - Đây, quyển nhật ký. Tôi đã ghi lại hết những yêu thương của tôi, từ mấy năm nay, với anh ấy. Cụ đọc, có thể hiểu được tôi nhiều hơn. Có nhiều điều tôi không thể nói hết với cụ, cho dầu tôi đã chuẩn bị trước khi tới gặp cụ, rất kỹ. Có lẽ chất thuốc Librium đã dần dần làm đầu óc tôi trống rỗng …

Ông già (đưa hai tay đỡ lấy quyển nhật ký dày, vẻ trịnh trọng. Ông thở dài): - Xin cầu nguyện cho tôi hiểu được cô, trước khi tôi chết.

Thiếu nữ (liếc nhìn lên mặt đồng hồ đeo ở tay, kính cẩn đứng dậy):

-Thưa cụ, tôi xin phép cụ về bây giờ, chắc ba má tôi trông. Tôi còn phải ghé nhà thuốc mua thuốc nữa, cho dầu lần nầy tôi quyết định không uống một viên nào  nữa cụ à .

Ông già (chợt vội vã ): - Cô uống miếng nước cái đã.

Thiếu nữ (quay lại, lộ vẻ biết ơn): - Cám ơn cụ, tôi không thấy khát.(cô ta  đẩy cửa, lách mình ra ngoài) Tuần tới, cụ đọc xong, tôi sẽ tới…

Ông già (lắc đầu, đến nằm trên chiếc ghế xích đu, mắc lim dim):

-Cả hai đều không uống một giọt nước (ngáp dài) Tội nghiệp, khi yêu cuồng nhiệt, họ không cần tới một giọt nước…

 

Cũng tại phòng khách của ông già. Buổi sáng sớm. Thanh niên đẩy cửa vào phòng…

Thanh niên (ngơ ngác): - Thưa cụ, thưa cụ …

(Căn phòng vắng, chiếc ghế xích đu bỏ trống. Không có tiếng trả lời gã thanh niên).

Thanh niên (nhìn quan sát khắp căn phòng): - Thưa cụ, cụ à …

(Căn phòng vắng. Chiếc ghế xích đu bỏ trống. Không có tiếng trả lời gã thanh niên).

Thanh niên (nhìn quan sát khắp căn phòng): - Thưa cụ, cụ à …

(Căn phòng vắng. Chiếc ghế xích đu bỏ trống. Không có tiếng trả lời gã thanh niên).

Thanh niên (đi dần vào trong, giọng lớn hẳn lên) – Có ai ở nhà không ? Có ai …

Người tớ gái (từ dưới nhà hớt hải chạy lên, mắt đỏ hoe, gương mặt đờ đẫn): - Ông hỏi ông tôi à ?

Thanh niên (gật đầu, giọng gấp gáp) : - Vâng, đúng vậy -  ông cụ đâu ? Ông ấy đã đọc xong cái truyện của tôi chưa ?

Người tớ gái (nức nở) – Ông tôi chết rồi !

Thanh niên (bàng hoàng) : - Chết rồi ?

Người tớ gái (cúi đầu) : - Chết rồi. Ở nhà thương Grande, chiều hôm qua….

Thanh niên (lơ lửng): - Chết rồi, (gã thanh niên vứt mẫu thuốc xuống sàn, đưa tay vuốt mái tóc) Chết rồi a ? (giọng thì thầm), ông ấy đã chết rồi, ta phải quyết định (giọng gấp gáp) phải quyết định ngay phút này …

(Gã thanh niên vội vã đẩy cửa bước ra, người tớ gái ngửng lên, thấy gã ta đang cắm cổ chạy …)./.

 

Nha Trang, th. 6.1971

Mang Viên Long
Số lần đọc: 2659
Ngày đăng: 29.06.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Có một tình yêu không thể nghi ngờ - Đỗ Mai Quyên
Những người bạn cùng lớp - Phan Bích Thủy
Ba truyện ngắn - Karinthy Frigyes
Ở lại đó - Trần Lệ Thường
Những mảnh đời * - Phan Đức Nam
Em Vịt vàng nhỏ của tôi ơi! - Kiệt Tấn
Người đàn ông và cây thông nhỏ - Phùng Văn Khai
Truyện ngắn ngắn - 12 - Đỗ Ngọc Thạch
Giới trí thức thối tha - Phạm Nguyên Trường
Vụ cướp lúc nửa đêm - Giản Tư Hải
Cùng một tác giả
Ngã rẽ(*) (truyện ngắn)
Bóng hạnh phúc** (truyện ngắn)
Vôi trường úc(*) (truyện ngắn)
Quán bụi (truyện ngắn)
Người chị(1) (truyện ngắn)
Dì Lucia (1) (truyện ngắn)
Chim trời (5) (truyện ngắn)
Ông ngoại tôi (truyện ngắn)
Quà nhỏ (tạp văn)
Bèo dạt, hoa trôi … (truyện ngắn)
Quà Trung thu của ba (truyện ngắn)
Giàn hoa cát đằng (truyện ngắn)
Mùa xuân đến muộn (truyện ngắn)
Gã nhà quê vui tính (truyện ngắn)
Bà ngoại tôi (truyện ngắn)
Chữ Hiếu (truyện ngắn)
Chim bay về đâu (truyện ngắn)
Bóng ngựa qua song (truyện ngắn)
Chuyện ngày xưa (truyện ngắn)
Vầng trăng khuyết (truyện ngắn)
Biển của hai người (truyện ngắn)
Chuyện xóm củi (truyện ngắn)
Dáng mộng (1) (truyện ngắn)
Lại một mùa xuân (truyện ngắn)
Ông Ba Phải (truyện ngắn)
Chim chuyền buội ớt (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn -1 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-2 (truyện ngắn)
Chiếc cà vạt (truyện ngắn)
Tiên Thủy (truyện ngắn)
Vội vàng (truyện ngắn)
Vết son (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-3 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-4 (truyện ngắn)
Có những mùa trăng (truyện ngắn)
Một trường hợp (truyện ngắn)
Một cõi đời riêng (truyện ngắn)
Chờ bão (truyện ngắn)
Bên trời mơ ước (truyện ngắn)
Mèo con yêu dấu (truyện ngắn)
Phố người (truyện ngắn)
Một câu chuyện tình (truyện ngắn)
Bà già khòm (truyện ngắn)
Ăn tết ở chùa (truyện ngắn)
Những kẻ tạm trú (truyện ngắn)
Quê nhà , chiều 30… (truyện ngắn)
Phút chót (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Một Ngày Cô Độc (truyện ngắn)
Chùa Cô Ba (truyện ngắn)
Thị Trấn Êm Đềm (truyện ngắn)
Mây hoàng hôn (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Mùa Hè (truyện ngắn)
Quán Café Tulip (truyện ngắn)
Nỗi Khổ Không Rời (truyện ngắn)
Về Lại Chốn Xưa (truyện ngắn)
Bên Tách Trà Khuya (truyện ngắn)
Sáu Bẹo (truyện ngắn)
Lộn Ngược (truyện ngắn)
Quán Bên Sông (truyện ngắn)
Tách trà cổ (truyện ngắn)