Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
671
116.543.307
 
Những ngày này 55 năm trước – nhớ lại Hội nghị Genève
Đinh Kim Phúc

Thắng lợi của các trận quyết chiến chiến lược nổi tiếng trong lịch sử nước ta đã chứng minh quyết tâm bảo vệ đất nước, sức mạnh to lớn cũng như tài thao lược kiệt xuất của tổ tiên ta. Đó cũng là thắng lợi của một dân tộc luôn luôn nắm vững bí quyết đánh giặc bằng sức mạnh của “cả nước chung sức, toàn dân là binh” và “lấy đoản chế trường, lấy yếu thắng mạnh, lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”. Từ thực tiễn phong phú và sinh động đó đã toát lên bài học rất có ý nghĩa đối với chúng ta là muốn lấy yếu thắng mạnh, lấy ít thắng nhiều  thì càng phải triệt để dựa vào đông đảo nhân dân, càng phải dũng cảm, nhẫn nại, dẻo dai, mưu cao, mẹo giỏi, tiến công nhanh chóng, mãnh liệt và liên tục. Đó chính là tinh hoa của nghệ thuật quyết chiến có truyền thống lâu đời của dân tộc ta.

 

Vào những ngày này 55 năm về trước, chúng ta đã có chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một chiến thắng kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp - một trận quyết chiến chiến lược vĩ đại đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ 20, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

Chiến thắng này đã làm xoay chuyển cục diện quân sự và chính trị trên chiến trường Đông Dương, đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp, tạo cơ sở căn bản cho cuộc đấu tranh ngoại giao trong bàn hội nghị Genève; nó góp phần làm thức tỉnh khát vọng và niềm tin vào tương lai tốt đẹp của các dân tộc bị nô dịch, góp phần quan trọng vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới. 

Nhưng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ sẽ trọn vẹn hơn nếu cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ không bị phản bội bởi những người bạn lớn ở Trung Nam Hải.

 

Kỷ niệm 55 năm ngày ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương (Hiệp định Genève, 20/7/1954), chúng ta hãy cùng nhau đọc lại ghi nhận của những người trong cuộc dưới ngòi bút của Wilfred G. Burchett (1) qua bản dịch của Nhà xuất bản Thông tin Lý luận, Hà Nội, 1986(2).

 

“Phần thứ nhất

1…

2…

3-HỘI NGHỊ GIƠ-NE-VƠ NĂM 1954

 

Khi các nhà viết sử vạch rõ trở ngại chủ yếu đối với cách mạng Cam-pu-chia, họ đã lưu ý đến những hậu quả của Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương và đặc biệt là vai trò của Trung Quốc tại hội nghị đó. Pôn Pốt và phe cánh không có lý do để tranh cãi về điều này, vì chúng không đóng vai trò gì trong việc đánh bại người Pháp. Nhưng, các chiến sĩ kháng chiến Khơ-me có tham cuộc đấu tranh đó đã bị cướp mất tại Giơ-ne-vơ phần của họ trong thắng lợi chung của nhân dân ba nước Đông Dương đánh bại chủ nghĩa thực dân Pháp.

 

Phần bàn về Đông Dương của Hội nghị Giơ-ne-vơ (hội nghị này đã bắt đầu bằng những cuộc thảo luận thất bại về Triều Tiên) khai mạc ngày 8 tháng 5 năm 1954. Dẫn đầu đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Ngoại trưởng Phạm Văn Đồng. Ngày hôm trước, ông đã nhận được một vũ khí cực kỳ thần diệu đối với một nhà thương lượng, đó là chiến thắng của Tướng Võ Nguyên Giáp, bạn chiến đấu gần gũi của ông, đánh bại lực lượng ưu tú của quân đội viễn chinh Pháp trong trận Điện Biên Phủ lịch sử.

 

Trong phiên họp đầu tiên, ông Phạm Văn Đồng nêu vấn đề đại diện của Khơ-me I-xa-rắc và Lào Ít-xa-la. Xét cho cùng đây là một hội nghị để chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương! Pháp là một bên tham chiến; các lực lượng kháng chiến Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào là bên kia. Đại biểu của những người được phép bảo trợ - “Hoàng đế” Bảo Đại của Việt Nam, Vua Xi-ha-núc của Cam-pu-chia và Vua Xa-Vang Vát-tha-na của Lào – đã tham gia hội nghị. Ngoại trưởng Pháp Gioóc-giơ Bi-đôn cực lực phản đối sự có mặt của Khơ-me I-xa-rắc và Lào Ít-xa-la, chế diễu rằng họ chỉ là những “bóng ma không tồn tại”.

 

Đó là một câu nói khiếm nhã mà Bi-đôn đã từng dùng để nói về ông Phạm Văn Đồng trong một cuộc thảo luận tại Liên Hợp Quốc mấy tháng trước đó. Ông Đồng đã nhanh chóng nhắc lại với Bi-đôn điều đó.

 

“Nhưng nay tôi đến đây để thảo luận với ông. Pa-thét Lào và Khơ-me I-xa-rắc đang chiến đấu cũng như người Việt Nam đang chiến đấu. Họ không phải là những bóng ma. Tại hội nghị này có những người đang cử động và nói năng và trong số đó có những cái bóng của những bóng ma thực sự, họ không đại diện cho thực tế. Họ đại diện cho một dĩ vãng đã vĩnh viễn qua rồi, nhưng, cũng như ông, họ muốn bám lấy những ảo tưởng. Đó chính là những bóng ma thực sự”.

 

Đây là một cú đích đáng, và càng đích đáng hơn vì toàn bộ đoàn đại biểu Pháp đang mặc Com-lê màu đen để tang cho thất bại Điện Biên Phủ - Bi-đôn và đồng sự của ông ta vậy là đã vô tình nhấn mạnh trước thế giới tầm cỡ của thất bại đó và sự thật rằng đó là một sự kiện lịch sử, mà tầm quan trọng đã vượt xa khuôn khổ của Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương. Vấn đề các “bóng ma” đã trở thành những đầu đề trên báo chí Pháp ngày hôm sau.

 

Trong tất cả các phiên họp đầu tiên, ông Phạm Văn Đồng nêu đi nêu lại vấn đề đại diện của Khơ-me I-xa-rắc và Pa-thét Lào. Nhưng đó là một tiếng nói đơn độc. Trong khi Bi-đôn có thể trông cậy vào sự ủng hộ vững chắc của phương Tây (Anh và Hoa Kỳ), ông Phạm Văn Đồng bị cô lập về vấn đề đại diện cũng như về các vấn đề then chốt khác. Đại diện cho phe xã hội chủ nghĩa là Ngoại trưởng Liên Xô Via-sét-xláp Mô-lô-tốp và Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Chu Ân Lai.

 

Các đoàn đại biểu Khơ-me I-xa-rắc và Pa-thét Lào đến Giơ-ne-vơ thật giống như những “Khách không mời mà đến”. Sự có mặt của họ được giữ hết sức bí mật, và đoàn đại biểu duy nhất mà họ có liên hệ là đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuối cùng, Chu Ân Lai  thuyết phục ông Phạm Văn Đồng phải có một cách nhìn “thực tế” và “thực dụng”, và không nên nêu vấn đề đại diện của Khơ-me I-xa-rắc và Pa-thét Lào ra các phiên họp toàn thể nữa. Và như vậy, vấn đề này bị chôn vùi trong một tiểu ban.

 

Cuộc tranh luận tiếp tục gay go hơn bao giờ hết, về vấn đề các khu vực tập kết và các giới tuyến sẽ phân định chúng. Đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đấu tranh rất dữ cho Khơ-me I-xa-rắc có một vùng tập kết, nhưng không được sự ủng hộ của Chu Ân Lai về vấn đề này vì lý do đơn giản là Trung Quốc không có biên giới chung với Cam-pu-chia. Sau này, người ta biết rõ là trong khi người Việt Nam đấu tranh để cứu cách mạng Cam-pu-chia và Lào và bảo đảm cho các lực lượng cách mạng ở hai nước này những phần thưởng chính đáng của thắng lợi chung, thì Trung Quốc chỉ quan tâm đến việc thiết lập những khu đệm để bảo đảm an toàn dọc biên giới của họ.

 

Vì vậy, Chu Ân Lai ủng hộ việc lập một vùng tập kết cho Pa-thét Lào, nhưng vùng này phải được bố trí thế nào đó để phục vụ lợi ích an ninh của Trung Quốc hơn là lợi ích của cách mạng Lào. Cuộc thảo luận lớn là về việc phải chia cắt nước Lào theo kinh tuyến hay vĩ tuyến. Các căn cứ kháng chiến mạnh nhất của Pa-thét Lào đều ở miền Trung hoặc miền Nam, nhất là ở các tỉnh A-tô-pơ, Xa-ra-van và trên cao nguyên Bô-lô-ven. Việc lập một khu đệm, trong đó có Phong Xa-lỳ, một tỉnh dân cư thưa thớt ở cực bắc có biên giới chung với Trung Quốc, là phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Ông Phạm Văn Đồng lại phải tiến hành một cuộc đấu tranh đơn độc với một phương Tây thống nhất chống lại ông, còn Chu Ân Lai thì đứng về phía họ. Bị cô lập và buộc phải thương lượng nhân danh các phong trào kháng chiến Cam-pu-chia và Lào, ông đã phải có những nhân nhượng không phải được biện minh bằng so sánh lực lượng hoặc thực tế chiến trường, mà là được thúc đẩy bởi lợi ích của Trung Quốc và tinh thần chung về “hòa hoãn” và “cùng tồn tại hòa bình” đang ngự trị trong phe xã hội chủ nghĩa châu Âu lúc bấy giờ. Vậy là các lực lượng cách mạng Lào phải rút khỏi các cứ điểm mạnh trong 10 tỉnh của Lào và tập kết vào 2 tỉnh cực bắc là Phong Xa-lỳ và Sầm Nưa. Chu Ân Lai nói rằng điều đó sẽ tạo cho Bắc Việt Nam có một biên giới chung với Lào và, do đó, có một “khu đệm”. Nhưng nó có nghĩa là Pa-thét Lào sẽ phải rời bỏ những vùng căn cứ quan trọng nhất của họ, rời bỏ nhân dân đã từng trung thành ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang của họ trong nhiều năm.

 

Nhiều năm sau, một phụ tá cao cấp của ông Phạm Văn Đồng tại Hà Nội nói với tôi :

“Đối với chúng tôi, vấn đề, không phải là các khu đệm. Vấn đề là toàn bộ nước Lào, sự thống nhất và độc lập của nước Lào, sự bảo toàn các căn cứ để bảo đảm thắng lợi cuối cùng. Độc lập, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đó là khẩu hiệu của chúng tôi – chúng tôi đã làm mọi việc để những nguyên tắc này được chấp nhận, và chúng tôi không bao giờ từ bỏ lập trường đó.

Lập trường của đối phương là: “Chúng ta hãy thực tế. Cố bám lấy nguyên tắc bây giờ là không thực tế. Chúng ta hãy đề cập đến những vấn đề cụ thể. Những vấn đề quân sự - chấm dứt chiến sự, sau đó sẽ đề cập đến nguyên tắc”. Họ không muốn nói đến quá khứ: “Việc đó sẽ chỉ đầu độc bầu không khí. Chúng ta hãy chỉ đề cập đến hiện tại thôi”. Không may cho chúng tôi có những đồng minh, nhân danh “chủ nghĩa thực tế” và “chủ nghĩa thực dụng”, cũng đã khuyên chúng tôi không nên “đầu độc bầu không khí” mà phải nhượng bộ.”

 

Theo dõi việc đưa tin về Hội nghị Giơ-ne-vơ từ ngày đầu đến ngày cuối, tôi – và các nhà báo khác có quan hệ chặt chẽ với các đoàn xã hội chủ nghĩa – không nghi ngờ gì về việc đoàn Trung Quốc không ủng hộ mạnh mẽ đoàn Việt Nam. Nhiều năm sau Hội nghị, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn còn nói một cách trung thành: “các kết quả đã đạt được qua thảo luận và thỏa thuận chung”. Điều đó đúng sự thật theo nghĩa đen, nhưng không đúng sự thật thực sự, dù chỉ là một nửa.

 

Khi hội nghị thảo luận đến vấn đề quy định một giới tuyến để quân đội Pháp rút về phía Nam và quân đội Việt Minh rút về phía Bắc, ông Phạm Văn Đồng đề nghị một đường ranh giới dọc theo vĩ tuyến 13. Trong tình hình thảm hại của lực lượng Pháp sau thất bại Điện Biên Phủ, và số còn lại trong những lực lượng tinh nhuệ của họ thì đang bị bao vây ở đồng bằng Sông Hồng và các nơi khác ở miền Bắc, đó không phải là một đề nghị không phải chăng. Đề nghị đó sẽ cho Việt Minh có 100km biên giới chung với Cam-pu-chia và sẽ bù đắp lại việc họ không giành được một vùng tập kết cho các lực lượng Khơ-me I-xa-rắc. Nhưng, trước “chủ nghĩa thực tế” và “chủ nghĩa thực dụng” đó, từng bước ông Phạm Văn Đồng đã buộc phải lùi đường ranh giới của mình qua vĩ tuyến 14 (như vậy cũng vẫn cho Việt Minh có một biên giới nhỏ với Cam-pu-chia), rồi qua vĩ tuyến 15 tới vĩ tuyến 16, tại đó ông kiên quyết giữ lập trường.

 

Đã hai lần trong lịch sử Việt Nam, vĩ tuyến 16 từng là ranh giới phân chia tạm thời. Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, khi quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc kéo vào phía Bắc và quân đội Anh vào phía Nam (bề ngoài là để vây quét tàn dư của quân đội chiếm đóng Nhật và đưa chúng về Nhật), đường ranh giới giữa hai lực lượng này chạy dọc theo vĩ tuyến 16 và qua ngoại ô phía Nam của Đà Nẵng. Khi đất nước bị chia cắt giữa nhà Trịnh và nhà Nguyễn vào thế kỷ thứ 17, đường ranh giới cũng chạy dọc vĩ tuyến 16 trở thành giới tuyến lô-gích – nếu cần phải có một giới tuyến.

 

Những người Pháp đòi một đường ranh giới dọc vĩ tuyến 17. Sau một cuộc gặp riêng giữa Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng mới của Pháp, Pi-e Măng-đét Phrăng và Chu Ân Lai, Chu ủng hộ lập trường của Pháp.

 

Vấn đề vĩ tuyến 17 hay 16 có một tầm quan trọng chiến lược trọng yếu. Giữa hai vĩ tuyến đó có Quốc lộ số 9 nối Lào với bờ biển Việt Nam. Người Pháp muốn giữ Quốc lộ 9 để duy trì sự kiểm soát đối với Lào. Ông Phạm Văn Đồng muốn có nó để có thể tiếp tục sự ủng hộ của Việt Minh đối với Pa-thét Lào. Người phụ tá của ông Phạm Văn Đồng, sau này thông báo cho tôi về những gì thực sự đã diễn ra ở Giơ-ne-vơ, bình luận :

 

“Người Pháp tìm mọi cách để có được con đường này. Chính tại cuộc gặp gỡ ở Béc-nơ giữa Chu và Măng-đét Phrăng, người Trung Quốc đã nhượng bộ. Trước cuộc họp đó, và sau lưng chúng tôi, họ đã thảo một dự thảo hiệp định, mà những chi tiết cuối cùng đã được hoàn tất tại Béc-nơ. Chúng tôi đứng trước một sự đã rồi, nhưng còn một vấn đề, chúng tôi kiên trì và không chịu nhượng bộ. Chu Ân Lai khuyên chúng tôi đặt Hà Nội và Hải Phòng, và Quốc lộ số 5 nối liền hai thành phố đó, dưới sự kiểm soát của liên hợp Pháp – Việt! Điều đó phù hợp với người Trung Quốc vì khu vực phía bắc con đường Hà Nội – Hải Phòng vẫn có thể cung cấp một khu đệm đáng kể để bảo vệ biên giới phía Nam của Trung Quốc. Chúng tôi bác bỏ điều này, cũng như đã bác bỏ một cố gắng sau đó của Pháp muốn đẩy giới tuyến lên đến vĩ tuyến 18.

Nhìn lại, chúng tôi thấy người Trung Quốc đã làm hết mọi việc có thể làm – mà chúng tôi phải trả giá – để tranh thủ chính phủ mới ở Pháp. Quan hệ của họ với Mỹ vẫn còn xấu xa và họ cần một người bạn phương Tây”.

 

Vấn đề lớn thứ hai gắn liền với vấn đề xác định giới tuyến là việc quy định thời gian tuyển cử. Tất cả mọi người dự hội nghị đều đồng ý về nguyên tắc rằng tuyển cử sẽ được tiến hành sau khi cách ly các lực lượng chiến đấu. Ông Phạm Văn Đồng muốn tuyển cử ở Việt Nam được tiến hành càng sớm càng tốt. Người Pháp muốn tuyển cử bị trì hoãn càng lâu càng tốt, cũng như họ muốn giới tuyến càng bị đẩy lên phía Bắc càng tốt. Người Trung Quốc ủng hộ người Pháp về thời gian cũng như về không gian.

 

Chu Ân Lai nói rõ với người Pháp rằng Trung Quốc đến Giơ-ne-vơ trước hết là để bảo vệ lợi ích của chính mình chứ không phải lợi ích của các lực lượng cách mạng Đông Dương. Điều này trở nên sáng tỏ một cách tàn nhẫn trong một cuốn sách về Hội nghị Giơ-ne-vơ, dựa trên những tài liệu về Hội nghị chưa hề được công bố, của nhà viết sử và chuyên gia về Châu Á người Pháp Phrăng-xoa Gioay-ô – Tác giả kể lại một cuộc họp giữa Chu Ân Lai và An-tô-ni I-đơn tại Giơ-ne-vơ một ngày trước khi Bộ Ngoại giao Anh công bố quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ được nâng lên hàng đại sứ.

 

“Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc đã nói riêng với I-đơn là ông ta nghĩ rằng có thể ‘thuyết phục được Việt Minh rút khỏi Lào và Cam-pu-chia’. Qua đó, Trung Quốc đã đi một bước rất dài theo luận điểm của người Cam-pu-chia, người Lào, người Anh và người Pháp. Điều đó bao hàm việc thừa nhận rằng Việt Minh đúng là kẻ xâm lược ở hai nước đó, ngược lại với luận điểm lâu nay của Việt Minh – đó cũng là coi các vấn đề Lào và Cam-pu-chia không giống như vấn đề Việt Nam. Ngoài ra, Chu Ân Lai còn nói sẵn sàng công nhận tính chất hợp pháp của các Chính Phủ Vương quốc Lào và Cam-pu-chia ngay khi nào ông ta được bảo đảm rằng không một căn cứ quân sự nào của Mỹ được xây dựng ở hai nước này”.

 

Trung Quốc thực sự đã quyết định quay lưng lại các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Lào và Cam-pu-chia để cầu xin ân huệ của các Chính phủ Anh và Pháp. Hiển nhiên I-đơn đã nhanh chóng truyền đi điều đó. Buổi chiều ngày Chu Ân Lai gặp I-đơn (16 tháng 6), các đoàn đại biểu Vương quốc Cam-pu-chia và Vương quốc Lào cực lực đòi phải “rút toàn bộ” quân đội Việt Minh khỏi lãnh thổ của họ. Chu Ân Lai bèn đưa ra một đề nghị 6 điểm trong đó kêu gọi chấm dứt chiến sự đồng thời ở Lào, Cam-pu-chia và ở Việt Nam. Trong đó cũng đề nghị rằng đại diện của các “bên tham chiến” (có nghĩa là Việt Minh và Pháp, và không đả động gì đến Khơ-me I-xa-rắc và Pa-thét Lào) phải thương lượng ở Giơ-ne-vơ để chấm dứt chiến sự, rằng phải “xác định trong một cuộc thương lượng khác về số lượng và các loại vũ khí cần thiết để tự vệ có thể đưa vào các nước này”. Gioay-ô ghi nhận rằng Trung Quốc đã có những nhượng bộ đáng kể, bởi vì điều đó có nghĩa là :

 

“Nó cho phép trang bị quân đội chính phủ hiện nay đang đấu tranh chống du kích Pa-thét Lào và Khơ-me I-xa-rắc, và trong tương lai có thể đẩy lùi mọi hoạt động mới của Việt Minh ở bên ngoài biên giới Việt Nam”.

 

Trên thực tế, điều đó có nghĩa là Trung Quốc tìm cách phá vỡ tình đoàn kết, cách mạng giữa lực lượng nhân dân ba nước Đông Dương và góp phần tạo điều kiện cho việc tiêu diệt Pa-thét Lào và Khơ-me I-xa-rắc, vì rằng sẽ cấm toàn bộ mọi nhân viên quân sự và vũ khí mới các loại, trừ những gì cần thiết cho việc “tự vệ” của các quốc gia tay sai của Pháp. Gioay-ô nhận xét rằng ông Phạm Văn Đồng đã “kiên trì giữ vững lập trường cứng rắn của mình” để bảo vệ Pa-thét Lào và Khơ-me I-xa-rắc.

 

“Ông tuyên bố: Lô-gích của sự thật đòi hỏi người ta công nhận phong trào giải phóng ở hai nước này và bác bỏ những lời khẳng định có dụng ý xấu của những ai muốn giải thích rằng các phong trào đó là do ảnh hưởng từ bên ngoài. Đoàn đại biểu Việt Minh chào mừng với mối thiện cảm và sự kính trọng các phong trào giải phóng đó, sản phẩm của sự áp bức dã man tàn bạo, bắt nguồn sâu xa từ trong nhân dân và không thể nào tạo nên một cách giả tạo và từ bên ngoài được”.

 

Gioay-ô bình luận một cách lạnh lùng: “Đó là những lời gay gắt đến mức mà người ta có thể tự hỏi là những lời lẽ đó nhằm đúng vào ai trong bối cảnh đó”. Chắc chắn là Chu Ân Lai hiểu, nhưng điều đó không ngăn cản ông ta. Ngày hôm sau, ông ta nói với Bi-đôn vừa bị mất tín nhiệm rằng :

 

“Đúng là quân đội tình nguyện Việt Nam đã vào lãnh thổ Lào và Cam-pu-chia do những yêu cầu của các hoạt động quân sự trước đây. Phần lớn lực lượng đó đã không còn ở đó nữa. Nhưng những lực lượng còn lại cũng sẽ rút về nốt”.

 

Về cuộc họp nổi tiếng ở Béc-nơ, Gioay-ô kể lại rằng một trong những điều bất ngờ của nó là Chu Ân Lai, trong lời mở đầu, đã nói rằng ông ta đã “thúc đẩy Việt Minh nhích lại gần không những với nước Pháp mà với cả Việt Nam của Bảo Đại”. Tiếp đó, Gioay-ô tóm tắt bản báo cáo về cuộc họp mà Măng-đét Phrăng gửi ngày hôm sau cho các đại sứ quán Pháp ở Luân Đôn và Oa-sinh-tơn.

 

“Ông ta nêu lên 5 điều đáng ghi nhớ. Trước hết, Trung Quốc đã không tìm cách đòi sự đền bù bé nhỏ nhất nào đối với những nhượng bộ của họ về vấn đề Lào và Cam-pu-chia. Thứ hai, Chu Ân Lai không những khẳng định lại sự đồng ý cần thảo luận các vấn đề quân sự trước các vấn đề thuần túy chính trị, mà còn – đây là điều chủ yếu – lần đầu tiên tuyên bố rằng, sau giải pháp quân sự, giải pháp chính trị có thể tiến hành theo nhiều bước trong một thời gian khá dài. Thứ ba, trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc đã thừa nhận sự cần thiết phải đẩy nhanh việc thương lượng về vấn đề tập kết quân đội Việt Nam – Chu Ân Lai đã nói đến thời hạn 3 tuần lễ - và còn nói thêm rằng Việt Minh cũng mong muốn Hội nghị nhanh chóng đi đến kết quả. Thứ tư, Trung Quốc đã không hề đề cập đến vấn đề Pháp công nhận về ngoại giao, cũng như vấn đề Đài Loan và vấn đề Trung Quốc gia nhập Liên Hợp Quốc. Người ta bèn nhanh chóng báo cho Đài Bắc biết tin này. Cuối cùng Chu Ân Lai không tìm cách đòi chính phủ mới của Pháp phải có nhượng bộ đặc biệt gì. Tóm lại, người đứng đầu nền ngoại giao Trung Quốc đã không hề tìm cách khai thác những khó khăn chính trị mà nước Pháp đang trải qua”.

 

Về 3 điểm đầu, lập trường của Trung Quốc đối lập hoàn toàn với lập trường của người Việt Nam và các bạn chiến đấu Khơ-me và Lào của họ. Họ đã bị cướp đi khả năng khai thác các thế mạnh trên chiến trường để giành những giải pháp chính trị thuận lợi. Việc đẩy mạnh thủ tục tập kết là có lợi cho người Pháp, vì nó giúp họ rút lực lượng ra khỏi các vị trí không thể giữ được. Kéo dài giải pháp chính trị - trì hoãn càng lâu càng tốt cuộc tuyển cử để tái thống nhất đất nước – cũng có lợi cho Pháp. Việc khăng khăng đòi các thủ tục ngừng bắn cũng lại có lợi cho Pháp, vì nó cho phép có một giải pháp quân sự trước khi người Pháp bị buộc chặt vào những mục tiêu chính trị cụ thể mà lại không có những phương tiện cần thiết để đạt những mục tiêu đó.

 

Măng-đét Phrăng đã cam kết sẽ từ chức nếu ông ta không đạt được một hiệp nghị ngừng bắn trước nửa đêm ngày 20 tháng 7. Phiên họp bế mạc đã được định vào giờ sáng ngày 20. Các nhà báo chờ đợi tại Trung tâm báo chí của Hội nghị sẽ khó quên được đêm đó. Đã sắp tới giờ tối; rồi đồng hồ điểm 9 giờ mà chẳng có một lời nào từ phòng họp. Nhiều phút, rồi nhiều giờ trôi qua. Uýt-ki chảy tràn trề ở quầy rượu, và kim đồng hồ nhích dần tới nửa đêm. Đến giờ đó, nhiều nhà báo Mỹ chạy tới buồn điện thoại để thông tin cho các báo và hãng thông tấn của họ rằng Măng-đét Phăng đã thua canh bạc này và không còn cách nào khác hơn là từ chức vào ngày mai. Nhiều giờ nữa trôi qua. Đã quá chậm để có thể đưa tin cho những đợt phát hành cuối cùng của các báo hàng ngày ở Luân Đôn. Hầu hết các nhà báo bỏ về, nhiều người tin rằng một cuộc chiến tranh mở rộng là điều sẽ diễn ra trước mắt đối với Đông Dương.

 

Điều gì đã xảy ra? Oan-tơ Bi-đen Xmít, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, đã được cấp trên trực tiếp của ông ta Giôn Phô-xtơ Đa-lét – để lại tại Giơ-ne-vơ để tìm hết cách ngăn cản việc đi đến một hiệp nghị. Bi-đen Xmít, đã từ chối tham gia bất cứ một giai đoạn cuối cùng nào của công việc, tuy nhiên ông ta yêu cầu rằng mọi tài liệu chủ yếu phải được mang đến cho ông ta tại khách sạn. Ông ta cũng cùng với các đại biểu của Vương quốc Cam-pu-chia và Vương quốc Lào âm mưu tạo ra càng nhiều trở ngại vào phút chót càng tốt. Bằng bất cứ giá nào cũng phải ngăn cản một giải pháp trước nửa đêm 20 tháng 7! Biết đâu trong một cơn hờn giận, Măng-đét Phrăng lại sẽ chẳng xuôi tay và từ chức. Đó là một hy vọng, được phản ánh qua những tin tức mà các nhà báo và các nhà bình luận Hoa Kỳ (đặc biệt là anh em An-xốp), vẫn lởn vởn trong đầu Bi-đen Xmít và Đa-lét cho đến phút cuối cùng.

 

Cuối buổi chiều ngày 20 tháng 7, Xam Xa-ry, phái viên riêng của Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-núc, đã có một hành động phá hoại bộ phận dự thảo văn kiện. I-đơn, Mô-lô-tốp, Chu Ân Lai và Măng-đét Phrăng đã thỏa thuận với nhau là các quốc gia liên kết (nước Việt Nam của Bảo Đại và các Vương Quốc Cam-pu-chia và Lào) không được tham gia bất cứ liên minh quân sự nào; cũng không được chấp nhận việc thiết lập bất kỳ một căn cứ quân sự nào của nước ngoài. Chỉ có trường hợp ngoại lệ duy nhất đối với điều khoản thứ hai này là ở Lào, nước Pháp được phép duy trì hai căn cứ huấn luyện quân sự. Chu Ân Lai – mà kinh nghiệm về sự đối đầu phải trả giá cao của Trung Quốc đối với Mỹ ở Triều Tiên vẫn còn mới mẻ - đặc biệt kiên trì trong việc bịt kín bất cứ một lỗ hỏng nào mà Hoa Kỳ sau này có thể dùng để tiến vào Đông Dương. Chu Ân Lai và Măng-đét Phrăng có lợi ích giống nhau về điểm này, ông Phạm Văn Đồng cũng thế.

 

Nhưng nước Pháp bị mắc kẹt trong một cái bẫy do chính họ đặt ra. Pháp đã trao cho Cam-pu-chia bộ phục sức bên ngoài của một nền độc lập vào tháng 11 năm 1953. Vào phút thứ 59 giờ thứ 11, Xam Xa-ry lên tiếng khẳng định rằng Vương quốc Cam-pu-chia, một quốc gia độc lập và có chủ quyền, không thể chấp nhận bất cứ một hạn chế nào đối với sự lựa chọn của mình về những mối liên minh đối ngoại, hoặc ngay cả đối với quyền cho phép Hoa Kỳ thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.

 

Dường như đây chỉ là một sáng kiến cá nhân của Xam Xa-ry (Xam Xa-ry sau này đã tham gia một cuộc đảo chính chống Xi-ha-núc và liên minh với Sơn Ngọc Thành kẻ thù quyết liệt nhất của Xi-ha-núc, được CIA ủng hộ). Trưởng đoàn đại biểu Cam-pu-chia Tép Phan, ngày hôm đó đã từng họp với Chu Ân Lai trong 2 tiếng đồng hồ, không nêu lên vấn đề nào như vậy. Với mục đích để kéo dài thời gian, quả bom của Xam Xa-ry đã có tác dụng. Nhưng, tại một cuộc họp vào 2 giờ sáng ngày 21, I-đơn, Măng-đét Phrăng và Mô-lô-tốp – trong khi Chu Ân Lai vắng mặt – đã đồng ý đưa vào trong văn bản một đoạn nói rằng “trong trường hợp nền an ninh bị đe dọa”, Cam-pu-chia sẽ được phép thiết lập căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ mình. (Đây là điều mà sau này Xi-ha-núc kiên quyết chống). Với lý do để cho “cân xứng”, Măng-đét Phrăng đòi áp dụng điều khoản đó đối với Lào – Phải đến phiên họp bế mạc Hội nghị vào 3 giờ 30 phút chiều ngày 21 tháng 7, ông Phạm Văn Đồng mới được biết về hai biện pháp mới này nhằm tăng cường sự bao vây tiềm tàng đối với Bắc Việt Nam .

 

Bài phát biểu ngắn của ông Đồng tại phiên họp bế mạc phản ánh sự cay đắng của ông khi phải chấp nhận những quyết định do sự áp đặt của người khác, bè bạn cũng như đối thủ. Các nhà báo không được dự phiên họp này (cũng như mọi phiên khác), nhưng Gioay-ô đã tóm tắt những gì đã xảy ra:

 

“Ông Phạm Văn Đồng chỉ có một câu cám ơn hai đồng Chủ tịch, chứ không nói một lời nào biết ơn đối với Trung Quốc. Liệu có thể giải thích sự im lặng này một cách nào khác hơn là dấu hiệu về sự bất bình của Việt Minh đối với đồng minh của họ, những người tuy là nguồn ủng hộ vững chắc trong quá trình thương lượng, nhưng vẫn không ngần ngại tìm cách hạn chế những yêu cầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mỗi khi lợi ích dân tộc của chính họ đòi hỏi?”.

 

Tối ngày 22 tháng 7, ông Phạm Văn Đồng và các thành viên khác của đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến dự một cuộc chiêu đãi của Chu Ân Lai để “chúc mừng thắng lợi của Hội nghị”. Họ chờ đợi một cuộc “chúc mừng giữa những người đồng chí”. Họ rất ngạc nhiên khi thấy đoàn đại biểu Liên Xô đã không được mời, trong khi các đoàn đại biểu của “Hoàng đế” Bảo Đại, Vương quốc Lào và Cam-pu-chia lại có mặt. Chu Ân Lai trước hết nâng cốc chúc mừng Hoàng đế Bảo Đại rồi đến Vua lào và Vua Cam-pu-chia. Người phụ tá cao cấp của ông Phạm Văn Đồng (mà tôi đã trích dẫn trước đây) nói với tôi :

 

“Chúng tôi hầu như không thể tin ở mắt và tai mình nữa. Về sau, chúng tôi thấy vấn đề rõ hơn. Trung Quốc muốn các nước Đông Dương nằm trong túi mình, và hy vọng rằng ba Vương quốc ở đây sẽ được duy trì như những nước triều cống như kiểu Thiên hoàng trị vì đế quốc Trung Hoa với những quốc gia phiên thuộc! Trung Quốc không thể coi thường hơn nữa nội dung xã hội của các quốc gia ấy cũng như số phận của các lực lượng cách mạng ở đó – Nhìn lại những gì xảy ra sau này với Khơ-me đỏ ở Cam-pu-chia và việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam rõ ràng đã được khởi động bởi thái độ của Trung Quốc tại Hội nghị Giơ-ne-vơ và đặc biệt là cuộc chiêu đãi cuối cùng này”.

 

Chu Ân Lai đã bố trí để tại cuộc chiêu đãi các trưởng đoàn Cam-pu-chia và Lào, Tép Phan và Phủi Xa-na-ni-côn, ngồi cùng một bàn với vài phụ tá cao cấp của Chu Ân Lai. Tại bàn do Chu Ân Lai chủ trì, Ngô Đình Luyện (em Ngô Đình Diệm, người mới được CIA đưa lên cầm quyền ở Sài Gòn) được xếp ngồi giữa Phạm Văn Đồng và Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngô Đình Luyện và Tạ Quang Bửu đã từng cùng học tại Pháp và Chu Ân Lai tìm hết cách làm cho hai người gợi lại những kỷ niệm thời thanh niên. Có lúc, Chu gợi ý Ngô Đình Luyện sang thăm Bắc Kinh. Khi Luyện hỏi sang đó dưới danh nghĩa nào, Chu Ân Lai trả lời: “Tại sao các ngài không đặt một công sứ quán ở Bắc Kinh?”. Nhận thấy ông Phạm Văn Đồng giật nẩy người phản ứng, Chu Ân Lai lạnh lùng nói rằng việc ông Phạm Văn Đồng gần gũi với Trung Quốc hơn về tư tưởng không loại trừ việc Sài Gòn có đại diện ngoại giao tại Bắc Kinh. “Dù sao, hai ngài đều chẳng phải là người Việt Nam cả sao, và tất cả chúng ta đây chẳng phải là người Châu Á cả đó sao?”. Đây nữa lại là một viên thuốc đắng mà ông Phạm Văn Đồng phải nuốt tại Giơ-ne-vơ. Lý do khiến Chu Ân Lai ủng hộ việc đẩy lùi càng lâu càng tốt cuộc tổng tuyển cử để tái thống nhất đất nước đã trở nên quá rõ ràng. Trung Quốc quan tâm tới việc mở rộng ảnh hưởng của chính mình ở Sài Gòn hơn là giúp Việt Minh giành thắng lợi chính trị và tái thống nhất đất nước.

 

Se-xtơ Rôn-ning, đã từng là quyền trưởng đoàn đại biểu Ca-na-đa tại phần bàn về Triều Tiên của Hội nghị và đã được lưu lại làm quan sát viên trong quá trình thương lượng về Đông Dương, nhận xét :

 

“Chính những nhân nhượng của Chu và những nhân nhượng mà ông ta đã buộc Cụ Hồ Chí Minh phải chấp nhận đã giúp Măng-đét Phrăng đạt được các hiệp nghị về Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Mặc dù Tướng Giáp đã chiến thắng các lực lượng quân sự của Pháp ở Việt Nam, ông Phạm Văn Đồng đã phải nhân nhượng điều quan trọng nhất khi ông chấp nhận sự chia cắt tạm thời của Việt Nam trong thời gian 2 năm. Nhân nhượng đó cuối cùng đã ngăn cản việc tái thống nhất”.

 

Nhà ngoại giao Ca-na-đa nói gần đúng. Thực ra, nhân nhượng lớn nhất của Cụ Hồ Chí Minh và ông Phạm Văn Đồng là đã đồng ý tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ. Các lực lượng của họ đang ở thế chiến thắng. Cùng với các chiến thắng của Pa-thét Lào và Khơ-me I-xa-rắc, họ đã có thể chấm dứt sự có mặt về quân sự của Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Nhưng việc đó không phù hợp với điều mà Trung Quốc coi là lợi ích của Trung Quốc trong khu vực. Như Gioay-ô đã viết, Trung Quốc có một “cách nhìn về một Đông Dương đa dạng trong đó Lào và Cam-pu-chia phải là đối trọng với Việt Nam”, một cách nhìn mà “sau cuộc ngừng bắn, đã trở thành một trong những hằng số của chính sách của Trung Quốc ở Đông Dương”.

 

Gioay-ô, người đã có một công trình nghiên cứu cực kỳ đồ sộ không chỉ về công việc hằng ngày của Hội nghị Giơ-ne-vơ mà cả về hậu quả của nó, nhận thấy rằng thái độ của Trung Quốc ở Giơ-ne-vơ là phù hợp với chính sách cổ truyền của Trung Quốc, dù là dưới chế độ hoàng đế, cộng hòa, hay xã hội chủ nghĩa. Thái độ đó hoàn toàn xa lạ đối với mọi khái niệm của chủ nghĩa quốc tế vô sản và tình đoàn kết cách mạng. Những việc làm đó hoàn toàn không xứng đáng với cái giá mà nhân dân Việt Nam, Lào và nhân dân Khơ-me đã phải trả. Gioay-ô viết :

 

“Chúng ta hãy tìm cách trả lời câu hỏi này. Liệu chính sách của Trung Quốc đối với Đông Dương năm 1954 là có gần gũi hay không với chính sách cổ truyền của đế chế Trung Hoa trong khu vực này?

Một trong những nét nổi bật nhất của chính sách đó là Trung Quốc thường xuyên muốn duy trì hòa bình ở sườn phía Nam bằng cách thiết lập một sự cân bằng dựa trên sự kình địch giữa các quốc gia khác nhau trong khu vực. Một “nền hòa bình kiểu Tàu” (pax sinica) giống như việc khử tác động của các lực ngược chiều. Một chính sách rất gần gũi với chính sách “chia để trị” cổ xưa ở hình thức sơ đẳng nhất, bằng lòng với việc chống bất cứ một ý muốn nào có thể phá vỡ thế cân bằng và buộc nó phải can thiệp trực tiếp. Nhằm mục đích đó, đế chế xưa kia luôn luôn quan tâm gìn giữ sự hài hòa trong quan hệ với các nước láng giềng hùng mạnh nhất, đồng thời duy trì quan hệ trực tiếp, càng nhiều càng tốt, với các nước láng giềng nhỏ yếu…

Trong thời gian Hội nghị Giơ-ne-vơ, ít nhất là trên ba điểm Trung Quốc đã ngăn cản mục đích của Việt Minh bằng chính sách cổ điển của họ. Trước hết, ngày 16 tháng 6, trong khi đề nghị tách vấn đề Lào và Cam-pu-chia khỏi vấn đề Việt Nam, Trung Quốc đã góp phần tăng cường tính chất đại diện của các chính phủ Vương quốc Viêng-chăn và Phnôm Pênh ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ; đồng thời làm tiêu tan những hy vọng của Việt Minh nhằm thành lập ở sườn phía Tây và Tây-Nam những chính phủ cách mạng trung thành với Việt Minh. Cũng như vậy, ngày 23 tháng 6, tại Béc-nơ, trong khi cho Măng-đét Phrăng biết rằng ông ta (Chu Ân Lai) sẽ thúc đẩy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhích lại gần Việt Nam của Bảo Đại, rồi ngày 19 tháng 7 tại Giơ-ne-vơ, trong khi đề nghị một thời hạn 2 năm để tổ chức tổng tuyển cử trên toàn cõi Việt Nam, Chu Ân Lai đã tỏ rõ ý của Trung Quốc là về phần mình: Trung Quốc không phản đối việc Việt Minh bị đàn áp ở miền Nam… Như vậy là, một Đông Dương mà cuộc cách mạng, cũng như quá trình thực dân hóa của Pháp trước đây, đã làm thống nhất lại, sẽ nhường chỗ cho một Đông Dương đa dạng, mà tượng trưng là bữa tiệc tối cuối cùng của Chu Ân Lai”.

 

Một ngày sau khi kết thúc Hội nghị Giơ-ne-vơ, ông Phạm Văn Đồng tiếp một nhóm nhà báo trong khu vườn tòa biệt thự dùng làm trụ sở của ông tại Véc-xoa, trên sườn đồi dẫn xuống hồ Lê-nan êm đềm tuyệt đẹp. Một trong những câu hỏi của chúng tôi lúc đó là: liệu Hoa Kỳ có thành công – như những người phát ngôn của họ đã bắt đầu lớn tiếng tuyên bố - trong việc biến Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 thành một Nam Triều Tiên từ vĩ tuyến 38, và biến giới tuyến quân sự tạm thời thành một ranh giới chia cắt vĩnh viễn hay không? Một nụ cười làm sáng gương mặt u buồn, khắc khổ của ông:

 

“Người Mỹ đến Giơ-ne-vơ với những kế hoạch của họ; chúng tôi có kế hoạch của chúng tôi. Trước tiên, họ không muốn có Hội nghị Giơ-ne-vơ. Thay cho việc ngừng bắn họ muốn mở rộng chiến tranh với sự can thiệp của Mỹ như ở Triều Tiên – Nhưng, như các bạn đã thấy, đã có ngừng bắn. Rồi các bạn sẽ thấy là chúng tôi sẽ thực hiện được việc thống nhất đất nước”.

 

Về những tin tức nói rằng Hoa Kỳ đang đổ đô-la vào để biến miền Nam thành một “Thiên đường” khiến cho nhân dân không muốn thống nhất, ông trả lời một cách tự hào:

 

“Không thể nào mua được bằng đô-la Mỹ một dân tộc đã từng không tiếc máu xương vì thống nhất và độc lập. Không thể nào duy trì được ở miền Nam – ngay cả bằng viện trợ Mỹ - một chính phủ công khai chống lại sự thống nhất của đất nước. Nhiệm vụ chủ yếu hiện nay là củng cố miền Bắc để gìn giữ hòa bình và thống nhất nước Việt Nam bằng tuyển cử tự do”.

 

Gương mặt ông lại trở lên u buồn và mắt ngấn lệ, ông nói chậm rãi “tôi không biết rồi chúng tôi sẽ giải thích như thế nào về tất cả những gì đã được quyết định ở đây cho đồng bào chúng tôi ở miền Nam”. Hai mươi sáu năm sau (tháng 4 năm 1980), tôi nhắc lại với ông việc này, và ông đáp:

 

“Chúng tôi lẽ ra đã có thể giành được hơn nhiều, nhiều lắm. Chúng tôi đã thỏa thuận trước với người Trung Quốc về mọi vấn đề - nhưng Chu Ân Lai đã họp kín với Măng-đét Phrăng, và tất cả đều bị thay đổi. Nếu lúc đó chúng tôi cứ tiếp tục chiến tranh, thì có lẽ chúng tôi đã thắng và được tất cả. Phải nói rằng người Trung Quốc đóng một vai trò cực kỳ nguy hiểm trong suốt cuộc thương lượng, và đã phản bội chúng tôi một cách đê tiện nhất”.

 

Việc các nhà lãnh đạo Việt Nam giữ gìn điều bí mật về vai trò của Trung Quốc tại Hội nghị Giơ-ne-vơ là một điều đáng khâm phục về tính thận trọng, ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết trong phe xã hội chủ nghĩa – nhưng cũng là một điều đáng tiếc là họ không thông báo rộng rãi trong một chừng mực nào đó những việc xảy ra sau hậu trường ở Hội nghị. Tôi đã từng theo dõi đưa tin về Hội nghị Giơ-ne-vơ, đã từng thường trú ở Hà Nội trong nhiều năm để đưa tin về việc thi hành các quyết định của Hội nghị, đã từng có vô số cuộc nói chuyện với Cụ Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Đồng, ông Võ Nguyên Giáp và những người khác, nhưng tôi chẳng hề được một gợi ý xa xôi nào về những gì xảy ra sau hậu trường ở Giơ-ne-vơ, cho mãi đến khi Trung Quốc đã phạm điều phản bội tột cùng bằng cách xâm lược Việt Nam!.

 

Rõ ràng là Việt Minh đã có những hy sinh đáng kể trong khi chấp nhận các Hiệp nghị Giơ-ne-vơ. Nhưng họ đã tạo nên ấn tượng rằng họ đã tự nguyện chấp nhận những hy sinh đó vì lợi ích của đường lối chung về “cùng tồn tại hòa bình” lúc đó đang thịnh hành trong thế giới xã hội chủ nghĩa. Hơn một phần tư thế kỷ sau, người phụ tá của ông Phạm Văn Đồng, khi  thông báo cho tôi về những gì đã thực sự xảy ra ở Giơ-ne-vơ bình luận.

 

“Chúng tôi đã học được một bài học lớn qua những mưu đồ của Trung Quốc – trong những cuộc thương lượng ngoại giao, điều quyết định là phải nắm chắc mọi việc trong tay mình. Đừng để cho người khác can thiệp vào! Chỉ thương lượng vì lợi ích của chính mình – Chính vì vậy mà tại Hội nghị Pa-ri chúng tôi đã giữ vững quyền kiểm soát – điều này làm cho người Trung Quốc hết sức bất bình. Chúng tôi đã tiến hành chiến tranh và có đủ khả năng lập lại hòa bình, hoặc ít ra là bảo đảm cho mình một thế thắng trong trường hợp phải cần đến một vòng nữa trên trường đấu.

Một điều mà Trung Quốc và Ních-xơn, Kít-xinh-giơ đã thỏa thuận trong các cuộc hội đàm ở Bắc Kinh đều nhằm áp đặt các điều kiện, để lợi dụng các chiến thắng của chúng tôi trên chiến trường. Nhân dân Trung Quốc là bạn của chúng tôi, và mãi mãi sẽ là bạn của chúng tôi. Nhưng những người lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đã lợi dụng xương máu của chúng tôi vì lợi ích của chính họ; dùng hình hữu nghị Việt – Trung vào những mục đích bành trướng của chính họ.

Vì những sự phản bội ở Giơ-ne-vơ, cuộc đấu tranh của chúng tôi đã phải kéo dài thêm 20 năm; những kinh nghiệm của chúng tôi về quân sự, chính trị và ngoại giao đã chứng minh một điều: phải tuyệt đối độc lập. Đây là một thực tế sống đụng đến xương máu của chính mình”.

 

Ngoài các khía cạnh khác, Hội nghị Giơ-ne-vơ còn là một cuộc thao diễn khổng lồ về đạo đức giả. Người Pháp và đồng minh của họ, vốn chưa hề gọi khu vực đó bằng cách nào khác hơn là “Đông Dương”, nay bỗng giơ tay kinh hãi khi phát hiện ra rằng các chiến sĩ giải phóng dân tộc cũng coi đó là một chiến trường chung, và họ đang chiến đấu chống mọi kẻ thù chung là thực dân Pháp, quan thầy của các “quốc gia liên hiệp Đông Dương”. Nếu điều này không phải là thực tế, thì tại sao lại có một Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương?

 

Một trong những lời tuyên bố kinh tởm, đạo đức giả nhất về mặt này là của ngài An-tô-ni I-đơn, đại diện của cường quốc đã giúp đỡ về quân sự và vật chất cho người Pháp trở lại Đông Dương sau chiến tranh thế giới thứ II. Sau đây là một đoạn trích trong tuyên bố của I-đơn tại Hội nghị Giơ-ne-vơ ngày 10 tháng 6 năm 1954, trong đó ông ta bác bỏ cả quyền của Khơ-me I-xa-rắc và Pa-thét Lào được tham gia hội nghị lẫn quyền của quân đội Việt Minh được chiến đấu trên đất Lào và Cam-pu-chia.

 

“Về chủng tộc, tôn giáo và văn hóa, nhân dân hai nước này khác hẳn nhân dân Việt Nam. Quân xâm lược Việt Minh không chỉ vượt qua một biên giới chính trị. Họ đã vượt qua biên giới ngăn cách hai nền văn minh lớn ở châu Á – văn minh Ấn Độ và văn minh Trung Hoa”.

 

Biểu hiện xuất sắc đó của “luật này cho người giàu luật khác cho người nghèo” vận dụng vào nền ngoại giao quốc tế lẽ ra đã thu hút được sự chú ý của báo chí, nếu như I-đơn đã không tiến hành trước những biện pháp nhằm che giấu vết chân của mình. Ông ta tiết lộ rằng ngay từ đầu phần bàn về Đông Dương của Hội nghị, trong một cuộc họp với quyền trưởng đoàn đại biểu Hoa Kỳ, Oan-tơ Bi-đen Xmít, và Ngoại trưởng Pháp, Gioóc-giơ Bi-đôn, ông ta đã đề nghị:

 

“Rằng các cuộc đàm phán phải được tiếp tục tại các phiên họp hẹp, bao gồm những người đứng đầu của cả chín đoàn đại biểu, mỗi người chỉ mang theo hai hoặc ba cố vấn. Sẽ không cung cấp cho báo chí một tường thuật nào về tiến trình đàm phán. Đề nghị này được tán thành, và hôm sau, Mô-lô-tốp và Chu Ân Lai cũng chấp nhận… Tình hình quân sự có thể buộc chúng ta nhân nhượng cộng sản ở Việt Nam, và họ muốn áp dụng những nhân nhượng này vào cả Lào và Cam-pu-chia. Chúng ta phải ngăn chặn điều đó bằng bất cứ giá nào. Một đằng là cuộc nội chiến ở Việt Nam, một đằng là việc Việt Minh trực tiếp xâm lăng Lào và Cam-pu-chia; không thể đề cập đến chúng trên một cơ sở như nhau”.

 

Vậy là, tại Giơ-ne-vơ, các cường quốc phương Tây, với sự đồng lõa của Trung Quốc, đã chia cắt, thậm chí xóa bỏ Đông Dương, với hy vọng tiêu diệt các lực lượng cách mạng ở Lào và Cam-pu-chia, và hạn chế thắng lợi của Việt Minh vào khu vực phía Bắc vĩ tuyến 17. Đây là một điều báo trước về những gì Trung Quốc sẽ làm năm 1975, khi họ tìm cách thuyết phục Việt Nam đừng mở cuộc tổng tiến công để thống nhất đất nước. Khi lời thuyết phục này thất bại, và cuộc tấn công đã thành công Trung Quốc bèn ủng hộ Khơ-me đỏ trong những cuộc phiêu lưu quân sự điên rồ chống Việt Nam, đồng thời dựng lên những tổ chức chính trị đối lập ở Lào, nòng cốt là những lính đánh thuê người Mèo thừa hưởng của CIA, nhằm “chia để trị” các nước trước đây thuộc Đông Dương.

 

Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định rút lực lượng Việt Minh khỏi Cam-pu-chia. Điều đó tất yếu có nghĩa là phần lớn lực lượng Khơ-me I-xa-rắc, vốn gắn bó, xen kẽ một cách chặt chẽ với họ, cũng phải rút đi. Nếu họ ở lại Cam-pu-chia, họ sẽ bị đặt vào một thế yếu không thể nào chịu nổi. Trong thời gian 300 ngày để quân đội và cán bộ Việt Minh rút ra phía Bắc vĩ tuyến 17 và quân đội viễn chinh Pháp rút vào phía Nam vĩ tuyến 17, đại bộ phận quân đội và cán bộ Khơ-me I-xa-rắc cũng đã rút ra Bắc Việt Nam”.

 

Thay lời kết:

 

21 năm sau, trong những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975 lịch sử, “Những người thân cận tướng Dương Văn Minh ở Dinh Độc Lập nhớ lại mấy sự kiện này. Vào sáng sớm có một đơn vị thiết giáp đến vây quanh dinh, viên chỉ huy đề nghị tướng Minh tử thủ. Ông từ chối và thuyết phục họ rút đi. Ông cũng làm như vậy với nhóm biệt kích Lôi Hổ đằng đằng sát khí. Cuối cùng, một số sĩ quan cao cấp hải quân đến mời tướng Minh xuống tàu chạy đi, ông cũng từ chối. Lát sau viên tướng Pháp đội lốt ký giả Francois Vanuxem hối hả vào xin gặp tướng Minh và nói với họ: “Hãy rút về Cần Thơ, cố thủ Vùng 4 chiến thuật, chỉ vài ngày nữa thôi thì Trung Quốc sẽ áp đặt giải pháp trung lập hóa Miền Nam”. Tướng Minh than: “Hết Tây đến Mỹ, chẳng lẽ bây giờ còn đi làm tay sai cho Tàu nữa sao !”(3).

 

 

CHÚ THÍCH:

(1) Wilfred G. Burchett, China, Cambodia, Vietnam Triangle, Vanguard Books, 1982.

(2) Uyn-phết Bớc-sét, Tam giác Trung Quốc – Campuchia – Việt Nam, NXB TTLL, HN, 1986.

(3) Trích: Nguyễn Hữu Thái, Dương Văn Minh và tôi.

http://www.baodatviet.vn/Home/Duong-Van-Minh-va-toi/20084/6076.datviet

Đinh Kim Phúc
Số lần đọc: 3384
Ngày đăng: 28.06.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đài loan hoàn toàn không có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Đinh Kim Phúc
LỊch sử và sự công bằng - Đinh Kim Phúc
Game Over! - Đinh Kim Phúc
Vì sao Greenland lại chủ trương độc lập với Đan Mạch? - Nguyễn Văn Toàn
Một số Kỷ Lục Việt Nam trên đất Bà Rịa-Vũng Tàu xưa nay - Đinh Văn Hạnh
Tinh Thần 4 Tốt và Yêu Sách của Thiên Triều - Đinh Kim Phúc
Trả lại công bằng cho lịch sử - Hà văn Thùy
Láng Giềng Hữu Nghị hay Bá Quyền Nước Lớn - Đinh Kim Phúc
Ranh giới lưỡi bò . - Đinh Kim Phúc
Đường Ranh Giới Lưỡi Bò của Trung Quốc ở Biển Đông là Bất Hợp Pháp - Đinh Kim Phúc
Cùng một tác giả
Game Over! (lịch sử)
Đọc thơ xưa (tạp văn)