Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
573
115.975.171
 
Ngôi nhà trên sườn đồi
Nguyễn Minh Phúc

Mưa dai dẳng. Bầu trời u ám màu trắng đục. Những ngôi nhà trên sườn đồi như chìm vào màn mưa. Chiều xuống càng ảm đạm hơn. Không gian buồn tẻ và đơn điệu không nghe gì ngoài tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà,tiếng gió xào xạc từ khu rừng thưa thổi về. Hiền bó gối nhìn trời mưa rả rích qua khung nhỏ đan bằng mấy mãnh tre ghép lại trong ngôi nhà được làm cho giáo viên lên công tác vùng cao. Hôm nay chủ nhật, lại một chủ nhật buồn. Quanh đi quẩn lại ở đây không còn ai. Thuỷ, đồng nghiệp nữ duy nhất của cô đã xin phép về xuôi cả tuần rồi chưa lên. Chắc cô ấy đã ở lại luôn dưới ấy. Giáo viên không ai chịu trụ lại nơi vùng núi heo hút nầy quá một năm trừ nam giới. Những căn nhà mái tranh dựng tạm bợ, đám học trò bửa học bửa nghỉ, nắng như thiêu đốt còn mưa thì kéo dài, rả rích hàng tuần không dứt hột. Thời tiết khắc nghiệt lại buồn, ngoài buổi lên lớp lèo tèo vài chục học sinh còn chủ nhật thì chẳng ai lai vảng. Khu trường trống hoác, chỏng chơ mấy cái bàn cột tạm bợ bằng dây mây và chiếc bảng đen đứng chơ vơ góc lớp.


Như muốn làm nản lòng mọi thứ, mưa càng lúc càng nặng hạt. Cầm trên tay tập sách, Hiền không đọc được chữ nào. Cô nhìn ra khoảng sân rộng trước mặt. Những dòng nước trôi rả rích thành từng lạch nhỏ, cuốn phăng mớ giấy vụn và lá mục trôi bềnh bồng từ xa như những chiếc thuyền lấp loá trắng. Dòng nước uốn lượn vòng vèo để cuối cùng nhập vào một con lạch nhỏ túa ra khoảng sân rộng thành dòng lớn và ào xuống khoảnh đất thấp cạnh đấy. Cô hình dung cuộc đời mình. Giống dòng nước kia, rồi chẳng đi đến đâu cả, trôi tuồn tuột không có điểm dừng! Đang sống sung sướng trên thành phố với người thân, sau khi ra trường tự nhiên lại quyết định đâm đầu về nơi khỉ ho cò gáy nầy chỉ vì chút tự ái cỏn con của một phụ nữ có chút ít nhan sắc. Chuyện cũng đơn giản. Hoàng , tay trưởng phòng giáo dục vừa ly dị vợ, thích cô và nếu cô đồng ý chỉ cần gật đầu làm vợ gã thì chiếc ghế giáo viên ở một ngôi trường trung tâm thành phố là của cô. Nhưng không hiểu sao cô lại chẳng có chút cảm tình nào với gương mặt phì nộn, béo trùng trục và cái bụng to phè kia. Cả nhà ai cũng nói cô dại! Biết làm sao khi Hiền không thể nào chịu nổi đến năm phút ngồi gần tấm thân phì nộn ấy … Để rồi, khi cô nói thẳng không đáp ứng theo yêu cầu thì ngay hôm sau, cô đã nhận quyết định về vùng núi heo hút, cách thành phố hàng trăm cây số.


Cũng may, cô có một học sinh gái tên Nhuỵ. Cháu mới mười tuổi, dễ thương, ngoan ngoãn, học mới hết lớp hai thì xin nghỉ vì mẹ mất sớm, nhà nghèo. Động viên mãi, cháu mới đi học lại nhưng đâu được vài hôm thì không thấy đến lớp nữa. Cô bé có đôi mắt sáng, thông minh nhưng gầy nhom, ít nói giờ học cứ xin ngồi vào bàn cuối cùng, cũng không hiểu vì sao. Từ khi cháu nghỉ học, mỗi khi nhìn về phía cuối lớp, chỗ của Nhụy giờ trống chỗ, Hiền lại bồi hồi nhớ đến dáng dấp lẻ loi, cam chịu của cô học trò nhỏ. Không nén nỗi bức xúc, ngay chiều hôm sau Hiền quyết định đến nhà thăm và tìm hiểu nguyên nhân, cố thuyết phục gia đình cho cô bé đi học lại một lần nữa.


Hỏi thăm mãi, cuối cùng cô cũng đến nơi sau khi đi quanh quẩn hồi lâu trên những lối đi đầy cỏ dại. Một ngôi nhà nhỏ trên sườn đồi hiện ra trước mắt cô trong buổi chiều xuống chậm, nắng tắt dần trên những bụi tre cao. Chung quanh nhà không bóng người, quạnh quẽ và im ắng. Bước chân vào sân, kêu to lên mấy tiếng mới có giọng trả lời từ phía sau căn bếp. Một chiếc bóng nhỏ chạy ra, trên tay còn cầm chiếc quạt mo cau, mặt mũi đỏ lựng. Hiền nhận ngay ra Nhụy, cô học trò nhỏ của mình . Ngẩn người ra một lát,


Nhụy mới kêu lên mừng rỡ, chạy ùa tới ôm cô:

- A! Cô giáo mới đến chơi! Em chào cô ...

Hiền nhìn vào mắt cô bé, giọng xúc động:

- Em ... Em đang làm gì đấy ...

- Em đang nấu cơm cho ba! Ba em đi rẫy, chiều tối mới về ...Mời cô vào nhà uống nước ...


Hiền đi theo cô bé. Bước qua khung cửa tre ọp ẹp và mục nát, đập vào mắt cô một bàn thờ xiêu vẹo trên đó là khung hình một phụ nữ chừng ba mươi tuổi, gương mặt toát lên vẻ nhân hậu nhưng gầy ốm, khắc khổ. Những cây chân nhang vàng úa đựng trong chiếc lư hương bám đầy bụi và củ kỷ làm ngôi nhà càng thêm ảm đạm, quạnh quẽ.


Nhụy chỉ tay vào bàn thờ , khẽ nói với cô:

- Má em đấy ... Má mất khi em mới lên tám ... Hai năm rồi ...Má bị bệnh ung thư ... Mà ung thư là bệnh gì vậy cô, em nghe người ta nói mà không biết ...


Hiền ngồi xuống chiếc ghế đen xỉn, đưa mắt nhìn toàn bộ căn nhà cô học trò nhỏ. Chẳng có gì ngoài bộ bàn ghế cũ và chiếc giường tre kê sát ở góc, chắc cũng là nơi học tập của cô bé nên còn vài quyển vở nằm lăn lóc trên ấy. Anh nắng chiếu xiên qua những chỗ dột trên mái nhà thẳng xuống chỗ cô đang ngồi làm thành những quầng sáng soi rõ khuôn mặt cô gái giương đôi mắt thơ ngây chờ nghe cô trả lời.

Sau khi uống ly nước lọc do Nhụy mang lên , Hiền khẽ khàng:

- Cô muốn gặp ba em để trao đổi việc nên cho em đến lớp học. Cô biết nhà em đang gặp khó khăn nên muốn đến đây tìm hiểu xem có giúp gì được không. Cô muốn em đi học trở lại ...

Cô bé mở to mắt nghe cô nói và cất giọng buồn buồn :

- Em cũng muồn đi học lắm cô ạ, nhưng ba em bảo nhà không có ai ... Vả lại, cô biết đấy, nhà em nghèo quá ...

- Thường ở nhà em làm gì ? Hiền hỏi .

- Sáng em dọn dẹp nhà, nấu cơm cho ba mang đi rẫy. Chiều có khi rãnh em vào xóm gánh nước, giặt đồ cho mấy chú kiểm lâm. Buổi tối thì tiếp ba lẩy bắp hay sàn lúa cho tới khuya. À ! Mà mấy chú kiểm lâm tốt lắm! Lâu lâu mấy chú ấy cho em tiền. Em mua kem đánh răng cho ba, mua nhang thắp cho má và còn dư mua bánh kẹo cho con bà cùi.

- Bà cùi nào ? Hiền hỏi .


Nhụy cười ỏn ẻn :

- Cuối xóm em có mẹ con bà cùi, không ai dám đến nhà họ cả. Mẹ con họ không có gì ăn, tội nghiệp. Thỉnh thoảng em ghé mua cho đứa bé ít bánh kẹo. Nó mừng lắm. Bà mẹ nó thì cứ nhìn em mà khóc ... Sao vậy cô ?


Hiền nghe mà ứa nước mắt. Chuyện gì nó cũng đặt câu hỏi ngô nghê nhiều khi cô không trả lời được. Chẳng ngờ Nhụy còn nhỏ mà làm được nhiều việc nhưng cực khổ quá. Điều làm cô cảm động nhất là cô gái chỉ muốn lo cho người khác. Cô vuốt tóc Nhụy, mái tóc vàng hoe, khét nắng và trên trán những giọt mồ hôi túa ra ướt đẫm.


Đúng lúc ấy ba Nhụy về. Người đàn ông có khuôn mặt thân thiện, dáng thấp đậm, nước da đen nhẻm, xăm xăm vác cây cuốc dính đầy bùn đất từ ngoài cổng bước vào. Chợt thấy cô, anh ngạc nhiên khựng lại một lát. Mãi sau khi nghe con gái giới thiệu, anh cười thân thiện :

- Chà! Cô giáo cháu tới chơi không báo trước nên cha con tôi không đón được. Tôi là ba của Nhụy, tên Hậu. Thỉnh thoảng tôi có nghe cháu nói về cô. Anh quay sang nói với đứa con gái. Con vào sau luộc mấy củ khoai mời cô. Ai lại cô giáo tới mà không đãi cô thứ gì ! Mời cô ngồi, đợi một lát tôi rửa ráy rồi lên thưa chuyện ...


Hiền ngồi chờ trong tâm trạng phập phồng. Không biết rồi ba cháu có nghe lời thuyết phục của mình không? Cô nghĩ cách làm thế nào giải thích cho suôn sẻ việc xin Nhụy được đi học lại. Chỉ một lát, Hậu bước lên. Sau khi mặc bộ đồ mới, anh chững chạc hẳn, mái tóc được chải thẳng trông trẻ ra và nhìn kỹ, gương mặt anh toát lên vẻ hiền lành , cương nghị. Hai người ngồi trước rổ khoai bốc khói bàn chuyện Nhụy. Hậu cứ gãi đầu, xuýt xoa:

- Thật phiền cô giáo đã cất công đến đây. Nhưng cô biết đấy, gia đình tôi đơn chiếc quá, chỉ có hai cha con. Không phải tôi không muốn cho cháu đi học nhưng thật ra ...

Hiền không đợi cho anh nói hết câu, cô nhỏ nhẹ :

- Tôi biết hoàn cảnh gia đình anh trước khi đến đây. Nghe nói mẹ Nhụy mất sớm vì bệnh nặng, tôi thành thật chia buồn. Nhưng dù sao, anh nên suy nghĩ lại và cho cháu tiếp tục học. Công việc thì có thể trì hoãn lần hồi nhưng việc học của cháu mất đi, không lấy lại được. Hơn nữa, tôi biết Nhụy là đứa ham học, ngoan ngoãn, có hướng tiến bộ rất tốt. Cháu nghỉ học là thiệt thòi lớn mà trước hết thuộc về anh ...

Câu chuyện cứ thế tiếp tục. Một người cố thuyết phục cho cô học trò được đi học còn người kia thì phân vân, lưỡng lự. Nhụy đứng dưới chái bếp hồi hộp đợi. Nó tha thiết mong được đi học nhưng còn ý kiến ba nới mới quyết định. Nhưng dù ba đồng ý hay không, nó cũng cám ơn cô giáo. Từ đâu đó trong lồng ngực, cơn xúc động tràn về, đầy ăm ắp trong trái tim non trẻ. Nó ước có cô giáo luôn bên cạnh quan tâm, chăm sóc như má nó. Từ rất lâu rồi nó thiều thứ tình cảm nhẹ nhàng, sâu thẳm của người đàn bà đằm thắm gần gũi, yêu thương. Ôi, ước gì ... Nó khấn thầm trong miệng...


Rỗ khoai lang trước mặt nguội dần mà cô giáo chẳng đụng vào. Câu chuyện tiếp tục nhưng lần nầy, chuyển sang vấn đề khác. Hiền hỏi thăm về gia đình, hoàn cảnh sống hiện nay của hai cha con. Không hiểu sao, Hiền thích cách nói chuyện vụng về của anh chàng nông dân chất phác, thật thà nầy. Trong câu chuyện Hậu kể, đời anh hình như luôn gặp nhiều mất mát, thua thiệt từ lúc nhỏ. Nhà nghèo, lam lũ cơ cực nuôi cha mẹ và em gái cho đến khi cha mẹ mất, lấy vợ sinh con, nghèo vẫn hoàn nghèo. Vợ chẳng may lại mất sớm, đau đớn lắm nhưng anh cố gượng đứng dậy làm lụng vất vả gà trống nuôi con. Từ trong trái tim mẫn cảm, như có điều gì rất lạ dâng lên cứ làm Hiền bồi hồi, xúc động sau câu chuyện đời anh. Cô không biết nỗi xúc động ấy là gì nhưng nó cứ dịu dàng theo cô vào những giấc ngủ, những đêm khuya khoắt ngồi soạn bài trong phòng vắng, những giờ lên lớp với học sinh ở ngôi trường vùng cao có những ngôi nhà trên sườn đồi trước mặt .

Bắt đầu những hôm sau đó, trong đám học sinh của cô lại có Nhụy.


*


Học hết kỳ một, tình cảm giữa hai cô trò trở nên thắm thiết. Hiền thương cảm cô học trò mồ côi, chăm ngoan học giỏi và càng ngày như sâu đậm hơn. Những giờ lên lớp, cô chăm chú nhìn Nhụy, chỉ cho nó học, giúp nó làm bài. Sau giờ học, cô thường đưa Nhụy về phòng mình, chăm chút chải đầu, tắm gội cho nó. Không hiểu sao cô muốn được lo lắng, chăm sóc và ưa nhìn vào đôi mắt thơ ngây, rân rấn nước mắt nhìn cô. Từ khi Nhụy đi học lại, Hiền tỏ ra vui vẻ hẳn, những buồn nản lo âu biến mất. Cô học trò nhỏ mang cho cô niềm hạnh phúc khó giải thích được. Những ngày nghỉ, Hiền thấy nhớ và mong lại được gặp Nhụy. Có điều gì làm cô rưng rưng xúc động khi nghĩ về cô gái đang sống côi cút, lặng lẽ với dáng đi lầm lũi, tội nghiệp trong ngôi nhà trống trãi, thiếu thốn cô đã một lần ghé vào.


Một vài tuần, ngày chủ nhật, Hiền lại đến thăm Nhụy. Gian nhà nhỏ của hai cha con như ấm áp hẳn khi cô đến. Nhụy ríu rít, mừng rỡ chạy tận cổng ôm cô, đem hết món nầy đến món khác mời cô giáo ăn cho bằng được. Thật ra cũng chẳng có g, khi thì là vài trái bắp nướng, khi nồi khoai luộc, mấy trái chuối mà ba nó trồng được ngoài rẫy. Cô bé giương cặp mắt ngây thơ nhìn cô giáo chằm chằm như chỉ sợ cô bỏ về nửa chừng. Có hôm, nó còn rủ cô đi thăm hai mẹ con người cùi ở cuối xóm. Hai người cứ lững thửng dắt tay nhau đi hết chỗ nầy đến chỗ khác trong ngôi làng nhỏ trên sườn đồi. Những tiếng cười rộn rã, những câu hỏi thơ ngây, ngộ nghĩnh của cô học trò nhỏ gieo vào lòng Hiền niềm hạnh phúc vô biên. Hóa ra, hạnh phúc đâu có gì lớn lao, to tát lắm, nhiều khi Hiền nghĩ vậy. Đầy ăm ắp trong cô những niềm vui tràn đầy, dào dạt. Thế giới tuổi thơ từ cô bé hiện về đâu đó, rõ mồn một. Tuổi thơ Hiền thì khác, không buồn tủi như cô học trò yêu của mình. Cô lớn lên trong một gia đình khá giả, được cha mẹ cưng chiều, thương yêu, lo học hành đến nơi đến chốn. Nghĩ đến đó, nhìn lại Nhụy và nỗi đau mất mẹ, gia đình nghèo khổ, cô rưng rưng nước mắt.


Thỉnh thoảng cô mới gặp Hậu. Anh ít khi có mặt ở nhà, phần lớn thời gian làm rẫy lại hiền lành, ít nói. Có hôm, cô nhận lời ở lại nhà Nhụy, hai cô trò cùng nấu cơm ăn. Anh về, nỗi vui bừng lên trên gương mặt đen đúa khắc khổ. Hình như lâu lắm, nhà mới lại có một người phụ nữ ngồi cùng ăn chung với cha con anh. Hai bàn tay anh run run gắp thức ăn cho cô giáo, đôi mắt ngân ngấn nước. Hiền cũng xúc động không kém gì anh. Chỉ có bé Nhụy là vui nhất. Nó tíu tít đòi bới cơm, gắp thức ăn cho cả hai người. Chiều xuống chậm trong ngôi nhà nhỏ ven sườn đồi như cố nắm níu niềm hạnh phúc mà cả ba người đều mong muốn kéo dài như thế.


*


Gần hết năm học thì Hiền quyết định ở lại trường làm bạn bè đồng nghiệp ai cũng ngạc nhiên. Thật ra, cô đang lo lắng khi được tin bé Nhụy sốt cao mấy ngày nay, bỏ ăn uống và vồng ngực sưng tấy lên. Hậu cũng bỏ cả công việc ngoài rẫy, suốt ngày ngồi chăm con trên giường bệnh. Ở vùng núi, thuốc men thiếu thốn, không có bác sĩ nên anh chuyển bé vào bệnh viện huyện cách đó không xa. Hiền cùng đi với hai cha con vào viện mà trong lòng như lửa đốt. Bé Nhụy nằm mê sảng trong cơn sốt ập đến. Khi tỉnh lại, bất chợt thấy Hiền, nó ngước lên nhìn cô giáo mà không nói được câu nào, mắt đẫm nước. Cái dáng dấp gầy guộc nhỏ bé của nó co quắp chịu đựng cơn đau khiến cô không cầm được nước mắt.


Cả cô và Hậu dường như choáng váng khi bác sĩ kéo hai người ra ngoài phòng cho biết cháu bị bệnh ung thư di căn, căn bệnh nan y giống má cháu ngày trước, không cách gì cứu được. Hậu như chết lịm khi nghe tin nầy. Anh suy sụp, đau đớn nhìn đứa con yêu dần đi vào cơn hôn mê lần cuối.

Nỗi đau lớn quá. Hiền như không đứng vững bế Nhụy trên tay khi cháu chỉ là một cái xác không hồn.


Trong đầu óc mụ mị, ong ong của cô, tiếng cười rộn ràng của Nhụy vang lên từ đâu đó, những câu hỏi thơ ngây mới đây còn bật lên trên miệng cháu. Cô quỵ xuống đột ngột và một bàn tay đàn ông đỡ cô lên. Bàn tay run run của Hậu.


*


Bây giờ, ngôi nhà trên sườn đồi lại thêm một bàn thờ nhỏ. Cô bé có đôi mắt đen nhánh, thân hình gầy guộc được ở sát bên má hàng ngày vẫn như mĩm cười với cô giáo của nó. Hiền về sống chung với Hậu sau một bửa tiệc đơn giản, chỉ mời một ít người thân và gia đình cô từ thị xã xuống chứng kiến.


Mùa mưa năm nay đến sớm. Lại những ngày dầm dề, nước từ trên núi cao đổ xuống làm thành những con lạch nhỏ cuốn theo những chiếc lá mục trôi theo dòng suối đục ngầu. Nhưng Hiền không cảm thấy cô đơn. Cạnh cô là tình yêu chân thành của Hậu, là lớp học vùng cao với những đứa trẻ đang cần cô. Cả đđứa học trò nhỏ trong tấm ảnh trên tường ngày ngày nhìn cô mĩm cười hạnh phúc.


Nước vẫn róc rách, lặng lẽ chảy băng qua sườn đồi có ngôi nhà nhỏ quạnh hiu trong những buổi chiều mưa không ngớt./.

Nguyễn Minh Phúc
Số lần đọc: 2605
Ngày đăng: 20.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Câu chuyện về AK và lòng nhân đạo - Zozulia Efim
Tôi đã gặp mẹ - Csáth Géza
Truyện ngắn ngắn – 4 - Đỗ Ngọc Thạch
Những gã thợ săn - Trương Văn Dân
Chim chuyền buội ớt - Mang Viên Long
Rừng mê - Hoa Ngõ Hạnh
Mù tăm - Trần Đức Tiến
Ngày phán xử cuối cùng - Phạm Nguyên Trường
Thủ trưởng - Huỳnh Văn Úc
Ngày đó - Lê Văn Thiện
Cùng một tác giả
Đứa con trên cát (truyện ngắn)
Chai rượu tắc kè (truyện ngắn)
Người khóc mướn (truyện ngắn)
Gã đạo tỳ (truyện ngắn)
Con thỏ bông (truyện ngắn)
Hoa huệ trắng (truyện ngắn)
Đêm vô cùng (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Người sợ đàn bà (truyện ngắn)
Chiếc ghế (truyện ngắn)
Người hoang tưởng (truyện ngắn)
Người của biển (truyện ngắn)
Tiếng hát bay xa (truyện ngắn)
Hoa Dã Qùy vàng (truyện ngắn)
Tiếng đàn kìm (truyện ngắn)
Nhan sắc mùa xuân (truyện ngắn)
Đêm biển động (truyện ngắn)
Có thật vậy không ? (truyện ngắn)
Người đàn ông cùi (truyện ngắn)
Sông trôi về đâu (truyện ngắn)
Tấm ảnh (truyện ngắn)
Cái tát (truyện ngắn)
Cõi người (truyện ngắn)
Cuốn sách còn lại (truyện ngắn)
Người cùng nhóm máu (truyện ngắn)
Cơn mưa nghịch mùa (truyện ngắn)
Sát na (truyện ngắn)
Gió rừng u minh (truyện ngắn)
Viên ngọc trai (truyện ngắn)
Mây của trời (truyện ngắn)
Đờn ca tài tử (truyện ngắn)
Mùi của đàn ông (truyện ngắn)
Khúc lý chiều chiều (truyện ngắn)
Chùm hoa tím (truyện ngắn)
Đời không là … (truyện ngắn)
Mùa Nước Nổi (truyện ngắn)
Dáng Núi (truyện ngắn)
Bến Tình (truyện ngắn)
Bùa mê (thơ)