Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
585
116.445.755
 
Chim chuyền buội ớt
Mang Viên Long

Chim chuyền buội ớt líu lo

Lòng thương em bậu ốm o gầy mòn

Ca dao

 

 

Tôi được chỉ định đi “ăn giỗ” thay cho cha tôi đang đi công tác xa, mẹ và chị kế của tôi phải thay nhau  trực ở bệnh viện vì bà Ngoại tôi phải nhập viện hơn tuần nay rồi. Ngoài lý do ấy, Mẹ tôi còn bảo tôi là con trai – cháu đích tôn – sẽ thay cha mẹ lo việc cúng kiếng lễ lộc sau này cho gia đình khi cha mẹ già hay qua đời… Hai người chị lớn của tôi đã có chồng, ở quanh quẩn trong thành phố này – nhưng từ ngày ra đi có chồng dường như cả hai đang dần dần vắng mặt trong các ngày cúng giỗ ở quê… Việc vắng mặt của hai chị, cũng đã được bà con họ hàng cảm thông dễ dàng bởi vì là “con gái”. Con gái là “ngoại tộc”. Con gái còn lo cho nhà chồng. Con  gái bận bịu con nhỏ. Con gái đi xa khó khăn…

Tôi là con trai út, duy nhất trong gia đình – nên tôi phải tham dự, phải tập tành cúng kiếng nghi lễ, để mai sau còn phải lo cho gia đình, dòng họ, thay thế cho ông bà, cha mẹ ! Cha mẹ tôi thường bảo như vậy.

Thấy tôi còn ngồi bên chiếc máy vi tính, chần chừ chưa chịu đi thay áo quần – chị My – chị kế của tôi, rầy :

-Sao, em không chịu chuẩn bị đi còn ngồi ôm cái máy vậy ?

Tôi cười : “Về đến An Cửu chỉ có gần ba mươi cây số, em chỉ cần nửa giờ là có mặt ngay – bây giờ mới chín giờ …”

-Em về An Cửu để lo việc cúng giỗ hay chỉ “ăn giỗ”?.

-Mẹ bảo đi “ăn giỗ” kia mà !

-Em là ai ? Là khách chắc ?

-Là “chắc nội” của ông Cố…

-Vậy em phải lo về sớm, phụ việc với Cậu Mợ Ba – rồi mới cúng được chứ ?

Mẹ tôi nghe được, góp vào : “Là con gái thì phải về sớm để lo việc bếp núc nấu nướng, em là con trai – cho nó về muộn một chút cũng được,  My à!”.

Nhưng tôi đã đi . Đi sớm theo lời của chị My, bởi chị ấy nói có lý. Tôi về quê để “lo” đám giỗ, chứ không phải “ăn” đám giỗ. Phải lo trước, rồi mới ăn sau. Từ xa lâu ngày mới về quê, chẳng làm được chút tích sự gì, là xáp vào ngồi ăn cỗ liền – thì coi sao được? Con gái có việc của con gái. Con trai có việc của con trai. Đâu phải là đàn ông con trai rồi thì phó thác hết cho đàn bà con gái ? Buổi tối nghe mẹ phân công, tôi cũng ngại đi giữa trưa hè nắng như thiêu đốt, nên chần chừ : “Con trai về có làm được gì đâu mẹ?” – Chị My lên tiếng ngay : “Em lười thì không có việc, chứ em siêng – thì sẽ có khối việc ở dưới ấy mà làm …”. Tôi đã chịu thua. Chị My chỉ lớn hơn tôi ba tuổi, nhưng “cái khôn” của chị thì “lớn” hơn tôi nhiều !

 

Sau khi chào hỏi họ hàng bà con ngồi ở gian nhà khách, nhà giữa – tôi lủi ra phía nhà sau.

Mợ Ba nhìn thấy tôi trước.

-Cháu Hưng mới về hả cháu? Có ba má cháu về không?

Tôi thưa :

-Ba cháu đang đi công tác ở Saigon. Má cháu với chị My lo cho bà Ngoại ở bệnh viện…

-Bà Ngoại chưa đỡ sao, cháu !

Tôi cười dè dặt: “Bệnh già mà mợ! Khỏe đó rồi đau đó…”. Mợ Ba đang xào nấu món gì ở bếp – khói bay nghi ngút. Trong gian nhà bếp không mấy rộng rãi, tôi đếm có đến ba lò lửa đang được các bà, các cô chế biến thức ăn – mùi dầu, hành tiêu ớt tỏi xông lên thơm lừng… Ngồi quanh mấy bà là ba cô gái phụ việc, đang múc thức ăn ra tô, ra dĩa, sắp dài trên tấm phảng gỗ thấp. Tôi chú ý đến cô gái đang thái từng lát chả, cắt thành cánh hoa, sắp đặt khéo léo trên chiếc dĩa bàn to. Giữa mỗi dĩa, cô cắt những trái ớt to thành chiếc hoa nhiều cánh - trải rau xanh chung quanh.

Mợ Ba chợt quay lại phía tôi : “Mời cháu lên nhà trên uống nước với mấy bác, mấy chú!”.

Tôi cười : “Cháu muốn ở đây học việc!” – Tôi đi lại phía cô gái trạc hai mươi hai tuổi trông nhu mì, sáng lán đang chăm chút thái chả, cắt hoa, bày biện lên dĩa. Một bà đang ngồi ở chiếc lò than rực lửa cạnh mợ Ba mà tôi không biết rõ mối quan hệ- ngẩng lên nhìn tôi – cười lớn : “À, được rồi! Cháu lại chỗ con Lài để nó dạy cho thái chả, cắt hoa… mai mốt có vợ về dạy lại cho nó. Con gái bây giờ đuỗng lắm!”.

Lài dừng tay, ngước nhìn tôi. Đôi mắt nàng to, đen láy – đượm buồn . Tôi kéo chiếc ghế thấp, ngồi cạnh nàng. Đôi bàn tay thon, ngón dài, trắng muốt – ngón đeo nhẫn có chiếc nhẫn bằng ngọc xanh. Tôi thầm nghĩ, với đôi bàn tay tròn đầy, mềm mại, ngón búp măng thế này thì cuộc đời không thể khổ được ! Ở nơi thôn quê hẻo lánh, nghèo khó mà còn có được bàn tay như thế thì thật là hiếm.

Tôi kiếm chuyện hỏi:

-Em bà con thế nào với cậu mợ Ba ?

Nàng liếc nhìn tôi – cái nhìn tuy thoáng lướt qua, nhưng tôi cũng kịp nhìn thấy nơi đôi mắt long lanh ấy một nỗi ngạc nhiên thú vị : “Em gọi mợ Ba của anh bằng Dì…”.

-Em ở gần đây chứ ?

-Gần đây – nàng ngập ngừng – em ở bên cầu chữ Y xã Nhơn Hạnh…

Mợ Ba đã rời bếp – đứng dậy, chuẩn bị cùng ba cô gái phụ việc bưng từng món thức ăn lên gian nhà thờ đang được cậu Ba cẩn trọng rót đầy từng ly rượu đặt trên ba bàn thờ.

Là cháu đích tôn, quanh năm Cậu lo chu tất mấy đám giỗ - cẩn trọng trang hoàng từng bàn thờ - trông cậu như già đi trước tuổi. Cậu lì xì, hiền khô – nhưng cuộc đời cũng phải qua ba đời vợ mới yên. Mợ Ba đây là đời vợ cuối vì cậu đã trên sáu mươi rồi !. Mợ cười” “Sao? Nãy giờ học được chút gì chưa ?” – “Chưa. Cô Lài khó tính dấu nghề mà mợ !” –“Cô giáo đấy cháu à ! – Thầy thuốc với thầy giáo thì cũng xứng rồi!”.

Tôi hỏi :

-Em dạy học à ?

-Dạ !

-Em cẩn thận quá! Rồi tất cả cũng vào trong dạ dày thôi mà ! Lài lại ngước lên nhìn đứng vào mắt tôi – lần này thì lâu hơn lần trước : “Người ta còn “ăn” bằng mắt, bằng mũi, và cả bằng tai nữa chứ anh!”.

Tôi cầm một trái ớt to vừa được Lài cắt tỉa xong lên ngắm : “Ngay cả chuyện ăn uống mà cũng đã “rắc rối” rồi, em nhỉ!!”.

Lài âm thầm cười.

 

Tôi xin phép rời bàn ăn sớm vì không cầm cự nổi với chuyện uống rượu. Trong bàn tròn của tôi, lại toàn là những hũ rượu! Trông họ bưng ly rượu bọt Bàu Đá trút vào miệng cái “ực” lẹ làng, ngon lành – tôi đành chịu thua! Tôi cũng không “bắt nhịp” được với những câu chuyện mùa màng giống má, và những cuộc “đụng độ” với thằng Bảy, ông Đực nào đó… Tôi có cái nao nức gặp lại Lài, nếu trễ - có thể nàng sẽ đi mất. Con chim bay rồi thì khó lòng má bắt được?

Người đàn ông già nhất trong bàn cỗ - có lẽ là “vai vế” trong dòng họ cũng lớn – mà tôi gọi là “ông Thừa” thấy tôi xin phép đứng dậy – khoa tay nói lớn : “cháu nó là thầy thuốc – bác sĩ – chắc là sợ chết hơn bọn già mình – để cho cháu  nó tự do…”.

Tôi ấp úng : “Cháu chưa quen chứ không phải sợ chết! Có ai sợ chết mà tránh khỏi thần chết đến đâu, thưa ông !”.

Lài đang ngồi ăn ở tấm phảng thấp – một mình. Dĩa đậu chiên. Tôi rau luộc. Và một chén xì dầu. Tôi ngạc nhiên hỏi mợ Ba : “Hôm nay là ngày Rằm, ăn chay sao mợ?”.

-Ông nội mất ngày cuối tháng ba âm, cháu Lài nó không ăn thịt cá được từ thuở bé đến giờ…

Tôi đến ngồi đối diện Lài, xem nàng ăn. Có mặt tôi, nàng có vẻ e ngại. Tôi cười: “Em đi ăn giỗ như vậy là thiệt thòi rồi !”.

Lài mỉm cười – nhìn tôi giây lâu :

-Em không ăn đạm động vật được. Tất cả thức ăn gọi là “mặn” – cơ thể em từ nhỏ đã không dung nạp được rồi! Ăn vào thì phải ói ra hết trơn…

-Ăn đạm thực vật, rau quả - cũng tốt lắm chứ ! Anh trông da dẻ em vẫn hồng hào kia mà…

Nàng im lặng. Ăn từng miếng nhỏ. Dì Bốn ghé lại: “Cháu ăn cho no đi nhé! Ăn chay mau tiêu, mau đói lắm đó!”.

Lài nói : “cháu xin phép dì Ba, cô Bốn về trước - buồi chiều cháu có ba tiết dạy!”.

-Dượng Hương mày say rồi – làm sao dượng cháu về? – Mợ Ba hỏi.

Cháu đi bộ cũng được, dì à ! Lài đáp khe khẽ.

Tôi vui vẻ chộp ngay cơ hội ngàn năm một thưở : “Nếu Lài không chê anh lái xe dở, thì anh chở em về cho đỡ nắng!

Mợ Ba cười lớn: “Được rồi ! Vậy mà mợ quên mất ! chở giúp em nó về chứ nó trông vậy mà  yếu lắm! Về còn đi dạy nữa, nghe cháu!”.

Lài im lặng thu quén bàn ăn.

Tôi giúp nàng mang tôi chén ra thềm giếng – nói trổng : “có vậy mà mợ cũng “quên” ! Thật là cái “quên chết người”- rồi cười vu vơ một mình.

Tôi ghé vào một quán nước mía dưới gốc cây Si cổ thụ rợp bóng mát trước ngôi trường Tiểu học, ngay ngã rẽ về Háo Lễ, bên này cầu Phú Đa. Quanh cây Si như một chiếc dù khổng lồ, là các quán nước mía, nước trái cây… Dọc vách tường ngoài trường học, cũng là các dãy quán lụp xụp – nhưng trông sạch, mát…

-Ghé lại uống ly nước mía tươi – anh uống rượu nhiều, khan rát cả cổ - Tôi quay nhìn Lài, cười nói như với cô em gái đã gần gũi thân tình lâu rồi.

Buổi trưa, vắng khách. Nắng ngoài đường, ngoài cánh đồng đang mùa gặt chói chang như bốc khói. Nhìn từng nhóm người, lom khom cắt lúa, giữa cái nắng đổ lửa trưa hè – tôi nói với Lài : “Nông dân mình còn cực khổ quá em nhỉ !”.

-Cực khổ đã đành – còn thiếu ăn nữa cơ … ! Lài nhìn mông ra cánh đồng tràn ngập nắng.

Lài tiếp : “Học trò của em, mới có lớp 8, lớp 9 – cũng nghỉ học đi phụ cắt lúa, gánh lúa là chuyện thường ngày mà…”.

Hai ly nước mía mới được cán ép, nước màu vàng tươi, trông thật hấp dẫn. Tôi mở lọ muối rang, lấy thìa cho muối vào ly của Lài một tý. “có chút muối cho đỡ ngợt, đỡ ngán…”.

-Em vẫn quen uống vậy mà… Nàng bưng ly nước lên – “Mời anh…” – uống từng hớp nhỏ. Nàng vẫn trầm lặng, buồn buồn. Tôi chợt nhận ra, dường như, ở con người luôn khẽ khàng nhu mì ấy, đều toát lên một vẻ gì mong manh, trầm mặc, khó hiểu …

Tôi đăm đăm nhìn thẳng vào mắt nàng – giây lâu, rồi nói : “Xin lỗi em, anh hơi tò mò – sao trông em bao giờ cũng có vẻ buồn buồn ?”.

-Em không buồn nhưng… em không muốn sống nữa ! – Lài thì thầm như chỉ nói với riêng mình.

Tôi thấy nơi đôi mắt to đen lóng lánh của nàng như ẩn chứa bao nỗi niềm xa khuất khó nói. Tôi hơi choáng vì câu nói bất ngờ ngoài dự đoán.

-Lài có thể  cho anh biết lý do vì sao không? Lúc này tôi thật sự ngạc nhiên trước ý nghĩ của một người con gái trẻ tuổi, xinh đẹp như nàng – “em đã bị tình phụ phải không? “. Thốt nhiên, tôi hỏi .

-Không ! Em chưa yêu ai bao giờ - nàng nhếch môi cười, mơ hồ, hay nói đúng hơn là không dám yêu ai!

-Ngay cả anh ? – Tôi hỏi, giọng chân thành.

Lài bắt đầu khóc. Sướt mướt. Mùi mẫn. Tôi cảm thấy hối hận vì câu hỏi đường đột, sỗ sàng của mình.

-Anh đã làm cho em khóc, phải không, Lài ? Tôi kéo ghế ngồi cạnh nàng, quàng một cánh tay qua bờ vai thon đầy đang rung lên…

-Anh hiểu như vậy cũng được – nàng cố lau khô những giọt nước mắt đang chảy ràn rụa trên mặt – “Chính anh đã làm cho em nghĩ tới cái chết nhiều hơn, lúc này …”. Giọng nàng trong trẻo lạ thường.

-Em không nên nghĩ quẩn như thế, em sẽ được hạnh phúc, Lài à ! Tôi bóp mạnh vào bờ vai nàng; cảm thấy thật gần gùi, ấm áp – Anh chưa nói lời ấy với ai bao giờ…

 

Tôi thường tìm dịp về An Cửu thăm cậu mợ Ba, nhân tiện xuống cầu chữ Y thăm Lài. Ba má Lài còn trẻ hơn tôi nghĩ, nhưng cả hai đón mời tôi với hai đôi mắt có gì như ngần ngại, như thoáng buồn xa xôi… Lần đầu tôi cũng có chút áy náy, phân vân – nhưng nghĩ mình chân thành – sau rồi không quan tâm nữa. Tôi thực tình đến với Lài vì tình yêu, vì tương lai lâu dài chứ không là chuyện hoa bướm bên đường. Tôi đã được ngồi ở phòng riêng của Lài để trò chuyện và tôi cũng chỉ mong có thế.

Lài thường đón tôi phút đầu tiên rất vui, nồng nhiệt – nhưng càng về sau, dần dần nguội lạnh. Bình thản. Nàng như một thanh sắt đỏ được lôi ra khỏi lò lửa . Sự thay đổi chóng vánh, cố hữu – nhiều lần khiến tôi thất vọng. Tôi vừa giận vừa buồn. Tôi luôn mong thấy nàng cùng tôi chia sẻ cảm xúc, chia sẻ niềm hạnh phúc trọn vẹn.

Một buổi sáng chủ nhật – tôi không ghé lại cậu mợ Ba như mọi lần – chạy thẳng xuống Nhơn Hạnh. Ra đón tôi là Lài. Nàng bảo ba má đã lên Bình Định để thăm gia đình bác Hai có người con làm Thứ Trưởng mới về thăm. Hai cậu em xin qua phố  chợ chơi games. Ngôi nhà thật tĩnh lặng trong khu vườn rộng, rợp bóng cây.

Lúc nàng trở lên tư lự, thoáng buồn xa xôi, tôi đã mạnh dạn đến ngồi bên nàng. Tôi vội ôm ghì lấy khuôn mặt lạnh lùng yêu dấu ấy, hôn tràn lên má, lên môi, lên mắt nàng… Gương mặt Lài đỏ hồng lên. Đôi mắt long lanh đắm chìm xao xuyến. Nàng vẫn ngồi yên – phập phồng hơi thở ấm. Trông nàng đờ đẫn và dịu dàng biết bao. Tôi nhẹ nhàng mở từng chiếc cúc áo nàng. Tôi cúi hôn lên đôi vú căng đầy trắng hồng tuổi dậy thì đang hâm hấp nóng. Lài choàng tay ôm lấy hai vai tôi, ghì chặt. Tôi áp mặt lên bờ ngực nàng – rất lâu. Nghe từng nhịp đập phập phồng, gấp gáp. Lài vẫn ghì chặt hai vai tôi, trong niềm khoái cảm dâng tràn không thể kìm giữ…

Nàng đã mềm ra trong đôi tay tôi khi tôi đặt nàng xuống giường. Nàng chợt mở to đôi mắt long lanh nhìn tôi – rồi khép lại… Nàng nói trong hơi thở hụt hẫng : “Em sẵn lòng hiến dâng cho anh một đứa con trước khi em chết, anh yêu!”.

Một phút, tôi bỗng sực tỉnh như vừa ra khỏi cơn mộng du – nhìn nàng đăm đắm. Lài vẫn nằm yên, hai tay xuôi dài – đôi mắt vẫn nhắm nghiền chờ đợi. Toàn thân nàng mời gọi tôi một cách mãnh liệt.

Tôi nhẹ nhàng đỡ nàng ngồi dậy.

Cài lại các cúc áo cho nàng một cách cẩn trọng.

Lài ôm chầm lấy tôi – khóc sướt mướt.

 

Tôi quyết định đề nghị cha mẹ tôi tiến hành mọi hôn lễ cần thiết để được cưới nàng ngay trong mùa hè này. Hạnh phúc thay, cha mẹ tôi đều chìu theo ý tôi, tán thành ngay cuộc hôn nhân với Lài. Cả ba bà chị của tôi nữa, đều tỏ ra hào hứng, sôi nổi khi tôi đã “chịu cưới vợ” sau bao lần thờ ơ khướt từ sự mai mối của các chị. Chị Hai tôi chế nhạo : “Ba má thấy không duyên đã đến rồi thì nó sẽ hối thúc ba má không kịp trở tay chứ lo gì?”.

Theo lời người thầy xem bói toán, hôm nay là ngày tốt cha mẹ tôi “viếng gia” – thăm gia đình Lài để định cho các ngày lễ kế tiếp. Tôi thấp thỏm lo .Lời nàng đã nói với trong tiếng khóc hôm nào chợt đến như một đám mây đen, vần vũ, che phủ lấy tâm trí tôi : “Xin anh hãy để cho em được sống thêm bên gia đình, ba má, hai em được ngày nào quý ngày ấy. Mai sau, nếu chết là có tội, em sẽ xin vào sống trong một ngôi chùa xa xôi nào đó cho hết   kiếp này, anh à!”.

Câu nàng vừa mới nói với tôi sáng chủ nhật tuần trước đây khi đang nằm xuôi hai tay chờ đợi giây phút hiến dâng tinh khiết một đời như những đợt sóng dữ vỗ vào lòng tôi đang xao xuyến, bơ thờ : “Em sẵn lòng hiến dâng cho anh một đứa con trườc khi em chết!” . Tôi chợt thốt lên : “Lài ơi! Tại sao em lại nghĩ quẩn như vậy?”.

Tôi đi đi lại lại lẩn quẩn trong phòng – rồi tiến đến bên cửa sổ nhìn trông ra phía cổng. Đã gần hết buổi sáng rồi – sao cha mẹ tôi chưa thấy về. Tôi lẩm bẩm tự hỏi một mình, rồi mệt mỏi đến nằm dài trên chiếc divan…

Chị My vào gọi tôi dậy :

-Em xuống gặp ba má …

Tôi bật dậy như một chiếc lò xo căng  – vội vã bước ra phòng khách. Cha mẹ tôi đã ngồi yên ở đó, có lẽ, đã khá lâu..

Cha tôi nói :

-Con ngồi xuống đi !

Nhìn thoáng lên gương mặt của mẹ, tôi mơ hồ cảm nhận có điều gì không vui. Chẳng lành. Nét tươi vui hớn hở lúc ra đi, đã thế bằng vẻ trầm tư, lặng lẽ.

-Ba má không đến nhà thăm cha mẹ Lài được – Ba tôi nói, giọng điềm tĩnh.

-Sao vậy, ba ? Tôi thốt lên.

-Ba má ghé đằng nhà cậu mợ Ba con trước… Ông bỏ lửng câu nói, ngồi im lặng. Tay xoay xoay ly nước cam còn đầy.

-Rồi thế nào hả ba ?Tôi thấp thỏm.

Mẹ tôi liếc nhìn tôi – lộ vẻ đau buồn. Bà hắng giọng, với tay cầm lấy bàn tay tôi – nói như đã được sắp xếp sẵn từ bao giờ :

-Hưng à, Mợ Ba con là dì của Lài, là mợ của con – dì Ba rất thương hai đứa, nhưng không thể không cho ba má biết sự thật bấy lâu dấu kín về Lài : Lài bị mắc chứng bệnh loãng máu – nếu giải phẫu hay sinh nở - sẽ khó sống được, con à !

-Con là một bác sĩ – con liệu có chữa trị được căn bệnh bẩm sinh di truyền đó không ? Ba nhìn tôi đăm đăm. Tôi cũng nhìn ông không chớp. Tôi nhìn thấy nơi mắt ông một nỗi tuyệt vọng khó vơi.

 

Tôi vụt đứng dậy.

Bước vội về phòng.

Bấm chốt khóa cửa lại …

Tháng 4.2009

Mang Viên Long
Số lần đọc: 2861
Ngày đăng: 17.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngày phán xử cuối cùng - Phạm Nguyên Trường
Thủ trưởng - Huỳnh Văn Úc
Ngày đó - Lê Văn Thiện
Thằng con hoang - Vasiliy M. Shukshin
Nghe lầm - Nguyễn An Cư
Sau khi cởi áo lót của bạn gái, tôi đã khóc… - Đỗ Mai Quyên
Ông Tỉnh đi khám bệnh ! - Đổ Thị Hồng Vân
Hoài nhớ - Hoa Ngõ Hạnh
Hương Ngọc Lan - Phùng Văn Khai
Qủa ổi chín - Đậu Nữ Vệ
Cùng một tác giả
Ngã rẽ(*) (truyện ngắn)
Bóng hạnh phúc** (truyện ngắn)
Vôi trường úc(*) (truyện ngắn)
Quán bụi (truyện ngắn)
Người chị(1) (truyện ngắn)
Dì Lucia (1) (truyện ngắn)
Chim trời (5) (truyện ngắn)
Ông ngoại tôi (truyện ngắn)
Quà nhỏ (tạp văn)
Bèo dạt, hoa trôi … (truyện ngắn)
Quà Trung thu của ba (truyện ngắn)
Giàn hoa cát đằng (truyện ngắn)
Mùa xuân đến muộn (truyện ngắn)
Gã nhà quê vui tính (truyện ngắn)
Bà ngoại tôi (truyện ngắn)
Chữ Hiếu (truyện ngắn)
Chim bay về đâu (truyện ngắn)
Bóng ngựa qua song (truyện ngắn)
Chuyện ngày xưa (truyện ngắn)
Vầng trăng khuyết (truyện ngắn)
Biển của hai người (truyện ngắn)
Chuyện xóm củi (truyện ngắn)
Dáng mộng (1) (truyện ngắn)
Lại một mùa xuân (truyện ngắn)
Ông Ba Phải (truyện ngắn)
Chim chuyền buội ớt (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn -1 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-2 (truyện ngắn)
Chiếc cà vạt (truyện ngắn)
Tiên Thủy (truyện ngắn)
Vội vàng (truyện ngắn)
Vết son (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-3 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-4 (truyện ngắn)
Có những mùa trăng (truyện ngắn)
Một trường hợp (truyện ngắn)
Một cõi đời riêng (truyện ngắn)
Chờ bão (truyện ngắn)
Bên trời mơ ước (truyện ngắn)
Mèo con yêu dấu (truyện ngắn)
Phố người (truyện ngắn)
Một câu chuyện tình (truyện ngắn)
Bà già khòm (truyện ngắn)
Ăn tết ở chùa (truyện ngắn)
Những kẻ tạm trú (truyện ngắn)
Quê nhà , chiều 30… (truyện ngắn)
Phút chót (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Một Ngày Cô Độc (truyện ngắn)
Chùa Cô Ba (truyện ngắn)
Thị Trấn Êm Đềm (truyện ngắn)
Mây hoàng hôn (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Mùa Hè (truyện ngắn)
Quán Café Tulip (truyện ngắn)
Nỗi Khổ Không Rời (truyện ngắn)
Về Lại Chốn Xưa (truyện ngắn)
Bên Tách Trà Khuya (truyện ngắn)
Sáu Bẹo (truyện ngắn)
Lộn Ngược (truyện ngắn)
Quán Bên Sông (truyện ngắn)
Tách trà cổ (truyện ngắn)