Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
680
116.546.810
 
Trả nợ miệng
Huỳnh Văn Úc

Ngày xưa-thì cứ nói như thế cho nó văn hoa- nhà tôi và nhà Cao Kỵ tiên sinh chơi với nhau không thân mà cũng không sơ. Cao Kỵ tiên sinh tên là Cao Đình Kỵ nhưng tôi mạn phép bỏ chữ lót để gọi tắt là Cao Kỵ cho nó có vẻ cổ trang và trang trọng. Cả hai nhà đều không phải là cư dân gốc nơi đô thành, có một thời, cả hai sống và làm việc ở một thị xã miền trung du. Ở cái thị xã nhỏ bé ấy, hai gia đình ở cạnh nhau, cả hai phu nhân-tôi lại dùng chữ nghĩa cổ trang rồi, nhưng vì đã gọi nhau là tiên sinh thì vợ tiên sinh cũng phải nâng cấp lên phu nhân cho xứng đáng- đều nuôi lợn, thời ấy người ta gọi lợn là thủ trưởng, hai phu nhân thường sang nhà nhau chơi để ngắm thủ trưởng:

 

Em hay đứng cạnh chuồng ngắm lợn

Thấy lợn cười em cũng cười theo

Lợn ơi ! Lợn là niềm hi vọng

Là phút sướng vui, là nỗi khổ đau.

 

Tình hữu nghị giữa hai phu nhân vì thế mà đã có một thời bền chặt. Thế còn hai đức phu quân ? Có việc để cho hai ngài làm đấy ! Ngày chủ nhật, mời hai ngài mượn chiếc xe ba gác, kéo lên Công ty chất đốt để xếp hàng mua than, xong rồi hè nhau người kéo người đẩy đi qua một đoạn dốc trên đường về nhà. Rồi đi bốc bùn về nặn than, xếp thành hàng ra sân phơi, than khô thì thu dọn xếp vào xó bếp. Nhờ than mà tình hữu nghị giữa hai đức phu quân ngày càng được củng cố. Thế còn bọn trẻ lau nhau ? Nhờ ơn Chúa, cả hai nhà đều có nếp có tẻ, nhà nào cũng một trai một gái, không trai trước thì cũng gái trước, đề huề cả.

 

Vật đổi sao dời, kinh tế phát triển, nhà Cao Kỵ tiên sinh và nhà tôi đều chuyển về Hà Nội  làm việc, lương lĩnh bằng thẻ ATM, hết ga thì nhấc điện thoại gọi, mươi phút sau đã có cái đun, chẳng phải than củi lôi thôi nữa; lợn đã hết thời ở ngôi thủ trưởng, bây giờ người ta nuôi chúng thành đàn trong trang trại, tắm nước máy, ăn thức ăn công nghiệp. Nhà Cao Kỵ tiên sinh ở gần khách sạn Daewoo, đó là ngôi nhà hai tầng, có dàn hoa giấy hai màu mọc từ sân leo lên lan can tầng hai. Tôi ở  căn hộ tầng một của một chung cư ở trung tâm thành phố. Vì xây dựng đã lâu, từ những năm 80 của thế kỷ trước nên các căn hộ từ tầng hai trở lên thì được đeo ba lô lồng sắt, còn ở tầng một thì tất cả các hành lang và chỗ đất trống thuộc phạm vi căn hộ đều biến thành phòng ở. Nhờ vậy bước vào bên trong căn hộ của tôi, người ta có cảm giác rộng rãi thoải mái. Nhà của cả hai chúng tôi đều có đặc điểm dễ tìm, vì mặt tường phía trước dày đặc quảng cáo khoan cắt bê tông. Đã có lần tôi tức lắm, thuê thợ quét vôi trắng xóa rồi đèn pin một bên và gậy một bên, quyết tâm rình bắt cho bằng được. Rình được ba đêm, không thấy động tĩnh gì, tôi tưởng là chúng sợ, kê cao gối ngủ kỹ, sáng ra lại thấy dày đặc  khoan cắt bê tông. Tuy bị thất bại trong sự rình mò, nhưng tôi tự an ủi rằng, dẫu sao cái bức tường có quảng cáo khoan cắt bê tông hoành tráng cũng giúp cho những người lạ lần đầu tìm đến nhà dễ dàng hơn.

 

Vì hai nhà ở cách nhau khá xa, mà sự đi lại thì bất tiện, nên những cuộc thăm viếng hữu nghị giữa hai nhà cũng trở nên thưa dần. Tại sao lại bất tiện ? Có lần ông chủ tịch thành phố làm một con tính chia đơn giản, đem tổng số 530 km đường trong nội thành Hà Nội chia cho số ô tô đã được đăng ký sử dụng là hơn 220.000 chiếc    số xe máy gần 2.500.000 chiếc (tính đến thời điểm ông chủ tịch nói chuyện này trong một cuộc họp), nếu từng ấy xe mà lên cơn điên đổ ra đường cùng một lúc thì mỗi ô tô chỉ còn 2,4 m và mỗi xe máy được 21 cm để xoay xở và lưu thông! Những lần lên cơn điên như thế ngày một dày và xảy ra khắp mọi nơi trong thành phố nên nghĩ đến sự đi thăm nhau người ta cũng ngại. Tôi không phải nhà thơ, cũng không hay viết ca dao hò vè nhưng cái sự tắc đường đã khiến tôi tức cảnh sinh tình ghi lại đôi câu làm kỷ niệm:

 

Tích tắc, tích tắc

Đường tắc đã lâu

Công an ở đâu

Sao không giải toả

Bụi mù khói xả

Trán vã mồ hôi

Khổ cái thân tôi !...

 

Đường đã hẹp như thế, lại còn thêm cái nạn đào đường, ông điện lực vừa mới xới lên hôm trước để đặt cáp ngầm, thì ông cấp nước hôm sau cũng lại đào lên để đặt đường ống dẫn nước. Đào đường rồi lại đào sân, mấy chiếc máy nén khí Changchai diesel engine 3 xilanh chạy ầm ầm, cấp khí nén cho những chiếc khoan máy, búa máy như những con quái vật gào thét, xới tung mặt đường. Trong một ngày ồn ào như thế, khi mà hai chiếc máy nén khí và mấy chiếc khoan máy đang  gầm rú ở sân, thì Cao Kỵ tiên sinh gọi cho tôi:

- Alô, anh đấy à, có khỏe không ?

- Bác làm ơn nói to lên một tí, mấy chiếc máy nén khí phải gió của bọn đào đường ngoài sân kêu to quá !

Cuộc điện đàm loanh quanh về những kỷ niệm ngày xưa, cái thời lợn và than đã vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai nhà; hạt bo bo cắn làm bốn phần, người hưởng ba, còn lại một phần cho lợn, rồi đến chuyện con cái trưởng thành ra sao... Cuộc hàn huyên làm cho tôi có phần cảm động .

 

Phu nhân của tôi ngồi nghe bên cạnh, câu được câu chăng, nhưng cũng đoán được nội dung câu chuyện, ban đầu thì cũng cảm động theo, nhưng dần dần về sau, với đức tính nhạy cảm của phái yếu lại nghĩ sang hướng khác. "Quái cái nhà ông này, đã lâu lắm không thấy hỏi han thăm viếng gì, mà nay lại... Thôi chết rồi, nhà ấy còn đứa con gái chưa lấy chồng..."

 

Hai đứa con nhà tôi đã yên bề gia thất, đám cưới của chúng có những ai dự, ăn cỗ hay không ăn, tiền mừng bao nhiêu đều vào danh sách cả, in ra một bản cất vào ngăn kéo, còn thì lưu trong máy tính dưới dạng một file đuôi *.xls.  Và cũng có riêng một file *.xls ghi lại những lần đi ăn đáp lễ, đám nhà ai, nhà mình ai đi dự và mừng bao nhiêu, ngày tháng thế nào đều ghi rõ cả. Ngay từ thời đám cưới các con tôi, ở cửa vào phòng tiệc hôn lễ có đặt một trái tim to đùng màu đỏ có hai chữ cái quấn quýt lấy nhau trông cũng hao hao giống trái tim, chỉ khác trái tim thật ở chỗ tâm thất và tâm nhĩ thì to mà ở cuống thì xẻ một khe hở để người ta nhét phong bì vào đó. Các đại gia ăn mặc sang trọng thì coi cái phong bì nhẹ tựa lông hồng, ngược lại cũng có người coi nó tựa núi thái sơn, nhìn nó lọt qua khe hở lòng đau như cắt, nước mắt đầm đìa-ấy chết, nói nhầm- tuy lòng đau như cắt nhưng nước mắt không đầm đìa, ngược lại trên môi phải cố sửa nụ cười sao cho khỏi méo mó. Nếu có người nào không để ý đến cái trái tim thì vào bàn tiệc nếu là phòng tiệc của nhà trai thì đang lúc ăn uống cao trào sẽ có một đoàn bốn người gồm cô dâu chú rể và bố mẹ chồng đi đến từng bàn nâng ly chạm cốc, cười cười nói nói, ai nhỡ quên cái trái tim thì lúc đó phong bì đưa ra, bắt tay bắt chân, chúc mừng đôi câu theo thông lệ. Than ôi ! Cái luật lệ ấy sao khắc nghiệt đến thế, ai cũng phải theo mặc dù cũng có lúc cười ra nước mắt. Thế nhưng cái luật lệ ấy không phải do nhà nước ban hành mà là một thứ luật tự hình thành ra trong dân chúng. Ngược lại, ông nhà nước thì ra hết văn bản này đến chỉ thị nọ, rằng thì là đám cưới phải được tổ chức văn minh, tiết kiệm, những ông bà có chức có quyền, túi tiền rủng rỉnh thì lại càng phải làm gương cho dân chúng noi theo. Thế nhưng những văn bản và các cuộc vận động như nước đổ lá khoai, lai rai vài giọt, rồi đâu lại vào đấy. Người ta lại còn trưng bày ở toà nhà 6 tầng Ruby Plaza bó hoa cưới " Thiên hoa bách ngọc ", kết bằng 90 viên ruby đỏ, 9 viên kim cương và một viên ruby sao. Còn về áo cưới thì trông ra thiên hạ, cứ muốn bắt chước nàng Coleen thửa riêng bộ áo cưới độc nhất vô nhị, giá những 20.000 bảng Anh, thế nhưng vẫn chưa  là cái đinh gì so với áo cưới của cô dâu Melania Knauss ở Mỹ, may bằng satin dài 3,9 mét, đính đá quý và ngọc trai trị giá 1,7 triệu USD. Mức tiền như thế thì dân Việt mình khó lòng theo nổi nên nhà thiết kế Kiều Việt Liên giới thiệu vài mẫu áo cưới đơn giản nhưng sang trọng và...sexy, giá tiền một bộ cỡ từ 3,5 triệu đến hơn 10 triệu...

 

Nói dông nói dài mãi, bây giờ ta hãy trở lại với sự phát hiện của phu nhân tôi. Sau khi đoán được ý đồ của Cao Kỵ tiên sinh, phu nhân bảo con trai mở ngay máy tính xem lại file lưu trữ coi thử hai đám cưới con nhà mình Cao Kỵ tiên sinh có đi dự không, đi một người hay cả hai vợ chồng, có ăn hay không ăn, tiền mừng bao nhiêu ? Tức thì có ngay kết quả, lần cưới con trai thì chồng đi ăn mừng một trăm, lần cưới con gái thì vợ đi ăn cũng mừng một trăm. Còn lần cưới con trai nhà ấy đích thân tôi đi ăn, mừng một trăm. Thì ta hãy cứ xem như là trận bóng đá, tỉ số đang là 2 trên 1, phần thắng đang nghiêng về quân ta, bây giờ có nhận của nhà ấy cái giấy mời thì cũng coi như là một dịp cân bằng tỉ số. Phu nhân tôi nhẩm tính bây giờ đang cơn bão giá, lạm phát đang ở mức cao, thịt thà rau cỏ đắt bằng sâm bằng nhung, có đi ăn thì cũng phải bấm bụng mừng cho người ta hai trăm (ngàn) có khi người ta còn lỗ. Còn về sự người ta sắp đến thăm nhà để đưa thiếp mời thì nhà mình phải sắp xếp lại cái phòng khách cho nó gọn gàng kẻo người ta chê cười.

 

Phải công nhận phu nhân tôi tính toán như thần, chỉ bốn ngày sau cuộc điện đàm, một ngày đẹp trời Cao Kỵ phu nhân tươi cười đẩy cửa bước vào nhà, lôi trong túi ra quả cau, gói trà, bánh phu thê mới làm trên Hàng Điếu, túi nhỏ mứt hạt sen, tất cả đặt lên đĩa rồi chồng lên trên tấm thiếp màu hồng, trịnh trọng xoa tay, miệng nở nụ cười :

- Chúng tôi có lời trân trọng kính mời..../.

 

Hà Nội, mùa cưới năm 2008

Huỳnh Văn Úc
Số lần đọc: 2918
Ngày đăng: 23.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hiệp Sĩ - Lương Văn Chi
Mưa - Trần Văn Bạn
Người giữ cầu bên sông - Mang Viên Long
Đánh đổi - Nguyễn Khương Bình
Cún con - Lương Văn Chi
Một áng mây bay - Trương Văn Dân
Khát vọng sống - Phạm Thái Ba
Chuyện về Thị Mầu - Lưu Thị Bạch Liễu
Ngày về - Huỳnh Văn Úc
Chiếc Bàn Đá Và Những Câu Chuyện Về Cha Tôi - Ngữ Yên
Cùng một tác giả
Nguyễn Tuyết Lê Sen (truyện ngắn)
Dã man ! (truyện ngắn)
Ngỡ ngàng (truyện ngắn)
Trực chiến (truyện ngắn)
Mèo ơi ! (truyện ngắn)
Cu Tí (truyện ngắn)
Ký ức Trường Sơn (truyện ngắn)
Ba điều ước (truyện ngắn)
Bà lão hàng xóm (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Nể vợ mày (truyện ngắn)
Chồng tôi và thơ (truyện ngắn)
Ngày về (truyện ngắn)
Trả nợ miệng (truyện ngắn)
Phố tím (truyện ngắn)
Người em họ (truyện ngắn)
Thủ trưởng (truyện ngắn)
Chị Bông (truyện ngắn)
Có thờ có thiêng (truyện ngắn)
Thằng Bờm mất ao (truyện ngắn)
Số phận con Cún (truyện ngắn)
Một mất mười ngờ (truyện ngắn)
Ai thắng ai ? (truyện ngắn)
Con cá chép (truyện ngắn)
Lão Hạp (truyện ngắn)
Bánh vẽ (truyện ngắn)
Hoa cỏ may (truyện ngắn)
Có tật giật mình (truyện ngắn)
Số đỏ (truyện ngắn)
Thằng nhà quê (truyện ngắn)
Xung đột (tạp văn)
Luật rừng (truyện ngắn)
Tai qua nạn khỏi (truyện ngắn)
Ngủ đường (truyện ngắn)
Hoa hồng có gai (truyện ngắn)
Anh yêu em! (truyện ngắn)
Song Hỷ (truyện ngắn)
Luân hồi (truyện ngắn)
Chuyện động trời (truyện ngắn)
Bộ mặt thật (truyện ngắn)
Thằng mất dạy (truyện ngắn)
Tấc đất tấc vàng (truyện ngắn)
Cái vạ văn chương (truyện ngắn)
Sinh ngày 13 tháng 7 (truyện ngắn)
Ngẩu pín (truyện ngắn)
Bản ấn đền Trần (truyện ngắn)
Nhạc vàng (truyện ngắn)
Một thời vang bóng (truyện ngắn)
Con vẹt (truyện ngắn)
Đồ quỷ! (truyện ngắn)
Tinh thần thể dục (truyện ngắn)
Ngọn lửa bất diệt (truyện ngắn)
Bóng đè (truyện ngắn)
Bất hiếu (truyện ngắn)
Dỗi (truyện ngắn)
Chiến tranh (truyện ngắn)
Thơ thẩn (truyện ngắn)
Ông ngoại (truyện ngắn)
Tình muộn (truyện ngắn)
Giông tố (truyện ngắn)
Nạp Phi (truyện ngắn)
Lời Trăn Trối (truyện ngắn)
Theo đóm ăn tàn (truyện ngắn)
Ngục Trung Ký Sự (truyện ngắn)
Cá Gỗ /Stop! (truyện ngắn)
Đẻ Khó (truyện ngắn)
Thơ Lạc Vần (tạp văn)
Putin Rơi Lệ (đối thoại)
Oan Cho Hắn Quá! (đối thoại)
Khổ Thân Thằng Mõ (đối thoại)
Kê Cân (đối thoại)
Một Phần Vạn (đối thoại)
Vũ Như Cẩn (tạp văn)
Chuyện chàng cốc sĩ (truyện ngắn)
Ksenia Sobchak (đối thoại)
Ngọn giáo (đối thoại)
Anhekđot (đối thoại)
Alexey Navalny (nhìn ra thế giới)
Tổng thống suốt đời (nhìn ra thế giới)
Tổng thống và rượu (nhìn ra thế giới)
ĐỐI THOẠI (truyện ngắn)