Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.376 tác phẩm
2.747 tác giả
757
116.499.273
 
Ðôi nét Kitô giáo
Nguyễn Ước

I. Lịch sử

 

Một tôn giáo thế giới; tính tới đầu thiên niên kỷ thứ ba có tới gần hai tỉ tín đồ. Kitô giáo đặt trọng tâm vào cuộc đời và công cuộc của *Giêsu Nadarét tại Israel và triển khai từ Do Thái giáo. Các tín đồ tiên khởi là người Do Thái, những kẻ, sau cái chết và sống lại của Ðức Giêsu, tin rằng ngài là Ðấng cứu độ, hay Ðức Kitô, kẻ đã được các ngôn sứ (prophet) hứa trong Kinh thánh Cựu Ước, và trong quan hệ độc nhất với Thiên Chúa (Thượng đế), mà ngài được tuyên bố là Con của đấng ấy và là Ngôi Lời (Logos).

 

Khi còn sống, Ðức Giêsu chọn 12 người làm Tông đồ, hình thành hạt nhân của Giáo hội như một hiệp hội hay một cộng đoàn của các tín đồ, được gọi đến cùng nhau để thờ phượng Thiên Chúa qua Ðức Giêsu Kitô, Chúa của lịch sử, đấng sẽ đến thêm lần nữa trong thời điểm đại khánh của Nước Trời.

 

Phúc âm (Tin mừng) được công bố lần đầu tiên bằng lời nói, nhưng cuối cùng, vào thế kỷ thứ nhất sau C.N. được tóm gọn thành văn bản và được chấp nhận là sách thiêng liêng có thẩm quyền, làm thành Tân Ước, được hiểu như một sự viên thành các kinh sách Do Thái hoặc Cựu Ước. Qua những chứng nhân của 12 thủ lãnh đầu tiên (Tông đồ) và những người kế tục họ, đức tin Giáo Hội hoặc “Ðạo” (Way), bất chấp sự bách hại vào những thời điểm và địa điểm khác nhau, nhanh chóng lan rộng khắp thế giới Hi Lạp và La Mã .

 

Tới năm 315, Kitô giáo được Hoàng đế Constantine tuyên bố là tôn giáo chính thức của Ðế quốc La Mã. Giáo Hội này sống sót qua cuộc tan rã của Ðế quốc ấy và “Ðêm trường Trung Cổ”, bằng cuộc sống và nhân chứng của các nhóm tu sĩ trong các tu viện, và hình thành cơ sở của văn minh thời Trung Cổ ở châu Âu.

 

Bị chia tách như là kết quả của sự khác biệt trong học thuyết và cách thực hành, những phân rẽ chủ yếu gồm Giáo hội Chính thống giáo phương Ðông; Giáo hội Công giáo La Mã, thừa nhận Giám mục địa phận La Mã làm thủ lãnh, với danh xưng Ðức Thánh Cha (Pope), thường gọi một cách thế tục và không hẳn đúng là Ðức Giáo hoàng; và Giáo Hội Tin Lành (Protestant), phát sinh từ sự nứt rạn với Giáo hội La Mã trong phong trào Cải cách vào thế kỷ 16.

 

Hết thảy người Ki tô giáo đều thừa nhận thẩm quyền của Kinh Thánh (Bible), đọc trong các buổi thờ phượng công khai, diễn ra ít nhất mỗi tuần một lần và ngày Chủ nhật, ngày đầu tiên của một tuần, để hân hoan tưởng nhớ cuộc sống lại của Ðức Giêsu Kitô. Hầu hết các Giáo hội thừa nhận ít nhất hai phép bí tích là phép Thanh tẩy (rửa tội để nhập giáo) và phép Thánh Thể (tiếp nhận Mình thánh Chúa trong thánh lễ Misa) là cốt yếu.

 

Sự thúc đẩy truyền bá Kitô giáo tới thế giới không Kitô giáo bằng các phong trào truyền giáo, đặc biệt trong hai thế kỷ 19 và 20 vừa qua, đưa tới kết quả là tạo dựng được vô số giáo hội rất vững mạnh tại các xứ đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ. Tại Việt Nam, nó có chừng 6 triệu tín đồ, khoảng 8% dân số. Các phong trào đại kết mạnh mẽ trong thế kỷ 20 cổ vũ một Hội đồng các Giáo hội, tìm cách phục hồi sự hiệp nhất các Giáo hội đang phân ly.

 

II. Ðức Giêsu Kitô (k.6/5 tr.C.N.-k.30/33 s.C.N.)

 

Khuôn mặt trung tâm điểm của đức tin Kitô giáo, đấng có đặc tính là “Con Thiên Chúa” mà công cuộc cứu chuộc của ngài được đánh giá một cách truyền thống là niềm tin đá tảng của mọi tín hữu Kitô giáo.

 

Chữ Kitô (Christ, có gốc từ tiếng Hi Lạp Christus) được gắn liền với tên Giêsu trong các cộng đoàn Kitô hữu với niềm xác tín rằng ngài là đấng Messiah Do Thái. Theo kinh sách Do Thái, Messiah là đấng được xức dầu để lên ngôi vua. Messiah theo Cựu Ước cũng là đấng mà Thượng đế đã hứa là sẽ ra đời để cứu chuộc loài người sau cuộc sa ngã của Adam và Eva tại vườn địa đàng. Như thế, Messiah hay Kitô theo Tân Ước có nghĩa là Ðấng Cứu độ hay Chúa Cứu thế.

 

Giêsu người Nazareth được mô tả là con của ông Giuse và bà Maria, mà người ta tin là đã thụ thai ngài một cách đầy phép lạ do bởi Thánh Linh (Chúa Thánh Thần), theo hai sách Phúc âm của Luca và Matthêu. Rõ ràng là Ðức Giêsu ra đời tại Bêlem khoảng năm 6 hoặc 5 trước C.N. (trước ngày băng hà của hoàng đế Hê-rô-đê Cả). Thế nhưng ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng tại Nadareth. Sau khi chịu phép thanh tẩy của Gioan Baotixia bên dòng sông Jordan (có lẽ vào năm 28 hoặc 19, theo Luca 3:1). Ðức Giêsu qui tụ một nhóm 12 môn đệ thân cận, còn được gọi là các tông đồ, một con số có lẽ tượng trưng cho 12 bộ tộc của Israel, và có ý chỉ mục tiêu cải cách tôn giáo Do Thái vào thời của ngài.

 

Các tường trình chính về sứ vụ của Ðức Giêsu là bốn cuốn Phúc âm, được gọi là Tân Ước, trong đó cho thấy ngài tuyên bố sự đến của vương quốc của Thượng đế, đặc biệt Nước Trời ấy nhận vào những kẻ bị áp bức và những kẻ nghèo khó. Rõ ràng là ngài hoạt động tại các thôn làng và xứ Galilee thay vì tại các thị trấn và thành phố. Và theo tường trình trong các sách Phúc âm , Ðức Giêsu làm nhiều phép lạ chữa bệnh, trục quỉ ám và một số phép lạ “thiên nhiên” thí dụ làm lặng yên bão tố.

 

Các tường trình này cũng mô tả những xung khắc với giới Pharisiêu, gồm các học giả và người thế giá thời đó, về việc Ðức Giêsu hành xử độc lập thẩm quyền tiên tri và đặc biệt ngài tuyên bố tha thứ các tội lỗi. Thế nhưng vụ hàng giáo phẩm Do Thái giáo bắt bớ ngài dường như là hậu quả trực tiếp hơn từ hành động của ngài chống lại Ðền thánh Giêrusalem. Không chắc chắn về việc sứ vụ của Ðức Giêsu kéo dài trong bao lâu nhưng Phúc âm thánh Gio-an cho ta ấn tượng là thời kỳ rao giảng đó kéo dài 3 năm.

 

Ngài bị hành quyết bằng cách đóng đinh vào giá thập tự theo lệnh của Pontius Pilate, quan trấn thủ người La Mã, do bởi sự thúc giục của giới thẩm quyền Do Thái và có lẽ cũng do bởi những hoạt động gây bất ổn của ngài. Thời điểm của cuộc tử nạn đó cũng không chắc chắn, nhưng thông thường được xem là năm 30 hoặc 33. Các tường trình về sự sống lại của ngài từ cõi chết được bảo lưu trong các sách Phúc âm, các thư của Phao-lô, và cuốn Sứ vụ của các Tông đồ cũng đề cập tới việc sau đó ngài lên trời.

 

Trong giới phê bình Kinh Thánh hiện đại, các sách Phúc âm, nguồn thông tin về cuộc đời của Ðức Giêsu, là đối tượng thắc mắc đáng kể về tính lịch sử của nó. Một phần vì nhìn theo những dị biệt trong chính những tường trình của các sách Phúc âm (với những dị biệt giữa cuốn Phúc âm của Gio-an và ba cuốn còn lại - được gọi là Phúc âm Nhất lãm – đã gieo hoài nghi lên cuốn thứ nhất).

 

Chủ trương phê bình hình thức chú ý tới những ảnh hưởng tác động lên các “truyền thống Giêsu” trong giai đoạn trước khi các sách Phúc âm được viết ra, vào thời điểm các truyền thống ấy được lưu truyền chủ yếu trong các cộng đoàn nhỏ bằng truyền khẩu. Chủ trương phê bình giảm thiểu thì thêm vào đó bằng cách chú ý tới vai trò sáng tạo của những người viết sách Phúc âm.

 

Một số học giả hoàn toàn bi quan về các nỗ lực tái xây dựng cuộc đời của Ðức Giêsu từ các nguồn sách Phúc âm chính thức ấy; họ phân biệt giữa “Giêsu của lịch sử” và “Ðức Kitô của đức tin”, và xem chỉ có cái thứ hai là có ý nghĩa về mặt thần học đối với đức tin. Các học giả gần đây hơn thì gắn liền tầm quan trọng lớn lao hơn vào Ðức Giêsu lịch sử thay cho đức tin Kitô giáo, và cách riêng đưa ra những nỗ lực để trình bày một giả thuyết đáng tín nhiệm về Ðức Giêsu lịch sử trong liên quan tới hoàn cảnh xã hội, chính trị và văn hóa tại Palestine vào thời Ðức Giêsu, thế kỷ thứ nhất sau C.N.

 

Cũng có thể tìm thấy các đề cập hữu hạn về Ðức Giêsu trong các tác phẩm của sử gia Do Thái Josephus và các sử gia La Mã Tacitus và Suetonius và một số truyền thống Kitô giáo phi qui điển khác, được luân lưu về Ðức Giêsu, trong các văn bản mà nhiều cái được tìm thấy trễ và có lẽ là giả mạo./.

 

 

 

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 3377
Ngày đăng: 23.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn chương về tình dục: Có thật “Việt Nam lạc hậu trăm năm”? - Nguyễn Khắc Phê
Ðôi nét Do Thái giáo - Nguyễn Ước
Ðôi nét Hồi giáo - Nguyễn Ước
Thơ Của Người Đang Trẻ - Lê Khánh Mai
J.W.GỚT, G.W.PH. HÊGHEN, C.MÁC : Bàn Về Tính Dân Tộc Trong Văn Nghệ - Phạm Ngọc Hiền
Triết học tâm trí - Nguyễn Ước
Triết học tâm trí -2 - Nguyễn Ước
Triết học tâm trí -3 - Nguyễn Ước
Sự chấm dứt của một Nước Mỹ Kitô Giáo - Jon Meacham
Cái ngông của Nguyễn Công Trứ nhìn từ thời nay - Nguyễn Mạnh Hà
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)