Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
836
116.689.884
Hồn Quê Xứ Vạn – Tập Sách Chứa Đầy Tâm Huyết Về Một Vùng Đất của nhóm tác giả Nguyễn Viết Trung và Võ Khoa Châu

“Biển mênh mông xanh biếc, lúa bạt ngàn đồng xa… Đất trù phú và người hiền hòa đã làm nên một Quảng Phước xưa - Vạn Ninh nay, vùng đất có bề dày lịch sử trên 350 năm, từ xưa đã nổi tiếng với hình ảnh cơm trước mặt, cá sau lưng”.

 

Đó là lời mở đầu đầy ấn tượng của tập sách “Hồn Quê Xứ Vạn” của nhóm tác giả Nguyễn Viết Trung và Võ Khoa Châu, hai hội viên thuộc Chi hội Văn nghệ Dân gian Khánh Hòa vừa phát hành quý III-2010 do Nhà Xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nội ấn hành. Công trình sưu tầm, nghiên cứu này của Nguyễn Viết Trung và Võ Khoa Châu đã được trao giải 3A - giải thưởng Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam năm 2009.

 

Vạn Ninh - vùng đất cực bắc của tỉnh Khánh Hòa, nguyên trước kia là huyện Quảng Phước thuộc phủ Thái Khang, được thành lập năm 1653 dưới thời Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần. Đến năm 1690, huyện này thuộc phủ Bình Khang, năm 1803 thuộc phủ Bình Hòa. Từ năm 1831 đổi là phủ Ninh Hòa, gồm 6 tổng: Phước Tường Ngoại (18 làng), Phước Tường Nội (16 làng), Phước Thiện (10 làng), Phước Khiêm (12 làng), Phước Hà Nội (17 làng), Phước Hà Ngoại (10 làng).

Đến ngày 1-3-1931, phủ Ninh Hòa được đổi thành huyện Vạn Ninh, gồm 3 tổng là Phước Tường Nội, Phước Tường Ngoại và Phước Thiện… Như vậy huyện Vạn Ninh chính thức được thành lập vào năm Bảo Đại thứ 6 (1931).

 

Vạn Ninh nằm trên trục quốc lộ 1A Bắc Nam, phía Bắc tiếp giáp với huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, rồi qua Đèo Cả dài 12 km; phía Nam giáp với huyện Ninh Hòa. Trung tâm huyện là thị trấn Vạn Giã nằm giữa hai thành phố Tuy Hòa - Nha Trang, cách chẵn tròn mỗi bên 60 km, thật là một sự cân đối thú vị, một “con đường thiên lý” giao thương  phong phú.

 

Một vùng đất với trên 550 km2 rừng vàng biển bạc, từ xa xưa đã có câu ca “Trầm hương Vạn Giã…”, ngày nay lại nổi tiếng với vịnh Vân Phong về vẻ đẹp thiên nhiên với tiềm năng lớn của một cảng trung chuyển quốc tế. Một vị trí được lộc trời ban tặng, nên ông cha ta ngày trước gọi Vạn Ninh là xứ sở của cơm trước mặt, cá sau lưng.

 

Vạn Ninh còn có truyền thống về văn hóa, nổi bật là hát huê tình. Huê tình là những câu hát giao duyên nam nữ, đã có từ lâu đời, ra đời từ trong lớp người lao động. Huê tình có thể diễn xướng theo khúc thức, những câu hát có sẵn, hoặc ứng khẩu đối đáp.

 

Hồn Quê Xứ Vạn” là một tập sách in khá trang trọng. Bìa cứng, khổ 14,5 x 20,5cm, dày hơn 300 trang. Nội dung gồm 3 phần: Phần I: Cơm trước mặt: ra đồng - lên núi, giới thiệu đất đai màu mỡ, trù phú, núi rừng nhiều tài nguyên quý hiếm của Vạn Ninh. Phần II: Cá sau lưng: xuống biển - ra khơi, nói về biển bạc, các vùng đảo xinh đẹp, ẩn chứa một tiềm năng to lớn về kinh tế biển. Phần III: Dấu xưa xứ Vạn, giới thiệu truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm và nền văn hóa đa dạng, phong phú, lâu đời của vùng quê huyện Vạn Ninh.

 

Hai tác giả Nguyễn Viết Trung - Võ Khoa Châu, một người đang ở tuổi trung niên, một người đã bước sang tuổi ngoại lục tuần. Nguyễn Viết Trung là Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Dân gian Khánh Hòa, hiện đang sống, công tác ở thành phố Nha Trang. Võ Khoa Châu, cán bộ văn hóa huyện Vạn Ninh (đã nghỉ hưu), hiện sống ở Vạn Giã. Tuy độ tuổi khác nhau, sống cách xa nhau nhưng cả hai đều có chung một tình yêu sâu nặng với vùng quê xứ Vạn. Hai người đã bỏ nhiều công sức, thời giờ đi sưu tầm, gặp gỡ các bậc lão thành sống lâu đời trên đất Vạn Ninh để tìm hiểu, ghi chép và biên soạn nên tác phẩm “Hồn Quê Xứ Vạn”, giúp bạn đọc gần xa hiểu sâu về một vùng đất tươi đẹp và trù phú, một điểm nhấn của tỉnh Khánh Hòa trong thời hội nhập.

 

Xuân Tuynh